Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Nhà báo viết phóng sự điều tra Bùi Nguyễn Trường Kiên

Nhà báo viết phóng sự
điều tra Bùi Nguyễn Trường Kiên

“Tôi mồ côi mẹ từ năm học lớp 1, đến lớp 6 thì mồ côi cha. Một mình giữa đất Sài Gòn, tôi bán bong bóng, bán báo, đánh giày, đẩy xe 3 bánh,… kiếm sống trên đường phố. Mọi điều của cuộc sống dội vào tôi, từ những điều xấu nhất lẫn những điều tốt đẹp” – nhà thơ, nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên  chia sẻ.
* Là cây bút kỳ cựu từng thực hiện những phóng sự điều tra gây chấn động dư luận, đến giờ chiêm nghiệm lại, ông có thể cho biết, những phẩm chất nào đã giúp ông gặt hái được thành công trong nghề? 
– Là một nghề mang tính đặc thù, nên những người làm báo ngoài kỹ năng chuyên môn, cần phải rèn luyện để có những phẩm chất cần thiết, đặc biệt đối với những nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra. Tôi quan sát và học từ các đồng nghiệp đi trước để hiểu điều đó.
Trước hết, tôi phải hiểu rõ tầm quan trọng của sự kỹ lưỡng, thận trọng – luôn cân nhắc mọi việc trước khi bắt tay vào thực hiện một việc nào đó.
Thứ hai, phải luôn biết đặt câu hỏi trước mọi sự kiện, mọi vấn đề… Liệu báo cáo thanh tra này có đúng sự thật không? Liệu bản án này có đúng người đúng tội chưa? Liệu cáo trạng của viện kiểm sát mà mình đang cầm trên tay chính xác bao nhiêu phần trăm? Liệu lời tố cáo mà mình đang nghe có đúng là sự thật? v.v… Vì vậy, tôi không bao giờ lấy văn bản của các cơ quan chức năng để viết lại thành bài điều tra của mình. Trong quá trình tác nghiệp tôi thường làm ngược lại: Xác minh, điều tra những điều mà người ta đã kết luận. Khi nào tôi tự tin trả lời với chính mình rằng: “Đây chắc chắn là sự thật!”, lúc đó tôi mới bắt đầu ngồi vào bàn viết. Tất cả những cáo trạng của viện kiểm sát, báo cáo của thanh tra,… đối với tôi chỉ là tài liệu để tham khảo. Có lẽ nhờ sự cẩn trọng xuất phát từ việc đặt ra cho mình những câu hỏi như thế, nên trong hơn 35 năm làm báo, chưa một lần tôi phải đính chính vì viết sai; chưa có một lá thư nào của độc giả gửi về tòa soạn than phiền rằng tôi đặt điều vu khống, viết sai sự thật.
Thứ ba, tôi luôn ý thức rằng, nhà báo phải là người biết lắng nghe và biết cách nghe. Không chỉ nghe bằng tai mà còn biết lắng nghe bằng mắt, nghe bằng cả tấm lòng, cả tình cảm của mình. Nhờ điều này, khi đi cơ sở phỏng vấn, xác minh, điều tra… tôi đã nhận được sự trợ giúp của nhiều người. Khi biết cách lắng nghe, chúng ta sẽ tìm được người nói cho chúng ta nghe về sự thật…
Thứ tư, để thành công trong lĩnh vực điều tra liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính, ngân hàng hoặc tham nhũng, hối lộ… nhà báo không thể thiếu kiến thức căn bản đối với những lĩnh vực ấy. Nói gọn lại, là nhà báo phải biết-cách-đọc-những-con-số, nghĩa là phải hiểu được ý nghĩa, giá trị của những con số trong các văn bản. Khi đọc những bản báo cáo của kế toán, thống kê của ngân hàng, bản tổng kết tài sản của doanh nghiệp… nhà báo phải hiểu và thấy được sự hợp lý hay bất hợp lý trong những con số đó. Nếu nhà báo cầm các văn bản kế toán nói trên mà “hiểu” thì sự thành công đã là phân nửa cho đề tài mà mình đang theo đuổi. Trước khi làm báo, tôi có 6 năm đi thanh niên xung phong, trong đó có 4 năm tôi làm kế toán và được đào tạo để trở thành kế toán trưởng. Vì thế, khi làm báo, đặc biệt là mảng kinh tế, tôi có lợi thế hơn một số đồng nghiệp. Khi tiếp cận với những hồ sơ về tham nhũng, về tiêu cực, tôi biết phân tích, đặt câu hỏi và khám phá ra những bí ấn đằng sau những con số đó.
