Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Chuyện làng chuyện quê

Chuyện làng chuyện quê

Năm nào cũng thế mấy chục năm rồi vẫn không chấm dứt được cái cảnh tất bật. Hình như không có thế thì không còn là “những ngày đầu năm, cuối năm”… Ta về quê, về nơi ông bà bao đời yên nghỉ. Về để thắp nén hương cúi đầu trước bàn thờ tiên tổ. Về để tri ân nơi mình đã sinh ra và lớn lên.
Bỏ chốn đô thành tấp nập ngược xuôi về với quê, quê mình đây rồi!
Tôi lang thang khắp làng trên những con đường ngày xưa đã dợm những bước chân thơ ấu. Làng quê vắng vẻ quá. Một mình mình nghe tiếng bước chân mình trên mặt đường bê tông khô xác.
Lễ hội làng cổ Đường Lâm
Cuối ngõ vườn nhà ai bỏ hoang, mấy tàu lá chuối thò đầu lên khỏi bức tường đổ bị gió xé rách tơ tướp. Chỉ có vậy thôi mà nhớ, mà thương, mà trở thành kỷ niệm ám ảnh ta suốt cả cuộc đời. Cho dù giữa chốn phồn hoa đô hội vẫn nhói lòng khi nhớ về quê với những cái đẹp hoang xơ và buồn bã ấy. Làng tôi, quê tôi ngàn đời nay hình như chỉ là thế và có thế… Mái đình, cây đa, giếng nước…!
Vào nhà một người bạn thủa thiếu thời, cái tình bạn lạ kỳ. Từ lúc tuổi hoa niên cho đến tận bây giờ khi hai đứa đã sang bên kia bờ dốc cuộc đời vẫn “mày tao”. Cái gì đã nuôi dưỡng cho tình bạn bền vững? Có lẽ chỉ có quê hương mới mang lại sự tuyệt vời này…
Ông bạn tâm sự: Buồn quá mày ạ, làm đến cuối đời vẫn nghèo. Khắp nơi người ta lấy đất làm cầu, làm nhà, làm doanh nghiệp. Ngay trong xã này, làng bên người ta nhận được bao nhiêu là tiền đền bù giải tỏa. Mình gần mẫu ruộng, lại là… “thượng đẳng điền”, thế là… bị đưa vào diện qui hoạch trồng lúa. Giá như ông “nhà nước” lấy quách đi trả cho tôi vài trăm triệu đền bù, làm lại cái nhà, cho mỗi đứa con một tí…
Gần hết đời rồi, còn gì nữa… Chán đời, vụ này tao chẳng cấy cày gì nữa. Mà có ai làm đâu, hai cái thân già, ăn hết bao nhiêu mà cứ phải sấp mặt mãi. Cả cái làng này giữ lại ruộng đất chỉ để đợi… đền bù, giải tỏa!
Trẻ con đi làm ngoài “phố” hết. Từ các Công ty đến bưng bê, phục dịch cũng hơn chán vạn cái đời nông phu. Mà cũng may chúng nó còn tìm được việc để làm. Mày tính, nếu chúng nó ở nhà lấy đâu ra việc.
Tôi nhìn lại cơ ngơi bạn tôi, bốn gian nhà mái dốc lợp ngói “Sông Cầu”. Một thứ ngói được sản xuất đại trà ở mọi làng quê vào những năm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Đất không được chọn lựa, miễn là “rập” được thành hình viên ngói là đưa vào đốt trong những lò thủ công. Đến nay, mỗi gian nhà phải căng một tấm bạt ni-lông để chống dột khi mưa và chống bụi do ngói lở rơi xuống vào những hôm trời nắng.
Muốn nói gì thì nói, trong phong trào “ngói hóa” loại ngói này đóng góp tích cực vào công cuộc xóa nhà tranh của nông thôn Việt Nam. Có lẽ chỉ còn làng tôi (Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội), một vùng quê còn tồn tại loại nhà như thế. Năm hết, tết đến rồi mà cửa nhà bạn tôi vẫn còn lạnh lẽo quá! Nghĩ mà cám cảnh, vợ chồng con cái bạn tôi đâu có lười biếng. Suốt cả một đời lao động… Phải chăng, nông nghiệp là đồng nghĩa với đói nghèo!
***
 
