Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Với "Dấu chân biển cả" của nhà thơ Phùng Hiệu

Với "Dấu chân biển cả"
của nhà thơ Phùng Hiệu

Trong môi trường văn chương nghệ thuật chân chính của nước nhà hôm nay, nhà thơ Phùng Hiệu (sinh năm 1976) không phải là một chân dung văn học xa lạ trong và ngoài nước. Nhà thơ năng nổ quen thuộc này quê ở Đà Nẵng, lớn lên ở Đồng Nai và tốt nghiệp Đại học Khoa học Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Tác phẩm của nhà thơ Phùng Hiệu gồm có 5 tập thơ: Tình không dám ngỏ (Nxb. Văn học-2007), Thức giấc (Nxb. Thanh niên- 2010), Trong thế giới  ngụy trang (Nxb. Trẻ- 2014), Dấu chân biển cả (Nxb. Văn hóa – Văn nghệ – 2019), Biên bản thặng dư (Nxb. Hội Nhà văn – 2019). Nhà thơ Phùng Hiệu là hội viên của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo và hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ Phùng Hiệu
Gần sáu tháng qua, tôi cảm giác đã mang món nợ tinh thần canh cánh bên lòng với nhà thơ Phùng Hiệu ngay từ những ngày đầu mùa dịch nghiệt ngã gây trở ngại không yên cho nhân dân thế giới trong đó có anh em văn nghệ sĩ. Dù tình trong như đã, nhưng anh em ở xa cách nhau, nhà thơ Phùng Hiệu, vẫn ưu ái gửi đến tôi qua đường bưu điện tập thơ “Dấu chân biển cả” – cũng là tựa đề của một bài thơ trọng tâm (44 câu) đăng ở đầu tác phẩm – với lời đề tặng rất chân tình. Qua một thời gian đọc để suy nghĩ về một tác phẩm văn học được sáng tác công phu, tôi mới dám nói lên đôi lời cảm nhận của mình về đứa con tinh thần tâm huyết của một nhà thơ quen thuộc trong xã hội văn chương nước nhà.
Với sắc lam nhẹ nước biển hòa điệu cùng gam vàng lục của đá núi đại dương và màu quân phục chiến sĩ, trong khổ 13 x 20 gọn gàng, thi phẩm của nhà thơ Phùng Hiệu trước tiên đã tạo cho tôi cái cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu khi nâng niu nó trong lòng tay. “Dấu chân biển cả” là bài thơ chủ lực hiển thị đầu tiên trong thi tập cùng tên in kỹ thuật sáng đẹp với 36 thi phẩm nội dung kết tinh từ trái tim nóng bỏng của một nghệ sĩ vần điệu không xa lạ với thi khách bốn phương. Dù tựa đề các bài thơ đa dạng nhưng tất cả đã tập trung nhất quán vào một chủ đề. Đó là bài ca về lòng yêu biển cả, tình cảm núi sông quê mẹ và tinh thần bảo vệ tổ quốc thiêng liêng gắn liền với hình tượng cao đẹp của những anh lính biển quả cảm ngày đêm cầm súng bảo vệ tổ quốc.