Thứ năm, phải tạo được niềm tin cho những người làm việc với mình. Khi họ hoàn toàn tin tưởng về sự trung thực, đạo đức của nhà báo, họ mới dám chia sẻ sự thật liên quan đến vấn đề nhà báo điều tra. Có những chuyện người ta không dám nói với ai, nhưng họ lại nói với mình – khi nhà báo tạo được niềm tin, sẽ nhận được điều quý giá đó.
Thứ sáu, những việc tôi làm, tôi viết đều hoàn toàn tự nhiên, không cần cố gắng, gượng ép. Nhiều người tặng vàng, biếu tiền, cho đất, duyệt nhà giá rẻ… để tôi viết (hoặc để tôi không viết) nhưng tôi đều từ chối. Tôi giải thích cho họ hiểu về nguyên tắc riêng mà tôi đã tự “răn” mình khi bắt đầu bước vào nghề báo: “Tôi chỉ đem về nhà những đồng tiền do chính công sức mình làm ra”. Ngay từ đầu tôi cũng xác định rằng, đừng tưởng “từ chối nhận quà” là việc dễ làm. Khó lắm đấy! Rất khó! Nhưng một khi chúng ta đã xác định ngay từ lúc bước vào nghề báo là “phải sống trong sạch”, ắt chúng ta sẽ biết cách giữ mình trong sạch.
* Còn kỹ năng để có thể viết được một phóng sự hay, hấp dẫn? 
– Nhà báo phải là một người điêu luyện trong sử dụng ngôn ngữ. Nghèo nàn về ngôn từ, hoặc lúng túng trong việc cấu tứ… thì chẳng ai thèm đọc bài của mình cả. Do vậy, thường thì những người viết phóng sự giỏi đều có khả năng văn chương. Phóng sự kể lại những câu chuyện, những con người có thật có đầu có đũa nên thường dài, cho nên nếu nó không được chuyển tải bằng bút pháp văn học thì chẳng ai thèm đọc những bài dài ấy. Vì thế ngôn ngữ trong phóng sự phải mượt mà, văn vẻ, sử dụng càng nhiều biện pháp tu từ càng tốt. Nói tóm lại, phóng sự là một tác phẩm báo chí được thực hiện bằng bút pháp văn học. Nghĩa là người viết cần quan sát mọi thứ bằng con mắt của nhà báo để bảo đảm sự tinh tường, chuẩn xác, trung thực tuyệt đối; nhưng khi thể hiện thì phải như một nhà văn trong việc sử dụng ngôn từ.
Một điều cần nhấn mạnh là nhà báo phải biết yêu cuộc sống, yêu con người, biết khóc, biết rung cảm trước sự đau khổ của người khác; biết rung động trước những hành động cao đẹp của người khác thì mới có thể viết phóng sự được. Một ông già mù ngồi đánh đàn nơi ngã tư, trước mặt là cái nón có vài đồng bạc lẻ – hình ảnh đó ngày nào người ta đi ngang cũng thấy, các nhà báo khác đi ngang cũng thấy, hết sức bình thường; nhưng khi nhà báo viết phóng sự đi ngang qua, anh ta liền thấy ngực mình nhói đau. Trái tim mách bảo anh ta phải dừng lại, quan sát, tiếp cận, chia sẻ, để hiểu tận cùng đời sống của người già ấy. Và anh ta là người xa lạ đầu tiên biết rằng: ông lão ấy đang không có nơi nương tựa, ông ta kiếm sống bằng bàn tay run rẩy cùng với tiếng hát cũng run rẩy, và nếu cần nhà báo ấy sẽ rút khỏi ví những đồng tiền cuối cùng của mình nhẹ nhàng cho vào túi ông già mù kia,… thì người đó mới viết phóng sự được.
