Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

Chuyện buồn vui những lần đi… Mỹ

Chuyện buồn vui
những lần đi… Mỹ

Vào hè năm 2010, vợ mình nói: anh phải đi Mỹ đón con về cho… tui. Chả là mình có đứa con gái lớn du học đã gần 4 năm nhưng không thể sống tự lập trên đất nước của “tự do” và như đứa con út, em gái nói “chị ấy bị… sốc văn hóa”, nghĩa là không phù hợp với cuộc sống Mỹ.
Ngày xưa, những năm của thập niên 70, 80 thế kỷ trước vô cùng khó khăn của đất nước, nhà nhà người người… vượt biên bằng ghe, tàu gỗ, đem sinh mạng ra đặt cược với giấc mơ no ấm. Thậm chí người ta còn đua nhau xem bói xem có số “xuất ngoại” không? Và cả cái câu cửa miệng cay nghiệt “đến cái cột điện nếu có chân… cũng muốn vượt biên”. Còn mình ngày ấy lại lao vào cuộc chiến nuôi cá trê phi, chim cút đặc biệt là nuôi… heo. Vất vả, ngày đi làm, chiều chở vài bao… hèm (bã rượu bia), tối ra quán phở quen xin 2 thùng nước lẫn với phở dư bằng chiếc xe đạp Thống nhất màu đỏ (gia tài lớn thuở ấy); lại còn làm quen với mấy cô hợp tác xã xin mua rau cũ nát giá rẻ, băm nhỏ trộn chung nồi cám nuôi heo. Bầy heo nuôi ở “chung cư” lại là nguồn sống chính của gia đình, nên có câu chuyện hài hước cười ra nước mắt “người nuôi heo hay heo nuôi người” và kết luận “Người và heo nuôi lẫn nhau”. Thôi thì cũng là gian khó một thời còn ghi nhớ mãi.
Mình nói với vợ: anh chỉ đi phỏng vấn một lần nếu không được thì… thôi không bao giờ đi nữa. Phải nói phỏng vấn xin đi Mỹ là một cực hình mà hầu hết ai đi cũng phải trải qua nhiều lần mới được. Thế rồi đến hẹn ra Sứ quán, người ta thôi thì đủ thứ để chứng minh tài sản, nhân thân… riêng mình chỉ đơn giản hộ chiếu và cái mặt… khó ưa. Hai bên nhìn nhau đánh giá mất hơn chục giây, vài câu hỏi thăm của những người chưa từng gặp rồi buông câu kết luận “ra quầy bưu điện đăng ký nhận Visa”. Thế rồi những năm sau đó mình cũng đã 4 lần đến nước Mỹ hoàn toàn chỉ vì chuyện thăm nom con cái học hành và bây giờ mình sẽ có câu chuyện nước Mỹ hoàn toàn từ những sự thật với cảm nhận cá nhân riêng tư xin miễn bình luận.
Nước Mỹ xinh đẹp rộng lớn
Thực tế ngày nay nước Mỹ, cùng một số nước phát triển khác như Nhật, Đức, Anh, Pháp… đang là những nước dẫn đầu thế giới về tiềm lực kinh tế cùng với xã hội văn minh. Ngay từ khi còn bay trên bầu trời, thật sảng khoái khi nhìn ngắm dưới mặt đất, ở nước Nhật là như những mảng màu xinh đẹp như được sắp xếp để thể hiện là nước phát triển; nhưng với Mỹ, mặt đất đẹp như một bức danh họa của Picasso với những mảng màu sắc riêng biệt và được sắp xếp nghệ thuật như một bức tranh khổng lồ dành cho đôi mắt ngắm nhìn của… đấng tối cao.
