Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Đá hát khúc ca làng

Đá hát khúc ca làng

Cũng như bao thế hệ, tôi sinh ra đá đã có rồi. Đó là đá ong - Một vật liệu đặc hữu của cư dân vùng trung du Bắc bộ. Người dân nơi đây từ lúc lọt lòng cho đến khi từ giã cõi tạm, đá ong thân thuộc gần gũi như một phần của đời sống!
Trẻ con trong làng đá, từ lúc đứng lên chập chững, bàn tay con trẻ đã được những mảng tường đá ong nhám giáp, sù sì nâng đỡ. Bước qua cái ngưỡng cổng là một sải đá ong dài chắn ngang, dưới mặt cổng là những viên đá ong dày rộng lát làm nền, hiện hữu trước mắt những tường đá ong sừng sững chạy dài. Dầu giãi dầu nắng mưa, thăm thẳm đời người, đá ong đẹp như một thời cổ tích trên mảnh đất làng.
Đó là làng tôi, làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội – Đây có thể nói là một làng điển hình của đá ong còn lại của Xứ Đoài. Từ làng tôi ngược lên Cam Thượng, Cam Đà, Thanh Lũng, Bình Lũng, Tiên Phong. Rồi miên man vào vùng Suối Hai, vui chân trên những con đường mưa bụi mùa xuân, lạo xạo dưới gót giày “sỏi mồ côi” như thủ thỉ tâm tình (sỏi mồ côi là do những vụn của đá ong phong hóa mà thành), lại bắt gặp đá ong của làng Vu Quy, Ngọc Nhị. Tạt sang Phú Sơn, Phú Hữu – Chợ Nhông, dốc Ghề (huyện Ba Vì)… Đá ong tuy thưa thớt hơn nhưng vẫn là vùng văn hóa đá ong. Từ Đường Lâm xuôi về Thạch Thất, Quốc Oai, sang Chương Mỹ… Đây là đất trăm nghề của Xứ Đoài cổ xưa, vẫn đá ong nhưng cung cách xây dựng đã có nhiều khác biệt.
Theo lý giải của các nhà khoa học, việc hình thành đá ong là kết quả tất yếu của biến đổi địa chất. Bất cứ ở đâu, hễ nơi nào lớp thảm thực vật không còn đủ để che phủ, ngăn cản việc bốc hơi nước trong lòng đất là lúc đá ong xuất hiện. Đá ong chính là sự kết tủa và ngưng đọng của ô-xít sắt, nhôm, đồng và các khoáng chất… được tạo ra từ sự phong hóa mạnh mẽ của lớp đá mẹ (gốc). Quá trình hình thành đá ong được gọi là “phong hóa nhiệt đới”, là một quá trình dài từ đó tạo nên độ dày mỏng và sự phong phú về chủng loại… Chính nguyên nhân này mà đá ong không giống nhau, đá mỗi nơi mỗi khác. Từ màu sắc, độ thô (bộng ong), độ cứng… Sự khác nhau đã làm thành riêng biệt, sắc thái đặc trưng cho từng vùng, mang lại nét đẹp đặc trưng riêng có ngay trong vùng “văn hóa đá ong”!
Đất nước ta, trải dài trên nhiều vĩ độ biến thiên nhiệt đới giớ mùa. Lại là những vùng đất được con người khai phá sớm. Lớp thực bì bị tàn phá dữ dội đã lý giải cho việc xuất hiện đá ong rải rắc nhiều nơi như Bình Định, Quy nhơn, Khánh Hòa… nhưng đá ong xuất hiện trong đời sống ở những địa phương này như là hiện tượng. Có thể khẳng định, chỉ có vùng đất hữu ngạn sông Hồng, đỉnh của tam giác châu đồng bằng Bắc bộ là nơi mật độ đá ong xuất hiện tập chung nhất, dày đặc nhất. Đó là vùng đất Xứ Đoài, nơi đá ong làm nên tên tuổi!