 
Bùi Nguyễn Trường Kiên cùng đoàn nhà văn Sài Gòn
đi thực tế sáng tác ở Phú Yên đầu tháng 11.2017
* Làm thế nào để thường xuyên tìm được đề tài (là nỗi trăn trở của hầu hết nhà báo)? Riêng trong lĩnh vực phóng sự điều tra, ông tìm kiếm, phát hiện đề tài như thế nào?
– Với bài phóng sự điều tra đầu tiên, tôi tự tìm đề tài rồi viết. Nhưng từ bài thứ hai trở đi, có thể nói hầu hết đề tài đều đến từ độc giả. Họ tìm đến tôi, nhờ tôi tìm ra sự thật, viết và công bố lên mặt báo những khuất tất… mà vì họ không phải là nhà báo nên không thể tự làm.
Nếu không yêu nghề, không có trách nhiệm với nghề, không tôn trọng sự thật, nhà báo sẽ không thể nào có những bài viết hay, thuyết phục. Những ai công tác trong ngành báo chí đều biết rằng, có những phóng sự điều tra trên báo được viết từ báo cáo, từ văn bản của các cơ quan chức năng, chứ nhà báo chẳng hề điều tra, xác minh. Lẽ ra những báo cáo điều tra, kết luận thanh tra, bản án, cáo trạng… đó chỉ có giá trị duy nhất đối với người làm báo: để tham khảo.
Có lần, tôi nhận được một bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM cùng thông tin cho hay: một tuần nữa sẽ diễn ra vụ xét xử 4 người đàn ông là đồng thủ phạm trong vụ trộm chiếc xe Honda. Không vội vàng viết theo cáo trạng, tôi thực hiện một cuộc điều tra ngược. Khi tìm đến địa chỉ của các phạm nhân, tôi hết sức kinh ngạc khi thấy họ đang ở nhà. Hóa ra có một sự thật khác. Ông chủ nhà cùng với cậu con trai và hai đứa cháu trai sống trong căn nhà trên bến sông Trần Văn Kiểu, Q.6, TP.HCM. Nhà ông chuyên cho những người buôn bán trái cây đi ghe từ miền Tây lên thuê gửi đồ. Hôm đó, người thuê nhà mang theo một chiếc xe Honda – vào thời điểm những năm 90, nó là cả một gia tài – gửi lại nhà ông. Sáng sớm hôm sau, khi mọi người thức dậy, xe mất. Chủ xe ra phường, rồi lên quận trình báo, và hứa với người công an thụ lý: “Nếu lấy lại được chiếc xe, tôi biếu anh nửa chiếc!”. Sang ngày hôm sau, 4 người đàn ông bị công an bắt đi. Sau 1 tuần giam giữ, xét hỏi, tất cả đều lắc đầu, nhưng qua ngày thứ 8, vì bị ép cung dã man, cả 4 người đồng loạt ký vào biên bản nhận tội. Có bản cung rồi, họ bị chuyển lên công an TP.HCM, bị nhốt ở khám Chí Hòa. Một thời gian khá lâu sau mới có cáo trạng của Viện kiểm sát. Một ngày trước khi chuẩn bị ra tòa, họ bất ngờ được thả vì công an TP.HCM bắt được băng trộm đường sông. Băng này khai ra tất cả các vụ trộm trong đó có vụ trộm chiếc xe Honda tại nhà họ. Sau khi xác minh chắc chắn, biết 4 người đàn ông bị oan, công an lập tức thả về mà không đền bù, không tổ chức họp tổ dân phố minh oan. Họ là người lao động nghèo nên cũng không nắm rõ luật lệ, đến chừng tôi đi xác minh họ mới kể lại toàn bộ đầu đuôi sự việc… Những công an liên quan đến vụ việc bị kỹ luật, những người bị bắt oan được minh oan…
* Khi thực hiện phóng sự điều tra, nhà báo phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Ông có thể chia sẻ một số lưu ý trong quá trình thu thập thông tin, tư liệu giúp nhà báo có thể tự bảo vệ bản thân, gia đình và cả tờ báo của mình? 
