Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Nguyễn Linh Khiếu và Miền nước đỏ

Nguyễn Linh Khiếu và Miền nước đỏ

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu hoàn thành tập bản thảo Miền nước đỏ gồm 125 bài tùy văn. Đó là những bài tùy văn nhỏ bé xinh xắn viết về những kỷ niệm thời ấu thơ của quê hương Mỹ Lộc nơi cửa sông Hồng. Những mẩu chuyện nhỏ về một miền quê yêu dấu gợi cho mỗi người nhớ về những kỷ niệm ấu thơ nồng ấm chưa xa. VHSG xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã tin cậy cho công bố và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Vết đỏ
Thủy triều rút bọn trẻ dùng tay xúc bùn dưới bãi bồi đắp từ đỉnh xuống chân đê làm thành một cái máng bùn. Đê biển rất cao sườn dốc tạo nên một cái máng trượt hoàn hảo.
Dù bùn trơn đê dốc nhưng bọn trẻ phải trần truồng thì mới trơn trượt được. Lũ trẻ tồng ngồng nối nhau ngồi vào máng buông hai tay giờ hai chân hét một tiếng vút một cái đã lăn long lóc ở bãi sa bồi.
Chơi mãi ở máng trượt rồi cấu chí trêu chọc đuổi nhau chạy thục mạng khắp bãi biển. Đứa nào đứa nấy bùn bết từ đầu đến chân chỉ hở hai con mắt. Chạy mãi rồi cũng mệt. Cả lũ lao xuống lùng cống nhào lộn vùng vẫy cho sạch bùn.
Tắm xong cả lũ nồng nỗng buông chân ngồi dọc các thành cống huyên thuyên. Bỗng Cò Mắm kêu lên: Ơ đùi Cò Bé sao bầm đỏ thế. Giật mình cả lũ đứng dậy. Chúng phát hiện ra cả hai đùi rất nhiều đứa đều bị bầm đỏ. Đứa nào cũng thấy chỗ bầm đỏ bỏng rát. Lạ là cũng có đứa đùi không sao cả.
Chúng đang ngơ ngác chưa hiểu sao thì anh Hẻo lên tiếng: Ngu bỏ mẹ thằng nào chim to chim dài lúc chạy nó văng bên này nó quật bên kia nên đùi bị bầm đỏ. Thằng nào chim bé chim ngắn thì có sao đâu. Lần sau đuổi nhau chớ có cởi truồng.
Nói rồi anh Hẻo khoái chí tít mắt cười hùng hục.
Con đỉa
Gió thổi nón của cái Mân bị bay ra giữa hồ trại chăn nuôi hợp tác. Hồ đào để chứa cứt lợn nên rất sâu và rộng. Nước hồ đen sẫm. Mùi hôi thối nồng nặc. Chẳng ai dám đến gần. Hồ lại nhung nhúc đỉa trâu rắn nước khiếp lắm.
Cả lũ thương cái Mân nhà nghèo hè nhau ném đất tạo sóng để cái nón trôi dần vào bờ. Đang hò hét ném đất thì Cu Ti xuất hiện. Nó ngó nghiêng nhìn cái nón lại nghiêng ngó nhìn mặt lũ bạn. Rồi phán một câu: Hèn.
Mọi người chưa hiểu gì nó tụt quần áo trần truồng. Cả lũ ùa vào can không cho nó xuống hồ vì nước bẩn lại nhiều rắn và đỉa. Nó lao xuống hồ như một con cóc. Nước bắn tung tóe mùi hôi thối nghẹt thở. Chỉ một phút nó đã mang cái nón vào bờ. Toàn thân nhuộm cứt lợn nhầy nhụa đen như than. Vắt ngang trán một con đỉa trâu đen bóng to bằng ngón tay cái. Cả lũ khiếp đảm.
Nó nhảy xuống con kênh gần đó vùng vẫy rũ hết nước bẩn. Nhưng con đỉa thì để nguyên trên trán kiêu hãnh như một tấm huy chương đen. Trông gớm ghiếc quá. Cái thằng Cu Ti củ mỉ cù mì mọi hôm sao hôm nay oách quá.
Có đứa nói Cu Ti rất mê cái Mân.
Tôm gai
Tôm gai mập ú râu dài gai nhọn vây đuôi xòe rộng viền xanh mực cửu long. Toàn thân tôm gai trắng phau riêng trứng tròn to đỏ rực. Không loài tôm biển nào kiều diễm huy hoàng sang chảnh bằng tôm gai.
Gọi là tôm gai vì cái gai ở đầu như một thanh bảo kiếm trong suốt vừa dài vừa cứng lại tua tủa gai sắc nhọn. Không có loài nào chạm vào kiếm báu của tôm gai mà không thành thương.
Thịt tôm gai khi nấu chín đỏ au dẻo dai thơm dịu ngọt. Gạch tôm gai đỏ cờ. Trứng tôm bùi ngậy không trứng loài tôm biển nào sánh được.
Chợ quê rất nhiều tôm nhưng những thúng tôm gai tươi trắng phau bao giờ cũng đắt nhất bán chạy nhất.
Hôm ấy sau khi thủy triều rút cả lũ đắp chặn một con ngòi lại cùng nhau tát cạn nước. Chỉ được mấy con cá đối cá hói còn lại toàn tôm gai. Sau khi rửa sạch mớ tôm cá láo nháo lũ trẻ đốt một đống lửa để nướng.
Cả lũ đang đói dữ dội mặt đứa nào cũng bạc phếch méo mó. Mớ cá tôm kha khá qua lửa bị chén sạch trong chớp mắt. Cái Mân thỏ thẻ: Nhà tao không bao giờ ăn tôm gai. Cả lũ trố mắt. Co Ce nói: Con dở. Mẹ mày suốt đêm mò tôm bắt cá ngoài biển. Tôm gai ngon nhất sao lại không ăn. Cái Mân lý nhí: Mẹ tao nói tôm gai toàn ăn bồng (xác người chết trôi) ghê lắm.
Cả lũ sững người: Thật không. Cái Mân được thể: Mẹ tao bảo mỗi lần gặp bồng dạt vào bờ thấy tôm gai bâu vào đông đặc nhung nhúc như kiến khiếp lắm. Cả lũ thần người tái mặt những chú tôm gai béo ngậy vừa nuốt bỗng nhiên ngọ nguậy trong họng chúng.
Cá trê
Ông Ngoại quanh năm đặt một chiếc đó lớn chắn ngang con mương nhỏ chảy phía trước nhà.
Đêm qua mưa to nước mương chảy xiết. Đến gần trưa ông mới đổ đó. Chiếc giỏ đó rất nặng. Cò Bé phải giúp ông một tay mới khiêng về sân được.
Ông đổ giỏ ra nong lớn. Tôm cá rạm rốc đủ loại tạp nham lồm cồm láo nháo nhảy loạn xạ. Trong đó cá trê là nhiều nhất toàn con lớn. Con nào cũng mũm mĩm vàng ươn béo ngậy.
