Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Ba ngày luân lạc

Ba ngày luân lạc

Chương 1
Mợ bực mình, ôm mặt khóc hu hu. Cậu thấy ồn ào, từ cửa hàng chạy vào. Vừa đi, vừa hỏi:
- Cái gì đấy? Cái gì đấy?
Mợ thấy cậu là lô la ngay:
- Đấy, cậu vào mà xem nó! Nó chả chịu học hành gì cả. Chỉ chòng em và đánh em thôi, bảo nó thì nó lăn ra sàn cho bẩn hết quần áo như thế kia kìa. Nó lại còn uống hết cả lọ mực nữa, kia kìa, giời ơi là giời, cậu có dạy được nó không, chứ tôi thì chịu rồi đấy!
Ngọai tứ tuần mới có được một mụn con giai, cậu nuông và chiều lắm. Càng nuông và chiều, vì là đứa con cầu tự.
Năm ba mươi nhăm, sau khi đã đi cầu tự ở chùa Hương, Tứ Tổng, Tuần Cuông, Phố Cát, mợ phải vào luồn khó voi đền Chào, đền Chào gì ở tận trong Thanh, mới sinh được Đức.
Vì thế cho nên mười năm nay, chẳng những cậu mợ không dám đánh bao giờ, đến mắng thật sự cũng không dám mắng nữa. Đức có làm quá thì chỉ la lối lên như thế, hay bực lắm thì mợ khóc.
Và nếu Đức cứ ra gan thì cậu mợ lại phải dỗ đến sứt trán, dỗ bằng lời, dỗ bằng quà, dỗ bằng xu hào. Có khi dỗ bằng sự... dọa cắn lưỡi chết, và dỗ cả bằng sự cho Đức đánh mình.
Lên mười rồi, và đã có ba em gái, nhưng tối là Đức phải nằm với mợ. Đức không bao giờ chịu ngủ với ai cả. Các em có mon men đến gần mợ, là Đức đuổi lấy, đuổi để. Nếu đuổi không đi, Đức đánh thì phải biết.
Các trò sờ vú bú tí, Đức giữ nguyên như hồi còn bé, ai chế Đức vòi thì phải biết có giời dỗ.
 
Những con cầu tự phần nhiều xanh lướt và khoe khẳng, ngồi đâu thì chẳng buồn xua ruồi. Và nhát như cáy thì là cái đức chung của hồ khắp.
Đức, trái lại, khoẻ như vâm, và tợn vô kể. Đùa nghịch thì thôi, không còn chổ để tả.
Nhiều khi mợ ngồi nhìn Đức nhảy nhót, tủm tỉm cười liếc cậu:
- Thằng chó, trông không có vẻ con cầu tự một tí nào.
Cậu chúm chím:
- Nó là con quỷ sứ, chứ con cầu tự gì nó.
Rồi thì ở trong con mắt cậu, con mắt mợ, nẩy ra những tia lửa hân hoan. Rồi thì mợ sẽ đánh yêu vào đùi cậu:
- Chỉ rủa con thôi nào!
Những con cầu tự phần nhiều ăn uống nhỏ nhẻ như mèo, vào chúa hay quặt quẹo. Đằng này không, Đức ăn như cọp, và từ bé đáng lý ra chưa mất đồng xu thuốc nào.
Nhưng số kiếp buộc là con nhà giàu, và con một, Đức nhiều khi được lạy van để uống sâm và ăn cao. Sâm và cao, cậu mợ quay đi là Đức cho tuốt con vú em.
Vì thế, vú em của Đức béo như con chút chít. Và thôi, dựa thế dựa thần, nó hống hách nhất trong đám bọn đầy tớ, ai đụng vào nó, nó làm mình, làm mẩy thì phải biết.
Mà hễ nó làm mình, làm mẩy thì cậu mợ lại phải hết sức dỗ ngon, dỗ ngọt, bởi vì Đức không để cho ai hầu cả, trừ nó.
Vào nuôi Đức từ năm ba mươi mốt, bây giờ bốn mốt, đã thành ra con u già, ấy thế mà nó vẫn con xưng "em, em" cái mồm trề ra và dẻo quèo quẹo.
- Nào Đức đi ngủ với "em" nào.
- Nào Đức ra đây "em" tắm nào.
- Nào Đức ra đây "em" thay quần áo nào.
Họ hàng và khách khứa ai cũng chướng tai gai mắt về sự dập dờn của Đức và "em". Chỉ duy có cậu mợ là chẳng thấy chướng một tí nào. Thì cha mẹ có mấy khi thấy bị chướng về con bao giờ, thứ nhất cha mẹ ấy lại đã long đong về đường tử tức quá nửa đời người, mới có một mống.
Chẳng những thế, cậu mợ còn khóai về chỗ vú em độc đoán, tước đi chữ đầu trong cái tiếng "nom compose" ấy
Mà cậu mợ khóai thế cũng có lý, bởi thật ra "em, em" nghe nó du dương hơn vú em nhiều. Sự du dương ấy phù hợp vào với tấm lòng cậu mợ nuông chiều con.
Đã có nhiều lần, mợ, người mẹ nội trợ thấy mỗi tháng phải nuôi một miệng ăn vô ích và tốn năm đồng bạc tiền công, đề nghị với cậu cho con vú em đem cái tiếng "em" du dương ấy về nói với con nó ở nhà quê, nhưng lần nào đến tai con vú em là nó cũng xúc xiểm cho Đức ăn vạ bằng cách khóc kêu trời và lăn ra đất.
Thôi thế là cậu mợ chịu. Thành ra cái vấn đề tiết kiệm ấy chỉ đề nghị ra mà không bao giờ được quyết nghị cả.
Đức có giống các "cậu ở chùa Hương" chỉ là giống ở chỗ quấy, quấy thiu thịt, và lười, lười chảy ra.
Năm lên tám mới dám cho đi học, mà hai năm nay rồi. Đức đọc cái thư quốc ngữ chưa được trơn tru mấy.
Chà, cái ngày cho Đức đi học thật có thể gọi là một ngày lịch sử của nhà họ Phạm.
Cậu mợ dậy từ bốn giờ sáng, bàn tán, lo lắng. Rồi tới khi Đức dậy, thật là dỗ như dỗ vong. Thôi lạy van, thôi nũng nịu, thôi cho tiền, ôi thôi, ôi thôi, kể không xiết nữa.
Hoạnh hoẹ đủ trăm khoanh tứ đốm rồi, Đức mới cắp cái cặp vào nách, rồi đưa tay cho vú em. Nhưng trước khi đi, Đức còn bảo cậu mợ:
- Nhưng con đi học là chỉ đi chơi đấy thôi nhé, mợ nhé. chứ con không học đâu đấy nhé.
Mợ thấy con cắp cái cặp vào nách ra phết một cậu học trò, sung sướng trả lời ngay:
- Phải rồi, phải rồi, con đi chơi, chứ ai bắt con đi học.
Từ đấy, cứ mỗi buổi Đức đi học là mợ phải thuê Đức một hào. Một nửa vào túi con vú em, một nửa vào hàng quà.
Con mà đã đến cái thứ phải thuê để đi học thì tất nhiên là phải học trường tư rồi, chứ trường công thì cút sớm, cút sớm.
Hôm xin cho con vào học, cậu đã phải nói lót với ông Đốc trường tư chỉ có vỏn vẹn hai mươi hai học trò:
- Thưa ngài, cháu nó còn bé bỏng lắm, cho cháu đi học đây là để cho nó đỡ nghịch ngợm và chòng các em nó, vậy xin ngài...
Cậu chưa kịp kết luận thì cái ông Đốc đang sung sướng về cái tổng số học trò của trường mình đã nâng được lên hai mươi ba, vội ngắt lời:
- Vâng, tôi hiểu, tôi hiểu, rồi dần dần nó khắc quen đi.
Rồi ông cười cái cười hóm hỉnh để lấy lòng và để che sự mừng rỡ thái quá của mình:
- Chúng ta lúc đầu đi học, ai cũng thế cả.
- Con đi chơi đấy thôi, chứ con không đi học đâu.
Câu ấy Đức đã thực hành một cách triệt để, đến nỗi đã có mấy lần, một ông Đốc như thế mà phải đề nghị đến sự đuổi Đức. Bởi vì chẳng những Đức lười, Đức lại còn nghịch như quỷ sứ.
Nhưng có lẽ có một ông trời của những bà mẹ, vấn đề ấy chỉ cũng mới đề nghị ra, chứ không bao giờ bị nghị quyết cả.
Ông Đốc tiếc cái số tiền một đồng một tháng cũng có, nể lời cậu mợ cũng có. Càng nể hơn, vì rằm mồng một, và mồng năm ngày Tết, không bao giờ cậu mợ quên không sai thằng bếp bưng một cái quả trong đựng những miếng chín lại biếu ông Đốc.

Và còn cái điểm tâm lý này nữa, nhưng điều này thì có chăng ông Đốc chỉ dám thú với mình, và có lẽ không dám thú cả với mình nữa.
Trong trường, chỉ có Đức là có xe nhà đi đưa về đón. Mà cái xe nhà gì? Một cái xe nhà gọng đồng bóng nhoáng, sơn đen loang loáng.
Đuổi Đức đi, thì trường mình còn đâu cái vẻ "cũng có những con nhà giàu sang" tới học.
Đức lười chảy ra như thế mà trong hai năm nay đã võ vẽ đọc được, đã nguệch ngọac viết được, thì thật là một điều lạ, mà cái điều lạ ấy, cậu mợ cũng đã lấy làm mãn nguyện lắm rồi.
Đức không bao giờ chịu học cả, ấy thế mà Đức biết được chữ, có lẽ vì Đức có khiếu thông minh, nghe trẻ con chúng nó kêu như cuốc trong hai năm, những chữ tự nhiên chui vào đầu Đức bằng trí nhớ.
Và những khi buồn tình, thấy trẻ con nó cặm cụi viết, Đức cũng gạch chơi, ấy thế rồi quen tay viết được chữ.
Cái hôm Đức đánh vần được chữ mợ, mợ sung sướng phát điên, và cái hôm Đức viết được chữ mợ, mợ thấy mình sắp sửa có thể đi khoe con với bạn hàng được rồi.
Tối hôm ấy thì cậu mợ thì thầm nói chuyện với nhau khuya lắm:
- Thôi, trăng đến rằm, trăng tròn, nó lớn rồi nó khắc biết nghĩ. Con nhà mình lúc nó đã biết nghĩ, học thì mấy chốc. Thế này nó cũng là ngoan và thông minh lắm rồi.
Cậu nghĩ đến sự Đức câu con cá vàng ra rồi bắt chước thầy thuốc mổ cái mắt lồi, làu nhàu:
- Ngoan, ngoan với mợ ấy. Nghịch như quỷ, lười như gấu ấy.
- Ồ, nó thế cho là may đấy. Nó mà không chịu đi học, cứ ở nhà chòng em, thì làm gì được nó chửa?
Cậu cười, nói đùa mợ:
- Thì phễn vào đít nó ấy!
Mợ hốt hoảng:
- Thôi, thôi, tôi xin ông, bao nhiêu công của tôi kêu cầu, Vua mẫu mới thương mà cho tôi đấy. Gớm, ông tưởng một chốc vào tận Thanh mà luồn khố voi được đấy.
Chương 2
Cậu trông thấy Đức mồm đen kịt những mực, nằm dưới sàn, nhưng Đức không khóc thì biết rằng việc cũng không to mấy, liền cố làm ra giận dữ:
- Cái gì đấy? Có dậy không nào, đòn bây giờ!
À, giá cậu thấy Đức khóc thì cậu không dám.
Đức biết rằng cậu chỉ dọa như thế, chứ không bao giờ dám đánh Đức, nên chỉ mở to mắt nhìn cậu mà chẳng nhúc nhích.
Cậu thấy Đức chẳng nhúc nhích liền tiến lại, đỡ em Năm:
- Thế nào, đầu đuôi thế nào?
Em Năm mếu máo:
- Anh ấy đòi lấy con búp bê của con đem ra bể cho nó bơi, con không cho, nên anh đập bẹp con búp bê của con, rồi tát con sưng cả má.
Cậu xoa xoa má em Năm:
- Thôi nín đi, rồi cậu đánh nó cho. Từ giờ đừng có thèm chơi với nó nữa.
Đức thấy thế là òa lên khóc, rồi lăn tít ở dưới sân, đầu đập vào gạch chan chát.
Mợ thấy thế, xót con điên cả người, nín khóc ngay, chạy đến ẵm lấy Đức:
- Thôi mợ lạy con rồi, rồi mợ đánh nó cho con.
Đức hất mợ ra rồi cứ lăn, cứ khóc.
Chị Cả ở ngòai cửa hàng nghe tiếng Đức khóc chạy vào, rồi chị Hai cũng chạy vào.
Hai chị sà xuống toan bế Đức thì đều bị Đức cào dào, chẳng cho ai lại gần.
Mợ cứ than luôn miệng:
- Thế kia thì còn gì là đầu nữa, còn gì là người.
Ai dỗ cũng không được, ai tới gần cũng không được, Đức cứ khóc cứ lăn. Bỗng chị Cả nghĩ được một kế, chạy ra ngòai rồi lại chạy vào:
- Kìa, Đức có nín đi không, thằng Mão nó đến chơi kia kìa! Nó trông thấy thế, nó cười chết!
Đức bật ngay dậy như con mèo, mắt ráo hoảnh, rồi hét vang:
- Lấy nước đây cho tôi súc miệng!
Chị Hai vội rót chén nước đưa cho Đức, rồi thấy mồm Đức, răng Đức đen kịt, phì cười:
- Thế làm sao mồm em lại ruộm đen như thế?
Mợ còn thút thít:
- Nó đánh em nó, tôi bảo nó, nó giận tôi, nó uống cả lọ mực đấy.
Chị Cả vội chạy đến xem lọ mực:
- Không, lọ mực còn nhiều đây mà. Chắc nó chỉ mới ngậm một chút đấy thôi, mợ ạ.
Mợ chùi nước mắt:
- Rõ ràng tôi trông thấy nó uống ừng ực đấy mà.
- Không, còn đầy đây mợ ạ.
Mợ không nghe lời con gái, cứ rền rĩ:
- Uống thế thì còn gì là ruột, là gan!
Ai bàn tán gì mặc. Đức súc miệng, rồi chùi vội chùi vàng mặt mũi, chạy ra.
Đức chạy ra thì mợ đã vội bảo ngay con gái:
- Cả! Mày có chạy đi trốn đi, không nó vào nó lại đánh chết bây giờ đây này. Khổ quá, con quái, con quỷ như thế này thì tôi đến chết mất thôi!
Rồi thấy con gái chưa kịp trốn, mợ vội vàng đẩy ngay vào sau phía tủ.
Chị Cả vừa nép xong, thì Đức chạy vào:
- À, đánh lừa người ta!
Rồi Đức lại toan nằm xuống ăn vạ để nối tiếp cái cuộc ăn vạ bỏ giở lúc nãy.
Mợ vội vàng ôm lấy:
- Thôi, con thương mợ, con ơi!
Thấy Đức vùng ra để nằm, mợ gọi ồn nhà:
- Vú em đâu, ra giữ lấy nó cho tao mày!
Vú em ở trong bếp chạy ra:
- Thôi, thôi, "em" xin, "em" xin. Ồ, đã nằm, dậy rồi, ai lại còn nằm nữa.
Đức thấy hình như thế nó cũng khi khỉ thế nào, nên Đức không nằm nữa. Nhưng Đức dẫm chân xuống sàn:
- Thế thì phải bảo chị Cả trốn ở đâu ra đây.
Chị Cả ở trong xó tủ cười ồ, chạy ra ôm lấy Đức:
- Ồ, có chú bị tẽn tò!
Đức túm lấy chị Cả, thoi lấy thoi để:
- À, đánh lừa người ta, đánh lừa người ta!
Chị Cả nắm lấy tay em:
- Thôi chị xin, đừng đánh chị nữa, chóng chốc đi học, chị cho năm xu.
Đức cần tiền để mua con quay của thằng Mão, dừng ngay tay:
- Không, phải cho một hào cơ.
- Ừ, cho một hào.
- Thế phải đưa ngay đây cơ.
Mợ thấy con gái còn trùng trình, liền bảo:
- Thôi thí cho nó, cho yên chuyện đi, con.
Đức cầm đồng hào đút túi, rồi mới không sinh sự nữa. Mợ, lúc ấy mới chạy lại ôm lấy Đức. Và nhìn môi nhìn răng:
- Sao con lại phải thế cho nó khổ cái thân con. Thế mợ hỏi thật: Con đã uống ngụm mực nào chưa?
Đức nhe răng:
- Uống ba ngụm rồi.
Mợ sợ hãi:
- Giời ơi! Có thật không?
Đức ngồi lên đầu gối mợ:
- À quên, uống hai ngụm thôi.
- Thật không, hở con? Uống thế nó tối ruột, tối gan đi, còn học hành gì được nữa.
Chị Cả ngúyt Đức một cái:
- Không, nó không uống đâu. Lọ mực còn đầy đấy, mợ ạ.
Mợ vẫn chưa tin lời con gái, lay tay Đức:
- Con có uống không thế? Con bảo mợ để mợ liệu.
Đức cúi xuống, chẩu mõm vào tai mợ, quát inh nhà:
- Không uống, chỉ mới ngậm thôi!
Mợ sung sướng, sẽ phát vào tay Đức:
- Thằng chó! Thế mà làm cho mợ sợ điên cả người. Từ giờ, con đừng có dại dột như thế, nghe không con. Vú em, lấy nước đây rửa mặt cho cậu. Chị Cả đâu, lấy thuốc đánh răng, đánh cho em đi.
Đức đẩy mợ ra:
- Không đánh, không rửa.
Mợ lại phải van lơn:
- Con để cái mặt nhem nhuốc như thế này đi học, không sợ chúng nó cười cho à?
Sau khi Đức đã sạch sẽ, cắp sách đi học rồi, mợ nhìn theo hút, bảo cậu:
- Con nhà đáo để và quá quẩn đến thế thì thôi!
Cậu, phải chăng hơn:
- Mợ cứ chiều nó thế thì nó đừng thế à?
Mợ nhìn cậu bằng một cái nhìn trách móc:
- Phải cái đứa nó thế, không thế thì làm thế nào?
Cậu ngẫm nghĩ một lát:
- Hay thôi, cứ cho nó lên Bắc Giang với bác Giáo, để cho nó đua các anh, các chị nó, nó ngoan đi.
Mợ phản đối ngay:
- Nó còn nhỏ như thế, đã đi xa thế nào được!
Chị Hai nói ngay:
- Nó nhỏ gì! Nó khoẻ hơn con ấy chứ lị. Đấy, xem thằng Quý, con ông Đại Ích, mới có bảy tuổi đã theo anh nó về tận Nam Định học. Bây giờ đã đọc chữ Tây làu làu.
- Nhưng nó ở với anh nó.
- Ồ, nó ở với bác Cả thì cũng như ở nhà ấy, chứ mợ cứ để cho nó ở nhà thì suốt đời nó dốt đấy thôi. Và hư hỏng là khác nữa.
Mợ bâng khuâng nghĩ đến tương lai:
- Nhưng biết nó có chịu đi không?
Cậu, lúc ấy mới can thiệp:
- Hỏi nó thỉ đời nào nó chịu đi. Đời nào nó muốn rời mợ.
Chị Hai lại nói:
- Đấy thì thằng Quý đấy, trước nó có chịu đi đâu. Cứ bắt buộc là phải đi tuốt.
Mợ nghĩ đến sự phải xa con:
- Nhưng nhà người ta con đàn, cô ạ.
Chị Cả, hình như khổ về chỗ mợ quý con giai hơn con gái:
- À, thì con một mới càng cần phải cho nó đi. Để cho nó ở nhà thì nó chỉ hư đi, chứ được cái gì!
Mợ như hiểu sự hằn học của con gái:
- Phải, nó hư. Cô lúc bé lại không bằng mười nó.
Cậu, lúc ấy hình như cũng lo cho tương lai của con. Cậu tìm cách để cho mợ ưng thuận:
- Nó tuy thế, nhưng nó biết thẹn với bè bạn. Đấy, mợ xem lúc nãy đấy. Biết đâu nó lên trên ấy, nó lại không đua đòi chúng bạn mà khá lên được. Xưa nay, ai dạy được con. Các cụ xưa đều gửi con cho bạn nhờ dạy hộ cả đấy. Nó lên trên ấy với bác ruột nó, chứ với ai mà bảo phải lo. Bác nghiêm khắc và biết dạy trẻ. Vả nó vẫn sợ bác, bác lại quý nó. Thôi, hôm nào bác về đây cứ cho nó lên.
Mợ vẫn biết những lời nói ấy là phải, và như thế là lợi, nhưng xa nó thì mợ vẫn khổ:
- Đành hiểu thế. Nhưng nó đi thì nhớ lắm cơ. Mà biết nó có chịu ở không?
- Nhớ thì cũng phải chịu chứ. Nếu nó không chịu ở thì nó lại về chứ có sao.
Chị Cả nói ngay:
- Nó sợ bác, mợ cứ bằng lòng cho nó lên là tự khắc nó phải ở. Bác bảo thì nó chả dám bí beng như ở nhà. Mợ cứ cho nó đi đi, mợ ạ. Rồi khi nào mợ nhớ nó, mợ lên thăm. Hai giờ tàu, chứ có bao lâu.
Mợ ngùi ngùi:
- Ừ, thôi thế cậu viết thư mời bác về chơi để hỏi xem thế nào đã.
Chương 3
Bác Giáo về là nói ngay những lời khôn ngoan và đanh thép:
- Chú thím cứ để cho nó như thế thì nó hư mất. Có con thì phải dạy, phải dỗ, chứ không lớn lên nó lại chơi bời thì tai tiếng. Này tôi bảo cho chú thím biết, nếu chú thím cứ chiều nó một cách vô lý như thế thì rồi lớn lên, nó phá hết cơ nghiệp nhà chú thím đấy. Ai đời mười tuổi đầu mà không đọc thông được cái chữ quốc ngữ. Thằng Sửu nhà tôi, mười tuổi, năm nay đi thi Sơ học yếu lược. Đến con Vân, tám tuổi, cũng đã đọc được chữ Tây. Thương con thì phải làm thế nào cho nó học hành khá giả mới gọi là biết thương. Nó bây giờ như thế, học cũng đã là chậm lắm rồi. Sợ quá tuổi rồi thì sau này không thi vào đâu được nữa.
Mợ vốn nung đúc một cái mộng cho con trai vào học Cao đẳng, nên phải buộc lòng dẹp sự nhớ nhung:
- Thôi thế trăm sự nhờ bác đấy.
- Được rồi, được rồi. Thím cứ yên tâm. Nó vốn sợ tôi, lên ở với tôi vài năm thì học khá ngay và ngoan ngay đấy mà. Trẻ trên ấy lại đông, đứa nào cũng học hành ngoan ngoãn. Nó vui anh vui em thì hết nhớ nhà ngay. Trên ấy có các chị nó và nhà tôi săn sóc, chú thím đừng sợ nó thiếu thốn cái gì. Với lại tôi cho nó vào lớp năm thì ông giáo với tôi là bạn thân, tôi sẽ nhờ ông săn sóc cho nó. Rồi thì về nhà, tôi kèm thêm, mấy chốc mà khá. Nó lại tư chất rất là thông minh.
- Vâng, cháu thì sáng dạ lắm, chỉ phải cái tội lười và nghịch!
- À, là tại chú thím nuông nó quá. Tôi cam đoan với chú thím, cứ cho nó ở với tôi một năm là ngoan ngay.
Mợ đã xuôi tai:
- Nhưng bây giờ làm thế nào cho nó chịu đi. Nó lăn ra khóc thì nghe thương lắm cơ.
- À, chú thím cứ bằng lòng thì tôi khắc có cách. Với lại nó sợ tôi, nó không dám lăn đâu. Khó gì, chỉ sợ chú thím không quyết thôi.
Cậu, dù thế nào thì cũng vẫn là đàn ông:
- Sao lại không quyết! Bác tính người ta phải biết nghĩ xa xôi về tương lai của các con chứ.
- Nếu thế thì cho ngay nó đi chiều nay với tôi đi.
Mợ thì dù sao cũng vẫn là đàn bà, giật mình vì cái kỳ hẹn cấp bách. Mợ chưa kịp nói gì thì bác Giáo đã hiểu ý:
- Không, quyết thì phải thực hành ngay. Đằng nào cũng là một lần. Con cái nó ở với mình một đời, chứ có phải một hai ngày đâu. Nếu chú thím bằng lòng thì xếp quần áo cho nó đi. Tôi vờ cho nó đi chơi, rồi tôi đem tuột nó lên Bắc Giang. Lên đến đấy, không có chú thím, tôi bảo gì, tự khắc nó phải nghe. Chỉ vài ba ngày là quen thôi đấy mà.
Rồi muốn cho cậu mợ phải bằng lòng ngay:
- Tôi nói thật với chú thím. Nó mà ngu dốt, chú thím khổ đã dành. Tôi là bác nó, nó không nên người, người ta cũng chửi tôi nữa cơ đấy.
Đức ngồi trên ô-tô, sung sướng lắm, nhìn đông, nhìn tây, nhìn ngang, nhìn ngửa, rồi hỏi bác:
- Thế đây lên đấy mấy giờ nhỉ, bác nhỉ?
- Hai giờ.
- Thế chiều lại về Hà Nội nhỉ bác nhỉ?
- Phải rồi.
- Thế là đi về mất tất cả bốn giờ nhỉ, bác nhỉ?
- Phải rồi. À, cháu cũng biết tính đấy. Ồ, thế thì cháu học dốt chỉ tại cháu lười.
- Nhưng cậu mợ cháu bảo bây giờ đi học chỉ để đi chơi thôi mà. Chờ nhớn, cháu mới học.
Bác Giáo rấm sẵn đất:
- Cháu lên mười rồi, còn bé gì nữa đấy. Thằng Lựu, anh cháu, cũng lên mười mà nó đã sắp đi thi.
- Nhưng mợ cháu bảo cháu còn bé.
- Mợ cháu chiều cháu nên bảo thế.
Xe ô-tô qua cầu làm rền rĩ những thanh sắt. Đức nhìn cầu, nhìn sông:
- Đây là cầu sông Cái, đây là sông Nhị Hà, có phải không bác?
- Phải rồi.
- Thế hết cầu sông Cái là đâu, hở bác?
- Là Gia Lâm.
- Thế hết Gia Lâm là đâu, hở bác?
- Là Yên Viên.
- Thế hết Yên Viên là đâu nữa?
Bác Giáo ngạc nhiên vì sự muốn biết của thằng bé:
- Hỏi thế thì bác không biết đâu mà giả nhời cho kịp. Để đi đến đâu, rồi bác trỏ cho mà xem.
- Ừ, nhé. Bác trỏ cho cháu nhé. Cháu là thích đi chơi thế này lắm cơ. Thế mà cậu cháu chẳng cho cháu đi chơi bao giờ cả.
- Ồ ồ, nếu thế cháu mà lên ở với bác thì được đi chơi luôn. Chủ nhật nào, bác cũng đưa các anh chị cháu đi chơi.
Đức rụt ngay cổ lại:
- Cháu chịu thôi. Không có mợ, cháu chịu thôi.
Ông Giáo biết rằng không thể vội vàng được:
- Ừ thì thôi, lên chơi bác mua cam Bố Hạ cho ăn, rồi lại về.
- Phải rồi, cháu thích ăn cam Bố Hạ lắm. Cậu cháu bảo cam Bố Hạ bổ lắm.
Ngồi nhìn ruộng, nhìn cây, nhìn người chán, Đức như sực nhớ ra một điều gì, lại hỏi:
- À, Bố Hạ ở đâu nhỉ, bác nhỉ? Cháu nghe ông Đại Ích bảo vườn cam đẹp lắm, có phải không?
- Đẹp lắm! Bố Hạ ở cách Phủ Lạng Thương bốn mươi cây số. Nếu cháu ở chơi với bác được đến thứ năm thì bác sẽ đưa cháu đi xem vườn cam.
- Hôm nay là chủ nhật, thế là những bốn ngày nữa cơ à?
- Ừ, bốn ngày.
- Thế cháu phải ngủ đêm ở trên ấy cơ à?
- Ồ, ở chơi thì phải ngủ đêm, chứ đêm còn đi đâu nữa?
Đức lè lưỡi:
- Úi dà, ngủ không có mợ thì cháu chịu thôi!
Bác Giáo lại vội vàng nói ngay:
- Ừ, thế thì thôi, lên chơi một chốc, rồi chiều về.
Đức nhìn mặt giời, lúc ấy đã đổ bóng trên các ngọn cây:
- Bây giờ là chiều rồi còn gì!
Bác Giáo sợ nó đòi về ngay lúc ấy, toan tìm lời chống chế thì nó đã nói ngay:
- Thế thì đêm mới về đến Hà Nội nhỉ, bác nhỉ? Thế thì cháu thích lắm. Xưa nay, cháu không được đi đâu đêm bao giờ.
Thôi thì gặp cái gì lạ mắt, Đức cũng hỏi. Qua con sông nào, cái cầu nào nó cũng hỏi tên.
Đến Sen Hồ thì trời gần tối. Đức ngồi ngẫm nghĩ một lát, rồi vùng thố ra:
- Thế là từ Hà Nội về đến đây, đi qua ba cái cầu rồi này. Cầu sông Cái này, cầu sông Đuống này, cầu sông Cầu này. À bác ơi! Thế từ đây cho tới Phủ Lạng Thương, có còn phải đi qua cái cầu nào nữa không, hở bác?
Ông Giáo giật mình về sự thông minh của thằng bé:
- Cháu sáng dạ lắm, cháu nhớ dai đấy, giá cháu chịu khó học thì cháu giỏi lắm. Đây lên Phủ Lạng Thương còn phải đi qua một cái cầu nữa là cầu sông Thương.
- Thế nghĩa là bốn con sông, bốn cái cầu bác nhỉ? Cháu thích sông, thích nước lắm cơ. Cháu chỉ muốn học bơi thôi. Nhưng cậu mợ cháu không muốn cho cháu học. Đến đứng hóng mát ở trên cầu sông Cái, cậu mợ cháu cũng sợ. Chỉ sợ cháu ngã xuống sông. Mợ cháu cứ la luôn miệng, không cho cháu đứng gần thành cầu.
Rồi ngừng lại như phân bua với bác Giáo:
- Cháu thế này thì bao giờ cháu ngã được, bác nhỉ?
- Phải rồi. Cháu khoẻ và bạo như thế, nếu học bơi thì chóng biết bơi lắm. Thằng Huân nó biết bơi rồi đấy. Giá mà cháu lên trên đấy với bác, thì nó dạy cháu bơi. Người ta cần phải biết bơi.
- Thế bác có biết bơi không?
- Sao bác lại không biết. Bác bơi giỏi lắm. Bác bơi qua sông Thương, bơi đi lại bơi về được.
Đức trầm ngâm một lát:
- Giá cậu mợ cháu cùng lên trên ấy, thì cháu bằng lòng ở với bác ngay.
Chương 4
Các con ông Giáo thấy Đức đến thì đều nhìn Đức chằm chằm. Cái nhìn của chúng nó như cân nhắc Đức từ đầu đến chân. Tuy chào hỏi, nhưng không thân mật.
Đức thì hình như thấy ngượng về những cái nhìn của chúng.
Thì ra thường ngày ông bà Giáo có lẽ nói chuyện đến Đức luôn. Và hẳn là phải nói bằng những lời không đẹp cho Đức, hẳn là phải lấy Đức ra làm cái bia để răn chúng nó.
Vì thế cho nên chúng nó mới có những thái độ xa lánh Đức như xa lánh một vật gì quái đản, và đề phòng như người ta đề phòng bệnh truyền nhiễm.
Thằng Đức thì cảm ngay thấy sự khinh thị của chúng nó đối với mình. Lúc ấy thì nó chưa đi tìm nguyên ủy. Nó chỉ thấy rằng những thằng kia đã không thích nó thì nó cũng không thích mà thôi.
Vì thế cho nên khi cơm xong là nó bảo ngay với bác Giáo:
- Thôi ra ô-tô về đi chứ Bác.
Bác Giáo đà đận:
- Tí nữa ô-tô nó mới chạy cơ mà. Tô-tô nó chạy thì phải có giờ chứ.
Đức chẳng chơi với ai bởi cái lý chẳng ai chơi với nó, nó quanh ra quanh vào một lúc rồi toan đi tìm giục bác Giáo thì bác Giáo đã từ ngoài đi vào.
- Thôi hỏng rồi, xe ô-tô nó hỏng máy, sáng sớm mai nó mới chạy cơ.
Ấy thế là Đức òa ngay lên khóc, và thốt ra:
- Thế thì hôm nay Đức ngủ với ai? Mợ ơi là mợ!
Cả bọn trẻ cười ồ. Đức nổi xung, chạy đến toan giở cái lối hống hách đấm đá như ở nhà thì đã bị thằng Lưu giữ chặt ngay lấy tay:
- Này ở đây với chúng tao không có mất dạy như ở nhà mày được.
Thằng Đức tuy bị mất đà, nhưng tính nó vốn tợn, nó vung tay ra toan đánh nữa thì đã bị cả lũ xúm đến ghì chặt lấy nó, diếc nó thậm tệ:
- Này, đừng có quen thói như ở nhà.
Bác Giáo vội vàng quát các con:
- Này không được đánh em. Giãn cả ra.
Rồi nắm tay vỗ về nó:
- Ô-tô nó hỏng máy, biết làm thế nào. Thôi tối nay ngủ đây với bác vậy. Con giai nhớn ngần ấy tuổi đầu mà cứ đòi ngủ với mợ, thì xấu lắm. Ở đây, mai bác mua cho thật nhiều cam Bố Hạ, ăn một bữa kỳ no rồi sẽ về.
Đức tuy nhớ mợ lắm, nhưng sợ bọn trẻ con cười, nó không dám khóc nữa. Nó khổ sở mà lên giường nằm với bác Giáo. Nó cựa cậy, nó sạo sực, nó thở dài, nó giở mình, nhưng tuổi trẻ là cái tuổi ăn ngủ, một giờ sau nó đã thiếp đi.
Nó vốn tính ngủ trưa cho nên ngày hôm sau, lúc nó mở mắt thì cả nhà đã dậy rồi.
Mở mắt là nó nhảy bổ ngay xuống giường:
- Thôi về Hà Nội đi chứ bác.
Bác Giáo đã đón ngay nó bằng một vẻ mặt nghiêm nghị:
- Thôi, không phải về nữa. Cậu mợ cháu cho cháu lên đây là để đi học. Bởi ở nhà, cháu lười lắm. Lên đây thì cháu phải ngoan, phải bắt chước chúng nó chăm chỉ, chứ không thì đã có roi kia kìa.
Bác Giáo nói xong rút đánh sọat chiếc roi mây cài ở đằng sau giá hương, vụt đen đét xuống giường.
Đức tưởng bác Giáo đùa, chẳng động sắc mặt:
- Thôi về đi bác, cháu nhớ mợ cháu lắm rồi.
Lúc ấy, bác Giáo mới thật là nghiêm khắc:
- Tao đã bảo cậu mợ mày cho mày lên đây là để đi học. Về gì, tao bảo mày không nghe thì tao đét vào đít bây giờ.
Đức vẫn không ngờ, mở to hai mắt:
- Bác nói thật đấy à?
Bác Giáo vụt mạnh chiếc roi xuống bàn:
- Chẳng thật thì dối, tao nói chơi với mày à? Quần áo của mày, mợ mày đưa cả lên kia. Thôi mặc quần áo rồi đi học.
Đức lúc ấy mới vỡ sự thực. Nó lăn ra nhà khóc vang trời. Bác gái nó lúc ấy mới chạy lại:
- Thôi, đừng lăn nữa cháu, ở đây học với các anh vui chứ sao mà phải khóc.
Nó không nghe. Đạp bác gái nó ra, vừa kêu giời, vừa gọi mợ. Bác gái nó toan dỗ nó thì bác giai nó đã quát:
- Cứ mặc kệ nó, để nếu nó cứ lăn thì rồi tôi sẽ trị cho nó.
Bác giai nó nói xong rồi ung dung vào bàn ăn cháo điểm tâm với các con.
Nó lăn, nó kêu chán mỏi mồm, thấy chẳng ai để ý, rồi tự nó mỏi nó im. Nó im vì còn một lý nữa. Thấy bọn trẻ ngoan ngoãn chung quanh, sự kêu gào của nó lố bịch thế nào ấy.
Bác Giáo thấy nó im, lúc ấy mới ôn tồn:
- Thôi, đi dậy rồi đi học. Cháu lăn ở đây, cũng chẳng ai dỗ đâu. Mà nếu bác bảo không được, bác sẽ sai chúng nó trói gô cổ cháu vào cái cột kia kìa. Con giai nhớn rồi, chẳng chịu học hành, cứ đòi ngủ với mợ để bú tí, sờ vú, cháu không biết là xấu à? Đây xem thằng Trụ nó mới có lên bốn mà nó ngoan ngoãn thế kia, tối nó cũng không đòi ngủ với mợ nữa là.
Đức trông chung quanh thấy không có ai bênh vực cho mình, đành thúc thủ.
Bác Giáo lúc ấy mới đến kéo nó dậy:
- Thôi, dậy rửa mặt mũi, rồi ăn cháo, rồi đi học.
Bác Giáo bảo gì nó cũng đều nghe theo.
Bác Giáo nó không ngờ rằng nó lại chịu nghe mình một cách chóng vánh như thế, sung sướng bảo với vợ:
- Có chú thím ấy cứ nuông chiều nó, nên nó mới hư như thế, chứ bắt vào phép thì phải chịu ngay đấy chứ. Roi cứng thịt mềm.
Bác Giáo nó bảo nó đi ăn cháo nó cũng ăn, bảo nó mặt quần áo đi học nó cũng đi. Có một điều lạ là nó không nói một câu nào.
Lúc ra tới đường để đi trường, thấy nó ngoan ngoãn đi theo, bác Giáo tưởng nó đã chịu phép mình rồi, mới lấy lời ngọt ngào phủ dụ:
- Con gai nhớn thì phải đi học. Đi học mất tiền mất gạo của cha mẹ thì phải chăm. Không chăm học, nhớn lên dốt đặc thì chỉ đi làm đầy tớ người ta, chứ còn làm cái gì. Rồi chốc nữa ra trường cháu xem, những đứa nhỏ hơn cháu mà cũng đã tiếng Tây làu làu, còn cháu thì chưa thông cái quốc ngữ. Cháu phải biết lấy làm xấu hổ chứ. Học giỏi thì rồi sau làm quan, có sướng không nào. Ông giáo lớp năm là bạn thân của bác, để chốc nữa bác nói với ông ấy trông nom cho cháu.
Thằng Đức thì lặng thinh. Bác Giáo nó càng tin là nó chịu tòng phục mình rồi:
- Con giai đi học thì việc gì mà phải khóc. Ở đây học, rồi thỉnh thoảng cậu mợ cháu lên chơi với cháu. Hay được ngày nghỉ bác đưa về Hà Nội chơi với cậu mợ cháu. Thứ năm chủ nhật, thì bác đưa đi cùng với anh chị chơi các nơi cho nó rộng sự thấy biết ra, như thế, nó có ra vẻ con người không nào. Cháu đã hiểu chưa?
Đức vẫn lặng thinh. Ông Giáo cho là nó còn bực bõ và nhớ nhung ở trong người thôi, nên nó chưa nói, vì thế ông cũng không gặng hỏi để buộc nó phải trả lời nữa.
Ông càng tin như thế vì nó chịu vào lớp học một cách ngoan ngoãn lắm.
Đến giờ về, nó ngoan ngoãn trở về, ngoan ngoãn ăn cơm, ngoan ngoãn dở sách ra. Nhưng dở sách ra mà nó chỉ nhìn, chứ không đọc lên thành tiếng.
Đến chiều, nó lại ngoan ngoãn mặc quần áo, ngoan ngoãn theo các anh nó đi trường.
Thôi đích rồi, nó đã chịu phép rồi. Ông Giáo tin đích là như thế, vì thế cho nên ông cũng không để ý đến nó nữa.
Ấy thế là đùng một cái, lúc tan học buổi chiều, ông Giáo không thấy nó ở lớp ra. Ông đồ chừng là nó còn đi giải đi diếc gì, nên chậm. Nhưng năm phút sau, học trò đã xếp hàng xong, cũng vẫn chẳng thấy nó đâu.
Lúc ấy lòng ông mới hơi hoang mang. Ông vội hỏi ông giáo lớp năm:
- Bác có thấy cháu đâu không?
- Có, trước lúc giờ ra chơi, tôi còn bắt nó đọc lecture.
- Thế sau giờ ra chơi?
- Thì là giờ về, tôi cũng không để ý, chắc là nó còn bận ở chuồng xí đấy chứ gì.
Ông Giáo cho con ra chuồng xí. Chẳng thấy một ai. Cho lùng khắp trường cũng không.
Lúc ấy ông Giáo mới nghĩ đến sự hỏi thằng Nghị là đứa ngồi cạnh nó, thì thằng Nghị trả lời một cách rạch ròi lắm:
- Anh ấy ngồi cạnh con từ lúc vào cho đến lúc ra chơi. Ra chơi vào thì chẳng thấy anh ấy đâu. Cặp sách anh ấy còn để ở ngăn bàn ở trong lớp.
Ông Giáo lớp năm không biết rõ tình đầu câu chuyện thì vội cho là có tai nạn, đề nghị cho người ra ao Là xem, nhưng bác Giáo thì cho là nó nhớ nhà trốn về Hà Nội. Nhưng chẳng có lẽ đường xa như thế, ngần ấy tuổi đầu mà lại về được. Bác Giáo cho người về hỏi thì nó cũng chưa thấy về nhà, cho người xem xét ao Là thì cũng chẳng có tăm hơi.
