Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Nhà văn Hữu Mai: Người độc hành lặng lẽ

Nhà văn Hữu Mai:
Người độc hành lặng lẽ

Thời gian vốn công bằng, dù Hữu Mai có đòi hỏi hay vẫn một chọn lựa khiêm nhường lặng lẽ, thì lịch sử văn học Việt Nam hiện đại vẫn phải có một vị trí đường hoàng trang trọng cho ông…
Năm hình như 1989, lũ học trò chuyên văn một trường trung học tỉnh lẻ háo hức chờ đón buổi ngoại khóa giao lưu với nhà văn vừa xuất bản bộ tiểu thuyết đình đám cùng nguyên mẫu trong tác phẩm của ông.
Hữu Mai ở Hà Nội về, cao lớn, quắc thước, khuôn mặt phúc hậu ngồi bên “ông cố vấn” Vũ Ngọc Nhạ suy tư trầm trầm. Ông nói gì, nhiều lắm, thời gian đã gió thổi mây bay, chỉ mỗi chi tiết ông kể trong sách ông đã tự thêm đĩa thịt gà luộc vào mâm cơm của tổng thống chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm ngày ấy vì thấy sao sao đó, thấy “nó đạm bạc quá”, là chẳng hiểu cách chi cứ theo mãi đến giờ.
1. Mới đấy đã gần ba mươi năm có lẻ, thời gian đủ để những trai gái teen teen trở thành trung niên trưởng thành, nhà văn Hữu Mai ra đi cũng thêm vài tháng nữa là chẵn 10 năm tròn.
Ngay khi ông nằm xuống, cuốn sách mới của ông vẫn ra mắt, Không phải huyền thoại – cuốn tiểu thuyết đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không theo cách thông thường Hữu Mai thể hiện mà độc lập hơn, cái tôi nhà văn lấn lướt hơn dẫu vẫn bình an hiền hòa giản dị.
Nhưng vượt qua lớp biểu bì bề nổi của chữ, tới những tầng ngữ nghĩa mới thấy Hữu Mai nhà văn bản lĩnh hơn nhiều người đời những tưởng về ông, mới ồ ông cũng cực kỳ quyết đoán và không hề khoan nhượng, viết về nhân vật lịch sử có thật, một gương mặt đặc biệt của thời đại cả trên phương diện chính sử lẫn trong lòng nhân dân mà vẫn bình thản tự tại, không a dua xuôi chiều, không để cái cảm tính chủ quan lấn lướt.
Dù là sáng tác văn học thuần túy hay hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, Hữu Mai ghi thì trang sách hiện ra vẫn khách quan tỉnh táo, là chính kiến của tác giả không bị tác động bởi áp lực nào, vẫn đĩnh đạc thành những tài liệu chính sử có thể tham khảo và ấp ôm thêm những mộng mơ tưởng tượng không giới hạn cho độc giả.
Cũng một tư thế tự tại, chỉn chu kỹ lưỡng, đủ kiến văn lẫn độ đậm đặc tri thức chính trị xã hội văn hóa lịch sử để giải mã các thông tin, sự kiện, bộ tiểu thuyết Ông cố vấn – Hồ sơ một điệp viên về nhà tình báo chiến lược Vũ Ngọc Nhạ mới trở thành best-seller – 400.000 bản in ngay trong năm đầu tiên – một hiện tượng xuất bản thời kỳ đó và là cả ước mơ khao khát của thời này.
Từ Ông cố vấn, Hữu Mai được mời đi dự Đại hội thế giới lần thứ nhất thành lập “Hiệp hội những nhà văn chuyên viết truyện trinh thám” dù đó là cuốn sách “trinh thám” đầu tiên của ông, đủ thấy tầm phổ biến của “cặp đôi” Vũ Ngọc Nhạ – Hữu Mai đã choáng ngợp rộng khắp thế nào.
Hữu Mai họ Trần, sinh ở Thanh Hóa, quê gốc Lý Nhân – Hà Nam, một địa danh gần kề bên làng Đại Hoàng phát tích Chí Phèo – Thị Nở của nhà văn Nam Cao, nhưng sinh sống và trải qua thời ấu thơ nghèo khó tại Nam Định, vậy nên ông chọn mảnh đất non Côi sông Vị thành quê hương mình.
