Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

Xoài Mút quê tôi

Xoài Mút quê tôi

Tôi mút trái Xoài Mút tráng miệng sau bữa cơm chiều giỗ má, vị chua ngọt lẫn mùi thơm của xoài thấm đầu lưỡi, tê lòng kẻ tha phương. Cũng ve sầu gọi hè như ve sầu gọi hè từ kỳ nghỉ hè hồi sáu mươi năm trước. Nhưng, sao giờ đây, tiếng ve không sầu mà chừng như hấp hối…
1. Kỳ nghỉ hè năm một chín năm bảy.
Tôi nắn nót từng chữ, viết trang ”Lưu bút ngày xanh” thì ngoài sân trường, những cánh bông phượng vĩ lác đác lìa cành theo tiếng ve sầu tấu khúc chia ly. Mùa hè năm đó, tôi giã từ niên thiếu, khập khểnh bước vào ngưỡng thanh niên tràn đầy mơ và mộng. Mùa hè năm đó, cũng là mùa hè gia đình ba má tôi rời vùng tản cư Xoài Hột để hồi cư Phú Kiết.
Rưng rưng, nắng trốn chiều trong khu vườn cũ xót thật xa nơi tâm hồn ”đất ở người đi”!
Năm năm tản cư, năm năm tuổi thơ tôi đắm chìm theo dòng nước rạch Xoài Mút với những ngày trưa nắng rát da, và ngần ấy năm, tôi lẽo đẽo theo má ra chợ Xoài Hột, ăn cơm nguội kèm gỏi khô cá sặc trộn xoài của bà Tám Gỏi. Vị xoài chát mà thanh thao, chua mà ngọt ngào đọng nơi chót lưỡi… Tất cả hòa để quyện vào cơm nguội, tưởng hạt cơm bời rời nhưng không dè nó kết dính thành một nắm trong nắm tay. Chợ trời mua bán hàng giả thiệt, chợ đời không mua bán lời ăn tiếng nói mà chỉ kể nhau nghe chuyện thiệt mà chơi. Những lúc ngẫu hứng rượu vào lời ra, cánh đàn ông ở đây thường nói tưng tửng: ”Trên Hột, dưới Mút”. Mấy bà mua bán xoài cũng chẳng phải tay vừa, hay nói trả treo, lấp lửng: ”Trên bến thì Hột, dưới bến thì Mút”! Rồi, mọi người cười xả láng lúc tan buổi chợ quê. Có lẽ, người Xoài Hột thích nói ”tiếu lâm” để cho đời bớt khóc (?).
Xoài Hột là giống xoài rừng, nó mọc thành rừng chớ không phải rừng cho nó nương tựa để mọc. Đất nước sanh ra nó, và nó làm rạng danh nơi nó sanh ra. Tên nó đặt tên đất để mãi mãi đất thuộc về nó, dù đời nhiễu nhương hay lắm bể dâu! Vì, tự thân phải tranh đấu với thiên nhiên để sống và tồn tại, nên Xoài Hột trái nhỏ, mỏng cơm ít thịt, và chỉ có phần hột là to nhứt. Người muốn ăn Xoài Hột cho biết hay cho đỡ lòng lúc thắt ngặt thì phải mút, và một khi đã mút, mấy ai tránh khỏi cảm giác say sưa bởi mùi vị quyến rũ của hột xoài!?
Tiết Xuân chưa tàn, và mỗi sớm mai thức dậy, tôi đã thấy bông xoài rụng trắng mặt sân nhà, rồi má biểu lấy chổi quét sân trước lúc ăn khoai lót dạ, đi học. Tôi đi học trên con đường làng ngoằn ngoèo rợp bóng xoài, hương Xoài Hột thơm nhẹ bám vai cùng tôi tới trường, vô lớp. Gió quần quật vòm cây, gió xô đẩy gió lùa rạp đầu cây dợn sóng: Xoài rụng! Ngày nghỉ học, tôi và mấy đứa bạn cùng trang lứa trong xóm thường rủ nhau đi lượm xoài rụng; trái xoài rụng có trái còn rỉ mủ như tức tưởi, luyến tiếc chưa muốn lìa cành; cũng có trái đông mủ, khô cuống buông cành không hối tiếc… Bằng trực giác, đôi khi tuổi thơ không vô tư như người lớn tưởng, nó giàu liên tưởng trong quán tưởng vô thức kết thành sâu chuỗi viễn mộng.