Lời giới thiệu trang trọng mở đầu của Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh về tập thơ “Dấu chân biển cả” của nhà thơ Phùng Hiệu không khác một lời mời gần gũi ân tình những bạn yêu thơ để cùng dạo bước vào thế giới vườn hương nghệ thuật của một nhà thơ quen thuộc trên văn đàn. Chưa nói đến những bài thơ khác hiện diện trong tập thơ để hỗ trợ cho chủ đề mà vẫn đảm bảo tính tư tưởng nghệ thuật cho thi phẩm, gần nửa số lượng những bài thơ chủ lực đã minh họa tập trung vào nội dung thi phẩm đều trực tiếp thuyết minh cho nhan đề tập thơ: Hồ biển đảo từ bao mộ gió, Cánh chim bám biển, Tình xuân lính đảo, Màu xanh từ biển, Biển hát khúc quân hành, Biển đảo là anh, Ngày mai xa biển, Cánh thư gửi đảo xa, Em về với biển, Hoang đảo và anh…
Tập thơ “Dấu chân biển cả” của nhà thơ Phùng Hiệu  
Trong văn chương thế giới xưa nay, người đọc am tường đã có không ít hình ảnh những con đường, dòng sông và biển cả được xem là biểu tượng nghệ thuật của con người: Đẹp Hậu Giang (Kiên Giang), Vàm Cỏ Đông (Hoài Vũ), Cửu Long cuộn sóng (Trần Hiếu Minh), Trường ca sông Lô (Văn Cao), Dòng sông xanh Danuble (Le beau Danube bleu ( J. Strauss), sông Don êm đềm (And Quiet Flows the Don – Mikhail Sholokhop), Biển (Xuân Diệu), Ngư ông và biển cả (The Old Man and the Sea – E. Hemingway), Sóng (Xuân Quỳnh), Bạch Đằng giang (Lưu Hữu Phước)… Dù là con đường, dòng sông hay biển cả, hình ảnh nào cũng thể hiện một ý nghĩa cao đẹp, liên quan đến sứ mệnh thiêng liêng của con người.
Bài thơ “Dấu chân biển cả” của thi sĩ Phùng Hiệu cũng không nằm ngoài phạm trù văn học đó. Mỗi bài thơ trong 36 tác phẩm tinh huyết của nhà thơ dù không sắp xếp lo-gic theo từng tiêu đề tư tưởng nhưng cũng đã minh họa cho chủ đề chính của tập thơ, mà nội dung đã hình thành nên một bản họp sắc long lanh từ tia sáng trí tuệ của nhà thơ. Chịu khó hành trình từ chữ, câu, vần điệu của những bài bài thơ tư tưởng thâm thúy sáng trong suốt gần trăm trang viết đậm đặc tứ thơ chọn lọc, người đọc có cảm tưởng như cùng tác giả lâng lâng chia sẻ qua từng dòng xúc cảm chân thành.
Tình cảm trong sáng thể hiện trước tiên của nhà thơ là lòng yêu biên giới và biển đảo quê hương kết tinh ở tâm hồn nhà thơ từ sau chuyến đi thực tế 11 ngày (29/4/2018- 9/5/2018) tại hai hòn lớn của miền Trung: đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và đảo Phú Quý (Bình Thuận). Nhận thức sâu sắc được tinh thần bất khuất, ý chí quyết tâm bám biển khơi giữ đảo nhà của quân dân nơi đây, nhà thơ cảm thấy cảm xúc dâng trào, không thể không nói lên cùng đồng bào về lòng cảm phục và niềm tự hào về những chiến sĩ biên cương hôm nay và thế hệ cha ông một thời đi mở cõi.
Bao trùm lên không gian tư tưởng chủ đề bài thơ là sự ca ngợi những con người ra đi giữ nước rất khả kính trong bài thơ chủ lực vốn được đặt trước tiên trong thi phẩm: Theo cánh sóng ngược về bao thế kỷ/ Thuở cha ông nòi giống Tiên Rồng…/ Theo bước gió của đoàn binh Nam tiến/ Vượt Trường Sơn xuôi về phía đồng bằng… (Dấu chân biển cả). Cảm phục và tự hào về những người đi trước dũng cảm mở đường, nhà thơ như cảm thấy có bổn phận phải nói lên những nỗi khổ cực gian nan lẫn nguy hiểm chết chóc khi họ phải đối đầu trước thiên nhiên hoang sơ nghiệt ngã và những ác thú hung dữ vô nhân: Họ vác cuốc ngày băng rừng khai khẩn/ Đêm gối đầu lên thác đá hoang sơ/ Tay vung giáo xua tan bầy thú dữ/ Tiếng gầm vang còn vọng đến bây giờ. Tình cảm về nguồn của nhà thơ Phùng Hiệu khá gần gũi với vần thơ bất hủ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong “Nhớ Bắc”: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Nhà thơ Phùng Hiệu hoài niệm, trong thế hệ tiền nhân đi mở nước trên bước đường Nam tiến, các chúa Nguyễn đã có những công lao to lớn mà hậu thế không thể nào quên: Qua mấy đời chúa Nguyễn khai hoang/ Lưng tựa núi hồn xuôi về biển cả/ Nghe trùng khơi réo gọi bước quân hành…/ Đêm sóng vỗ/ Chúa Hiền trăn trở…/ Phía đảo hoang, lòng con luôn tưởng nhớ/ Biển thiêng liêng từ thuở bước cha về.
