Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Mỗi một mùa hoa

Mỗi một mùa hoa… 

Sân trường nơi cô làm việc thay đổi sắc hương theo thời gian của năm. Vào tháng ba, tháng giao mùa, lộc non phủ kín dần trên các cây bàng đang vươn dài những cánh tay gầy guộc khẳng khiu, mỗi búp mầm trông xa như một ngọn đèn hoa đăng xanh ngát rung rinh trong gió nhẹ. Những chiếc lá lộc vừng, bằng lăng đỏ rực dường đang lưu luyến không nỡ rời xa khiến không gian trở nên lạ lẫm, con người tưởng chừng đang lạc vào một nơi nào đó của châu Âu xa xôi.
Từ trên tầng ba nhìn ra màu tím biếc, màu xanh ngọc xen lẫn màu vàng thẫm, màu đỏ rực đẹp đến mê hồn. Mỗi thân cây, cành cây lấm tấm những mầm non bây giờ mới có dịp phô bày trọn vẹn dáng vẻ riêng của mình, vừa trầm mặc, điềm tĩnh vừa tràn trề sinh lực. Và rồi mỗi ngày trôi qua ta bất chợt ngỡ ngàng, rung động bởi sự đổi thay của chúng. Mùa đã in dấu lên cảnh vật như khẳng định sự hiện diện thiêng liêng của vị chúa mùa Xuân giữa bát ngát đất trời.
Tháng ba, “mùa con ong đi lấy mật”, mùa của biết bao loại hoa đẹp ở đất nước ta, mùa gợi lên nhiều mê say trong cõi lòng bao thi sĩ, văn nhân, … Tháng ba về, đất Phủ Quỳ xưa bung nở một trời hoa xoan. Sắc tím trắng lấp ló trong tán lá xanh mướt đến nao lòng. Ở vùng đất này hầu như nhà nào cũng có một vài cây xoan đâu. Đi một đoạn, ngẩng đầu lên là tầm mắt va phải hoa xoan. Một vài chú chim đuôi dài chuyền cành ríu rít tìm quả non khiến những cánh hoa buông nhẹ nhàng trong nắng. Gợi cho cô nàng nhớ đến bài thơ của một nhà thơ nữ trong phong trào Thơ Mới: “Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” (chiều xuân – Anh Thơ). Bất chợt lòng bâng khuâng, xao động:
Hoa xoan nở một chiều nhung nhớ
Tím ngắt chân trời buổi tiễn đưa
Vùng đất Phủ Quỳ mùa này cũng là mùa hoa về, hoa cà phê, hoa cam, bưởi, quất, quýt, chanh trắng xoá chạy dài từ triền đồi này sang triền đồi khác. Mùi thơm nồng nàn, ngọt ngào kéo dài trên từng ngọn dốc, lan trong không gian lành lạnh, trong tiếng vo ve của những đàn ong mật say hương, mình vàng óng phấn hoa lặc lè tìm lối về. Buổi chiều rảnh việc, cô về thăm mẹ, lướt xe qua một con dốc thoai thoải đường đất, mấp mô theo lối mòn ngoằn ngoèo như đường rắn bò – thành quả để lại sau những cơn mưa, chợt nhận ra đã đến với vùng đất đỏ bazan, lãnh địa của cà phê. Trong tán lá thẫm màu, từng chùm hoa trắng muốt chen chúc, xoè rộng như một vầng trăng bạc. Nếu như mùi thơm của hoa cam, bưởi,… gợi ý vị ngọt lịm của đường phèn thì hoa cà phê mang theo cái ngọt mát của một chiếc hôn đầu, thoáng qua mà sâu đậm, khó quên.
Được phát hiện đầu tiên ở đất nước Ethiopia vào năm 1671, theo chân các giáo sĩ phương Tây du nhập vào Việt Nam năm 1857 nhưng đến năm 1920 cây cà phê mới có mặt tại đất Phủ Quỳ trong công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Để rồi một thời gian dài cà phê trở thành một trong những cây mang lại thu nhập cao cho người dân Nghĩa Đàn (Thái Hoà và Nghĩa Đàn ngày nay), làm đa dạng hơn cái kho sản vật vốn đã đầy ắp của vùng đất chạy dọc hai bờ sông Hiếu thơ mộng in đậm dấu ấn nền văn minh lúa nước của người Việt cổ. Rời xa mảnh đất đã sinh ra, lớn lên với tâm niệm sẽ trở về, con người rắc rối trong cô vẫn không quên được mùi hương và sắc trắng của hoa cà phê, cứ vấn vít, cứ mơ hồ, mờ ảo trong màu sắc, hương vị của hoa cam, hoa quýt… nơi cô đang sống và làm việc. Tháng ba của 20 năm rồi đó, người ơi có chạnh lòng không khi núi đồi phủ đầy sắc trắng, thoang thoảng cái hương thơm ngây ngất của một thời ấu thơ vụng dại đã xa xôi?
Mảnh đất Phủ Quỳ cũng như bao vùng quê khác của đất nước, mùa tháng ba được đánh dấu bởi hoa vông, hoa gạo thắp lên những ngọn lửa lập lòe trong nắng nhẹ. Đám trẻ con tan trường còn chưa chịu về nhà, đứng dưới gốc cây ngửa mặt ngóng hoa. Chúng mang về nhà mình chiến lợi phẩm là những bông hoa gạo tươi nhất rắc đỏ cả con đường đến lớp. Ngày còn nhỏ, cô nàng nhớ, buổi trưa trốn bố mẹ đi chơi, thường phải tránh đường đi qua cây gạo vì mấy anh chị lớn bảo có con ma khóc hờn hay ở đó. Nếu phải đi qua cô thường chạy thật nhanh, cảm giác có tiếng chân đuổi theo, tiếng gió vi vút bên tai, chạy về đến ngõ rồi tim còn đập thình thịch, lưng vẫn ớn lạnh. Thế nhưng bây giờ mùa hoa nở lại thấy vấn vương một nỗi niềm xưa cũ, không nén nỗi lòng mình, bèn dừng xe để nhặt một bông hoa, để vuốt ve cánh hoa mịn màng, êm mượt như nhung ấy. Hoa gạo dân dã vậy mà cũng có cái tên thật mĩ miều: Mộc Miên – đẹp và quý phái như màu của nó.
Hoa gạo đỏ cháy lòng người xa xứ
Thương con đò lẻ bạn nơi bến quê
Phủ Quỳ ngày nay không chỉ là một Phủ Quỳ của những nông trường trù phú xanh tươi mà còn là vùng đất phát triển vượt bậc về cả công nghiệp, du lịch, thương mại… Nhưng sắc hoa của tháng ba vẫn nguyên vẹn, vẫn làm say lòng người. Thi thoảng trên đường tới trường, cô nàng lại bắt gặp một vài cây sưa đang nghiêng mình thả những cánh hoa trắng kiêu sa theo chiều gió, vương trên áo, trên tóc của học trò. Mùa hoa đã sắp đi qua, “đất miền Trung mưa dầm nắng gió”, gió Lào sẽ chỉ để lại cho Phủ Quỳ một mặt đất khô rang, bỏng rát suốt mấy tháng hè. Mùa đông thì rét buốt, hanh khô. Chỉ còn lại tháng ba với sắc hoa, với hương thơm…
5/4/2020
Trần Thị Hồng Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Không Mùa Tháng Sáu, những bà mẹ đổi chỗ đợi con từ cổng trường sang nhà riêng giáo viên dạy hè. Trên đầu bông điệp tây đang nở rộ, nh...