Lúc ấy bác Giáo mới hoảng sợ, phái người bổ đi tứ phía tìm nó. Đến tối mọi người về, cũng vẫn chẳng thấy tăm hơi.
Bác khắc khỏai về sự hai em mình chỉ có một mụn con trai, lại thúc mọi người đi các nhà. Rồi chính bác cũng thân chinh đi tìm. Tìm suốt đêm chẳng thấy đâu. Buộc lòng ông phải đánh ngay dây thép về báo cái tin dữ cho hai em biết.
Buổi sáng hôm sau, người ta lại giong ruổi tìm nó trên con đường thiên lý từ Phủ Lạng đi Hà Nội. Nhưng cũng chẳng thấy vân mòng gì.
Lúc bấy giờ, người ta mới bắt đầu nghĩ một cách khủng khiếp đến sự nó bị mẹ mìn dỗ đi.
Người ta ức đoán đủ một trăm điều, mà điều nào thì cũng là những điều giết lòng cả.
Người ta đồ chừng giờ ra chơi nó láng cháng ra đường rồi chẳng may gặp quân dỗ người nó thổi bùa mê.
Người ta đồ chừng nó ra ao Là chơi bị ngã. Nhưng người ta cho người lặn xuống sục chẳng thấy gì.
Mà đồ chừng rằng nó nhớ nhà về Hà Nội thì sao cậu mợ nó thuê ngay ô-tô lên lúc mười giờ không thấy nó ở giữa đường.
Hay là lúc nó đi đường... gặp rủi ro.
Thôi thì bao nhiêu người đi bao nhiêu ngả, chẳng thấy đâu cả. chẳng thấy tăm hơi gì. Mà mợ nó thì khóc đã hết nước mắt.
Đến tối hôm sau thì cổ mợ nó đã khản đặc, không nói được ra hơi. Mà mắt đã sưng mòng mọng lên bằng hai quả nhót.
Lúc bấy giờ thì người ta đã tin chắc rằng nó bị mẹ mìn dỗ đi. Người ta trình nhà chức trách, rồi người ta cho đi đón ở các bến tàu, các nhà ga. Thứ nhất người ta sai những người thân tín và đắc lực đón ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Laokay vì sợ mẹ mìn do những thị trấn ấy mà đưa nó sang bán ở bên Tàu.
Một ngày.
Rồi hai ngày.
Rồi ba ngày.
Tuyệt không có tăm hơi. Mà mợ nó thì đã mấy lần định đi đâm đầu xuống sông. Bây giờ thì người ta không dám rời mợ nó ra một bước.
Đức nó đi đâu?
Bây giờ, chúng ta hãy lần từng bước theo nó trên con đường... luân lạc.
Và trước khi vào truyện, ta phải biết nhận cái điểm này: nó chỉ vì được nuông mà hóa ra hư, chứ bản chất nó vốn thông minh và quả cảm.
Ở nhà bác nó, nó xem cơ ngơi, biết khóc và lăn cũng chẳng ăn thua gì, nó liền đổi phương lược để chờ cơ hội trốn về Hà Nội, chứ nó xa mợ nó làm sao cho được.
Thì giờ ra chơi lúc buổi chiều đã đem đến cho nó cái cơ hội ấy, nhìn trước nhìn sau, thấy không có ai để ý đến nó, nó lẻn ra cổng trường. Ra tới cổng trường, là nó chạy một mạch, chỉ sợ người ta biết mà giữ nó lại.
Nó vốn đang khoẻ, lại sự mong nhớ mợ tăng lên bội phần, nó chạy được thẳng một hơi từ trường cho tới cầu sông Thương mới thấy mệt. Nhìn thấy cầu, nó sung sướng vô chừng, nó đã nhớ được đường rồi. Từ cầu đi, nó cứ việc theo con trường trải đá lớn, là hai giờ sau nó sẽ về tới Hà Nội. Bác nó đã chẳng bảo nó như thế là gì?
Thì ra, giời ơi! Nó nhầm. Hai giờ! Đúng hai giờ. Nhưng đó là đối với ô-tô cơ. Chứ chân nó, thì chỉ có giời biết là đi mất mấy giờ. Ấy chính vì nó nhận nhầm như thế nên nó mới có cái can đảm như thế.
Chạy đến đầu cầu, nó đứng một tí để thở, chỉ một tí thôi. Rồi khi dẫm chân lên sàn cầu nó tự nhủ:
- Hết cái cầu này, còn ba cái cầu nữa. Nhưng mà thế là chỉ còn hai thôi. Đến cầu Hà Nội, là đến nhà rồi. À mà xuống đến cầu thì nó chỉ việc gọi xe đi về nhà. À, nó sà vào lòng mợ nó cái sà phải biết.
Liền lúc ấy thì nó có cái cảm tưởng rằng những cánh tay mềm mại của mợ nó đã dang ra mà ôm lấy nó rồi.
Nó bỗng thấy cái gì âm ấm đến với ngực nó. Nhưng chỉ một loáng, là cái khắc khơi cảm ấy đã bay đi. Nó nghĩ ngay đến sự cậu mợ nó đã đánh lừa nó để cho bác nó đem nó lên trên này.
À, à nó phải trả thù mới được, nó phải trừng phạt mới được. Nghĩ đến cái nét mặt khốn khó của mợ nó và những cung cách cả nhà nó sẽ đem ra để dỗ nó, nó khóai chí tủm tỉm cười.
Vì có những ý nghĩ ấy vấn vương ở trong lòng, cho nên nó cũng chẳng thèm để ý nhìn đến cái con "Sông Thương nước chảy đôi dòng" và dãy núi Tèo xanh ngắt cao đến chọc giời.
Đến phố Đò, nó mới ngửng lên nhìn kỹ chung quanh. À chính con đường to to này đây. Mà ở đầu con đường này là Hà Nội. Mà trong Hà Nội là nhà nó.
Nó sung sướng nghĩ đến sự kinh ngạc của cậu mợ nó khi thấy nó về. Mợ nó thì thế nào cũng phải rú lên. Thì đến nó trượt chân, mợ nó còn sợ hãi rú lên nữa là. A ha, nó đã thấy như trả thù được sự lừa đảo của mợ nó ở trong cái tiếng rú ấy rồi.
Nó ra khỏi làng Đò, thì ầm ầm một đoàn tàu bốc khói chạy phăng phăng trên con đường đê cao. À, à, con tàu ấy chạy về Hà Nội, nó biết rồi.
Giá nó đi con tàu ấy thì dũng đỡ mỏi chân một tí đấy. Nhưng nó không có tiền. Mà xin tiền thì người ta biết, người ta giữ nó.
Lúc ấy nó mới thọc tay vào túi. Thì nó cũng có tiền đấy, nhưng ít quá. Nghe người ta nói đi tàu phải mất những bao nhiêu hào cơ mà. Mà cho dù có hào thì nó cũng chẳng biết lấy vé ở đâu, lấy vé thế nào, và làm sao mà lên tàu được. Phải rồi, cậu mợ nó cũng có cho nó đi tàu dăm bảy lượt, nhưng những lần ấy thì nó có để ý đâu đến cái chuyện vặt ấy.
Nó còn bận trông trước trông sau xem có hàng quà gì để vòi ăn, và vừa ăn, nó còn bận nhìn những cái hay hay xảy ra ở chung quanh nó.
Nó cầm sáu đồng xu xóc xóc ở tay rồi lại đút vào túi quần. Lúc đi cậu mợ nó mỗi người cho nó một hào, nó đã ăn mất hào tư bánh kẹo rồi. À, mà đáng nhẽ nó chỉ còn có năm xu thôi. Lúc ô-tô đỗ ở Bắc Ninh, một đồng xu đã rơi xuống ô-tô, nó thấy chật khó cúi, và sàn ô-tô bẩn, nó đã không buồn nhặt.
Một xu, cần gì! Chả bõ bẩn tay. Chính bác Giáo nó đã cúi xuống tìm và nhặt cho nó.
Lúc đưa cho nó, bác nó còn dặn:
- Ấy chết, con đừng có phí của giời.
Một xu! Có là bao! Cái nhà bác Giáo rõ đến hay. Một xu, làm gì mà phí. Trong cái tủ sắt của cậu mợ nó, có hàng nghìn nghìn vạn vạn những đồng xu như thế. Lại còn không biết bao nhiêu những tập bạc giấy mà mỗi tờ mong mỏng ấy đổi được những một trăm xu cơ.
Cái nhà bác Giáo ấy hà tiện thật. Có làm gì mà phí đâu. Bất quá hai chiếc kẹo, mà thứ ngon, chỉ có một. Mà một ngày thì nó ăn biết bao nhiêu là kẹo. Thôi ăn một chiếc đã có sao đâu.
Đến đình Ba Xã thì nó thấy hơi mỏi chân. Nhưng hề quái gì, hơn một giờ nữa thì tới Hà Nội, chỉ còn phải đi qua có hai cái cầu thôi mà. Cố một tí, rồi thì về tới Hà Nội, nó sẽ bắt đền mợ nó một thể.
Lúc ấy, giời về mùa đông, gió chiều bắt đầu thổi mạnh. Nhưng nó không thấy rét. Thì ra vì nó đi nên người nó nóng. Nó nhìn những thằng bé chăn trâu co ro trong chiếc áo tơi mà nó khinh đứt. nó phanh một cúc áo phơi ngực ra gió: "Ồ thế này thì rét gì nào".
Nó lại chúm chím cười. Ồ, thì ra nó cừ hơn những thằng kia thật, thảo nào ở trường nhiều thằng sợ nó. Thì đến ngay cái thằng Mão lớn nhất lớp, giỏi nhất lớp cũng còn sợ nó nữa là.
Nghĩ thế, nó khóai lắm. Nó thúc hai tay vào túi quần xóc xóc những đồng xu, rồi nó thổi còi.
Một thằng bé chăn trâu đang đi bên vệ đường thấy nó nhìn chằm chằm, hình như cũng phục nó lắm thì phải.
Lúc nó đi quá rồi mới dám cất tiếng hỏi:
- Thằng kia! Đi đâu?
Nó đứng phắt ngay lại, quay phắt ngay lại, phưỡn ngực lấy dáng:
- Tao đi đâu thì mày hỏi làm gì?
Có lẽ thấy cái điệu bộ của nó "ra phết" lắm, cho nên thằng kia sợ, nín thin thít.
Ồ, giá lúc khác thì phải biết, thế nào nó cũng cho thằng kia dăm quả ục, nhưng thôi, giời gần tối rồi, mà nó còn phải qua những ba cái cầu nữa.
Nó nhún vai một cách khinh bỉ rồi quay đi. Nhưng vừa quay đi thì nó lại nghĩ ngay rằng nó cần phải nói cho thằng kia biết nó là người Hà Nội đây, về Hà Nội đây.
Nó quay lại, dõng dạc:
- Tao về Hà Nội đây, mày hỏi làm gì.
Có lẽ hai chữ Hà Nội làm cho thằng bé chăn trâu sợ hết vía, nên cúi đầu lặng thinh. Nhưng khi thằng Đức đi được một quãng xa, nó mới đứng thẳng lên mình trâu hét to:
- Đi bộ thế về Hà Nội thì ông cho cứ ốm xác, cứ là ngày kia cũng chưa đến nơi.
Đức nghe rõ ràng từng tiếng một. Nó nghe xong cũng chả buồn quay lại nữa. Cái đồ nhà quê ngu ngốc biết gì mà bõ nói. Đây về Hà Nội, có hai giờ, mà mình thì đã đi được bao nhiêu đường đất rồi, nó lại bảo đến ngày kia, thì nó chẳng biết gì thật! Ốm xác, ốm xác cái gì?
Nó giơ chân lên nhìn. À, chân nó còn dẻo lắm. Hơi mỏi tí ti ở đầu gối. Ồ, có là bao. Một loáng nữa là đến nơi thôi mà. Hơn giờ đồng hồ, có là bao lâu.
Lúc mặt trời ngả mình trên ngọn núi Tiết, nghĩa là còn cách ga Nghi Thiết chừng hơn cây số thì Đức đã thấy mỏi chân. Mà quái chưa, nó vẫn không trông thấy bóng cái cầu thứ hai mà nó tưởng chừng phải đi qua từ lâu rồi. Bởi nó cho rằng nó đi như thế đã nhiều đường đất lằm rồi.
Vì chưa trông thấy hút cái cầu ấy, cho nên mệt mà nó vẫn phải cố. Phải rồi, mới đi chừng có bốn cây, vốn tạng khoẻ nó còn cố được. Nhưng trời ơi! Nó mới thấy khát làm sao. Nó khát bởi vì lúc ở Phủ Lạng ra, nó đã chạy ghê quá.
Trong đời nó, có lẽ lần này nó mới biết cái khát là thế nào. À trước kia, mới có hơi một tý nó đã uống, hề gì. Có lẽ từ trước đến giờ, nó chưa biết thế nào là khô cổ bao giờ. Bây giờ, nó đã biết rồi, nó khô cổ và bào ruột lắm.
Bây giờ, nó mới để ý đến cái thứ rất thường mà có lẽ ở trên trần gian này trong số một trăm người, chín mươi chín người không để ý tới.
À, giá bây giờ có một cốc nước cam mát rượi mà mợ vẫn tự tay pha cho nó thì tuyệt. Không thì cốc nước chanh cũng tốt lắm. Hay thôi, cốc nước chè cũng thú.
Nó đi dần từ cốc nước cam cho tới nước chanh, nước chè, rồi nó vùng nghĩ đến bát nước vối mà mỗi lần kéo mợ đi đâu xa về, thằng xe vẫn nốc ừng ực.
Nó cứ hạ dần trong tưởng tượng như thế thì cái khát lại cứ tăng dần lên, cứ khô cổ đến cháy cổ, cháy ngực.
À, hay thôi, giá có gáo nước lã cũng tốt. Nhưng úi chà, không được, mợ bảo uống nước lã thì đau bụng và có giun nó đục ruột, không không, chả chơi.
Nhưng chả chơi thì khát chết đi thế này, đi làm sao được nữa.
À, à thôi, nó hiểu rồi, nó chờ vào hàng uống một bát nước chè tươi như những hàng nước vẫn bán cho cu ly xe ở hàng Bạc ấy mà.
Nhưng nó nhìn về trước mặt thì đường thiên lý cứ thẳng tăm tắp chẳng có một cái nhà cửa nào. Và nếu có thì biết có phải đấy là hàng nước không?
Ở Hà Nội có nhiều cu ly xe thì mới có hàng nước, chứ ở đây, lác đác mới thấy vài cái xe, hàng nước để làm gì. Nhưng nếu không có hàng nước thì giời ơi, nó khát thế này, đi làm sao được nữa. Đầu gối nó tưởng chừng như đã sắp long rồi đây này.
Hai hôm trước ở vùng đây có trận mưa lớn. Vì giời giông, nắng ít, nước còn đọng từng vũng ở bên đường.
Phải rồi, không bao giờ nó nghĩ đến sự uống cái nước dơ bẩn ấy, nhưng không hiểu sao, những vũng nước ấy cứ như có nam châm hút những cái nhìn của nó về, và kỳ chưa, cả cơ thể nó như bị lôi đến đấy. Đã có một lần, nó đi chếch sang bên vệ đường lấy mũi giày đá hất xuống vũng nước, khiến cho bùn đục ngầu lên và eo ơi! Có những con sâu gì nho nhỏ bơi đầy ở trong ấy.
À, uống cái nước ấy ư? Không, không, càng không vì nó là thằng Đức con cậu mợ ở hàng Đào có cái nhà hai từng to tướng và một cửa hàng chật ních những gấm vóc, vả lại cho dù nó có "xuề xòa" mà uống đi nữa thì những con sâu kia cũng đục ruột nó chết, và cái thứ bùn kia đóng cặn vào ruột thì nguy.
Không, không, và không!
Nó lại cố đi, nhưng trời, sao cổ họng nó như có lửa, và ngực nó như lò than. Và nếu không uống thì mệt quá, hoa cả mắt, long cả chân lên thế này, còn đi thế nào được nữa. Từ đấy về tới Hà Nội, còn những ba cái cầu nữa cơ mà! Mà nó chưa đi tới được một cái nào.
Vì gần đến đất núi, con đường chỗ này cao, lại lác đác có những quả đồi trông xinh xinh. Nhưng xinh đến đâu thì nó cũng chẳng buồn nhìn đến nữa. Nó chỉ nhìn xuống đường nhựa thì đường nhựa bóng nhoáng một màu, mà hai bên đường thì những đất sỏi đỏ ối. Chẳng có bóng dáng của một vũng nước. Nó đi, nó đi, nó cứ cố đi. Nhưng đi thêm được năm mươi bước, bỗng nó dừng lại, nghển chân lên phía trước để nhìn.
Chả thấy gì cả. À quên, hay chỉ thấy đường nhựa bóng nhoáng và những đất sỏi đỏ ối. Và quên, ít cây chè tươi giơ cành trên những ngọn đồi.
Ấy thế rồi thì không hiểu trong tư tưởng nó luân chuyển ra sao, và trong cơ thể nó có một cuộc tấn công gì của các tạng phủ, nó vùng quay lại, chạy lộn về con đường mà lúc nãy nó trông thấy có những rãnh nước.
Nó sà ngay vào vũng nước đầu tiên mà nó trông thấy, lấy tay vục lấy vục để, cũng chẳng nghĩ gì đến những con sâu con tí ti ở trong ấy, và thật ra thì nó cũng không trông thấy nữa.
Chà những giọt nước đầu tiên trôi vào cổ họng nó, mới thấm làm sao. Và thật nhạy như điện.
Ngực nó vụt hết nóng.
Cổ nó chẳng ráo tí nào nữa.
Và một cái gì khoan khóai dần dần chạy đi khắp cơ thể. Mắt nó bỗng lại thấy sáng ra. Đầu gối hết long khớp.
Nó hít một hơi khí trời dài, rồi nó thở phào ra, sung sướng biết mấy. Từ tấm bé đến giờ, sống trong sự nâng niu, dễ thường chưa bao giờ nó thấy được sung sướng như thế.
Nó đứng nghỉ một lát, rồi nó nhìn xung quanh, nhìn cái bóng chiều dần dần đổ xuống đồng ruộng, rồi nó lại đi.
Chân nó bây giờ đã bớt mỏi, nhưng nó vẫn còn ê ẩm làm sao.
Đến ga Núi Tiết thì nó mỏi lắm rồi, và kỳ chưa, nó lại khát nữa rồi.
Nó liền vào một hàng nước.
- Bán cho tôi bát nước
Bà già sau khi múc bát nước cho nó:
- Thì cậu hãy ngồi xuống đấy nghỉ một tí, uống nước xong xuôi rồi, đi đâu thì hãy đi.
Chỗ này thì thật là phải dùng một câu Kiều nó mới hết nghĩa:
"Được lời như cởi tấm lòng"
Nó ngồi ngay xuống, và trời ơi! Bây giờ nó mới biết rằng cái sự ngồi là thú thế này đây. Trời ơi! Dịu chưa, êm chưa. Cái ghế gỗ sao mà hình như mềm hơn cái ghế bành lò xo của nhà nó.
Thật là sướng quá, nhưng nghĩ đến sự còn ba cái cầu nữa phải qua nó móc túi lấy xu để giả rồi lại đi. Nó đưa cho bà cụ đồng xu thì bà cụ ném giả nó một trinh.
Nó nghĩ một trinh cũng chẳng dùng gì. Âu bằng mua kẹo ăn quách.
- Có kẹo "sô-cô-la" không?
- Ở đây mua những thứ ấy thì bán cho ai.
- Thế có kẹo chanh không?
- Làm gì có những của ấy hở cậu. Tôi chỉ có kẹo bột thôi. Một trinh sáu chiếc, cậu có mua thì mua.
- Ừ thôi, kẹo bột cũng được.
Lúc này, nó bước ra đi đã thấy uể ỏai. Ồ, giá ở nhà, nằm khểnh ở giường cho mợ xoa đầu thì thú quá nhỉ. Hay không, cứ ngồi ở cái ghế của cụ hàng kia, cũng tạm được rồi. Nhưng không thể được, nó còn phải đi.
Nó cầm một chiếc kẹo bột bỏ vào mồm. Chà, cái thứ kẹo bột này, thế mà cũng ngon đáo để. Có lẽ lại có vị hơn những kẹo sô-cô-la và kẹo chanh cơ đấy.
Ấy thế là nó ăn liền ngay hết sáu chiếc kẹo.
Bụng nó tự nhiên sôi ầm ầm, và kỳ chưa, nó lại đã thấy khát nước rồi.
Quái chưa, sao ngày hôm nay, nó khát nước lắm thế. Nhưng khát nước thì cũng chịu thôi, nó không thể quay lại phía hàng nước mà uống được.
Bởi vì trời đã sắp tối rồi. Mà cái cầu thì vẫn chưa thấy bóng đâu cả.
Nó phải cố, cố đi nhanh mới được. Không thì tối, nhỡ lạc đường một cái thì khốn đốn to cơ đấy.
Nhưng lòng nó thì muốn cố, mà chân nó thì không thể sao cố được. Có những cái gì như giòi rúc ở trong xương đầu gối, và thật như có từng đàn kiến đang đốt chân nó. Đã có lần nó nhòm xuống chân thì chả thấy có một con kiến nào cả.
Nó đã thấy nhấc chân không muốn nổi, mà giời ơi, chân lại hình như đau ở các ngón hay làm sao ấy.
Thì ra vì nó đi nhiều quá, chân nó sát vào giầy sầy da ra, và khiếp thực, đôi giầy trước kia nó đi vào, đá bóng nhẹ nhõm lắm, và nhảy song phi như bay, sao bây giờ nặng như cối đá thế này!
À, thôi hiểu rồi, cứ cởi giầy ra là đi được như bay. Tại đôi giầy đấy mà.
Ấy thế là nó ngồi xuống ở bên vệ đường, cởi giầy tất cả. Chân đang nóng hấp nay được gió lùa vào mới mát mẻ sung sướng làm sao. Muốn hưởng cái mát mẻ sung sướng ấy một tí nữa, nó ngồi trên cỏ giơ chân ra phía gió.
Chà, cứ ngồi thế này hay nằm khểnh phăng ngay ra đây đánh một giấc thì cũng hay đấy. À, nhưng không được, thế thì bao giờ về tới nhà.
À, không thể, không thể.
Nó buộc hai đôi giầy vào nhau, rồi vắt lên vai. Nhưng quái chưa, sao đôi giầy bây giờ lại nặng thế, trĩu cả vai ra thôi.
À, nếu nó không sợ về Hà Nội đi đất, nhỡ chúng bạn trông thấy cười nó thì nó đã vất quách đôi giầy đi rồi.
Nặng vai nhưng mà nhẹ chân. Ái chà, bàn chân đặt xuống đường nhựa, mát không lâu.
Vì chưa từng bao giờ đi chân không, nó bị những hòn sỏi làm cho đau chói, đau quá. Rồi thì thành ra nó cứ phải tập tễnh.
Không được! Không được! Cứ tập tễnh thế này thì bao giờ cho đến Hà Nội. Trời sắp tối mịt rồi kia kìa. Mà sắp tối mịt rồi thật. Mặt giời đã sa nửa mình xuống chân giời rồi.
Ấy thế là muốn đi mau, nó lại buộc lòng phải ngồi xuống nong đôi giày vào.
Lúc nãy cởi ra thú bao nhiêu thì bây giờ nong vào lại khổ bấy nhiêu! Kỳ chưa, chân nó làm sao hình như to ra, kéo mãi mới vào. Mà lạ chưa, tay nó làm sao mà lại hậu đậu thế, lẩy bẩy mãi không thắt được đôi giầy.
Và nguy chưa. Bụng nó lại thấy đau quặn. Giời ơi! Đúng rồi, có lẽ những con sâu ở trong nước lúc nãy đang đục ruột nó hẳn thôi. Nhưng chả có lẽ, thằng xe, thằng nhỏ vẫn uống nước lã từng gáo nào có thấy sao đâu nào.
Rồi thì nó buồn đi ngòai. Nó sống dở chết dở, lủi vào một nương chè ở sau đồi, ấy là cái lúc tên người nhà mà bác Giáo sai tìm nó phóng xe đạp qua, vì thế cho nên không trông thấy nó.
Đến khi tên người nhà đi đã được một quãng xa rồi nó mới lò dò ở trong nương chè đi ra.
Bây giờ thì nó mệt rồi, thật là mệt rồi. Nó cũng nhận thầm ở trong bụng như thế rồi, nhưng nó cũng vẫn chưa chịu nhận là tối nay nó không thể về kịp Hà Nội.
Nó lại lê chân đi. Và nhìn một cách sợ hãi cái đen tối nó từ từ trùm xuống cảnh vật.
Lạ quá nhỉ. Bác Giáo bảo chỉ hai giờ đồng hồ là về tới Hà Nội thôi mà.
Nó dù là một thằng học trò dốt không biết tính thì nó vẫn có đủ thông minh của một đứa bé để tính rằng lúc ra chơi là ba rưỡi mà ít gì bây giờ thì cũng là hơn sáu giờ rồi. Thế là nó đã đi được ba giờ. Và lạ hơn nữa, là nó vẫn chưa trông thấy cái bóng của cái cầu thứ hai.
Trời ơi, hay là nó đã đi nhầm đường?
Cái ý nghĩ ấy bỗng làm cho nó thắt ruột lại. Nhưng không có lẽ, nó nhớ lắm, chỉ có một con đường to này thôi mà, chứ nó hôm qua đi ô-tô có trông thấy con đường nào khác nữa đâu.
Và hình như nó nhớ lắm, hôm qua nó cũng trông thấy những đồi nho nhỏ như thế này mà.
À thì ra nó ngu quá lợn rồi. Nó quên khuấy đi mất rồi, giá lúc nãy nó hỏi thăm đường cụ hàng nước thì có phải là chắc chắn biết bao nhiêu.
Nó quay lại nhìn về phía núi Tiết một cách tiếc rẻ. Nhưng thôi, quay lại thế nào được nữa. Nó định tâm hễ gặp ai đi đường thì hỏi.
Nó lết đi được chừng một cây số nữa, thì giời tối hẳn, giời lại về cuối tháng không trăng, thành ra chung quanh nó cứ đen như hũ nút.
Khiếp cái bóng tối mới linh diệu làm sao? Nó vụt làm sống lại ngay ở trong đầu thằng Đức những truyện ma quỷ mà nó đã được nghe từ trước tới nay. Nào truyện ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con, nào truyện yêu tinh ăn thịt người, thôi thì đủ, đủ các thứ truyện.
Và bóng tối cứ như sáng loè những cặp mắt long sòng sọc, những cái nanh nhọn hoắt, những cái lưỡi xanh lè như núc nác.
Thế là nó thấy lạnh gáy. Rồi cái lạnh ấy từ gáy chạy xuống bụng, rồi từ bụng, nó lại chạy đi khắp cả tay chân.
Rồi thì nó quên khát, nó quên cả mỏi, nó rảo cẳng, nó rảo cẳng, nhưng không lâu nhé. Chỉ trong ba trăm bước là sự mệt mỏi mạnh hơn lòng lo sợ của nó. Nó thấy rời cả chân ra không tài nào có thể đi nhanh được nữa.
Nhưng đến thế này thì khốn mất, bao giờ về tới Hà Nội cho được. Và nếu nó ở đêm khuya ở ngòai đường ngòai sá như thế này thì thể nào nó cũng bị yêu tinh bắt mất.
Chà, tiếc quá, nếu nó đem con dao díp của nó ở nhà đi, thì nhỡ gặp ma, nó còn có thể chống cự được. Và thằng Bếp chả đã thường vẫn nói đấy ư, nếu có sắt trong người thì ma và yêu tinh sợ, không bao giờ dám bén mảng đến.
Nó mới đi lần khắp trong người nó xem có tí sắt nào thì trời ơi! Chẳng có một tí sắt nào cả.
Rồi thì, nghĩ đến sự phải chống cự với ma quỷ, nó liền quờ tay xuống đường xem có hòn đá nào không.
May quá, may quá. Chỗ đó người ta sắp chữa đường, có một đống đá tướng rải ở bên lề. Nó thủ hai hòn đá tướng cầm ở hai tay, rồi thì vững dạ, nó lại đi. À quên bây giờ thì không còn có thể nói là đi nữa.
Nói rằng nó lết đi thì đúng hơn. Thôi thì bây giờ, đủ các thứ đến hành nó, triệu chứng là đau bụng này, nhức đầu này, đau bàn chân này, và trên các thứ là đau chân ghê gớm.
Tháng một rồi, về đêm, sương xuống đã rét, nhưng vì bị ngần ấy thứ hành hạ, nên nó chẳng thấy rét một tí nào.
Quái chửa, bây giờ không hiểu sao nó sợ cả từ cái tiếng gót giầy nó nện xuống đường nhựa. Những tiếng ấy dội vào lòng nó một cách ghê khiếp làm sao ấy.
Thì ra nó bắt đầu cảm thấy sự cô quạnh của nó giữa đêm tối. Nhưng vì nó không là người lớn, nên cái cảm tưởng của nó khác đấy thôi.
À, giá lúc này mà nó được nhìn thấy một bóng người thì lòng nó cũng được ấm một chút.
Thì may quá, ở phía trước mặt nó có tiếng người nói choang choang. Đó là tiếng của hai chú lái trâu vừa đi bán trâu ở chợ Thăng về. Hai chú đã rượu bí tỉ, đi loạng choạng và đang cã nhau om sòm.
Thằng Đức định tâm rằng đến lúc gặp nhau thì hỏi họ xem đây có phải đúng là đường về Hà Nội hay không.
Tiếng người càng gần bao nhiêu thì thằng Đức lại hình như cảm thấy đỡ mệt, đỡ lạnh, đỡ sợ, đỡ khát bấy nhiêu.
Còn đói thì chưa, lúc này nó chưa thấy đói một tí nào.
Lúc nó đồ chừng hai người đi tới đã gần đến nó, nó liền đứng lại. Rồi khi thấy hai cái bóng tới gần, nó liền lên tiếng:
- Hai ông ơi, tôi hỏi có phải đây là đường về Hà Nội không?
Một cái bóng liền tách ra đi về phía nó, vừa đi, vừa quát:
- Phải rồi, mày hỏi làm gì?
Nghe tiếng quát ấy, thằng Đức hết cả hồn vía, nó ù té chạy bán sống bán chết, bị đuổi theo bởi những tiếng cười khóai trá.
Nó chạy, nó chạy không biết được bao lâu, nhưng tới khi nó thấy chân nó rời ra không thể chạy được nữa thì nó liền đứng lại.
Đứng lại là nó vội ngồi bệt ngay xuống vệ đường, và nếu nó không ngồi mau thì nó cũng ngã ngay xuống. Nó vừa ngồi vừ thở, thở như cái bễ lò rèn. Nhưng nó có một cái sướng là nó chắc rằng đây là con đường về Hà Nội.
Và nó tự cười nó sao tiếng người rõ ràng mà nó lại sợ chạy.
Tuy nó tự cười nó như thế, nhưng kỳ chưa, từ lúc đó thì bao nhiêu truyện giặc cướp giết người, mà nó được nghe từ trước đến giờ, bỗng sống lại ở trong đầu nó. Và hai người kia, biết đâu không phải là ăn cướp. Vả nếu không là ăn cướp, sao lại quát to như thế, thứ nhất là quát to với bé con đi hỏi đường.
Nghĩ thế thì nó lại vùng lên muốn chạy. Nhưng nó vừa đứng dậy thì lại phải ngồi ngay xuống. Hai chân nó đã không mang nổi mình nó nữa rồi.
Và ghê chửa, cái khát bây giờ lại đến với nó một cách mãnh liệt hơn lúc nãy nhiều. Nhưng đau bụng thế này, chịu thôi, nó lại không có dám uống cái nước rãnh nữa.
Mà cho dù có muốn uống nữa thì đêm tối thế này biết tìm ở đâu ra.
À thôi, thôi, phải đi mới được. May ra ở phía trước mặt nó lại có hàng nước biết đâu, và biết đâu ở đấy lại chả có cả kẹo bột nữa. Lúc này thật là nó không dám nghĩ đến kẹo sô-cô-la và kẹo chanh nữa rồi. Vả cũng chẳng cần phải nghĩ đến những thứ ấy, kẹo bột cũng đã ngon chán rồi.
Nó lại cố đứng dậy, rồi nó đi, nhưng đi được mươi bước thì chân nó run quá, nó lại phải ngồi xuống.
Nó ngồi xuống thở một lúc thì gió đêm thổi vào nó, nó đã thấy hơi tỉnh táo. Tỉnh táo là nó nghĩ ngay đến sự đi. Bây giờ thì nó đã có tí chút kinh nghiệm trong sự đi đường rồi, nó tự nhủ nó phải đi chầm chậm thì mới không mỏi và không đau chân.
Nghĩ thế là nó rón rén đứng dậy, rón rén đi.
Nhưng dù gượng nhẹ thì cái máy người cũng có hạn chịu đựng của nó, thứ nhất lại là một thằng bé con mới có mười tuổi, thứ nhất thằng bé con lại là con cầu tự, chưa từng bị vất vả bao giờ!
Nó lết đi được một quãng thì nó thấy các gân cốt ở trong người nó bỗng như rắn cả lại, không chịu vâng theo cái ý muốn của nó mặc dầu cái ý muốn của nó lúc ấy vẫn còn mãnh liệt lắm.
Ở đời, ý muốn là khác, mà cái sức có thể làm được lại là khác.
Nó đứng im để nghỉ, nó thở dốc ra một lát, rồi thì nó vụt cảm thấy rằng nó không tài nào đi được nữa. Bởi vì cái cầu thứ hai nào đã đến đâu. Mà cho dù lúc ấy có đến rồi thì còn từ đấy cho tới Hà Nội cũng còn xa đường lắm. Đến đi từ Bắc Giang đến đây còn thế này, nữa là.
Lúc ấy thì cứ tưởng tượng phải đi qua cái cầu Hà Nội thôi, nó cũng đã thấy rằng không thể được rồi.
Ủa, thế ra bác Giáo nói dối nó. Bác Giáo bảo chỉ có hai giờ thôi mà.
Mà không, bác Giáo không nói dối. Hôm qua, ở Hà Nội ra đi, nó trông đồng hồ rõ ràng là ba giờ, mà đến Phủ Lạng còn sớm lắm, chỉ độ năm giờ thôi mà.
Thế mà nó đi đã từ bao nhiêu lâu rồi.
Thế ra nó phải ở đêm ở đường thế này à? (nó chỉ mới tưởng đến sự ở thôi, chứ nó chưa nghĩ đến sự ngủ).
Cái ý nghĩ ấy đến với nó một cách mới khủng khiếp làm sao! Những truyện ma quỷ quái đản, giặc cướp rùng rợn lúc ấy ào đến một lượt, đứng dựng cả dậy một lượt. Trái tim nó đã đập mạnh vì mệt nhọc, bây giờ lại càng đập mạnh thêm vì sợ hãi.
Nó tưởng chừng như bao nhiêu bàn tay lông lá, bao nhiêu lưỡi dao sáng loáng đều tới tấp múa tít ở trên đầu nó rồi.
Giá mà chỗ đất nó đứng nẻ ra cho nó chui xuống ẩn ở đấy thì nó sung sướng biết là bao.
Lại còn cái cảm giác này cũng không phải là không ghê khiếp, cái cảm giác có một mình giữa chốn đồng không mông quạnh trong cái đêm tối dày đặc.
Ra bây giờ nó mới hiểu rồi, đời sống của nó từ trước đến nay sở dĩ yên vui và không bị khổ sở lo sợ như thế này, chỉ là vì có những người ở chung quanh nó. Và những người ấy đều... đều... dốc một lòng cung phụng nó như ông tướng con. Còn nó, nó đối với mọi người thì nó toàn một màu... hạch sách, và làm đủ tội, đủ hình.
Không, lúc ấy nó chưa biết hối đâu, nó chỉ mới thấy thương những người ấy thôi, thứ nhất là mợ nó.
Và nhìn đêm tối chập chùng, nó mới thấy ăn năn về sự đã bỏ nhà bác nó ra đi. À, giá bây giờ có cái phép gì lại đưa nó về nhà bác nó như cũ, thì sướng biết chừng nào.
Rồi thì vụt do một sự biến chuyển nhiệm mầu của tưởng tượng, nó tưởng chừng nó còn đang ở trong nhà bác nó, chưa đi đến đâu cả.
Nó nhìn rõ tất cả những việc xảy ra ở đấy. Nó tưởng tượng lúc này các anh chị nó đang tíu tít ở chung quanh bàn ăn này. À, à, thế đêm nay nó ăn ở đâu. Thế nó không ăn à? Thế nó bị nhịn à?
Tuy thế, lúc ấy nó cũng chưa đói lắm, cho nên nó cũng không để cho tưởng tượng chú trọng vào mâm cơm mấy.
Nó chỉ chú trọng nhất đến chiếc giường mà đêm qua nó đã nằm chung với bác nó. Giá nó được chui vào chăn mà đánh một giấc thì sướng biết chừng nào.
Rồi thốt nhiên, nó tưởng chừng như nó đã cuộn tổ sâu ở trong chiếc chăn vải hoa ấy rồi. Nó nhắm mắt cho tư tưởng trôi theo khóai cảm.
Nhưng vút, tiếng tù và rúc inh ỏi ở cái làng bên vệ đường lôi nó khỏi cái giường êm ấm ấy. Nó giật nẩy mình, bừng mở mắt, thấy mình vừa mệt, vừa khát, vừa đói, trơ trọi ở trong đêm, giữa một con đường vắng ngắt. Cái ngao ngán của nó lúc ấy thật là mênh mông, như bóng tối bao vây nó. Và não nùng hơn tiếng gió thổi lướt trên các ngọn cỏ.
Tiếng tù và cứ rúc inh ỏi, đổ hồi từ khoan đến mau làm chuyển động bóng tối, rồi lùa cái rùng rợn vào trong cơ thể nó. Ở Hà Nội, xưa nay nó chưa từng được nghe tiếng tù và bao giờ. Nó tưởng như đó là tiếng ma, tiếng quỷ đang gào thét, gào thét vì vui mừng trông thấy nó.
Nó vùng dậy chạy. Nó chạy, nó chạy, bị đuổi theo bởi cái tiếng tù và ghê hồn ấy. Tiếng tù và càng đuổi, nó càng chạy, quên cả nhọc mệt. Nhưng càng chạy thì tiếng tù và càng gần. Và khiếp chưa, nó hình như nghe thấy tiếng chân người thình thịch ở phía sau nó.
Nó cố, nó phải cố thì mới thóat được. Rồi thì chạt! Có một cái gậy như vụt vào chân nó, nó ngã bổ nhòai ra đất, hai hòn đá nó cầm ở tay văng đâu mất.
Nó kêu giời, nó gọi mợ rồi nó lịm đi, chắc phen này phải chết.
Cái bản năng tự tồn ở trong con người ta vốn rất mạnh, nó chỉ lịm đi độ vài giây, rồi nó lại muốn vùng lên để chạy. Nhưng giời ơi! Hình như ma quỷ đã hóa phép trói chân nó lại, nó không tài nào cựa cậy được, mặc dầu nó muốn cựa cậy lắm.
Lòng nó vụt giá như băng. Nó òa lên khóc, nó lại gọi mợ. Nhưng biết rằng mợ không có ở đâu đây để cứu nó, nó đành nhắm mắt nằm im để cho ma quỷ muốn làm gì nó thì làm.
Thôi cái số nó thế rồi. Nhưng lạ chưa, nó nằm dán xuống đất đã lâu lắm, mà vẫn chẳng thấy ma quỷ nào đến. Hay là ma quỷ không trông thấy nó?
Lúc ấy nó mới liều mở hai con mắt. Úi chà, mở được hai con mắt mới vất vả làm sao!
Chả thấy gì cả. Hay là chỉ thấy độc có cái đen, đen ngòm. Nó đánh bạo sẽ bẻ cổ, ngước mắt nhìn về phía sau. Cũng chẳng thấy gì cả. Chỉ đen kịt là đen.
Nó thở dài, cái thở dài mới thống khóai làm sao, nó đã thóat rồi. Rồi thì nó bỗng thấy đau đau ở ống chân, và nó thấy cần phải đưa tay ra chỗ đau ấy để xoa lắm.
Nhưng mà nó đã dám đâu, nó động đậy, nhỡ ma quỹ biết thì khốn. Nó cứ nằm, nằm nép xuống mặt đất. Rồi thì dần dần nó thấy bớt đau, rồi thì ngón chân nó hình như cựa cậy được ở trong giầy nó.
Nhưng mà chưa, nó vẫn chưa dám dậy. Ma quỷ rất có thể đến. Nó để hết tai lắng nghe. Tiếng tù và lúc ấy đã im, im lâu lắm rồi.
À, ma quỷ đã đi xa rồi, nó mới khẽ cựa mình, không thấy gì. Nó sẽ co chân không thấy gì.
Lúc ấy nó mới hoàn hồn, nó nghĩ ngay đến hai hòn đá, nó quờ tay ra phía trước để tìm. Thì tay nó đụng phải những cái gì như cành và lá cây. Nó để ý nắn. Cành và lá cây thật.
Thì ra trong lúc hoảng hốt, nó đã chạy lầm đường, nó rẽ vào bên vệ đường, vấp phải một cây duối con, chứ chẳng phải ma quỷ nào vụt chân nó cả.
Cầm chắc ở trong tay là những cành lá cây rồi, lúc ấy nó mới chắc là nó thóat chết. Mà cái mừng của nó lúc ấy thật là không thể tả. Nó lóp ngóp bò dậy, nó sờ soạng chung quanh. Thì này, cái thân cây duối mà nó vấp phải.
