Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Nhà thơ Lê Quang Trang nghe sững sờ làn khói lá tre bay

Nhà thơ Lê Quang Trang
nghe sững sờ làn khói lá tre bay

Nhà thơ Lê Quang Trang sinh năm Đinh Hợi 1947 tại Vạn An, Yên Phong, Bắc Ninh. Đón mùa xuân Kỷ Hợi 2019, ông tròn 72 tuổi. Đi trong làng văn bằng cả hai chân phê bình và thơ, Lê Quang Trang dường như chưa bao giờ vụt lên thành một gương mặt nổi trội, nhưng những bước chậm của ông vẫn để lại dấu vết trên hành trình bút mực nửa thế kỷ qua. Phê bình của Lê Quang Trang chỉn chu khuôn thước theo hệ thống lý luận định hướng. Ngược lại, thơ Lê Quang Trang luôn nuôi dưỡng được ánh mắt hồn nhiên với nhân tình bề bộn.
Nhà thơ Lê Quang Trang trưởng thành từ một người lính. Chất thơ hòa lẫn chất lính thời trẻ trai của Lê Quang Trang trong giây phút “Viết vội cho đứa em bộ đội” chặng cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ: “Đất nước thời thương đau/ Anh em mình đi hết/ Sân nhỏ lên rêu trơn/ Mẹ đầm đìa nước mắt” và cả trong khoảnh khắc “Mưa nguồn” dữ dội nơi biên giới phía Bắc: “Đơn vị hành quân dừng lại bên đường/ Che tạm lán nấu bữa cơm dã chiến/ Nơi cao điểm ngày mai anh đến/ Lại khát thèm từng giọt sương đêm”. Và chất thơ vẫn hòa lẫn chất lính thời tuổi già của Lê Quang Trang trong tập thơ mới nhất là trường ca “Trên con đường ấy, Trường Sơn” bồi hồi: “Đã nhiều đêm về trong giấc mơ tôi/ Gặp lại Trường Trường Sơn những năng tháng cũ/ Gặp rừng đại ngàn mùa khô lá đổ/ Gặp lại chiến tranh một thuở gian lao…”
Chính nhờ tính cách nhà thơ – người lính, Lê Quang Trang sớm nhận ra biết bao bất trắc tiềm ẩn giữa quê hương đã im tiếng súng: “Đất nước sau chiến tranh giao mùa luân chuyển/ Không ít kẻ gian manh và thực dụng giàu lên/ Người lương thiện đã nghèo lại khốn khó thêm/ Cái thị hiếu người đời như cũng khác/ Ngòi bút anh cầm cũng vênh lên ngơ ngác/ Trước đồng tiền, bát gạo, lương tri…”. Văn bản thi ca khắc nghiệt từng chứng kiến nhiều nhà thơ bỏ cuộc khi tham vọng khám phá trời cao mây trắng, nhưng không nỡ để nhà thơ nào thất bại khi âm thầm gục đầu xuống buồn vui thế tục. Chữ nghĩa Lê Quang Trang bộc lộ trọn vẹn phẩm vị nhà thơ, lúc ông lặng lẽ chuồi vào nỗi đau chưa nguôi day dứt, lúc ông lặng lẽ bám vào u uẩn chưa kịp giải bày, lúc ông lặng lẽ đồng hành rối bời chưa tan nhức nhối.