Ông chọn những con cá chép cá diếc để nhà ăn. Những con cá nhỏ ông thả xuống ao. Còn lại ông dồn vào một cái thúng to để bà Ngoại mang ra chợ chiều.
Thấy Cò Bé cứ chăm chắm nhìn đám cá trê béo ngậy thèm thuồng. Ông nói đừng ăn cá trê Cò ạ.
Khi về nhà Cò Bé hỏi mẹ sao ông Ngoại bảo đừng ăn cá trê. Mẹ nói: Cá trê rúc mả. Nó nghệt mặt không hiểu. Mẹ giải thích: Ông hay theo người đi bốc mộ ông bảo trong quan tài có rất nhiều cá trê rúc trong đống xương người. Con nào con nấy đều béo vàng.
Thảo nào xưa nay mẹ không bao giờ nấu món cá trê.
Trâu giống
Trâu đực ông Nội nuôi được chọn là trâu giống. Con nào không được chọn là đực giống đều bị hoạn hết. Trâu giống được ưu tiên giảm bớt phần cày bừa.
Buổi tối đi họp Đội về ông nói: Năm nay Hợp tác giao cho con trâu nhà mình cùng 100 con trâu cái phải đẻ được 70 con nghé. Không đạt kế hoạch thì không có công điểm đâu.
Nghe thế bà Nội chửi ầm lên: Cha tổ bố chúng nó sấp mặt giao những 70 con nghé thì chết trâu nhà người ta à. Suốt ngày nhảy cái nhảy cái ăn bao nhiêu cho lại.
Để bà chửi cho sướng miệng rồi ông thủng thẳng: Con trâu mộng nhà mình ý mà 100 con trâu cái chứ 500 con trâu cái nó cũng nhảy được hết. Bảy mươi con nghé một năm thì bõ bèn gì. Sức nó phải 300 con nghé một năm.
Bà đay giọng: Rõ nhà cái ông này. Chủ nào trâu nấy.
Nói thế nhưng bà xót trâu mộng lắm. Rồi chỉ thấy bà thậm thừ không thành tiếng.
Tập bản thảo Miền nước đỏ của Nguyễn Linh Khiếu gồm 125 bài tùy văn ngắn viết về những kỷ niệm thời ấu thơ nơi cửa sông Hồng, gợi cho mỗi người ký ức đẹp của thời hồn nhiên sáng trong… 
Sẻ đồng
Sẻ đồng thân nhỏ lông xù xám ngắt xấu xí. Tiếng kêu lích tích nghe rất chán. Đã thế lại hay ăn thóc đỗ ngô nên ai cũng ghét.
Sẻ đồng là chim trời nhưng cả đời lại quanh quẩn bên con người. Nó làm tổ trên mái nhà trên ngọn cau. Nó loanh quanh ở hiên nhà cửa bếp sân vườn nhặt nhạnh hạt cơm thừa hạt thóc rơi.
Sẻ đồng ăn ké lợn ở chậu cám trong chuồng. Ăn ké vịt ở máng nước. Ăn ké gà ở  góc sân. Chẳng ai cho ăn ké nhưng đuổi thế nào rồi cũng cứ lăn vào.
Nhiều khi cao hứng sẻ đồng xếp thành dãy dài dọc thành bể nước cùng nhau đồng thanh vươn cổ hót lích tích lích tích nghe chẳng đâu ra đâu. Hình như ý nó muốn hát tặng mọi người. Nó không hiểu nó hót chả ra gì chẳng ai thích. Sẻ đồng rõ chán.
Buổi chiều mẹ cho gà ăn lũ sẻ đồng từ trên trời ào ào hạ cánh. Chúng nhanh chóng trà trộn tranh cướp với lũ gà. Lũ gà nhà tồ tê ngô nghê. Lũ chim trời ranh mãnh mổ thoăn thoắt.
Mẹ đuổi mãi không được. Sợ gà đói mẹ vào nhà lấy thêm thóc.
Bèo hoa dâu
Theo chỉ đạo ở trên các anh chị thanh niên thả bèo hoa dâu. Bèo này ở quê không có. Theo khoa học bèo này là nguồn phân bón quý lắm. Không hiểu sao bèo hoa dâu rất nhiều sâu. Vì nhiều sâu mà tôm cá ếch nhái chim chóc kéo nhau về ruộng bèo bắt sâu rất nhiều. Nhưng bắt không xuể sâu sinh sôi nảy nở túa rua nhiều vô kể.
Các anh chị mang thuốc trừ sâu về phun bảo vệ bèo. Ngày phun thuốc cả làng kéo nhau ra xem. Ai cũng nô nức xem thanh niên tân tiến mang khoa học kỹ thuật về đồng ruộng. Khói thuốc sâu xanh biếc bay mù mịt nồng nặc sặc sụa.
Có mấy người say thuốc ngất xỉu. Nhưng uống cốc nước mía là khỏe ngay. Không hề hấn gì.
Có người băn khoăn sợ thuốc này độc. Thú y Khèo giảng giải: Cứ an tâm Liên Xô giỏi nhất thế giới. Pha chế thuốc họ tính toán ghê gớm lắm. Đấy sâu bọ chết nhưng bèo hoa dâu có sao đâu. Cá tôm lăn quay chết nhưng người chỉ say một tí thôi. Phải quen dần với khoa học tiên tiến văn minh chứ.
Thuốc sâu
Thuốc trừ sâu là đỉnh cao của khoa học. Sau khi tiêu diệt sạch lũ sâu cứu được bèo hoa dâu phát huy thắng lợi Đoàn thanh niên triển khai phun thuốc khắp cánh đồng bờ sông đường làng ngõ xóm ruộng vườn. Phun đến đâu sâu bọ ruồi muỗi cào cào châu chấu ong bướm chim chóc đều lăn quay chết sạch.
Ếch nhái chết ngổn ngang cá tôm chết trắng đồng. Nhiều chim cò ăn xác chết bởi thuốc sâu cũng chết. Phải mất mấy tuần mùi xác chết do thuốc trừ sâu thối inh ỏi đồng làng mới đỡ.
Ai cũng vô cùng hả hê. Hàng nghìn đời nay họ bị lũ sâu bọ ruồi muỗi kiến dán quấy nhiễu gây biết bao bệnh tật. Nay đã có thuốc trừ sâu thì người dân quê thực sự đổi đời.
Nhiều người ra đồng gặp những con cá say thuốc lảo đảo. Họ bắt mang về kho nấu khi ăn đúng là cá có mùi thuốc trừ sâu nồng nồng hăng hắc nhưng ăn cá vẫn béo ngậy ngon lành. Chả ai làm sao cả.
Có gia đình cúng giỗ đã xin Đoàn thanh niên một ít thuốc sâu đổ xuống ao. Chỉ mươi phút sau cá lớn cá bé say thuốc nhao nhao lên mặt nước. Chỉ cần cầm một cái vợt thế là bắt được cả yến cá làm cỗ. Cả họ cùng nấu nướng làm chả cá thơm lừng. Thần kỳ quá cả làng ai cũng mê mẩn thuốc trừ sâu.