Ngay khi đặt chân lên nước Mỹ, điều cảm nhận đầu tiên là cả một bầu trời rộng lớn với không khi trong lành, đường phố sạch sẽ đến khó hiểu (khi đã qua vài lần thì lại ngạc nhiên với thái độ của cả xã hội không có cơ hội để rác ra đường). Nước Mỹ rộng lớn và chỉ có nhà chọc trời ở các thành phố trung tâm, đồng nghĩa với mọi người thường ở rất xa nhau, bình quân một người trưởng thành thường phải mất 4 đến 6 giờ cho việc lái xe di chuyển với hầu hết mỗi người một xe hơi (quả là vất vả và cho thấy Mỹ là nước ngốn xăng nhất thế giới, đồng thời cũng là nơi có giá xe hơi cũ rẻ nhất). Nhà ở đây cũng rẻ nhưng để tạo lập cuộc sống gia đình lại vô củng khó khan gian khổ. Mình từng ở những căn nhà “ổ chuột” giá hơn 30 ngàn ngay trung tâm Bellaire Houston sống chung với mèo, gián và chuột; đêm đêm những thanh niên da đen đốt lửa và cảnh sát không bao giờ đi tuần. Rồi những khu biệt thự sang trọng chục triệu đô; ngoài cổng có security mang sung và soi xe, ra vào phải có lisence của gia chủ. Đây quả là một thiên đường của những người giàu có, đẳng cấp trong xã hội Mỹ, với vườn hoa lộng lẫy trước sau, trần nhà cao vút lấp lánh những chùm đèn pha lê, trên tường treo những bức tranh gia bảo khó đoán giá; trong gara là những siêu xe cạnh chiếc xe hầm hố gia đình. Đặc biệt sau sân vườn là bến du thuyền riêng cho gia chủ cùng bạn bè mở tiệc trên sông… Những khu nhà như vậy thường thuộc về những người làm ra rất nhiều tiền như ceo của các công ty lớn, luật sư nổi tiếng. Nhưng cũng chẳng dễ dàng gì vì chi phí hàng năm cũng rất cao như dịch vụ, thuế các loại với hàng chục ngàn đô và chỉ cần mất việc là lập tức phải chuyển nhà và thay đổi cuộc sống. Đa phần người Việt mình quen đều mua nhà khoảng 300 đến 500 ngàn đô (nhưng nếu cũng căn nhà đó ở Orange County Cali, vùng biển hoặc núi thì giá nhà trên dưới triệu đô). Khác với Việt Nam, ở đây thuế dành cho nhà ở từ 2 đến 5%/năm, rồi tiền khu vực (dịch vụ trong khu), tiền cho trường học mà ai cũng phải đóng góp theo tiêu chuẩn để cho trẻ đến trường là miễn phí…
Nước Mỹ phát triển và trở thành thiên đường của thi đua làm việc, học tập đồng nghĩa với làm giàu. Ở đây bạn sẽ thấy người ta nghiêm túc trong lao động ở bất kể độ tuổi nào. Mình thường thấy cả những người đã quá tuổi lao động thậm chí hơn 80 tuổi vẫn lái xe tải nhẹ, taxi và các tiếp viên hàng không trong nội địa lại chủ yếu là người lớn tuổi không cần nhan sắc. Còn đi học thì ngay cả những người mình quen dù tuổi cao vẫn còn đi học cao đẳng cộng đồng, thậm chí học đại học một cách chăm chỉ và vì đi học còn được chính phủ… cho tiền. Hình như ở Mỹ không có khái niệm làm việc an nhàn, nghỉ ngơi. Người ta làm việc rồi lại phấn đấu làm việc với tiền lương cao hơn để hưởng mức sống cao hơn, một cuộc đua không nghỉ cùng với những ưu đãi từ ngân hàng cho đến khi… nằm xuống.
Khi gia đình mình đến thành phố du lịch San Antonio, từ ngoài xa là các bãi giữ xe với giá 3 – 5 đô/giờ nhưng càng vào gần trung tâm giá giữ xe dần cao và cao nhất là 45 đô/giờ dẫn đến ngay cả thành phố với hàng triệu du khách vẫn thông thoáng, không khí trong lành bên cạnh phương tiện giao thông công cộng phục vụ chu đáo. Việc di chuyển trong thành phố cho hầu hết mọi người là đi bộ, xe bus… và đương nhiên những phong cảnh đẹp, bảo tàng, kiến trúc và cả khách sạn sang trọng là giá trị rất cao đồng thời cũng là nguồn lợi không nhỏ…
Và nước Mỹ không… ưa tôi
Thật ra đi Mỹ để có những lúc gia đình rong chơi, tìm hiểu đất nước, con người, văn hóa và thăm hỏi những bạn tâm tình thuở mới lớn. Việc gặp lại bạn bè cũ rồi những chuyến đi chơi, bữa cơm gia đình, câu chuyện cuộc sống ngày nay với mình là những kỷ niệm quý báu không thể nào quên.