Cuộc hôn nhân giữa Đức Thánh Tản với nàng Ngọc Hoa (con gái vua Hùng) là quá trình tan giã của các bộ tộc, bộ lạc thời vua Hùng, cũng đồng thời mở ra một thời kỳ mới của lịch sử dân tộc: Thời kỳ chinh phục và khai mở đồng bằng Bắc bộ. Tính ưu việt của kinh tế trồng trọt và chăn nuôi thay thế cho nền kinh tế săn bắt và hái lượm trước đó mà trường ca Sơn Tinh – Thủy Tinh (núi Tản và sông Tích) là một minh chứng sinh động. Việc khai mở vùng đất hữu ngạn sông Hồng là rất sớm, đây là nguyên nhân hình thành đá ong.
Sông Tích khởi nguyên từ núi Tản chảy xuôi qua 7 huyện – phủ, tổng số 43 xã của vùng đất hữu ngạn sông Hồng chính là danh giới của Xứ Đoài mà cụ Phùng Khắc Khoan đã khái quát:
Mặc dù đánh bắc dẹp đông
Ba phủ bốn huyện của ông thì chừa.
(Ba phủ: phủ Quốc Oai, phủ Quảng Oai, Phủ Bất Bạt. 4 huyện: huyện Phúc Thọ, huyện Thạch Thất, huyện Tùng Thiện. huyện Chương Mỹ).
Xứ Đoài là một vùng văn hóa cổ, đây là một trung tâm đậm đặc với tín ngưỡng Tản Viên Sơn Thánh. Dấu vết ấy được lưu giữ bền chặt trong các cộng đồng cư dân Việt. Đối với Xứ Đoài, Thánh Tản là Đức Thánh “giáo hóa”. Thánh Tản dạy dân trồng trọt (mía ở Kẻ Mía Đường Lâm), chế biến thực phẩm (ướp cá ở Mả Mang – Cầu Trì xã Trung Hưng), tục ăn trầu ở Phú Nhi, Thuần Nghệ… (Sơn Tây). Về nghệ thuật, dạy dân hát dô ở Kẻ Xếp (Liệp Tuyết – Quốc Oai)…  quá trình chinh phục xuôi về để khai mở đồng bằng cũng chính là quá trình hình thành nên những cộng đồng cư dân đầu tiên. Do trình độ sản xuất còn thấp, thiên tai luôn đe dọa. Việc sản xuất nông nghiệp không thế tiến hành trong quy mô một gia đình, một dòng họ đã dẫn đến sự cố kết của nhiều gia đình, nhiều dòng họ đã hình nên những làng quê Việt đầu tiên trong lịch sử. Đó là những làng quê bình yên, đầm ấm và trù phú với đặc trưng cơ bản là kiến trúc đá ong.
Song song với quá trình sản xuất, nhà ở của từng hộ gia đình bắt đầu hình thành. Trong buổi bình minh của các làng quê ấy, vật liệu xây dựng là mọi thứ quanh mình. Tranh tre nứa lá làm mái lợp, đất được “trình” thành tường… Không ai ngờ một loại vật liệu ngay dưới mặt đất làng được phát hiện và sáng tạo: Đá ong tham gia vào đời sống tạo thành nét riêng có đặc trưng của Xứ Đoài!
Cho đến tận bây giờ chưa có một nghiên cứu nào xác định được thời gian đá ong khẳng định tính ưu việt. Song, căn cứ vào những công trình hiện đang tồn tại như đình Thụy Phiêu, đình Cam Đà, chùa Mía, đình Mông Phụ có thể kết luận: bốn, năm trăm năm trước các làng quê Xứ Đoài đã lấy đá ong làm vật liệu xây dựng cơ bản.
