Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

Nắng Sài Gòn - Ngô Đình Hải

Nắng Sài Gòn - Ngô Đình Hải

Sài Gòn giữa trưa nắng chói chang. Nắng như đổ lửa. Nắng rát mặt. Nắng cháy da. Nắng hoa cả mắt. Nắng nướng mặt đường khô khốc, bốc loang loáng những vệt mờ, lẫn trong dòng xe cộ. Người Sài Gòn tránh, ít ai muốn ra đường vào giờ này.
Lại thêm cái dịch corona đang hoành hành. Nếu vạn bất đắc dĩ phải đi, thì cũng che kín mặt mày vì nắng, vì ngăn ngừa bịnh tật.
Vậy mà ở Sài Gòn lâu, riết rồi quen. Riết rồi cũng thấy bình thường. Một ngày không thấy nắng là nhớ, là băn khoăn, thắc mắc! “Nắng mưa là bịnh của trời”! Nhưng cái nắng Sài Gòn kỳ cục lắm. Nắng không giống ai! Tưởng là quen lắm, có lúc lại thấy lạ hoắc! Cứ như cô gái đẹp, luôn lắc đầu, để xua để đuổi, mấy chàng trai si tình vây quanh. Rồi lại đưa tay nắm lấy, mà níu mà kéo, mà mời mà gọi! Nắng làm người Sài Gòn cộc tính, dễ cáu gắt, rồi cũng nhờ nắng làm họ dễ cảm thông, dễ thân thiện, xuề xoà cho qua mọi chuyện…
Buổi trưa, đứng trốn nắng trong mái hiên một căn nhà, nhìn ra đường, dưới cái nắng nóng hầm hập. Lại thấy hình như Sài Gòn không thay đổi mấy! Cái hốt hoảng, cái lo sợ vì dịch bịnh, hình như cũng chưa được mang ra đường nhiều lắm. Tự nhiên thấy dễ chịu. Thấy cái nắng Sài Gòn bỗng trở nên… dễ thương! Không phải cái dễ thương trong thơ Nguyên Sa, “Anh đi mà chợt mát”. Mà lớn lao, mà vĩ đại hơn nhiều. Tự nhiên lại muốn nói ngu với mình. Biết đâu chừng nhờ cái nắng Sài Gòn mà con corona nghẹt thở, làm con corona mệt nhoài, chán nản, vì đi hoài không tìm đâu ra chỗ trú chân. Cộng thêm sự ngạc nhiên vì cái liều lĩnh, cái dửng dưng bất cần của dân Sài Gòn mà né chăng? Hay nó sợ! Sợ cái nắng thiêu đốt mà chạy qua xứ khác chăng? Ờ! Biết đâu chừng! Biết đâu chừng!…
Mà nếu phải vậy thì hay quá! Tuyệt vời quá! Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn là cái thành luỹ nhờ…nắng! Nắng Sài Gòn giang tay che chở. Người Sài Gòn vô tình không biết mình may mắn, được đón nhận cái nắng như một ân sũng của thượng đế. Sài Gòn trở thành nơi trú ẩn ấm áp, trở thành chốn quay về của những đứa con luân lạc, trước sóng gió của cuộc đời, của thiên tai, dịch bệnh.
Sài Gòn là như vậy và sẽ mãi là như vậy, bất chấp mọi thứ đổi thay.
Sáu mươi mấy năm sống với cái nắng Sài Gòn, tự nhiên thấy thương mình, thương Sài Gòn chi lạ. Tự nhiên mà muốn khóc, tự nhiên mà nhớ tới ông Duyên Anh đã viết trong một ngày buồn đã xa:
“… Tôi sinh ra ở miền Bắc, thị xã nhỏ bé, êm đềm Thái Bình. Ấu thơ của tôi, trải dọc theo hàng cây hồi thấp và vương vấn cùng khắp cầu Bo. Niên thiếu của tôi lãng đãng vùng trời Hà Nội. Tôi khôn lớn ở Sài gòn. Sài gòn cho tôi những bước xuống đời cay đắng, để tôi làm cuộc đời tôi. Sài gòn cho tôi tình yêu, cho tôi thi ca, cho tôi tiểu thuyết. Công sinh không nặng bằng công dưỡng. Sài gòn đã nuôi dưỡng tôi. Sài gòn là mẹ tôi. Mẹ Sài gòn săn sóc tôi hai mươi năm. Tôi đã làm gì cho Sài gòn? Đã làm gì, vẫn chưa đủ, vẫn chỉ mới là cái hữu hạn trong cái vô hạn. Bây giờ, đứa con phóng đãng ôm ghì mẹ mình bằng đôi tay rời rã, nước mắt ròng ròng. Đứa con bất lực, đứa con hèn hạ, đứa con khiếp nhược, đứa con mải rong chơi nỡ để mẹ mình lạc mất. Mà chỉ biết khóc. Mà chỉ rên rỉ. Mà chỉ luyến tiếc hàng me xanh, ghế đá công viên và những cuộc tình phù phiếm. Tôi hiểu những giọt nước mắt của tôi vô nghĩa, chẳng dám khóc, chẳng thiết khóc, mà mắt tôi cứ căng mọng và lệ cứ rơi. Tôi đã biết khóc vì Sài gòn, vì một thành phố kỷ niệm…”(Duyên Anh)
1/3/2020
Ngô Đình Hải
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Không Mùa Tháng Sáu, những bà mẹ đổi chỗ đợi con từ cổng trường sang nhà riêng giáo viên dạy hè. Trên đầu bông điệp tây đang nở rộ, nh...