Là cháu nội ông đồ trong thời Nho giáo chỉ còn lưu vào nỗi nhớ, con trai một viên chức sở tư nặng gánh gia đình, cậu bé “ưa suy tư, sớm âu lo” Hữu Mai từ nhỏ đã làm bạn với văn thơ, coi Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương là nguồn vỗ về an ủi tinh thần vô giá của mình.
Trong một tài liệu có tính “tự bạch”, Hữu Mai nói rằng: “Có thể vì gia đình nghèo, lại thuộc chi dưới trong họ, nên từ nhỏ tôi đã có tính tự ái rất cao. Tôi không muốn người khác coi thường hoặc xót thương cho hoàn cảnh gia đình mình. Tôi học hành chăm chỉ và tìm quên trong văn chương”.
Căn cốt ấy hun đúc nền tảng nhân cách để sau này, có làm việc, cộng tác với các yếu nhân, Hữu Mai luôn đường hoàng giữ vững vị thế của mình, tự tin với cái tôi riêng mình mà không hề bị động, áp đặt bởi bất cứ ai. 9, 10 tuổi đã làm thơ, những vần thơ lớn sớm của cậu bé già dặn, kiểu như: “Giường nhỏ ta nằm hay trái đất/ Bao phủ mù sương một bức màn/ Vũ trụ nhà ta to rộng quá,/ Mưa buồn cưỡi đất khắp không gian/ Đêm nay ta muốn lên cùng nguyệt/ Leo lét xa xanh điện Quảng Hàn…” hay: “Ngoài trời phân phất mưa rây/ Heo may buôn buốt, dày dày màn sương/ Lá khô rên rỉ trên đường/ Ta về đâu nhỉ sầu vương khắp trời”…; “Còn bèo nổi chừ chìm mây/ Là hao sáng nguyệt chừ gầy mình trăng/ Gẫy cành chừ liễu đài chương,/ Ly tao chừ một người thương thẫn thờ/ Tìm nhau thôi đã đất Hồ/ Đi về thôi cũng hững hờ ngàn năm/ Đường gần thôi đã xa xăm/ Uyên ương thôi nảy Hồ cầm còn chi/ Hoài em chi một bài thi/ Đắm say chi sắc hương thì cũng thôi/ Lửa hương chi đã lỡ rồi/ Trăm năm chi để ngậm ngùi trăm năm…”… 
Tiếc là ông chẳng lưu được nhiều thơ mình độ ấy và bỏ cách quãng, không tiếp tục làm thơ cả lúc sau này hoặc có thể, con người thơ trong ông đã dồn nén lại, để chuyển giao cho người con trai thứ – nhà thơ Trần Hữu Việt…
Nhà văn Hữu Mai cùng những người giúp việc Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Từ phải qua trái: Nhà văn Hữu Mai, Trung tướng Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, ông Bùi Đình Kế, nhà văn Phạm Chi Nhân.
2. Hữu Mai có cuốn tiểu thuyết Người lữ hành lặng lẽ.Chả hiểu có hẳn thế không nhưng cảm giác hai chữ “lặng lẽ” đã trói buộc vào phận số ông hoặc giả sự nổi trội của mảng sách ký sự nhân vật mà ông thể hiện đã quá thành công, lấn lướt khiến công chúng lẫn giới phê bình quên đi một cách oan uổng Hữu Mai nhà văn thuộc dạng tiên phong cho những mảng đề tài thời sự khác.
Vừa bước ra khỏi chiến thắng Điện Biên Phủ, trong công cuộc cải cách ruộng đất khốc liệt, là người của đội quân chiến thắng hăm hở làm sứ mệnh cho “người cày có ruộng”, rồi sửa sai, rồi bao đau thương oan nghiệt vật vờ trước mặt, Hữu Mai đã thấm và ngấm, ông viết Những ngày bão táp, cuốn tiểu thuyết gần như đầu tiên về cải cách ruộng đất.
