Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Nhà văn Trần Văn Tuấn giữa thật giả mới cũ

Nhà văn Trần Văn Tuấn
giữa thật giả mới cũ

Ở tuổi 70, nhà văn Trần Văn Tuấn vẫn miệt mài viết. Dáng vẻ gầy gò và khuôn mặt khắc khổ của ông hoàn toàn đối lập với những trang văn sinh động và hấp dẫn của ông. Với tiểu thuyết “Thật giả cũ mới” do NXB Quân Đội Nhân Dân vừa ấn hành, nhà văn Trần Văn Tuấn tự chứng minh bút lực của ông đang sung mãn, đang chín muồi với quan niệm “văn xuôi không chỉ là hồi ức, sự mô tả mà còn là sự khám phá, giải mã và mang lại những kinh nghiệm sống cho người đọc”.
Tuổi hai mươi, Trần Văn Tuấn rời quê nhà Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam để tham gia khóa huấn luyện tân binh ở Nho Quan – Ninh Bình. Tháng 11-1970, Trần Văn Tuấn và đồng đội hành quân vào miền Nam đang tưng bừng khí thế chống Mỹ. Sau ba tháng mười ngày trèo đèo lội suối, chàng lính trẻ Trần Văn Tuấn được đón Tết Tân Hợi ở chiến khu. Thuở học trò, Trần Văn Tuấn giỏi toán, nhưng khi được tiếp xúc và gần gũi với giới văn nghệ T4 Sài Gòn – Gia Định thì chất văn chương tiềm ẩn trong gã trai vùng chiêm trũng đồng bằng sống Hồng được khơi dậy. Và cây bút Trần Văn Tuấn khởi nghiệp bằng… thi ca. Những bài thơ đầu tay của Trần Văn Tuấn viết dưới cánh rừng địa bàn tam giác sắt Bến Cát – Bình Dương đều là những cảm xúc chân thành và cũng được in báo Văn Nghệ Giải Phóng, được đọc trên Đài phát thanh Giải Phóng.
Đất nước thống nhất, Trần Văn Tuấn xuất ngũ một bản thảo khá dày, đặt tên là “Hoa mơ”. Thật khó mường tượng, nếu bản thảo chép tay “Hoa mơ” ấy được xuất bản để cổ vũ phong trào bộ đội sáng tác và Trần Văn Tuấn theo đuổi giấc mộng thi sĩ thì bây giờ độc giả có một nhà văn Trần Văn Tuấn hay không. Đất nước vừa im tiếng súng với bao nhiêu ngổn ngang, Trần Văn Tuấn vừa tập tễnh làm phóng viên vừa lụi cụi làm thơ về miền thương nhớ chông chênh. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Trần Văn Tuấn lại tái ngũ, để nhận công tác tại phòng tuyên huấn Quân khu 7. Sau bài thơ “Về một sự thật” có chiều kích như xã luận nhận diện kẻ thù, Trần Văn Tuấn chuyển sang viết bút ký về các trận đánh quyết liệt nơi giáp ranh Vĩnh Hưng – Svay Riêng, Tân Biên – Prey Veng, Lộc Ninh – Kratie… Có trớn giấy mực, được đà hào hứng, Trần Văn Tuấn thử viết truyện ngắn “Gia đình” vào năm 1980 và yên tâm tạm biệt nàng thơ để đi theo con đường văn xuôi!
Tính từ tiểu thuyết “Từ một chuyến tàu” in năm 1984 đến nay, nhà văn Trần Văn Tuấn đã có hơn chục đầu sách. 35 năm, hết làm chuyên môn ở báo Sài Gòn Giải Phóng lại làm công tác tổ chức ở Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn Trần Văn Tuấn vẫn tung ra hàng loạt tiểu thuyết có sức ảnh hưởng đến đời sống văn học như “Kẻ lang thang”, “Người đàn bà bị săn đuổi”, “Ngày thứ 7 u ám”, “Người gò mả”, “Rừng thiêng nước trong”, “Đại gia tỉnh lẻ”, “Thông tin đa chiều”, “Vẫn là binh nhất”… thì rõ ràng sức nghĩ, sức viết của ông khiến đồng nghiệp phải nể trọng.
