Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Tro bếp mùa xưa

Tro bếp mùa xưa

Mẹ cời sạch tro quanh chân kiềng, trả lại nền nhà bếp láng coóng như bộ nhị khúc đang “lên nước”. Lúc đó thể nào tôi cũng đang vo gạo cắm cơm sáng hoặc cầm cái chổi xương quét lẹt xẹt ngoài sân. Mẹ đi ngang qua chỗ tôi, một tay giữ cái thúng tro bên hông, tay kia đặt hờ lên cái cán cuốc đang nhịp nhịp trên vai. Năm nào cũng vậy, hễ thấy mẹ hốt tro bếp mang ra sau vườn là tôi biết đã chớm tháng hai. Bánh trái đã xếp lại. Trà nước không còn thâu đêm. Mẹ đem tro bếp – thứ duy nhất còn nồng đượm mùi Tết ra sau vườn để gieo lại mùa mới.
Mẹ sai tôi cầm cái xô thiếc ra xúc một mớ tro để dành trước khi mẹ biến phần còn lại trong thúng thành phân bón. Khi ấy mẹ đang nhổ những gốc cải úa chỉ còn lại những lá sâu lỗ chỗ. Vuông đất trồng tần ô giờ cũng trơ gốc sau những lần mẹ nhón lấy đọt nấu canh thịt nạc. Mẹ giũ sạch những gốc rau già cỗi rồi từng cuốc một băm nhừ vồng đất, đất mặt tơi ra để lộ màu đỏ au còn ươn ướt của lớp đất phía dưới. Chừng một vài ngày cho đất nghỉ rồi mẹ sẽ trộn tro bếp và vỏ trấu rồi rải lên mặt đất, dăm bữa nửa tháng là có thể trồng lại đợt rau mới. Tháng Tết vì thế mà như được kéo dài suốt cả năm.
Với tro bếp, mẹ còn làm được nhiều thứ thần kỳ khác nữa, đâu chỉ làm mỗi phân bón khơi khơi. Đó là lúc mấy mẹ con lụi cụi lột hành tím để làm món hành tím muối chua. Tôi vẫn nhớ mình đã mắt tròn mắt dẹt thế nào khi thấy mẹ thả rổ hành vào trong thau nước tro. Trong đầu tôi lúc ấy, tro bếp chỉ là thứ tàn lụi và phải bỏ đi chứ không thể làm gì hơn được. Nhưng cho đến khi cắn răng thử một miếng ba chỉ kẹp hành chua sau nhiều lần bị mẹ nài ép thì tôi mới công nhận, thứ bụi bặm này kể vậy mà hay. Nhờ nó mà củ hành mới săn lại và bớt hăng hơn, giòn rụm và dễ ăn biết mấy.
Quê nghèo với những bếp củi, bếp than không chỉ cho tôi một tuổi thơ nồng đượm mà còn để lại bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ. Ngày xưa đám trẻ trong làng, trong đó có tôi, hay đi bẻ bắp… trộm. Dĩ nhiên là trộm vì không được ai cho phép mà đã giấu chục trái bắp trong áo rồi tụm lại nhà đứa nào ấy, rón rén chụm lửa chờ tro. Sở dĩ phải chờ tro vì dân “sành ăn” như tụi tôi chẳng bao giờ nướng bắp bằng lửa ngọn, như vậy hạt bắp sẽ bị cháy sém bên ngoài mà bên trong lại sượng sạo, ăn không ngon. Năm sáu đứa chúng tôi chụm đầu chụm củi, hết đợt này tới đợt củi khác, chờ củi cháy hết đám tro tràn ra là vùi mấy trái bắp vô đó, gọi là “lùi”. Bắp được ủ trong tro nóng nên chín từ từ, đều đặn, hương thơm dịu khẽ bay và vị ngọt tươm vẫn còn đọng lại. Với kiểu lùi đó, chúng tôi còn ứng dụng với khoai lang hay cà tím. Nguyên liệu được vùi trong tro nóng, thức ăn trả lại luôn giữ được vị ngọt hậu khó quên.
Ngày tôi mấp mé thành thiếu nữ, mẹ chỉ tôi cách làm sạch xoong nồi bằng tro bếp. Công nhận, khi lớp khói đen thui gặp tro thì dễ bong ra, đáy nồi mau sạch và không còn nhơm nhớp dầu mỡ. Tôi tráng lại lần nữa với nước sạch, cái xoong đen hin trở nên láng kít. Dĩ nhiên sau này tôi có muốn cũng không có xoong đen mà chà rửa, trên mạng có mẹo tẩy vết bẩn bằng chanh, baking soda hay phèn chua, kiểu dùng tro bếp như mẹ tôi không thấy trang mạng nào nhắc đến. Chắc nó đã quá… quê để người ta còn nhớ tới mà đưa vào mục mẹo vặt hay cho nhà bếp. Song, tôi vẫn mãi nhớ những điều dân dã nhất, như tro bếp, mà mẹ đã dạy tôi.
11/3/2020
Phạm Thị Hải Dương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Không Mùa Tháng Sáu, những bà mẹ đổi chỗ đợi con từ cổng trường sang nhà riêng giáo viên dạy hè. Trên đầu bông điệp tây đang nở rộ, nh...