Năm năm tản cư, thời gian đáng kể so với đời người, nhưng so với đời cây thì chẳng thấm vào đâu. Vì, đời cây như cây Xoài Hột, nó có thể sống vượt qua giới hạn trăm năm; còn đời người chỉ trong hữu hạn trăm năm. Hỏi người chợ Xoài Hột, người chợ Xoài Hột tủm tỉm cười: ”Chưn người trên mặt đất, rễ cây bám sâu lòng đất”! Té ra, cái gì bám sâu vào lòng, cái đó họa may mới bền vững; nhược bằng cũng chỉ là ”Bì phu chi ngoại” (1) mà thôi! Mấy đứa bạn trong làng, thường nói với tôi:
”Tản cư, cũng chỉ là người ‘ăn nhờ ở đậu’ một thời gian rồi đi. Ngụ cư, người từ phương khác tới lập nghiệp và nhận đó là quê hương, dù là quê hương thứ hai”.
Rồi, đôi lần bạn thiệt thà bộc bạch:
”Nói gì thì nói, người bổn xứ gần gũi với người ngụ cư hơn người tản cư”!
Mùa hè trải nhớ lên rừng Xoài Mút quê người!
Những tâm tình của bạn, kích hoạt trong tôi sự thôi thúc dã ngoại vùng đất đã cưu mang gia đình ba má và tôi trong thời gian tản cư; để mai nầy, nếu có phải xa nơi từng sống, tôi bớt hối tiếc bao điều hối tiếc.
Tán lá Xoài Mút giao nhau, nhưng tuyệt nhiên không chồng lấn. Bởi một khi chồng lấn sẽ xảy ra tình trạng tranh sống ”mạnh được yếu thua”; cây khỏe mạnh tán lá sum xuê che khuất nắng, một mình một chợ thảnh thơi quang hợp mặt trời, là khởi đầu của sự xâm lấn. Cây Xoài Mút mọc chen chút thành rừng, tuyệt nhiên không vì ”đất hẹp nhiều cây” mà xâm thực hay giành giựt đất sống với nhau. Và, nó cũng dứt khoát không nhượng một khoảng đất trống nào cho loài cây khác mọc chen vô, vì đã chen vô tất khó ra và sớm muộn gì cũng tạo thế da beo. Ngó cây Xoài Mút, tôi bỗng nhớ tới cây mắm, cây đước… ngày đêm ngăn sóng giữ đất nơi Đất Mũi. Rừng mắm, rừng đước mọc có lớp có lang: ”Trước mắm, sau đước” không lẩn lộn vào nhau. Tôi thán phục sự sinh tồn và cách biết sống của loài thực vật trong bàn tay Thượng đế vô cùng! Nhiều lần nhìn kỹ, tôi mới hiểu ra: ”Cây Xoài Mút dùng bóng cả của mình che nắng mặt trời, các loài thực vật khác không thể sống và tồn tại một khi bất khả quang hợp. Đó là cách giữ đất hữu hiệu nhứt của cây xoài”.
Tôi đi dưới bóng xoài râm mát giữa trưa hè, lòng liên tưởng tới những người con Xoài Mút đã không tiếc máu xương, cùng với quân Tây sơn Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm xâm lược rạng sáng ngày 20 tháng giêng, năm Giáp Thìn (1785) tại Rạch Gầm – Xoài Mút. Con rạch Xoài Mút (2) chia đôi ngã: ”Ngã phải, dài khoảng tám cây số, từ Đạo Ngạn nối sông Bảo Định chảy qua Trung An, rồi thẳng tuột ra vàm thuộc Bình Đức. Ngã trái, dài áng chừng mười lăm, mười sáu cây số, có rạch Cái Ngang (rạch Trung Lương) từ Tam Hiệp chảy qua Cầu Rượu (Quốc lộ 1), qua Phước Thạnh, Thạnh Phú, rồi nép mình nhập vào ngã phải. Lưu dân đầu tiên đặt chưn lên miền đất nầy, đã thấy rừng Xoài Hột bạt ngàn, đã nghe tiếng cọp gầm, tiếng khỉ kêu vượn hú…, và tiếng nước cơm sôi chiều hoài hương! Nhiều người tin rằng: ”Đất cũ đãi người mới” và hẳn nhiên, rạch Xoài Mút đã nuôi người từ cái thuở ”Vạn sự khởi đầu nan”; đồng thời, nó tạo ra vùng đất hứa cho cây Xoài Hột mang tên tục Mút từ muôn năm trước!