Nộp cá
Cả tháng mưa to gió lớn biển động dữ dội thuyền của xã không làm sao đi biển được.
Một vài hôm xã lại nhận được công văn của trên thúc dục giao nộp cá. Bão gió thế này lấy đâu ra cá. Bức bách quá. Ai cũng sợ xanh mắt. Có người chợt nhớ tới kè.
Kè là kho cá của xã. Kè có hàng trăm tấn cá. Đó là nơi dự trữ cá của xã bao năm nay. Cá măng cá quả cá mè cá trắm cá chép con nào cũng cỡ vài chục ký.
Cá ở kè đúng là nhiều vô kể nhưng mưa lũ nước mênh mông thì đánh bắt thế nào. Nhưng không có cá nộp lên trên thì cán bộ xã có mà rũ tù.
Ngày nào cán bộ xã cũng tụ họp nghĩ nát óc mà chưa tìm ra kế sách. Thương binh Ngoe cụt là người trông coi kè hiến kế: Cứ cho một chai thuốc sâu xuống kè là vớt cá cả ngày không hết.
Tài quá. Thế mà chả ai nghĩ ra. Ngoe cụt chỉ đi bộ đội vài năm mà học được ở thiên hạ biết bao điều hay ý lạ. Xã ra nghị quyết áp dụng khoa học kỹ thuật tân tiến để đánh bắt cá.
Chiều ấy Ngoe cụt làm giấy lĩnh một chai thuốc trừ sâu của Hợp tác xã để đổ xuống kè. Sáng hôm sau cá chết trắng xóa mặt hồ trông vô cùng rung rợn.
Những con cá to lớn mập ú được vớt lên bờ chất thành núi lấp lánh ánh bạc. Nhiều con đã chết cứng nhiều con vẫn còn ngáp ngáp giãy giụa.
Chỉ một đêm xã có hàng chục tấn cá nộp lên trên. Khoa học kỹ thuật kỳ lạ quá. Ai cũng hả hê.
Xe ô tô tải ở trên lũ lượt kéo về chở cá. Từ trưa đến chiều tối xe mới chở hết núi cá của kè.
Tân Bồi
Anh Ngoe là thương binh bị cụt một chân. Gọi anh là Ngoe cụt. Lạ thế ở quê chân cũng được gọi là ngoe. Những đêm trăng sáng một mình anh ra gốc đa ngồi thổi sáo. Suốt đêm anh chỉ thổi đi thổi lại mỗi bài: tò te tí te te te tò te tí tí te tò tò tò tò te tí tí tò tò tò tí tí te te te tí te te te tò te tí tí te tò tò tò tò te tí tí tò tò tò tí tí te te…
Ở quê anh là thằng chăn vịt. Đi bộ đội không biết ai đã dạy anh thổi sáo. Không biết cái bài tò te tí te của anh là bài gì. Chỉ nghe tiếng sáo tò te tí te véo von xa vắng vời vợi ai cũng buồn nẫu ruột. Có người nói anh buồn vì anh nhớ một cô gái ở xa lắm. Lại có người nói đó là anh khóc cái chân của anh bị chôn ở góc rừng…
Một hôm anh Ngọng Ơ cán bộ văn hóa xã đến xóm chơi. Có người xách mé hỏi: Này cậu là đàn ca sáo nhị của xã có biết cái bài tò te tí te mà anh Ngoe cụt thổi sáo không. Anh Ngọng Ơ hấp háy mắt kèm nhem láu lỉnh cầm đàn lên gảy tưng tưng và níu nô: Mời anh đến thăm quê tôi mà xem cái ấp Tân Bồi mặc quần đùi đi ve gái sờ vào quần nó đái ra tay tí te tò te tò te tò te tí…
Hát đến đó Ngọng Ơ cười sằng sặc rồi gảy đàn tưng tưng loạn xạ.
Hóa ra anh Ngoe cụt đểu quá đêm nào cũng véo von bài ve gái. Hay là anh mê gái Tân Bồi. Gái Tân Bồi là gái Thiên chúa cô nào cũng cao vút trắng trẻo xinh đẹp như đức mẹ đồng trinh sao lại đái ra tay trai làng nhỉ.
Ngọng Ơ
Ngọng Ơ là cây kèn trẻ tài năng số một của phường bát âm. Mặc dù bị ngọng từ bé và hơi chập cheng ngớ ngẩn nhưng do thành tích kiên quyết không kéo nhị đám ma địa chủ Rậu bị tử hình trong Cải cách ruộng đất nên được xã cho làm trưởng ban văn hóa xã.
Nhiệm vụ của Ngọng Ơ rất nặng nề. Vừa phải lo nhạc nhẽo văn nghệ văn gừng của xã vừa phải lo kèn trống các đám ma. Hàng ngày Ngọng Ơ chầu hẫu ở Ủy ban xem lãnh đạo xã có sai bảo gì để chuẩn bị loa đài dầu đèn kèn trống. Lại phải tất bật chạy tới chạy lui các xóm lên kế hoạch những người ốm sắp chết để chuẩn bị kèn trống phường bát âm.
Ngọng Ơ từ đứa trẻ đỏ hỏn bị bỏ rơi ở cổng nghĩa địa được phường bát âm nuôi bằng cơm thừa canh cặn của các đám ma trở thành nhân vật quan trọng của xã. Không có anh thì mọi họp hành hội hè đình đám ma chay cưới xin cứ gọi là không thể bắt đầu được.
Anh là trưởng ban văn hóa xã kiêm phụ trách đội văn nghệ lại kiêm phụ trách phường bát âm. Đội văn nghệ chính là phường bát âm được bổ sung thêm mấy nam nữ thanh niên tân tiến. Đội văn nghệ xã bận quanh năm suốt tháng. Ấy là do họp hành hội hè nhiều và nhiều người chết.
Ở đâu có mặt Ngọng Ơ ở đó trống phách đàn ca sáo nhị lời ca tiếng hát tưng bừng rộn rã. Nghe những âm thanh đó ai cũng nức lòng. Thế rồi một lần xã tổ chức Đại hội Đảng có cả cán bộ to lắm ở trên về dự. Ngọng Ơ được giao tổ chức đội văn nghệ hát quốc ca.
Hôm ấy ma xui quỷ khiến thế nào mà sau khi trưởng ban tổ chức Đại hội hô quốc ca. Ngọng Ơ đánh hồi trống giòn giã cầm càng. Trống vừa dứt kèn nhị phèng la mõ phách tưng bừng nổi lên tò te te te tí tí tí te te te tò. Cả hội trường chết lặng. Bỏ mẹ Ngọng Ơ rồi. Đó là nhạc đám ma đâu phải quốc ca. Nhưng trong giờ phút thiêng liêng ấy mọi người đều nghiêm trang bất động nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng. Rồi tiếng khóc thảm thiết cất lên: Ờ ờ ờ ờ cha ơi cha đi đâu mà để một lũ chúng con đầu tóc bạc phơ bơ vơ giữa đời…  Tò te te tí tí te te te tò. Lời khóc vừa dừng Trưởng ban tổ chức Đại hội hô lạc giọng: Thôi. Rồi ông bình tĩnh mời các vị đại biểu an tọa.
