Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

Có một niềm đau mang tên Thu Bồn

Có một niềm đau
mang tên Thu Bồn

Khu đất bao năm nhà thơ Thu Bồn tự tay khai phá, trồng cây, và tạo nên một ngôi nhà như trong cổ tích, với sự góp tiền, góp ý của Nhóm bạn văn cạnh Khu Du lịch suối Lồ Ồ đã sang tên đổi chủ. Một tấm ảnh nhỏ gửi trong chùa Tam Bảo cạnh nhà xưa, mấy năm hoang lạnh, người xưa không một lần trở lại khói hương. Mấy ngàn mét đất chắc là cũng có giá vì ở cạnh khu du lịch cùng mấy ngôi nhà bán đi, mà người thân, cả con trai duy nhất còn lại của nhà thơ cũng không hề được biết…
Cuối cùng thì nhà thơ Thu Bồn đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017. Đơn giản vì tác phẩm của Thu Bồn viết trong những năm chiến tranh ác liệt, về những trận chiến đấu quyết liệt, và tác động tức thời – tích cực tới những người tham gia chiến đấu hoàn toàn xứng đáng với một giải thưởng có giá trị cao nhất.
Chỉ có những nguyên tắc và quy chế nào đó đã làm nên một sự khập khiễng không đáng có: Giải thưởng Nhà nước năm 2001, trao cho Tuyển tập Trường ca, và tiểu thuyết hai tập: Dưới đám mây màu cánh vạc. Lần này trao cho hai tiểu thuyết Chớp trắng và Vùng pháo sáng, cùng tập truyện ngắn Dưới tro. Điều đó đồng nghĩa với toàn bộ tác phẩm làm nên danh xưng, mà cũng là những gì thể hiện tài hoa và tính cách Thu Bồn rõ nhất là thơ, một phần đã được in trong các tập Tre xanh (1969), Mặt đất không quên (1970), Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (1992), Tôi nhớ mưa nguồn (1999)… đã nằm ngoài hai giải thưởng quan trọng. Vài năm trước khi mất, nhà thơ Thu Bồn có nhờ tôi chuyển tới nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước để hỏi lý do các tác phẩm đã đưa vào sách giáo khoa các cấp của mình bị loại bỏ. Cho đến lúc mất, vẫn không được bất cứ ai hồi âm.
Nhưng bài viết có tiêu đề này không vì những chuyện ngoài văn chương đó. Nhân Hà Băng Ngàn, người con duy nhất còn lại của nhà thơ Thu Bồn ra nhận giải thưởng của cha, chị Đỗ Thanh Thu, Trung tá – Bác sĩ Quân Y, mẹ của Băng Ngàn có gửi cho tôi một bức thư, như để làm tin. Một bức thư Rất Thu Bồn về nhiều phương diện, viết cuối năm 1971, khi theo đoàn nhà văn Việt Nam đi sang Moskva rồi sang Ấn Độ. Sức khỏe kém, tiền túi không có. Nhìn nước bạn mà liên hệ đến cảnh nghèo hèn và chiến trận liên miên của nước mình:
“Chắc từ nay anh sẽ không bao giờ đi xa Tổ quốc nữa đâu – Anh sẽ làm việc không mệt mỏi cho đất nước mình và sẽ chết ở đó thôi. Em thân yêu. Đừng trách móc anh có những điều gì không phải đối với em. Giúp đỡ anh về mặt tinh thần để anh có thể làm được việc lớn hơn. Sức khỏe anh đã kém nhiều rồi. Thời gian làm việc còn rất ít. Anh có lãng mạn chút ít nhưng còn hơn là người chẳng có tâm hồn. Em đừng bận tâm nhiều.”
Chính chút ít lãng mạn này đã làm nên nhiều chương vui buồn trong cuộc đời nhà thơ mà bạn bè cùng thời vừa ghen tỵ, thèm muốn, vừa dè bỉu, chê bai, nhưng đều coi ông là một Tráng sĩ, không chỉ những năm ngoài mặt trận. Báo chí đã nói nhiều đến chất Tráng sĩ này.