Trước ngày theo ba má hồi cư Phú Kiết, tôi tần ngần tựa lưng hằng giờ nơi gốc xoài lão trong khu vườn xoài lưu niên ở phía cuối chợ Xoài Hột. Tôi thố lộ tâm tình với cây, với đất, với những người bạn mà tôi sắp xa. Tiếng ve trổi từng chập, từng hồi khúc nhạc buồn vang trên cây, trên mây trời bay lãng đãng về phương vô định. Bạn trao tôi trái Xoài Mút chín cây, rồi giục: ”Mút đi…!”. Ngập ngừng, tôi không đành lòng mút. Bầy chim sáo líu lo trên cành xoài xòe nhánh che bến nước.
Hôm chia tay, những người bạn xóm chợ Xoài Hột tặng tôi chục cây Xoài Mút giống để gầy giống nơi tôi ra đi giờ đã quay về!
2. Mười năm sau ngày hồi cư, cây Xoài Mút sinh sôi nẩy nở trên vùng đất Phú Kiết.
Xoài Mút ra bông tự nhiên như gái quê trổ mả khi tới tuổi dậy thì. Và tôi, giờ đã là chàng trai ngoài tuổi hai mươi, biết thưởng thức mùi hương ma mị của bông xoài; biết đắm đuối nhìn bông hợp từng chùm, chù bông mọc trên chồi tận ngọn hoặc nách lá, có khi chùm bông thuần không mang lá và ngược lại, chùm bông hỗn hợp mang lá; biết thổn thức mỗi khi bụi vàng bông rơi lả tả… Dù biết vậy, nhưng thực ra, cơ chế xoài trổ bông vẫn là điều bí hiểm thuộc về tạo hóa.
Chùm bông Xoài Mút có từ hằng trăm bông tới hằng ngàn bông, cây Xoài Mút có hằng triệu bông và mỗi chùm bông, có bông đực, bông lưỡng tính; nào ai hiểu mỗi bông mang ước chừng hai bao phấn hữu thụ, mà có tới sáu bao phấn bất thụ; nó thụ phấn chéo nên rất cần ”Kẻ phá đền”, và ”Kẻ phá đền” chính là ong bướm, côn trùng. Nhụy nhận hạt phấn với thời gian chưa bằng cái ngáp gió Xuân; nghĩa là sau vài giờ ngắn ngủi, nếu nhụy vẫn ”phòng không chiếc bóng” thì nhụy sẽ rữa, tàn hoa.
Bầu nhụy chuyển xanh, xanh rất nhanh và phình to là báo hiệu bông xoài nở tự thụ phấn. Những bông xoài bạc phước, không có được diễm phước thụ phấn, thụ tình thì năm ba hôm sau đó sẽ héo hắt và rơi rụng. Hóa công chơi trò trớ trêu, giờ vàng nhụy nhận hạt phấn lúc rạng đông, còn nhị đực tung hạt phấn lúc mặt trời lên khỏi ngọn cây chói nắng. Sự so le thời khắc, nhụy mang nỗi mong chờ trong nỗi đau bất lực không lấy được hạt phấn tình yêu, để rồi xoài không thể thụ phấn và thụ tinh như ý!
Ở tình yêu người, mấy ai yêu được lấy người mình yêu và nếu được lấy người mình yêu, thì mấy ai hạnh phúc như mộng ban đầu!?
Bông xoài có năm lá đài nhỏ, mặt ngoài có lông măng tơ, tuyến mật trong năm cánh bông, năm nhị bông, chỉ một đôi nhị là có thể sinh sản. Và, bầu trên, cũng chỉ có một lá noãn chứa một noãn mà thôi. Thấy hoa nhớ đến người, hỏi người sao tránh khỏi ”thương hoa tiếc ngọc”!