Nhà thơ Phùng Hiệu không quên huyền sử Rồng Tiên và thể hiện lòng biết ơn những chiến sĩ từ đất mẹ dũng cảm vượt phong ba ra bảo vệ biển đảo Trường Sa, nhà thơ vinh danh những con người đẹp nhất của quê hương đã ra đi đầu không ngoảnh lại và quyết tử chiến đấu với kẻ thù mà không hẹn ngày về đoàn tụ với gia đình vợ con: Theo chiếu chỉ đoàn hùng binh vượt sóng/ Tiến về Hoàng Sa khẳng định chủ quyền/ Đoàn tướng sĩ không hẹn ngày trở lại/ Với hải trình quên mất sự đoàn viên. Thật vô cùng cao quý cho những con người trong cảnh nước nhà nguy biến đã biết chia sẻ rạch ròi theo từng  tình cảm riêng chung.
Bài thơ chỉ 36 câu nhưng đã có đến 4 câu tác giả ân tình nhắc đến Trường Sa biển đảo máu thịt của quê hương: Trường Sa cũng là mục tiêu nhân dân nuôi ý chí tiến đến đánh đuổi kẻ thù cướp đất hung tàn: Tiến về Hoàng Sa khẳng định chủ quyền; là cõi cheo leo đầy nắng gió, mưa bão giữa trùng khơi ngày đêm sóng gầm biển hét: Giữa nắng gió Hoàng Sa như vời vợi. Trường Sa là tiếng kêu thương réo gọi với đồng bào: Kìa Hoàng Sa đang réo gọi đoàn thuyền; và nơi đó cũng là sa trường bao chiến sĩ đã gửi luôn thân xác ở biển đảo khơi xa: Các anh không về thân xác gửi Hoàng Sa.
Nhà thơ Phùng Hiệu đau đáu thừa hiểu rằng các anh ra đi chiến đấu không về, thân xác đã gửi lại nơi mảnh đất tổ tiên đã dày công khai phá như một phần xương thịt của tổ quốc, hiện nay còn hằn in dấu chân của những người đi trước, còn rành rành những cột mốc quê hương từng thắm giọt máu hồng của bao liệt sĩ anh hùng. Với ngôn ngữ dung dị có chọn lọc, bài thơ mới tám chữ (alexandrin) cách tân, câu thơ đôi lúc dài ngắn tạo nên giai điệu khác biệt để thích hợp với từng tứ thơ và thi cảnh từ một vùng đất lịch sử nơi biển khơi.“Dấu chân biển cả” là một đóa hoa thơ đẹp, long lanh hương sắc trong khu vườn nghệ thuật dân tộc hôm nay: lành mạnh về nội dung tư tưởng và điêu luyện về phong cách nghệ thuật rất đáng trân trọng.
Bài thơ “Dấu chân biển cả” của nhà thơ Phùng Hiệu xứng đáng là một bản tình ca ấm nồng giai điệu tình tự quê hương, đậm ý nghĩa của những trang hùng sử viết bằng vần điệu văn chương. Tôi có cảm nhận đây là một bài thơ hay về lòng hoài niệm tình yêu đất nước, mang tính cách của một thông điệp về nguồn, kêu gọi nhân dân ta quyết tâm đánh kẻ thù xâm lược để bảo vệ miền biển đảo quê hương.
20/7/2020
Nguyễn Thanh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...