Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Phim là phim, mà đời là đời

Phim là phim, mà đời là đời

I/ Hôm qua, hai đứa nhỏ nhà tôi, mỗi đứa một món quà tặng mom, thì ngày lễ của mẹ mà. Rồi kỳ nèo thêm, chiều đi xem phim nữa nha mẹ, tối đi ăn chay nữa nha mẹ.
Kỳ nèo là bởi vì, chúng nó biết tôi không thích xem phim Việt. Nếu được lựa chọn, chắc chắn tôi sẽ chọn bộ phim bom tấn vừa mới tung ra của Hollywood: Kingdom Of The Planet Of The Apes.
Nhưng ý chúng nó, ngày của mẹ thì phải coi về đề tài gia đình chớ, nên quanh đi quẩn lại, chỉ có phim của Lý Hải, là phù hợp. Vì vậy, chúng chẳng đợi tôi gật đầu đồng ý hay không, đã mua sẵn vé rồi.
Hôm Tết cũng vậy, chúng cũng nằng nặc rủ tôi xem phim Mai của Trấn Thành. May thay, phim cũng được. Nên lần này, tôi nghĩ, phim Một Điều Ước, chắc cũng ngang ngửa với phim Mai, bởi báo chí, bởi truyền thông, cũng tán tụng bộ phim này quá chừng chừng.
II/ Nội dung phim như sau. Có một bà, gọi tên là bà Hai, bảy mươi ba tuổi. Bà sống ở Lạc Dương, Lâm Đồng. Mất chồng sớm, bà ở vậy, buôn bán đắp đổi qua ngày, nuôi bày con năm đứa, ba trai, hai gái, cho đến lớn, gả chồng cưới vợ đủ.
Thằng con trai đầu, tên Hai Khôn, có vợ tên Mai, có hai con học cấp ba, sống ngoài hà Nội, khá giả.
Đứa con gái kế, tên Ba Lành, lấy chồng, chồng là Ba Dẹo (Lý Hải đóng), say xỉn suốt ngày, không làm ăn gì, có đứa con gái học cấp hai. Sống chung nhà với bà mẹ.
Thằng con trai thứ ba, tên Tư Hậu, có vợ tên Thắm, con gái học cấp một, ở xứ biển miền Trung, sống chung nhà với ba vợ. Ba vợ bị lẫn.
Đứa con gái kế, tên Năm Thảo, có chồng tên Danh, có đứa con trai học cấp một. Thảo và Danh làm mướn cho một cặp vợ chồng Việt kiều lớn tuổi, họ thường đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam.
Đứa con trai út, tên Sáu Tâm, có vợ tên Thy, ở Sài Gòn. Vợ đang mang bầu, sắp sanh. Chồng làm cai xây dựng.
Gia đình bà Hai sáu người, cộng năm dâu rể là mười một, cộng sáu đứa cháu, đại gia đình của bả thành thử cũng bộn, mười bảy người cả thảy.
Đang yên đang lành, yên ổn bán hoa khô bất tử trước cửa nhà, thì bà Hai bị xe tông, gãy chân, phải bó bột.
Cùng lúc, cháu ngoại bả, tức con gái của Ba Lành, bị đau bụng, phải nhập viện để mổ, chỗ mổ bị biến chứng, nên nằm lại bệnh viện cả tháng.
Thế là Ba Lành, cũng phải ăn dầm nằm dề trong bệnh viện, trông nom con gái. Một mẹ một con, Ba Lành không trông thì ai trông bây giờ. Trong khi bà mẹ ruột, bả vừa già lụm cụm, vừa yếu sức, vừa gãy chân, thì đành nhờ hàng xóm ngó chừng giùm. Vậy thôi chớ sao giờ. Nước mắt chảy xuống, có chảy ngược lên bao giờ đâu.
Tuy nhờ hàng xóm nhưng Ba Lành vẫn bứt rứt, không yên. Ba Lành bèn gọi cho người anh đầu, Hai Khôn, để báo tin chuyện nhà và yêu cầu anh mình giúp đỡ.