Truyền thuyết trong dân gian: ”Cây Xoài Mút có cùng thời với cây lúa trời ”(3), và ngoài cây lúa trời (sau nầy, người ta thường gọi là lúa ma?) còn có cây cau, cây dừa, cây cam, cây mía đường… được trồng trên đất nước Phù Nam. Như vậy, cây Xoài Mút đâu phải là cây ăn trái mới có mấy trăm năm trở lại đây mà nó đã có hằng ngàn năm, từ thời Phù Nam tồn tại song song với Văn Lang, Lâm Ấp, Chăm Pa. Phù Nam là vương quốc cường thịnh về các mặt: nông nghiệp, thương nghiệp, thương mại hàng hải… Đặc biệt, vương quốc Phù Nam mở rộng lãnh thổ phía Đông Lâm Ấp, phía Nam sông Mê Nam (Thái Lan) và cả phần phía Bắc bán đảo Malaysia (4). Một số giả thuyết, cho rằng: ”Cây Xoài (không khẳng định Xoài Mút) đến từ miền Đông Ấn Độ”, khiến tôi liên tưởng tới câu chuyện nước Phù Nam ra đời: ”Kaunđinya từ miền Đông Ấn Độ mang nỏ thần, vượt biển đánh chiếm xứ Koh Thlok. Công chúa Sôma, con vua Naga kháng cự kẻ xâm lược, nhưng bất thành vì không chịu nổi nỏ thần và cuối cùng, công chúa đầu hàng, thuận cho kẻ xâm lược lấy làm chồng và lên ngôi thống trị xứ Koh Thlok, về sau là Phù Nam”(5). Tương truyền rằng, đoàn quân Kaunđinya đã mang theo đạo Balamôn và một số cây con từ miền Đông Ấn Độ tới vùng đất vừa chiếm đóng để truyền đạo và nuôi trồng.
Cây Xoài Mút lấy giống từ chợ Xoài Hột về trồng trên đất Phú Kiết, tôi đinh ninh chính là giống Xoài Mút mấy ngàn năm trước đến từ miền Đông Ấn Độ!
Xứ sở tôi giàu may mắn, cái may mắn không ”ăn may, nằm chờ sung rụng”, mà bằng sức lao động cần cù, chí bền tâm vững trước mọi khó khăn, bất trắc… và tên gọi Phú Kiết, đủ khẳng định điều đó. Làng quê tôi soi bóng nước sông Bảo Định êm đềm, một làng quê tự thuở xưa rất xưa, có cái tên thân thương trìu mến: ”Chợ Thang Trông” cũng có người gọi ”Thân Trong” (6). Và, nơi đây, trước kia là chiến lũy giồng Kiến Định ngăn chặn giặc Xiêm từ Chân Lạp theo đường thủy sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây tấn công (7).
Những đứa con dù đi hay ở lại làng Phú Kiết, mỗi mùa bông xoài nở, ai cũng chạnh lòng nhớ xứ thương quê! Nhớ câu ca vọng cổ, nhớ cải lương và người làm rạng danh là soạn giả Trần Hữu Trang. Nhớ cử nhơn Âu Dương Lân ”Vị quốc vong thân” và bùi ngùi khi đứng trước mộ phần ông dưới tàn lá xoài che mưa nắng thời gian (9).
Công lao tiền nhân là vậy, và máu xương của dân cũng chẳng tiếc gì khi vun đắp nên những công lao đó. Họ dựng bia ký khởi công đào kinh Bảo Định (8) để đời sau người Phú Kiết không quên, để cây cỏ luôn nhớ bao việc xảy ra ở quê nhà.
Mắc võng đong đưa dưới hàng Xoài Mút còn sống sót sau những cuộc ba đào, tôi nằm nghĩ miên man, dật dờ và đứt khúc, khi nhìn rễ xoài cố ngoi lên mặt đất. Bỗng dưng, tôi nhớ tới câu thiệu của người trồng xoài:
”Rễ có vững, thân mới bền; thân bền thì cành nhánh khỏe, lá sum xuê”.