Ngoài ra với những thói quen, nếp sống thường nhật, tình nghĩa con người Việt Nam với ý nghĩa “Tứ hải giai huynh đệ” và đặc biệt là ăn uống thì nước Mỹ với mình không hề dễ chịu. Đầu tiên là thói quen ngồi quán cà phê, muốn uống cà phê ư xin lỗi phải đi 25 – 30 mile chừng 30 – 45 phút và cả thành phố chỉ có một hai quán cà phê kiểu châu Á của người Hoa hay Lee Sandwich Việt Nam. Với thói quen này, những ngày bên Mỹ thấy tin nhắn bạn bè đi cà phê ở Việt Nam chỉ biết nhìn, nhớ và nước mắt rưng rưng…
Còn ăn uống ở Mỹ với mình là cả cực hình… trừ khi được bạn bè đưa đi ăn. Nhớ những ngày rong ruổi đi Las Vegas, Phước Lộc Thọ… mỗi bữa ăn đường thường mỗi người một món với giá chỉ từ 7 đến 10 đô; mình chỉ ăn canh cua rau đay, cá kho tộ, cà pháo như ở Việt Nam, ai cũng phì cười bảo nuôi không nổi vì giá gần gấp 10 các bạn… khổ. Còn gia đình mình tự đi ăn với những chỗ con thường ăn thì không thể nào ăn nổi. Vừa ăn vừa lầm bầm chửi, ớt Mễ thì hôi, nước mắm không có thức ăn Mễ, Mỹ, Châu Âu không tài nào nuốt được. Chỉ có thịt bò, cua, tôm là ngon nhưng sao ăn nổi hàng ngày. Ngon nhất với mình là mỳ gói hoặc miến tự nấu với thịt băm…
A group of men looking at papers

Description automatically generatedNhà biên kịch Nguyễn Trung với ca sĩ Huỳnh Lợi, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung trong một chương trình văn nghệ về nguồn ở biên giới phía Bắc
Có lần vợ mình nói: “mới phát hiện ra tiệm Bún vịt Thanh Đa ở khu chợ Việt Nam” làm cho mình như được sống lại!. Một Tiệm ăn to lớn ngay trong chợ với hàng chữ khổng lồ “BÚN VỊT THANH ĐA” hạnh phúc biết bao. Phục vụ trong quán ăn toàn là người Việt, lại thêm niềm vui chan chứa. Gia đình mình gọi 2 miến gà, 2 miến vịt… (ở đây ăn miến là chắc cú, vì bún phở đều là sợi khô nhiều khi dai nhách). Thế rồi 4 tô miến như nhau được mang ra nghi ngút khói. Mình hỏi cái nào gà, cái nào vịt, phục vụ nhìn mình như từ Sao Hỏa rơi xuống rồi nói bang quơ “có một thứ chứ mấy”. Thì ra, nguyên cái thùng nước lèo to chà bá là cả gà vịt nấu chung, húp miếng nước sao thấy trào dâng những thất vọng tràn trề. Chưa hết, gà bên này người ta ăn gà lạnh (gà luộc xong bỏ vào tủ lạnh rồi mới ăn)… Ở bên này cái gì cũng có như các món ăn phở, bún bò Huế, Bún thang, bún mọc, bánh cuốn… nhưng đã mất đi hương vị thuần Việt yêu thương. Rau quả gì cũng có to hơn, đẹp hơn, tươi xanh hơn… nhưng về độ thơm, mùi vị thì… than ôi!