Không khó để nhận ra, nhà văn Trần Văn Tuấn có sở trường thể hiện những trang văn mang đậm ký ức của chiến tranh và dư âm của chiến tranh. Mảng đề tài ấy, đeo bám và ám ảnh ông, như một món nợ phải trả cho lý tưởng thanh xuân của bản thân mình và cho cả những hy sinh thầm lặng của thế hệ mình. Nhà văn Trần Văn Tuấn không chủ tâm tôn thờ thứ ánh sáng ngạo nghễ và kiêu hãnh phát ra từ những người gặt hái được thành quả, mà ông xoáy vào sự mất mát và sự chịu đựng của những người dâng hiến vì cái chung của cộng đồng. Nhà văn Trần Văn Tuấn sớm ý thức được rằng, phản ánh hiện thực không còn là phương pháp sáng tạo tối ưu, mà từng phận kiếp nhỏ nhoi phải được tương tác như một phép thử trong bộn bề sinh tử để bật ra ẩn số của lịch sử. Đó cũng là điểm nhìn xuyên suốt của nhà văn Trần Văn Tuấn, để thông cảm cho những người đàn bà chìm nổi theo dòng chảy ly loạn, cũng như chia sẻ với những người lính hậu cần lặn lội giữa mưa nắng đạn bom.
Chỉ chuyên chú đề tài chiến tranh, nhà văn Trần Văn Tuấn cũng đã có thành tựu. Thế nhưng, ông đã can đảm bước khỏi biên độ an toàn của hành trình viết. Nhà văn Trần Văn Tuấn không ngần ngại động bút vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hôm nay, mà tiểu thuyết “Thật giả cũ mới” là một ví dụ tiêu biểu. Thật lạ, một con người lúc nào cũng có vẻ vội vàng, lúc nào cũng có vẻ sốt ruột như Trần Văn Tuấn lại có khả năng phóng tầm mắt quan sát sự vật xung quanh một cách tỉ mỉ và thấu đáo. Và cũng thật lạ, càng nhiều tuổi, văn của Trần Văn Tuấn càng hoạt. Cùng một góc quy chiếu, nhưng tiểu thuyết “Ngõ hẻm bên cầu” xuất bản năm 1985 và tiểu thuyết “Thật giả cũ mới” xuất bản gần đây, khác biệt hoàn toàn về sắc thái ngôn ngữ và cấu trúc tác phẩm. Nếu như “Ngõ hẻm bên cầu” chỉ kể chuyện ngược xuôi vui buồn, thì “Thật giả cũ mới” dắt người đọc vào những ngóc ngách sâu kín hơn. Tiểu thuyết “Thật giả cũ mới” chỉ 250 trang in mà phơi bày cả một bức tranh nhiều dằn vặt, nhiều âu lo, nhiều day dứt.
Tiểu thuyết Giữa thật giả mới cũ của nhà văn Trần Văn Tuấn
Nhà văn Trần Văn Tuấn bộc bạch: “Khi gặp vấn đề chỉ lóe lên hoặc chợt đến là tớ bình tâm viết ngay, viết hào hứng, nhẹ nhàng, không cầu kỳ, gò ép. Khả năng tập trung cao, trí nhớ tốt giúp cho tôi dựng nên cốt truyện nhanh và huy động tối đa vốn sống. Cái hấp dẫn của tác phẩm chính là cốt truyện. Có cốt truyện hay nó lôi cuốn mình làm việc không biết mệt mỏi, không kể thời gian”. Nói thì nói vậy, nhưng để viết về một đô thị đang từng ngày phô trương vật chất với những sôi sục danh lợi, không hề đơn giản. Con hẻm Ba Tám Ba trong tiểu thuyết “Thật giả cũ mới” mở ra từ hai căn nhà bề thế án ngữ đầu hẻm và khép lại bằng căn nhà không số chốt chặn cuối hẻm, với những mảnh đời vừa quăng quật vừa xôn xao, vừa cô lẻ vừa dan díu.