May quá, cây duối ấy chỉ bé hơn cổ tay của nó, chứ giá to thì khốn. Nó sờ vào chỗ đau. À hơi sưng một tý, nhưng không hề chi. Lúc ấy, nó còn nhiều việc khác phải nghĩ tới.
Ồ, giá ở nhà mà ai làm nó bị sưng như thế, hay nó nghịch mà va phải đâu như thế thì thôi, to chuyện lắm rồi.
Nhưng ở đây! Nó kêu ca với ai? Chính ra, nó cũng chẳng nghĩ đến sự kêu ca nữa.
Nó sờ soạng không thấy hai hòn đá, nó mới nghĩ đến sự bẻ một cành duối để làm gậy. Cái gậy vẫn hơn hòn đá chứ.
Nó bẻ, bẻ mãi cái cành to, nhưng vì nó mệt quá, không bẻ được, nó đành bằng lòng một cành bé vậy. Cầm cái que duối chắc chắn ở trong tay rồi, nó mới đứng dậy, nó phải tìm cho được ra tới đường cái lớn đã, nó sẽ lấy giầy lướt trên mặt đất. Đất đây gồ ghề không phải đường nhựa. Nó cứ vừa lê chân vừa đi, đi mãi, đi mãi mà đường nhựa tìm không thấy.
Lúc ấy thêm vào bao nhiêu thứ lo sợ khác, là cái lo bị lạc đường.
Lúc ấy, chính là cái lúc người nhà ông Giáo đi tìm nó quay về, vì thế cho nên không trông thấy nó, nhưng nó trông thấy, trông thấy cái ánh đèn xe đạp.
Nó mừng lắm. Phía ấy là đường cái rồi, nó rảo cẳng thì bõm, chân nó sa ngay vào một vũng nước bắn lên nó tung toé. Chà, nghe thấy tiếng nước động, cái khát nấp ở đâu trong tạng phủ nó nổi dậy mãnh liệt làm sao!
Nó úp ngay mặt xuống nước, uống đến thùng bất chi thình.
Nó uống no nước rồi, nó mới lấy tay vớt lên mặt nó để rửa. Chà, cơ thể nó bỗng thấy khóai họat một cách lạ lùng.
Nhưng cái khóai ở không lâu. Chỉ một loáng là nó thấy khắp cơ thể rời rã. Và rồi nó thấy rằng nó không thể nào còn đi đâu đến một bước nữa. Và lạ chưa, cái gì cứ như kéo mí mắt nó xuống.
Nó mở giương hai mắt ra để mở, mi mắt như bị cặp chì, chỉ những muốn díp lại. Thì ra nó buồn ngủ, buồn ngủ đến rũ ra. Mà nó sẽ ngủ gục ngay ở đấy, nếu một hồi tù và không rúc liền ngay lúc ấy ở phía sau nó. Lần này thì nó đã quen không sợ lắm như lần trước nữa. Nhưng vì thế mà nó tỉnh bừng.
Nó lại cố lóp ngóp đứng dậy, nhưng chỉ đi được ba bước là nó lảo đảo, rồi bao nhiêu khớp xương ở trong người nó lúc bấy giờ thật như long ra hết. Nó vội vàng phải ngồi bệt ngay xuống.
Thôi đành. Đành phải bỏ sự về tới Hà Nội đêm hôm nay. Tới lúc đó, nó mới chịu nhận như thế, nhận rằng mình đã mệt mỏi lắm rồi không thể nào đi được nữa...
Nhưng không đi Hà Nội, thì bây giờ ở đây làm gì?
Câu hỏi ấy lúc đó mới đến với nó một cách sôi nổi. Đành rằng nó ngồi đấy để nghỉ, nhưng nghỉ rồi thì nó làm gì nữa.
Lúc ấy, nó mới nhận thấy rằng đến là để ngủ. Rồi thì nó vừa hỏi vừa tự trả lời. Nó ngủ ở đây suốt đêm à? Nằm ở đâu mới được chứ? Nằm ở đất này ấy à? Ờ ờ, thế thì có khốn. Ma quỷ sẽ bắt nó đi. Hay giặc cướp sẽ giết nó đi. Không, không, nó không thể ngủ được. Nếu có phải nó mỏi chân, nó không đi được nữa thì nó phải thức để canh ma quỷ và giặc cướp mới được chứ.
Không, không, nó không thể ngủ. Ngủ thì nguy to. Nó nghĩ thế, rồi nó nắm chặt lấy cái que duối.
Rồi thì đầu nó cứ từ từ ngả về phía trước, rồi thì nó ngã dúi, thiếp đi.
Thì ra giấc ngủ mạnh hơn nó, sự nhọc mệt mạnh hơn nó. Mà sự nhọc mệt là tay sai rất đắc lực của thần ngủ.
Nó gục đầu, chổng mông lên giời ngủ một giấc ngủ ngon nhất của đời nó.
Nó đang mơ mơ màng màng rúc vào nách mợ và đang sờ vú mợ nó thì một tiếng sét xé giời làm cho nó choàng dậy.
Nó thét lên gọi mợ, không thấy mợ thưa, nó lại gọi cậu. Cậu cũng không thấy thưa, nó lại gọi "em". Rồi thì tiếng sét thứ hai loằng ngoằng trên vòm giời làm cho nó nhận thấy sự thật. Và nó nhớ lại tất cả. Thốt nhiên ruột nó hóp lại. Rồi nó khóc, khóc thảm thiết.
Khóc mặc, sét cứ giáng xuống ầm ầm ầm, chớp cứ loè lửa, gió cứ thổi vù vù, làm lấp tiếng khóc của nó.
Rồi tới khi những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, nó thấy càng khóc càng vô ích, tự nó nó im.
Và lúc ấy nó mới thấy bắt đầu rét.
Và lúc ấy nó mới thấy cần phải đi tìm chỗ trú mưa.
Nhờ có ánh lửa của sấm sét chỉ đường, nó lần lại được dưới một gốc cây cổ thụ.
Nó vừa đến được xong, thì mưa đổ xuống ào ào, một trận mưa mà nó cho là to nhất trần thế.
Nó cho như thế, bởi trận mưa ấy thiết ngay đến thân nó.
Từ trước đến nay, thiếu gì những trận mưa to gấp mười như thế. Nhưng, ngồi trong nhà nhìn ra với dấn mình trong mưa là hai thứ khác nhau. Thứ nhất là bị dấn mình trong khi đêm hôm vừa đói, vừa rét.
À, trước kia nó có để ý đến những trận mưa là chỉ để ý đến sự nó bị giam ở trong nhà, không ra ngòai đường chạy nhảy được, thế thôi. Nhưng nó lại có bao nhiêu thứ đền bù. Nào làm thuyền thả ở hiên, nào bít ống máng nước toé và mặt các em. Và còn vô số cái thú vị nữa.
Bây giờ thì thôi, chẳng thấy một tí thú vị nào. Toàn là khổ ải. Tuy nấp ở dưới một gốc cây to, nhưng cái cây đâu có phải là một mái nhà, thành ra nước cứ ào ào đổ xuống mũ nó, rồi làm cho nó ướt như chuột lột.
Và rồi thì ngọn gió thổi cái rét cắt da tới. Nó nép mình vào thân cây, vừa run, vừa đánh đàn mồm.
À, lúc ấy thì nó có những ý nghĩ thấm lắm, thấm như những giọt mưa, thấm hơn nữa.
Giá nó không bướng bỉnh định trốn về Hà Nội thì đâu nó có bị rét mướt thế này. Và nếu nó không lười học thì đâu cậu mợ nó lại phải đánh lừa nó lên Phủ Lạng để cho nó phải trốn đi.
Lúc này thì nó hối, hối ghê lắm. Chỉ có cha mẹ thì khi đứa con nó biết hối mới thương, chứ cái gió, cái rét vô tình nó có biết thương ai bao giờ.
Bây giờ thì thằng Đức bị rét quắp lại, cứng ra, chứ không còn có thể run được nữa. Nước mưa đã thấm vào hết quần áo, ngấm tới da thịt. Ta có thể nói rằng lúc này nó bị cái rét làm cho chín thịt, chín da đi rồi.
Tuy rét làm cho nó tê cóng cả tay chân, nhưng đầu nó thì tỉnh lắm. Nó nghĩ đến một cách thèm khát những đêm ở nhà, cậu một bên, mợ một bên, cái hỏa lò ở giữa. Đã thế rồi mợ lại còn ôm chân nó ủ vào trong lòng mình nữa.
À, có bị một đêm mưa rét ở ngòai giời như đêm nay thì nó mới biết những đêm trên chăn dưới đệm ở nhà là quý, là sung sướng. Bây giờ thì thật rồi, nó mới biết cái giá của chúng.
May cho nó, mưa không lâu. Chỉ nửa tiếng đồng hồ là tạnh. Nhưng tạnh được cái mưa thì lại bị cái gió nó đem cái rét kinh hồn đến.
Xưa nay nó có biết tránh gió là cái gì, nên nó cứ ngồi quay mặt ra phía Đông, nhưng có lẽ sự cần dùng khiến cho người ta thành cơ xảo, nó cứ lần lần nhích dần ra phía sau cây để tránh.
Chà, tránh được ngọn gió đỡ rét rồi, nó lại bị cái đói kéo đến hành hạ.
Buổi trưa hôm nay, vì ức uất ở trong lòng, nên nó chỉ ăn có hai lưng bát. Ồ, giá nó biết thế này thì lúc ấy nó đã ăn hẳn năm sáu bát.
Nhưng nếu nó biết thế này thì nó đã chả là đứa con hư, đứa học trò lười để buộc người ta phải gửi lên với bác.
Chà, ruột nó cồn cào, và trong dạ dày nó, lâu lâu lại hình như có cái gì nó đánh đu tít lên.
Ái dà, bây giờ nó mới hiểu cái đói là thế nào đây. Trước kia, chưa đói nó đã ăn, ăn quà suốt ngày, thì còn bao giờ biết thế nào là đói nữa. Bữa cơm, mợ cứ phải lạy nó để nó ăn thêm vài miếng. Bây giờ thì không, nếu bây giờ mà được ngồi trước một mâm có những bát cơm trắng như thế, và những miếng thịt thăn kho thơm như thế, thì chẳng cần ai phải lạy nó cả. Tự nó, nó sẽ ăn thùng bất chi thình.
Ái dà, giá lúc này nó có được một bát mì thằng bếp vẫn đi mua từ Hàng Buồm đem về? À hay thôi, bát phở cũng được!
Ngồi thu mình dưới gốc cây, bị cái đói và cái rét hành hạ, nó tưởng tượng thấy mình toàn ngồi trước những món béo bổ. Nhưng tưởng tượng như thế để làm gì, để cho khi nhận thấy sự thực, lại bị cái đói hành hạ một cách gắt gao hơn.
Trước kia, nó ăn những thứ ấy cả ngày, cứ thấy đói con mắt là ăn, thành ra nó chẳng biết cái gì là ngon cả. Bây giờ thì cứ tưởng tượng đến, nó đã thấy ngon đáo để rồi.
Nó nghĩ đến một cách chua chát đến những hồi nào, những cái bánh bao nhân thịt ngon như thế mà chỉ vì nó dỗi với chị nó, nó vất tuốt cả đi. Rồi nó lại còn chạy đến di chân lên để cho không còn ai có thể ăn được nữa. Chà, nó đã phí của thật! Giá nó để dành được những chiếc bánh bao ấy đến bây giờ?
Nghĩ thế, nó lại tiếc sao lúc chiều không muốn ăn mấy, mà nó đã ăn cả sáu chiếc kẹo bột, giá để dành vài chiếc đến bây giờ, thì đỡ đói lòng biết mấy.
ngồi ở đây trong đêm tối, giữa cái gió và cái rét, nó nghĩ ra bao nhiêu điều mà trước kia nó không nghĩ tới.
Và thật là vì biết cái mệt, cái khát, cái rét, cái đói, cái sợ, bây giờ nó mới biết cái khổ là thế nào. Và thốt nhiên, nó thấy thương cậu, thương mợ quá, thương những người đã khiến cho nó không biết cái khổ, nghĩa là cái mệt, cái khát, cái rét, cái đói và cái sợ.
Nó thương, thương bồi hồi, rồi thì nó thấy rằng từ trước tới nay, nó chỉ làm khổ cậu, khổ mợ nó thôi.
Lúc ấy thì cái khổ làm cho nó cảm mơ màng thấy rằng nếu chuyến đi này mà về được tới nhà thì nó sẽ không thì "còn rối tơ" như trước nữa. Nó phải ăn ở khác thế nào chứ. À, ra bây giờ nó mới hiểu tại sao bác Giáo bảo nó là mất dạy, và tại sao các con bác Giáo lại nhìn nó bằng những cặp mắt kỳ lạ như thế.
Chương 5
Nó đang vẩn vơ, vơ vẩn với những ý nghĩ ấy thì giấc ngủ lại đến bắt nó lúc nào, nó cũng không hay. Lần này thì nó không nằm mê về nhà với mợ nó nữa, nó nằm mê lên ở trên nhà bác Giáo nó. Rồi thì nghe nhời bác Giáo, nó sống một cách chăm chỉ và ngoan ngoãn như các anh chị nó, rồi nó thành ra đức học trò giỏi nhất lớp, rồi thì đến kỳ thi, nó thi đỗ. Rồi thì...
Đến đấy thì bỗng có một bàn tay vỗ mạnh vào vai nó. Nó vùng dậy, nói to:
- Con đỗ rồi, mợ ạ!
Nhưng đến khi nhìn cái người đàn bà đứng trước mặt không phải là mợ nó, nó bàng hoàng nhận thấy rằng nó vừa sống một giấc mơ thú vị và cùng lúc thấy cái sự thực nó chẳng thú vị một tí nào.
Chà, chân tay nó sao mỏi nhừ, tưởng chừng như có ai dần ra vậy. Mà bụng thì hốc hác làm sao ấy.
Người đàn bà đứng trước mặt nhìn nó một cánh tò mò từ đầu cho tới chân, rồi hỏi nó:
- Cậu đi đâu mà lại ngủ ở đây?
À, trước kia, những cái người ăn mặc rách rưới như người đàn bà này mà hỏi nó thì là nó khinh đứt đi rồi, và không thèm giả nhời là khác, nhưng bây giờ hoạn nạn (thì cũng là hoạn nạn chứ sao) đã làm cho dẹp sự kiêu căng của nó đi rồi. Nó lễ phép trả lời:
- Tôi đi Hà Nội.
Người đàn bà mở to hai mắt:
- Cậu đi Hà Nội?
- Vâng, tôi đi Hà Nội.
- Thế cậu đi Hà Nội với ai?
- Một mình.
- Thế cậu đi tàu nào chắc dậy sớm, rồi buồn ngủ, ngủ gục ở đây phải không?
- Không, tôi đi bộ ở Bắc Giang từ chiều hôm qua.
Mắt người đàn bà lại càng mở to:
- Thế cậu ngủ suốt đêm hôm qua ở đây?
- Vâng.
- Trời ơi! Thế sao nhà tôi ở phía đằng đồi kia, cậu không lại mà xin ngủ nhờ?
- Tôi không biết.
- Thế bây giờ cậu lại về Hà Nội chứ?
Đức trả lời một câu gọn thon lỏn:
- Vâng, chả về Hà Nội thì còn đi đâu.
Người đàn bà lại chăm chú nhìn nó, rồi nhép miệng:
- Cậu đi như thế thì bao giờ cho đến nơi được! Thế tại làm sao người nhà cậu lại không có ai đưa cậu đi? Thế tại làm sao cậu lại không đi tàu hay ô-tô?
Người đàn bà hỏi dồn một thôi một hồi, khiến cho thằng Đức không còn biết sao mà trả lời, và trả lời như thế nào. Thành ra nó chỉ trả lời câu sau cùng:
- Tôi không có tiền.
- Cậu ăn mặc sang trọng như thế kia mà không có tiền à? Thế người nhà cậu không cho tiền à?
- Cậu mợ tôi ở Hà Nội cơ.
- Thế cậu ở trên Bắc Giang với ai?
- Với bác tôi.
- À, thế ra cậu nhớ nhà, cậu định trốn về Hà Nội?
Đức cúi đầu, không trả lời.
Rồi thì không hiểu ngẫm nghĩ làm sao, nó bỗng òa lên khóc.
Thấy nó khóc, người đàn bà hình như ái ngại, liền cúi xuống, kéo tay nó dậy:
- Thôi nín đi. Cậu phải nói thực với tôi, rồi tôi sẽ giúp cậu đưa cậu về nhà tử tế. Thế cậu đi từ Bắc Giang bao giờ nào?
- Từ bốn giờ. Tối thì tôi đến đây, rồi tôi bị mưa. Rồi tôi mệt, tôi ngủ lúc nào, tôi cũng không biết.
Người đàn bà nhìn những vết bùn bám vào quần áo và mặt mũi nó, rồi lắc đầu:
- Cậu táo gan thật! Cậu bé như thế mà định đi bộ về Hà Nội thì bao giờ cho đến được! Đến người lớn đi cũng còn nhòai người ra nữa là...
Sự khổ sở đêm qua đã làm cho nó hiểu câu nói của người đàn bà ấy rồi. Tuy nó chưa nhận được rõ, nhưng những sự khổ sở đã qua cũng làm cho nó hiểu rằng, đó là một việc làm trên sức nó. Và nó đã lấy làm nghi ngờ câu nói của bác Giáo nó: "Đi từ Hà Nội lên Bắc Giang chỉ mất có hai giờ thôi", nhưng nó cũng không biết là nghi ngờ ở chỗ nào.
Người đàn bà phủi những đất bám vào áo, rồi vùng hỏi:
- Thế chiều hôm qua, cậu đã ăn cơm chưa?
Nó lắc đầu:
- Thế bây giờ cậu có đói không?
Nó sẽ gật đầu.
Người đàn bà liền dắt nó đi về phía sau:
- Cậu về nhà tôi, tôi cho ăn rồi tôi sẽ liệu cho.
Chà, nó mới sung sướng làm sao, khi trao tay cho người đàn bà ấy! Nó sung sướng đến quên cả đói, cả rét, cả mệt.
Nhưng đi được một quãng thì nó cứ bước chậm lại dần. Người đàn bà dừng lại:
- Cậu mệt lắm, phải không?
Nó gật đầu.
- Thôi, cố đi một chút nữa. Nhà tôi cũng ần đến rồi. Đến đấy rồi nghỉ. Cậu rét lắm có phải không?
Lúc ấy nó đang run, thành ra cái run trả lời cho nó.
Túp nhà tranh màu xám trông ngay phía trước, mà trời ơi, nó đi mãi, đi mãi vẫn chưa thấy đến cho.
Lúc ấy thì nó nhận thấy rằng nó không thể nào đi cho tới Hà Nội được, bởi cái cầu thứ hai là một phần đường, nó còn chưa trông thấy nữa là. Rồi thì nó nghĩ về câu nói của bác Giáo nó lung lắm.
Lúc ấy thì nó đói lả ra rồi, nên chân nó bước đi cứ nặng chình chịch. Mà sao còn có thể gọi là đi được nữa, nó bị người đàn bà lôi đi thì đúng hơn.
Bây giờ thì thật là nó mệt hơn hôm qua nhiều lắm, nhưng lòng nó thì không còn hoang mang như ngày hôm qua nữa.
Nó đã thấy chăng chắc, yên yên, nhưng cũng không biết chăng chắc, yên yên bởi đâu.
Người đàn bà lâu lâu lại ngừng lại để cho nó thở, rồi thì khi bắt đầu đi, bà ta khuyến khích:
- Cố một tí nữa đi, sắp đến nhà rồi. Nhà tôi có cái cây cau cao tít kia kìa.
Quái chưa, giời rét như thế này mà tại sao thằng Đức bỗng thấy mồ hôi vã ra như tắm, và thấy ở hai bên tai nó như có những đàn ong vỡ tổ.
Thấy nó lấy tay vuốt những giọt mồ hôi chảy xuống má thì người đàn bà liền tủm tỉm cười:
- Cậu đói đến vã mồ hôi ra cơ à?
Nó lặng thinh, không biết giả nhời làm sao. À, ra bây giờ nó hiểu rồi. Đó vã mồ hôi ra là thế này đây!
Người đàn bà thấy nó đi chậm quá liền đề nghị:
- Hay nếu cậu đói quá không đi được thì để tôi cõng cậu?
À không, không, một lũ trẻ nhấp nhô ở phía xóm kia. Nếu nó để cho cõng thì lũ trẻ kia cười nó chết. Thì ra bao giờ sự xấu hổ cũng là cái cảm giác mạnh nhất ở trong nó.
Nó thu hết can đảm:
- Không. Tôi đi được.
Rồi kỳ chưa, nó bật ra một câu mà suốt trong đời nó, nó chưa từng nói bao giờ:
- Cám ơn bà.
À, nó mới cảm ơn người đàn bà này là lần đầu. Trước kia, những ai làm gì cho nó, không bị nó ục và chửi cho là may rồi.
Thì ra hoạn nạn dạy người ta nhiều thứ. Nó dạy cho người ta cả sự lễ phép nữa.
Chương 6
Một bọn trẻ dơ dáy và rách như tổ đỉa đã chờ ở cổng, thấy người đàn bà về thì ồ cả ra:
- Kìa bu, bu không đi chợ à?
Rồi trông thấy nó:
- Ai đấy?
- Bu thấy nó nằm ngủ ở gốc cây xanh đằng gò Phương, bu đưa nó về đây. À, thế nào? Đã thổi cơm chưa? Cho nó một bát, nó đói lắm! Từ chiều hôm qua đến giờ, nó chưa ăn gì.
Thằng bé nhỏ trong đám, nhìn Đức trừng trừng:
- Ồ, nó ăn mặc thế kia mà phải đi ăn xin à?
Thằng Đức vụt thấy nóng rực cả tai. Thằng bé nhớn trong đám, cũng trạc tuổi thằng Đức, đập ngay vào vai em:
- Nó quen đâu với bu ấy chứ, đâu phải nó ăn xin.
Thằng Đức thấy yêu ngay thằng bé từ đấy.
Lúc nó vào trong nhà thì bốn đứa trẻ, hai giai hai gái, vây chung quanh nó. Người đàn bà liền quát:
- Xê ra, sao vây lấy nó thế kia? Cu Nhớn, mày chưa thổi cơm à?
- Chưa, con mới vo gạo.
Người đàn bà dắt Đức vào gần bếp lửa:
- Cậu ngồi xuống đây mà sưởi. Rồi thì khi nào nó thổi cơm xong, nó lấy cho mà ăn.
Đức ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh bếp. Chà, những ngọn lửa mới phúc đức làm sao! Nó khiến cho tay chân Đức đang cóng, dần dần ấm lại.
Người đàn bà nhìn Đức, rồi nhìn ra bóng mặt giời, rồi lại nhìn đàn con, rồi thì người đàn bà ấy vùng bảo Đức:
- Tôi xem ra cậu cũng mệt lắm, không thể đi về Hà Nội ngay hôm nay đâu. Thôi, cậu ở đây mà nghỉ. Rồi sáng mai, nhân tiện thằng Cu Nhớn nhà tôi nó đem áo rét ra cho thầy nó làm lò gạch ở Yên viên, cậu sẽ đi với nó.
Đức chưa biết nên trả lời ra sao thì thằng Cu Nhớn, đang tra gạo vào nồi, quay lại:
- Sao bu bảo năm hôm nữa mới đi cơ mà?
Người đàn bà nhìn con:
- Ừ, bu định năm hôm nữa, nhưng bây giờ nhân tiện có cậu ấy đây thì con đưa cậu ấy đi một thể.
Thằng Cu Nhớn vỗ rá cho những hạt gạo rơi cả xuống nồi, rồi hỏi:
- Thế nó cũng ra Yên Viên à?
- Không, cậu ấy đi Hà Nội.
- Thế là xa hơn Yên Viên chứ. Từ Yên Viên sang Hà Nội, đi còn gần nửa buổi nữa.
- Ừ thì mày đưa cậu ấy đến đấy, rồi thì cậu ấy đi lấy một mình.
Người đàn bà lại nhìn ra phía bóng nắng như có vẻ vội vàng:
- Thế nào, cậu có bằng lòng không?
- Vâng.
- Thế cậu ở đây ngày hôm nay, rồi sáng mai đi sớm với cháu nhé?
- Vâng.
- Thế bây giờ tôi phải đi chợ đây, không trưa mất rồi. Chiều thì tôi về. Cậu ở nhà chơi với chúng nó nhé. Thằng Cu Con với cái Đĩ đừng có ra ao, nhỡ một cái, khốn đấy! Thôi, cậu ở nhà nhé.
Người đàn bà nói xong, cũng chẳng kịp chờ Đức trả lời, tất tả quay ra, nhưng tới cửa lại lộn vào. Thằng Cu Nhớn đang ghé nhìn, thấy mẹ quay lại, liền hỏi ngay:
- Bu còn về làm gì đấy! Bu không đi chợ đi, trưa mất rồi!
Người đàn bà lật chiếc thúng, nhìn xuống cái thạp nhỏ:
- À, trưa nay, hễ cậu ấy có đói thì còn ít khoai đây, luộc cho cậu ấy ăn nhé.
- Ồ, thế chiều lấy gì mà ghế vào cơm?
- Thôi được. Cứ luộc cho cậu ấy ăn rồi chiều sẽ hay.
Nói xong, người đàn bà lại tất tả quay ra, nhưng tới ngưỡng cửa, lại quay lại:
- Nhớ lấy rau thật nhiều, nấu cám cho lợn ăn thật no đấy nhé.
Thằng Cu Nhớn gõ hai chiếc đũa cả vào nhau, rồi nói với mẹ bằng một giọng bực tức:
- Thôi, bu không đi chợ đi, trùng trình mãi, trưa mất rồi! Con biết rồi mà. Hôm nào con chả cho lợn ăn no, nào có hôm nào đói ở đâu!
- Thế ở nhà trông các em nhé, nhớ đừng cho chúng nó theo đi vớt bèo, nhỡ một cái, ngã xuống ao thì khốn đấy!
Lần này thì thằng Cu Nhớn giận thật, nó gắt to:
- Biết rồi, không phải dặn mãi thế! Ngày nào cũng dặn, dặn mấy mươi lượt!
Người đàn bà cười rồi quay ra:
- Mẹ chó! Có thế mà cũng gắt.
Người đàn bà đi rồi, Đức mới để ý nhìn đến những hành vi của thằng Cu Nhớn, và nó lấy làm lạ sao thằng Cu Nhớn nhỏ hơn nó mà làm được tuốt cả những việc thằng Bếp nhà nó đã làm. Quái, tay nó vần nồi cơm, cứ dẻo quẹo.
Thằng Cu Nhớn vần nồi cơm xong, rồi gạt lửa, rồi nó chạy ra sân, ngắt một cái lá khoai đệm dưới vung.
Xong, nó quay lại, bảo thằng Cu Con:
- Không đi lấy chiếu trải ra, ngồi giương mắt ra đấy à?
Trong khi em nó chạy lên nhà trên lấy chiếu, thì nó lấy mâm xếp bát đĩa, vớt rau muống ở nồi ra, rồi ra sân múc một bát tương đầy, đem vào để ở giữa mâm.
Mâm vừa đặt xuống chiếu thì cái Đĩ Con và cái Đĩ Nhớn sà ngay vào nghịch đũa bát.
Thằng Cu Nhớn quát ngay:
- Nghịch đổ tương ra đấy, mất ăn bây giờ!
Hai đứa rụt ngay tay vào, và từ đấy không dám nhúc nhích nữa.
Thằng Cu Nhớn quét nhà, đẩy gọn đống rơm vào một bên bếp, treo rá lên tường. Nó làm, nó cứ làm thoăn thoắt, cũng chẳng để ý đến thằng Đức.
Nó làm xong mọi việc, mới đến mở vung nồi cơm, nhón một hột, đút vào mồm nhai:
- À, chín rồi!
Bao nhiêu con mắt của các em nó liền sáng lên. Rồi chúng nó đều ngồi dịch vào mâm.
Thằng Cu Nhớn lấy một chiếc mo để lên chiếu, rồi mới bắc nồi cơm, đặt lên. Chà, cái tay nó đánh cơm mới dẻo làm sao!
Chưa thấy thằng Đức ngồi vào chiếu, nó liền bảo:
- Thôi, mày ngồi vào ăn đi chứ!
Đức cởi giày, rồi rón rén ngồi vào chiếu, cạnh thằng Cu Con. Nó nhìn xuống mâm cơm, chỉ thấy một dĩa rau muống tú ụ, và một bát tương đầy thì nó chắc rằng là còn thức ăn nữa để ở đâu, nhưng thằng Cu Nhớn chưa mang ra.
Nhưng không, thằng Cu Nhớn lần lượt xới từng bát cơm đầy để trước mắt các em, rồi sau một tiếng: “Thôi, ăn đi!” thì sáu bàn tay nhem nhuốc liền cầm lấy đũa và bát. Rồi thì chúng cứ và những miếng lớn, và chấm rau muống vào tương, đút thun thút vào mồm.
Đức tuy đói, đói lắm, nhưng vì còn mải nhìn, chưa kịp ăn thì thằng Cu Nhớn liền giục:
- Kìa, mày chưa ăn đi, sao bu tao bảo mày đói lắm cơ mà?
Lúc ấy, Đức mới cầm lấy bát cơm. Chà, cái gạo đỏ kệch và lổn nhổn làm sao!
Tuy nó đói lắm, nhưng nó cũng thấy rằng không dễ nuốt bằng cái gạo trắng của nhà nó. Ấy thế mà bọn trẻ thì cứ và những miếng lớn tướng. Và xem chúng nó ăn mới ngon lành làm sao! Đói, nó đành phải ăn, nhưng nó chỉ ăn nhạt… Cái gì chứ rau muống với tương thì nó không quen ăn.
Cu Nhớn thấy nó không gắp cái món ăn “quốc túy” ấy, liền mời:
- Kìa, mày không gắp đi, trong rá còn cả khối.
Đức nể lời, gắp mấy sợi rau, chấm vào tương. Rồi thì nó cũng buộc lòng phải nhai, phải nuốt. Thật quả, những miếng đầu, nó chẳng thấy ngon một tí nào, nhưng sau nó thấy đậm đà, dễ ăn, nó cũng gắp thêm mấy miếng.
Nhưng chỉ hết bát đầu, chứ từ bát sau thì nó chịu. Nó chỉ ăn nhạt. Phải, lúc ấy nó đã đỡ đói rồi.
Cu Nhớn thấy nó không gắp, lại mời. Nó buộc lòng phải thú thực:
- Tao không quen ăn tương.
Đến lượt Cu Nhớn kinh ngạc:
- Thế mày quen ăn gì?
- Tao quen ăn nước mắm Ô Long cơ.
- Nước mắm, nước mắm, nhà tao thỉnh thoảng cũng ăn, nhưng ít thôi. Tương làm được, chứ nước mắm thì phải mua.
Câu chuyện, vì món rau muống tương, bắt đầu có giữa chúng nó.
Thằng Đức nhìn mâm, nhìn những hột gạo đỏ kệch, rồi hỏi:
- Thế tại sao ở đây, mày không mua gạo trắng mà ăn có được không?
Cu Nhớn giả nhời một cách rất ngon lành:
- Gạo trắng đắt, tiền đâu! Đến gạo này cũng nhiều khi không có nữa là…
Đức lại chỉ bát rau muống và bát tương:
- Thế ở đây, mày chỉ ăn cơm với những thứ này thôi à? Thế mày không biết ăn thịt à?
Cu Nhớn mở to hai mắt:
- Có chứ, nhưng những hôm việc làng cơ.
Chương 7
Ăn hết bát thứ ba, thằng Cu Con đưa bát nữa thì Cu Nhớn gạt đi:
- Thôi, hôm nay mày ba bát thôi.
Cu Con phản đối:
- Kìa, phần em vẫn bốn bát cơ mà?
- Hôm nay có thêm một người nữa ăn, chỉ ba bát thôi, con Đĩ Nhớn cũng thế, tao cũng thế đấy thôi.
Con Đĩ Con chống đũa xuống thành mâm:
- Thế còn em?
- Mày thì tha hồ.
Nhưng tha hồ thì còn đâu để mà tha hồ. Đĩ Con cũng chỉ còn được một vực xới nữa thôi.
Lúc ấy, Cu Nhớn mới đánh hết cơm cháy và cơm sườn lên. Nhưng tất cả chỉ còn miệng bát. Nó sẻ hai miếng cháy nhỏ đưa cho Cu Con và Đĩ Nhớn mỗi đứa một miếng:
- Đây, cho thêm chúng mày.
Rồi nó lấy một tí nước lã và giội một tí tương, đem ra cũi cho con Vện.
Lúc ấy thì cái nồi đã sạch gần như chùi. Nó lấy tay nhặt những hột cơm còn sót ở thành nồi đưa lên mồm nhai tóp tép, coi bộ khoái trá lắm.
Thằng Cu Con trông thấy thế, đòi ngay:
- Em mấy!
Cu Nhớn giơ cái nồi bóng loáng cho nó xem.
- Còn đâu, anh nhặt những hột còn sót đấy thôi mà. Thôi, đi uống nước và rửa chân tay, mặt mũi đi, rồi ở nhà trông em cho tao đi lấy sen Nhật Bản, nghe không? Hễ ra đồng mà tao mót được lúa, tao sẽ cho mỗi đứa mấy bông, nướng mà ăn.
Nói xong, nó đem bát đĩa ra cầu ao, rửa sạch sẽ, rồi đem vào chạn, xếp tử tế. Nó lại lấy gio đổ lên bếp, kẻo sợ bếp còn lửa, ở nhà những đứa nghịch dại cháy nhà chăng.
Sau khi xếp dọn mọi việc xong xuôi rồi, nó với một cái rổ sề to tướng, rồi quay hỏi Đức:
- Thế nào, mày có đi với tao không, hay mày ở nhà chơi với chúng nó?
Đức đã được no nê, lại được nghỉ ngơi, nên trong người đã thấy khoẻ khoắn, với lại nó đã thích Cu Nhớn và thèm những cử chỉ dẻo dang của nó, nên nói ngay:
- Cho tao đi với!
- Ừ, đi thì đi. Nhưng để chờ tao thả chó đã.
Đức nghe thấy nói đến chó, rụng rời:
- Ấy chết, nó cắn tao!
Cu Nhớn cười một cách kiêu hãnh:
- Đừng sợ, chó nhà tao khôn lắm. Người đã vào đến trong nhà và đi với chủ rồi, không bao giờ nó cắn cả. Nó chỉ cắn những người ở ngoài vào thôi. Chó nhà tao dữ lắm, vì tao đi vắng, sợ ai vào lấy cái gì, chứ tao ở nhà thì cứ là cũi suốt ngày, chỉ đêm mới thả.
Đức bất giác thốt lên:
- Nhà mày thì còn cái gì để cho ai lấy nữa?
- Nhà tao không có cái gì nhiều tiền, nhưng cũng khối đồ vặt. Với lại nó lấy cái gì chẳng thiệt cái ấy.
Nó cầm chiếc nứa dài, rồi khoác cái rỗ sẽ trên vai. Trước khi đi, nó quay sang dặn các em:
- Ở nhà, không được đùa đấy nhé. Phải ở nhà trông nhà. Cấm không được ra khỏi cửa và lại gần cầu ao, nghe chưa! Con Đĩ Nhớn, mày phải trông cái Đĩ Con, nghe không? Hễ nó có buồn ngủ thì nhớ lấy chiếu đắp cho nó, nghe không? Hễ nó không khóc thì được cua về, tao nướng lên cho mà ăn.
Cái Đĩ Nhớn sung sướng:
- Ừ nhé, anh bắt cua cho em nhé!
Thằng Cu Con thấy có thằng Đức cùng đi, liền theo đi. Cu Nhớn quắc mắt, quát to:
- Mày đi thì ai trông nhà? Với lại bu đã bảo không cho mày theo tao ra ngoài đầm cơ mà!
Cu Con oà lên khóc:
- Cho em đi với, cho em đi với, một mình cái Đĩ Nhớn nó trông nhà, được rồi.
Cu Nhớn quát càng to:
- Không. Mày nhớn thì mày phải ở nhà coi nhà, chứ nó bé, nó coi nhà làm sao được?
Cu Con khóc và cứ níu lấy nó. Cu Nhớn lúc ấy mới không quát nữa và dịu giọng:
- Ở nhà, chóng ngoan, mày theo anh đi, chiều bu về, bu biết, bu mắng anh. Thôi nghe anh. Chóng anh bắt cho con chuồn chuồn chúa.
Những lời dỗ dành ngon ngọt của Cu Nhớn làm cho Cu Con Xuôi tai:
- Ừ, thế anh nhớ bắt chuồn chuồn chúa cho em nhé.
Ra tới cổng, Cu Nhớn quay sang bảo thằng Đức:
- Nó mến tao lắm. Tao đi đâu, nó cũng cứ đòi đi. Nhưng tao đi đây là có việc, chứ có phải đi chơi đâu mà bảo cho nó theo được. Chốc nữa, hễ thấy chuồn chuồn, mày nhớ nhắc tao bắt cho nó nhé, chứ không về không có cho nó, cái mặt nó tiu nghỉu, tao thương lắm!
Đức gật đầu:
- Mày chiều em mày nhỉ?
- Chúng nó là em, chẳng chiều thì chiều ai? Với lại chúng nó bé.
Câu ấy khiến cho Đức nhớ lại những hành vi của nó đối với các em nó. Chẳng những nó không chiều, động một tí, nó lại còn đánh và làm tội là khác nữa. Thốt nhiên, nhìn thằng Cu Nhớn, nó thấy kém thằng Cu Nhớn đủ mọi đường. Và nó thấy nó là người anh không tốt bằng Cu Nhớn.
Nhưng những điều đó, nó chỉ để bụng mà không dám nói ra.
Thằng Cu Nhớn đi trước nó cứ nhanh thoăn thoắt, nó theo không kịp. Nhiều khi thằng Cu Nhớn phải đứng lại đợi nó và giục:
- Mày đi mau lên, không trưa thì lợn tao đói.
Thì ra cái thằng Cu Nhớn này, nó lo đủ mọi thứ. Nó có biết bao nhiêu là trách nhiệm. Rồi thì Đức thấy nó từ xưa đến nay chẳng có một trách nhiệm gì. Và nó thường gây ra những phiền lụy cho kẻ khác.
Đột nhiên, một sự so sánh nổi lên ở trong nó. Rồi nó vùng hỏi thằng Cu Nhớn:
- Thế mày bao nhiêu tuổi, hở mày?
- Tao lên mười. Tao lại đẻ tháng chín, tao non năm nên không khoẻ mấy. Thế mày?
Đức thấy thẹn, ấp úng:
- Tao cũng lên mười.
- Thế ra tao với mày bằng tuổi nhau à?
“Tao với mày bằng tuổi nhau”. Câu ấy vang lên ở trong tâm hồn thằng Đức. Bằng tuổi, nhưng nó thì thế nào, mà thằng Cu Nhớn thì thế nào?
Thằng Cu Nhớn thật là hơn nó đủ mọi thứ.
Nó nhìn Cu Nhớn bằng con mắt kính phục, rồi lại hỏi:
- Thế mày có đi học không?
- Có, năm ngoái tao có đi học ông Tổng sư ở xóm dưới được bảy tháng. Nhưng rồi sau, vì tao khôngcó tiền trả tiền học và mua giấy bút, nên tao phải ở nhà. Với lại tao còn phải ở nhà làm và trông coi chúng nó. Thầy tao, từ khi đi làm lò gạch thì không có ai ở nhà.
Rồi nó nói bằng một giọng tiếc rẻ:
- Giá tao mà được đi học đến bây giờ thì tao đỗ bằng Sơ học yếu lược rồi. Tao học biết vần Tây thì phải thôi.
Đến đây, nó ngửng đầu lên:
- Mày ở tỉnh, chắc là mày đi học phải giỏi lắm. Mày biết những gì rồi?
Đức ta sượng cả mặt. Nó rặn mãi mới ra được:
- Tao biết đọc quốc ngữ.
- Ồ, mới biết đọc có quốc ngữ thôi à? Thế mày đi học bao lâu rồi?
Đức líu lưỡi, và thấy cần phải nói dối:
- Tao mới đi học có năm tháng.
- Ồ, năm tháng, thế thì cũng khá chậm. Tao đi học chỉ có ba tháng là tao đọc làu được quốc ngữ. Bốn tháng thì tao viết được ám tả. Năm tháng thì tao làm được tính đố. À, giá thầy tao không đi làm lò gạch, và bu tao cứ cho tao đi học…
Chương 8
Cu Nhớn tiếc không được đi học… Còn Đức thì phải bắt người ta thuê đi học mà chẳng chịu học cho.
Cứ nghĩ như thế mà nó thấy nó xấu hổ quá. Cu Nhớn thì lại không có đủ cơm mà ăn, còn nó thì thôi, trên cái sự no đủ.
Nó thốt nhiên thấy không bằng lòng nó và thương Cu Nhớn. Nó tiến lên một bước để cho hai đứa đi bằng nhau, rồi nó hỏi một câu tự lòng ruột:
- Sáng này, mày và em mày phải nhịn cơm cho tao ăn đấy có phải không?
Cu Nhớn chẳng giấu giếm:
- Ừ, mọi hôm chúng tao mỗi đứa bốn bát, có mày thì mỗi đứa rút đi một. Nhưng cũng không đói nữa.
Phải rồi, đói thì không đói, nhưng cũng không no.
Đức ta hỏi một câu vớ vẩn:
- Thế tại làm sao mày không thổi nhiều?
- Làm gì có. Hôm qua, bu tao đi kiếm được có chục bát gạo, chiều qua thổi vào với khoai đã mất năm bát, còn năm, sáng nay thổi nốt.
- Thế sao bu mày không mua cho rõ thật nhiều vào có được không?
