Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Ngày thơ Việt Nam: Khi thơ ca hướng về biên cương Tổ quốc

Ngày thơ Việt Nam: Khi thơ ca
hướng về biên cương Tổ quốc

Khác hẳn những mùa xuân trước, Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM năm nay lắng đọng hơn dù có rất nhiều hoạt động từ phần lễ đến phần hội.
Không gian thơ đưa người nghe trở về với những năm tháng đấu tranh hào hùng ở biên giới phía Bắc hay biên giới Tây Nam nhiều năm trước, nơi biết bao người lính đã ngã xuống để gìn giữ biên cương, bảo vệ độc lập cho Tổ quốc.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Dương Thế Trung tham dự và đánh trống khai hội Ngày thơ Việt Nam 2019 tại TPHCM
Với chủ đề “Hướng về biên cương Tổ quốc”, ngày thơ tại TPHCM năm nay không chỉ tôn vinh những tác phẩm nêu bật tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc mà còn truyền tải tiếng gọi non sông đối với trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong việc bảo vệ và giữ gìn biên cương Tổ quốc.
Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, cũng như nhiều thanh niên yêu nước khác, chàng lính trẻ Phạm Sỹ Sáu tạm biệt quê hương, lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Ở xứ người, giữa bom đạn khốc liệt, đồng đội sẻ chia nhau từng bữa, động viên nhau mỗi ngày.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhớ lại: “Những người lính chúng tôi ra đi từ TPHCM và nhiều vùng quê khác của đất nước, chiến đấu ở vùng đất cách đất nước hàng cây số như vậy. Chúng tôi vẫn quyết liệt chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi vẫn gọi đây là cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc từ xa. Và trong cuộc chiến đó rất nhiều người lính trẻ đã nằm xuống.”
Nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn được trình diễn
Tháng 3/1981, trở lại chiến trường sau kỳ phép, ông hay tin nhiều đồng đội đã hy sinh. Cảm xúc dâng trào, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu sáng tác bài thơ “Điểm danh đồng đội” như một lời chia tay người đi, nhắc nhở người ở lại hãy cố gắng chiến đấu hết mình, sống cả phần của những đồng đội đã nằm xuống và đợi ngày trở về đất nước trong độc lập, hòa bình. Và cuối cùng, những người lính như nhà thơ Phạm Sỹ Sáu ngày ấy đã có được ngày về trong vinh quang. Thế nhưng quên làm sao được chuỗi ngày tháng gian khổ mà hào hùng ấy.
Khi nghe những nhà thơ thế hệ trước trải lòng mình về chiến tranh, về đồng đội, về sự quý giá của hai chữ độc lập, những người trẻ như Nguyễn Nam Linh, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TPHCM, thành viên Câu lạc bộ Cây bút trẻ của Hội Nhà văn TPHCM không khỏi xúc động.
Sinh ra và lớn lên vào thời bình nhưng Linh biết về những mất mát, hy sinh của cha ông đi trước qua lời kể của cha, câu thơ của thầy. Vậy nên thời điểm được nghe những nhà thơ trở về từ chiến trường kể chuyện chiến đấu, Linh mới thấm thía hai chữ “biên cương”.
“Để có được mùa xuân yên bình như bây giờ thì ông cha ta phải trải qua những mùa xuân gian khổ như vậy. Em cảm thấy rất tự hào về truyền thống của dân tộc” – cây bút trẻ Nguyễn Nam Linh chia sẻ.
Cùng với những câu chuyện về 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc được kể bằng thơ đầy xúc động, hào hùng, Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM năm nay còn mang đến nhiều tác phẩm hay về chủ đề biển đảo.
Các nhà thơ: Văn Nguyên Lương, Phan Trung Thành, Doãn Thị Như chụp hình lưu niệm tại lều thơ Chi hội Nhà văn Bến Nghé
Dành tặng độc giả tác phẩm mới nhất của mình với tên gọi “Tiếng chuông trong bão”, nhà thơ Phan Trung Thành, Trưởng ban Văn học Thiếu nhi, Chánh văn phòng Hội Nhà văn TPHCM muốn góp thêm lòng thương yêu, quý trọng với những người đang chắc tay súng giữ vững chủ quyền đất nước nơi đảo xa. Tập thơ ý nghĩa này ra đời sau chuyến đi dài ngày dọc miền Trung, đến các đảo của tác giả với nhiều đồng nghiệp khác. Nhà thơ Phan Trung Thành cho biết, điều anh ấn tượng nhất trong chuyến đi này chính là tinh thần kiên định của những người lính, người dân nơi đảo xa với mục tiêu bảo vệ chủ quyền đất nước.
Sân thơ trẻ là hoạt động nổi bật tại Ngày Thơ Việt Nam 2019 tại TP Hồ Chí Minh.
“Ở đó chúng tôi đã có những cảm xúc rất mạnh mẽ về tâm tư, nguyện vọng của mình về chủ quyền của đất nước. Và cảm xúc về tình yêu cuộc sống và sự khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ, bà con mình ở nơi đầu sóng ngọn gió” – nhà thơ Phan Trung Thành cho biết.
Theo nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM lần thứ 17 là các hoạt động giao lưu, tôn vinh những tác phẩm nói về cuộc chiến bảo về biên giới, về biển đảo quê hương. Điều này đã được 25 câu lạc bộ thơ ca tại thành phố thực hiện rất tốt từ việc đầu tư cho tác phẩm đến trang trí lều trại và truyền tải thông điệp ý nghĩa tới người yêu thơ. Đây được xem là lời tri ân gửi đến những người chiến sĩ vì nước quên thân.
“Mong rằng qua ngày thơ hôm nay thì tất cả hồn thơ sẽ lan tỏa trong đời sống xã hội để tất cả mọi người có ý thức, có tinh thần trách nhiệm công dân trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Làm sao trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ luôn có tâm thế lắng nghe khi tổ quốc gọi tên mình.” – Nhà văn Trần Văn Tuấn bày tỏ.
CLB Thơ – Hát Quan họ Kinh Bắc luôn thu hút đông đảo quan khách
Không dừng lại ở sân chơi cho những người yêu thơ, Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM nhiều năm qua đã truyền được cảm hứng sống và tinh thần yêu nước mạnh mẽ đến cộng đồng. Năm nay, lại một lần nữa, những vần thơ đẹp đã làm nên điều thiêng liêng: Hướng về biên cương Tổ quốc.
22/2/2019
Mỹ Dung
Nguồn: VOV
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...