Xuất thân trong một làng quê nghèo đói. Ngày Pháp chiếm, cả làng đầy người chết, phần vì Pháp bắn, phần vì chết đói. Ban đêm, làng chỉ còn một Đảng viên Cộng sản, đội hầm lên, đi gom xác những người chết đi chôn. Cậu bé Hà Đức Trọng cầm đuốc soi đường cho người Đảng viên lần mò chôn cất người dân hàng đêm. Ngày Trọng được đưa đi học, người Đảng viên nhờ Trọng cất giữ một bảo vật của quê nhà để trong một gói nhỏ. Không giấu được tò mò,trước khi đi, Trọng khoe với Mẹ. Bà Mẹ sợ con còn nhỏ, không giữ được vàng bạc, châu báu của làng, mở ra xem. Đó là một lá cờ Đảng nhỏ. Trong những trận chiến đấu quyệt liệt ngay sau đó, hơn một lần, lá cờ Đảng được giương lên để động viên sĩ khí chiến đấu của đồng đội. Đã có mấy người vì giương cao ngọn cờ Đảng mà hy sinh. Trọng sớm tham gia đội văn nghệ của đơn vị. Một vở diễn ngày ấy, anh chỉ sắm vai phụ, nhưng lời người lính già ca câu chính khí nhập tâm mãi suốt đời: Này con ơi, Tổ quốc lâm nguy. Này con ơi, Lời Đảng gọi vang rền. Non sông mờ khói lửa… Con xa cha nhưng con có Đảng. Bếp lửa hồng soi sáng mãi đời con. Lời bài hát đốt cháy ngọn lửa trong trái tim thế hệ ấy, còn sáng mãi trong lòng nhà thơ, khi mang theo câu hát: Chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến/ Mặc trời mưa, mặc đèo cao, mặc hành quân mang nặng…
Thời gian đó, cha anh bị giắc bắt và hy sinh trong nhà tù. Chị gái, một cán bộ trẻ đầy triển vọng, bị Pháp bắt và xẻo thịt, chặt tay để lấy mấy chỉ vàng là vốn của Đoàn thể mà chị được trao giữ. Một đời tham gia chiến đấu và sáng tác, người lính, mượn tên của dòng sông quê hương làm bút danh cho mình đã luôn xứng đáng với những người thân yêu, với quê hương kiên cường, bất khuất của mình: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi (Chế Lan Viên).
Mấy vị lãnh đạo chủ chốt của Khu V và Quảng Nam – Đà Nẵng đã giành cho Thu Bồn những lời tận can tràng. Hồ Nghinh (nguyên UVBCHTW Đảng- Bí thư QN-ĐN): Thu Bồn lạ lắm. Thơ Thu Bồn hay lắm… Thu Bồn là số một. Số một đó nghe. Hoàng Minh Thắng (nguyên UVBCH TƯ Đảng, Bí thư QN-ĐN, Bộ trưởng): Thu Bồn là nhà thơ lớn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thơ anh như tiếng kèn xung trận, có tác dụng động viên sức mạnh toàn quân, toàn dân đánh thắng giặc xâm lược. Phạm Đức Nam (nguyên Chủ tịch QN-ĐN): Thu Bồn trước hết là một con người Quảng Nam rặt. Quảng Nam trong sức vóc, Quảng Nam trong giọng nói, Quảng Nam trong nhân cách, Quảng Nam trong tính cách tiêu biểu nhất của người xứ Quảng: bộc trực, thẳng thắn, quên mình vì mọi người, vô tư chuyện được – mất đời mình. Việc lớn, việc nặng vui vẻ gánh vác hết. Không màng danh, thường vô tư chịu thua thiệt, nhưng lại được người đời phục, nhớ và kính trọng… Không có những đối đầu dữ dội, quyết liệt ghê gớm đó (chiến trường QNĐN) sẽ không có Thu Bồn, không có thơ Thu Bồn. Thu Bồn trở thành một biểu tượng anh hùng sáng đẹp của quê hương mình… Thu Bồn ngày nay vẫn y như Thu Bồn ngày xưa đánh Mỹ. Thơ Thu Bồn mạnh hơn một Binh đoàn. Đó là bài thơ Đà Nẵng gọi ta, Thu Bồn viết trước cuộc xung trận vào Đà Nẵng Mậu Thân 1968.