Một bộ rễ Xoài Mút trồng hột, bao gồm: Rễ cái (có nơi gọi rễ cọc), rễ ngang, rễ tơ. Rễ cái làm trụ cắm sâu và ăn thẳng vào lòng đất, có khi tới năm bảy thước hoặc chín mười thước là sự thường. Chẳng lạ, khi tuổi thọ cây xoài tăng thì rễ ngang tăng và rễ cái giảm; vì như vậy, tán cây mới có cơ hội phát triển, bông trái trĩu cành. Rõ ràng, muốn cây tươi tốt, không chi bằng bồi dưỡng gốc rễ; muốn đất nước vững bền, không chi bằng khoan sức dân!
Có lẽ, vương quốc Phù Nam bị diệt vong, vì ”Rễ thúi, gốc hư” (!?). Tôi rùng mình!
3. Thường thì, con người ta hay nghĩ về mình và thích chiếm hữu những gì không thuộc sở hữu. Ngược lại, cây trái nói chung và Xoài Mút nói riêng, thì không. Bông cho đời, trái cho người và với nó, chẳng có gì cho nó. Người ta ngắm nghía chọn xoài ngon chớ không nhằm nâng niu, chìu chuộng để thưởng thức; họ thản nhiên cấu tay vào cuống và ngửi tìm vị ngon. Xoài chín già, phần cuống vẫn căng cứng không mềm. Trái Xoài Mút nào có mùi thơm, có tinh dầu thì trái đó tươi tự nhiên. Trái chín vàng, cầm chắc tay là trái già; trái xanh hoặc hơi xanh, bóp mềm tay là trái còn non. Ngày đó, quê tôi duy nhứt chỉ có giống Xoài Mút và ươm trồng bằng hột, chớ chưa ai biết ghép gốc, ghép cành.
Nếu, ở người vòng thời gian sinh nở là chín tháng, mười ngày kể từ lúc thụ tinh thì ở cây Xoài Mút, vòng thời gian từ lúc thụ tinh tới khi trái chín khoảng hai tháng, mười năm ngày (chín sớm); hoặc ba tháng, ba tháng rưỡi (chính vụ); hay bốn tháng (chín muộn). Đó phải chăng là lập trình của tạo hóa? Từ cuối thu sang hè, cây Xoài Mút quê tôi có khả năng ra bông suốt ngày, nhưng đôi khi, xoài ra bông tắm sương đêm để rồi rạng ngày vàng rôm khoe sắc nắng, mà không cần tuân theo trật tự, thứ tự nở bông trên chùm. Một sự mặc định về tự do được thiên nhiên ban phát. Song, sự mặc định đó, không đủ lực đảm bảo quyền được sống của trái xoài. Người còn không giữ được mạng sống của trẻ sơ sinh vừa mới chào đời, thì cây ăn trái nào mà trái non không rụng? Nhưng, với cây Xoài Mút, trái non rụng xơ xác cây, xót dạ người. Rụng do sinh lý, rụng do ngoại cảnh như sâu bịnh, thiếu cái ăn dinh dưỡng, thiếu nước hoặc mất nguồn nước sống…
Lượm từng trái xoài non rụng, tôi xấu hổ và thấy mình như có lỗi với cây. Người hay cây thì cũng chỉ có một thời phát tiết tinh hoa, và một đời để yêu để chết! Nhiều năm tôi rời chốn cũ, chốn đầu đời đùm bọc bởi tiếng má ru con, chốn nồng nàn hương bông Xoài Mút… và con nước buồn xo Bảo Định hà! Tôi hái trái xoài chín trên cành cây dùng dằng chưa chịu rụng, lòng bồi hồi nghĩ tới vòng sinh tử của trái xoài. Thế gian nầy, có sự tồn tại nào không trải qua rơi rụng? Một trái xoài thôi, cũng đã phải vượt bốn chặng đường ”thập tử nhất sinh”, từ lúc hình hài: ”Trứng cá, hột đậu, hòn bi ” cho tới khi trái xoài ”phát triển đầy đủ” vẫn còn rơi rụng. Bâng khuâng, người ta đắn đo suy nghĩ không biết trái xoài lìa cành có cùng tâm trạng, như:
”Chim xa rừng còn thương cây, nhớ cội
Người xa người, tội lắm người ơi!”.