Đại hội Đảng khai mạc còn đội văn nghệ cụp đuôi cuốn gói cút khỏi hội trường.

Sau hôm ấy Ngọng Ơ bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống nhiều lần. Sự nghiệp chính trị thăng quan tiến chức của anh thợ kèm đám ma ngàn cân treo sợi tóc. Đi đâu mặt anh cũng thần ra hồn vía đã mất sạch. Anh trần tình cái đầu đất của anh trồng cây thì tốt chứ trí nhớ thì không có một tý nào. Anh chưa bao giờ phân biệt được đâu là đại hội họp hành đâu là đám cưới đám ma. Mọi thứ cứ lộn tùng phèo. Ai sai bảo gì thì anh làm thế.
Lần nào bị kiểm điểm phê bình anh cũng đều ớ ra giật mình thon thót. Những lúc ấy trông anh ai cũng nghĩ Ngọng Ơ chết đến nơi rồi. Lãnh đạo suy đi tính lại thấy anh vốn có thành tích trong cải cách ruộng đất. Lại là thành phần bần cố nông tuyệt đối. Việc làng việc xã anh cúc cung tận tụy như con chó con mèo ai sai bảo gì cũng được. Mà ở cái xã góc biển chân trời heo hút này có ai biết gì về văn nghệ văn gừng đâu. Ngọng Ơ vừa kéo được nhị thổi được kèn đánh được trống vừa biết khóc thảm thiết trong đám ma vừa biết hát quốc ca trầm bổng trong đại hội dù giọng có méo mó ngọng ngẹo.
Đặc biệt Ngọng Ơ có bài hát tủ hát hay không sao kể xiết. Đó là bài: “Đảng là cuộc sống của tôi mãi mãi đi theo người” cứ ở đâu đông đông người Ngọng Ơ lại hát cho dân cho đảng nghe. Đúng là xã có mấy nghìn dân đấy nhưng không có ai thay được Ngọng Ơ.
Bàn đi tính lại cuối cùng xã giữ lại cái chức Trưởng ban văn hóa xã cho anh. Lãnh đạo thông cảm anh mô côi ngô ngọng mù chữ bần hàn dốt nát nên cho anh cơ hội để tiếp tục phấn đấu.
Gần chân đê biển có một gò đất cao và rộng. Đó là đất dự phòng vỡ đê. Gò đất này biệt lập. Cách làng một cánh đồng rộng…
B quay
Gần chân đê biển có một gò đất cao và rộng. Đó là đất dự phòng vỡ đê. Gò đất này biệt lập. Cách làng một cánh đồng rộng.
Bỗng dưng người ta cấm người làng ra biển bằng đường bờ mương chạy qua gò đó. Lán trại được dựng lên. Đêm đêm bộ đội về rất đông. Gò trở thành khu quân sự tuyết đối bí mật.
Rồi mỗi sớm. Thay cho tiếng chuông nhà thờ lúc 5 giờ sáng là tiếng hô từ khu gò vang rền như sấm dậy trong hơi biển mù mịt:
Ai cũng như tôi thì mất nước
Ai cũng như tôi thì mất nước
Ai cũng như tôi thì mất nước…
Sáng nào cũng vậy. Từ khi còn đêm tối mịt mù tiếng hô ấy lặp đi lặp lại vang rền dữ dội tưởng chừng bất tận. Tiếng hô ấy âm vang suốt cả ngày cả đêm. Tiếng hô của hàng nghìn người.
Tiếng hô ấy âm u ma quái lạnh lẽo hoang vu rùng rợn. Ai nghe cũng run sợ lo lắng khiếp đảm. Lúc đầu nghe tiếng hô chó làng sủa ầm ĩ. Sau sợ quá chó cũng cụp đuôi chui lủi câm như hến.
Có người thì thầm đó là bộ đội B quay. Đáng ra phải vào Nam đánh Mỹ nhưng sợ giặc trốn ra Bắc.
Có người quả quyết ai B quay đều bị giết hết ném xác ra biển.
Gà đen
Anh Ngô đi xây dựng kinh tế mới trên mạn ngược. Tết về quê anh mang về một đôi gà đen làm giống. Anh nói đó là gà Thổ sống ở trên núi cao.
Khi mang về đôi gà còn bé tí. Nhưng chỉ vài tháng sau tết đôi gà đã lớn khác thường. Gà quê không sánh nổi. Nhất là con trống cao to hùng dũng lông đen nhánh mào đỏ rực mắt sáng như sao đi đứng oai vệ ra dáng một bậc quân vương.
Mỗi sáng sớm nó cất tiếng gáy át hết cả tiếng gà trống quê. Tiếng nó gáy rõ ra là Ò ó o… o. Oai phong lẫm liệt. Lại thấy tội nghiệp cho mấy chàng trống quê cất giọng È é e… e. Yếu mề hết hơi.
Chỉ nghe tiếng gáy vang rền mỗi sớm mà gà mái cả làng lục tục kéo nhau về nhà ông Ngây để được thân thiết với trống đen. Vườn tược hoa màu nhà ông Ngây cứ gọi là nát bét với lũ gà mái hàng mấy trăm con. Sân thềm nhà ông Ngây cứ gọi là bê bết cứt gà thối inh ỏi.
Nhìn đàn gà mái cả làng suốt từ sáng đến tối quây quanh gà trống đen ông Ngây bố anh Ngô than rằng: Cái thằng Ngô ngu quá rước của nợ này về. Thế này thì chả mấy mà gà cả làng cả xã đen như quạ. 
Vẽ
Anh Ngô đi xây dựng kinh tế mới và lấy vợ nông trường. Nghỉ Quốc khánh anh đưa vợ về quê thăm bố mẹ. Cô dâu là gái thiên hạ ăn trắng mặc trơn yểu điệu cảnh vẻ ra dáng thị thành.
Ông Ngây đi làm đồng về. Quen thói cởi quần áo trần truồng nghênh ngang đứng giữa sân giếng dội nước ào ào. Tắm xong ông nồng nỗng đi lại quanh sân nghiêng ngó cây quả khắp vườn chờ người ráo nước mới mặc quần áo.
Cô dâu thị thành thấy bố chồng tồng ngồng lủng lẳng đi lại vừa thấy hay hay lạ mắt vừa có ý ngượng. Anh Ngô thấy thế càu nhàu: Bố xem sao chứ nhà có con dâu mới. Ông Ngây chẳng để tâm vừa mặc quần vừa chép miệng thủng thẳng: Cái anh Ngô này chỉ vẽ b… nhà chứ có phải b… thiên hạ đâu mà xem với chả xiếc.
