Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

Hành trình tìm mùa xuân

Hành trình tìm mùa xuân

Tham gia các hoạt động thiện nguyện đến với những bản làng xa xôi, tôi cảm thấy mình hạnh phúc như loài chim én trong hành trình tìm kiếm mùa xuân nơi núi rừng biên cương…
Sinh ra, lớn lên và công tác nhiều năm ở vùng cao xứ Thanh, tôi có sự gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, nên rất hiểu hoàn cảnh sống, phong tục tập quán của bà con. Mặc dù những năm qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực vận hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, nhưng đây đó, sự đói nghèo vẫn hiện hữu, một số hủ tục lạc hậu còn ăn sâu, bám chặt trong nếp nghĩ, cách làm của bà con, không dễ gì ngày một ngày hai mà xóa bỏ được.
Tôi công tác tại  Hiền Kiệt, một xã biên giới nằm dưới chân dốc Cổng Trời, là địa hạt tiếp giám giữa hai huyện Quan Hóa và Mường Lát. Bởi vậy, Hiền Kiệt gần như là một trạm dừng nghỉ của lữ khách từ thành phố Thanh Hóa và các huyện miền xuôi lên trước khi vượt Cổng Trời để đến với Quan Sơn, Mường Lát hay sang nước bạn Lào. Bén duyên với vùng đất này nhiều năm nay, ngẫu nhiên tôi trở thành một chiếc cầu nối be bé để các đoàn thiện nguyện, các nhà hảo tâm kết nối liên lạc, đưa quà tặng lên các bản vùng cao.
Trong khả năng, điều kiện cho phép, tôi luôn cố gắng tham gia cùng các đoàn thiện nguyện để có thể làm được những việc có ích, mang lại nụ cười, hạnh phúc cho trẻ em, đồng bào nghèo chịu nhiều thiệt thòi so với miền xuôi. Vì công tác ở ngay nên tôi thường được admin của các đội nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện tin tưởng giao nhiệm vụ đi tiền trạm để xác định điểm đến cho các chương trình, hoạt động chia khó với vùng cao. Công việc tiền trạm, tùy từng địa bàn có khi phải đi nhiều chuyến mới đảm bảo yêu cầu. Vì vậy, ở mỗi chương trình, các thành viên khác của đoàn chỉ phải đi một lần lên địa phương, nhưng tôi thậm chí đi tới ba bốn lần.
Tôi đã từng tham gia chương trình thiện nguyện của các đơn vị như: Hội Kiến trúc sư Thanh Hóa, Câu lạc bộ Otofun Thanh Hóa, Câu lạc bộ T36 Vì cộng đồng, Câu lạc bộ Phượt thiện nguyện Miền Bắc, Câu lạc bộ Nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh… Có những câu lạc bộ mỗi năm tổ chức tới 5 – 6 đợt thiện nguyện. Có những chương trình định kỳ như:  Tặng quà cho người nghèo Tết nguyên đán; Tổ chức Tết thiếu nhi 1/6, Rằm trung thu cho trẻ em; Tặng đồng phục, đồ dùng học tập cho học sinh đầu năm học mới; Tặng áo ấm mùa đông… Có những chương trình đột xuất như cứu trợ thiên tai, hỗ trợ khẩn cấp hộ dân gặp hoạn nạn… Đặc biệt, vào dịp Tết nguyên đán, hầu hết các tổ chức thiện nguyện đều có chương trình hoạt động riêng, nên tôi cũng bận rộn hơn với vai trò “cầu nối” của mình. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung tay vì cộng đồng, chia khó với bà con vùng cao.
Trong những chuyến tiền trạm, khảo sát đời sống của bà con, không ít lần tôi phải rơi lệ. Tôi còn nhớ như in chuyến đi vào bản suối Hộc, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Hôm ấy là một chiều cuối đông, nắng vàng rực rỡ sau những ngày rét cắt da cắt thịt. Hình như ông trời cũng chiều lòng người nên mới ưu ái dành cho chúng tôi thời tiết đẹp như vậy, bởi đường vào bản chông chênh, lắt léo, chỉ cần một cơn mưa nhỏ thôi thì dù đi bộ cũng khó lòng vào được bản, đừng nói đến xe máy.
Bản Suối Hộc chỉ có vài chục nóc nhà lơ thơ nằm rải rác theo triền núi, quang cảnh khá vắng vẻ. Mấy thầy giáo dẫn đường đưa chúng tôi đến với điểm trường của bản. Gọi là trường nhưng thực ra chỉ có hai phòng học cấp bốn đơn sơ, nhỏ hẹp, dùng chung cho cả bốn khối lớp. Mỗi phòng có hai cái bảng, học sinh khối 1 và 2 học chung một lớp, khối 3 và 4 một lớp; các em ngồi quay lưng lại với nhau. Kiểu lớp ghép này vẫn còn rất phổ biến ở các điểm trường vùng cao. Cạnh đó là một dãy nhà tranh tre nứa lá. Được biết trước đây dãy nhà này dùng làm phòng học nhưng nay xuống cấp trầm trọng, nhà trường tạm thời sửa lại làm bếp ăn bán trú cho các em.