Ba Lành gọi cho Hai Khôn đúng lúc Hai Khôn bị sếp đuổi việc. Tuy nhiên, Hai Khôn vẫn gọi cho Tư Hậu, Năm Thảo, Sáu Tâm, báo cho chúng biết tai nạn đột ngột của bà mẹ, và hỏi, có đứa nào lãnh bà già dzìa trông không, thì những đứa con lại sẽ góp tiền, mỗi đứa, hai triệu đồng một tháng.
Đứa nào cũng vò đầu, bứt tóc, than khổ, than khó khăn. Tư Hậu thì nói, tui đi biển suốt, không có nhà, con vợ tui nó còn trông ông ba vừa già vừa lẫn của nó nữa.
Năm Thảo thì, vợ chồng tui đang vô vụ mùa, không lo thu hoạch thì hỏng bét.
Sáu Tâm thì la, tui đi công trình, dzợ tui gần sanh, nhà thì thuê mướn, chật chội.
Chí chóe, ỏm tỏi, sau cùng, bốn đứa đều đồng ý, mỗi đứa lãnh nuôi một tuần. Xong tháng, thì dzìa ở với Ba Lành, bình thường trở lại.
Chỉ có vậy mới có thể chấm dứt chuyện đùn đẩy nhau.
Bốn đứa, không đứa nào chịu lãnh tuần đầu tiên, thế là bốc thăm. Hai Khôn tuần lễ đầu.
Bà già được ra nhà con trai, lấy vợ rồi ở luôn ngoài Hà Nội, bằng máy bay. Vợ Hai Khôn tốt nghiệp hạng ưu lò khách sáo. Từ những trò chuyện hàng ngày, cho đến thái độ cư xử với bà mẹ chồng, tất tật đều như trong phim Hàn. Vừa sáo, vừa đơ, nên giả trân.
Không chỉ thế, cô vợ này cũng tốt nghiệp xuất sắc lò chỉ huy, nên điều khiển chồng, giật dây chồng, phía sau lưng, mọi việc.
Cô vợ, thêm vào đó, là cái kiểu lớn họng, bù lu bù loa, mồm năm miệng mười, mỗi khi quyền lợi mình bị xâm phạm. Lấn lướt hết thảy mọi người trong nhà. Tóm lại, chỉ xem thôi, mà cũng rất sợ.
Hai đứa con, nhứt là đứa con gái nhỏ, ôi thôi là nó nói, ôi thôi là nó trả treo. Bình thường thì ngậm miệng như hến, ai hỏi cũng chẳng nhếch môi. Lúc đụng chuyện, cần trả đũa bố mẹ, thì chèn ơi, nó lý lẽ như luật sư định tội luôn, lời nó nói ra, giống nội dung mấy cuốn sách dạy cách làm cha mẹ, rất kinh điển, rất bài bản, đâu ra đó.
Một kiểu gia đình, đối với tôi mà nói. Quá ớn!
Một tuần trôi qua. Tuần thứ hai, bà Hai chuyển qua nhà Tư Hậu.
Nhà này, cũng chẳng có gì đặc biệt. Chỉ tập trung vào chuyện đứa con trai làm nghề đi biển, nhiều hiểm nguy. Rồi quay cảnh xứ biển miền trung với lễ hội Nghinh Ông. Con dâu và cháu nội, bình thường. Ông sui lẩn thẩn, cũng bình thường. Khóc chút. Cười chút.
Tuần thứ ba, bà Hai được chuyển giao qua nhà Năm Thảo.
Năm Thảo cùng chồng là Danh, làm thuê làm mướn, trông coi nhà cửa cho đôi vợ chồng Việt kiều tại Đà Lạt.
Làm thuê làm mướn, trông nhà trông rẫy, nhưng lại sợ mẹ buồn (!), nên khi bà Hai đến, cổ nói dối mẹ cổ, rằng cái biệt thự cùng cơ ngơi khang trang, vườn tược mênh mông của bà chủ là của cổ (!).
Những cái dấu chấm than trong ngoặc kép (!), bày tỏ sự thắc mắc của tôi. Thắc mắc rằng, cô này cổ sinh trong Nam, là người miền Nam, có sao nói vậy. Mình nghèo thì nói nghèo, sĩ diện gì mà lấy nguyên cái đồn điền người ta, nhận bừa là của mình?
Nói dối, có dối được suốt đời không? Nói dối, chẳng may bà mẹ bả biết ra, bả còn đau lòng thêm mấy quận nữa? Nói dối, con cái nó nhìn vô, nhỏ thì nó học theo, lớn thì nó khinh thường. Tốt đẹp gì!
Cặp vợ chồng này, theo tôi, oải quá cỡ thợ mộc.
Tuần thứ tư, qua nhà Sáu Tâm. Sáu Tâm và vợ, xem ra, đây là hai đứa con biết nghĩ và thiệt thà nhứt trong số các con của bà Hai.
III/ Mười đứa con, vừa ruột thịt, vừa dâu rể, kiểu gì kiểu, bọn chúng làm sao mà qua mặt, làm sao mà dối trá được bà Hai. Bả sanh ra bọn chúng, chẳng lẽ, bả không hiểu bụng dạ đám con mình nữa hay sao.
Ở với bốn đứa, bốn tuần, bà Hai nhứt quyết quay về lại nhà mình.
Con gái Ba Lành vẫn chưa xuất viện. Ba Lành tiếp tục ở lại bệnh viện để chăm sóc con. Bà Hai được gởi cho cô hàng xóm, cô ấy cũng mần mướn cho chủ nhà bên cạnh.
Một sáng nọ, cô mần mướn cho nhà bên cạnh ghé qua đưa đồ ăn sáng cho bà Hai, thì không thấy bà Hai đâu. Cổ gọi báo cho đám con bà Hai biết. Thế là đám con bà Hai, bỏ công ăn chuyện làm, túa ra, đi tìm mẹ.
Thì ra là bà Hai, bả quyết định bán miếng đất còn lại của bả cho cô Thanh hàng xóm (Tú Trinh đóng). Tiền chia làm sáu phần. Năm đứa con, là năm cái sổ tiết kiệm, nhờ cô Thanh chuyển giùm cho chúng. Phần bà Hai, bà quyết định vào Viện Dưỡng Lão.
Chỗ bán đất, chia tiền này, cũng diễn ra nhanh quá, không rắc rối, phiền hà như thực tế, nhưng thôi, bỏ qua.
Ở trong Viện Dưỡng Lão, bà Hai cũng chuyện trò với các cụ già khác. Và bà nào cũng “nổ” về đám con mình: thành đạt, thương yêu nhau, có hiếu với cha mẹ.
Đám con, tìm mẹ không được, chúng bỗng thương yêu nhau hơn, lễ tết gì, chúng cũng đưa vợ chồng con cái về căn nhà bà Hai ở Lạc Dương để sum họp.
Và, chụp hình, chụp ảnh. Đủ hết, mười sáu người. Chỉ thiếu mỗi bà Hai.
Trong khi, chính bà Hai, khi được hỏi, bà ước mơ gì nhứt, bà trả lời - điều ước duy nhứt của bà là có một tấm hình chụp chung đủ mặt gia đình.
Một, hai năm sau, mấy đứa con cũng tìm lại được bà Hai. Đồng thời, chúng nó cũng gom năm cái sổ tiết kiệm lại. Trên nền nhà cũ của bà Hai, chúng xây năm căn nhà, ý là, để mỗi khi chúng về thăm bà Hai, chúng có chỗ ở lại.
Gặp mẹ, gặp bà, chúng khóc khóc cười cười. Rồi chụp một tấm hình chung.
Một kiểu kết thúc có hậu, đủ đầy, hạnh phúc.
IV/ Nữ chánh của phim Một Điều Ước là vai một bà mẹ bảy mươi ba tuổi. Từ đầu đến cuối, bà diễn cũng được, nhưng phần lồng tiếng, giọng đều đều, thiếu cảm xúc.
Tất cả các diễn viên phụ-chính, còn lại, chất lượng diễn đồng đều, nếu cho điểm, tôi cho điểm họ trên trung bình, đồng loạt.
Là điểm của diễn viên kịch nói trên sân khấu.
Cũng có một, hai, tình huống gây cười có duyên, tỉ dụ như cái câu nói của Thắm, vợ Tư Hậu, dân biển miền Trung, chèn quơi, có đời thuở nhà ai, mà ông già vợ sống chung với bà già chồng không nè trời.
Lý Hải vô vai ông chồng say xỉn của Ba Lành cũng khá. Thậm chí, theo tôi, nhiều chất điện ảnh nhứt so với tất cả các vai diễn có trong phim Một Điều Ước.
Còn thì, các nhân vật còn lại, y như diễn viên kịch nói. Từ thoại đến điệu bộ, không thoát ra được kiểu diễn ở trên sân khấu. Một Điều Ước, thành thử, như phim truyền hình chớ không phải phim màn ảnh lớn.
Không có cảnh quay nào quy mô, lớn lao, hoành tráng. Nhạc phim cũng chẳng mấy ấn tượng.
Kịch bản không hay, không xuất sắc nhưng cũng không quá dở. Nó trung bình. Có thắt nút, mở nút, nhưng chẳng gì gay cấn, éo le. Nó đánh vào tình cảm gia đình. Tình cảm gia đình, sau tình yêu đôi lứa bất hạnh, là loại tình cảm dễ đốn tim khán giả, dễ lấy nước mắt khán giả.
Tôi cũng có rơi nước mắt. Hai, ba lần gì đó. Nhưng chỉ vậy và chỉ vậy thôi. Xem phim mà giống như xem kịch. Ra khỏi rạp, thở hắt một cái, chẳng gì lưu lại. Xúc động cũng vậy, nó bay mất tiêu đâu, chẳng biết nữa.
Vậy, có nhận xét gì không?
Có chớ, đương nhiên. Tôi nhận xét thế này. Quả là người xưa nói trúng phóc: một mẹ nuôi được mười con / mười con không nuôi được một mẹ.
Nhận xét thứ hai. May mà bà Hai, bả còn có đất để bán. Mỗi đứa chia ra cũng hơn một tỉ chớ ít sao. Có thực mới vực được đạo. Nhờ số tiền của mẹ bán đất, chúng mới xây được nhà đủ to, đặng mà sum họp, đặng mà đoàn tụ, đặng mà yêu thương nhau.
Thực tế ngoài đời, đâu phải ai cũng được như nhà bà Hai. Năm đứa con, đều ở Việt Nam. Con nhà người ta, tứ xứ, Úc, Mỹ, Canada, Cambodia, Lào, Na Uy, Phần Lan, Pháp, khắp nơi trên hành tinh, dễ gì tụ họp, sum họp được. Khó lắm.
Thực tế ngoài đời, đâu phải ai cũng được như nhà bà Hai. Năm đứa con, nhiều ít gì, cũng có công ăn chuyện làm, chồng vợ đủ đầy. Con nhà người ta, thất nghiệp, hư hỏng, gia đình chúng không hạnh phúc, đứa thì ly hôn, đứa thì sanh con đẻ cái không may mắn. Ôi thôi. Cực lòng lắm.
Thực tế ngoài đời, đâu phải ai cũng có đất mà bán như bà Hai. Năm đứa con, ít nhiều gì, cũng được nhận tài sản để lại của mẹ. Bà Hai, ít nhiều gì, cũng vô được Viện Dưỡng Lão có người chăm sóc. Nhà người ta, cha mẹ về già không tiền không bạc, lại bệnh lên bệnh xuống. Các con thì nghèo không ngẩng mặt lên được, toàn vắt mũi đút miệng.
Nói chung, gia đình trong phim Một Điều Ước, hoàn hảo, an toàn, và có hướng ra, khi cần giải quyết vấn đề.
Phim, thành thử, cũng giống đời đấy, nhưng giống phần nào thôi. Ví dụ, ở cái đoạn, xoay tua nuôi mẹ. Nhưng kiểu này, đó giờ, cũng được thường xuyên đưa vào truyện, kịch, phim, nên nhàm rồi.
Còn thì hết thảy, chẳng có gì đời. Xứ mình, thứ gì cũng giống bọt xà phòng. Kể cả tình cảm. Kể cả chuyện gia đình. Kể cả chuyện con cái quan tâm, lo lắng, thương yêu, săn sóc, phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ già.
Càng nói, càng buồn lắm.
PHIM LÀ PHIM, MÀ ĐỜI LÀ ĐỜI!.
Sài Gòn, 13/5/2024
Phạm Hiền Mây
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​Khói trời lộng lẫy

  ​ Khói trời lộng lẫy NƯỚC NHƯ NƯỚC MẮT Đừng sợ hãi, dù vì nó mà người ta sống, chết… [1] 1 Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai. 2 ...