Sau mấy ngày tết, cũng như bao nhiêu người làng cả trẻ lẫn già. Chúng tôi lại “lên phố”. Chẳng biết bọn trẻ thế nào những riêng tôi lòng trĩu nặng ưu tư. Tâm sự ấy lại càng nặng thêm trong những ngày đầu xuân khi đến nhà một người bạn ở ven đô để dự một lễ khao thọ.
Đây là làng Quang Lãm thuộc xã Phú Lãm (nay là phường Phú Lãm, quận Hà Đông) – Một trong những làng thuộc “Tổng Xốm” nổi tiếng một thời chưa xa… Làng quê này cũng là một vùng quê “gộc gạc” lâu đời. Điều khác quê tôi chỉ là vài năm nay làng này hầu như không còn một mét vuông đất nông nghiệp nào nữa. Tất cả biến thành nhà cao tầng, thành khu công nghiệp. Bù lại, có nhà nhận được vài tỷ đồng đền bù giải tỏa.
Làng quê bạn tôi thay đổi ghê gớm quá, đến cái tên làng cũng không còn bởi tất cả đã thành “tổ dân phố”, thành phường. Song, quan sát kỹ thì mọi sinh hoạt vẫn hoàn toàn… “quê”! Nhìn những “cụ non” mới “trình giầu” (có cơi trầu ra đình làng khao sơ thọ – 50 tuổi) khăn đóng áo lương từng tốp ra vào chúc thọ những “anh bảy, chị bảy” (các cụ khao thọ bảy mươi tuổi nhưng vẫn còn trẻ khỏe lắm) mà thấy rềnh ràng quá. “Anh bảy” nhà bạn tôi cổ thắt cà-vạt, mình khoác vét-tông nhưng lại mặc một cái quần ta đỏ rộng thùng thình!
Gia đình nào hầu như bên cạnh một tập phong bì “mừng tuổi anh bảy, chị bảy” cũng kèm theo một bức chướng sơn mài, hoặc chí ít cũng là sơn vẽ trên kính với những lời chúc tụng: “Thọ tỷ nam sơn, Phúc như đông hải…”. Xong việc, chẳng biết chủ nhân sẽ treo những bức “chướng” này ở đâu trong bốn tầng nhà ống của mình. Tôi đã nhìn thấy có một nhà để chúng ở góc vườn (cạnh chuồng gà) còn nguyên tên tuổi người cho và người nhận.
Cứ thế, làng quê sau Tết Nguyên đán vẫn rộn rã hội hè đình đám. Song có lẽ dềnh dàng nhất vẫn là đám “khao thọ”. Có đám làm đến gần trăm mâm cỗ. trong một làng vài chục đám đổ dồn vào một vài ngày thì dân làng đi ăn cỗ khao khác gì chạy… loạn!
Hỏi bạn tôi về con cái ông chủ khao, bạn tôi bảo: Ông con lớn đã ngoài năm mươi chẳng có nghề ngỗng gì ngoài việc cờ bạc rong suốt ngày. Đám còn lại, đứa làm bảo vệ, công nhân cho mấy doanh nghiệp quanh vùng. Cô con gái út bán bánh rán cho học sinh ở cổng trường học, thế mà nuôi được hai đứa con và một anh chồng lêu lổng. Làng này, có đứa mở cửa hàng làm đầu, uốn tóc ngay trong làng nhưng cũng đắt hàng lắm… Bạn tôi bảo, nhà ấy còn ối tiền, đông người được chia nhiều đất nhưng có ai làm ruộng đâu. Lúc nhận đền bù cao nhất nhì làng tôi đấy!
Giá như ở quê tôi, bạn tôi cũng được “lấy đất” để nhận đền bù, đề làm lại cái nhà, để bớt nghèo… Nếu cứ làm ruộng kiểu như bạn tôi, làm ruộng theo mô hình “kinh tế gia trưởng” của những cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ từng tồn tại cách đây mấy trăm năm cho đến tận bây giờ… biết đến bao giờ mới hết nghèo. Đời người là một hữu hạn, ước mơ của bạn tôi là hoàn toàn có lý và chính đáng!
***
Vừa rồi, sau nhiều năm tôi lại về Thanh Oai, chạy dọc quốc lộ 21 C đến gần thị trấn Kim Bài – Thủ phủ của huyện này. Trước khi đi tôi cứ nghĩ rằng sẽ rất căng thẳng khi tham gia giao thông. Đặc biệt là vào dịp lễ hội chùa Hương Tích. Bởi, trước đây khoảng hơn chục năm, mỗi sáng mỗi chiều trên con đường này người tham gia giao thông cứ ào ào như… chạy loạn.
Cũng chỉ sau ngần ấy thời gian, nhiều con đường mới được mở ra để kết nối với các huyện khác như Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa… mà không phải qua quốc lộ 21C… Chỉ có đầu huyện cuối huyện mà không khí khác hẳn.
Nếu như đầu huyện gần quận Hà Đông thì dáng dấp làng quê không còn nữa bởi đất đai đã bị thu hồi cho các đô thị, các cơ sở công nghiệp, ruộng đồng hầu như biến mất hằng ngày, hằng giờ… Hôm nay đến đây áp lực giao thông đã được giải tỏa, quê bạn đây rồi. Vẫn đồng, vẫn ruộng bát ngát xanh của lúa đông xuân đang đợi mưa để phất cờ. Thấp thoáng sau chân tre là làng quê, thanh bình quá… Đặt chân lên con đường làng, cảm giác vẫn như trước đây.
Đó là một nghịch lý, kinh tế phát triển thì đổi lại mất môi trường. Chúng ta chưa giải được bài toán “phát triển trong sự hài hòa”!
Mùa xuân đang về trên quê hương nhưng trong lòng bề bộn suy tư.
24/3/2020
Hà Nguyên Huyến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​Khói trời lộng lẫy

  ​ Khói trời lộng lẫy NƯỚC NHƯ NƯỚC MẮT Đừng sợ hãi, dù vì nó mà người ta sống, chết… [1] 1.  Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai. 2.  Nhà c...