Than hoa
Anh Hẻo đi chăm người ốm trên tỉnh. Khi về đã vác về một bao tải than hoa. Than ấy anh mua ở chợ phố. Đúng vào dịp nhà có giỗ. Than hoa mang ra nướng cá nướng chả. Than chắc lửa đượm. Cá và chả vàng ươm thơm lừng. Ai cũng tấm tắc khen than thành phố.
Cỗ bàn xong ngồi uống nước. Anh Ngoe cụt đận đà. Khi ở bộ đội có nghe mấy tay lính ở phố kể rằng nghĩa trang tỉnh mỗi ngày bốc cả trăm ngôi mộ gỗ quan tài cứ gọi là chất đống. Quản trang mang toàn bộ số gỗ ván đã chôn cho vào lò ủ than. Than hoa thành phố đa phần làm từ gỗ quan tài đã chôn người chết.
Nghe anh Ngoe cụt tưng tửng nói thế. Mọi người nghi hoặc lắm. Nhưng ai cũng thấy ghê ghê lợm giọng muốn nôn mửa vì đã ăn cá và chả nướng bằng than hoa thành phố.
Mổ lợn
Ông Chìa răng vổ dòng dõi mổ lợn. Vào bộ đội sẵn nghề gia truyền ông xung phong giết lợn mổ gà cho đơn vị. Được chỉ huy tín nhiệm. Ông được giao làm anh nuôi. Khi bị thương về quê lại đảm nhiệm mổ lợn cho xã.
Xã giao mỗi ngày ông thịt 3 con lợn. Một mình ông giết mổ. Phân chia rành rẽ  thịt xương lòng mề chân thủ đâu ra đấy. Sáng ra xe thực phẩm huyện về chở toàn bộ mang đi nộp cho nhà nước.
Trời còn tối đất đã nghe tiếng lợn kêu eng éc thất thanh khi ông chọc tiết. Làng quê thanh vắng. Tiếng lợn kêu dựng cả làng tỉnh dậy. Ngày nào dân làng cũng chào buổi sáng bằng tiếng lợn kêu khóc vô cùng thảm thiết.
Có nghề ổn định kinh tế nhà ông Chìa khấm khá. Nhưng người làng đều có ý vừa khinh vừa sợ ông. Khinh là cái nghề giết mổ sát sinh. Sợ là nhớ khi ông cầm dao bầu cười hềnh hệch chọc tiết lợn rất điệu nghệ. Máu lợn phun phì phì sủi bọt  khiếp đảm.
Bà Nội nói: Cái nghề thất đức. Có người nói: Giết mổ lợn là nghề ác. Bạc lắm. Có người nói: Đoạt mạng biết bao con lợn thể nào nó cũng oán. Ác giả ác báo. Ai cũng ghê ghê.
Một buổi sớm không thấy tiếng lợn kêu. Làng quen cữ lợn kêu tỉnh dậy. Ai cũng thắc thỏm băn khoăn nhớ tiếng lợn kêu khóc.
Sáng ra tiếng vợ con ông Chìa kêu gào thảm thiết. Cứ như là tiếng lợn kêu gào. Khi mọi người chạy tới thì ông Chìa đã chết. Xác ông nằm vắt ngang cầu ao. Bụng bị mổ phanh. Ruột gan tuôn thành một đống lớn lầy nhầy. Máu nhuộm đỏ nước ao. Ông Chìa mắt trợn ngược trắng dã. Tay phải ông vẫn nắm chặt cán dao bầu.
Miếu mòi
Vào cữ sau tết tiết xuân ấm áp cá mòi lại ùn ùn kéo nhau về. Chúng bơi ngược sông Hồng tìm nơi đẻ trứng. Đó là mùa dân chài tha hồ đánh bắt cá mòi.
Nghe nói: Cá mòi sống ở ngoài biển bơi vào sông đẻ xong thì biến thành chim ngói bay lên rừng. Đến tháng mười mùa gặt mới bay về châu thổ ăn thóc. Chắc là thế. Bao đời nay chỉ thấy cá mòi bơi vào sông không thấy con nào bơi ra biển.
Cửa sông Hồng có một cái miếu nhỏ rất thiêng.
Chuyện kể rằng ngày xưa có một ngư ông làm nghề chài lưới cửa sông. Mỗi mùa cá mòi ông bắt được hàng ngàn con. Do cá mòi ông trở nên giầu có.
Một đêm tối trời ông neo thuyền lững lờ nằm ngủ mom sông. Trong mơ ông thấy có hàng ngàn con cá mòi từ sông lao vun vút lên thuyền đâm vào người ông. Chúng nhiều đến nỗi đè ông ngạt thở. Ông vùng vẫy ú ớ: Cá mòi cá mòi. Nhưng không sao thoát ra được. Sắp tắt thở thì ông choàng tỉnh. Đầu nặng như búa bổ. Mồ hôi vã ra như tắm.
Từ đó ông như người mất hồn. Lúc nào cũng bàng hoàng hoảng hốt. Cứ chợp mắt lại thấy hàng ngàn con cá mòi lao vun vút vào người đè ông xuống. Khi đó miệng ông phát ra âm thanh thảm thiết: Cá mòi cá mòi. Tỉnh dậy đầu nặng như búa bổ. Mồ hôi vã ra như tắm.
Một sáng kia dân làng tá hỏa thấy xác ông nổi lềnh bềnh cùng xác hàng ngàn con cá mòi trắng xóa cửa sông. Cảnh tượng thật khủng khiếp. Người ta vớt xác ông và lũ cá mòi chôn chung một nấm mồ. Từ đó ai đi qua mộ ông đều văng vẳng bên tai tiếng kêu thảm thiết: Cá mòi cá mòi.
Không biết từ bao giờ nơi mộ ông người ta dựng một ngôi miếu nhỏ. Miếu thiêng lắm. Dân chài lưới khắp vùng cửa sông bãi nổi đều tìm về hương khói. Không người nào đánh bắt cá mòi sông Hồng không lui tới lễ bái.
Dân gian gọi đó là miếu mòi.
Tập bản thảo Miền nước đỏ của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu gồm 125 bài tùy văn ngắn viết về những kỷ niệm ấu thơ nơi cửa sông Hồng, gợi cho mỗi người những ký ức đẹp của thười hồn nhiên trong sáng.. 
Sông Hồng
Sau những cơn mưa rào đầu mùa. Nước sông Hồng dâng cao sa hồng lộng lẫy cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về. Vùng hạ lưu cửa biển nước lũ rực đỏ phù sa tràn ngập các đồng bãi đầm hồ sông ngòi ao chuôm.
Chỉ sau một tuần lũ sông Hồng dồn dập đổ về. Vùng giáp ranh giữa nước biển và nước sông phì nhiêu màu mỡ đã diễn ra một sự kiện mà không để ý ta sẽ không thấy. Đó là trứng muôn loài côn trùng thủy sinh và lưỡng cư theo dòng nước khắp nơi tụ về bồng bềnh sóng sánh như những đám mây muôn màu muôn sắc. Một điều kỳ diệu đã bí mật diễn ra là muôn ngàn quả trứng ngọ nguậy râm ran lao xao cùng đua nhau nở.