Nhìn ở chừng mực nhất định, Lê Quang Trang được xem như một gương mặt nhà thơ thành đạt. Ông làm báo đến chức Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Ông làm văn đoạt nhiều giải thưởng và giữ ghế Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Những câu thơ giúp ông trăn trở “Nghĩ về nghề” thường xuyên: “Hòn bi tròn lăn xa/ Không để lại dấu vết/ Xích xe tăng đi qua/ Vết hằn bám vào mặt đất/ Làm sao cho trang viết/ Hằn vào đời như vết xích xe tăng”. Ông tình nguyện trầm tư bên ngọn đèn mờ tỏ số phận “đối diện với tâm hồn có bao điều hụt hẫng” để khích lệ bản thân “xin anh chớ yếu mềm/ xin anh chớ hiền với cuộc đời còn nhiều quỷ sứ” và nghẹn ngào bật ra những dòng xao xác: “Móc ngoặc, tham ô, cửa quyền, luồn lách/ Lên tiếng rồi cái xấu vẫn chưa vơi/ Biết bao thứ nhân danh không diễn đạt thành lời/ Tìm cái lợi trong tầm nhìn ích kỷ/ Khoảng cách với ngôi-sao-nhắc-nhở/ Sao không thân gần như thuở chiến tranh?”.
Có rất nhiều câu thơ quặn thắt của Lê Quang Trang mà có lẽ người yêu thơ trích dẫn không cần ghi tên bài thơ, vì tôi dám chắc khi tác giả ôm lấy trái tim mình cơ hồ đổ ập lên trang giấy xót xa, ông không hề muốn có những ý tứ bất tử trong tác phẩm, mà ông chỉ mong mỏi cuộc đời ngoài kia tốt đẹp hơn! Cái danh hiệu nhà thơ sẽ không có trọng lượng gì, nếu lồng ngực nhà thơ ấy không biết kêu gào cho những con người xung quanh đang lầm lũi tủi nhục và bơ vơ. Lê Quang Trang hiểu vậy, không phải hiểu bằng lý thuyết mà hiểu bằng thực tế: “Nếu cây lúa ở đây chạm đến mọi lòng người/ Sẽ phá vỡ bao bức tường bảo thủ/ Và no ấm như bàn tay cởi mở/ Đến với mọi người dịu dàng hơn ngàn lời tuyên truyền giải thích văn hoa”.
Trong thơ Lê Quang Trang, thỉnh thoảng mới thấy dăm bài thơ có ngôn ngữ lấp lánh, như “Hoàng hôn mưa” nôn nao: “Nỗi nhớ quay cuồng, nỗi nhớ sục sôi/ Dìm anh xuống dòng sông xanh bí hiểm/ Tiếng gọi dội vào không gian/ Không nơi cập bến”. Thế nhưng, nếu chọn một bài thơ đại diện rực rỡ cho tấm lòng một nhà thơ ở Lê Quang Trang thì có lẽ là bài “Với cô bảo mẫu” dạt dào độ lượng trước những đứa con lai, những đứa trẻ còn lại của xung đột gay gắt và gắng gượng vượt qua thù hận ngăn chia: “Chị đừng băn khoăn sao tóc cháu vàng hoe/ Sao mắt cháu lại xanh, chị nhé! Chị hãy vui nhận cháu vào nhà trẻ/ Để cháu được hát ca với bạn bè… Họp phụ huynh ư? Sẽ chẳng sao đâu/ Tôi sẽ đến thay cha mẹ cháu!”. Đấy là cách hòa giải dân tộc của một nhà thơ cho xứ sở đã gánh chịu triền miên khói lửa mất mát giằng co!