Những ngày đầu mới qua, mình thường bị trái giấc ngủ cứ 3 giờ sáng là thức dậy buồn đi ra đi vào… muốn ăn uống không biết tự làm đành ôm chai nước suối ra đường hóng người qua lại, thì đường phố vắng tanh lâu lâu chỉ có chiếc xe hơi chạy nhanh như chớp… nhớ cái xóm nghèo lao động, nhớ tình nghĩa quê hương bất chợt nước mắt thành dòng. Kiểu này mà “định cư” chỉ có nước… chết sớm.
Rồi cũng cái tật khó bỏ “hút thuốc lá” trở thành một cực hình khó tả. Mỗi lần đi mình mang theo nhiều thuốc lá quá quy định, được tháo rời ra khỏi cây và rải chung trong các vali, xách tay. Tất cả các sân bay Mỹ mặc dù to lớn, khổng lồ như một thành phố, nhưng không hề có phòng nào cho người hút thuốc. Có lần mình bị delay 24 giờ ở Los mà chưa nhập cảnh. Với cái ghế bố và tấm đắp nhưng suốt đêm mình lang thang trên xe điện trên không chạy vòng quanh khắp sân bay thèm thuốc buồn không tả nổi. Thế rồi khi nhập cảnh tại Houston, mình bỏ vali chạy ra ngoài hút ngay một điếu. Thế là say thuốc thẫn thờ dựa tường không đi nổi… suốt 10 ngày mình chỉ hút được có… 2 gói và tất nhiên số còn lại tặng các bạn nghiện Việt thôi. Nhớ cái cảnh mỗi lần đi mall rít lấy rít để bên cái nóng hơn 40 độ; những đêm khuya đứng đường hút thuốc sáng ra thấy cái tàn lạc lõng… Mỗi lần đi xa ghé trạm dừng chân, ai cũng hồ hởi uống nước mua đồ, riêng mình tự thưởng điếu thuốc. Trở lại xe tiếp tục hành trình, cả nhà nhăn nhó vì… hôi, bên này không khí trong sạch, hút thuốc cả tiếng sau vẫn bị la rầy – buồn.
Nước Mỹ… không ưa mình, thật vậy qua đây 4 lần thì cả 4 lần mình bị cảnh sát dí ép vì những lỗi tưởng không đáng có. Có lần thì chị hàng xóm gởi bịch mực một nắng nhưng lại gói trong giấy bóng kiếng; rồi trước khi về tiện tay vợ nhét lọ 2 lít nước sốt Mayonnaise; lần thì quên cái laptop còn trong sách tay… tiếng chuông máy soi reo lên, ngay lập tức mình bị tước hộ chiếu ép cứng vào cũi mất vài phút sau khi chà miếng bông có hóa chất dò thuốc nổ… thôi rồi.
Có lần ngán dạo chợ, mình nói thôi tha để mình ở chợ Việt Nam ngồi trong quán chè “tám” với bạn ở nhà. Ai dè mới 21 giờ đêm cả chợ đóng cửa, gọi con đón thì phải chờ 45 phút. Thế rồi cả cái chợ to lớn không một bóng người, còn một mình ôm cái bị đựng máy tính dựa tường như Khương Tử Nha câu cá chờ thời. Rồi một chiếc xe cảnh sát tuần tiễu đi ngang thấy du khách bơ vơ, viên cảnh sát khoanh tay trên mui xe chờ mình hơn nửa tiếng cho đến khi được con đón về…
Giờ đây đêm đêm trong giấc mơ, mình sợ nhất là thấy vợ ra lệnh “Ông thu xếp… đi Mỹ thăm con”, giật mình tỉnh giấc thấy cái đệm nằm… ươn ướt. Ôi Việt Nam, nhà của tôi, quê hương yêu quý của tôi, những người thân, người bạn của tôi… muôn năm.
22/2/2020
Nguyễn Trung
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ Trần Hà Yên nhẹ nhàng và trong sáng

Thơ Trần Hà Yên nhẹ nhàng và trong sáng Tôi quen biết Trần Hà Yên (tên thật là Trần Thị Minh Hạnh, bút danh Trần Hà Yên, Minh Hạnh, Hội vi...