Năm 2015, Bộ VH TT ký quyết định công nhận “Làng cổ Đường Lâm” là “di tích kiến trúc nghệ thuật” thì nơi đây gần như còn lại nguyên vẹn một ngôi làng đá ong. Đá ong tham gia vào nhiều lĩnh vực xây dựng, đá xây tường nhà, đá làm chân trụ, mố cầu, đá làm cống rãnh… Tôi đã nhiều lần điền dã và khẳng định, suốt mấy trăm năm, trên đất Đường Lâm hoàn toàn không có người địa phương làm nghề khai thác đá ong! Việc khai thác hoàn toàn do thợ của Thạch Thất và Quốc Oai đảm nhiệm.
Dân làng Đường Lâm kể: Năm nào cũng vậy, ra giêng “ngày rộng tháng dài” là lúc thợ đá đến làng. Gia đình nào có nhu cầu xây dựng đều đã có thỏa thuận trước. Khai thác đá ong là một công việc khó nhọc, lâu dài từ năm này sang năm khác, đời này qua đời khác… Thông thường, thợ đá được chủ nhà “nuôi cơm ngày” và trả công theo sản phẩm. Tuy nằm trong vùng đá ong nhưng không phải địa điểm nào cũng có thể tiến hành khai thác. Tại làng Mông Phụ, chỉ có xứ đồng suối Mẻ là địa điểm duy nhất được khai thác đá ong qua hàng thế kỷ!
Suối Mẻ là một trái đối thấp, địa điểm gần làng, đường xá rộng rãi và bằng phẳng… thuận tiện cho việc vận chuyển sau khi khai thác. Đá ong ở đây có chỗ “lộ thiên” (nổi lên trên mặt đất), đối với đá lộ thiên thợ đá không thể tiến hành vì đá bị chai, cứng và dai… Cũng tại suối Mẻ, đá ong không nằm sâu dưới lòng đất, chỉ cần gạt bỏ 20 – 30cm đất mặt là đến đá rồi.
Đá ong ở suối Mẻ có hai màu cơ bản: vàng sậm và nâu nhạt. Nổ đá (bộng ong) không to, không nhỏ. Nổ đá to tỷ lệ đất nhiều, đá bị rỗng chịu lực kém. Nổ đá nhỏ sau khi bị mưa nắng mài rũa đá không để lại vẻ đẹp vốn có của đá ong! Mở lò đá ở đây có thể khai thác được nhiều lớp mà đá vẫn đảm bảo chất lượng. Thợ khai thác đá thường bỏ lớp đá mặt và không lấy quá sâu vì đá bị lẫn nhiều đất thó. Đá được dùng chỉ là đá “thăn” (lớp đá tốt nhất). Người thợ khai thác đá tùy thuộc vào vị trí mà những viên đá được lấy lên có thể dài, ngắn khác nhau. Có chỗ chỉ là “viên nửa” để xây chèn “chữ công”. Có chỗ là viên dài gấp đôi, gấp rưỡi… Khi xây, người thợ tùy ý thực hành nên bức tường đá ong xây xong rất… ngẫu hứng, không bị những viên đá đều đặn, mang đến một thứ luật “nhắc lại” nhàm chán. Đôi chỗ bị “lỗi mạch xây”, người thợ chèn vào một số viên gạch bìa… Nguyên nhân này làm cho những bức tường đá ong đầy chất thơ! Phải chăng, những người nghệ sỹ vô danh đã thổi hồn cho đá, để đá ong không giống với bất cứ vật liệu nào và đẹp trường tồn với thời gian!
Hiện nay gia đình tôi đang sở hữu và bảo tồn một ngôi nhà do tiền nhân để lại. Ngôi nhà có niên đại xây dựng 1846. Đây là một hệ thống liên hoàn rất nhiều công trình của mấy thế hệ định cư xây cất, tất cả đều được làm từ đá ong. Nhà cửa, cổng ngõ, tường ải, cống rãnh… khối lượng công việc không thể một thế hệ có thể hoàn thành. Nhà tôi gắn bó với thợ đá phủ Quốc (Quốc Oai). Mẹ tôi kể lại: Thông lệ, sau mồng mười tháng giêng, khi hội làng kết thúc cũng là lúc thầy trò cụ phó cả Đá đến nhà và bắt đầu một năm khai thác. Gia đình tôi không không ai hỏi tên thật của người thợ cả, nhưng cái tên cụ “phó cả Đá” gần gũi và gắn bó với chúng tôi mấy thế hệ.