Hằng hà sa số các loại ấu trùng cá tôm cua cáy rạm rốc ốc hến ngao sò ếch nhái chuồn chuồn liềng liễng cà cuống cào cào châu chấu… nhung nhúc chen chúc  lau nhau náo nháo đông đặc sóng sánh sa hồng.
Chẳng hiểu sao mẹ chúng ngược sông Hồng tìm về miền nước ngọt để đẻ trứng. Trứng lại theo con lũ trôi về miền nước lợ lượn lờ bềnh bềnh ở đó mới nở thành con. Ấu trùng sống ở miền nước lợ cửa sông dồi dào màu mỡ một thời gian cho trưởng thành hình hài cứng cáp. Cũng là chờ cho hết mùa lũ nhiều nổi nênh bất trắc.
Rồi mẹ nào quê biển thì lũ con lại theo mẹ về biển. Mẹ nào quê ở vùng nước lợ thì lũ con ở lại tràn vào đồng ruộng sông hồ vùng nước lợ. Mẹ nào quê ở vùng nước ngọt thì lũ con cùng nhau ngược sông Hồng trở về quê cha đất tổ.
Năm nào cũng thế đã hàng ngàn hàng ngàn năm nay cái vòng tuần hoàn sinh sôi nảy nở của muôn loài côn trùng thủy sinh lưỡng cư linh thiêng châu thổ sông Hồng cứ đều đặn hành trình. Đó là sự thường hằng của tự nhiên. Đó là phồn sinh bí ẩn của sông Hồng.
Cốm
Lúa nếp vào cữ chín sữa hạt căng tròn xanh mướt. Mẹ cắt về một bó lúa xanh dùng đĩa cạo từ từ vào bông tuốt hạt.
Sau đó mẹ cho thóc non vào nồi luộc chín. Hong khô rồi cho vào cối giã tay. Hạt gạo non dẻo dai xanh ngọc dần dần tróc vỏ hiện ra. Mùi gạo non thơm dịu dàng tinh khiết bảng lảng khắp nhà.
Khi trấu đã bong hết mẹ cho ra mẹt xẩy loại bỏ hết vỏ. Chỉ còn lại cơm gạo non mềm dẻo đã chín xanh thắm như ngọc. Trông rất thích mắt.
Rồi mẹ cho vào chảo đun nhỏ lửa dùng đũa tre đảo đều. Tiếng gạo non nở tí tách râm ran. Những hạt gạo non phồng mẩy nở nang căng tròn. Mùi hương gạo non phảng phất khắp nhà.
Khi chảo gạo non xanh ngọc chuyển màu vàng mơ nồng nàn mùi hương cơm nếp thì gạo non đã thành cốm.
Cốm nếp cái hoa vàng nhai giòn tan trong miệng sực nức thơm tho. Dịu ngọt vị đường béo ngậy dầu cám nồng nàn tinh bột ăn cả ngày không chán.
Ai cũng tiếc một năm chỉ có một mùa nếp cái hoa vàng.
Cá lạ
Bà Bờn đi chợ buổi sớm lúc trời còn tinh sương. Khi đi tắt qua bãi tha ma bà thấy ở chân mộ hoang gần mép nước một con cá quả lớn nằm lăn lóc. Thấy động con cá nghển cổ nhìn và vươn mình nhảy xuống đầm.
Bà Bờn nhanh tay cầm cái thúng úp chặt đầu con cá. Cá quả vùng vẫy mãi rồi cũng phải nằm im. Tưởng nó mệt bà ấn thân nó xuống để bắt nhưng con cá dữ quá đớp bà mấy cái chảy cả máu tay. Bắt được con cá to bà vòng về nhà nhốt vào chum nước rồi mới lại đi chợ.
Thấy con cá lạ nhiều người tò mò đến xem. Có người nói con cá quả này đang nuôi con nhỏ nhảy lên bờ giả chết cho kiến bám vào rồi nhảy xuống nước cho con ăn kiến. Có người nói đây không phải cá quả cá này lạ lắm chưa ai thấy bao giờ. Có người nói đó là một con rắn hổ trâu già. Có người nói đó là con cá quả già hóa tinh. Có người nói đó là hồn ma mộ hoang giả dạng cá trêu ngươi… Rồi người ta khuyên bà Bờn nên thả con cá về đầm bãi tha ma…
Mặc mọi người bàn tán bà Bờn vẫn xẻ thịt con cá nấu canh chua và kho riềng tẩm bổ vì bà đang có chửa.
Sau này bà sinh cái Bơn cao lêu nghêu. Cổ dài ngoẵng. Đầu nhọn hót. Mắt lồi tròn vo hình dung từa tựa con cá lạ bà chén thịt. Ai cũng thấy thế nhưng ngại chẳng ai nói ra.
Gốc đa
Buổi tối mùa hè nóng bức bọn trẻ kéo nhau ra gốc đa làng trên con đê biển. Cả lũ lớn bé cùng ngả ngớn trên thảm cỏ miên hương xanh mướt. Mùi hoa cỏ nồng nàn ngào ngạt.
Trong những đêm như thế các anh lớn thường kể chuyện. Biết bao là chuyện. Thời chiến toàn chuyện chém giết bắt gián điệp. Chuyện nào cũng hồi hộp hấp dẫn.
Nhiều chuyện được kể đi kể lại đến nỗi ai cũng thuộc lòng. Rồi cứ thế người nghe thêu dệt thêm lại kể cho người khác nghe.
Bao nhiêu năm đã qua bao nhiều chuyện hồi hộp hấp dẫn ngày nhỏ không hiểu sao Cò Bé đều quên cả. Duy có một chuyện chỉ nghe thoáng qua một lần rồi cứ vu vơ nhớ mãi.
Chuyện là: Mồng ba tháng bảy vừa qua có một đôi đâm vào gốc đa chết. Có người cho rằng đôi ấy chết vì tình. Cũng có người cho rằng đôi ấy chết vì tiền.
Đêm trăng
Những đêm hè oi ả hay những đêm thu gió lộng mùa trăng sáng lũ trẻ thường theo các anh chị lớn ra ngồi dưới gốc đa cổ thụ trên con đê biển hóng gió ngắm trăng.
Những đêm trăng thanh gió mát các anh chị thường thổi sáo chơi đàn hát hò vô cùng vui vẻ. Từ nơi xa trong sóng sánh ánh trăng vàng các anh chị từ những gốc đa khác đáp lại tiếng đàn điệu hò tiếng hát hết sức say đắm hồn nhiên tươi sáng.
Trong khi trai gái hát hò đối đáp hồn nhiên đắm đuối vui vầy thì thủy triều dâng. Phù sa đỏ theo con nước tràn ngập cánh đồng ếch nhái cá tôm xôn xao nhảy múa côn trùng da diết tấu lên những dạ khúc xuân tình lúa đang thì con gái ngào ngạt tỏa hương thơm ngát đất trời.