(ca dao)
Tôi tin rằng có, chớ chẳng phải không!
Rồi, cây Xoài Mút được người lai tạo thành ”những đứa con lai”, nó có thể to lớn, màu sắc bắt mắt, chất lượng phù hợp với sự thay đổi tâm tính của con người qua khẩu vị… Nhưng, không thể sánh bằng mùi hương nguyên thủy trái Xoài Mút dù hôm nay đã mất dần và thiên hạ đã lãng quên!? Tôi hiểu rằng, lai để tạo đối với cây xoài thì chẳng dễ dàng gì. Bởi, xoài là cây mang tính dị hợp cao, là cây có thời non trẻ dài, và đặc biệt, bông nhỏ dù hằng ngàn bông nhưng khả năng đậu trái rất thấp. Nhà vườn trồng xoài lai tạo giống, khẳng định: ”Thụ phấn ngàn bông mới có chục bông đậu trái, và tới lúc trái chín, nhiều khi nó đã rụng dọc đường gió bụi, chẳng còn được mấy trái treo cành”!
Ba má tôi đã ra người thiên cổ, tôi cũng đã là cụ già tuổi bảy lăm, và vườn Xoài Mút sum xuê ngày đó, nay chỉ còn năm, bảy cây thuộc hàng cổ thụ đứng ”trơ gan cùng tuế nguyệt”(10) để ”Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”! (11). Người ta cưa chặt cây, bứng cả gốc rễ Xoài Mút ra khỏi nơi nó từng sống và lớn lên cho người trái thơm ngon, chua ngọt; để thay vào những giống xoài thời thượng, như: Cát Chu, Cát Hòa Lộc, Tứ Quý, Thanh Ca, Xoài Xiêm, Xoài Tượng, Xoài Hồng…, và du nhập xoài giống từ Thái Lan, Đài Loan, Úc, Mỹ, Ấn độ… Vườn tược quê tôi, giờ ”trăm hoa đua nở” xoài và nó hoàn toàn phá thế độc canh cây Xoài Mút từ sáu mươi năm về trước. Tôi bùi ngùi hoài niệm chớ không có ý ”bảo hoàng” hay chê trách, bởi thời thế đổi thay thì giống cây trồng cũng thay đổi, huống hồ chi thân phận cây Xoài Mút trân quý của tôi.
Gió lành vào, gió độc lẩn theo.
Xoài bổn địa bị xoài ngoại đánh tráo tên gọi hay nhập nhằng tên gọi. Xoài Cóc là Cóc, chớ sao Mút được. Cóc xẻ lột da, Mút đậm đà, ngây ngây trọng động thái ”Nút” đầy thơ mộng. Thiệt ra, những thứ hàng nhái hàng giả tầm thường đó không thể qua mắt được mấy bà nội trợ, và họ chỉ ra: ”Xoài Mút thon hai đầu, vỏ dầy, hột lớn, thịt ít và xơ. Ngược lại, Xoài Cóc hoặc Mít (giả Xoài Mút) thì vỏ mỏng, hột nhỏ có khi lép, thịt nhiều và không xơ”. Đã vậy, trên thị trường các loại xoài khác cũng bị thiệt giả đan xen, kiểu ”vàng thau lẫn lộn”. Có điều, xoài Việt trồng đất Việt thì hẳn nhiên chất lượng Việt: ”Vừa trái, màu vàng sáng tươi, vỏ bóng, da không bị thâm đen; đồng thời đầu trái xoài chín vàng và cứng”.
Ngày xưa, tôi tiếc nuối cái ngày xưa mộc mạc mà chơn chất, thanh cao mà hồn hậu như trái Xoài Mút, và một khi đã mút thì đâm ghiền!
4. Tôi mút trái Xoài Mút tráng miệng sau bữa cơm chiều giỗ má, vị chua ngọt lẫn mùi thơm của xoài thấm đầu lưỡi, tê lòng kẻ tha phương. Cũng ve sầu gọi hè như ve sầu gọi hè từ kỳ nghỉ hè hồi sáu mươi năm trước. Nhưng, sao giờ đây, tiếng ve không sầu mà chừng như hấp hối. Tôi chống gậy lần bước ra vườn, ngước mắt nhìn cây tìm cánh ve; không thấy ve, chỉ nghe tiếng ve gọi đàn rời rạc trong không gian chiều buồn bã.