– Trước hết, nhà báo phải là người am hiểu về tâm lý con người. Trước những sự việc khuất tất, nhà báo mới đi điều tra với mong muốn đưa toàn bộ vụ việc ra ánh sáng. Chắc chắn, những người làm điều khuất tất sẽ không thích bài báo này, không muốn bài báo này ra đời. Khi họ không thích, không ưng, không hài lòng, họ sẽ làm gì? Mình phải tự đặt và tự trả lời những câu hỏi đó. Bí mật trong suốt quá trình tác nghiệp là điều cần nhớ. Tiếp đó là phải tuân thủ tuyệt đối: trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, tôn trọng con người…
Tôi cho rằng, yếu tố đạo đức cũng liên quan đến việc nhà báo gặp nguy hiểm. Tại sao các nhà báo bị người khác hành hung? Xét cho đến tận cùng là vì ngông nghênh, coi thường người khác. Là nhà báo, cần phải thể hiện tác phong đúng mực, càng khiêm tốn chừng nào, càng tốt chừng đó. Và đặc biệt, xin đừng bao giờ dồn người ta đến tận “chân tường nhân cách”. Nhiệm vụ của nhà báo chỉ là phản ánh hành vi phạm tội, chứ không có quyền lôi đời tư của người ta ra để mổ xẻ, bôi xấu.
Thường người ta sẽ thù hận những nhà báo cố tình viết sai sự thật, nhà báo bôi nhọ danh dự của họ hoặc người thân, chứ ít ai giận nhà báo viết đúng về tội lỗi của mình cả.
* Viết phóng sự điều tra vừa nguy hiểm vừa cực khổ, vậy tại sao ông lại quyết định dấn thân?
– Có lẽ là do nhận thức làm báo của bản thân tôi. Ngay từ những ngày đầu giải phóng, trong đầu tôi luôn tự hỏi: Đất nước còn nghèo, mình có đóng góp được chút gì không?
Tôi mồ côi mẹ từ năm học lớp 1, đến lớp 6 thì mồ côi cha. Một mình giữa đất Sài Gòn, tôi bán bong bóng, bán báo, đánh giày, đẩy xe 3 bánh,… kiếm sống trên đường phố. Mọi điều của cuộc sống dội vào tôi, từ những điều xấu nhất lẫn những điều tốt đẹp.
Quãng thời gian ban ngày đi làm, tối đi học, có những buổi thầy giám thị bước vô lớp, nơi thầy nhìn đầu tiên là nơi tôi ngồi. Và khi đó, tôi biết phải xách cặp ra khỏi lớp vì còn thiếu tiền học phí nhiều tháng.
Cũng có những lần tưởng sắp chết vì đói, bỗng dưng có bàn tay chìa ra cho mình ổ bánh mỳ,… Sau giải phóng, coi một đoạn phim trên truyền hình về thanh niên xung phong, thấy những bạn trẻ cỡ tuổi mình đang đào kênh, làm đường,… ngay ngày hôm sau, tôi ra phường đăng ký đi thanh niên xung phong. Rồi tôi bén duyên với nghề báo cho đến giờ. Bắt đầu nghề báo, một lần nữa, câu hỏi ngày xưa trở lại trong tôi: “Đất nước còn nghèo, mình có đóng góp được chút gì không? Đóng góp thế nào?” và tôi tự hứa với mình: phải là một nhà báo tử tế.
Vất vả của nghề báo thì sá gì với cuộc đời cơ cực của biết bao người khác, họ là đồng bào của tôi!.
* Xin cảm ơn ông.
28/10/2019
Ngô Hồng Minh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...