Cu Nhớn phì cười:
- Phải có tiền mới mua được chứ. Hôm qua u tao đi gánh thuê được có gần ba hào thì đong gạo cả.
- Thế hôm nay u mày cũng lại đi gánh thuê đấy à?
- Chứ còn đi đâu. Nhưng tao lo hôm nay vì rắc rối có mày, u tao đi chợ trưa không biết có kiếm được như hôm qua không?
Thốt nhiên, Đức thấy hổi hận về sự mình đã đến làm phiền lụy gia đình này, hối hận về chỗ anh em Cu Nhớn phải nhịn cơm để nhường cho mình ăn.
Nhìn nét mặt tần ngần của Đức, Cu Nhớn hiểu ngay, nó vội an ủi:
- Mày đừng lo. Không có thì bu tao lại đi vay gạo ở bên bác tao rồi chờ khi nào thầy tao gửi tiền về thì trả.
- Thầy mày có giàu không? Có làm được nhiều tiền không?
- Thầy tao làm lò gạch, cơm nuôi mỗi tháng tám đồng. Thì mỗi tháng thầy tao gửi tiền về sáu đồng. Mai tao ra là để đem tiền về đây.
- Thế sao có số tiền ấy bu mày không mua gạo cả?
- Ồ, còn để may mặc, đóng thuế các thứ, chứ ăn cả thì lấy gì mà mặc. Với lại thầy tao có nợ của bác tao, còn phải trả nợ chứ. Nhưng cũng chỉ hết năm nay là hết nợ thôi. Sang năm bán lợn đi thì bu tao lại có vốn buôn.
- U mày buôn gì?
- Đi chợ, gặp gì thì buôn. Buôn cá, buôn khoai, buôn mía.
- Thế sao bu mày không buôn vóc, nhiễu? Cậu mợ tao buôn vóc nhiễu giàu lắm cơ.
Cu Nhớn trợn hai mắt, rồi nó khinh đứt Đức ta:
- Buôn vóc nhiễu phải có nhiều tiền. Ông Lý trưởng làng tao trước may một cái áo gấm mất những hơn năm chục, mày ra ở tỉnh mà mày cũng dốt không biết gì. Nhà tao đến bán tất cả đi cũng không đủ mua một cái áo gấm như ông Lý trưởng.
À, trước kia, giá ai mà bảo Đức ta dốt không biết gì như thế thì phải khốn đốn to với Đức ta rồi. Nhưng nay thì nó nhận thấy nó không biết gì thật. Và nó dốt lắm thật, vì thế cho nên nó không giận Cu Nhớn.
- Ừ, mà tao dốt thật.
Cu Nhớn thấy nó nhận thế thì liền an ủi:
- Tại mày không phải lo gì nên mày không biết đấy thôi.
- Thế mày thì phải lo à?
- Ừ ừ, tao lo nhiều thứ lắm chứ. Đấy mày xem ở nhà tao đấy, tao tất. Nấu cám lợn xong, tao lại còn phải đi kiếm củi để mai, kia, kìa đun, và nếu có nhiều thì đem bán. Đã có lần ta tích lại, đem bán được những hơn một đồng cơ. Rồi u tao mua cái quần này cho tao đấy. À thế còn mày, tại làm sao mày lại đến đây? Mày lại phải nhịn đói? Sao mày bảo nhà mày bán nhiễu giàu lắm cơ mà?
Đức ta cúi đầu không trả lời, rồi thì một lát sau, nó ngửng đầu lên, mắt sáng một ý định. Nó thấy nó cấn phải thú hết với Cu Nhớn là đứa mà nó thấy hơn nó đủ mọi cái.
Nó kể, nó kể hết tất cả cho Cu Nhớn nghe. Nó kể tất cả những sự hư hỏng và lười biếng của nó.
Đến gần bờ đầm Bừng thì nó kể xong.
Khi thằng Cu Nhớn nghe xong rồi thì nó liền bảo Đức:
- Thế thì bác Giáo mày bảo mày lười và hư là đúng lắm rồi. À, giá tao được sung sướng như thế, và được ngày ngày cắp sách đi học thì tao chăm phải biết. Chỉ dăm bảy năm là tao đỗ đi làm quan rồi.
Đức nhìn Cu Nhớn toan nói gì, lại thôi.
Đến đầm Bừng là Cu Nhớn cởi trần ngay, rồi bơi ra giữa kéo một mảng sen Nhật Bản vào. Rồi nó lấy những cái nõn cho vào rổ. Đức cũng bóc và nhặt giúp nó, và rất sung sướng được làm như thế.
Mặt trời gần đúng Ngọ thì chiếc rổ sề đã đầy.
- Nào, bây giờ mày nhấc hộ lên đầu cho tao đội về nào.
- Trời nắng thế này mày đội thì gẫy cổ mất.
- Không sao, mọi hôm tao vẫn đội, nhưng thôi, mày muống khiêng thì hai đứa chúng mình khiêng.
Đức ta thì có làm việc gì bao giờ, cho nên mấy lần bị đổ lên, đổ xuống, cứ phải nhặt vào mãi.
Cu Nhớn thấy thế nóng ruột:
- Thôi để tao đội chứ thế này trưa thì lợn tao đói mất
Đức rất không được vui về chỗ không được giúp Cu Nhớn, nhưng nhờ về sự sốt sắng giúp đỡ ấy mà hai đứa thành thân nhau.
Lúc hai đứa về tới nhà thì bọn trẻ ùa ra đón. Đứa đòi cua, đứa đòi chuồn chuồn tíu tít, vì chúng nó líu ríu với nhau, cho nên chúng nó quên khuấy ngay đi cái chuyện ấy. Cu Con, Đĩ Nhớn lăn ra khóc.
Thằng Đức vụt nghĩ ra, nó móc túi lấy xu ra cho mỗi đứa một xu.
Bọn trẻ trông thấy xu mừng rỡ quá chừng, nín ngay tắp lự.
Thằng Đức cho em Cu Nhớn mỗi đứa một xu rồi, còn hai xu nó cầm đưa cả cho Cu Nhớn:
- Thôi đây tao cho cả mày.
- Thế mày hết rồi ư?
- Tao không dùng đến.
- Ồ, sao lại không dùng? Mai đi thì phải dùng đến chứ. Thôi tao chỉ lấy một xu thôi, còn mày giữ lấy một xu. Ai lại lấy hết cả của mày như thế.
- Ồ, mày cứ cầm cả lấy, mai tao về nhà tao lấy của mợ tao bao nhiêu cũng có.
- Nhưng chờ tới khi mày về với mợ mày hãy hay. Từ đây về tới Hà Nội thì mày lấy gì mà tiêu?
Lời nói đầy khôn ngoan ấy khiến cho Đức phải nghe ngay.
Các em Cu Nhớn được một xu đứa nào đứa ấy buộc vào giải rút quần tử tế lắm. Chúng nó thắt những mấy vòng chỉ sợ rơi mất. Đức nhìn cái cung cách ấy mới biết đồng xu là quý. À, lúc ấy nó mới hối về chỗ nhiều khi nó tức lên vất những đồng hào đi.
Từ trước đến giờ, sinh trong cảnh giàu, lại được bố mẹ yêu chiều, nó không thấy bộ mặt thực của sự sống bao giờ. Bây giờ sẩy nhà ra thất nghiệp, nó đã biết rồi. Nó miết miết đồng xu ở trong túi quần rồi nó vùng bảo Cu Nhớn:
- À, ra tao sướng hơn mày thật. Mà tao cũng lại hư hơn mày nhiều. Thì ra tại mợ tao chiều tao quá.
Và ngậm ngùi:
- Bu mày thì không chiều mày nhỉ!
- Bu tao đi chợ cả ngày, còn lúc nào mà chiều tao. Đến cái Đĩ Con cũng chả được chiều nữa là tao. Nó khóc theo, bu tao đánh phải biết.
- Thế bu mày có thương nó không?
- Sao lại không thương, nhưng để nó theo thì đói. Làm sao mà kiếm gạo được?
Chương 9
Thấy Cu Nhớn khiêng một khúc gỗ lớn và vác một con dao rựa nặng bằng cả thân hình nó, Đức kinh ngạc hỏi ngay:
- Mày đem những thứ ấy ra để làm gì đấy?
- Băm rau lợn chứ có làm gì.
Đức lè lưỡi trỏ đống bèo sen:
- Thế thì đến bao giờ cho xong?
- Ồ, chỉ một loáng thôi, băm xong lại còn phải nấu cho lợn ăn nữa chứ.
- Thế thì đến tối rồi còn gì! Thế thì mày còn lúc nào để mà chơi? Thế cả ngày mày không chơi một tí nào ư?
Cu Nhớn nhìn Đức như người ta nhìn một quái tượng:
- Nhỏ như chúng nó mới chơi chứ. Tao lớn rồi còn chơi gì? Làm suốt cả ngày còn chưa hết công việc. Bu tao thế mà về còn gắt với tao đấy. Nếu chơi nữa thì có chết.
Đức lẩm bẩm như nói với mình:
- Cậu mợ tao thì không bao giờ gắt với tao cả.
Tuy thế, nhưng còn một đoạn nữa nó không dám nói ra miệng, thứ nhất nói trước mặt thằng Cu Nhớn, nó chỉ nói thầm ở trong bụng: “Chỉ có tao là gắt với cậu mợ tao thôi”.
Thật ra thì lúc ấy nó nhận thấy mình hư lắm rồi. Và không hiểu sao nó thấy ngượng không dám nhìn thẳng lên mặt Cu Nhớn nữa.
Cu Nhớn thấy nó thế, không hiểu cái tâm sự, lại hỏi nó một câu khiến cho nó đã thẹn lại càng thẹn, đã hối lại càng hối:
- Thế mày cả ngày chỉ chơi thôi à?
Tuy không muốn trả lời, nhưng Đức bị một sức mạnh bí mật vít cổ xuống, nó sẽ gật đầu:
- Ồ, thế thì trẻ con Hà Nội kỳ nhỉ?
Ý nó thì là muốn nói: “ Trẻ con Hà Nội hỏng và vô dụng nhỉ?” Nhưng chữ hỏng thì nó không nỡ nói, mà hai chữ vô dụng thì nó chưa biết dùng đến.
Mặc dầu nó không nói ra, nhưng Đức ta cũng cảm rõ rệt thấy cái ý của nó. Đức ta mới ngửng đầu lên, nói một lời để tự thú cái tội của mình:
- Không, từ giờ giở đi thì tao phải khác mới được.
Cu Nhớn gật lấy gật để:
- Ừ, phải thế chứ. Mày được đi học, mày lại lười trốn về, chứ tao ấy à, cầu xin đi không được. Tao mà được đi học thì tao cứ sướng mê đi, tao học cả ngày. Với lại mày bảo tốn cơm, tốn áo, tốn giấy, tốn bút để đi học, mà không chịu học, thì chỉ có đem chôn, ấy lúc nào tao làm hỏng cái gì, thầy bu tao vẫn nói như thế.
Đức nhìn Cu Nhớn bằng con mắt kính phục, rồi se sẽ nói:
- Nhưng mày thì chắc ít khi mày làm cái gì hỏng lắm.
- Cũng có chứ. Nhưng là lúc nào tao vô ý thôi. Với lại dù tao có không làm hỏng thì thầy bu tao cũng cố tìm ra lỗi để mắng vì thầy bu tao bảo trẻ con phải răn dạy từ bây giờ thì nhớn lên mới khá được. Tao biết thầy bu tao như thế, cho nên dù có bị mắng oan, tao cũng chả cãi. Bố mẹ có thương con thì mới mắng con chứ.
Đức sực nghĩ đến cách của cậu mợ đối với mình. Chẳng những không mắng bao giờ, mà lại còn chiều cả những cái hư của mình nữa. Mà mình thì chẳng những chẳng giúp đỡ gì cậu mợ, lại còn tìm đủ mọi cách để quấy rối.
Thốt nhiên, nó thấy thương cậu mợ sắt ruột lại, rồi thì nó hấp tấp hỏi Cu Nhớn:
- Thế thầy bu mày có đánh mày bao giờ không?
Cu Nhớn lắc đầu:
- Không, không. Tao có làm gì mà phải đòn. Chỉ có khi nào hư và lười thì thầy bu tao mới đánh chứ, à, à, thế mà có.
Rồi nó chép miệng:
- Nhưng lần ấy cũng không phải lỗi ở tao. Chà, lần ấy, tao bị năm roi đau quắn đít. Nhưng tao chỉ khóc thôi, tao không muốn gì.
Rồi giơ dao chỉ về phía các em:
- Lần ấy mà tao nói ra thì chúng nó chết đòn, thầy tao hôm ấy đang nóng lắm.
Bất giác, Đức ngồi xích vào để nghe cho được rõ. Cu Nhớn ngùi ngùi:
- Đằng nào thì nồi cám cũng cháy rồi mà chúng nó thì còn bé. Tao nấu cám lợn xong rồi tao dụi bếp để đấy đi kiếm củi thì chúng nó ở nhà chúng nó chơi nấu cám, chúng nó đốt lửa đùng đùng lên cháy hết cả cám và hỏng cái nồi. Lúc tao về tao thấy thế, tao đã chữa hết sức mà không thể được. Mày tính cám khê mùi nồng nặc, và chiếc nồi đã bị cháy xém đen, còn chữa thế nào được. Tao biết thầy tao mà biết thì thế nào thầy tao xót ruột, thầy tao cũng đánh ghê lắm. Mà thầy tao biết ngay. Y như rằng, về tới sân, thầy tao ngửi thấy mùi cám khê. Thầy tao đã gắt ngay. Đến khi trông đến cái nồi thì thầy tao quát rầm nhà. Chúng nó sợ hãi mặt mũi tái xanh, ngồi nép vào một xó, run lên cầm cập. Tao thấy chúng nó thế, thương hại, thành ra khi thầy tao đánh tao, tao cắn răng chịu không mách chúng nó.
Không muốn, mà Đức cũng phải thốt ra:
- Thế mày chịu đòn oan cho chúng nó à?
Cu Nhớn thản nhiên như không:
- Kể thì cũng chẳng phải là oan. Thầy bu tao phải đi làm vắng, mà để cho chúng nó nghịch ngợm như thế thì cũng là lỗi tại tao rồi.
Rồi nó buông dao giơ ngón tay cái:
- Với lại thầy tao đánh bằng cái roi tre đực to ngần này, để cho chúng nó bị đòn thì chúng nó có chết, với lại tao im đi thì tao chỉ bị một mình năm roi thôi. Tao biết tính thầy tao đã đánh thì chỉ năm roi thôi, và ít ra thì cũng là năm roi. Năm roi với mười lăm roi, mày bảo đằng nào hơn?
- Nhưng mười lăm roi đánh chúng nó chứ có đánh mày đâu?
Cu Nhớn đã trả lời một cách rất anh hùng khiến cho Đức ta xạm cả mặt mà không tự biết:
- Thì mày tính chúng nó cũng như tao, khác gì. Chúng nó là em tao, chứ là ai.
Rồi nhìn về phía ba đứa em đang lấy những đồng xu của thằng Đức cho ra chơi đáo:
- Tao thấy chúng nó bị đòn thì tao thương lắm, không chịu được. Lần nào chúng nó bị đòn cũng khóc thét lên gọi tao.
Rồi lấy gân tay:
- Mày phải biết tao nhớn, tao cố chịu được nhé.
- Nhưng mày có đau không?
Cu Nhớn xuýt xoa:
- Ứ ù, lại chả đau, đau mê cù đì đi ấy chứ lị.
- Thế mày có khóc không?
- Mọi lần thì tao cũng có khóc, nhưng lần ấy tao biết nghe thấy tao khóc thì chúng nó… sẽ thương tao, tao cắn răng tao chịu. Nhưng cắn răng mà tự nhiên đau quá, răng cũng phải rời ra. Thầy tao tay lò gạch, đánh thì mày bảo roi nào chẳng chết người. Tao cố không khóc, nhưng nước mắt nó cứ trào ra. Rồi tới khi thầy tao cho tao dậy, chúng nó chạy đến để dỗ tao, tao phải vội vàng lau đi, không cho chúng nó trông thấy.
Đức nghe đến đấy, vùng ôm chầm lấy Cu Nhớn khóc rưng rức. Cu Nhớn ngơ ngác không hiểu, hay nó chỉ hiểu ở chỗ Đức thương nó vội vàng đàn giải:
- Bố mẹ đánh con là thường. Đau một tí thì nó hết đi, chứ mày tính có phải đòn hằn, đòn thù đâu mà đau lâu.
Đức cứ khóc, khóc rũ rượi, khóc thảm thiết. Bọn trẻ con nghe thấy Đức khóc xúm cảm lại, Cu Nhớn lại vội vàng an ủi:
- Tao bị đánh đã từ mấy tháng trước cơ, hết đau đã từ tám hoánh rồi, việc gì mà mày còn khóc nữa. Kìa nín đi, không chúng nó cười cho kia kìa.
Đức lau nước mắt, nhưng miệng vẫn còn mếu:
- Thế ra mày hơn tao nhiều, bác tao bảo tao hư thật là đúng quá.
Cu Nhớn vội dỗ dành:
- Từ sáng đến giờ, tao chả thấy cái gì là mày hư cả.
- Có, có, tao hư, ở nhà tao, tao hư lắm, mày không biết đấy thôi, mày chịu đòn thay cho em mày. Còn tao thì tao đánh em tao luôn. Tao lại còn làm cho chúng nó bị cậu mợ tao đánh là khác nữa.
- Thế mày không thương chúng nó à?
Đức lặng thinh một lát:
- Tao cũng không biết nữa.
Rồi giọng bỗng rắn lại:
- Nhưng từ giờ giở đi thì tao thương lắm rồi.
Cu Nhớn vẫn không hiểu hết tâm sự của Đức:
- Ừ, em thì phải thương chúng nó chứ.
Rồi vì lăn lóc với cuộc mưu sinh gay go đã quen, Cu Nhớn không chịu được những sự tỏ tình một cách “đàn bà” như thế, vội ẩy Đức ra:
- Thôi mày tránh ra để cho tao băm, rồi còn nấu, chứ không chiều mà chưa xong thì có giời cũng không can được bu tao đánh tao.
Tuy thế, nhưng từ đấy, nó đã nhìn Đức bằng một con mắt khác. Đức cũng cảm thấy như thế.
Giời tháng một, rét như thế, mà Cu Nhớn chỉ băm bèo có một lúc, mồ hôi đã vã ra ở mặt. Đức thấy thế, liền bảo:
- Thôi, mày mệt rồi, để tao băm đỡ cho mày một lúc.
Không phải Cu Nhớn mệt đâu, nhưng vì nể bạn, nó đưa dao:
- Đây thì mày băm, nhưng khéo không chặt phải tay đấy nhé.
Đức cầm con dao thấy nặng trĩu cả tay, cơ hồ giơ lên không muốn nổi. Và đúng như lời Cu Nhớn dặn, chỉ đến nhát thứ năm, là nó băm phải đầu ngón tay.
Nó kêu rú lên một tiếng, buông dao. Cu Nhớn vội vàng nắm ngay lấy tay nó:
- Tao đã bảo mà, tao đã bảo mà. Nhưng không sao, chỉ sướt một tí ở đầu ngón thôi. May quá, may quá, nếu vào trong thì mất tay đi, đứng dậy tao lấy mồ hóng rịt cho thì cầm máu ngay, và mai thì khỏi.
Đức đau, đau lắm. À, giá ở nhà nó thì thôi thật là loạn nhà lên rồi. Nó đã khóc và giẫy lên như con trạch bị nằm trong rọ cua rồi. Đằng này ở đây không, nó nghiến răng chịu, và thấy Cu Nhớn lo sợ, nó cố cười:
- Không, không đau đâu
Cu Nhớn lấy bồ hóng dịt cho nó, rồi lấy giẻ buộc gọn gàng và khéo léo như một người lớn. Buộc xong nó cười:
- Thôi, mày cứ ngồi đấy mà xem tao băm.
Còn đoạn dưới tuy nó chỉ nói ra ở cái cười hóm hỉnh. Đức cũng hiểu. Rồi Đức dịch cái cười ấy ra thành tiếng:
- Tao chỉ được có cái ăn thôi có phải không?
Nói xong, nó cảm ngay thấy lời chế giễu ấy còn là nhẹ. Thì nó có bằng lòng cứ ngồi yên mà ăn đâu, nó còn bắt người ta dỗ dành lạy lục mới chịu ăn. Và ăn rồi, thì còn gây ra cho gia đình nó bao nhiêu cái khổ ải nữa chứ.
Cu Nhớn ngồi băm, thì nó ngồi nhìn Cu Nhớn, vừa nhìn, nó vừa nghĩ đến những hành vi của nó trước kia. Nó cảm mơ hồ thấy rằng nó cần phải thay đổi để cho nó giống được Cu Nhớn.
Cu Nhớn băm xong, nhặt bèo vào rổ. Nó muốn giúp Cu Nhớn trong cái công việc ấy thì Cu Nhớn vội can:
- Thôi, thôi, mày đừng có động đậy tay, máu nó đã cầm, động đậy nó lại bật ra thì khốn. Kìa mày phải nghe tao mới được.
Thì nó chỉ muốn nghe Cu Nhớn, nên nó thôi ngay.
Nó theo Cu Nhớn ra ao, xem rửa, nó lại theo Cu Nhớn từ ao vào để xem nhôm bếp, bắc nồi.
Chà, cái nồi gì mà to quá thế cơ, chừng có thể nấu luôn nó và Cu Nhớn ở trong được.
Cu Nhớn đặt cái nồi không lên ông đồ rau rồi hò các em:
- Mau mau, đi đổ nước vào cho tao.
Các em nó rất sung sướng được nó sai, đứa đi lấy liễn, đứa lấy gạo vục nước từ chum chuyên sang, cả cái Đĩ Con cũng lấy cái bát làm theo anh và chị.
Thằng Đức cũng toan giúp thì Cu Nhớn đã gắt:
- Kìa tao đã bảo mày yên tay, không nó lại bật máu ra mà.
Đức muốn làm lắm, nhưng vì nể bạn, nên phải ngồi im. Nhưng ngồi im mà nó thấy khó chịu. Nó chép miệng:
- Ra tao ở đâu cũng chỉ ngồi ăn không thôi.
- À, lúc này mày đau tay kể gì. Người ta lúc đau thì phải nghỉ chứ.
Sau khi nồi nước gần đầy rồi, Cu Nhớn nhìn cái nồi, rồi nhìn Đức:
- Người nhớn bao giờ cũng hơn chúng mình mày ạ. Thầy bu tao có ở nhà, thì thầy bu tao chỉ vục một cái ở ao đem lên là được ngay, chứ không phải mất công như thế này.
Rồi đá một cái gộc tre:
- Mà đàn ông thì hơn đàn bà mày ạ. Đấy tối hôm qua, bu tao chẻ cho tao đấy, còn to nguyên. Thầy tao mà ở nhà ấy à, chỉ vài nhát búa là cứ nhỏ tí tất cả. Đun mới dễ làm sao. Đằng này thì phải nhóm lâu lắm, và tốn nhiều cành tre thì lửa mới bén được vào gộc.
Rồi bâng khuâng nhìn lên ba gian nhà xiêu vẹo:
- Thầy tao đi vắng thế mà cũng lôi thôi cơ.
Rồi lại lắc đầu:
- À, nhưng mà không sao. Chỉ vài ba năm nữa, tao lớn là tao thay thầy tao được. Chưa biết chừng mà tao cũng đi làm gạch được với thầy tao cơ đấy. Thầy tao bảo nếu tao nhớn lên có sức một chút thì tao cũng đóng gạch được ngày cơm nuôi một hào cơ đấy.
Đức nhìn đàn em của Cu Nhớn một cách khắc khoải:
- Nhưng mày đi thì ở nhà mày…
Cu Nhớn ngắt lời:
- À, à, thì thằng Cu Con nó lại nhớn lên, nó thay tao, và rồi nhà tao lúc ấy, chắc không nghèo như bây giờ nữa.
Những câu nói ấy vùng mở cho Đức nhìn thấy những chân trời mới lạ, mà từ trước đến nay, Đức chưa bao giờ nghĩ tới.
Sao Cu Nhớn cũng mười tuổi như nó mà Cu Nhớn đã biết nghĩ đến ngày mai, đến sự giúp đỡ gia đình. Còn nó, nó chỉ độc một niềm quấy rầy cha mẹ và hành hạ các em?
Sao cùng một tuổi như nhau, mà nó lại “tồi” như thế?
Thường ngày, nó làm những gì, mà Cu Nhớn làm những gì?
Tự vấn tâm như thế, nó thấy nó thật là “đáng đem chôn” như lời bu Cu Nhớn vẫn mắng các con.
Rồi thì tự nhiên nó thấy rúm người nó lại, chẳng muốn nhúc nhích.
Cu Nhớn thấy nó thế, liền hỏi:
- Mày rét đấy à?
- Không. Mày mặc có hai chiếc áo mà không lạnh, tao mặc áo dạ lại áo len trong còn lạnh chỉ có đem chôn.
Cu Nhớn thấy nó nhắc lại câu ấy mỉm cười:
- Chôn gì! Bu tao bảo mặc bao nhiêu áo mà cứ ngồi yên, không làm việc thì cũng rét. Chờ tao nhóm xong nồi cám, rồi tao luộc khoai cho mà ăn.
Các em nó nghe nói thế, mừng nhảy cỡn lên:
- A, sắp có khoai ăn.
Nhìn lũ em vui mừng một cách thái quá, Đức liền hỏi:
- Thế mọi ngày, chúng nó không được ăn khoai à?
- Không, khoai để ghế vào cơm buổi chiều. Mỗi ngày cứ có hai bữa cơm là tốt rồi, khoai nữa thì có chết. Mày ở Hà Nội, chắc trưa mày ăn nhiều lắm đấy nhỉ? Tao nghe thầy tao thường đi Hà Nội về nói ở Hà Nội có bán nhiều thứ ngon lắm cơ mà.
Đức đã không dám công khai các nết xấu của mình ra nữa, và đã thấy cần phải giấu bớt đi:
- Không, tao cũng ăn vừa thôi.
- Thế bây giờ mày đã thấy đói chưa?
Nhịn đói buổi chiều hôm trước, lại buổi sáng có ba vực cơm, lại sống một cuộc đời như thế, quả tình là thằng Đức thấy đói rồi, nhưng bây giờ thì đời nào nó lại đi quan tâm về những cái vặt như thế.
- Không, tao không đói. Thế mày?
Cu Nhớn cười tủm:
- Tao ấy à? Giá bây giờ có một rổ khoai tao ăn cũng hết. Nhưng tao không dám ăn rồi sợ quen đi thì chết. Hà Nội chúng mày thế thì ăn yếu lắm. Mày xem sáng ngày hôm nay, tao có no đâu, chỉ có ba bát vơi. Tao thật no ấy à? Phải sáu bát đầy.
Đức bâng khuâng:
- Thế thường ngày, không bao giờ mày được no cả à?
- Ít khi lắm. Chỉ trừ khi nào thầy tao gửi tiền về, bu tao bảo thổi thêm gạo, nhưng chỉ một bữa thôi.
Đức sực nhớ đến sự nhịn đói của mình chiều hôm qua:
- Thế có bao giờ mày bị nhịn đói không?
Cu Nhớn ngập ngừng nhìn Đức, rồi thấy kẻ đứng trước mặt nó là một đứa bạn có thể nói thật được:
- Luôn, như những buổi chợ mà bu tao đi trưa thế này chẳng hạn, hay hôm nào mưa gió, bu tao không đi làm thuê được, không có tiền mua gạo thì phải nhịn chứ. Hay nếu kiếm được ít thì thổi ít cho chúng nó ăn thôi, còn tao với bu tao nhịn.
- Thế ra… mày làm nhiều như thế, chúng nó chẳng làm gì, mà chúng nó lại được sướng hơn mày à?
- À, thì mình nhớn, mình phải thế chứ.
Rồi nhìn thấy bóng nắng ngả qua hàng rào, Cu Nhớn liền giục Đức:
- Thôi, mày đưa chúng nó lên nhà trên mà chơi, tao luộc khoai xong, tao khắc gọi chúng mày xuống.
Đức đời nào muốn xa Cu Nhớn một bước:
- Không, tao ở đây với mày cơ.
Cu Nhớn thích chí:
- Mày cũng trẻ con như chúng nó, mày chỉ thích gần tao thôi.
Thì thằng Đức cảm ngay thấy sự đúng nghĩa của câu nói ấy, chẳng những thế, nó còn trẻ con hơn. Mà những đứa trẻ con này lại là những đứa trẻ con bảo được, chứ nó thì là đứa trẻ con mất dạy.
Nó lặng lẽ một khắc không nói gì, rồi thì bỗng nó ngửng đầu lên:
- Trước kia, tao cứ dính lấy mợ tao, nhưng từ nay thì không. Quyết là tao không trẻ con nữa. Rồi bao giờ mày sang chơi với tao mà xem, à hôm nào mày sang chơi với tao nhé, tao sẽ cho mày ăn tha hồ, tao sẽ bảo cậu mợ tao cho mày vô số vải lụa để mày và các em mày may áo. Tao sẽ cho mày vô khối là xu.
Cu Nhớn lắc đầu:
- Tao bận thế này thì còn đi chơi đâu được nữa.
- Thì mai đấy, mày đi thẳng sang nhà tao.
- À, không được. Tao chỉ đưa mày quá Yên Viên một đỗi thôi. Rồi tao còn phải xuống lò gạch với thầy tao chứ.
- Mày đưa áo cho thầy mày rồi sang tao.
- Thầy tao thì không thích sự đi chơi nhảm. Thầy tao thì không bao giờ bằng lòng như thế. Tao cũng muốn sang Hà Nội lắm, người ta bảo Hà Nội đẹp lắm lắm, nhưng một khi thầy tao đã không bằng lòng cho đi thì tao biết làm thế nào.
Đức ngẫm nghĩ một lát:
- Thế hay mai mày cứ trốn sang chơi tao đi rồi mày hãy về lò gạch với thầy mày.
Cu Nhớn mở to hai mắt:
- Thế thì thầy tao biết, thầy tao đánh ốm. Với lại thế không được, thế là tao hư à? Thôi để chờ khi nào tao nhớn, tao đi làm ăn một mình được, tao sang chơi với mày. Hay là bao giờ mày nhớn, mày sang chơi với tao, mày đã biết nhà tao, chứ tao chưa biết nhà mày.
Đức vội vàng nói ngay:
- Tao thì không cần phải chờ nhớn, tao đòi cậu mợ tao cho đi thì cậu mợ tao cho đi ngay.
- Thế thì mày sang chơi tao có tốt hơn không, tao sang mày chơi để nhỡ phải đòn và làm cho thầy bu tao buồn.
Cái lý của nó cứng quá, khiến Đức không còn nói gì nữa, mặc dầu Đức yêu nó, muốn cho nó sang nhà mình chơi, để cho nó ăn no một bữa, và cho nó các thứ.
Đức dí mũi giày xuống đất rồi tần ngần bảo nó:
- Ừ thôi, thế hôm nào tao sang chơi với mày vậy. Thế ra mày sợ thầy bu mày thế cơ à?
Cu Nhớn thật quả không muốn nói đau, nói đớn bạn, bởi cách ăn ở của Đức, nó biết đâu. Đây chẳng qua là tấm lòng thực của kẻ làm con nó thốt ra:
- Con mà không sợ cha mẹ thì có đem chôn. Cha mẹ nuôi cho ăn, cho mặc, không sợ thì còn sợ ai?
Rồi nó hỏi Đức ta một câu khiến Đức ta có cái cảm tưởng như nó tát vào mặt mình:
- Thế mày không sợ thầy bu mày à?
Đức đời nào còn dám thú ra nữa:
- Không, tao cũng có sợ chứ!
- Thế sao mày lại hỏi tao như thế?
Đức không còn biết trả lời làm sao, phải nói tránh:
- À, thì tại tao muốn cho mày sang chơi với tao mà lỵ.
- Tao thì những cái gì, thầy bu tao không bằng lòng thì tao không làm bao giờ, và thầy bu tao đã dặn tao điều gì là thế nào tao cũng theo. Bởi mày phải biết, người lớn bao giờ cũng hơn trẻ con. Trẻ con mà không có người nhớn thì chết đói rã họng ra ngay.
Đức cũng nói đưa đà:
- Tao cũng thế chứ, tao cũng biết thế chứ.
Ấy thế là bao nhiêu điều kiện cốt yếu để làm người mà Đức không học được ở gia đình thì tới đây, thằng Cu Nhớn đã vô tình mà dạy cho nó biết cả.
Tới đây, nhìn thằng Cu Nhớn làm, và nghe thằng Cu Nhớn nói, nó vụt nhận thấy nó là một đứa con hư, một người anh tồi, một đứa học trò lười.
Những bài học gián tiếp ấy, lý ưng ra thì nó cũng không nhận thấy đâu, nhưng nhờ những đau đớn của đêm hôm trước mở đường, nó đã cảm thấy được một cách thấm thía, nó cảm thấy rằng từ nay nó phải ăn ở khác, ăn ở để hơn thằng Cu Nhớn, bởi nó đã được may hơn thằng Cu Nhớn là đứa lúc nào cũng bị đói luôn.
Là con nhà nghèo, thằng Cu Nhớn còn ngoan như thế; là con nhà giàu, nó phải ngoan hơn thằng Cu Nhớn chứ.
Nó nói xong, tần ngần nhìn thằng Cu Nhớn:
- Nhưng thế nào thì tao cũng còn kém mày nhiều.
Giọng nói của nó mới buồn làm sao, khiến cho thằng Cu Nhớn phải thương hại:
- À, rồi thì mày… gì… thì mày cũng bằng tao chứ lỵ.
Rồi trỏ đàn em:
- Bây giờ chúng nó thế, rồi sau chúng nó cũng như tao chứ.
- Nhưng chúng nó bây giờ còn bé, chứ tao thì bằng tuổi mày.
- Thế thì chắc là mày để non năm hơn tao.
- Không, ta đẻ tháng ba cơ. Tao lại già năm hơn mày chứ.
Rồi nó gật gật đầu, như thầm nhủ điều gì với mình.
Rồi thì nó thở dài và ngửng đầu lên:
- Nhà này mà không có mày thì lôi thôi to nhỉ?
Cu Nhớn thản nhiên chẳng một chút tự phụ:
- Đói to ấy chứ lỵ, không có tao ở nhà cơm nước, và trông coi chúng nó thì bu tao phải ở nhà. Thế thì một ngày thiệt đi bao nhiêu là tiền, bao nhiêu là gạo, và dù thằng Cu Con nó có thay tao trông nhà tạm được, thì nó cũng không thể nấu cám lợn. Thiệt một năm bao nhiêu. Nhà tao tuy nghèo, nhưng có ba con lợn đấy, lúc nào bán đi, cũng có vô khối là tiền… thành ra cũng không nghèo mấy.
Đức ta không muốn là đồ vô dụng liền đề nghị với Cu Nhớn:
- Thôi, mày bận nấu cám lợn thì để tao đi luộc khoai cho.
Cu Nhớn thật không muốn, nhưng biết để cho Đức làm thì Đức sẽ sung sướng nên bằng lòng:
- Nếu thế thì mày vào trong cái thạp kia lấy khoai ra rửa đi, rồi lấy cái nồi đất kia, để nước vào mà luộc, luộc tất cả.
Đức sung sướng quá, cởi phăng ngay giày, lấy bảy củ khoai to tướng bỏ vào rổ đem ra cầu ao để rửa. Ba em thằng Cu Nhớn theo ra.
Quan viên Hà Nội thì có quen xuống cầu ao đất sét trơn như mỡ bao giờ! Ấy thế là khi bước xuống bậc thứ tư, Đức bị trượt chân suýt ngã, văng cả rổ khoai xuống ao.
Ba em Cu Nhớn thấy mất ăn, liền khóc thét lên.
Cu Nhớn nghe thấy tiếng khóc, vội chạy ra. Nhìn thấy cơ sự như thế, nó liền mắng các em:
- Nín đi. Sao lại khóc? Mọi hôm không có khoai ăn thì làm sao.
Rồi thấy nét mặt buồn khổ của Đức, nó liền an ủi:
- Tại mày đau tay đấy mà. Tao quên khuấy đi mất. Nhưng không sao. Lên đi, tao mò cho.
Miệng nói là nó cởi phăng quần áo, nhảy tủm xuống. Chỉ một loáng là nó mò được hai củ, ném lên bờ.
Bọn trẻ sung sướng, hò reo. Mà có lẽ người sung sướng nhất là thằng Đức. Cu Nhớn, khi nó mò, nó sục, nó ngụp, nó lặn, trong nửa tiếng đồng hồ, chỉ mò được sáu củ, còn một củ mò mãi không thấy.
Thằng Đức thấy trời rét, thương nó:
- Thôi, mày ạ. Thiếu cái củ ấy thì tao không ăn, tao không đói đâu.
Cu Nhớn không nghe:
- Đành thế, nhưng bỏ mất thì phí của giời chứ. Mày tính những củ khoai lớn như thế, bây giờ gần một xu một củ đấy.
Rồi nó lại lặn, lại mò, lại ngụp, rồi thì vụt, bọn trẻ nhìn thấy củ khoai từ từ ở mặt nước dâng lên, mà chẳng thấy Cu Nhớn đâu:
Cả bọn vỗ tay hò reo:
- A, được rồi! Được rồi!
Cu Nhớn, một lúc lâu mới ngoi lên:
- Đấy, mày xem, nếu không cố một tí nữa thì có phải phí một đồng xu không?
Đức đăm đăm nhìn những giọt nước chạy trên da nó:
- Nhưng mày rét.
- Ồ, không rét.
Tuy miệng nó nói thế mà nó cứ run cầm cập. Đức vội cởi áo tây của mình khoác cho nó. Nó giờ tay xua và nói chữa:
- Ở dưới nước ấm, lên bờ mới rét đấy. Không, tao không cần.
Rồi nó rửa sạch nõn những củ khoai, bỏ vào rổ, đưa cho Đức:
- Thôi, bây giờ thì không còn sợ mất đi đâu được nữa.
Rồi nhe bộ răng trắng nhởn:
- Có lẽ mất vào mồm.
Các em nó nghe câu khôi hài ấy thấy thú quá, đều cười rũ lên.
- Thôi, con khỉ, cười ít chứ! Đứa nó về nhóm bếp lên, để tao tắm một cái cho sạch sẽ rồi tao về. À, đun củi ấy, chứ đừng có đun rơm. Chúng mày lóng ngóng, nhỡ cháy nhà một cái thì chết.
Đức cho nước vào nồi, Đức bỏ khoai vào nồi. Phải, những công việc ấy thì dễ lắm rồi. Nhưng tới khi nhóm bếp thì nó mới khó làm sao! Nó thổi, nó quạt, nó ra sân châm bao nhiêu lần lữa mà vẫn chưa cháy cho, lửa vẫn chưa bén vào củi cho.
Cu Nhớn ở ao về, thấy cái cơ ngơi ấy, cười tít:
- Thôi, hỏng rồi, quan viên Hà Nội không biết đun bếp rồi. Mày cứ cho những cái củi tướng như thế vào, rồi mày giơ cái đóm tí ti ra, thì bao giờ mà lửa bắt vào củi được. Đây này, mày xem tao. Tao không cần phải làm nòm bằng đóm mà cũng cháy đùng đùng lên cho mày xem.
Nó ẩy Đức ta ra, rồi nó rút những thanh củi lớn ra. Nó lấy một tí rơm để vào giữa bếp, xếp một ít cành con lên, rồi nó mới đặt những thanh củi lớn vào. Chỉ một thanh đóm đốt vào giữa là lát sau, lửa bốc lên đùng đùng.
Nó nhìn Đức một cách khoái chí:
- Phải để rác và củi con vào giữa thì lửa mới bén, mới bắt ra được chứ.
Đức tiu nghỉu:
- Tại tao không đun bếp bao giờ.
Cu Nhớn kinh ngạc, vì nó không thể ngờ rằng ở trần gian này lại có những đứa trẻ con nhớn như nó mà không đun bếp bao giờ:
- Thế ở nhà mày, mày làm gì?
Nhưng hỏi xong, nó lại sực nhớ đến những câu tâm sự mà Đức đã nói với nó:
- À quên, tao quên, mày ở nhà chỉ chơi không thôi nhỉ. Nhưng tại nhà mày giàu, chứ nhà tao nghèo, tao phải làm.
Rồi nhìn vào nồi khoai, thấy đầy ắp những nước, nó la trời:
- Luộc có mấy củ khoai ranh mà mày làm như cả tổng làm lợn thế này ư? Thế này thì bao giờ sôi, và tốn bao nhiêu củi!
Nó đổ đi ba phần tư nước, rồi gật gật đầu:
- Trước kia, tao tưởng mày nói đùa. Ra ở nhà mày, mày không làm gì thật.
- Giá tao có định làm thì cậu mợ tao cũng không cho làm.
Cu Nhớn cười khì khì:
- Ở đây, giá tao không làm thì thầy bu tao đánh chết!
Rồi chép miệng:
- Mà tao làm thì nó đã quen rồi, bây giờ không làm thì nó buồn buồn làm sao ấy.
Sau khi sôi vài dạo rồi, Cu Nhớn chắt hết nước ở nồi khoai đi, rồi rút hết lửa ra, chỉ để một tí than và giảng cho Đức nghe:
- Thế này thì nó ngọt và ra mật, nghe chưa. Không làm thế này thì khoai nhủn ra mà không ngon nghe chưa. Chốc mày xem, mật bám chung quanh củ khoai bóng lọng. Thôi, để một tí tao trông cho nồi cám chín, vào bắc ra thì vừa.
Bọn trẻ con không theo Cu Nhớn ra sân, ngồi túc trực chung quanh nồi khoai. Cu Nhớn sẽ củng vào đầu Cu Con, rồi hét ngay:
- Chúng mày làm gì như lũ chết đói thế! Ra ngoài kia chơi, rồi lúc nào chín, ta khắc cho ăn mà.
Bọn trẻ con tiu nghỉu đi ra. Cu Nhớn tủm tỉm cười, bảo Đức:
- Tao mắng chúng nó thế thôi, sợ chúng nó quen cái tính ấy đi thì có người lạ, người ta cười cho. Chứ tao cũng biết chúng nó đói lắm chứ. Mày tính từ sáng giờ có vài bát cơm và chiều nay thì không biết có được ăn không.
Rồi nhìn cái vẻ băn khoăn của Đức, nó lại nói:
- Nhưng hôm nay có mày thì nếu không kiếm được, bu tao cũng sang vay bác tao.
- Thế nếu không có tao?
- Thì nhịn cả. Hay chạy được ít gạo thì nấu cháo lên.
Xưa nay, Đức ta thường ăn cháo cao lâu có trứng và thịt, liền hỏi một câu dớ dẩn:
- Tao tưởng cháo ăn ngoan chứ?
Cu Nhớn cười:
- Nhưng nó không no. Cứ ra đằng đầu nhà vài lần, là hết veo ngay.
- Thế đói thế thì các em mày nó có khóc không?
- Cũng có hôm nó khóc. Nhưng bu tao quát lên vài tiếng thì chúng nó lại im ngay. Với lại ngủ tít đi thì nó quên đi chứ. Nhưng sáng dậy thì phải biết.
- À tao hiểu rồi.
- À nhỉ, chiều qua mày nhịn đói nhỉ. Thế mày nhịn đói tất cả mấy lần rồi?
- Chỉ có một lần chiều qua. Thế mày?
- Úi chào, tao thì luôn, không nhớ hết nữa.
Sau khi nồi cám chín rồi, Cu Nhớn vươn vai, nói to:
- Nào vào đây, tao cho ăn khoai.
Các em nó sung sướng, chạy ùa lên.
Nó vớt khoai ra rổ, rồi bảo Đức:
- Đấy mày xem, tao nói có đúng không? Những củ khoai bóng lên những mật, trong ngon không?
À, giá ở Hà Nội thì những củ khoai ngon thế, chứ ngon nữa, Đức cũng vứt đi. Bây giờ thì nó thấy ngon, vì sáng nó ăn ít cơm, lại không ăn quà, lại nhịn đói tối hôm qua. Tuy thế, nó cũng có can đảm từ chối, khi Cu Nhớn cầm hai củ khoai đưa cho nó.
- Không, tao không ăn đâu. Tao không đói mà. Để cho mày và các em mày.
Cu Nhớn không bằng lòng.
- Bu tao có mày thì mới bảo luộc khoai mà. Mày không ăn thì bu tao sẽ mắng tao.
Đức ta buộc lòng phải cầm, nhưng chỉ cầm một củ thôi:
- Thôi, thế tao ăn củ nhỏ này vậy.
Cu Nhớn nhìn các em:
- Thế sướng nhé!
Rồi chia đều cho mỗi đứa hai củ, chẳng để một củ nào cho mình.
Đức vội bẻ củ khoai làm đôi:
- Thế mày không ăn à? Thôi, mày ăn với tao một nửa vậy.
Cu Nhớn hất tay nó ra:
- Không, tao không đói.
Rồi nó vỗ vào cái bụng lép kẹp:
- Đây, tao vẫn hãy còn no căng, mày trông đây.
Đức ta đã hiểu cái no của nó là thế nào rồi, liền rơm rớm nước mắt:
- Nếu mày không ăn thì tao cũng không ăn đâu.
Rồi nó cầm hai mảnh khoai, toan đưa cho Cái Đĩ Nhớn và cái Đĩ Con.
Thằng Cu Nhớn vội giằng lấy.
- Ừ thì tao ăn vậy, nhưng sao mày hay khóc thế?
- Thôi, từ giờ tao không khóc nữa.
Tuy nó nói thế, nhưng nước mắt nó cứ chảy ra ròng ròng.
Cu Nhớn lấy tay chùi nước mắt cho nó:
- Thôi nín đi, không nước mắt nó xuống miệng, lại nhạt cả khoai ra bây giờ đây này.
Chương 10
Miếng khoai hôm ấy, Đức ăn thấy ngon lạ. Có lẽ từ trước tới nay, nó chưa thấy ăn một thứ gì mà ngon như thế. Củ khoai hôm ấy lại có một cái vị khác ngày thường, cái vị chia bùi sẻ ngọt với một người bạn mình biết rằng thương mình mà mình cũng yêu. Bây giờ thì nó mới hiểu rằng có đói thì ăn mới ngon. Mà ăn một mình thì chẳng thứ gì là có vị cả.
Rồi thì nó bừng nghĩ ra rằng ở đời này, người ta không thể sống một mình được. Phải có cha mẹ, anh em, bè bạn nâng đỡ, khuyến khích, và treo những cái gương đẹp cho mình là khác.
Buổi chiều đói rét ngày hôm qua là một bài học thấm thía cho nó. Nó nhìn thằng Cu Nhớn ăn như nuốt thì ngùi ngùi, bảo thằng Cu Nhớn:
- Giá mày được ra Hà Nội ở với tao thì không bao giờ mày bị đói cả. Mà mày sẽ được tha hồ ăn.
- Biết thế, nhưng tao đi thế nào. Còn chúng nó kia kìa.
- Tao sẽ cho tiền mày để mày gửi về cho chúng nó.
- Ồ, không. Thế thì thầy bu tao đánh chết! Nhà tao nghèo thế, nhưng mà bác tao cho gì, thầy bu tao không chịu lấy đâu đấy nhé. Vay cái gì là thầy bu tao giả sòng phẳng. Bây giờ lại lấy của mày, không phải là họ hàng nhà tao, thì đời nào thầy bu tao bằng lòng. Thôi, cứ lâu lâu mày về chơi với tao ở đây, được rồi. Mày về thì mày nhớ đem một con giao díp cho tao nhé. Tao thấy bác tao có một con dao díp gập bỏ túi được, tiện lắm. Tao mà có một con dao như thế, thì tao tiện gọt cái gì, phải biết đẹp lắm?
- Được rồi, tao sẽ mua hai con, mày một con, thằng Cu Con một con.
Cu Nhớn giật mình, tưởng chừng như em nó đã có con dao díp ở trong tay rồi:
- Ấy chết! Mày mua cho nó cái gì thì mua, chứ đừng cho dao, đứt tay chết! Nhớn như tao thì mới dùng dao được chứ.
Đức ngao ngán mà nhận thấy rằng cậu mợ nó cũng sợ nó chơi dao đứt tay như thế. Thì ra trước con mắt cậu mợ nó, nó cũng như thằng Cu Con trước con mắt thằng Cu Nhớn, chỉ là bé con mà thôi.
Nó lặng thinh, ngẫm nghĩ về cái điều ấy một lát rồi nó mới hỏi Cu Nhớn:
- Nhưng biết em mày nó thích gì mới được chứ.
Cu Nhớn trỏ vào những cái cúc áo của Đức:
- Nó thích những cái cúc như thế này này. Những cái cúc này mà đánh đáo thì phải biết.
Đức ta cầm ngay lấy con dao rựa, toan cắt thì Cu Nhớn đã hét lên:
- Ấy thế thì mày lấy gì mà cài áo? Mà như thế thì nó chơi còn sướng gì nữa. Thôi, thôi, khi nào mày về chơi đây thì mày mang cho nó.
- Áo tao không cần phải cài mà.
Cu Nhớn cương quyết:
- Không, nó xấu áo đi, tao không bằng lòng thế mà.
Nó vác dao đi kiếm củi thì Đức cũng đòi theo đi.
- Xa và phải trèo cơ đấy.
- Tao trèo được. Có xa thì cũng không xa bằng từ đây về Hà Nội.
- Ừ, thì hẳn thế. Ừ, mày muốn đi thì đi.
Trước khi đi, Cu Nhới đóng cổng cẩn thận, và dặn các em kỹ càng như buổi sáng. Cũng như buổi sáng, các em nó dặn nó lấy cho đủ thứ. Lần này thì nó chẳng chiều đứa nào:
- Không, hôm nay thì không lấy gì cả. Hôm nay trưa rồi, với lại tao còn cần phải kiếm nhiều củi để mai đun. Mai tao đi Yên Viên, ai kiếm?
Trẻ con trong xóm, từ sáng đã biết có một thằng bé quần áo tây đến nhà thằng Cu Nhớn, nên khi thoáng thấy hai đứa thì xúm cả lại, hỏi Cu Nhớn tíu tít:
- Ai đấy? Ai đấy?
Cu Nhớn đều một câu:
- Quen với bu tao đấy.
Trong đám trẻ có mấy đứa trẻ cười:
- Nhà mày như thế mà quen được với người như thế?
Câu ấy khiến cho Đức thấy thẹn. Cái phần vinh dự là phải về phần nó được quen với Cu Nhớn chứ. Vì thế cho nên khi thấy đám trẻ nhìn nó bằng con mắt kính phục, thì nó thấy ngượng lạ ngượng lùng. À, giá ngày hôm qua mà như thế thì nó lấy làm đắc chí lắm. Nhưng nó ngày hôm nay với nó ngày hôm qua là hai đứa khác nhau rồi. Hôm nay thì nó đã hiểu giá trị con người ở đâu rồi. Hôm nay thì nó đã biết cái giá trị ấy không phải ở quần áo sang trọng và sự giàu có của cha mẹ nữa rồi.

Muốn tỏ cho lũ trẻ con biết sự kính phục của nó đối với thằng Cu Nhớn, nó mới đỡ lấy cái quang mây:
- Anh để tôi cầm cho.
Cu Nhớn sợ bọn trẻ chế nó, liền bảo:
- Thôi, để tao cầm cũng được. Từ giờ mày đừng gọi tao bằng anh, tao ngượng lắm. Với lại ở đây, trẻ con với nhau, chẳng đứa nào gọi đứa nào bằng anh cả.
Mặc dầu Cu Nhớn nói như thế, Đức cũng cứ gọi nó bằng anh như thường:
- Gọi thế mới phải chứ.
- Nhưng tao không thích.
- Nhưng anh hơn tôi.
Vì Đức cứ gọi Cu Nhớn bằng anh, nên Cu Nhớn buộc lòng phải gọi trả lại:
- Ừ, nếu mày muốn thế thì tao cũng gọi mày bằng anh vậy.
- Ồ, thì anh cứ gọi tôi bằng mày cũng được.
- Ồ, sao lại có thể thế, anh gọi tôi bằng anh, tôi lại gọi anh bằng mày là cái nghĩa lý gì. Không, cứ gọi bằng anh cả.
Lũ trẻ, trước thấy thằng Đức thì có vẻ kính phục lắm, nhưng sau dần dần quen đi, cái dễ quên là sự kính phục của loài người đối với loài người.
Rồi thì có đứa ném đất để trêu thằng Đức.
Thấy hòn đất đầu tiên ném ra, Cu Nhớn liền kéo áo, bảo Đức:
- Thôi, mặc kệ chúng nó. Chúng nó là lũ chăn trâu mất dạy cả đấy mà. Thả trâu rồi đùa nghịch nhảm nhí với nhau. Thầy bu tôi vẫn dặn tôi không nên đàn đúm chơi bời với chúng nó. Chúng nó là con nhà khá, chẳng phải làm gì, chỉ có việc chăn trâu thôi, chứ tôi thì còn phải nhiều việc. Thôi, ta đi kiếm củi, rồi còn về.
Lũ trẻ thấy ném một hòn đầu tiên, hai đứa không nói gì, lại ùa lại ném, ném như mưa.
Đức thấy chúng nó đông, sợ hãi, toan chạy thì Cu Nhớn nắm lại:
- Anh đừng có sợ.
Rồi nó dứ con dao:
- Này, chúng tao không có trêu chúng mày, nếu thằng nào trêu chúng tao thì chúng tao đánh thật đấy. Lúc ấy thì đừng có trách.
Đức đang đứng ở phía sau, thấy bạn cứng cáp thế, cũng tiến lại, đứng sát cạnh bạn.
Bọn trẻ im một lát, rồi thì lại có mấy đứa ném. Cu Nhớn vung con dao lên:
- À, đã thế thì ông chém cho chúng mày xem.
Rồi nó đuổi bọn trẻ chạy ùa như vịt. Đức thích chí, cũng đuổi theo. Cu Nhớn vội nắm áo nó lại:
- Thôi, chúng nó đã sợ rồi, thôi không đuổi nữa. Với lại chúng mình có việc của chúng mình, chứ gây sự với chúng nó làm gì!
Đã phục thằng Cu Nhớn, bây giờ Đức ta lại phục hơn:
- Chúng nó hình như sợ anh ấy nhỉ?
- Không biết. Tôi thì không trêu ai bao giờ, nhưng thằng nào trêu tôi thì tôi đánh ghê lắm, chết thôi. Mình cũng có tay chân, để cho chúng nó bắt nạt thì không được. Thế anh, anh ở Hà Nội, anh có đánh nhau bao giờ không?
- Có, tôi cũng đánh vung mạng.
Có một điều mà thằng Đức không thú là ở Hà Nội, nó trêu người ta chứ không ai trêu nó cả. Đi đâu, cũng có thằng xe nhà nó đi kèm, thì còn ai mà trêu được nó nữa.
- Phải chứ, mình không trêu ai, ai trêu mình, mình phải đánh vung mạng đi chứ. Với lại những đứa nào đi trêu người, toàn là những đứa mất dạy, không đánh còn để làm gì!
Đức ta chín cả ruột, cả gan, nhưng cũng phải nói luôn miệng:
- Phải chứ, phải chứ.
- Tôi ở đây ngoan, cả xóm ai cũng biết. Đứa nào mà đánh nhau với tôi thì y như lúc thầy bu chúng nó biết, chúng nó cũng bị đòn.
Rồi nó thở dài:
- Nhà tôi chỉ kém nhà chúng nó vì nhà tôi nghèo thôi. Nhưng nhà tôi cũng mới nghèo dăm sáu năm nay đấy. Trước thầy tôi cũng có con bò và mấy sào đất. Tại thầy tôi ốm một trận, với lại bu tôi cứ sinh đẻ mãi. Anh tính, một người kiếm, bao nhiêu người ăn. Thật đúng như thầy tôi nói: “đến núi cũng phải lở”
Lại thở dài, và mắt sáng quắc:
- Nhưng không sao. Chỉ vài ba năm nữa, tôi lớn, thế nào rồi tôi cũng kiếm được tiền tậu bò và chuộc ruộng lại. Ruộng, thầy tôi cầm cho bác tôi đấy, chứ có cầm cho ai đâu. Bác tôi cứ muốn cho thầy tôi mượn bò để làm ruộng, nhưng thầy tôi khí khái lắm cơ, cả làng này, ai cũng phải phục thầy tôi, thầy tôi không chịu. Thà đi làm lò, chứ thầy tôi không muốn nhờ vả ai cả.
Rồi thốt nhiên, Cu Nhớn ứa nước mắt:
- Anh chưa biết, trước kia, tôi cũng như anh ấy, chả thích làm cái gì cả. Nhưng một hôm không có gạo, chúng nó khóc, rồi thầy bu tôi vì thương chúng nó, cũng khóc. Từ hôm ấy thì thôi, tôi thôi chơi, và tôi làm, làm như một người nhớn. Bu tôi thấy tôi ngoan ngoãn như thế, mới giao nhà cho tôi trông coi để đi chợ kiếm thêm đấy chứ. Bây giờ thì nhà tôi đã có lợn. Và tuy cũng có khi phải nhịn đói, nhưng hơn trước nhiều. Vì thế mà thầy tôi mới có thể bỏ nhà đi làm lò gạch được đấy chứ.
Nói đến đấy, nhìn bóng nắng đã đổ chếch trên đồi, nó lại hốt hoảng:
- Ấy chết, chúng mình phải đi kiếm củi đi chứ, không tối rồi. À, hôm nay có anh thì chắc được nhiều. Tôi trèo lên cây bẻ cành khô, anh ở dưới nhặt để vào quan cho tôi nhé.
Đức sung sướng:
- Được rồi, được rồi. Lúc về, tôi khiêng với anh nữa.
Khi hai đứa lễ mễ khiêng được bó củi lớn về tới nhà, thì bu thằng Cu Nhớn đã về tới nhà rồi. Thằng Cu Nhớn thấy mẹ, vội hỏi ngay:
- Kìa, sao bu về sớm thế? Thế nào, có kiếm được gạo đấy không?
- Tại có cậu ấy ở đây, nên bu nóng ruột về sớm. Có hôm nay thế là ra ngõ gặp giai. Nhờ vốn bà Chánh, buôn được gánh quít phát tài quá!
Rồi trông thấy Đức nhễ nhại mồ hôi, bu thằng Cu Nhớn liền mắng con:
- Tại sao mày lại bắt cậu ấy đi như thế?
Đức lễ phép:
- Thưa bà, con thích như thế ạ.
Bu thằng Cu Nhớn thấy nó lễ phép như thế thì bằng lòng lắm:
- Nó lam lũ đã quen, chứ cậu thì đi như thế làm gì cho nó khổ thân.
- Thưa bà, con thích được như anh ấy ạ.
Bu thằng Cu Nhớn cười:
- Ai lại thích dại thích dột như thế. Chẳng qua là cái thế không thể được. Cậu đi chơi một hôm thì thích, chứ vài lần thì lại không chối ra ấy à?
- Thưa bà, con thích như thế mãi ạ.
Bu thằng Cu Nhớn lại tủm tỉm cười, rồi quay sang con:
- Thôi, đi lấy gạo thổi cơm đi. Thổi gia gia một ít nhé. À, nhớ mai thì dậy sớm thổi cơm ăn, rồi nắm lấy một nắm mà đi. Đưa cậu ấy cho đến nơi đến chốn nhé. À, bu đã mua muối vừng đây. Rang đi cả một thể, mai khỏi phải rang. Rang nhạt một tí nhé, chứ rang mặn đắng như mọi hôm thì cậu ấy không ăn được đâu.
Thằng Cu Nhớn nhìn mẹ, rồi nhìn bạn một cách sung sướng:
- Thổi gia thì cũng chỉ một bơ nữa thôi nhỉ?
- Thôi, thổi hơn bơ đi, cho chúng nó ăn thật no một bữa. Mấy khi giời cho kiếm được.
Và nhìn thằng Đức một cách yêu mến:
- Ấy chẳng qua cũng là tại cái lộc của cậu ấy mang lại. Người ta ở hiền thì gặp lành. À quên, bu còn mấy quả quít kia, đem chia nhau, rồi cho cậu ấy ăn mấy.
Cu Nhớn sung sướng, nhảy cỡn lên:
- À, lại có quít. Thế thì hôm nay bu phát tài lắm nhỉ!
Rồi nó vỗ vào vai Đức:
- Bu tôi bảo vì có anh đem cái may lại cho nhà tôi, nên mới phát tài như thế đấy. Chứ tôi tưởng đi trưa như hôm nay thì không kiếm được gạo cơ đấy.
Đức cũng mừng:
- Tôi cũng cứ lo ngay ngáy rằng vì tôi mà bu anh không kiếm được. Anh và các em anh đã vì tôi mà nhịn đi rồi.
Nó nhìn anh em thằng Cu Nhớn ăn quít ngon lành như người ta ăn một thứ gì ngon nhất trần đời, mà nó lại bâng khuâng nhớ tới những lúc nó vất những quả cam Triều Châu đi. Thì ra nó bậy thật!
Quả quít Cu Nhớn cho nó, nó tuy khát và thèm lắm, nhưng nó không dám ăn. Nó đem dúi cho thằng Cu Con. Cu Con cầm ngay:
- Thế anh không ăn ạ?
- Không. Tôi ăn sợ… đau bụng.
Cu Con ta sung sướng:
- Tôi ăn thì bao nhiêu cũng chả đau bụng. Đã lâu lắm, tôi mới lại được ăn quít đấy.
Nó bóc, rồi nó chia cho cái Đĩ Nhớn, cái Đĩ Con, mỗi đứa một góc.
Cái cử chỉ ấy lại khiến cho Đức nghĩ tới những lúc nó ăn phần trùm, phần thưởng, đánh bạt cả các em đi, không cho đứa nào lại gần.
Thì ra nội trong cái gia đình nghèo nàn này, dưới cái túp lều này, ai cũng hơn nó cả.
Bây giờ, nó đã biết cái lẽ tại sao người ta không nên khinh những kẻ rách áo.
Bây giờ cũng như buổi sáng. Cu Nhớn thổi cơm, rồi dọn cơm, nhưng có khác một điều là lúc bưng nồi cơm ra, nó hể hả bảo với các em:
- Thôi, bữa này thì cho tha hồ, nhưng ăn vừa chứ, không có bội thực đấy.
Cơm đã nhiều, lại có vừng đậm miệng, các em nó đánh thùng bất chi thình. Còn Cu Nhớn ta chỉ ăn có năm bát. Mẹ nó thấy nồi còn cơm, bảo nó ăn nữa. Nó từ chối:
- Thôi, để cho chúng nó ăn cho thích. Trưa, con đã làm nửa củ khoai rồi.
Nói xong thì nó lại vội vàng giảng ngay:
- Tại anh ấy bẻ cho con đấy. Anh ấy bảo nếu con không ăn thì anh ấy cũng không ăn. Anh ấy cũng chỉ ăn một nửa củ thôi.
Bu nó nhìn các em nó:
- Thế thì thích nhé!
Rồi xuýt xoa:
- Tao tưởng luộc cho cậu ấy ăn cơ chứ. Thế có phải phí đi không. Để ghế vào cơm chiều hôm nay, có phải thừa ra được một bơ không.
Quay sang Đức:
- Thế cậu không ăn quà trưa, cậu không đói à?
Tấm lòng tử tế của bu thằng Cu Nhớn đối với mình như thế làm cho Đức cảm kích:
- Thưa bà, con không đói ạ.
- Tôi tưởng trẻ con ở tỉnh, trưa đến phải ăn quà chứ?
Thì ra bu thằng Cu Nhớn đã nghĩ đến nó hơn nghĩ đến các con. Đức thấy lòng ngùi ngùi:
- Bà tốt với con quá!
- Chẳng qua thấy cậu gặp bước ấy thì tôi thương.
- Thưa bà, con trốn học như thế này là tại con chứ. Nhưng từ giờ giở đi thì con không trốn nữa.
- Ồ, thế thì tốt, ấy thằng bé nhà tôi trước cũng đi học đấy, học giỏi đáo để, nhưng vì nghèo, thành ra phải cho nó thôi.
- Thưa bà, thế mà anh ấy vẫn còn giỏi hơn con đấy. Anh ấy ngoan và tốt hơn con nhiều.
Cơm xong, Cu Nhớn sắp bát, toan đi rửa thì bu nó bảo:
- Thôi, con nghỉ tay mà chơi, để bu rửa cho.
Cu Nhớn không nghe:
- Con nghỉ cả ngày, còn nghỉ gì nữa. Bu đi chợ mệt, nghỉ đi, để con rửa cho. Rửa ít bát có nhọc mệt gì. Con rửa, rồi con còn tắm cơ mà. Đi kiếm củi, mồ hôi ra, chua lắm!
Nó tự tắm cho nó, rồi tắm cả cho các em, rồi nó giặt quần áo của chúng nó, phơi lên dây tử tế.
Mọi việc nó làm xong xuôi thì vừa tối.
Tối đến thằng Đức không thấy nhà nó thắp đèn liền hỏi:
- Nhà anh không có đèn à?
- Có chứ. Nhưng ít khi thắp. Thắp sợ tốn dầu. Trừ hôm nào bu tôi đi chửa về, tôi mới thắp thôi. Bây giờ thì đi ngủ, còn làm gì mà phải thắp? À, Hà Nội có đèn điện sáng lắm phải không?
- Ừ, sáng lắm. Nhà tôi để đèn suốt đêm. Thế anh không để đèn, anh không sợ ma à?

- Có chứ. Nhưng sợ thì cũng phải chịu chứ. Tiền đâu! Hôm nay có anh thì tôi không sợ nữa. À, thế hôm qua anh ngủ một mình ở đường như thế, anh có thấy ma không?
- Tôi không trông thấy, nhưng chỉ thấy nó kêu thôi.
Liền lúc đó thì một hồi tù và ở đầu xóm rúc lên. Đức, mắt trước mắt sau:
- Đấy, tiếng nó đấy.
Cu Nhớn phá lên cười:
- Đấy là tù và người ta gọi tuần ra điếm đấy chứ. Thế Hà Nội không có tiếng tù và à?
- Không! Thế người ta làm thế nào mà thổi kêu to như thế được?
Cu Nhớn cúp tay vào để lên miệng, rồi thổi “tu tu tu” một hồi. Đức phục quá:
- Anh tài nhỉ, cái gì anh cũng biết.
- Đây không có sừng trâu, tôi thổi bằng tay. Chứ có sừng trâu, tôi thổi còn kêu nữa cơ. Nhớn lên, tôi cũng phải đi tuần cơ. Lúc ấy thì không thể sợ ma được nữa.
Sau khi các em đi ngủ với mẹ nó rồi, Cu Nhớn vác một cái chiếu, kéo Đức ra chiếc phản ở gian giữa:
- Đây, tôi với anh, ta ngủ đây.
Đức không thấy có chăn, hỏi ngay:
- Thế nhà anh không có chăn à?
- Không.
- Thế từ trước đến giờ, anh không bao giờ đắp chăn cả à?
- Không.
- Thế anh không rét à?
- Cũng có khi rét, nhưng ngủ say rồi thì nó quên đi chứ.
À, điều này thì Đức ta đã biết rồi. Đêm qua, đã hai lần, nó chả ngủ thiếp đi, quên cả đói, cả rét đấy ư?
Cái giường này thì không sướng bằng cái giường nhà nó, mà đắp chiếu thì không đời nào ấm bằng đắp chăn. Nhưng vì đã nằm qua màn trời chiếu đất một đêm, nó thấy thú đáo để. Càng thú hơn, vì có Cu Nhớn là người bạn nó yêu mến ở bên cạnh.
Nó tả lại cái đêm hôm qua cho Cu Nhớn nghe, rồi kết luận:
- Hôm qua, tôi thấy khổ ghê khổ gớm, và sợ kinh sợ khiếp!
Cu Nhớn cười:
- Có anh ngốc thế, chứ tôi thì chẳng khi nào tôi chịu nằm đêm ở giữa giời. Tôi thấy nhà nào có đèn thì tôi gọi cửa vào xin ngủ nhờ chứ lỵ.
- Thì tôi có đi đâu bao giờ mà tôi biết. Nhưng từ giờ thì tôi đã biết rồi. Tôi mới ra khỏi nhà lần này là lần đầu tiên đấy. Thế còn anh, anh đã đi đâu chưa?
- Tôi đi luôn với thần bu tôi. Cứ ngủ ở ngoài hai ba đêm là thường. Đi như thế thích lắm nhé.
- Tôi chả thấy thích một tý nào.
- À, đi như anh, không có người lớn trông coi cho thì kể gì. Ngủ đường, ngủ xá như thế thì chỉ khổ, chứ còn thú cái nỗi gì! Tôi ấy à… ở nhà thầy tôi không cho tôi hút thuốc lào bao giờ, nhưng đi như thế thì thầy tôi cho tôi hút sái nhỉ. Hút vào say, sướng lắm cơ.
- Ở nhà tôi, chả ai cấm tôi hút, nhưng tôi chả hút bao giờ cả.
Rồi nghĩ đến sự cùng đi với Cu Nhớn ngày mai:
- Tôi thì tôi không cần người nhớn. Cứ đi với anh thì bất cứ đi đâu, ở đâu, tôi cũng thấy thích.
- À, từ đây Yên Viên, đường cái lớn, ai chả đi được. Chứ đi xa, tôi cũng chịu.
- Thế anh đi Yên Viên nhiều lần rồi à?
- Từ khi thầy tôi làm lò gạch ở đấy, tôi ra luôn.
Chương 11
Giời chưa sáng rõ, Cu Nhớn tung chiếu dậy, rồi lay Đức:
- Dậy chứ, thổi cơm ăn, rồi còn đi chứ.
Đức ta có bao giờ quen dậy sớm như thế, thứ nhất là dậy trong một buổi sáng mùa đông, thứ hai là sau đi đã sống một đêm và một ngày như thế, cứ ú ớ mãi.
Cu Nhớn thấy thế, thương hại, quay đi. Nhưng nó vừa quay đi thì Đức đã cố thắng cơn rét, vùng dậy:
- Ấy, anh chờ tôi mấy!
Nhưng vì còn ngái ngủ, ra tới bờ hè, nó loạng choạng, vấp phải bực cửa, suýt ngã. Cu Nhớn díu nó đi xuống bếp, rồi đốt lửa to lên cho nó sưởi. Lúc ấy, nó mới tỉnh hẳn. Cu Nhớn tủm tỉm cười, hỏi nó:
- Thế anh không dậy sớm như thế này bao giờ à?
Nó lắc đầu:
- Không bao giờ cũng cứ bảy giờ hơn, tôi mới dậy. Mà cậu mợ tôi phải lay mãi, tôi mới dậy. Thế anh, bao giờ anh cũng dậy sớm như thế này ư?
- Bao giờ, tôi chả dậy như thế. Tôi thương bu tôi phải đi chợ mệt nhọc. Bao giờ tôi dậy, tôi cũng thổi cơm xong, rồi mới gọi bu tôi dậy ăn đi chợ.
- Thế sáng hôm qua?
- À, vì là còn cơm nguội. Với lại bu tôi định đi chợ sớm. Còn chúng tôi ăn sau.
Đức ta lại hỏi một câu vớ vẩn:
- Thế không phải ai gọi anh à?
- Ồ, lại còn phải gọi. Nhà này thì ai có thể gọi tôi, nếu không là bu tôi. Mà tôi thì muốn cho bu tôi ngủ thêm một chút để đi chợ cho khỏi mệt.
Nói song là nó cởi cạp quần, lấy một bao diêm ra:
- À, chỉ còn có hai que. Lại sắp phải mua diêm rồi. Một bao diêm, tôi dùng được một tháng cơ đấy. Chỉ có buổi sáng như thế này, sang gọi người ta bất tiện, chứ trưa thì tôi đi xin lửa.
- Anh tằn tiện quá nhỉ?
- Thì nhà nghèo phải tằn tiện thế. Bao diêm ít gì cũng một xu. Với lại không thế thì nó cũng phí của giời. Anh không nghe các cụ nói: “Phí của giờ, mười đời không có” hay sao?
Đức tủm tỉm cười:
- Anh không phí của giời, tại sao anh không có?
- À, tôi còn ít tuổi, kể gì. Rồi sau này tôi nhớn lên, tôi có có không. Ít gì, tôi cũng dành dụm tậu được bò chứ. Mà có bò thì ở làng tôi là giàu rồi. Anh mà phí của giời thì tuy bây giờ anh có, nhưng giời sẽ không cho anh có nữa chứ.
- Phải, anh nói phải, tôi hiểu rồi. Và không cứ giàu nghèo, cứ phí của giời, là không tốt rồi. Từ nay thì tôi cũng sẽ tằn tiện như anh. Nhà anh nghèo, mà bu anh tử tế với tôi quá.
Rồi ngập ngừng:
- Nhà anh thế mà hơn nhà tôi đấy.
Nồi cơm, Cu Nhớn chỉ thổi đánh nhoáng một cái là xong. Thấy giời còn tối, nó bảo Đức:
- Bây giờ, hãy còn sớm lắm. Để cho bu tôi và các em tôi ngủ một chút nữa. Bây giờ tôi đi tắm đây, anh có đi tắm với tôi không? Mà anh cũng nên đi tắm đi. Cả ngày hôm qua anh không tắm. Tôi sáng nào tôi dậy một cái thổi cơm là tôi tắm, vì người ta bảo tắm sớm khoẻ mạnh và thông minh.
Cứ cái cơ màu rét mướt như thế, Đức trông nước đã sợ rồi. Xưa nay thì nó có tắm nước lạnh bao giờ, thứ nhất là tắm sớm. Đến mùa nực, mợ nó còn bắt nó tắm nước ấm nữa là. Nhưng vì lòng muốn bắt chước bạn, nó thuận ngay.
Nhưng ở đời này, muốn là một lẽ khác, mà sức mình có thể làm được hay không lại là một lẽ khác.
Nó cứ cởi quần áo thì đã rét rồi, mà khi xuống tới nước thì nó run lên. Nhưng nó cắn răng chịu, không muốn cho bạn biết mình là một thằng hèn không chịu rét mướt.
Muốn cho khỏi rét, nó cũng bắt chước Cu Nhớn vùng vẫy để cho khỏi rét. Nhưng nó vùng vẫy đến đâu thì cái rét vẫn mạnh hơn nó là đứa mà da thịt chưa từng chịu quen cái thứ rét ghê gớm ấy bao giờ.
Lên đến bờ thì tay chân nó cóng cả. Gió sớm lại thổi những làn nhè nhẹ như quạt, thành thử nó bật lên đánh đàn mồm. Nhưng may, Cu Nhớn lại quay đi phía kia mặc quần áo nên không trông thấy nó run để cho nó kịp đủ thì giờ cắn hai hàm răng lại.
Về tới nhà, nó chạy vào bếp trước. Nó giơ hai tay hơ lên lửa, rồi nó cười bảo Cu Nhớn:
- Tôi muốn bắt chước cái gan anh, tắm sớm xem nó thế nào, chứ tôi thật chưa tắm nước lã, và tắm sớm bao giờ. Thật một suýt nữa thì chết rét.
Cu Nhớn nhe răng cười:
- Thế à? Thế mà tôi không biết đấy. Giời này đã rét gì. Đến tháng chạp thì phải biết, rét cóng cơ, thế mà sáng nào tôi cũng tắm ùm ùm. À mà anh bảo rét sao tôi không thấy anh run?
- Tôi thấy anh thế, tôi sợ xấu hổ, tôi cắn răng chịu, không dám run.
Cu Nhớn vỗ vào vai nó:
- Ồ, chỗ anh em, sao anh lại xấu hổ với tôi. Anh không quen thì có gì mà là xấu hổ. Thôi bây giờ, tôi đánh thức bu tôi dậy ăn cơm nhé. Chúng ta tí nữa còn phải đi chứ.
Xưa nay, không quen ăn cơm sáng bao giờ, Đức cố lắm mới nuốt trôi được có hai bát.
Mẹ Cu Nhớn thấy thế liền hỏi con:
- Mày có nắm cơm nhiều cho cậu ấy ăn không ấy?
- Có, đủ ăn. Với lại bây giờ, con ăn no rồi, đi đường con sẽ nhường cho anh ấy.
- Thôi, thế lên thay quần áo đi cho nó tươm tất, không đến đấy người ta lại cười thầy mày.
Khi Cu Nhớn xúng xính chiếc áo ba ga và chiếc quần trắng xuống thì các em nó trầm trồ:
- Chà, anh Cu Nhớn đẹp ghê!
Trái lại, thằng Đức thấy Cu Nhớn mặc thế thì chỉ xấu đi, chứ chẳng đẹp lên được tí nào. Nó thấy Cu Nhớn lúng túng trong áo chứ không được nhanh nhẹn gọn gàng như khi mặt những chiếc áo vá.
Bu nó lúc ấy mới quay sang hỏi thằng Đức:
- Thế cậu về tận Hà Nội có phải không?
- Vâng.
- Thế cậu đã đi bao giờ chưa?
- Tôi chỉ mới đi ô-tô thôi.
Bu Cu Nhớn thở dài:
- Giá tôi giàu thì tôi cũng đãi cậu xuất tàu để cho cậu về. Nhưng tôi không có. Đấy cậu xem, cháu cũng phải đi bộ đấy.
Đức vội vàng nói ngay:
- Thế này là bà cũng tử tế với con nhiều lắm rồi. Con cũng muốn đi bộ cho biết, với lại đi với anh ấy thì đi bộ càng thích. Anh ấy đi được thì con cũng đi được.
- Không, giá có tiền đi tàu thì cũng hơn.
Đức vội nói ngay, nhưng bu thằng Cu Nhớn thì không hiểu được nghĩa câu nói của nó:
- Không, con cho đi bộ tốt hơn.
Bu thằng Cu Nhớn lại tủm tỉm cười một cách đại lượng rồi quay sang con:
- Thế con đưa cậu ấy đến quá Yên Viên nhé. Còn từ đấy thì cậu ấy về Hà Nội một mình.
Lại quay sang Đức:
- Nhưng cậu có biết đường không đã chứ?
Đức chưa kịp trả lời thì Cu Nhớn đã nói ngay:
- Đường ở mồm ấy chứ ở đâu mà không biết. Với lại từ Yên Viên sang Hà Nội thì có một thôi đường thôi, chứ có bao nhiêu đâu. À mà đấy là quá Yên Viên cơ đấy. Thầy con bảo chỗ ấy gần huyện Gia Lâm, sang Hà Nội chỉ độ một loáng. Đứng trên cái đường đê ấy, trông thấy cái cầu Hà Nội rồi mà.
Đức nghe thấy thế vội vàng nói:
- Nếu thế thì con đi được.
Bu thằng Cu Nhớn trao gói quần áo và nắm cơm cho nó rồi cở hầu bao lấy ra năm xu:
- Đây cho anh em để đi uống nước. Và nếu có muốn ăn gì thì ăn.
Cu Nhớn từ chối ngay:
- Uống nước gì mà phải năm xu. Và có cơm nắm rồi còn phải ăn gì nữa. Mọi lần con đi, bu chỉ cho con có một xu là đủ thôi mà.
Rồi móc túi giơ đồng xu ra:
- Con có một xu của anh ấy cho con đây rồi, với lại anh ấy cũng còn một xu. Thôi, để năm xu ấy bu đong gạo.
Bu nó xoa đầu nó. Không nghe:
- Mọi lần, một mình khác, bây giờ có cậu ấy khác. Thôi con cứ cầm lấy, còn thừa thì mang về giả bu. À, nhớ cầm kỹ cái gói không nhỡ đứa nào nó giật mất đấy. Nhớ đi vào ven đường không xe cộ đấy.
- Ờ, thì con đi luôn con biết rồi, việc gì bu còn phải dặn.
- À, bảo thầy nhà bình yên cả, thầy có gửi tiền về thì con thắt vào thắt lưng tử tế nghe không?
Cu Nhớn ta bực:
- Thì con đi bao nhiêu lần, có mất mát lần nào đâu, mà bu cứ phải dặn mãi.
- Thế đi thì rồi mai về nhé, hay có mỏi chân thì đến ngày kia cũng được.
- Ồ, đi chơi như thế thì có gì mà mỏi. Mai con còn phải về để trông nhà cho bu đi chợ chứ.
Sự nó lúc nào cũng nghĩ đến nhà cửa khiến cho Đức phải nao nao và càng phải nghĩ đến sự mình ăn ở với cậu mợ và các em mình.
Lúc Cu Nhớn đi, nó xoa đầu các em nó một lượt:
- Ở nhà ngoan nhé. Rồi tao ra ngoài ấy tao bảo thầy mua quà cho nhé, và có cái gì hay hay thì tao sẽ lấy về cho nhé.
Các em nó đều mặt tiu nghỉu:
- Nhưng anh Cu Nhớn phải về ngay cơ.
Câu ấy làm cho Đức ta lại nghĩ đến sự khi nào nó đi đâu thì các em nó đều mừng. Mà nó ở nhà thì các em nó đều len lét.
Chương 12
Chúng nó dắt tay nhau ra đi một buổi sáng mùa đông giời đẹp như tô. Gió sớm thổi lướt trên những ngọn cây. Lá reo ào ào mà lòng chúng nó thì cũng thấy rộn rực vui sướng.
Sướng vì được cùng đi với nhau.
Sướng vì có một người bạn ở bên cạnh.
Sướng vì được tự do muốn làm gì thì làm, chẳng bị ai kiềm thúc.
Nhưng cái điều về sau này là về phần Cu Nhớn kia, chứ Đức ta thì từ xưa đến nay có bị kiềm thúc bao giờ, nó còn kiềm thúc người khác kia.
Đi qua cổng nhà nó một quãng, nó còn ngoái lại:
- Tôi đi thế mà chúng nó nhớ tôi đáo để đấy, anh nhé. Chúng nó ở gần tôi luôn rồi, xa tôi một tí là chúng nó nhao lên.
Đức ngùi ngùi hỏi bạn:
- Thế anh có nhớ chúng nó không?
- Nhớ lắm chứ lại. Tôi đi vắng, ở nhà bu tôi hay gắt với chúng nó lắm. Vì thế cho nên mấy lần tôi ra đây, thầy tôi giữ tôi ở lại tôi không đành lòng, cứ hôm sau là tôi về ngay.
Rồi thì nó quay lại hỏi Đức ta một câu nó làm cho Đức ta tưởng chừng thẹn cháy mặt:
- Thế anh đi như thế này, các em anh ở nhà nó có nhớ anh không?
Đức ta đã chết cả lòng ruột cũng phải nói đưa đà:
- Có chứ! Có chứ!
Thế chắc anh cũng nhớ chúng nó lắm đấy nhỉ?
- Nhớ lắm chứ! Nhớ lắm chứ!
Rồi thì sợ Cu Nhớn cứ cái đà ấy mà hỏi mãi, nó liền vội đánh trống lảng sang chuyện khác:
- Đây ra Hà Nội xa lắm đấy nhỉ?
Cu Nhớn trầm trộ:
- Lại chả xa! Chả xa lại mất những ba hào tàu!
Đức sực nhớ ra:

- Ồ, thế sao bác tôi bảo đi mất có hai giờ?
Cu Nhớn cười ngặt nghẽo:
- Hai giờ là đi tàu, đi ô tô kia chứ! Người nhớn thì phải mất nửa ngày. Mà trẻ con như chúng mình thì phải hơn.
Đức ta đập vào ngực thình thình:
- Ờ, thế ra tôi ngu quá, ngu hơn con lợn. Tôi cứ tưởng đi bộ mất hai giờ cho nên tôi mới dám đi, chứ thế này thì vía. Thảo nào mà tôi đi mãi không thấy cái cầu thôi.
- Cầu sông Cầu ấy phải không? Từ Bắc Giang lên cầu sông Cầu gần được nửa đường rồi đấy. Từ đây đến sông Cầu thì phải chục cây số đấy. Chúng mình thì phải mất ba giờ.
Đức ta lè lưỡi:
- Ồ, thế tôi biết đâu! Tôi ngu thật! Ngu như con lợn, có phải không, anh nhỉ?
Cu Nhớ cười tủm:
- Có phải ngu đâu. Anh nhầm đấy thôi!
Đức vỗ vào đít nó:
- Nhầm là ngu chứ còn là gì nữa! Anh lại cứ cãi cho tôi.
Rồi lẩm bẩm, như tự nhủ với mình:
- Tôi nhầm nhiều cái kia, chứ không phải một việc này mà thôi. Nhưng từ giờ thì tôi sẽ như anh, tôi sẽ không nhầm nữa.
Cu Nhớn rún vai và giơ tay như người lớn:
- Ô, thầy tôi bảo người ta lầm cho đến già kia ấy. Ai mà chả phải lầm. Mà bu tôi bảo người ta cứ biết đến đâu hay đến đấy, chứ không khôn được với giời đâu. Bu tôi bảo cứ tử tế thì giời thương đấy thôi. Anh tuy thế mà anh cũng tử tế cho nên anh mới gặp bu tôi. Chứ không thì gặp ma ấy à, cướp ấy à, thì phải biết, không còn sống được cho đến ngày hôm nay.
Đức ta rùng mình, rồi lè lưỡi, rồi nó ngẫm nghĩ mãi về cái điều tử tế của nó. Nhưng nó ngẫm nghĩ mãi nó cũng vẫn thấy từ trước đến nay, nó chẳng tử tế một tí nào.
Nó không tử tế với mợ nó, cũng như nó không tử tế với các em nó, cũng như nó không tử tế với các bè bạn nó, cũng như nó không tử tế với các đầy tớ nó.
Rồi thì nó đâm nghi câu cách ngôn của bu thằng Cu Nhớn:
- Tôi ấy à? Tôi đã bảo với anh rằng tôi hư lắm, tôi chẳng tử tế một tí nào.
Cu Nhớn nói bằng một giọng tin tưởng:
- Ồ, thế thì cậu mợ anh tử tế, ông bà anh tử tế. Bác tôi vẫn bảo rằng cha mẹ hiền lành để phúc cho con.
Điều này thì thằng Đức tin ngay. Cậu mợ nó thì tử tế với tất cả mọi người, mà nhất là tử tế với nó, nếu không thì nó hư hỏng như thế, cậu mợ nó dung thế nào được. Chà! Cứ nghĩ thế mà nó thấy thương cậu mợ nó rộn lên.
Ra tới đường thiên lý, Cu Nhớn trỏ bảo nó:
- Đây này, đường này lên Bắc Giang, đi qua Nghi Thiết, rồi tới cầu sông Thương. Đường này thì về thẳng Hà Nội này. Đi qua Sen Hồ, Đáp Cầu, Bắc Ninh, Lim, Phủ Từ, Yên Viên, rồi Gia Lâm, rồi Hà Nội. Đến cầu sông Cái rồi đến đấy.
Đức ta thấy nó đọc những tên tỉnh vanh vách, phục lắm:
- Ồ, sao anh đi qua mà anh nhớ được thế?
- Khó gì! Nghe mãi thì nhớ, mãi thì biết. Đây này, chúng ta đi một chốc thì đến Sen Hồ. Sen Hồ chẳng có cái gì đẹp cả, chứ Đáp Cầu thì vô số, có trại lính. Bắc Ninh thì có cái thành người ta bảo trước ta đánh nhau với Tàu ở đấy, có cái cột cờ xây đá ong vút trời kia.
Đức rủ ngay:
- Thế đi qua đấy anh đưa tôi vào xem nhé.
Cu Nhớn lắc đầu:
- Không. Chúng mình vào xem thì bao giờ đến nơi. Với lại bu tôi sai tôi đi công việc thế này, bu tôi không muốn tôi la cà ở đường. Bu tôi vẫn bảo phép làm con cha mẹ sai đi đâu thì phải đi đến nơi, về đến chốn.
Rồi nhìn Đức bằng một cái nhìn hóm hỉnh:
- Chúng mình tuy đi như thế này, chứ thầy bu chúng mình ở nhà nóng ruột lắm đấy chứ!
Câu ấy vụt làm cho Đức nhớ đến sự cậu mợ mong ngóng mình, càng mong ngóng vì không biết mình đi đâu. À, lúc ấy nó ước gì có đôi giày bảy dặm, bước mấy bước đến Hà Nội bảo cho cậu mợ biết, rồi lại quay lại đây, đi chầm chậm thôi, với thằng Cu Nhớn. Đến bây giờ nó mới thấy nóng ruột. Nó rảo cẳng bảo thằng Cu Nhớn:
- Ta đi mau lên một tí chứ?
Cu Nhớn giơ tay cản, rồi nói như một ông cụ:
- Phép đi đường trường, cứ phải từ từ mà đi. Nếu anh vội vàng hấp tấp như thế, thì chỉ từ đây đến Sen Hồ là anh bết gối, mà không bao giờ đến nơi. Cứ phải từ từ không vội được. Đằng nào cũng phải đến nơi.
Đức sực nhớ đến sự mình chạy ngày hôm trước, hiểu ngay:
- Ừ, anh nói phải.
Rồi đi chậm lại:
- Sao anh cũng bằng tuổi tôi mà anh biết nhiều thế nhỉ?
- Thì tại ai nói gì là tôi để ý tôi nghe, còn anh thì nói ai nói gì, anh không nghe cả.
Đi qua một bụi cây, nhìn thấy hai cây xoan con mọc chĩa ra, Cu Nhớn dừng lại:
- À, chúng mình phải mỗi đứa làm cái gậy.
Đức ta phản đối ngay:
- Ồ, chúng mình đi khoẻ thế này, việc gì phải gậy. Già thì mới phải chống gậy chứ.
- Ồ anh chưa biết! Bây giờ thì còn khoẻ thế! Chứ từ Bắc Ninh ra ấy à? Lại không chống lên gậy ấy à? Thầy tôi đi đâu xa bao giờ cũng mang một cái gậy. Với lại có gậy thì còn cái này nữa. Với những thằng bé chăn trâu thấy chúng mình cầm… binh khí như thế này, không dám trêu nữa. Lần trước, tôi đi một mình, gặp một đứa nó chửi, tôi phải im vì không muốn gây sự.
Nghe đến điều ấy, Đức ta biểu đồng tình ngay:
- Ừ, phải đấy. Tôi với anh, mỗi đứa một cái gậy. Đứa nào trêu, chúng mình diệt cho nó ốm xác.
Cu Nhớn giơ tay:
- Thôi, thôi, tôi can bác. Chúng mình đi cốt đến nơi, hơi đâu gây sự với chúng nó. Cầm gậy thế này để cho chúng nó sợ mà thôi.
Miệng tuy nói khôn thế, nhưng tính trẻ thì vẫn là tính trẻ. Sau khi bẻ hai chiếc gậy cầm ở tay rồi thì chúng nó tưởng mình là ông tướng ở chiến trường. Đức ta dửng mỡ, chọc Cu Nhớn trước, Cu Nhớn gạt, rồi Cu Nhớn quai Đức ta ở ngoài Hà Nội chỉ quen đấm đá xì xằng, thành ra không đỡ được, bị Cu Nhớn quai cho một cái vào cánh tay nên thân. Nó hét lên một tiếng, rồi buông gậy. Cu Nhớn cũng buông gậy, chạy lại:
- Có đau không? Tôi lại tưởng rằng anh đỡ được!
Đức ta đau, đau lắm. Từ tước đến giờ đã chưa ai giáng nó một gậy đau đến thế bao giờ. Nhưng sợ bạn buồn, nó cố nến:
- Không, không đau mấy.
Rồi nó cố cười:
- Hôm qua, tôi nghe thấy tiếng tù và kêu, tôi tưởng ma, tôi chạy, vấp vào cây duối, đau hơn nhiều. Thế nà đã thấm vào đâu.
Cu Nhớn xoa xoa cho nó:
- Ừ! Cũng đau chớ. Tôi quai thì phải biết! Cả xóm tôi, không thằng nào địch được. Trêu tôi thì tôi đánh phải biết!
Rồi nó cười ngặt nghẹo:
- Chúng mình đánh ai ốm xác chả thấy đâu, thấy chúng mình choảng phải nhau cái đã. Thôi, chả chơi dại. Đi, anh.
Vừa lúc ấy, thì một chiếc ô-tô vùn vụt đi qua. Đức ngó trâng:
- Trời ơi! Ô-tô nó đi nhanh thế kia thì mới hai giờ, chứ chúng mình đi chậm rì rì thế này, thì có đến hai mươi giờ. Thế mà hôm kia nghe bác tôi, tôi lại ngỡ là đi chân đất mất hai giờ, thế mới chết chứ.
Rồi Đức phá lên cười:
- Tôi về Hà Nội mà tôi bảo chúng nó rằng tôi đi bộ từ Bắc Giang về thì không đứa nào tin. Mà cậu mợ tôi nghe tôi nói thì phải phục tôi lè lưỡi.
Thốt nhiên, nó thấy sung sướng về chỗ đã làm cho cậu mợ nó phải phục nó. Nó phưỡng ngực lên, hít không khí. Rồi nó sung sướng bảo Cu Nhớn:
- Chà! Hôm trước tôi đi thì thấy mệt ghê! Hôm nay đi với anh thì chả thấy mỏi tí nào.
- Hôm trước, anh đi một mình. Hôm nay, anh đi hai người. Đi đường trường mà hai người thì chưa cười đã tới. Với lại bây giờ chúng mình mới đi. Thử đến Lim thôi, chứ đừng nói phủ Từ Sơn, lại không rã gối ấy à! Thế nào mà chúng mình chả ngồi nghỉ từ đấy đến đấy bao nhiêu chỗ. Bây giờ chúng mình còn khoẻ, chứ đi mãi thì nó mỏi dần đi chứ lại.
- Thế mọi lần anh đi từ đây ra Yên Viên, anh nghỉ mấy chỗ?
- Tôi đi lần trước giời nắng kia, cho nên tôi nghỉ luôn, nghỉ đến sáu bảy chỗ. Nhưng bây giờ giời rét, thì chỉ đến tỉnh lớn, mình nghỉ thôi.
- Thế từ đây đi Hà Nội với từ đây đi Yên Viên, xa hơn nhau bao nhiêu?
- Anh không đi bao giờ, nói thì anh không hiểu được. À, từ Yên Viên lên Hà Nội thì cũng bằng từ đây lên Phủ Lạng ấy. Nói thì anh hiểu chứ?
- Ồ, nếu chỉ thế thì tôi đi được, không sao.
Chương 13
Đang ở chỗ thị thành chật chội mà lúc nào tầm con mắt cũng như vấp phải những cái tường gạch, Đức được trông giời cao đất rộng, lấy là thú lắm.
Lại lúc ấy, buổi bình minh đang trong cái phút rực rỡ nhất. Mặt giời, vua của sự sống, ngự toạ trên trên ngai vàng đặt trong một làn mây không chút vẩn.
Những đàn chim mót thóc rập rờn bay từng đàn đông đặc, rồi lại sà xuống những ruộng lúa cắt trụi, còn trơ gốc rạ.
Xa tít xa tắp, những làng mạc viền một đường xanh lá mạ dưới những chân núi màu xanh lơ.
Gió sớm nhẹ nhàng thổi qua tất cả, tạo nên một điệu nhạc êm êm như gần mà lại như xa.

Cả cảnh vật, cái gì cũng hùng vĩ, đăng đối với những màu sắc rục rỡ. Sự sống như một chất men nồng, quyện lấy tất cả, rồi thì lấy ở tất cả, đem tiêm một chất gì say sưa, sảng khoái vào lòng người.
Đức nhìn, nhìn tất cả không chán mắt. Rồi bỗng nó thốt ra:
- Trời ơi, rộng và đẹp quá nhỉ? Trước kia, ở Hà Nội, tôi nghe người ta nói những đâu đâu, tôi chẳng biết đâu đâu là thế nào, nay mới biết nó là thế này đây.
- Ừ, anh chưa biết lên rừng và xuống bể còn to đẹp bằng mười.
Đức muốn biết rừng bể, liền hỏi ngay:
- Thế anh đã lên rừng xuống bể chưa? Rừng thế nào? Bể thế nào nhỉ?
Cu Nhớn hơi luống cuống:
- Tôi chưa lên rừng xuống bể, nhưng tôi nghe người ta đi về bảo thế. Người ta bảo rộng và to gắp trăm, gắp nghìn thế này này.
- Nhưng rừng thế nào mới được chứ?
- Rừng là cây ấy!
Đức trỏ một cây xoan tây:
- Cây thế này ấy à? Thế sao người ta không gọi là rừng?
- À không, không. Nhiều cây cơ chứ, nhiều lắm lắm cơ chứ, mà toàn là những cây to cao vút giời, mà lá thì trùm kín mặt đất.
- Ghê nhỉ!
- Chả ghê mà người ta lại bảo rừng thiêng nước độc. Nhưng không sao, thầy tôi bảo đi rừng mà không ăn những thứ sống sít thì không sao. Nước đun sôi, mà cái gì cũng luộc hín thì thôi, không còn sợ gì nước độc. Mà ngủ đừng có ngủ ở ngoài sương thì rừng thiêng cũng không làm gì được mình.
Đức trầm trồ:
- Thế thì nhớn lên, thế nào chúng ta cũng phải lên rừng xem cho biết.
Cu Nhớn nói một cách kiêu hãnh:
- Tôi thì chẳng cần phải nhớn. Thầy tôi bảo sang năm, nếu có ai thuê thầy tôi đi thả bè thì thầy tôi sẽ cho tôi đi để thổi cơm.
- Thế thì anh sướng nhỉ, sướng hơn tôi nhỉ. Cậu mợ tôi mà cứ nghe nói đến chỗ nào thiêng và độc là không khi nào bằng lòng cho tôi đi rồi.
Rồi buồn rầu, nhưng chân thành nhận lấy cái chỗ kém của mình:
- Nhưng thế thì cũng lại là anh hơn tôi nhiều. À mà này, bể thế nào nhỉ? Người ta bảo ở ngoài bể có những con cá to bằng con voi nó nuốt người cơ mà?
- À, à, đấy là cá voi đấy. Cá voi nó hiền lắm, nó không nuốt người đâu. Nuốt người là cá nhà táng đấy. Úi dà dà, ở bể thì nhiều cá lắm, mà con nào cũng to. Thầy tôi đi Quảng Yên về, nói chuyện có những con tôm hùm to bằng bắp đùi chúng ta này này.
- Thì là hùm, sao lại không to. Tôi đã trông thấy ông ấy ở trên trại Bách Thú, to gần bằng con bò ấy.
- À, à, không phải, đây là tôm cơ mà. Nó dữ như hùm thì người ta gọi nó thế. Còn cái con anh trông thấy đấy, gọi là ông ba mươi. Nhưng ông ba mươi ở rừng, sao người ta lại có ở trong vườn?
- À, vườn ấy nuôi các thứ súc vật, ở sau phủ Toàn Quyền ấy. Cậu tôi đưa tôi đi xem, bảo người ta bắt các ông ấy về từ bé, người ta nuôi, rồi người ta đem nhốt vào chuồng sắt cho những bé con như chúng mình xem.
- Ồ, thế thì tài nhỉ! Thảo nào người ta cứ bảo không có cái gì hơn được người. Ấy những cá to như cá voi, người ta cũng bắt được về, đem làm thịt bán ở chợ đấy.
- Bể nuôi được những giống cá ấy, chắc phải to lắm đấy nhỉ?
- To, to lắm. Chẳng to mà người ta lại bảo bể rộng, sông dài. Thầy tôi bảo đứng trông ra bể thì chỉ thấy nước cuồn cuộn cho tới chân mây, chẳng thấy đâu là bờ cả. Thầy tôi lại bảo ở ngoài ấy có đường lên giời, nhưng chỉ có tiên mới lên được thôi. Mà ở dưới nước thì có đường xuống địa ngục, bao nhiêu quỷ, giời dồn cả xuống đấy, rồi bỏ vào vạc dầu nấu.
Đức ngẫm nghĩ một lát:
- Thế tiên thế nào, quỷ thế nào nhỉ?
- Ồ, ồ, thế thì anh không biết gì cả. Những người tử tế, hiền lành tu nhân, tích đức lúc chết đi thì thành tiên. Còn những đứa gian ác, trộm cướp, những đứa chửi cha, mắng mẹ, đánh anh, đánh em thì lúc chết xuống địa ngục tất cả.
Đức ta bỗng rùng mình rợn gáy, nín thin thít không dám thở.
Cu Nhớn lại bồi thêm cho nó một búa cái, khiến cho nó choáng váng cả đầu óc:
- Bu tôi bảo những kẻ ăn bơ, làm biếng, những kẻ đong non, cân thiếu, thì đều bị quỷ sứ cho vào cối giã, hay bắt leo cầu vồng, rồi du xuống vực sâu cho rắn cắn.
Cảnh vật đang tưng bừng, bỗng tối sầm ở trước con mắt Đức. Nó bồi hồi nghĩ đến cái thân nó về mai sau.
Nhưng lòng sợ hãi của trẻ con như trận mưa bóng mây, thoáng cái rồi tan. Bao giờ nhựa sống đầy ứ ở trong nó vẫn là mạnh hơn, làm át được tất cả.
Chỉ một việc cỏn con xảy ra là liền làm cho nó quên ráo cả thiên đường và địa ngục.
Hai đứa đương đi thì vụt một đàn trâu bò ở trong cổng làng lồng ra. Đức thấy những cái sừng nhọn hoắt, những con mắt trợn trừng, cùng cái dáng điệu hung dữ của chúng, sợ quá, toan trèo lên cây.
Cu Nhớn kéo áo nó lôi xuống:
- Ồ, trâu bò đấy mà, bao giờ nó chẳng sợ mình. Chúng trông hung hăng như thế, nhưng không bao giờ dám húc ai cả, trừ khi nó phát điên thì chẳng kể.
Đức giơ giơ tay:
- Thế thế kia không là phát điên à?
Cu Nhớn cười ngoẹo cả cổ:
- Không, không phải. Cả đêm bị nhốt trong chuồng, nay được thả ra đi ăn, chúng nó sướng, chạy tung tăng thế thôi. Đây là đàn trâu bò của ông nghị Hắc đấy mà. Ông ấy giàu nhất vùng tôi đấy. Con bò của thầy tôi trước cũng bán cho ông ta đấy.
Rồi nhìn kỹ vào đàn trâu bò:
- À, không thấy nữa. Có lẽ ông ta đã bán cho người khác rồi. Bò nhà tôi có tiếng tốt nhất vùng này.
Và nhìn kỹ khắp cả một lượt:
- Đàn trâu bò này tuy nhiều, nhưng ít con tốt, vởi vì ông ấy bắt nợ và mua lung tung. Với lại ông ta có nhiều, chẳng cần.
Trỏ một con trâu:
- Nhà tôi mà sau này nếu có mua trâu là không mua những con ấy bao giờ.
- Tại sao? Nó to và béo đấy chứ.
- Ồ, ồ, to béo vất đi thì to làm gì? “Quá tóc, hóc chủ” đấy, anh ạ. Tướng nó không tốt. Còn con kia thì “tam tinh, rình ăn trộm”. Mua con ấy thì đêm nào mình cũng bị kẻ trộm rình, mà trâu thì cũng đến mất thôi.
Đức ta toan hỏi thế nào là “tam tinh”, thế nào là “hóc chủ” thì Cu Nhớn đã lại trỏ một con khác:
- Con kia xoáy hậu thế nào cũng bị sét đánh. À, à, đàn trâu bò này xấu cả. Thì anh tính, của bắt nợ ấy mà. Có xấu thì người ta mới chịu gán đi chứ. Thầy tôi mà tậu trâu bò thì không con nào phí được cả. Lái nào cũng không lừa được thầy tôi. Dán sừng, chắp đuôi, làm xoáy là thấy tôi thoáng nhìn, biết cả. Thầy tôi trông là biết con nào bền, con nào xổi, con nào phàm ăn, con nào lười vật.
Đức ta như lạc vào cái hầm vô đề của những tiếng lóng nhà nghề. Rồi khi thoát ra, Đức ta hỏi một câu nó chứng tỏ cái ngu si của một cậu bé tỉnh thành không biết hột cơm mình ăn tự đâu ra:
- Trâu bò thì chỉ dùng để ăn thịt, chứ còn làm được cái gì, mà sao tôi thấy anh thích thế?
Cu Nhớn bật lên như một thanh tre cong bị tuột lạt, bênh vực một cách triệt để con vật nó đã cùng chia sự vất vả, gian lao với mình:
- Không có trâu bò thì chết đói ráo, hàng tỉnh cũng chết rã họng ra. Không có nó ấy à, đừng hòng có ruộng cấy, có thóc ăn. Nhà quê, con trâu, con bò là quý nhất. Không có nó vật lực cho mình ấy à, thì ruộng đất bao nhiêu cũng vất đi.
Rồi trỏ những thửa ruộng đã cày ải:

- Đấy, trâu bò nó cày lên đấy. Rồi thì người ta mới bừa, mới tháo nước vào mà cấy được chứ.
- Tôi tưởng đấy là người ta cuốc đấy chứ?
- Cuốc thì cuốc được bao nhiêu? Một con trâu làm bằng hai mươi người. Mấy thửa ruộng kia ấy à, trâu chỉ một buổi sáng, chứ cuốc thì hai mươi hôm chưa xong. Ở nhà quê có ăn là nhờ trâu bò cả. Úi chà, người ta nuôi nó như nuôi con ấy chứ, hơn con nữa chứ. Con nhiều đứa chỉ ăn báo hại, chứ trâu bò thì giúp giập người ta vô kể. Tôi đã thấy lắm người lúc túng phải bán trâu bò đi, khóc rưng rức. Chính bu tôi, lúc thầy tôi đem bán trâu đi, cũng khóc sưng cả mắt lên đấy.
- Thế à?
- Chứ lại chả thế. Nó làm với mình quen chân, quen tay rồi. Lại cho tới khi nó già, mình bán nó đi, cũng vẫn được tiền. Và nếu không bán đi cho lái, nhà làm thịt thì cũng vẫn bán được da, được xương, được sừng. Mà anh còn chưa biết, phân trâu bò bón ruộng tốt đệ nhất.
Chương 14
Nghe Cu Nhớn bênh vực và giãi bày về tài năng của con trâu, Đức mới sực vỡ ra. Nó nắm tay Cu Nhớn, và nhìn như để xin lỗi:
- Thì tôi có biết đâu!
Cơn tức bực hình như chưa dẹp hết ở trong lòng Cu Nhớn:
- Ừ, thế tại anh không biết thì anh mới nói thế, chứ ở nhà quê, ai cũng quý trâu bò cả.
Rồi thì hình như nó sực nhớ ra một điều gì:
- À anh, có phải người ngoài tỉnh khinh người ở nhà quê lắm có phải không?
Đức chối lia, chối lịa:
- Không, không có. Đấy thì anh xem, tôi quý anh biết chừng nào!
Cu Nhớn đã hả lắm rồi:
- Tại tôi nghe thầy tôi đi tỉnh về nói thế, chứ tôi có ra tỉnh mấy đâu mà biết.
Rồi chợt đến một chỗ có mấy thửa mạ xanh rờn, Cu Nhớn trỏ tay:
- Đấy, không có trâu bò, sao có thể gieo được mạ? Mà đã không có mạ thì làm sao có lúa cấy? Mà đã không cấy được lúa thì lấy đâu ra thóc? Mà không có thóc thì có đâu cơm mà ăn?
Đức bật lên hỏi:
- Ồ, tôi tưởng cơm là ở gạo nấu ra, chứ có phải thóc đâu?
Lúc này thì Cu Nhớn nhìn Đức thật là ngơ ngác như người ta nhìn một quái tượng. Rồi thì sau nó hiểu ra:
- À, ra anh ở tỉnh không cày cấy bao giờ, nên anh không biết. Thóc tức là gạo. Thóc bỏ cái vỏ đi là gạo.
- Thế cái gì sinh ra thóc?
- Cây lúa.
- Thế cái gì sinh ra cây lúa?
- Mạ.
- Thế còn mạ?
- Hạt thóc gieo lên.
- Ồ, thế thì hay nhỉ. Ồ, thế thì về Hà Nội, tôi cũng gieo mạ chơi.
Cu Nhớn trề môi:
- Anh tưởng gieo mạ dễ lắm đấy à? Ồ, từ hạt thóc thành bông lúa, lâu lắm đấy chứ. Bao nhiêu công cày bừa khó nhọc, làm cỏ, tát nước, chứ lại chơi mà được. Nếu thế thì đã không có nhiều người bị đói.
Đức ngoái cổ, toan hỏi thì Cu Nhớn đã hiểu ý:
- Anh muốn biết từ đâu hạt thóc thành cây lúa phải không?
Đức gật đầu:
- Tôi chỉ có thể nói sơ sơ cho anh hiểu được thôi.
Rồi chỉ một thửa ruộng có một nông phu đang cày:
- Đấy là mùa chiêm nhé. Gặt xong mùa rồi cày ngay thế kia, gọi là cày vỡ. Để cho ải, rồi chờ mưa mới cày đi vài lượt nữa, rồi bừa, rồi mới nhổ mạ lên cấy từng túm nhỏ vào. Rồi chờ nó mọc, rồi phải làm cỏ, tát nước, còn bao nhiêu thứ nữa, rồi tháng tư, tháng năm mới được gặt, gặt về đem phơi. Rồi khi nào ăn thì bỏ vào cối xay, xay xong, còn giã, còn sàng cám, rồi mới thành gạo. Được hạt gạo, lâu công lắm lắm. Mà hễ có mưa nhiều hay hạn hán, lúa cứ đét đi mà chết nữa, chỉ còn có rạ thôi. Chà! Anh ở tỉnh không biết, chứ được hạt gạo ăn, phải thức khuya dậy sớm, phải chân lấm tay bùn, khó nhọc biết là chừng nào ấy chứ!
Một giọng hát véo von, lúc ấy từ ruộng xa đưa lại:
Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Cu Nhớn lúc ấy lòng đang say sưa với hồn đất, và tưng bừng cái đời cần lao của thú quê, liền nối ngay:
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò,
Để cho ta lại làm mùa tháng năm,
Sớm ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm, ta sẽ vớt ra.
Gánh đi, ta ném ruộng ta,
Đến khi ra mạ thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi lại trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa làm đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười còn độ một hai.
Cao thời đóng một gàu dai,
Lúa thấp thời lại đóng hai gàu sòng.
Để cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Tiếng hát say sưa của Cu Nhớn vừa trong vừa ấm, như đưa bổng hồn Đức tới một chỗ cao vút và mát mẻ, khiến cho trong người Đức thấy lâng lâng…
Tới khi Cu Nhớn dừng tiếng hát, thì Đức như cảm thấy mình như bị đứt đoạn với một cái gì thú vị lắm:
- Chà, anh hát hay quá! Tôi không ngờ anh mà lại biết hát đấy.
Cu Nhớn được dịp để khoe nơi thôn ổ của mình:
- À, tôi con giai, giọng ồ ồ, hát không hay mấy, chứ con gái làng tôi vừa tát nước vừa hát thì phải biết. Tôi nghe cứ say như điếu đổ, như có cái gì, cái gì… ở trong người… nó… gì gì khắp cả ấy.
Đấy là ý Cu Nhớn muốn nói… như hồn đất nước nó dâng lên, rồi cuồn cuộn chảy ở trong mạch máu, nhưng Cu Nhớn không biết nói.
- Ồ, thế thì tôi phải về nhà quê luôn mới được. Ở Hà Nội, tôi có kèn hát. Tối nào mợ tôi cũng mở cho tôi nghe, nhưng tôi nghe như người hát bị ngạt mũi thế nào, rè rè chứ không véo von được như anh.
- Con gái làng tôi hát còn vèo von nữa. Úi chà, anh phải biết, hát thì làm việc quên mệt đi đấy. Nhà quê thì thường là ai cũng phải hát cả.
- Thế có ai dạy anh không?

- Chả có ai dạy cả. Cứ nghe người ta hát thì nhớ đấy thôi. Làm việc cả ngày, anh tính còn thì giờ đâu mà học hát?
Đức nghe Cu Nhớn nói thì thấy rằng người nhà quê chăm chỉ và ích lợi hơn người ở tỉnh và họ còn biết nhiều hơn nữa. Rồi thì nó sực nhớ tới những câu mắng: “Đồ nhà quê!”
Nó vụt nhận ngay ra rằng vì người tỉnh thành không hiểu người nhà quê mà mắng thế, chứ đến đúng như lới Cu Nhớn nói – mà lời Cu Nhớn nói thì phải đúng - nếu không có người nhà quê cày ruộng thời người hàng tỉnh cũng chết đói rã họng ra ấy.
Nó tự nhủ nó từ nay thì không bao giờ nó lại đi mắng ai là “đồ nhà quê” cả. Bởi mắng như thế, tức là vô ơn với những người đã làm ra thóc gạo để nuôi sống mình.
Và bây giờ thì nó đã hiểu hạt cơm là quý lắm lắm rồi. Bây giờ, nó mới nhận thấy rằng ra trước kia, nó khinh người rẻ của nhiều quá.
Nó như thế, bởi vì nó không biết, bởi vì nó đã chẳng đi đến đâu để biết cả.
Bây giờ thì nó mới thấy rằng giời đất còn rộng lắm, và nhiều cái đáng biết lắm, chứ không phải chỉ có tỉnh Hà Nội toen hoẻn, với những hàng tơ lụa và tạp hóa như của mợ nó đâu.
Nó khổ mất một buổi tối, nhưng may, nó đã biết ra được nhiều quá! Nó nhìn Cu Nhớn cứ thoăn thoắt đi, rồi thì nó vụt nói:
- Giá tôi cũng được như anh, về ở nhà quê…
- Ồ, nhưng anh về ở nhà quê thì anh lại không làm được những công việc của tôi. Thế thì anh lại không thể ở nhà quê được. Thầy tôi bảo mỗi người một nghệ.
Đức không hiểu, nhưng muốn chiều bạn, nó cũng gật lấy gật để:
- Ừ nhỉ.
Câu chuyện của chúng nó tới đây thì chúng nói tới Sen Hồ.
Thấy người tấp nập, Cu Nhớn reo ngay lên:
- A, hôm nay ngày phiên chợ! Chúng ta đứng lại xem chợ một tí cũng không sao.
- Nhưng đây là gì đã chứ?
- Là Sen Hồ. Người ta gọi thế bởi vì đây có những cái hồ sen to. Nhưng mùa này thì không có hoa.
Đức thấy người gồng, kẻ gánh, mua bán rộn ràng, liền hỏi Cu Nhớn:
- Sớm thế này mà họ đã họp chợ nhỉ? Thế họ dậy từ bao giờ?
- Họ dậy cũng bằng anh với tôi. Hay là còn sớm hơn nữa.
- Ồ, tôi tưởng chỉ có anh với tôi là có việc dậy sớm thôi đấy.
- Ồ, người ta ai chả có việc, ai chả phải dậy sớm!
- Thế ra trước kia tôi ngủ trưa, thì lúc ấy ở đâu đâu, có vô số người dậy sớm làm việc rồi đấy.
- Chứ sao. Có ăn thì phải có làm chứ.
- À, ra thế đấy.
Cu Nhớn đưa Đức đi xem khắp chợ một lượt, gặp cái gì Đức cũng không hiểu, cũng giảng cho Đức nghe.
Khi qua một hàng nước, Cu Nhớn nắm áo Đức, giữ lại:
- Anh có khát nước không?
Đức hơi khát, nhưng nghĩ đến năm đồng xu mà Cu Nhớn muốn dành để đong gạo, liền thoái thác.
- Thế thì ta lại đi.
Mặt giời lúc ấy đã lên hơi cao. Đi gần tới Đáp Cầu thì Đức thấy ráo cổ, và mỏi chân. Rồi thì nó cứ đi chậm dần, khiến đã mấy lần, Cu Nhớn phải giục.
Đức thấy bạn giục quá, sợ làm phiền lòng bạn, phải thú thật:
- Tôi khát nước quá cho nên tôi đi chậm, anh ạ.
- Thế sao anh không bảo?
Rồi thì nhìn trước nhìn sau, thấy toàn đồng không mông quạnh, không có hàng quán nhà cửa gì, Cu Nhớn liền moi ở túi ra một quả quít:
- Đây không có hàng nước, anh ăn tạm quả quít này vậy.
Đức thấy quít, đã sướng mê, nhưng chưa cầm vội:
- Quít anh mua ở đâu đấy? Lúc nãy ở chợ, tôi không thấy anh mua mà?- À, quả quít chiều qua bu tôi cho tôi, nhưng tôi không ăn, vì tôi biết hôm nay đi đường, thế nào chúng ta cũng phải cần đến.
- Anh biết lo xa thật.
Rồi bóc quả quít, đưa một nửa cho Cu Nhớn:
- Anh với tôi, chia đôi.
Cu Nhớn chỉ cầm có hai múi.
- Không. Anh khát, cần nhiều, chứ tôi không khát thì cần gì.
Đức thấy Cu Nhớn chân thành, và biết nếu mình không ăn cả thì bạn sẽ không bằng lòng, liền ăn cả. Ăn xong, Đức nhìn Cu Nhớn bằng con mắt đầy cảm ơn:
- À, ngon quá, tôi thấy hết khát rồi.
Hết khát thì nó chưa thấy hết khát đâu. Nó chẳng qua được tấm lòng tốt của bạn nâng đỡ đấy thôi. Và vì cảm như thế, nó quên mệt.
Bây giờ thì nó hiểu thêm một điều rằng người ta không thể sống trơ trọi được. Người nọ cần được nâng đỡ, khuyến khích bởi người kia. Mà sự chơi bời với nhau, quý nhất ở tấm lòng thành thật và tử tế, và muốn cho sự chơi bời được bền lâu thì cần phải biết nhường nhịn.
Đi được mấy bước, nó lại xuýt xoa:
- Chà, ngon quá, ngọt quá! Tôi chưa ăn một quả quít nào ngọt hơn. Mà đến cam cũng không bằng.
Cu Nhớn tủm tỉm:
- Có đâu, ở tỉnh nhiều quít ngọt chứ?
- Không, thật mà.
Nó nói thật đấy. Quả quít này đã ăn trong lúc cần ăn, lại là của tình bạn đem cho thì còn quả quít nào ở trên đời ngon được bằng nữa.
Chương 15
Đi đến Nam Ngạn, trông thấy cầu, Đức reo lên:
- A, cái cầu thứ hai kia rồi! Hôm kia, tôi cứ ngong ngóng mãi mà chẳng thấy đâu. Thì ra vì mình đi chân. Thế là còn một cái cầu nữa là đến Hà Nội thôi. Rồi đến cầu sông Cái tức là Hà Nội rồi. Đến đấy thì tức khắc tôi lên xe về nhà.
- Thế tiền đâu mà giả?
Đức sung sướng, ôm lấy bạn:
- Anh chưa biết, tôi mà về tới nhà tôi thì bao nhiêu tiền cũng có. Cậu mợ tôi lại không mừng rú lên ấy à.
Rồi thì bỗng nó lại sầm mặt xuống. Ba ngày luân lạc đã đem đến cho nó nhiều ý nghĩa khác về cuộc đời.
- Mà bây giờ, có lẽ cậu mợ tôi đang khóc đây. Vì ba hôm nay, cậu mợ tôi không biết tôi đi đâu.
Cu Nhớn thấy bạn buồn, liền an ủi:
- Chắc là không khóc đâu. Đi vài ngày thì có gì mà phải khóc.
- À, anh khác, tôi khác. Anh đi đây, đi đó luôn. Mà tôi thì chưa rời khỏi nhà ra một bước. Đi đâu thì đã có cậu mợ tôi. Tôi chắc rằng bây giờ đang cho người đi tìm tôi đây này.
Nói xong, nó trông trước trông sau, tưởng chừng như những người đi tìm nó đang lảng vảng ở đâu đây.
Cu Nhớn thấy thế, cười:
- À, người nhà anh biết anh ở đâu đây mà tìm.
Cái buồn của Đức, chỉ khi trông thấy nước sông Cầu đỏ ngầu và chảy xiết là hết.
Cu Nhớn trỏ những thuyền đậu chi chít ở bờ:
- Đây gọi là bến nước mắm, vì những lái nước nắm từ Nghệ ra đỗ cả thuyền ở đây, nên gọi thế. Cả mạn Bắc Giang, ai muốn mua nước mắm cũng đến đây mua. Đấy, anh xem, người mua kẻ bán đông không. Bên kia là Thị Cầu, là phố, nhưng chúng mình đi Hà Nội thì cứ cầu mà đi thẳng, vào đấy vòng xa ra.
- Không, anh cho tôi vào đấy xem đã.
- Không có gì đâu, cũng phố xá như Bắc Ninh thôi. Thế thì sao bằng mình đi qua Bắc Ninh, rồi mình xem luôn thể. Lại là con đường mình đi, không mất thì giờ. Trước thầy tôi hay sang Bắc Ninh lắm. Tôi có đi theo hai lần, tôi biết rõ các phố cơ. Nhưng tôi nghe người ta nói Bắc Ninh vẫn chưa to, chưa đẹp bằng Hà Nội.
- Tôi không còn nhớ là chỗ nào nhưng tôi có đi xe ô-tô qua, tôi biết. Đâu bằng Hà Nội được, Hà Nội đẹp nhất và to nhất nước An nam mà lỵ.
- Phải rồi, ai cũng bảo thế cả. Lớn lên thế nào tôi cũng phải về xem Hà Nội mới được.
Đức nhìn bạn bằng con mắt cầu khẩn:
- Hay anh sang ngay ngày hôm nay với tôi? Sang nhà tôi, phải biết sướng lắm cơ! Cậu mợ tôi sẽ tử tế với anh như bu anh tử tế với tôi ấy. Cu Nhớn lắc đầu:
- Không được. Tôi còn phải đem tiền về nhà cơ mà. Với lại tôi chưa xin phép thầy bu tôi.
- Thế thì chốc nữa đến Yên Viên, anh xin phép thầy anh đi.
- Thầy tôi không cho đâu. Thầy tôi biết nhà còn chưa hết việc, thì giờ đâu mà đi chơi!
Đức biết không thể được, lặng im, nhưng từ đấy thì nó thấy se se ruột thế nào ấy.
Lên tới cầu sông Cầu, Cu Nhớn trỏ lên mạn thượng lưu:
- Lũ nhà kia là sở máy làm giấy cho chúng ta viết đấy.
Đức không nhìn nhà máy giấy. Nó nhìn dòng sông xa tít xa tắp, lẩn vào chân giời:
- Con sông này từ đâu lại nhỉ?
- Ai biết được, nghe người ta nói từ bên Tàu.
- Thế nó chảy về đâu?
- Nó chảy ra bể.
Đức quay lại, nhìn dòng nước chảy băng băng:
- Thế thì cũng xa nhỉ?
- Hẳn là xa chứ. Chẳng xa mà người ta lại gọi là đầu sông ngọn nguồn.
Đức bâng khuâng nhìn những xoáy nước đang xoáy ở dưới cột cầu:
- Thế nước ta có nhiều sông không nhỉ?
- Ồ, nhiều lắm lắm chứ. Tính làm sao cho hết được. Thì từ Hà Nội lên Bắc Giang là bốn sông rồi này.
- Thế anh có biết hết sông của nước ta không?
- Tôi không biết, nhưng tôi thuộc nhiều câu hát, vì thế tôi mới biết nước ta có nhiều sông đấy chứ.
- Câu hát thế nào? Anh hát cho tôi nghe. Tôi thích nghe anh hát lắm.
- Ai lại hát ở đây.
Rồi Cu Nhớn chỉ se sẽ đọc:
Thứ nhất sông Nến chảy ra,
Thứ hai ngòi Mỡ, thứ ba ngòi Dầu.
Sông Ngòm chửa thấm vào đâu,
Còn anh sông Đáy trọc đầu mà ra.
Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Những người lử khử lừ khừ,
Chẳng ở Đại Từ thì ở Vũ Nhai.
Mặt vàng đổi lấy mặt xanh,
Hai tay hai gậy, lạy anh sông Bờ.
Sông Thao nước đục người đen,
Ai lên phố Én cũng quên đường về.
Dù ai buôn đâu bán đâu,
Làm sao cho khỏi cầu Châu thì làm.
Đi bộ thì khiếp Hải Vân,
Đi thuyền thì khiếp sông Thần, hang Rơi,
Khôn ngoan qua cửa sông La,
Dễ ai có cánh bay qua luỹ Thày.
Nhớ anh tôi cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang rầy nay đã cạn,
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm.
Đức nghe xong, thú quá:
- Chà, nước ta có nhiều sông lạ nhỉ? Thế thì nước ta to lắm nhỉ?
- Chả to lại gọi là nước.
- Thế thì ai làm ra những bài hát như thế nhỉ?
Cu Nhớn nghĩ mãi không ra. Đức liền nói:
- Chắc là cái người đã đi khắp tất cả ngần ấy chỗ đấy. Trời ơi! Nhớn lên, chắc là tôi phải đi khắp cả nước An Nam.
Một tiếng còi tàu thủy rúc ở phía sau làm cho hai đứa giật mình, quay lại. Rồi thì Cu Nhớn vội giục Đức:
- Chết chửa, ta phải đi chứ, la cà mãi ở đây à? Tối mất!
Qua Bắc Ninh thì Đức đã thấy đói, vì buổi sáng nó ăn ít. Và từ đấy thì nó đã mệt lắm. Nhưng thấy bạn cứ đi thoăn thoắt, nó cũng cố. Cố mãi, cố mãi cho tới Lim thì Cu Nhớn trỏ một hàng nước:
- Thôi, ta nghỉ đây ăn cơm.
Đức mừng rú:
- Tôi cũng vừa muốn xin anh như thế. Tôi đói và mỏi từ Bắc Ninh cơ.
- Ồ, thế sao anh không bảo tôi?

- À, thấy anh như thế, tôi cũng phải cố chứ. Sao anh bằng tuổi tôi, anh lại đi khoẻ như thế được? Mà tôi thì lại không? Trời, thật giá anh không nghỉ lại thì có lẽ tôi lăn ra đây, không tài nào đi được nữa! Nhiều lúc, tôi chỉ muốn ngồi thụp xuống đường mà khóc lên thôi.
Cu Nhớn lại xuýt xoa:
- Ồ, thế tại làm sao anh không bảo? Anh bì với tôi thế nào được! Tôi đi quen rồi, mà anh thì chưa đi bao giờ.
Rồi vừa lau mồ hôi cho Đức, nó vừa bảo:
- Thì ra các cụ nói đúng thật. Ở đời, cứ cố là được đấy thôi mà.
Đức tháo giày:
- Nhưng tôi chỉ có thể cố tới đây thôi. Lúc nãy, tôi nhiều lúc thật là thở không ra hơi. Mà anh thì cứ cung cúc đi. Anh chả nhìn lại, anh không biết.
Rồi vén quần, giơ chân đọ với chân Cu Nhớn:
- Chân tôi to hơn chân anh, mà sao tôi yếu hơn chân anh nhỉ?
- Yếu thì có lẽ anh không yếu hơn. Nhưng tại anh chưa quen. Quen đi là không mỏi mệt. Anh không đi đâu bao giờ mà như thế là giỏi lắm. Tôi nhớ ba năm trước đây, khi thầy tôi cho tôi đi xem hội “Cát Tô”, lúc về, thầy tôi phải cõng tôi cơ mà. Chúng mình đi bây giờ là mùa rét còn đỡ chứ mùa nực thì phải biết, còn mệt gấp ba.
Đức lắc đầu, lè lưỡi:
- Mùa nực thì có lẽ tôi chịu. Ái dà, giá tôi biết thế này thì không khi nào tôi dám đi. Mà từ đây về Hà Nội, giá không cùng đi với anh thì có lẽ tôi cũng không đi được. Tôi thấy rời cả chân ra. À, thế mà lúc sáng thì tôi thấy khoẻ, tưởng chừng có thể đi cả ngày được. Anh nói đúng. Đi mãi rồi thì nó mỏi đi.
- Không sao. Anh đói và khát thì nó thế. Ăn cơm xong, nghỉ một lúc, thì lại đi được ngay. Hôm nay có anh, tôi vui chân mới đi xa thế được, chứ đi một mình thì tôi cũng mỏi chân, cứ phải nghỉ luôn.
Chương 16
 Đức cứ vớ lấy bát nước chè tươi, toan ực cả một hơi. Cu Nhớn vội cản:
- Ấy, đừng! Uống thế thì chỉ tổ khát thêm. Anh phải uống từ từ, thì nó sẽ hết khát ngay. Với lại đương khi mệt và đói, không nên uống nhiều quá, nó õng ruột ra.
Bà hàng nước nghe Cu Nhớn nói thế, tủm tỉm cười:
- Cậu áo ta này như thế mà khôn ra phết:
Đức ngừng uống:
- Chả thế, tôi lại gọi là anh tôi.
Cu Nhớn vội vàng cải chính ngay:
- Không phải đâu! Bạn đấy thôi.
Uống nước xong, Đức ra ngồi nghỉ mát ở đầu ghế. Thấy nó ráo mồ hôi mồ kê, Cu Nhớn mới đem cơm ra. Miếng cơm nắm hôm nay nó ăn thật là tuyệt trần. Lại càng tuyệt trần, bởi vì bây giờ nó đã quen với nhọc nhằn, quen với mùi tân khổ. Lại càng tuyệt trần, bởi vì bây giờ nó biết miếng cơm nó ăn đây là mồ hôi nước mắt của bao người.
Cơm nắm, nắm đã mịn, lại săn, lại là chất gạo đỏ, ăn cứ ngọt lịm, lại chấm vào muối vừng mà bu thằng Cu Nhớn đã bảo rang nhạt, chà nó mới đậm miệng làm sao!
Bây giờ, Đức mới hiểu rằng sự ngon miệng phải mua bằng sự vất vả, bằng sự cật lực tay chân. Trước kia, nó ăn chẳng bao giờ thấy ngon cả, bởi chẳng bao giờ nó cất nhắc tay chân.
Bà cụ hàng thấy nó ăn ngon lành quá, liền hỏi:
- Chà! Cậu đi từ đâu về mà coi bộ đói thế?
Nó thích chí:
- Tôi đi từ Bắc Giang về đấy.
Bà cụ lè lưỡi:
- Chà! Nhỏ thế mà đi được à?
Nó cười:
- Tôi còn đi ra Hà Nội nữa cơ.
Bà cụ trầm trồ:
- Thế thì cậu giỏi quá! Trông người cậu thế, tôi tưởng cậu không đi được.
Nó nhìn Cu Nhớn một cách ý nghĩa:
- Trước kia thì tôi không đi được. Bây giờ tôi mới học đi đấy.
Bà cụ không hiểu cái nghĩa ngầm trong câu nói của nó:
- Phải rồi! Đi một ngày đàng thì học một sàng khôn, có phải không?
- Vâng, cháu vừa học được mấy sàng khôn chứ chẳng phải một sàng đâu.
Bà cụ gật gật đầu:
- Thế thì cậu có chí lắm. Bé mà đã biết đi để học.
Đức nghiêm ngay sắc mặt, và đặt tay lên đùi Cu Nhớn:
- Đây, ông thầy học của cháu đây.
Cu Nhớn thẹn quá, hất tay nó ra:
- Chỉ nói nhảm thôi nào!
Đức vẫn nghiêm trang:
- Thì không có anh, làm sao tôi biết được? Rồi anh xem, tôi nhớ anh cho đến suốt đời kia.
Cu Nhớn lại càng thẹn:
- Anh là chúa hay nói đùa. Lúc nãy đi bở mồ hôi tai ra, lại không thấy nói đùa.
Một bác hàng giò đi đón khách ở ga về, đặt rổ hàng cạnh chúng nó. Chà, cứ mùi chả, Đức đã thấy ngây ngất rồi. Đến khi trông thấy những miếng chả vàng ánh, nhưng khoanh giò mịn trắng, Đức ta thầm ước: Giá mình có một hào trong túi, hay chỉ năm xu thôi… Chà! Cơm nắm mà ăn với những khoanh giò kia thì còn ngon đến thế nào nữa.
Cu Nhớn nhìn con mắt nó, nhìn là hiểu ngay:
- À! Ta mua giò ăn đi, anh ạ.
Đức ta đã thèm chết đi, vẫn còn can đảm từ chối:
- Không, tôi không ăn. Cơm nắm ăn với muối vừng, ngon hơn nhiều chứ!
Từ chối mặc, Cu Nhớn cũng lần ở trong lưng ra hai xu, ném cho bác hàng giò:
- Cho tôi mua hai xu chả trâu.
Đức chối bai bải:
- Không, tôi đã bảo tôi không ăn mà, tôi không thích ăn mà.
Bác hàng giò nhạo ngay:
- Gớm, trông cậu người sang trọng thế, sao cậu hà tiện thế? Thì cậu ấy đã có lòng tốt đãi cậu mà.
Đức nói như một ông cụ:
- Tôi mới biết hà tiện đấy. Trước đây ba ngày, tôi còn vứt xu và hào đi kia.
Thấy bác hàng giò không tin, nó liền dắn tiếng:
- Tôi nói thật đấy.
Dù nó từ chối, thì miếng chả cũng đã cắt rồi, và Cu Nhớn cũng đã đem đặt lên cái mo cau cơm nắm rồi.
Đức nghĩ đến cái năm đồng xu mà Cu Nhớn bảo rằng để đong gạo, lòng thấy bồi hồi. Rồi trước khi cầm đến chả:
- Anh cũng phải ăn với tôi một nửa cơ.
Miếng chả trâu đen thui thủi, à, trước kia thì nó vứt đi, và nếu nó muốn ăn, thì mợ nó đã la ầm trời:
- Không được, không được! Thứ này ăn có sán.

Nhưng bây giờ, con người ta bao giờ lại chả là giống ăn thịt, bao giờ thịt ăn với cơm lại chẳng ngon hơn. Huống hồ đây lại là lấy ở cái số tiền gạo của gia đình bạn, huống hồ đây lại là cái tang chứng hảo tâm của một người bạn rất nghèo. A ha! Từ đây cho tới chết, chắc Đức ta không thể ăn một thứ gì ngon bằng cái miếng chả trâu đen thui thủi ấy nữa.
Cu Nhớn thấy nó ăn ngon quá, lòng cũng phơi phới:
- Hay ăn nữa, tôi mua?
Đức ta hoảng hốt:
- Không, không, tôi lạy anh, anh thương tôi với.
Cả bà cụ, cả bác hàng giò cũng phải bật phì cười:
- Thì không muốn ăn thì thôi, cái gì mà phải lạy như thế!
Cu Nhớn hiểu cái cớ tại làm sao bạn không muốn ăn, và xét thấy bạn thực không muốn ăn, không ép nữa.
Đức ăn cơm xong, vươn vai lên giời, thở một cái thở dài sung sướng. Bữa cơm hôm ấy, thật là bữa cơm ngon nhất của đời nó. Nó nhìn Cu Nhớn bằng một con mắt hân hoan:
- Chà! Đi với anh thú quá!
Cu Nhớn đỡ bát nước ở tay cụ hàng, đưa cho nó:
- Anh ăn mấy cái kẹo bột nhé:
Đức biết không thể từ chối được, vội vàng móc đồng xu trong túi mình:
- Nhưng anh phải để tôi giả tiền cơ.
Cu Nhớn cầm đồng xu, nhét giả vào túi cho nó, rồi sẽ rỉ vào tai nó:
- Thế từ Yên Viên về đến đầu cầu, lấy gì mà uống nước?
Đức nghe bạn nói có lý, không biết làm sao, vả mình đã trót nói rằng muốn ăn rồi.
Quả tình những cái kẹo này, nó ăn không thấy ngon mấy bởi vì nó cảm thấy nó lợi dụng cái tình bạn của Cu Nhớn.
Bà cụ hàng thấy hai đứa tranh nhau giả tiền, lại trầm trồ:
- Chà! Tôi chưa thấy hai cậu bé nào chơi với nhau thân thiết như hai cậu đấy! Hai cậu chắc quen nhau lâu lắm nhỉ?
Đức giả nhời ngay:
- Chúng tôi vừa mới quen nhau ngày hôm qua.
- Ồ, thế thì lạ nhỉ! Nhưng mới quen nhau mà đã vồ vập như thế thì rồi chóng phai.
Đức đứng phắt dậy, giơ hai tay lên giời:
- Không bao giờ phai cả. Chúng tôi sẽ chơi với nhau suốt đời.
Cơm no, lại gió hiu hiu, nó thấy hai mắt nó díp lại, không tài nào mở ra được nữa. Trong giấc ngủ, nó nằm mê thấy nó cùng với thằng Cu Nhớn cùng lớn lên, cùng vui vẻ với nhau cho tới chết.
Cu Nhớn thấy bạn mệt và buồn ngủ quá, chỉ giơ tay đỡ lấy đầu bạn, rồi để yên, chứ không đánh thức dậy để đi.
Cảnh thân thiết của chúng nó khiến cho cụ hàng phải bật ra:
- Giời ơi! Giá anh em ruột ở với nhau mà được như thế nhỉ! Cậu quen cậu ấy ở đâu thế?
Cu Nhớn nhìn bạn, rồi sẽ lắc đầu. Bà hàng hiểu ý Cu Nhớn muốn để cho Đức ngủ, nên lặng im, không hỏi nữa.
Đức ta khểnh một giấc dài, rồi thì bỗng dưng nó chồm dậy, gọi thét lên:
- Anh Cu Nhớn ơi! Anh Cu Nhớn ơi!
Cu Nhớn vội vàng ôm chặt lấy nó:
Đức từ từ mở mắt, rồi trông thấy Cu Nhớn đang ôm nó, nó vội ôm choàng lấy, rồi sung sướng:
- Ối giời ơi! Thế mà tôi cứ tưởng…
Cu Nhớn hiểu ngay:
- Anh nằm mê phải không:
Đức vuốt mắt, vuốt mặt:
- Phải rồi. Tôi nằm mê thấy tôi với anh đang cưỡi ngựa thì có một ông ba mươi chồm đến, vồ lấy anh.
Bà cụ nghe xong, cười khà khà:
- Mộng mị kể gì, cậu mệt nhọc thì cậu nằm mê thế thôi.
Cu Nhớn thì có những cảm tưởng và những cảm giác khác bà cụ:
- Lúc ấy, chắc anh lo sợ và thương tôi lắm, có phải không?
Đức đặt tay vào bụng mình:
- Giời ơi! Lúc ấy tôi thấy hóp cả ruột lại.
Thế là chúng nó uống mất hai xu nước, ăn mất hai xu chả. Thế là Cu Nhớn còn có hai xu và nó một xu.
Lúc ấy, nó mới bồi hồi nghĩ đến những đồng tiền mà nó phí phạm từ trước đến nay. Lúc ấy, nó mới bồi hồi nghĩ đến cách tiêu tiền của Cu Nhớn và bu Cu Nhớn.
Nó đặt tay lên đùi Cu Nhớn:
- Thôi, thế là anh tiêu mất cả cái số tiền dành để mua gạo rồi. Vì tôi mà anh tiêu như thế này. Trước kia, anh bảo anh chỉ tiêu mất có một xu thôi mà.
Cu Nhớn muốn cho nó yên tâm, nói ba hoa:
- Không sao! Không sao! Tôi ra thầy tôi thì khối tiền. Anh đừng lo! Anh đừng lo!
Phải, lo thì nó cũng không lo, với với một gia đình cần mẫn như thế, cái đói không thể đến được. Nó nghĩ lung lắm. Nó nghĩ về cách tiêu tiền của nó từ trước đến nay. Nó quyết định rằng từ nay, những đồng tiền mà cậu mợ nó cho để ăn quà, từ nay nó không tiêu nữa. Nó quyết bỏ ống để rồi sau sẽ gửi cho Cu Nhớn.
Sau khi thấy nó tỉnh ngủ rồi, Cu Nhớn lại mời nó:
- Ta uống bát nước, rồi ta đi đi.
Đời nào nó còn dám uống nữa. Nó chối lia:
- Không, vừa mới uống no cả bụng, uống làm gì nữa.
Cu Nhớn nhìn nó:
- Vừa mới ăn muối vừng, đi đường khát ngay.
- Không, không, tôi không uống được nữa.
Bà cụ biết chúng nó ít tiền lại nói:
- Không, các cậu cứ uống, tha hồ uống, tôi không lấy tiền nữa đâu.
Cu Nhớn vội vỗ vào bụng, nói ngay:
- Không, chúng tôi có tiền đây, không muốn uống đấy thôi.
Cái cử chỉ của Cu Nhớn làm cho Đức thấy ngay cái khẳng khái của Cu Nhớn trong cảnh nghèo. Nó thấy lo. Không biết rằng rồi đây, làm thế nào cho Cu Nhớn nhận những số tiền mà nó sẽ gửi?
Chương 17
Mặt trời đương râm, bỗng hửng nắng. Vừng ô đúng ngọ, như một cái đĩa lửa tròn vành vạnh, hắt cái oi bức xuống đường nhựa.
Đức trông con đường nhựa ánh lửa, đã thấy sợ. Nó sợ, bởi nó đã hiểu thế nào là đi bộ hàng hai, ba chục cây số.
Cu Nhớn đã từng đi bộ, nhìn cái nhìn của nó, hiểu ngay, liền khuyến khích:
- Đây già nửa đường rồi. Chỉ còn qua phủ Từ Sơn thì đến Yên Viên. Chúng ta phải cố lên, kẻo tối. Tối thì biết ăn đâu, ngủ đâu?
Lời nói của bạn đem nghị lực đến cho Đức. Đức dạng chân, bước mạnh: - Không, không thể tối được.
Nó can đảm lật mũi, giơ đầu ra nắng:
- À, nắng tôi cũng không sợ, nóng tôi cũng không sợ.

Can đảm là một lẽ khác, mà sức gân là một lẽ khác. Cho nên người thật can đảm là người biết can đảm theo cái sức gân của mình. Chẳng biết những người ấy có khôn không? Nhưng tôi biết chắc rằng những người ấy thường đi tới đích.
Lúc ra đi, Đức hăng hái lắm. Nhưng cái nóng, cái mệt, chỉ trong năm cây số đã thắng được sự hăng hái của nó. Thật đúng như lời Cu Nhớn tiên tri, nó phải cõng lên gậy, mới lết được tới phủ Từ. Ấy là không kể Cu Nhớn phải đỡ nó bao nhiêu bận.
Mồ hôi nó vã ra như tắm. Nó cởi áo ngoài, nó cởi áo len, nó cởi cả giày, cả tất. Mà trời ơi, nóng vẫn hoàn nóng! Cái rét mùa đông không còn có nghĩa gì.
Tới phủ Từ Sơn, Đức ta chỉ còn là cái vỏ cam đã bị vắt hết chất nước. Cu Nhớn phải dìu nó vào hàng nước.
Lần này, vì nó mệt quá, nên nó chẳng còn có từ tốn, chẳng còn có nghĩ trước, nghĩ sau gì hết. Thấy nước là nó nốc. Nó chẳng còn nghĩ đến chỗ chúng nó gần hết tiền rồi.
Uống nước xong là nó thở như bễ lò rèn.
Cu Nhớn thấy thế, thương hại quá, lấy cái mũ quạt cho nó. Quạt đến mười phút, nó mới mở được mắt:
- Chà! Lúc nãy tôi chả còn trông thấy gì nữa.
Rồi nhìn cái nắng hắt trên thềm hè, nó rùng mình.
Người bán hàng bây giờ là người đàn ông, nên những sự thực tàn nhẫn cứ từ miệng hắn ra:
- Mày cùng đi với nó mà mày thở như bò rống. Những thằng ăn mặc sang trọng thực là đoảng!
Đức cáu lắm, nhưng đó là sự thực, nên nó đành im. Cu Nhớn vội cãi cho nó:
- À, nếu ông không đi bao giờ thì thử đi từ Sen Hồ về đây xem ông có mệt như nó không nào. Tôi quen, kể gì! Nó đi vài lần, rồi xem nó có quen không nào?
Người bán hàng trề môi:
- Thế mà mày còn cãi cho nó thì thực là mày cãi lấy được. Trông “công tử bột” thiểu não thế kia kìa.
Cu Nhớn thấy người hàng nước tàn nhẫn quá, cũng sửng cồ:
- Ồ, thì nó thế, việc gì đến ông?
- À, thì tao thấy thế tao nói, chứ việc gì đến tao.
Rồi khi thấy hai đứa chỉ uống nước không chứ không ăn uống gì, liền đuổi xa xả:
- Thôi, uống nước xong rồi, cút đi để chỗ cho người ta bán hàng!
Cu Nhớn biết với những người như thế, không thể nói gì được, móc túi lấy tiền trả, rồi dắt Đức đứng dậy:
- Ồ! Bác này mới lạ chứ! Tôi chưa thấy ai bán hàng như bác.
Cu Nhớn dìu Đức ra một gốc cây:
- Sao ở đời có những người độc ác như thế nhỉ? Họ thấy mình nhỏ thế này, mệt thế này, họ không thương nhỉ?
Đức đã mệt chết đi, cũng góp một câu:
- Những người như thế thì cần gì họ thương! Từ rày tôi qua đây là tôi không vào hàng nó rồi.
Nó chỉ nói được có thế, rồi lăn ra gốc cây. Cu Nhớn lấy gói áo đưa ra cho nó gối, rồi lại lấy mũ quạt cho nó.
Đức mệt quá rồi, không còn sức để từ chối nữa, nên cứ để yên cho bạn hầu.
Cu Nhớn quạt cho nó ráo mồ hôi xong, lại bóp cả chân, cả tay cho nó nữa.
Ngoài đường, nắng vẫn còn le lói. Cu Nhớn nhìn mặt trời từ từ ngả, đâm lo. Nhưng nó biết không thể giục bạn được, vì bạn mệt lắm. Nó lại biết ra đi ngay như thế này thì nguy. Nó lại biết giời mùa đông chóng tối lắm, nên nó càng lo.
Đức nhìn nó thì cũng biết nỗi lo sợ của nó đấy, nhưng làm thế nào được, trong khi người đã bã ra như thế này?
Nó nghỉ. Nó nghỉ đến một giờ. Rồi thì nó cố vùng dậy:
- Chúng ta phải đi chứ! Không thì tối mất rồi.
Cu Nhớn liền giơ tay cản:
- Không sao! Không sao! Tôi biết đường, tối không cần gì. Và có cùng lắm thì tôi đưa anh đến đầu cầu. Anh cứ nằm nghỉ cho hết mệt.
Nó không nằm nữa. Nó cố ngồi dậy. Ngoài đường, nắng vẫn le lói.
Đức ngùi ngùi nhìn bạn:
- Vì tôi mà làm cho anh cũng khổ lây.
Cu Nhớn cau mày:
- Ồ, anh em, sao anh lại nói thế? Anh cứ yên tâm nghỉ đi. Đằng nào thì sớm chậm cũng đến nơi kia mà.
Có lẽ cái phúc của chúng nó hay sao – mà có lẽ cái phúc của thằng Đức thì đúng hơn - mặt trời đang le lói, bỗng xịu mặt xuống, rồi thì râm.
Cu Nhớn mừng quá, reo lên:
- A, mát giời rồi! Anh nghỉ đi một chốc nữa, rồi ta đi một mạch đến nơi. Đây đến Yên Viên chỉ bằng đây đến Lim thôi. Mà từ Yên Viên đến lò gạch của thầy tôi, chỉ phải đi qua một cái cầu.
Nhắc tới lò gạch, tức là nhắc tới chặng đường cùng mà Đức được đi với Cu Nhớn, Đức ta bồi hồi nghĩ đến sự chia tay. Rồi sự bồi hồi ấy làm tiêu tan đi một phần mệt nhọc, nó đứng dậy:
- Thôi, ta đi.
Cu Nhớn lại cản:
- Thì anh hãy nghỉ cho thật hết mệt đi đã nào.
Đức chỉ cố được cho tới Yên Viên, rồi nó lại ngồi lả ra. Nó lại nốc gần hết một xu nước, chỉ để có một ít cho Cu Nhớn. Và sau khi nghỉ nửa giờ, thì nó lại thấy đói cồn ruột.
Sự nhọc mệt khiến cho người ta yếu đuối. Nó thú ngay với Cu Nhớn, rồi thì còn một xu trong túi, nó muốn rằng Cu Nhớn mua kẹo cho nó ăn nửa xu, còn nửa xu để dành uống nước.
Cu Nhớn gạy ngay đi:
- Không phải ăn kẹo. Anh cứ ăn một xu bún riêu đi. Sông kia, ta xuống uống nước sông. Và nếu cần tiền, đi qua lò gạch, tôi vào xin thầy tôi mấy xu cho anh. Anh phải biết cái bún riêu này tốt lắm, hết mệt ngay.
- Thế còn anh?
- Tôi bây giờ không thấy đói. Đi quá Hà Nội cũng chưa đói. Tôi bao giờ cũng tối mịt mới ăn cơm kia mà!
Đức ăn bún xong rồi, Cu Nhớn lại nói khôn khéo với nhà hàng để thêm cho Đức nửa bát nước mà không bị mất giá.
Đã được ăn uống no nê, vả lúc ấy giời đã mát, Đức ta thấy rằng mình lại có thể đi được.
Có lẽ trong cái đời nghèo nàn của Cu Nhớn, nó đã kinh nghiệm thấy rằng sự hy vọng cũng cần cho người ta như sự nỗ lực. Trước khi đi, nó ôn tồn bảo Đức:
- Đây đến chỗ thầy tôi thì chỉ đi qua cái cầu kia kìa. Một tí là đến nơi. Mà từ chỗ thầy tôi thì đã có thể trông thấy cầu Hà Nội. Vậy chúng ta không cần phải lo ngại gì. Chúng ta cứ thủng thỉnh mà đi. Và nếu cần, tôi sẽ vào lò gạch xin thầy tôi cho anh ba xu. Ba xu đi một chặng đường như thế thì thừa chán. Mà biết đâu, thầy tôi lại chẳng có cái cho anh ăn nữa. Chắc chắn là tí nữa tôi tới lò gạch, mà tối thì anh tới nhà. Anh hiểu chưa?
Nó lại tạt vào bên đường, bẻ cho Đức một cái que nhỏ hơn:
- Cái gậy này nặng, anh cầm cái que này. Bây giờ ta cứ thủng thẳng như đi chơi, anh hiểu không? Rồi khi ta lên tới cầu kia, ta đứng trông nước chảy. Sông Đuống, nước chảy mạnh lắm kia. Thầy tôi nói những thuyền về đến cầu này, không khéo lái va phải cột cầu, đắm ngay.
Lúc chúng nó bắt đầu ra đi thì gió chiều hây hây thổi. Vì thế cho nên Đức cũng đỡ mệt. Muốn khuyến khích bạn, Cu Nhớn lại hát bài hát Đinh Tiên Hoàng mà trong khi chăn trâu, bọn trẻ vẫn thường hát:
Phân tranh hội ấy nực cười,
Mười hai quan sứ, mỗi người mỗi phương.
Xoay vần trong cuộc tang thương,
Trải bao phân loạn mới sang trị bình.
Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh,
Con quan Thứ sử ở thành Hoa Lư.
Khác thường từ thuở còn thơ,
Rủ đàn mục tử mở cờ bông lau.
Dập dìu kẻ trước người sau,
Trần ai đã thấy Vương hầu uy dung.
Một mai về với Trần Công,
Hiệu xưng Vạn Thắng, anh hùng ai qua.
Bốn phương thu lại một nhà,
Mười hai sứ tướng đều là quét thanh.
Tràng An đầu dựng đô thành,
Cải nguyên là hiệu Thái Bình từ đây.
Nghìn năm cơ tự mới xây,
Lên ngôi Hoàng Đế, đặt bày trăm quan.
Có đường bệ, có y quan,
Đẳng uy có biệt, giai ban có thường.
Hồng Bàng để mối đến nay,
Kể trong chính thống, từ đây là đầu.
Chương 18
Cu Nhớn hát hết bài hát thì chúng đã đến cầu Đuống lúc nào mà không hay. Cu Nhớn muốn trỏ dòng sông cho Đức xem thì Đức gạt ngay:
- Thôi, thôi, sông nào cũng như sông nào mà.
Nó còn hơi sức đâu.
Đầu đường kia là bước chia ly rồi. Phải không? Cu Nhớn đã nói với nó quá cầu này là sắp tới lò gạch. Lúc ấy thì đừng nói một con sông Đáy “trọc đầu”. Đến mười con sông Đáy “mọc tóc” cũng không có nghĩa gì trước con mắt nó nữa. Nghĩ đến lúc phải chia tay với Cu Nhớn, nó tưởng chừng như có một cái gì trong người nó đứt ra.
Ruột nó nôn nao, chân tay nó bải hoải. Nó cứ cung cúc đầu nó đi.
Cu Nhớn thấy thế, vội hỏi:
- Anh lại mệt đấy ư?
Nó quay ngay lại, nói hơi gắt:
- Không, không. Tôi đã bảo tôi không mệt mà.

Cu Nhớn thấy nó có vẻ bực bõ, không dám hỏi nữa, lủi thủi đi theo sau. Đi quá cầu Đuống một quãng, bỗng dưng Đức vứt que, vứt gậy ở tay đi, rồi loạng choạng muốn ngã.
Cu Nhớn vội vàng lại đỡ nó:
- Có phải anh mệt, phải không? Mệt thì nghỉ ở đây. Gần đến nhà rồi, không cần.
Đức ngồi xệp ngay xuống đường, ngồi xệp ngay xuống đất. Rồi nó oà lên khóc.
Cu Nhớn ngơ ngác không hiểu, cũng ngồi xuống cạnh nó:
- Làm sao mà anh khóc thế? Có phải anh mỏi thì anh nghỉ ở đây, rồi ta cùng đi chứ sao?
Nó ôm ngay lấy cổ Cu Nhớn, gục đầu vào ngực Cu Nhớn:
- Có phải anh bảo quá đây một tí là nhà anh không?
Cu Nhớn chợt hiểu ra, bàng hoàng cả người. Rồi thì cảm động quá, nó cũng ôm lấy cổ thằng Đức, khóc hu hu.
Bóng chiều đổ dần, đổ dần xuống cảnh chia ly. Một người đi qua đường thấy hai đứa trẻ ôm nhau khóc, lên tiếng hỏi:
- Chúng mày làm sao mà khóc đấy?
Không một tiếng giả lời. Chúng nó còn hơi sức đâu; mà có lẽ chúng nó cũng không nghe thấy tiếng nữa.
Không thấy tiếng giả lời, người ấy tiến lại gần:
- Kìa, tao hỏi, tại làm sao mà chúng mày khóc đấy?
Đức đang trong lúc xé lòng, văng ngay:
- Tôi khóc thì mặc kệ chúng tôi, việc gì đến bác!
Rồi nó dắt tay Cu Nhớn, kéo dậy.
Kẻ qua đường thấy nó giả lời một cách vô lễ như thế, lẩm bẩm, quay đi:
- Đồ con nhà mất dạy!
Đức ngửng đầu nhìn lên, toan cãi. Nhưng chỉ một loáng, nó lại cúi đầu xuống.
Còn hơi sức đâu!
Nó khoác tay Cu Nhớn, lẳng lặng đi một đỗi xa. Rồi nó dừng lại, níu lấy áo Cu Nhớn:
- Anh về Hà Nội với tôi, tôi sẽ bảo cậu mợ tôi cho anh đi học. Nhà tôi ăn sướng lắm cơ, có xe nhà cơ, cái gì cũng có đủ. Anh về với tôi, không thì tôi nhớ lắm cơ.
Cu Nhớn nấc lên, rồi ngả đầu vào ngực nó:
- Nhưng còn thầy tôi, nhưng còn bu tôi, nhưng còn em tôi, mà không về với anh, thì tôi cũng nhớ anh lắm!
Đức sốt sắng:
- Tôi sẽ bảo cậu mợ tôi gửi cho rất nhiều tiền cho thầy anh, cho bu anh, cho em anh, anh đừng lo. Cậu mợ tôi chiều tôi lắm kia. Tôi bảo gì, cậu mợ tôi cũng nghe.
Cu Nhớn chứ úp mặt vào ngực nó, thút thít khóc, không nói. Sự cảm xúc đã chẹn lấy họng, còn nói làm sao được nữa!
Chúng nó ôm nhau khóc, khóc mãi. Rồi thì Cu Nhớn mới sẽ gỡ tay ra, nghẹn ngào bảo nó:
- Anh thương tôi, anh yêu tôi, anh bảo thế. Nhưng chắc là thầy tôi không bằng lòng đâu. Bởi như thế tức là tôi đi ở nhờ nhà anh rồi còn gì?
Đức tưởng như mình hóa dại. Một cái gì cháy ở trong người nó, cháy ở trong đầu nó, cháy ở trong ruột nó:
- Thế thì chúng ta không bao giờ gặp nhau nữa ư?
Cu Nhớn giơ tay vuốt những dòng nước mắt trên má nó:
- Tại làm sao không? Tuy tôi không sang Hà Nội được với anh, nhưng cậu mợ anh chiều anh thì anh rất có thể sang làng tôi chơi với tôi. Thế thì chúng ta được gặp nhau luôn ấy chứ lại.
Phải rồi, trẻ con chúng nó cũng có khi nghĩ đến bước đường dài. Nhưng cái chúng nó khổ nhất là cái hiện tại, Đức van vỉ, nài xin:
- Thế thì ít nhất anh cũng phải sang Hà Nội một lần chứ. Cho cậu mợ tôi biết mặt anh, các chị tôi biết mặt anh, các em tôi biết mặt anh.
Cu Nhớn biết rằng không bao giờ thầy bu nó cho nó đi rồi, nhưng nó cũng nói xuôi:
- Thế để tôi còn xin phép thầy bu tôi xem có được đi không.
Đức cầm ngay lấy tay Cu Nhớn:
- Thế thì chiều nay, anh sang chơi với tôi, rồi tôi bảo thằng bếp nhà tôi nó làm gà cho anh ăn.
Cu Nhớn không còn biết làm thế nào, đành phải gật gật đầu.
Chiều tà đổ thấp hơn. Cảnh vật bắt đầu ảm đạm. Nhưng chúng nó đều không nhận thấy. Cái ảm đạm của lòng chúng nó còn ảm đạm hơn.
Từ đấy thì không thể gọi là chúng nó đi được nữa. Bởi chúng nó có còn nghĩ đến đi đâu. Một bản năng đẩy chúng nó đi đấy thôi. Mệt nhọc, đói rét, khổ sở, cái gì thằng Đức cũng quên tuốt. Nó chỉ còn nhớ cái phút chia lìa sắp tới. Lâu lâu, nó lại ngẩn đầu lên. Và ở chỗ nào, nó cũng hình như trông thấy cái lò gạch.
Cu Nhớn thấy điệu bộ nó như thế, hiểu ngay:
- Chưa đến đâu, anh ạ. Còn một thôi dài nữa kia.
Đức ngửng đầu lên:
- Thế ở tận đâu?
Cu Nhớn trỏ về cái chỗ mù mịt trước mặt, về cái mù mịt của sương chiều đã bắt đầu đổ xuống:
- Kia kìa!
Đức nhìn ở trước mặt, chỉ thấy trắng xoá, sung sướng:
- Ồ, thế thì tôi còn được đi với anh lâu.
Chúng nó đi chậm, đi chậm lắm. Chúng nó đều sợ chóng đến. Chả bù với lúc bắt đầu ở nhà ra đi, chúng nó hăm hở biết chừng nào.
Thằng Đức thấy chân nó nặng, đầu nó nặng, ngực nó nặng, nhưng đây không phải là cái nặng gây ra bởi mệt nhọc, mà là cái nặng trĩu của lòng hiện ra trong những phút tình cảm sôi nổi. Nó nắn cánh tay thằng Cu Nhớn, nó nắn vai thằng Cu Nhớn, nó vuốt sống lưng. Rồi thì có lúc, nó ôm lấy thằng Cu Nhớn, nó hôn lấy hôn để nữa. Thôi thì nó làm đủ các thứ trò.
Cu Nhớn cứ để lặng yên cho nó làm, sung sướng được để cho nó làm, sung sướng được yêu đương, sung sướng được thương nhớ, sung sướng được thấy mình ở cạnh một người bạn.
Chúng nó lết đi, lết đi rất chậm, nhưng chậm đến đâu, một khi đã đi thì phải tới.
Một làn khói lam chọc làn sương trắng toả lên giời. Cu Nhớn hốt hoảng, nắm lấy tay thằng Đức:
- Thôi, đêm mất rồi, anh ạ.
Đức oà lên khóc, rồi lại ngồi xệp xuống đường. Cu Nhớn mặt nhăn nhó, kéo nó dậy:
- Thôi, tôi lạy anh, anh đừng khóc nữa, anh khóc thì tôi khổ lắm! Đừng khóc nữa, anh ạ. Tôi lạy anh. Tôi lạy anh.
Miệng nó khuyên Đức đừng khóc, nhưng chính nó nước mắt cứ chảy ròng ròng. Chúng nó đứng ngẩn ngơ nhìn nhau một lát. Rồi thì thằng Đức thấy rằng mình cần phải can đảm. Nó chùi nước mắt cho nó, nó chùi nước mắt cho thằng Cu Nhớn. Rồi nó cởi chiếc áo tây:
- Thôi, thế anh giữ chiếc áo này, để bao giờ cũng nhớ đến tôi nhé?
Cu Nhớn nhìn làn sương bao bọc chung quanh:
- Thế thì từ đây về Hà Nội, anh mặc bằng gì? Đêm đến nơi rồi, rét lắm!
Đức tốc bụng, phanh ra trước gió:
- Không, tôi không rét mà. Tôi lạy anh, anh cầm lấy. Chỉ vài hôm là tôi xin phép cậu mợ cho tôi sang chơi với anh. À, hay nếu anh sợ tôi rét thì anh cầm lấy đôi giầy này. Tôi bây giờ đau chân lắm, không đi được nữa. Anh cầm lấy để khi nào đánh nhau với ai, đá cho mạnh.
Cu Nhớn nhìn đôi giầy mà Đức cầm ở tay:
- Tôi không đi giầy bao giờ, chúng nó cười chết.
Đức đang lúc hăng hái:
- Chúng nó cười thì đá vào đít chúng nó ấy chứ.
- Đành hiểu thế rồi, nhưng không quen đi giầy, đau chân lắm. Ấy, những người lính chào mào làng tôi, đi giầy rồi thành bị sâu quảng đấy.
Đức vỗ vào đôi giầy:
- Không, giầy tôi mềm lắm, không đau chân đâu. Với lại thỉnh thoảng anh đi một tí để cho nhớ đến tôi thôi.
Cu Nhớn biết rằng, nếu mình từ chối thì bạn khổ sở lắm, thứ nhất là trong lúc này:
- Thôi được. Nếu tôi không thể đi thì tôi cứ giữ lấy đấy.
Đức không bằng lòng:
- Ồ, sao lại không đi? Anh phải đi thì anh mới nhớ đến tôi chứ.
Rồi nó bắt Cu Nhớn ngồi xuống vệ đường:
- Anh thử đi thử xem có vừa không nào? À, đôi tất này, đêm đi ngủ mà đắp chiếu như anh, đi nó vào ấm lắm… À, vừa khẳm. À, anh thử đứng dậy đi xem nào?
Cu Nhớn lộc cộc đi lên mấy bước. Đức sung sướng quá, mừng rú lên:
- Đấy, đấy, có đau chân đâu nào?
Cu Nhớn quay lại:
- Ừ, không đau chân thực, giầy anh mềm thực.
Nhưng mềm mà không đau chân thì Cu Nhớn cũng ngồi xuống, cởi ra. Nó tủm tỉm cười, rỉ vào tai:
- Tôi ăn mặc thế này mà đi giầy tây, đi tất, thì đến lò gạch, người ta cười tôi.
Đức nghe bùi tai, cũng cười:
- Ừ nhé, thì lúc nào vắng, anh phải đi nhé. Các em anh nó trông thấy anh đi nó lại tưởng là tôi đấy. Anh về, anh bảo với em anh rằng hôm nào tôi sang thì tôi sẽ mua cho đủ thứ đấy.
- Không cần, tôi cứ giơ đôi giầy này cho chúng nó xem thì chúng nó thích chán, rồi tôi sẽ cho chúng nó đi thử một lượt.
Trong khi mãi bù khú về vấn đề tương lai, chúng nó quên hẳn cuộc chia ly hiện tại. Nhưng Cu Nhớn nhớ ra trước:
- Thôi, thế anh cứ đứng ở chỗ đồn điền Cổ Bi nhé. Rồi tôi chạy vào, tôi xin thầy tôi cho anh ba xu. Kia kìa, cầu Hà Nội kia kìa. Ở đây thấp, không trông thấy đấy thôi; trèo lên cây là trông thấy ngay. Ở đằng kia có hàng, anh có đói, ra đấy ăn. À, có phải anh bảo đến cầu sông Cái thì anh có thể nhảy xe về nhà anh, phải không?
Đức lại thấy lòng nặng chình chịch, và cái đầu nó cũng nặng chình chịch, lúc gật xuống để trả lời.
- Ồ, nếu thế thì chả mấy chốc. Một loáng là đến nơi thôi.
Rồi nó lại căn dặn Đức, như lúc ra đi, mẹ nó đã căn dặn nó:
- Anh nhớ đi từ từ chứ, nghe không. Anh nhớ đi bên đường chứ, không có xe cộ, nghe không. Anh nhớ ra chỗ hàng kia ăn một xu bún ốc, nghe không?
Đức nhớ, nhớ tất cả, nhưng nó nhớ hơn là Cu Nhớn, vì thế cho nên nó bịn rịn:
- Thế anh về, anh xin phép với thầy anh ra ngồi đây với tôi một chốc nữa, nghe không. Hà Nội sáng lắm, tí nữa tôi về nhà cũng chẳng sao kia mà.
Chương 19
Đức đứng ngây như tượng đá, nhìn theo hút Cu Nhớn. Rồi thì nó mong Cu Nhớn như Tô Thị mong chồng. Chỉ năm phút sau là Cu Nhớn đã ra rồi, ấy thế mà nó đã cho là lâu lắm.
Cu Nhớn chạy ra, thở không được, hổn hển bảo nó:
- Thầy tôi đi vắng mất rồi, anh ạ. Thầy tôi đi sang mua gỗ cho ông chủ ở Bát Tràng cơ. Tôi phải cầm gói áo của tôi cho thằng làm đất ở đấy mới được một xu đấy. Tôi bảo lấy ba xu, nhưng nó chỉ còn có một xu thôi.
Đức cầm đồng xu mà rưng rưng nước mắt. Rồi thì nó nghẹn ngào, bảo Cu Nhớn:
- Thầy anh đi vắng, hay anh sang Hà Nội với tôi?
- Thầy tôi đi vắng thì càng không thể được. Thầy tôi về, biết tôi đi như thế thì thầy tôi không bằng lòng một chút nào. Ở nhà, hoạ chăng tôi xin phép, thầy tôi cố bằng lòng chăng. Với lại thầy tôi thể nào tối hôm nay cũng về. Thấy tôi đến đây rồi mà lại bỏ đi đâu thì thầy tôi giận chết.
Đức nói bằng một giọng cả quyết:
- Thế thì tôi ở đây, chờ cho đến lúc thầy anh về, rồi anh xin phép sang với tôi. Anh ăn cơm với tôi, tôi sẽ bảo bếp làm gà cho anh ăn.
Cu Nhớn giẫy nẩy:
- Không được. Thầy tôi đi như thế, biết bao giờ về? Nhỡ khuya mới về thì làm sao? Mà bây giờ thì nhá nhem tối rồi. Anh cũng phải về đi chứ, không cậu mợ anh mong. Anh đi đã mấy ngày rồi, cậu mợ anh không biết anh đi đâu, chắc cho người đi tìm nhao lên. Anh bảo mợ anh thương anh lắm, thế thì không khéo mợ anh đang khóc đấy.
Đức nghe Cu Nhớn nói đến sự mợ mình khóc, cũng nao nao:
- Ừ, thế thì tôi về một mình.
Nhưng giọng của nó nói mới buồn thảm làm sao, buồn thảm đến nỗi Cu Nhớn tưởng chừng như có ai bới móc ruột gan mình lên.
Cu Nhớn quàng tay ra sau lưng Đức:
- Thôi, thế tôi đưa anh đi một quãng vậy. Tôi đưa anh ra đến cổng phủ Gia Lâm vậy.
… Phủ Gia Lâm đã quá từ lâu mà Cu Nhớn cũng chưa nghĩ đến sự về. Đèn điện của ga Gia Lâm, lúc ấy đã bật sáng trưng. Nó chỉ, bảo Đức:
- Đấy, Hà Nội đấy.
Đức ngừng lại:
- Thôi, thế thì anh về đi, không anh cũng đã mỏi mệt rồi.
- Không, tôi không mệt.
Rồi nhìn thấy một hàng nước ở vỉa đường:
- À, thế anh có đói không? Vào đây, ta làm xu bún riêu, hay cái bánh tẻ, rồi tôi sẽ xin nước cho anh uống.
Đức nói như mếu:
- Không, tôi không đói đâu. Tôi không ăn được đâu.
Mặc, Cu Nhớn cứ kéo nó vào trong hàng:
- Ồ, phải đói chứ. Tuy nhìn thấy đèn điện rồi, nhưng cũng còn khá lâu, anh đừng có tưởng.
Cu Nhớn hỏi nhà hàng thì nhà hàng hết cả riêu. Mà cũng hết cả bánh. Chỉ còn độc có kẹo là thứ ăn được.
Cu Nhớn mua một xu, được mười hai chiếc. Nó đưa cho Đức mười chiếc, chỉ giữ có hai:
- Ồ, kẹo, những lúc mệt thế này, ăn tốt lắm?
Đức ta cầm kẹo, lại ngùi ngùi:
- Thôi, thế anh về đi, anh đưa tôi thế đã xa rồi. Lúc về mỏi chân.
- À, tôi còn có thể đi được mười từng này nữa, cũng không mỏi. Thôi được, thôi được, tôi đưa anh một quãng nữa. Tôi đưa anh đến phố Cảnh Thụy.
Đến phố Cảnh Thụy rồi mà lòng Cu Nhớn vẫn còn bịn rịn, chưa nghĩ đến sự trở lại.
Đức lại phải giục:
- Thôi, anh về đi. Anh đưa tôi thế xa lắm rồi.
Cu Nhớn đứng lại:
- Ừ, thôi thế anh đi nhé. Anh cứ theo cái đường này mà đi thì tới ga Gia Lâm. Từ ga Gia Lâm đi một quãng thì tới ga đầu cầu. Ở đấy đã trông thấy cầu rồi. Anh bảo tới cầu thì anh có thể đi xe về Hà Nội để nhà anh trả tiền chứ gì? À, anh ăn kẹo đi. Vừa đi vừa ăn kẹo thì chóng đến lắm.
Đức muốn giữ bạn lại một chút nữa:
- Này anh, lấy mấy cái đi, mình tôi ăn thế nào hết.
Cu Nhớn giơ tay:
- Thôi, anh cho tôi một cái nữa thôi. Thôi, anh về nhé. Bao giờ nghỉ học thì anh sang chơi với tôi nhé?
Cu Nhớn nói xong, quay đi. Đức cứ đứng sững, chẳng gật đầu mà cũng chẳng ngó theo.
Khi nó nhìn theo hút, không thấy Cu Nhớn đâu nữa, nó liền giơ tay lên úp mặt, oà khóc.
Nó đang khóc thổn thức, thì bỗng có tiếng chân người huỳnh huỵch, rồi tiếng thằng Cu Nhớn bảo nó:
- Kìa anh, đừng có khóc. Tôi đã bảo anh khóc thì tôi khổ lắm lắm mà.
Đức nghe tiếng tưởng Cu Nhớn đã đổi ý kiến, bằng lòng sang Hà Nội với mình, sướng quá:
- Anh bằng lòng sang Hà Nội với tôi đấy chứ?
Cu Nhớn lắc đầu:
- Tôi đã bảo anh, tôi không thể sang được. Nếu sang được thì tôi sang ngay. Trời ơi, anh nhớ tôi đến thế cơ à?
Đức mếu xệch cái mồm:
- Nhớ lắm chứ! Thế anh không định sang Hà Nội với tôi thì anh còn quay lại làm gì?
- Chỗ này tối lắm. Tôi định đưa anh sang cho tới phố Ái Mộ là chỗ có đèn điện sáng, rồi tôi về.
Đức thất vọng:
- Ồ, thế thì không cần. Thôi, anh về đi không mỏi chân anh, vô ích.
Cu Nhớn chẳng nói sao, cứ quàng tay vào cổ nó, kéo đi:
- Thôi, anh đừng khóc nữa, anh đừng buồn nữa. Tôi đã bảo thấy thế thì tôi khổ lắm mà. Và từ nay về, cứ nghĩ đến sự anh khóc là tôi hết cả vui rồi. Thôi, anh nín đi.
- Đây, tôi nín rồi.
Cu Nhớn lấy vạt áo chùi nước mắt cho bạn:
- Nín rồi mà còn ròng ròng thế này ư? Anh muốn cho tôi buồn mãi mãi có phải không?
Đức giậm chân xuống đất:
- Thì tôi nín rồi đây mà!
Cu Nhớn biết bạn khổ sở lắm, nên cứ ôn tồn:
- Hôm nào nghỉ, anh sang chơi với tôi, chứ tôi có chết mất đâu mà anh phải khóc!
Đức rít lên:
- Thì tôi có muốn khóc đâu. Nhưng mai anh còn ở đây không? Để tôi bảo thằng xe nhà tôi kéo sang chơi với anh sớm.
- Không biết. Thầy tôi về thì tôi mới biết được. Nhỡ mai thầy tôi có tiền mà sai tôi về thì tôi phải về ngay.
- Anh nóng ruột về ba em anh chứ gì?
Cu Nhớn gật đầu.
- Thế anh bảo với các em anh rằng chỉ nay mai thì tôi sang chơi thôi đấy. Tôi sẽ mua cho chúng nó vô khói là thứ. À, tôi sẽ mua cho anh một con dao díp thật tốt, có hai lưỡi, có cả dùi, cả cưa, cả cái mở nút chai, mà tôi thấy bán ở Gô Đa. Tôi sẽ đem rõ nhiều gạo cho bu anh. Thôi, anh về đi, không xa lắm rồi.
- Được, không sao mà. Tôi đã bảo tôi đưa anh đến chỗ đèn điện sáng mà. Tôi không mỏi mà. chỉ một chút nữa là đến thôi mà. Kia kìa, sắp đến rồi đấy.
Chà, lúc này sao đường đất đi mà chóng thế! Chỉ một loáng là chúng nó đã tới dốc ga Gia Lâm.
Đức đứng lại, nắm tay Cu Nhớn:
- Thôi, đây sáng rồi. Tôi đi một mình được rồi. Anh về đi.
Cu Nhớn trỏ tay về phía phố Gia Lâm:
- Đấy, đầu cầu đấy, anh đi hết dãy phố này thì đến đấy. Từ trước đến giờ, tôi cũng chỉ mới tới có cái phố này thôi. Chứ tôi chưa lên cầu bao giờ. Thôi, anh đi nhé. Tôi về nhé.
Nó nói xong, nắm chặt tay Đức, lắc lắc mấy cái, rồi nó vùng ra để chạy.
Đức đứng ngẩn nhìn theo, văng vẳng nghe thấy tiếng khóc ở phía ấy. Rồi tiếng khóc im. Rồi thì nó thấy ruột nó hốc ra, bao nhiêu hồn vía của nó như bị Cu Nhớn đem theo mất cả.
Nó đứng, nó đứng lâu lắm, nhìn về phía đen tối, hy vọng sẽ thấy Cu Nhớn nhô ra như lúc nãy.
Nhưng không, nó nhìn mãi, nhìn mãi cũng vẫn cứ thấy tối om om.
Một tiếng còi tàu vào ga hét vang. Nó giật mình, ném một cái nhìn cho đêm tối, rồi thở dài, quay đi về phía đầu cầu.
Chương 20
Nó về tới Hà Nội, những cửa hàng vẫn chưa đóng.
Nhà nó đông những người. Nó từ trên xe nhảy vụt xuống, chạy bay vào nhà.
Mọi người trông thấy nó, rú lên.
Nó thì hỏi dồn:
- Mợ đâu? Cậu đâu?
Chị Cả với chị Hai ôm lấy nó, khóc hu hu:
- Em đi đâu mấy ngày hôm nay đấy? Cậu mợ lên Phủ Lạng Thương tìm em cơ. Để chị đánh ngay dây thép cho cậu mợ biết, cậu mợ mừng.
Rồi nhìn đến thân hình nó:
- Em đi đâu mà mất cả giày, cả tất, bẩn thỉu, nhem nhuốc thế này? Giời ơi giời! Vú em đâu, tắm rửa ngay và lấy quần áo thay ngay cho cậu đi.
“Em” ở trong nhà khóc hu hu, chạy ra ôm lấy nó:
- Trời ơi! Cậu đã về, cậu đi đâu đấy, để cho em khóc mấy ngày hôm nay, hết cả nước mắt thế? Giời ơi là giời! Sao mặt mũi cậu thế này?
Nó cứ lặng im, chờ cho phút sôi nổi của mọi người qua đi.
Mọi người thấy nó lặng thinh, lại xúm xít đến hỏi rối rít.
Nó đang nhớ cậu mợ, nhớ Cu Nhớn, thấy mọi người cứ rối rít mà thì nó bực, nó trợn mắt:
- Đi đâu thì hỏi làm gì!
Mọi người, vốn xưa nay vẫn sợ cái oai của nó, im thin thít.
Em Tư, em Năm nó cũng đứng gần đấy, nghe nó nói to, sợ, nép mình vào chị Hai. Nó thấy thế, vội vàng tụt ở lòng chị Cả xuống, đi về phía hai em nó.
Hai em nó thấy nó lại, tưởng nó đến để gây sự, cứ lùi, lùi mãi, lùi cho đến giáp tường thì không thể lùi được nữa. Rồi thì sợ quá, khóc thét lên.
Nó từ từ lại nắm tay các em. Các em nó hết vía, vùng ra toan chạy. Nó vội vàng ôm lấy:
- Không, anh không đánh các em đâu. Không bao giờ anh đánh các em nữa đâu.
Cái cử chỉ, và thứ nhất cái giọng nói ôn tồn và rành rẽ của nó làm cho mọi người kinh ngạc.
Các em nó bị nó lôi, sợ mà phải theo, chứ vẫn còn run cầm cập. Nó sẽ vỗ lưng em Năm:
- Không, không bao giờ anh đánh nữa đâu, đừng có sợ.
Nó kéo em nó lại phía giường, cho mỡi đứa ngồi một bên, rồi hỏi:
- Thế, anh đi thế, các em có nhớ anh không?
Xưa nay, nó đối với các em, phi quát thì tháo, và toàn xưng bằng chúng mày. Nay thấy nó ôn tồn như thế, các em nó còn ngơ ngác, chưa kịp trả lời, thì chị Cả lại sợ không trả lời ngay, nó cáu nó đánh, liền chạy lại:
- Anh nó không đánh đâu. Kìa, kìa, anh nó hỏi, trả lời đi. Có nhớ thì bảo có nhớ đi.
Em Tư ấp úng mãi, mới bật ra được một câu:
- Có.
Đức hôn vào má hai đứa:
- Anh cũng nhớ các em lắm!
Cả nhà kinh ngạc nhìn nhau, không hiểu.
Lại càng kinh ngạc hơn, khi vú em lon ton chạy ra:
- “Em” đã pha nước rồi. Cậu vào đây “em” tắm cho cậu.
Nó nhìn vú em, rồi nó tụt xuống giường. Rời khi vú em giơ tay ra toan bế nó thì nó hất tay vú em ra:
- Từ nay, tôi tắm lấy, không ai phải tắm cho tôi cả.
Vú em tưởng như mọi khi, đã làm gì cho nó giận, nên nó dỗi, lạy như cha chết:
- Kìa, kìa, “em” có dám làm gì cậu đâu, mà cậu giận “em”. “Em” khóc cậu là sưng cả mắt đây này.
Chị Hai nó cũng tưởng là nó dỗi, cũng sán lại kêu van:
- Kìa, em không đi tắm cho nó sạch. Nào ở nhà, có ai dám trêu gì em đâu. Hay là em ăn rồi mới tắm? Em ăn mì nhé? Em ăn cháo nhé? Hay em ăn mằn thắn nhé?
Chị Cả nó chạy vào:
- À thôi, chị hiểu rồi, em ăn bít-tết gà bánh tây, rồi em mới tắm cơ. Em chị là ngoan lắm cơ.
Nó nghiêm trang:
- Không, em không giận ai cả. Từ giờ em không dỗi nữa đâu! Em muốn tắm đấy thôi.
Mọi người lại tưởng đó là những lời mát mẻ để phát hiện một cơn dỗi to hơn, lại kêu cầu rối rít tít mù. Ấy thế là nó tức:
- Ồ thì em muốn tắm lấy, mặc em, cứ lôi thôi mãi!
Rồi nó giằng quần áo ở tay vú em, đi vào trong nhà.
Mọi người lại kéo ồ cả vào, để xem nó dỗi thế nào, và liệu cách dỗ.
Nó biết nói cũng chẳng ai nghe, nên nó mặc kệ. Nó nhảy tót vào thùng tắm, chà xà phòng từ đầu tới chân. Rồi nó kỳ cọ, rồi nó giội sạch xà phòng, rồi nó lau khô, rồi nó bước ra.
Vú em cầm quần áo, đón nó:
- Nào, để “em” mặc quần áo cho cậu nào.
Nó chẳng nói chẳng rằng, giật quần áo ở tay vú em, mặc lấy. Mọi người đều kinh ngạc về chỗ nó mặc được một cách gọn gàng lắm.
Vú em tưởng nó giận gì mình, sợ cuống cuồng:
- Ô hay, “em” có làm gì đâu, mà cậu ghét “em” thế?
Rồi lại giơ tay ra, toan bế nó. Nó du vú em ra:
- Không, tôi không ghét vú, nhưng tôi không thích cho ai bế tôi nữa.
Vú em bước từ cái kinh ngạc này đến cái kinh ngạc khác:
- Ô hay, cậu đi có mấy ngày, sao đổi tâm đổi tính ghê thế? Nào “em” có làm gì đâu mà cậu không gọi “em” bằng “em” nữa, mà lại gọi bằng vú?
Rồi vú em bưng mặt, khóc hu hu.
Tiếng khóc ấy làm cho nó cảm động. Nó nghĩ đến sự vú em đã chiều chuộng, nâng giấc nó trong mười năm. Nó lại gần, kéo tay vú em xuống:
- Không, tôi không giận vú, nhưng từ giờ, vú không phải hầu tôi nữa.
- Thế “em” ở đây, không hầu cậu thì “em” ở đây làm gì?
- À, vú làm việc khác.
Rồi nó nắm tay hai em nó, dắt ra ngoài nhà.
Hai em nó sợ hết vía, nhưng cũng phải theo.
Nó trèo lên sập, cho hai em mỗi đứa ngồi một bên, rồi bảo chị Cả:
- Chị bảo nó mua cho em phở em ăn.
Chị Cả thấy nó lễ phép với mình như thế, cũng kinh ngạc.
- Không, chị đã bảo bếp nó ra cao lâu mua các thứ cho em rồi.
Chị Cả nó càng kinh ngạc hơn, khi thấy nó trả lời:
- Ồ, chị bảo ra cao lâu mua nhiều thứ làm gì cho nó tốn tiền vô ích. Em ăn gì cũng được mà.
Rồi nó cúi xuống, hỏi hai em nó:
- Chốc nữa, các em ăn với anh nhé?
Các em nó thấy nó không đánh, cũng không quát, bây giờ đã hơi quen, liền hỏi:
- Thế anh Đức cho chúng em ăn mấy, thật ư?
Nó lại hôn các em:
- Thật chứ lại dối à? Từ giờ, anh ăn cái gì, các em ăn cái ấy. Và không bao giờ anh đánh các em nữa.
Rồi nó bảo vú em:
- Vú vào đem những thúng đồ chơi của tôi ra đây.
Vú em và thằng xe lễ mễ vác mấy hòm ra. Nó bày tất cả lên giường:
- Nào, đứa nào muốn lấy gì, anh cho cả đấy.
Các em nó còn ngờ ngợ, chưa dám mó tay vào thì nó gạt tất cả vào lòng hai đứa:
- Anh cho tất cả đấy, anh cho thật đấy mà.
Hai đứa, lúc ấy mới vồ lấy, sướng rú lên:
- Ồ, thế thì thích quá!
Nó vuốt má hai em:
- Thích thật à? Nếu thế thì hôn anh đi.
Hai đứa xô vào hôn nó những cái hôn nóng giãy như chưa từng bao giờ hôn nó như thế cả.
Chị Cả, chị Hai và mọi người ngơ ngác không hiểu vì sao mới trong có mấy ngày nó đi vắng mà đã có sự biến đổi ghê gớm như thế.
Hai em nó hôn nó xong, lại rụt rè hỏi:
- Thế anh Đức cho chúng em thật chứ? Anh Đức không đòi lại như trước, rồi đánh chúng em nữa chứ?
Đức dằn từng tiếng:
- Không, không bao giờ anh đánh chúng em cả. Ồ, anh đã cho, có khi nào anh lại đòi. Bây giờ, hai đứa chia nhau đi, đứa nào thích cái gì thì lấy cái ấy đi.
Rồi khi thấy hai đứa cứ tranh giành nhau mãi chưa xong, nó bảo:
- Thôi, các em không phải tranh giành nhau nữa. Chị em với nhau mà tranh giành nhau như thế, không tốt. Để yên anh chia cho.
Chương 21
Mọi người, bây giờ xúm xít lại xem nó như người ta xem một con quái vật.
Thằng bếp bưng một mâm đầy các thức ăn về, đèo thêm một cân cam và một gói bánh.
Kinh ngạc chưa, khi thấy nó hỏi hai em:
- Hai em ăn gì nào?
Em Tư và em Năm trỏ bát mì. Chị Cả vội nói ngay:
- Chúng mày vừa ăn cơm, bây giờ ăn những thứ ấy thì đi ngủ đầy bụng.
Đức ngửng đầu lên:
- Thôi, cho chúng nó ăn một tý cũng không sao, chị ạ.
Rồi nó cầm bát, sẻ cho hai đứa. Nó lại còn đút cho em Năm là khác.
Ồ, trước kia thì đừng nói gọi cho ăn, cứ nó ăn cái gì, sán đến là nó đánh rồi.
Mọi người lại càng kinh ngạc, khi thấy nó ăn ngon lành và gọn gàng, chứ không vãi bừa ra nữa, và có tý bánh tây nào rơi ra mâm, nó lại còn nhặt lên đút mồm là khác.
Ăn xong, nó bóc cam đưa cho hai em, rồi nó cho chúng nó cả bánh nữa.
Chị Cả, lúc ấy mới sán đến ôm lấy nó, hôn lấy hôn để:
- Trời ơi, bây giờ em chị ngoan lắm rồi! Nào, em chị đi những đâu và làm sao, nói cho biết với nào?
Nó điềm nhiên:
- Em chả đi đâu cả. Em đi từ Bắc Giang về đây.
Chị Cả mở to mắt:
- Thế sao lâu thế? Từ Bắc Giang về đây, đi chỉ mất có hai giờ thôi mà. Nhưng sao em lại xuống ở ga Đầu Cầu?
- Ồ, em đi bộ thì đừng lâu à, đừng phải đi xe ở Đầu Cầu về à?
Chị Cả nó sao mà tin cho được:
- Em nói thật, em đi bộ từ Bắc Giang về đây?
- Ồ, bao giờ em dám nói dối chị.
Chị nó nhìn chằm chằm vào mặt nó:
- À, mà phải, giời ơi! Da em tôi sém nắng đi đây này.
Rồi chạnh lòng thương em, chị Cả khóc hu hu.
Nó ôm đầu chị vào ngực:
- Ồ, em có làm sao đâu mà chị phải khóc? Thôi, chị nín đi. Thế cậu mợ lên Bắc Giang phải không?
Chị Cả lau mắt, rồi ngửng đầu dậy:
- Cậu mợ lên Bắc Giang tìm em. Mợ khóc sưng húp cả mắt. Cậu sai bao nhiêu là người đi các ngả tìm em, tốn không biết bao nhiêu là tiền.
- Ô, thế em làm phí của giời nhỉ?
- Ô, không sao. Miễn là em về đây lành mạnh thì mất bao nhiêu cũng không sao. Em mà có làm sao thì mợ chết mất. Mầy lần, mợ định lăn vào ô-tô để tự tử.
Đến lượt Đức hu hu khóc:
- Thế thì tại em hư chị nhỉ?
- Nhưng bây giờ em ngoan rồi. Thôi, em đừng khóc nữa. Mợ trong thấy em là mợ khỏi hết. Chị đã cho người đi đánh dây thép lên cho cậu mợ rồi. Chỉ sáng mai là cậu mợ về tới đây thôi. Thôi, thế này là nhà ta có phúc lớn rồi.
Đức ngó lên, thấy chị Hai đứng ở xó cửa mắt đỏ ngầu. Nó liền vẫy lại. Nó giơ má cho chị Hai hôn, rồi bảo:
- Thôi, từ giờ là em không hư nữa đâu. Chị cứ tin như thế. Thôi, chị đừng khóc nữa, em khổ lắm rồi. À, để em kể tất cả các chuyện cho các chị nghe.
Chị Cả biết nó mệt, vội xua tay:
- Thôi, bây giờ em đi ngủ đi, mai hãy kể. Thôi, hôm nay mợ đi vắng, em hãy ngủ tạm với vú em vậy.
Nó lắc đầu, rồi dõng dạc:
- Không, từ giờ tôi ngủ một mình. Tôi ngủ một mình ở gác trong ấy.
Chị Cả nó, vì phải trông cửa hàng nên bao giờ cũng dậy sớm. Nhưng kìa, nó đã dậy sớm hơn. Chị nó rón rén vào buồng nó để xem nó ngủ có được ngon giấc không thì đã thấy nó đang lúi húi xếp xách vở ở bàn, cái công việc mà từ xưa đến nay, không bao giờ nó làm cả.
Chị nó chạy vội, vào ôm chầm lấy nó:
- Ồ, thế tối qua, em không ngủ à?
Nó hôn chị nó:
- Có chứ. Em ngủ ngon lắm.
- Thế tại sao em lại dậy sớm thế? Mọi khi em ngủ trưa cho tới bảy giờ cơ mà.
- À, mọi khi khác, bây giờ khác. Bây giờ em phải tập dậy sớm chứ.
Chị nó xoa đầu nó:
- Ồ, em dậy sớm để làm gì?
- Muốn để làm gì thì làm. Em học. À, hôm nay em đi học, nghe chưa. À hay thôi, em chờ cậu mợ về đã, chị nhỉ?
- Ừ, chờ cậu mợ về đã. Chả học thì thôi, cần gì!
- Ồ, cũng cần chứ.
Những lời lẽ của nó bây giờ thật là gọn gàng, lễ phép, thật là chị nó không thể nào hiểu được. Nhưng chị nó cũng thấy mừng rằng em đã ngoan ngoãn.
Thằng bếp kinh ngạc khi thấy nó bảo:
- Anh lấy nước lã cho tôi tắm.
Xưa nay nó có tắm sớm bao giờ. Thứ nhất lại là tắm nước lã. Thứ nhất nó lại xưng anh và tôi, chứ không mày tao quát tháo như trước.
Thằng bếp còn ngơ ngác, chưa biết có nên nghe hay không thì chị Cả nó đã la:
- Trời ơi! Em tắm nước lã thì rét chết! Với lại tắm sớm làm gì? Chờ trưa hãy hay.
Nó điềm tĩnh:
- Không, em không rét đâu. Em quen rồi. Tắm sớm mạnh khoẻ và thông minh chị ạ.
Chị Cả nó can thế nào, nó cũng không nghe.
Nó tắm, nó giội. Rét lắm, nhưng nó cứ cắn răng. Chị Cả đứng chờ ở đấy, thấy nó cứ vùng vẫy trong bồn nước giá như băng, phải thốt ra:
- À, em tôi quen thật! À, ra em tôi giỏi thật!
Nó mặc quần áo xong, sung sướng bảo chị:
- Đấy chị xem, có làm sao! Khoẻ đáo để! Chị không tin, thử tắm mà xem.
Chị nó rùng mình:
- Thôi, chị chịu thôi. Chị chả bắt chước em được.
Rồi ôm lấy nó, hôn lấy hôn để:
- À, ra em chị bây giờ giỏi quá, ngoan quá!
Hôn chán, chị nó dắt nó ra nhà ngoài:
- Thế bây giờ, em chị ăn gì nào? Em chị ăn cháo bầu dục hay trứng “la-cóc”? Hay em chị uống cà-phê “sô-cô-la”?
Nó lắc đầu:
- Ăn làm gì những thứ ấy cho tốn tiền. Còn cơm nguội, chị bảo đem lên đây cho em. Có ruốc nữa thì ngon chán rồi.
Chị nó há mồm, trợn mắt:
- Bây giờ em ăn được cơm nguội?
- Chứ sao, ăn cơm là tốt hơn cả. Chắc bụng và đỡ tốn tiền.
Chị nó không nghe:
- Nhưng nếu mợ biết chị để cho em ăn cơm nguội thì mợ mắng chị chết. Thôi, em chiều chị, ăn thứ khác đi vậy.
- Thế thì chị bảo mua cháo hoa cho em vậy.
- Ô, ai lại ăn cháo hoa. Ăn cháo hoa không bổ. Thôi, em ăn cháo bầu dục đi vậy. Bếp nó làm, chỉ một tí là xong thôi.
- Không. Em ăn cháo hoa.
- Thế nhưng nó đã mua rồi?
- Thì để cho các em, hay các chị ăn đi.
- Nhưng chị mua riêng cho em cơ mà.
- Ồ, thì chị hay các em ăn cũng được chứ sao.
Cháo hoa, nó húp thẳng hai bát và ngon lành lắm chớ không bưng lên đặt xuống như trước.
Hai em nó, lúc ấy đã dậy, thập thò ở phía ngoài. Nó lên tiếng gọi:
- Vào đây với anh.
Hai đứa đã quen với sự tử tế của nó, chạy đến tận nơi, rồi ngồi ở hai bên nó.
- Các em có ăn cháo không nào?
Các em nó nhìn vào bát cháo của nó.
- À, cháo hoa, chịu thôi!
Đức ôn tồn:
- Thế có bầu dục mua cho anh, nhưng anh không ăn, anh bảo nấu cho các em ăn nhé?
Các em nó gật lia gật lịa:
- Ừ, cháo bầu dục thì chúng em ăn.
Nó tủm tỉm cười, nhìn hai em, không nói.
Chị Hai nó thấy thế, liền hỏi:
- Em cười gì thế?
Nó không tiện nói ra, vả cũng khó nói cái cớ nó cười:
- À, em cười cái này…
Rồi lại hỏi các em:
- Anh cho các em đồ chơi như thế, các em có thích không nào?
- Ồ, thích lắm chứ. Ồ, đâu rồi, vú em lấy cho tôi đi.
Đức tụt ngay xuống khỏi giường:
- Thôi, không phải sai chúng nó nữa. Chúng nó còn bận, để anh đi lấy cho.
Rồi thì nó hì hục khuân tất cả các đồ chơi ra cho em nó:
- Đấy, các em chơi đi. Và từ giờ, muốn gì thì cứ sai anh nhé.
Chị Hai chạy tới, xoa đầu nó:
- Chà, bây giờ em tôi biết thương các em quá!
Nó trả lời gọn lỏn:
- Em, tại sao không thương? Chị biết thương em, tại sao em không biết thương chúng nó?
Chị nó tủm tỉm cười:
- Thế sao trước kia, em không thương mà đánh nó như két?
Đức ta gật gù:
- À, trước kia khác, bây giờ khác.
Chương kết
Mợ tự trên xe tất cả chạy vào. Từ ngoài, mợ đã khóc rưng rức:
- Nào, con tôi đâu nào? Nào, con tôi đâu nào?
Đức đang chơi ở trên gác với các em, nghe tiếng mợ, đã xăm xăm chạy xuống.
Mợ ôm chầm lấy nó. Nó cũng ôm chầm lấy mợ. Mợ hôn nó, nó cũng hôn mợ. Mợ vừa hôn nó vừa khóc. Nó hôn mợ, lặng im.
Mợ hôn, mợ hít nó chán, rồi mợ rít lên:
- Thôi, cứ ở nhà với mợ, chẳng đi đâu cả. Chẳng học thì đừng. Giời ơi! Con tôi đi mấy ngày, làm cho tôi sống dở, chết dở. Phúc quá, phúc quá! Thôi, con cứ ở nhà với mợ, chẳng phải đi đâu cả, nghe không? Mợ không bắt con phải đi học nữa đâu.
Nó nhìn lên mắt mợ, thấy sưng híp, liền ghì chặt lấy:
- Thôi, con lạy mợ, mợ đừng giận con nữa. Từ rày con không đi đâu nữa, nghe không. Con không hư nữa, nghe không.
Mợ kinh ngạc vì những lời nói của nó. Mà kinh ngạc là phải, bởi từ tấm bé, chưa bao giờ nó nói những lời lễ phép như thế. Nó chỉ có vòi, quấy, quát tháo, và chửi vung tàn tán.
Chị Cả, chị Hai, lúc ấy mới xô đến:
- Mợ ơi, em con bây giờ nó ngoan lắm lắm cơ, nó khác trước nhiều cơ.
Mợ chẳng hiểu đầu cua tai ếch, cứ thấy con về mạnh khoẻ là mừng lắm rồi:
- Thế à? Thì con mợ bao giờ nó chẳng ngoan, nó hư bao giờ đâu?
Nó giơ tay bịt mồm mợ:
- Ồ, trước con có hư chứ lại!
Rồi nó rúc đầu vào nách mợ:
- Từ giờ thì con không hư nữa đâu.
Sự kinh ngạc của mợ không bút nào tả được.
Cậu và bác Giáo, lúc ấy trả tiền xe xong, mới xồng xộc chạy vào.
Cậu giơ tay đón lấy nó. Rồi cậu hôn, hôn khắp vào người nó, rồi cậu nức nở:
- Giời ơi! Con đi đâu mấy hôm để cho cậu mợ hết cả hồn cả vía! Con đi đâu thế? Con đi đâu thế? Nói cho cậu mợ biết.
Mợ gắt ngay, và nói những câu khiến cho bác Giáo xạm cả mặt:
- Hỏi dồn thế thì con nó trả lời thế nào cho kịp! Nó có mấy mồm. Thôi, chả học nữa. Học thế thì rồi tôi mất con.
Mợ bế xốc Đức nguây nguẩy vào nhà.
Bác Giáo chết cay chết điếng, đứng ngẩn ra nhìn theo, không còn biết nói thế nào.
Trong ba hôm nay, mợ đã làm cho ông đủ các thứ tình, các thứ tội rồi. Nhưng trong khi mợ Đức đau đớn, và ông xét ông cũng có lỗi vì trông nom bất cẩn. Mợ bế Đức vào nhà, đặt lên sập, rồi mợ ngắm Đức từ đầu đến chân, rồi mợ lại vồ lấy, rít lên:
- Giời ơi! Con tôi đen một tí, nhưng không sao. Tôi ăn hiền ở lành, cho nên giời không nỡ làm hành làm hại con tôi. Giời ơi, con tôi!
Mợ nói thế, rồi mợ lại khóc nấc lên. Rồi mợ quỳ ngay xuống dưới chân con.
Đức ứa nước mắt, giơ tay kéo mợ dậy. Rồi Đức ôm cổ mợ:
- Kìa, mợ, con đã bảo mợ đừng khóc nữa cơ mà! Con đã bảo mợ, con khổ lắm cơ mà. Bây giờ con ngoan rồi mà.
Đức giơ tay vuốt nước mắt cho mợ. Mợ đớp những ngón tay của Đức, tưởng chừng như mình được lên tiên.
Vừa lúc ấy thì cậu ở ngoài đi vào. Mợ gắt ngay:
- Thôi, ông đi đâu thì đi. Một suýt nữa, ông giết con tôi đấy. Học với chả hành!
Đức nhìn cậu, rồi nhìn mợ. Rồi Đức lại đưa tay bịt mồm mợ:
- Kìa, mợ, mợ đừng gắt với cậu con nữa, lỗi tại con chứ có phải tại cậu con đâu.
Mợ rúc đầu vào nách con:
- Thôi, con đừng có bênh cái con người ấy nữa. Chả được cái đỉnh đùng gì. Học! Học! Học để làm gì? Bao nhiêu người, người ta không học dễ chết cả đấy. Học để ho lao, ho cổ. Hư! Mấy thứ hư! Con tôi hư mặc kệ tôi, việc gì đến ông?
Đức lại van vỉ:
- Ô kìa, mợ! Con đã bảo thế, mợ còn cứ gắt mãi với cậu.
Rồi nó tụt xuống, chạy lại nắm tay cậu:
- Cậu đừng có giận mợ con, nghe không.
Cậu thật như người đứt dây tự trên giời rơi xuống, không hiểu tại sao con mình lại nói được những lời lễ phép và khôn ngoan như thế. Cậu trố mắt nhìn con, trố mắt nhìn mợ. Rồi thì cậu cho là phúc nhà, vì mình ăn hiền ở lành nên giời thương thánh độ. Cậu xốc nách Đức giơ thẳng lên giời. Mợ lại gắt:
- Làm mạnh thế, chết con tôi bây giờ!
Đức tụt xuống, nguây nguẩy đi vào:
- Con bảo mợ đừng có gắt với cậu, mợ cứ gắt, con giận mợ rồi đấy!
Mợ sợ quá, chạy theo, níu lấy áo Đức:
- Thôi, mợ lạy con, mợ không gắt nữa rồi.
Rồi mợ quay lại phía cậu:
- Nhưng thế thì ai mà không gắt cho được.
Đức lại nguẩy đi:
- Kìa, con đã bảo mợ mà!
Mợ lại vội vàng nói lấy nói để:
- Thôi, thôi, mợ không gắt nữa, mợ không gắt nữa mà lại.
Cậu sung sướng quá, cười khề khề:
- Đấy, nghe con nói đấy, con nó cũng biết thế nào là phải trái.
Mợ ôm Đức, nguýt cậu một cái:
- Con tôi đẻ ra đấy. Chớ dễ ông đã đẻ ra được nó đấy.
Cậu vuốt bộ râu “ghi-đông ca-rê”
- Tôi chả đẻ ra nó mà nó lại bênh tôi.
Bác Giáo nghe chị Cả, chị Hai nói cho biết sự thay đổi kỳ dị của Đức, lúc ấy mới rón rén đi vào. Cậu mợ chưa kịp nói gì thì Đức đã lìa khỏi tay mợ, chạy ra nắm lấy tay bác Giáo:
- Thôi, bác đừng giận mợ cháu nữa. Mợ cháu… gì thì mợ cháu nói thế đấy thôi.
Bác Giáo đã được chị Hai, chị Cả nói cho biết sự thay đổi của Đức. Nhưng bác cũng không ngờ có sự thay đổi kỳ dị đến như thế. Bác tưởng chừng có thần đồng nhập khẩu vào Đức.
Bác nhìn Đức trừng trừng, rồi bác nói:
- Không, bác có giận mợ cháu đâu. Người ta trong lúc đau đớn, ai chả thế.
Đức lắc đầu lia lịa:
- Không phải, không phải lỗi ở bác. Lỗi ở cháu. Nếu cháu ngoan ngoãn học hành trên ấy, thì đâu có chuyện.
Bác Giáo lại càng kinh ngạc. Bác lẩm bẩm:
- Ồ, thằng bé này bây giờ khá quá!
Rồi thì bác nói to:
- Thôi, chú thím đừng có giận tôi nữa. Thế này là giời thương, thánh độ đây. Như thế này thì còn việc gì phải dạy nữa.
Đức nắm tay bác Giáo, đặt lên đầu mình:
- Ồ, phải dạy chứ. Trẻ con không dạy thì sao… gì được.
Rồi quay lại phía mợ:
- Con theo bác Giáo lên Phủ Lạng học, nghe không mợ?
Mợ rụng rời:
- Ôi! Thôi, thôi, chả học thì đừng. Ở đây cũng có trường. Một lần nữa thì tôi chết!
Đức nép đầu vào mình bác Giáo:
- Không, con ở trên ấy học, con không đi đâu nữa đâu, mợ ạ.
Mợ lắc đầu lia lịa:
- Không, không, ở đây cũng có trường. Với lại mợ cũng không cần cho con phải học. Nhà cũng đủ bát ăn rồi, chả học cũng chả sao.
Đức ôm chặt lấy bác Giáo:
- Không, nhất định là con lên học với bác Giáo kia. Không học, dốt, người ta cười. Nhất định là con lên học với bác Giáo, với các anh các chị ở trên ấy cơ.
Mợ thấy con có vẻ cả quyết, liền nằn nì:
- Thì ở đây cũng có trường, con cứ đi học.
Đức phụng phịu:
- Nhưng ở đây không có ai giỏi chữ, không có ai bảo con. Ở trên ấy có các anh, các chị.
Mợ cuống quýt:
- Không! Không!
Đức giậm chân xuống đất, láy lại lời mợ:
- Không! Không! Con cứ đi với bác. Con đi để con đi học, chứ con đi đâu. Con không đi đâu nữa đâu.
Mợ oà lên khóc:
- Nhưng mà mợ không xa con được. Mợ xa con thì mợ nhớ lắm, mợ không sống được. Con làm cho mợ thất điên bát đảo lên mấy ngày hôm nay, bây giờ con lại định làm cho mợ khổ hay sao đấy?
Đức thấy mợ khóc thì thương. Nó chạy lại vuốt má mợ:
- Ô kìa, thế con muốn đi học, mợ không bằng lòng à? Thế con ngoan, mợ không muốn cho con ngoan à?
Mợ mếu máo:
- Tại sao mợ lại không muốn.
- Mợ muốn, thế sao mợ lại không cho con đi học? Mợ giữ con ở nhà?
- Thì con học ở Hà Nội cũng được chứ sao.
- Nhưng nhà này không ai giỏi cả. Cậu không biết chữ Tây nhé, mợ không biết chữ Tây nhé. Chị Cả, chị Hai thì bập bẹ, con quên thì con hỏi ai? Với lại học một mình, nó buồn lắm! Mợ nhớ con thì chủ nhật con về. Mợ phải muốn cho con học giỏi chứ. Sao trước kia, mợ bảo muốn cho con học để sau ra làm quan kia mà? Thế mợ không muốn cho con làm quan à?
- Sao mợ lại không muốn. Nhưng xa con thì mợ chịu thôi. Mợ không cần quan, mợ chỉ cần con thôi.
- Thì con lên trên ấy với bác, chứ con có đi đâu. Con học đỗ, rồi con về đây ở với mợ. Không! Mợ phải cho con đi mới được.
Sự quả quyết của thằng bé muốn làm người, làm rung động tấm lòng trắc ẩn của nhà giáo vốn là người chỉ muốn thành nhân chi mỹ. Bác Giáo lại thấy có can đảm để nói:
- Thím nên bình tĩnh nghe tôi và nghe nó. Thế này là giời thương thánh độ cho thần đồng nhập nhẩu nó để nói đấy. Nếu thím mà không biết vâng theo mệnh giời, thì rồi… chả ra thế nào cả. Thím nên bình tĩnh mà xét xem. Sao một đứa bé, trước kia như thế, mà bây giờ nói những lời khôn như thế? À, hẳn là giời thương chú thím mới có sự lạ lùng thế này. Thím phải nên xét kỹ, không có rồi lại hối không kịp nữa đấy. Con trẻ chỉ có một thời để học hành mà thôi. Ta không nên làm cản trở bước đường tiến nghiệp của nó.
Mợ vốn tin thần thánh, vả thằng Đức lại là con cầu tự, cho nên khi bác Giáo viện thánh thần và viện mệnh giời ra nói thì mợ sợ ngay. Mợ ngập ngừng một giây:
- Vâng, thôi nếu có phải thế thì tùy bác đấy.
Và nhìn con, nghẹn ngào:
- Thôi, có phải nếu nó muốn đi để học hành thì cũng tùy nó. Trước kia tôi cũng chỉ muốn có thế.
Lê Văn Trương
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...