Trong những đêm trăng sáng thanh bình như thế tiếng sáo tiếng đàn điệu hò câu hát của trai gái mới lớn thâu đêm suốt sáng tưởng chừng bất tận.
Rồi thời gian thấm thoát tiếng đàn điệu hò tiếng hát cứ thưa dần thưa dần. Rồi bỗng một này dưới ánh trăng vàng lung linh thanh vắng đồng quê chỉ còn lại ngằn ngặt tiếng côn trùng lõng bõng tiếng cá tôm u ơ tiếng ếch nhái.
Nhiều năm sau Cò Bé mới hiểu. Ngày ấy khi chiến tranh miền Nam ngày càng ác liệt thì tất cả trai làng đều nhập ngũ vào chiến trường. Trai làng đi sạch các chị lẻ loi bóng chiếc chẳng ai còn lòng dạ nào ra đê hóng gió ngắm trăng đàn hát nữa.
Nghe nói những trai làng hồn nhiên hát hò đàn sáo trong những đêm trăng sáng năm xưa ra trận không một người nào trở về mà đều đã nằm lại chiến trường.
Đan rổ
Từ nhỏ Cò Bé thấy ông Ngoại chỉ quanh quẩn chăm sóc vườn cây và đan lát rổ rá.
Tre trong vườn mọc thành rừng. Ông chọn cây vừa độ chín già để ra nan đan các đồ dùng. Để chống mọt sau khi ra nan vót nhẵn ông mang ra ao dìm xuống dưới bùn. Gọi là ngâm tre. Đủ ngày tháng ông vớt lên đánh sạch bong phơi khô rồi mới đan.
Toàn bộ đồ mây tre nhà dùng đều do ông Ngoại đan cho cả. Nong nia thúng mủng rổ rá dần sàng… ông đan đều rất bền đẹp.
Sau này có lần Cò Bé để ý sau khi ra nan vót nhẵn trước khi phơi ông quét đi quét lại nhiều lần thuốc trừ sâu. Thấy Cò Bé chăm chú xem ông làm ông đận đà nói thuốc này tốt lắm ếch nhái cá tôm còn chết thì mối mọt tiệt giống sao mà đục khoét được. Nói xong ông cười đắc ý.
Ông không ngâm nan xuống bùn nữa chỉ ngâm nước vài hôm cho hết mùi thuốc sâu là ông mang lên đan và sử dụng ngay. Những rổ rá ấy bền lắm tuyệt nhiên không bị mối mọt gì.
Chim non
Cò Mắm cứ thấy tổ chim là phá. Có trứng nó lấy trứng có chim non nó bắt chim non. Chim nướng trứng luộc mình nó chén hết. Mỗi lần như thế chim bố mẹ theo nó về tận nhà nhảy nhót nhào lộn trên cây bòng trước sân xỉa sói nguyền rủ hết ngày này tháng khác đến đứt họng mới thôi.
Nói thế nào nó cũng không nghe. Bố mẹ nó ra đường nghe mọi người xì xào về thằng bé chuyên phá tổ chim xấu hổ lắm. Về nhà lôi nó ra đánh đòn. Thế nhưng chỉ được mấy hôm. Cò Mắm vẫn chứng nào tật ấy. Cứ thấy tổ chim là nó lấm lét trèo lên lấy trứng bắt chim non.
Tự dưng Cò Mắm nổi cái mụn lớn ở mu bàn chân. Bàn chân sưng húp đỏ như quả gấc chín. Đau đớn không sao chịu được. Nó lăn lóc dưới đất chân giơ lên trời. Mồ hôi vã ra mặt trắng nhợt đầm đìa nước mắt.
Mời thú y Khèo đến xem. Ông lắc đầu. Cả nhà nghĩ phen này Cò Mắm chắc chết. Khóc rống lên. Thú y ra vườn hái một nắm lá táo non nhai dập rồi lấy lá chuối hơ lửa bó lại. Dặn không được đụng vào.
Hai hôm sau ông Khèo sang. Cò Mắm hai ngày đêm vật vã người rạc hồn vía tản mát chỉ còn vài phần. Ông bảo gia đình lấy bao diêm que đóm rồi tháo lá chuối ấn ấn nắn nắn. Cò Mắm mặt cắt không còn giọt máu.
Sau khi hơ lửa cái dao hoạn lợn ông rạch ngang cái mụn. Máu mủ túa tràn ra tởm lợm. Ông lấy bông khua khua vết mổ rồi gọi bố Cò Mắm ra hỏi: Anh nhìn xem có phải con chim non chết thối rữa trong này không. Mọi người đứng quanh châu đầu nhìn xuống ai cũng chết lặng kinh hoàng.
Người làng đồn rằng vì Cò Mắm hay giết chim non nên bị chúng oán.

Cá bã trầu bé bằng miếng trầu nhai dở. Con cái bầu bĩnh mầm mẫm kệch cỡm. Cái bụng đầy trứng dâm đãng xệ xuống. Con đực thân màu đỏ đun đỏ cờ óng ả. Vây dài tua rua đỏ rực pha lẫn màu xanh biếc cánh trả rất lộng lẫy. Dưới bụng con đực trưởng thành có hai sợi chỉ vàng tươi pha đỏ dài lóng lánh như kim tuyến càng tôn thêm sự cao quý sang trọng của các quý ông.
Bã trầu
Cá bã trầu bé bằng miếng trầu nhai dở. Con cái bầu bĩnh mầm mẫm kệch cỡm. Cái bụng đầy trứng dâm đãng xệ xuống. Con đực thân màu đỏ đun đỏ cờ óng ả. Vây dài tua rua đỏ rực pha lẫn màu xanh biếc cánh trả rất lộng lẫy. Dưới bụng con đực trưởng thành có hai sợi chỉ vàng tươi pha đỏ dài lóng lánh như kim tuyến càng tôn thêm sự cao quý sang trọng của các quý ông.
Dù nhỏ nhưng bã trầu đực rất hung hăng hiếu chiến. Quanh bờ ao bờ sông chỗ nào nước xao động nổi sóng chắc chắn ở đó thể nào cũng có hai con bã trầu đực đang chiến nhau. Khi đã vào trận bã trầu rất anh hùng không giết được tình địch quyết không dừng. Thà chết chứ không bao giờ bỏ chạy.
Xem bã trầu đánh nhau rất hấp dẫn. Bởi bã trầu có rất nhiều cơ mưu miếng đòn chiêu trò lừa né để tấn công triệt hạ đối thủ. Vì trận nào cũng đánh nhau đến cùng nên bao giờ cũng ngã ngũ kẻ thắng kẻ thua.
Kẻ thua thì vây lưng tan nát đầu đuôi sứt sẹo tã tượi như một miếng dẻ rách. Với tấm thân tàn rời trận chiến nó tức khắc bị loài khác ăn thịt. Kẻ thắng thì được lũ bã trầu cái bầu bĩnh mắn đẻ rình rập đâu đó ùa ra ve vãn uốn éo nhào lượn đón rước tưng bừng. Thế mới sướng.