Nhà tôi không có ruộng ở suối Mẻ, nhưng các thế hệ trước đã đổi những ruộng thượng đẳng điền lấy mấy thước đất đồi ở đây để khai thác đá ong. Chiều chiều, tiếng bánh xe “cút kít”(tựa như xe rùa nhưng đóng bằng gỗ) nặng nề lăn trên đường chở đá về làng là âm thanh quen thuộc của cộng đồng cư dân nơi đây. Khai thác đá ong không phải là thứ công việc có thể tiến hành ồ ạt. Ngày mỗi ngày, như đàn kiến lặng lẽ để… đá chồng lên đá, đá làm thành tường, thành nhà, thành nét kiến trúc độc đáo trên mảnh đất này.
Năm thứ 3 đời vua Minh Mạng (1822) nhà vua sức giấy xây thành Sơn Tây (ngôi thành trấn giữ một nửa tỉnh Hà Tây, một phần tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ), thợ đá của cả vùng Sơn – Hưng – Tuyên được triệu tập về. Sau ba năm xây dựng, một ngôi thành có kiến trúc Vuaban được hoàn thành. Thành xây 4 cạnh, mỗi cạnh 400m, cao 5m, tổng sổ 16ha. Bên ngoài thành có hào nước sâu phòng thủ. Hai bên bờ hào nước cũng được kè bằng đá ong. Kết nối vào trong thành là 4 cổng cuốn “tò vò” bằng đường “thập đạo”… Thành Sơn Tây không to nhưng vô cùng độc đáo, trừ bốn cổng thành có vòm cuốn bằng gạch thì tất cả đều được xây cất bằng đá ong!
Năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến” của Chính phủ, thành Sơn Tây bị tàn phá. Mấy chục năm sau, vẫn còn lại dấu vết một ngôi thành cổ kính và xinh đẹp đã từng tồn tại hàng thế kỷ. Cây cối mọc hoang hủy không làm khuất lấp những mảng tường thành đá ong. Trên những mảng tường ấy, cỏ vảy rồng (cỏ bịu) bám trên từng mắt đá như khẳng định… có một ngôi thành như thế, có một ngôi thành trường tồn trong chiều sâu tâm tưởng người dân Xứ Đoài!
Đầu thế kỷ XX, gạch nung thỏa mãn nhiều công trình có kiến trúc hiện đại nhưng chưa phổ biến. Đối với các làng quê Xứ Đoài đá ong vẫn là vật liệu xây dụng cơ bản. Sau đổi mới (1990), vật liệu xây dựng rất phong phú đã đẩy đá ong vào quá vãng. Song, thời gian là phép thử, những kiến trúc đá ong còn lại ngày một khẳng định vẻ đẹp của một thời.
Tôi đi lang thang thang khắp làng rồi bất ngờ lạc vào một con ngõ nhỏ, những mái ngói rêu phong, những tường đá ong sừng sững âm thầm đổ bóng mà như thấy thời gian ngưng đọng ở đất này. Từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi như thấy ngân vang một bài ca từ đá, bài ca về tính sáng tạo và sự cần cù trong lao động của biết bao thế hệ dân làng… Cho đến hôm nay, vẫn còn nguyên vẹn đây một ngôi làng đá ong, “Làng cổ Đường Lâm” đẹp như một câu thơ trong bài thơ về làng quê Việt!…
23/1/2021
Hà Nguyên Huyến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXAi biết cho em 2

Ai biết cho em 2 Tập 2 Tối nay, theo yêu cầu của Khánh Chi, Kỳ Văn đưa cô tới một quán kem. Chỉ mới sáu giờ mà trong quán đã chật ních n...