Gần nửa thế kỷ sau, nhìn lại cuốn sách của mình (ấn hành năm 1957), Hữu Mai vẫn điềm tĩnh, đôn hậu, vẫn nhất quán trước sau như một với cả thời trong trẻo hồn nhiên ấy: “Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, viết về sai lầm trong cải cách ruộng đất, những ngày bão táp trong đời sống nông thôn. Sự thôi thúc tôi viết cuốn sách này là muốn góp một tiếng nói trong việc đánh giá những sai lầm trong cải cách ruộng đất, trong lúc có người coi đây như những sai lầm mang bản chất chế độ. Tôi đã trực tiếp chứng kiến những đau thương do sai lầm trong cải cách ruộng đất tạo ra. Nhưng nhận thức của tôi khi đó về những nguyên nhân dẫn đến sai lầm còn khá hạn chế. Tư tưởng của tôi lúc này chỉ muốn khẳng định cải cách ruộng đất là một chủ trương đúng của Đảng nhằm mang lại ruộng đất cho nông dân, nhưng một số sai lầm trong chỉ đạo và cách làm mù quáng của những người thực hiện đã dẫn đến tai ương. Tôi nghĩ mình là một người lính cầm bút cần có một tiếng nói góp phần vào việc ổn định tình hình chính trị đang rối ren khi vẫn còn nửa nước chưa giải phóng”.
Những ngày bão táp, Cao điểm cuối cùng, Vùng trời..., sau này là Đêm yên tĩnh, Người lữ hành lặng lẽ…, Hữu Mai như người độc hành nhọc nhằn và nhẫn nại trên con đường cá nhân, làm phận sự của một nhà văn trung thực với chính mình, nhất quán với thời đại mình đang sống và trách nhiệm với các thế hệ sau.
Ông dường như ngược lại với không ít người, Hữu Mai biết mười chỉ nói ra năm và viết có khi mới sử dụng một, hai phần của nguồn dự trữ năng lượng dồi dào mà ông tỉ mẩn đắp bồi tích cóp.
Tiếc rằng đời người hữu hạn, sức người chưa thể nào là vô biên nên có thể một phần phì nhiêu phong phú tư liệu lẫn chất liệu cho những cuốn sách đã dàn dựng ý tưởng trong đầu, mãi mãi đi theo nhà văn về miền xa vắng.
Hoặc cũng có thể tư chất ông, vốn liếng chữ nghĩa của ông, dòng nham nhạch cuồn cuộn trong nội tâm ông theo gen, theo nếp nhà, theo hơi ấm gia đình đã thẩm thấu vào người con trai trưởng, để một ngày vị quan chức tưởng đạo mạo nghiêm ngắn đã làm nổi sóng văn đàn năm 2014 cũng bằng một tiểu thuyết ngồn ngộn chất liệu người thực việc thực đời thực đầy sức cám dỗ.
Hữu Mai “người độc hành lặng lẽ”, trung thực với chính mình, với văn chương con chữ, ông không coi sáng tạo văn học là cuộc chơi làm nổi cái tôi cá nhân của mình, thể hiện sự độc đáo dị biệt của mình, ông “khác với những nhà văn cùng thế hệ, cái gì tôi đã viết dù dưới dạng tiểu thuyết, ký sự, truyện ngắn… đều ít nhiều mang tính những ghi chép lịch sử.
Dường như trong những nhà văn hiện đại Việt Nam, ít ai đầu tư nhiều vào việc tìm hiểu hai cuộc kháng chiến, những vấn đề về nghệ thuật quân sự trong chiến tranh Việt Nam lâu dài như tôi”…
Khiêm nhường, lành tính, ông tự nhủ: “Tôi không có tham vọng văn chương. Thế hệ chúng tôi không đủ thời giờ để làm việc này. Tôi chỉ mong ghi lại trung thực những gì mình đã sống, đã biết về hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh”.
Lựa chọn ấy có thể là một sự hy sinh của Hữu Mai, nhưng may mắn lại là cái được của bạn đọc, của các thế hệ người Việt quan tâm đến lịch sử hiện đại.
Không ồn ào không lập ngôn, Hữu Mai điềm tĩnh sống, bình thản làm việc, chắt chiu và viết, và phụng sự quân đội, phụng sự đất nước, như một người lính trung thành hài lòng với bổn phận, an tâm với sứ mệnh, tự trọng với chính mình…
Thời gian vốn công bằng, dù Hữu Mai có đòi hỏi hay vẫn một chọn lựa khiêm nhường lặng lẽ, thì lịch sử văn học Việt Nam hiện đại vẫn phải có một vị trí đường hoàng trang trọng cho ông…
21/12/2019
Ngô Hương Sen
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...