Trong mỗi ao mỗi đoạn sông mỗi vùng hồ chỉ có một con bã trầu vua. Đó là con đực mạnh mẽ nhất làm chủ nhân ông. Những con đực khác đều bị nó tiêu diệt.
Hoạn trâu
Sớm nào thú ý đến nhờ bà Nội nấu hộ nồi nước sôi nghĩa là hôm ấy hoạn trâu. Nhà Cò Bé sát sân kho Hợp tác xã. Ngõ rộng lại có một hàng duối cổ. Đó là nơi bao năm tập kết trâu đực về để hoạn.
Trong mấy trăm con trâu đực mới lớn người ta chỉ chọn vài con làm giống. Số còn lại đều hoạn cho béo để kéo cày.
Trâu mộng rất khỏe hung dữ. Để hoạn người ta phải đóng róng từng con một. Sau đó cột chặt bốn chân vào bốn cây duối cổ. Đầu và sừng buộc chặt vào róng không cử động được.
Thú y lấy nước sôi để nguội tẩm khăn lau sạch bìu dái trâu. Trâu mộng con nào hai hòn dái cũng lớn thõng xuống như hai quả soài đại. Họ dùng dao rạch mạnh dứt khoát dọc bìu rồi nhanh tay kéo hai hòn tròn căng màu trắng sữa nóng hổi bốc khói.
Trâu mộng đã bị cột chặt toàn thân gồng lên rùng rùng giãy giụa mắt trợn ngược vằn đỏ máu. Khi bị hoạn con nào cũng rống lên thảm thiết. Khi hoạn xong toàn thân chúng chùng xuống đứng bất động chết đứng. Con nào nước mắt cũng đầm đìa tuôn như mưa.
Cò Bé lần nào cũng tò mò xem hoạn trâu nhưng bao giờ cũng sợ thót tim. Đôi khi nó vơ vẩn: Trâu thì hoạn ở ngõ nhà nó còn các anh thanh niên xóm thì hoạn ở đâu. Nó không biết. Chả biết mỗi lứa người ta chọn mấy anh choai choai làm giống.
Miếu Ngô
Miếu Ngô ở cuối làng đầu xóm người Hoa. Miếu nhỏ bên đường quay mặt ra Cồn Trắng nghĩa địa Khách. Xóm người Hoa ngày xưa gọi là phố Khách nằm sát cửa biển một bên là miếu Ngô một bên là đền Bà Thiên Hậu. Đền vốn thờ cá Ông sau phối thờ hoàng hậu và các công chúa nhà Tống chết trôi.
Miếu Ngô chỉ có người Hoa vào cúng bái hương khói người Việt không ai bén mảng đến đó. Miếu vắng vẻ lạnh lẽo cô tịch hoang vu rùng rợn. Đồn rằng xưa người Khách chôn vàng dưới đất xây miếu lên trên. Kho vàng có thần giữ của là một thiếu nữ Khách xinh đẹp lạ lùng.
Nghe nói cứ vào tinh sương hoặc choạng vạng những ngày mù biển ai qua miếu Ngô cũng thấy một cô gái Khách thanh mảnh rỏng rớt mặc bộ sườn xám trắng lốm đốm hoa đỏ thướt tha ngồi nghiêng trải tóc bên bậc thềm miếu. Cô gái miếu Ngô rất nhiều người đã gặp nhưng chưa ai nhìn rõ mặt bao giờ.
Trai làng Chỉ Thiện tuyệt nhiên không ai dám bén mảng đến gần miếu Ngô. Đấy là do sợ rằng cô gái ấy theo về nhà.
Cá chép
Đang mùa cá đẻ. Hai anh em Cò Bé và Cò Con rủ nhau đi soi cá. Khu Kè nước đã dâng lên những chân ruộng sâu. Đó là nơi hàng năm cá tìm về đẻ.
Hơi xuân tràn ngập cánh đồng đêm. Tiếng cá bơi lội giao hoan vật đẻ bì bõm lao xao rộn rã khắp cánh đồng.
Vừa đến khu ruộng sâu. Khua đèn một vòng đã thấy lấp lánh dưới làn nước trong vắt một đàn cá chép đỏ. Vây đuôi phe phẩy vẩy đỏ lấp lánh phản quang ánh đèn. Đàn cá đông đúc chen chúc ung dung xếp hàng đến vài chục con. Hai anh em đưa mắt cho nhau phân chia. Cò Bé úp nơm Cò Con chém dao.
Nhanh như chớp. Nơm đã được ấn sâu xuống ruộng. Dao đã chém xuống bùn. Nhưng nước vẫn trong suốt nhìn quanh không thấy một con cá nào không thấy sóng xao cá chạy.
Hai anh em kiên trì tìm khắp khu ruộng mấy vòng nhưng không thấy một con cá nào. Lại đi hết một vòng bờ ruộng. Khu ruộng bờ đắp kín mít kiên cố. Tự dưng đồng không mông quạnh vắng ngắt ớn lạnh.
Tối ấy hai anh em bỏ buổi soi cá về sớm.
Mẹ nói người làng thi thoảng vẫn gặp đàn cá chép đỏ như thế ở ngoài đồng.
Dã hương
Nơi đình làng Chỉ Thiện có một cây dã hương cổ thụ trăm năm. Cây quanh năm xanh tốt. Mùa nảy lộc nở hoa hương thơm ngào ngạt khắp nơi.
Tương truyền gốc cây dã hương chính là nơi chức dịch xưa sử kiện. Kể rằng nếu người ngay chạm tay vào gốc cây thì cây tỏa hương thơm ngát. Nếu người gian chạm tay vào gốc cây lá cây sẽ đổ xuống ào ào.
Bởi sự linh ứng của cây dã hương nên làng Chỉ Thiện bao đời không bao giờ có người xấu. Người làng ai cũng hồn hậu thuần phác tử tế. Dân làng bảo vệ cây dã hương như báu vật.
Một lần có một đoàn cán bộ lãnh đạo của tỉnh về xã. Nghe chuyện họ không tin. Thế là họ kéo nhau ra gốc cây để thử. Mấy vị chức to nhất cùng sờ tay vào gốc cây. Lập tức lá cây ào ào đổ xuống như mưa. Ai cũng vô cùng khiếp sợ.
Đoàn cán bộ tỉnh đi không lâu thì cây dã hương bị đốn hạ với lời giải thích đó là tàn dư của chế độ phong kiến thối nát. Đó là mê tín dị đoan sai quan điểm của Đảng.
Ngày nay dân làng Chỉ Thiện đã nhiều người giầu có nhưng trộm cắp như rươi. Ai cũng tiếc cây dã hương đã bị cách mạng chặt phá mất rồi.
17/3/2020
Nguyễn Linh Khiếu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ Không Mùa Tháng Sáu, những bà mẹ đổi chỗ đợi con từ cổng trường sang nhà riêng giáo viên dạy hè. Trên đầu bông điệp tây đang nở rộ, nh...