Suốt cuộc đời làm thơ, Lê Quang Trang chưa từng dự định đuổi theo danh vọng thi ca. Đọc thơ Lê Quang Trang, tôi luôn hình dung ông ngồi một mình trong bóng tối với dằn vặt ngổn ngang. Lê Quang Trang đã cầm súng vì lẽ phải, và Lê Quang Trang đã cầm bút vì nước mắt. Đối với ông, “Đường dài” đáng tạc dạ ở quá khứ và đáng ái ngại ở tương lai: “Trước đạn bom và họng súng, lưỡi lê/ Không bao giờ thiếu những người sẵn sàng hy sinh, vì danh dự dân tộc/ Trước đời thường cực nhọc, với trăm nghìn lo toan/ giữ nhân cách xin đừng cho là dễ/ Nhưng để dân tộc đến công bằng và dân chủ/ còn vất vả đớn đau hơn cả hy sinh/ Và thời gian còn dài hơn năm tháng chiến tranh”. Mặt khác, những thao thức thường trực giúp Lê Quang Trang có được “những tứ thơ bất chợt” gần gũi với bao người khao khát tiến bộ xã hội: “Lý tưởng thật là hay/ Sức cuốn hút chính là ở đó/ Tiếc rằng những người điều hành nó/ Lại chưa hay/ Quan liêu, tham nhũng, cửa quyền/ Khiến mắt như mù, tai như điếc/ Chết mòn mà không biết/ Có đau không?”. Cứ thế, chất xung kích của người lính từng trải và sự nhạy cảm của nhà thơ chiêm nghiệm khiến ông nghiêm khắc đối diện trang giấy mỏng manh trắng mà hun hút sâu. Ông đặt câu hỏi “Vì ai” cho bản thân và cho chúng ta: “Mải chạy theo tiếng khen/ Quên những lời chỉ trích/ Ngày một xa nhân dân/ Sao không thành vô ích?”. Ông nhắc nhở đừng “Nói dối” cho bản thân và cho chúng ta: “Lừa người cũng đã là chuyện khó/ Dối mình mới thật chuyện trần ai/ Nhưng đấy là lương tâm trong sạch/ Nếu không cơ chế kéo đi hoài”. Ông cảnh tỉnh gìn giữ “Danh dự” cho bản thân và cho chúng ta: “Càng lên cao người ta càng nhiều cơ hội/ Để bán đi danh dự của mình/ Có thể đấy là lỗ tai thuận nghe lời nịnh/ Có thể là đồng tiền dễ đến trong tay”. Và tất nhiên, lắm lúc không tránh được ngột ngạt và mệt mỏi, ông phải thở dài cho bản thân và cũng cho chúng ta: “Luật pháp không nghiêm bắt đầu từ trên/ Xưa đã thế và bây giờ càng thế!”
Năm 1998, Lê Quang Trang viết bài thơ “Dân” đến nay vẫn còn thôi thúc chúng ta nghiền ngẫm:
Nhà Lý trị vì hai trăm mười lăm năm (1010-1225)
Nhà Trần ngắn hơn bốn chục (1225-1400)
Hậu Lê ba trăm sáu (1428-1788)
Mỗi triều bao thăng trầm
Nhà nước của dân do dân vì dân
Sao mới một phần hai thế kỷ
Mà đã bao phen bão lốc
Hỡi những ai đang trên nấc thang quyền lực
Có nhớ chăng “chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”!
Bài thơ “Dân” cũng như hầu hết tác phẩm của Lê Quang Trang không nhằm khoe khoang chữ nghĩa nhà thơ, mà nhằm nâng đỡ nền tảng đạo đức đang bị đe dọa. Tôi ủng hộ thơ Lê Quang Trang và quan điểm thi ca của Lê Quang Trang. Vì tôi tin, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào hay ở bất kỳ bối cảnh văn hóa nào, nhà thơ chỉ có một cái quyền nhỏ nhoi nhất và uy nghiêm nhất để cầm bút, đó là quyền chối từ sự tha hóa của đồng loại mình!
Bây giờ, nhà thơ Lê Quang Trang đã đón mùa xuân năm Hợi thứ bảy trong đời mình. Những được mất vui buồn của số phận cũng dần khuất chìm, dần nguôi ngoai. Mảnh đất phương Nam nắng gió lúc nào cũng nhắc ông khoảng trời chôn nhau cắt rốn vẫn hiển thị theo “Khói tre” tỏ mờ kỷ niệm: “Lá tre rụng mẹ quét về đun bếp/ Cát bụi trung du trong ngọn khói gầy/Tóc chớm bạc ngoảnh lại nhìn quá khứ/ Nghe sững sờ làn khói lá tre bay!”.
13/2/2019
Lê Thiếu Nhơn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cây lên xanh nhận đất giữ biên thùy Nhà thơ Bùi Việt Phương là hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh sinh năm 1980, thạc sĩ ng...