Nghĩ mà tiếc hùi hụi, cái thời học trò vô tư mong đợi ba tháng nghỉ hè, cái thời ”Nỗi buồn hoa phượng”(12) văng vẳng dưới những chùm Xoài Mút trái vàng óng đong đưa. Thời đó, cây Xoài Mút như là cây thần dược, giữ vai trò độc đáo trong việc chữa trị bịnh thông thường cho người ở xóm: Vỏ trái xoài chín dùng cầm máu tử cung, khai huyết, chảy máu ruột… Chữa đau răng. Vỏ thân xoài chữa thấp khớp, ghẻ lở, rửa khí hư bạch đới phụ nữ. Thịt xoài dùng chữa trĩ, kiết lị. Lá xoài tuy có độc tố, nhưng lá non có thể làm rau ăn và trị tiêu chảy… Nay thì, phải cẩn trong việc sử dụng do chất bảo quản, phun xịt thuốc trừ sâu và dinh dưỡng cây.
Thời đã qua không chi cưỡng lại.
Mùa Xoài Mút đã về trên quê hương tôi!
Cây Xoài Mút già đứng trơ trọi bên lối mòn qua cầu khỉ bằng cây gòn bắc ngang rạch An Khương.
Tôi cố thu tất cả hình ảnh của cảnh vật khu vườn vào trong mắt, vì sợ ngày mai… ngày mai, mắt sẽ mờ không còn nhìn thấy quê nhà!.
Chú thích:
(1) Ngoài da.
(2) Rạch Xoài Mút (chữ Hán là Xuy Miệt, còn gọi là rạch Xoài Hột), chảy từ Long Hưng đổ ra sông Cái (sông Tiền) thuộc tổng Thuận Trị.
(3) Loại lúa trời Oryza Prosativa và Oryza nivara proparte.
(4) Tài liệu tham khảo: ”Đời sống kinh tế xã hội của nước Phù Nam qua tài liệu thư tịch và khảo cổ”, La Ngọc Điệp, (Chuyên trang di sản Văn hóa Óc Eo, An Giang).
(5) Kaunđinya (Hỗn Điền), Sôma (Liu Yeh là Liễu Diệp), theo sách ”Phù Nam thổ tục”, Khang Thái (Sứ giả của Ngô Tôn Quyền, nước Đông Ngô thời Tam quốc, vào thế kỷ thứ 3 từng đi sứ nước Phù Nam).
(6) Chợ Thang Trông (nay là ấp Phú Khương A, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang): Thang đứng trông coi và theo dõi việc nạo vét và đào kinh từ Tịnh Hà tới Bến Chùa (Hóc Đùn) thời nhà Nguyễn (Gia Long và Minh Mạng).
(7) Năm 1705, Chính thống Nguyễn Cửu Vân ngăn giặc Xiêm và sau đó, cho đào kinh Vũng Gù (Tân An) nối liền rạch Thị Cai và ngọn rạch Mỹ Tho (Hóc Đùn).
(8) Tấm bia cổ (cao khoảng gần một thước), đặt đứng bên trong thủ chủ, mái lợp tôn (sát chợ Thang Trông, xã Phú Kiết).
(9) Mộ Âu Dương Lân, ấp Phú Khương A, xã Phú Kiết (cây số 11, ĐT 897), huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; được tôn tạo và khánh thành ngày 27.5.2010.
(10) ”Thăng Long thành hoài cổ”, Bà Huyện Thanh Quan.
(11) ‘Kim Vân Kiều”, Nguyễn Du.
(12) Nhạc phẩm ”Nỗi buồn hoa phượng”, 1963, tác giả Thanh Sơn - Lê Dinh, ca sĩ Thanh Tuyền.
16/2/2020
Trần Bảo Định
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Không Dấu Vết Những buổi sáng ngồi cà phê ở quán quen, đôi khi tôi hay bị mất cảm giác về thời gian. Như thể mình đang ngồi trong ngày...