Mặc dầu nhận được những tình cảm tốt đẹp, sự đánh giá cao như vậy, nhưng những năm cuối đời, sau khi về hưu, đặc biệt sau lần bị đột quỵ trong một lần đang đọc thơ khi trở lại Tây Nguyên, nhà thơ Thu Bồn muốn tìm một nơi cư trú ở thành phố quê nhà, nơi từng gắn bó nhiều năm trong chiến tranh và cả thời kỳ đầu xây dựng. Nhưng không thể. Hộ khẩu tôi nhập cuộc với tình yêu/ Thành phố hỡi, Đừng gọi tôi là tạm trú. Sau một đời chiến trận, nhà thơ – người lính đã không tìm được hộ khẩu ngay trên quê hương của mình.
Dẫu trải qua nhiều mối tình, nhưng nhà thơ chỉ có hai người con trai với người vợ đầu tiên. Quen nhau, từng đóng kịch hai vai chính trong vở Anh Tài – Chị Ngộ, nhưng Thầy Hiệu trưởng là chú chị Thu đã ngăn cuộc tình duyên vừa chớm nở, vì sợ cháu mình sẽ khổ một đời nếu lấy chàng trai giỏi văn thơ đồng nghĩa với lãng mạn. Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Thu Bồn theo đơn vị tập kết ra Bắc, ngỡ là chia cắt được đôi bạn trẻ. Nhưng năm 1961, Thu Bồn trở lại chiến trường sớm nhất trong lớp văn nghệ sĩ. Lần tìm dấu người xưa, biết tin chị Thu ở lại, tham gia đấu tranh chính trị, bị đi tù. Con gái mới lớn, da trắng, mặt tươi, các anh lính bắt vào tranh nhau làm thân, nên chị thoát được, trốn lên Đà Nẵng, vào tận Sài Gòn, chỗ đông người để lẩn tránh.
Nhà văn Nguyên Ngọc, thủ trưởng trực tiếp của nhà thơ Thu Bồn khi ở chiến trường trong phát biểu ở buổi giỗ lần thứ 14 của nhà thơ ngay tại quê nhà, có kể: Trở lại chiến trường, Thu Bồn có mang theo một tấm ảnh nhỏ của người mà anh nói là vợ chưa cưới báo cáo với tổ chức để xin phép đi tìm. Nhiều lần, đi về vùng giáp ranh ở gần quê, Nguyên Ngọc mang theo tấm ảnh đó, có dịp lại đem ra hỏi những người cùng quê, xem có ai nhận ra cô gái này không. Mãi rồi cũng có một đồng chí nhận ra và chỉ nơi bà mẹ chị đang ở. Mới biết, sau thời gian lẩn tránh, chị đã móc nối liên lạc, tham gia vào Đội biệt động Sài Gòn. Thu Bồn tìm về người thân để biết địa chỉ và thư từ kết nối. Nể tình cảm của tác giả Trường ca chim Chrao, đích thân Bí thư Khu ủy Võ Chí Công liên hệ với Thành ủy Sài Gòn để xin cô y tá Đỗ Thị Thanh Thu ra Khu V công tác. Thời gian sau, năm 1965, chính Ông đứng ra làm chủ hôn cho lễ cưới hai người. Nhưng bánh kẹo, gà qué được về đồng bằng mua lên chuẩn bị bày ra, thì một trận B52 dọn đường cho biệt kích đổ bộ, bom đạn đầy trời, tất cả chạy táo tác trong những cánh rừng lá rụng vì chất độc da cam. May không ai việc gì. Mấy tuần sau trở về, Thủ trưởng cơ quan, bảo: Xong, coi như cưới xong rồi, cho chúng nó về ở với nhau.
Năm 1966, cháu Thảo Nguyên ra đời, nhưng nghĩ là chỉ do thiếu dinh dưỡng, hai chân cháu khòng khèo, bác sĩ phải bẻ ra, bó bột lại. Cuối 1968, họ có đứa thứ hai. Thu Bồn bị thương, sức khỏe sa sút, Tổ chức cho hai vợ chồng ra Bắc. Thu Bồn đục lỗ ba lô để cõng con ở sau lưng, ba lô quân tư trang phía trước. Còn chị Thu mang bầu, thì lính tráng có câu đùa: Ba lô đằng sau là ba lô nhà nước? Ba lô đằng trước là ba lô nhà… em. Nhưng chưa ra đến Cửa rừng, thì chị sinh Băng Ngàn ở Làng Ho, tây Quảng Bình. Bị bệnh máu trắng, 16 tuổi, đẹp như một thiên thần, Thảo Nguyên ra đi: Ba chôn sâu trong lòng đất/ Kỷ niệm đau buồn cuộc chiến đấu của ba. Băng Ngàn niềm hy vọng còn lại. Một lần lên biên giới phía Bắc, Ông viết thư cho con: Hôm đi, Ba chẳng gặp con/ Để hôn đôi mắt đen tròn của Ba/ Trời xanh biên giới bao la/ Tiếng chim tu hú thiết tha gọi nhiều/ Băng Ngàn ơi, đứa con yêu/ Tên con là sớm với chiều hành quân. Nhưng lớn lên cháu cũng không có khả năng học tập và làm việc, gia đình nhỏ được dệt như một huyền thoại bởi chiến trận, tù đày và chia cắt đã không làm họ xa nhau.
Tuy nhiên, khi cập bến bình yên, tai ương nặng nề của chiến tranh, hoàn cảnh mới cũng làm lòng người biến động, lời tiên tri xưa của ông chú chị Thu đã thành hiện thực. Nhà thơ đi qua vài cuộc hôn nhân, nhưng không dám có con lần nữa. Ám ảnh di chứng chất độc da cam đã thấm trong xương tủy, khiến một người cao lớn, ngỡ như đầy năng lượng sống, đầy sức cuốn hút, lại rất mặc cảm khi tính chuyện con cái: Ta cũng là trăng luôn mắc lưới/ Vớt lên ướt hết nửa cuộc đời. 
Có một người con gái Hà Nội, đẹp, thật là đẹp, da trắng, môi hồng tự nhiên, mắt sắc, cười tươi, ăn nói sắc sảo, đến các nhà văn đàn anh còn mê mệt, từng gắn bó với Thu Bồn, đưa đi Sài Gòn sắm mua đồ cưới, về quê ra mắt Mẹ, nhưng trở lại Hà Nội một thời gian, khi bạn bè nghe tin Anh tổ chức đám cưới, mới ngớ ra. Anh cưới một nhà thơ đã có mấy người con, lại đang những ngày ốm đau, khốn khó. Nhưng khi chị đi du học, thì sự xa cách cũng không hàn gắn được.
Gặp nhau trong tang lễ Thu Bồn, có đến dăm bảy thiếu phụ mặc bộ tang đen, nhiều người trong họ từng quen biết nhau. Người con gái Hà Nội giờ vẫn đẹp rực rỡ đó, không dấu được ngạc nhiên: Một đời mình chỉ biết bỏ giai đeo bám, không ngờ lại bị anh ấy bỏ rơi mà không nói một lời. Chính tuổi trẻ và nhan sắc đó đã làm Thu Bồn sợ. Những bài thơ cuối đời của Thu Bồn không dấu được niềm đau: Tôi về quê như một kẻ lạc loài/ Vần với điệu làm tôi chóng mặt/ Tôi muốn tìm lại một tình thương trong đôi mắt/ Nhưng Mẹ đã âm thầm nằm lại dưới đất sâu.
Nếp nghĩ bằng thơ đã theo Thu Bồn khi một mình nằm bệnh, tay đã không cầm nổi bút, vẫn quờ quạng, run rẩy ghi lại những suy tư sáng suốt, ân tình, lại như một lời thách thức:
Về đi em chợ chiều sắp vãn
Nhớ mua cho anh một gói nhân tình
Non nước cách xa, bạn bè lận đận
Anh nằm đây trò chuyện với riêng mình
Dông bão đầy trời và chớp giật
Cứ vào đây soi sáng “cuộc trường chinh”…
Buổi chiều muộn tháng 6-2003 ấy, chúng tôi kinh ngạc, khi đưa nhà thơ Thu Bồn từ Bệnh viện Trung tâm Thành phố về nhà ở Suối Lồ Ồ – Dĩ An – Bình Dương, để bắt đầu vào “cuộc trường chinh” mới, đất trời chìm trong dông bão và sấm chớp. Cơn dông chỉ dừng mấy phút ngắn để kịp đưa cáng chở nhà thơ vào nhà, rồi lại tiếp tục dữ dội hơn. Lễ tang nhà thơ tổ chức mấy ngày sau ở Nhà tang lễ Lê Quý Đôn, dù chỉ của một Trung tá, đã nhận được hơm 300 vòng hoa và đông đảo người yêu mến gần xa tới viếng, trong đó có nhiều vị cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước, và nhiều tỉnh thành mà nhà thơ từng gắn bó.
Nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công năm ấy đã 92 tuổi, biết tin Thu Bồn mất, dù bị can ngăn, chân đi run rẩy vẫn bắt người nhà dìu đến viếng người lính cũ và tự tay ghi vào Sổ tang: Thu Bồn sống để chiến đấu và làm thơ. Thơ Thu Bồn sống mãi với nhân dân và người chiến sĩ. Cũng không thể quên, trên đường đưa quan tài nhà thơ vào Nhà tang lễ, họa sĩ trẻ Việt Hải, người chăm chút những tập sách cuối: Tuyển tập Trường ca, Đánh đu cùng dâu bể, bị tai nạn, và có mấy ngày hai người nằm bên nhau trong hương khói trần gian. Bạn bè tiễn đưa Anh bằng một đêm trắng đọc thơ và kể chuyện buồn vui với Thu Bồn.
Ngôi mộ được xây trang trọng trong nghĩa trang Thành phố bởi tiền phúng viếng, có chứa giữ nhiều hiện vật chủ yếu do nhà văn – Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung – với Thu Bồn như một cặp bài trùng – sưu tầm và gom nhặt của bạn bè những địa bàn nhà thơ từng gắn bó ở khắp cả nước. Sau khá nhiều đề xuất, câu thơ được chọn khắc phía lưng bia mộ nhân từ, hào hiệp đúng tính cách Thu Bồn:
Rồi mai mưa gió qua đây
Anh còn ở với cỏ cây, em về…
Mười mấy năm qua, hầu như năm nào bạn bè và người thân cũng tổ chức các sự kiện để kỷ niệm ngày nhà thơ mất. Một năm sau ngày mất, tập sách Thu Bồn – Gói nhân tình gần nghìn trang do Hoàng Minh Nhân tổ chức, tập họp một số tác phẩm của nhà thơ và các bài viết của bạn bè và người thân. Năm thứ 6, bạn bè đã quyên góp để lập Quỹ học bổng mang tên Thu Bồn cho học sinh ở quê nhà. Năm thứ 9 trong lễ kỷ niệm, bạn bè hẹn ra tiếp tập sách về Thu Bồn. Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể kịp ra mắt trong lễ kỷ niệm 10 năm mất ở Sài Gòn, Hà Nội và Đà Nẵng. Năm 2015, Tuyển thơ Thu Bồn (in lại 4 tập thơ đã xuất bản), được in với sự tài trợ của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu. Nghĩa là trong lòng bạn đọc, Thu Bồn vẫn hiện diện. Nhưng chuyện đời không đơn giản như nhà thơ từng mơ phút giây cuối:
Em thân yêu thời gian còn đuổi kịp
Nếu không trọn đời cũng xin trọn kiếp
Làm sao mai thắp nến tiếp bình minh
Khu đất bao năm nhà thơ Thu Bồn tự tay khai phá, trồng cây, và tạo nên một ngôi nhà như trong cổ tích, với sự góp tiền, góp ý của Nhóm bạn văn cạnh Khu Du lịch suối Lồ Ồ đã sang tên đổi chủ. Một tấm ảnh nhỏ gửi trong chùa Tam Bảo cạnh nhà xưa, mấy năm hoang lạnh, người xưa không một lần trở lại khói hương. Mấy ngàn mét đất chắc là cũng có giá vì ở cạnh khu du lịch cùng mấy ngôi nhà bán đi, mà người thân, cả con trai duy nhất còn lại của nhà thơ cũng không hề được biết. Lòng tự trọng của người vợ đầu, mẹ Hà Băng Ngàn, bao năm một mình nuôi người con trai bị chất độc da cam, không có khả năng lao động, đã không cho con trai đưa ra pháp luật về quyền thừa kế. Nhưng nỗi đau này hẳn nhà thơ đã hơn một lần dự cảm: Thôi em về với cây dừa lửa/ Vun vén trời xanh đỡ phũ phàng/ Mắt em đăm đắm như còn nữa/ Huyền thoại anh nghe đến ngỡ ngàng.
Và đây nữa: Cứ ngỡ là em trao trái thị/ Gieo cầu em ném giữa không trung/ Anh như cơn gió làm sao bắt/ Lại rớt vào tay một gã khùng. (Hành phương Nam)
26/11/2019
Ngô Thảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...