Tiểu thuyết “Thật giả cũ mới” không có nhân vật chính. Gương mặt của cư sĩ Đầu Trọc xuất hiện từ đầu đến cuối tiểu thuyết “Thật giả cũ mới” cũng chỉ giống như sợi dây kết nối những gương mặt khác nhau. Con hẻm Ba Tám Ba với vài chục gia đình mà dung chứa bao nhiêu loại người. Người may mắn còn sống sau bão táp khói lửa, người trở về sau chuỗi ngày xuất khẩu lao động ở nước ngoài, người xứ khác tá túc nhập cư, người bôn ba xây dựng kinh tế mới quay lại thành phố… Tất cả quần tụ theo kiểu Sài Gòn, chung đụng và va chạm trên nguyên tắc “trong đối tác có đối tượng”. Trí trá như doanh nhân Phan Bình, khôn khéo như chị em Kim Loan – Kim Phượng, cuồng chữ như Ngô Trí Giả, nhẫn nại và tốt bụng như anh Tư, nhanh nhảu cơ hội như bầu show Bí, hoặc bất hạnh triền miên như cô gái lai Trâm Anh… đều bị nhào nặn trong vần xoay thời cuộc. Họ phải trả cho cuộc đời đúng cái giá mà họ đã sống, bởi sự thật săn tìm tiền bạc mang tính thị trường: “Nghèo đói ở vùng quê cùng lắm chỉ làm cho người ta thấy khổ sở, đau đớn, buồn chán. Nghèo đói nơi đô thị khiến người ta cảm thấy hèn yếu, nhục nhã và rất dễ dàng dấn thân vào tội lỗi”. Thiện ác báo ứng chính là nhân quả tuần hoàn!
Rời bỏ thi ca để đầu tư văn xuôi là một chọn lựa hợp lý của Trần Văn Tuấn. Bởi lẽ, thế mạnh của ông nằm ở lắt léo khám phá chi tiết nhiều hơn ở run rẩy suy tưởng mông lung. Tuy nhiên, ông lại dùng chất thơ để làm cho tiểu thuyết trở nên mềm mại hơn. Chẳng hạn, cư sĩ Đầu Trọc sinh động nhờ thói quen ứng khẩu lục bát “Người ta trong cõi người ta, cỏ cây hoa lá tạo ra hồn người”. Còn để lột tả không khí đô thị Sài Gòn, nhà văn Trần Văn Tuấn dùng cách nói tỉnh queo của người phương Nam trước mọi biến động, kể cả với cái chết: “Một ông già hom hem, ốm yếu xơ xác ở tuổi bảy mươi, sống với người vợ trẻ đẹp cao hơn mình cái đầu, nặng hơn hai mươi ký, không chết kiểu này cũng chết kiểu khác” hoặc “Đợt Mậu Thân, nơi ông ở bỗng nhiên thành khu vực chiến sự, Bom đạn Mỹ bất ngờ dội xuống nhà ông. Căn nhà bị phá hủy. Cả gia đình sáu người, chỉ duy nhất một mình ông sống sót. Có điều lạ, đêm ấy không hiểu sao lúc ngẫu hứng, vợ ông hưng phấn đột ngột, lật ông xuống đè lên. Dồn dập như ngựa phi nước đại. Đánh rầm một cái. Vợ ông chết ngay tức thì. Ông bị ngất xỉu”.
Điều đặc biệt của tiểu thuyết “Thật giả cũ mới” là mỗi chương có một đoạn văn ngắn “Bên lề”. Có cái “Bên lề” như truyện ngụ ngôn, có cái “Bên lề” như tâm sự của tác giả về nỗi hiu quạnh cõi nhân gian, có cái “Bên lề” nhắc nhở sự tha hóa đạo đức xã hội và có cái “Bên lề” an ủi sự gieo neo của nhân vật… Đây là chủ ý sáng tạo của nhà văn Trần Văn Tuấn, vì sau 8 chương của tiểu thuyết thì ông chỉ đưa ra “Đoạn kết tạm thời” chứ không mặc định chung cuộc đoàn viên hay đổ vỡ. Vả lại, không gian đô thị luôn chuyển động, luôn thay đổi, không thể mãi mãi có căn nhà không số án ngữ hẻm cụt trong sinh hoạt cũng như trong tư tưởng. Những cái “Bên lề” được nằm chính diện tiểu thuyết gợi mở cho độc giả nghĩ thêm về môi trường xung quanh, bởi lẽ “Trong đời sống tinh thần, việc gỡ rối có nhiều phức tạp, nhiều khó khăn nên không dễ gì tìm được giải pháp hiệu quả. Có thứ không thể cắt được. Có thứ nút thắt rất dễ gỡ nhưng vẫn không dám gỡ…”.
25/8/2019
Lê Thiếu Nhơn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...