Chúng tôi di chuyển vào cuối bản mới gặp được người dân. Hôm nay bà con đang san lấp mặt bằng,  giúp một hộ gia đình dựng nhà ra ở riêng. Bà con miền núi có tinh thần tương thân tương ái rất cao, nhà ai có công việc gì là cả bản sẽ tập trung giúp đỡ.
Các thầy giáo giới thiệu chúng tôi với bà con dân bản. Chỉ một vài người biết tiếng Kinh lơ lớ, còn đa phần các mế, các chị đều lắc đầu trả lời “ chi pâu” (tiếng Mông nghĩa là “không biết). Thay vào việc trả lời các câu hỏi hay nói chuyện với chúng tôi là những nụ cười.
Nhìn một bà mế già dáng người nhỏ thó nhưng khá nhanh nhẹn đang vần một hòn đá lớn mà thấy khâm phục sức khỏe của mế. Hỏi thăm thầy giáo T. đi cùng: “Mế năm nay bao nhiêu tuổi rồi?” Thầy bảo: “ Mế khoảng ngoài 40 chị ạ!” Tôi tròn mắt, cứ tưởng mế hơn 60 tuổi! Quay sang người phụ nữ đứng gần tôi nhất để bắt chuyện thì được biết chị sinh năm 1987 và đã có 6 mặt con. Chị hồn nhiên xưng “mế” với tôi mà không biết rằng “đứa con” chị đang gọi đây hơn “mế” tới gần chục tuổi!
Tôi không tin vào những gì vừa nghe, nghĩ chắc mọi người đang đùa mình nên căn vặn lại thầy giáo T. xem có đúng không? Thầy T. chia sẻ: “Thật đấy chị ơi. Phụ nữ trên này mười ba, mười bốn tuổi đã lấy chồng, lại không biết kế hoạch hóa gia đình nên cứ sòn sòn ba năm hai đứa là bình thường. Chúng em cùng các cơ quan ban ngành chức năng của xã, kết hợp với đồn biên phòng đi tuyên truyền vận động nhiều rồi nên nay nạn tảo hôn mới giảm bớt, không còn phổ biến như trước, nhưng vẫn còn chưa dứt điểm”. Tôi tỏ vẻ “ấm ức” vì  phải làm “con” của “mế” bé hơn mình cả chục tuổi. Thầy T. bật cười bảo: “Chị em lấy chồng sớm, sinh con đông, cuộc sống vất vả nên nhanh già; vả lại cũng tại chị trẻ quá so với tuổi cơ!” Dẫu nghe câu đùa hóm hỉnh của thầy nhưng sao tôi không vui lên được, cứ cảm thấy cân cấn trong lòng một nỗi niềm khó tả.
Nhiều năm ở vùng cao, tôi đã có kinh nghiệm “trừ hao tuổi” khi giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số, vậy mà có lúc vẫn bị nhầm lẫn. Nên nếu ai đó ở miền xuôi lần đầu tiên lên thăm các bản làng dân tộc miền núi thì chuyện “mế kém tuổi con” là rất phổ biến. Nghe thì như là hài hước, nhưng ngẫm sâu thêm một chút thấy có vị gì đăng đắng, xót xa. Nhưng rất may, những năm gần đây nhờ tuyên truyền tích cực, bà con nâng cao nhận thức nên nạn tảo hôn đã giảm cơ bản. Con trẻ được thầy cô bồi đắp lòng khát khao vươn lên trong học tập để thoát khỏi đói nghèo, rũ bỏ những hủ tục lạc hậu nên đã bớt dần tình trạng bỏ học kết hôn sớm.
Rời bản Suối Hộc, tôi thì thầm trong tâm tưởng: Ngày mai, tôi sẽ trở lại nơi đây để được thấy những nụ cười tươi tắn tỏa ra từ gương mặt những người phụ nữ Mông, xua đi nét già nua khắc khổ. Nhìn lên những đỉnh cao mây phủ, nơi đó có loài đào đá kiên gan đứng giữa đất trời chịu đựng sương giá tái tê. Nhưng tôi biết trong từng cành già sù sì  quặn thắt  kia vẫn cuồn cuộn chảy một mạch sống trẻ trung, mạnh mẽ, để  ngày mai những nụ hồng bật lên phơi phới… Cũng giống như người Mông ở những bản làng heo hút mà tôi đã đi qua, hôm nay dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng ngày mai với những nỗ lực của chính họ và sự quan tâm hỗ trợ của cả cộng đồng, cuộc sống của bà con sẽ đổi thay. Tham gia các hoạt động thiện nguyện đến với những bản làng xa xôi, tôi cảm thấy mình hạnh phúc như loài chim én trong hành trình tìm kiếm mùa xuân nơi núi rừng biên cương.
Lại một mùa xuân nữa đang về trên vùng cao xứ Thanh, nơi tôi gắn chặt bao nhiêu kỷ niệm đẹp khó quên.
6/3/2020
Nguyễn Cúc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét