Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

Nhà thơ Minh Đan: Gia đình là nơi của lòng nhân hậu, yêu thương

Nhà thơ Minh Đan: Gia đình là nơi
của lòng nhân hậu, yêu thương

Là tác giả của các tập thơ “Tình riêng”, “Dấu chân Hầm Hô”, “Ngày không bọt”, “Phút 89”, “Đa mang anh”, “Vị đàn bà”… nhà thơ Minh Đan hiện là Ủy viên Ban Nhà văn trẻ, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Gia Định, Hội Nhà văn TPHCM. Chị chia sẻ về tuổi thơ và mái ấm gia đình của mình:
“Tuổi thơ của tôi khác biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, bình yên và hạnh phúc! Ngay từ khi còn ít tuổi, tôi đã biết chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn, từ dụng cụ học tập, quần áo, đến miếng bánh, cây kẹo… Sau này khi bước chân vào làng báo, làng văn, có dịp đi đó đây nhiều, tiếp xúc với các tầng lớp xã hội, tôi càng thấu hiểu hơn những phận người bất hạnh và tôi tự nhủ bản thân cố gắng làm thật nhiều điều tốt, giúp người khi có thể.
Tôi may mắn được sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo trí thức có ba người con. Tôi là con gái một, nên từ bé đã được cha mẹ hết mực cưng chiều. Nhưng bản tính trời sinh cho tôi ý thức tự lập từ nhỏ, không ỷ lại, không đua đòi, nên trong mắt người thân tôi là đứa trẻ rất ngoan, biết điều và cá tính. Gia đình tôi có tư duy hiện đại, không bao giờ áp đặt con cái theo ý mình. Thường ba mẹ đưa ra lời khuyên và định hướng, còn anh em chúng tôi tự chọn con đường tương lai cho mình.
Mẹ tôi lớn lên trong một gia đình giàu có, nhưng việc gì bà cũng biết làm và học rất giỏi. Đức tính khiêm tốn, cầu tiến và tự lập của bà đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và nhân cách của tôi. Có thể nói sự thành công trong cuộc sống và hạnh phúc trong hôn nhân của mẹ đã thành tấm gương tốt cho tôi noi theo.Tuy nhiên, tôi lại thừa hưởng ở ba sự quyết đoán và mạnh mẽ, tôi cũng ảnh hưởng từ ông sự khéo tay và tính kỹ lưỡng, bất kể việc gì được giao tôi đều làm tốt nhất có thể, với tinh thần trách nhiệm lớn.
Ba mẹ tôi hiểu rất rõ tính cách con gái mình, điều gì đã thích là làm bằng được, và nếu lỡ có sai thì đứng lên sửa sai và đi tiếp. Vậy nên, thay vì ngăn cản hay cấm đoán, ba mẹ thường để cho tôi tự do trải nghiệm, lăn lộn với đời để rút ra những bài học quý cho mình. Đôi khi ba mẹ vì xót con, đau lòng mà có lời hờn dỗi, nhưng ông bà tuyệt nhiên không bao giờ chỉ trích nặng nhẹ với tôi, ngược lại, luôn bên cạnh an ủi, động viên, lắng nghe và sẻ chia khi tôi cần trút bầu tâm sự. Và lời khuyên của ba mẹ dành cho tôi bao giờ cũng là “Dù thành công hay thất bại, con hãy luôn là chính mình, mạnh mẽ và quyết đoán nhé!”.
Cả ba mẹ và người bạn đời đều chia sẻ và ủng hộ hết lòng niềm đam mê thơ ca của tôi, đặc biệt là ba tôi, ông luôn có mặt trong hầu hết những chương trình thơ nhạc có tôi tham gia và cũng là người thường xuyên đọc tác phẩm mới do tôi sáng tác với những góp ý rất thẳng thắn và nghiêm khắc. Tôi cảm thấy mình quá may mắn khi có một người cha tâm lý và yêu thương con gái nhiều đến như vậy. Còn người bạn đời của tôi vì điều kiện sống xa nhà nên anh ít có dịp chứng kiến những thời khắc tôi thăng hoa với thơ ca, nhưng khi bên cạnh thì anh cũng là người cổ vũ tôi nhiệt tình nhất.
Đối với con trẻ, tôi dạy con nhiều thứ lắm. Nhưng lòng hiếu thảo là điều tôi dạy đầu tiên. Tôi tin một đứa trẻ có nền tảng đạo đức tốt từ gia đình chắc chắn sẽ là một công dân tốt ngoài xã hội. Điều thứ hai là tính tự lập, tôi muốn con phải biết tự chăm sóc bản thân thật tốt. Điều thứ ba tôi dạy con biết sẻ chia với những người kém may mắn hơn mình. Và cuối cùng, tôi dạy con phải là một người có trách nhiệm với những quyết định của bản thân, đã làm phải làm tới đích. Thành công hay không không quan trọng bằng việc con tìm thấy niềm vui và bài học từ những trải nghiệm của chính mình, khi đó cuộc sống mới có ý nghĩa và giá trị. Tôi thường làm bạn với con để hiểu con và cùng con giải quyết các vấn đề. Tôi cho rằng, việc người lớn và con trẻ cùng ngồi lại, lắng nghe và sẻ chia với nhau không chỉ là một trong những phương pháp giáo dục hiệu quả và văn minh, mà còn gắn kết niềm tin, lòng tự hào của con đối với đấng sinh thành. Cảm giác con không nghe lời, hoặc làm những điều sai trái khiến người lớn chúng ta thấy khó chịu, thậm chí là tức giận, nhưng theo tôi, người lớn nên cố gắng kiềm chế cảm xúc, tạo cho con không gian cũng như thời gian và cơ hội để con nhận biết sai lầm của mình. Việc la mắng hoặc dùng đòn roi nếu không kiểm soát dễ khiến trẻ bị kích động và tổn thương. Ngay cả khi cách xử lý vấn đề của con không đáp ứng mong đợi của chúng ta đi nữa, thì người lớn cũng cần tôn trọng quyết định của chúng. Có thể, một số phụ huynh sẽ cho rằng lời của tôi giáo điều, không thực tế, nhưng ba mẹ tôi đã làm được và giờ đến lượt chúng tôi vẫn duy trì cách giáo dục này. Tôi thấy rất hiệu quả. Tôi nghĩ đã là gia đình, thì ít nhiều cũng có chuyện này chuyện nọ giữa các thành viên, chỉ cần vứt bỏ “cái tôi” đi, tôi tin mọi mâu thuẫn dù phức tạp thế nào cũng được hóa giải, quan trọng hơn hết là phải mở lòng cùng nhau, vì niềm vui, hạnh phúc chung mà có cách cư xử phù hợp.
Để có một nơi bình yên nhất cho các con nương tựa, mỗi thành viên trong gia đình cần sống có trách nhiệm với mình và với những người có cùng huyết thống, vì “chất liệu” xây tổ ấm không chỉ là vật chất, mà còn là tình yêu thương, lòng nhân hậu và sự gắn kết giữa mọi thành viên lại với nhau”.
6/11/2019
Việt Quỳnh - Huyền Trang
Nguồn: Tinh hoa Việt
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...