Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Nhà thơ Y Phương: Cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn

Nhà thơ Y Phương: Cao đo
nỗi buồn, xa nuôi chí lớn

Cuối tháng 10.2019, tôi được trở lại Cao Bằng nhân “Lễ hội Non nước Cao Bằng năm 2019”. Đến vùng Đất Thiêng này, trái tim ai cũng bồi hồi, ngoài nỗi niềm chung có nỗi niềm riêng. Dọc quốc lộ 3, sau khi ra khỏi địa giới Bắc Kạn, bên tai tôi đã văng vẳng ca khúc da diết “Non nước Cao Bằng” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và “Mời anh lên Cao Bằng quê em” (nhạc Thuận Yến, thơ Y Phương).
Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại vùng đất có cái tên nhắc nhở về chữ “hiếu”: làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu. Nay làng ông đã được nhập vào thị trấn Trùng Khánh, Cao Bằng. Năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt, Y Phương nhập ngũ. Ông là người lính thuộc Binh chủng Đặc công – đặc biệt tinh nhuệ và được điều vào tận Tây Ninh, sát nách Sài Gòn. Nhà thơ Y Phương phục vụ trong quân đội đến năm 1981 thì chuyển ngành, ra dân sự.
 “Hồi đó anh xin về Trùng Khánh nhưng huyện nhà không sắp xếp công việc phù hợp nên anh lên thị xã Cao Bằng. Chỉ mất 15 phút, Sở Văn hóa – Thông tin nhận ngay”, nhà thơ Y Phương chia sẻ về những ngày đầu trở lại quê hương.
Nhà thơ Y Phương “xêm xêm” tuổi với những người đáng kính như nhà văn Đào Thắng, các nhà thơ Nguyễn Hoa, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo… Sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khoá II, nhà thơ Y Phương làm cán bộ biên tập văn nghệ Sở Văn hoá – Thông tin Cao Bằng. Từ năm 1993, ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá VI. Hiện nhà thơ Y Phương là Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam.
Cho đến nay Y Phương đã xuất bản “Người Núi Hoa” (kịch, 1982), “Tiếng hát tháng giêng” (thơ, 1986), “Lửa hồng một góc” (thơ, in chung, 1987), “Lời chúc” (thơ, 1987), “Đàn then” (thơ, 1996), “Chín tháng” (trường ca, 1998), “Thơ Y Phương” (2000), “Thất tàng lồm” (Ngược gió, thơ song ngữ Tày – Việt, 2006).
Ông đã được nhiều giải thưởng văn chương danh giá: Giải A cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984, Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (tập thơ “Tiếng hát tháng Giêng” ) năm 1987, giải A giải Hội đồng văn học dân tộc Hội Nhà văn Việt Nam (tập thơ “Lời chúc”) năm 2000) và 2 giải B của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (tập trường ca “Chín tháng”) năm 2001). Cùng năm ấy trường ca này cũng đoạt Giải B của Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, năm 2007 nhà thơ Y Phương giành Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với bộ ba tác phẩm “Chín tháng” (trường ca), “Tiếng hát tháng Giêng” (thơ) và “Lời chúc” (thơ).
Nói về giải thưởng đầu tiên, nhà thơ Y Phương kể: “Hồi ở R, anh viết thơ để làm báo tường cổ vũ bộ đội. Không hiểu bằng cách nào 2 bài thơ lại theo đường mòn Hồ Chí Minh, đến với Tạp chí Văn nghệ quân đội, được đăng và sau đó đạt giải A. Khi đó anh mới nhận ra trách nhiệm rằng mình phải dâng hiến cho thơ”, nhà thơ Y Phương hóm hỉnh.
“Học phổ thông anh thích toán, lý nhưng cũng mê văn thơ. Đến với văn chương, bắt đầu lại viết kịch nói”, nhà thơ Y Phương chia sẻ. Ông từng tốt nghiệp Trường Sân khấu – Điện ảnh. Ông bảo, “Nghệ thuật thứ 7” là tổng hợp của các loại hình nghệ thuật, rất có ý nghĩa với sáng tác sau này của mình.
Thơ Y Phương có cái chất phóng khoáng, lãng mạn rất lạ. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi. Ông hồn hậu ngoài đời cũng như trong thơ. Gần như nhà thơ Y Phương tự thuật về mình trong một bài thơ: “Con là con trai của mẹ/ Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ/ Ba mươi tuổi từ mặt trận về/ Vội vàng cưới vợ” (Tên làng).
Đó là nơi suốt đời ông không quên: “Ơi cái làng mẹ sinh con/ Có ngôi nhà xây bằng đá hộc/ Có con đường trâu bò đi vàng đen kìn kịt/ Có niềm vui lúa chín tràn trề/ Có tình yêu tan tành tiếng thác” (Tên làng). Thú thực khi đọc bài thơ này, tôi nhớ đến nhà thơ Nga vĩ đại Raxun Gamzatốp khi viết về Đaghextan, về ngôi làng Xada yêu dấu của mình. Tất cả đều gần gũi chân thật và sống động. Có hiểu Y Phương từ ngôi làng, nơi có những mỏm đá, rừng cây phía sau ngôi nhà mình mới cắt nghĩa được thơ ông.
Do vậy, đọc thơ Y Phương, người đọc thấy hiển hiện lên “Non nước Cao Bằng”. Đúng như nhà thơ “cá tính” Trần Mạnh Hảo đánh giá, “Y Phương có khả năng mang núi non Cao Bằng vời vợi vào trong chạn bát nhà mình mà nghiêng ngả tuỳ thích”.
Ông luôn tự hào về quê hương, không gian văn hóa Tày. “Ở làng Tày/ Ngày xưa người nói thành thơ/ Không thích kể/ Đến bây giờ vẫn thế” (Ngày xưa, ngày nay); đấy là nơi, có “Những đứa con làng đá/ Đen kịt/ Nặng trịch…”, dẫu còn thiếu thốn vật chất “Những đứa con chân đất/ Lăn lóc đi vào đời” (Những đứa con làng đá).
Trong “gia tài” văn chương của nhà thơ Y Phương, tôi để ý đến “Chín tháng” bởi trường ca này đã đạt “cú đúp” giải thưởng. “Chín tháng” kết cấu thành 15 phân khúc từ I đến XV. Y Phương từng là bộ đội nên dễ hiểu chiến tranh, người lính là cảm hứng chủ đạo của trường ca. Điều người đọc thích thú có lẽ là hình ảnh người phụ nữ, đặc biệt người mẹ (tiếng Tày là mé) là hình tượng nổi bật, xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. “Bạn ơi/ Chuyện này/ Tôi kể/ Bắt đầu từ mẹ...”, Y Phương mở đầu trường ca; và anh kết thúc: “Bạn ơi/ Một ngày nữa đến/ Mẹ như trăng sao/ Êm êm đi vào lòng trời lòng người/ Bình dị”. Đó có thể là người mẹ Tổ quốc, là người mẹ sinh thành ra ông và là một giá trị.
Cũng trong trường ca này Y Phương “chạm khắc” nên những thông điệp về cuộc sống, gần gũi, dễ hiểu. Ngay từ khi mới sinh ra “tôi” – nhà thơ đã tuyên ngôn “Ai gọi tôi là hòn vàng/ Ai nựng tôi hòn bạc/ Vàng bạc là thứ gì/ Tôi sẽ ném chúng tung bay như rác”. Đối với ông “Đời cây như đời người/ Thương nhau đến chết/ Tin nhau đến chết” (Bài ca những người đi chân đất)
Nhà thơ Y Phương luôn đau đáu về không gian văn hóa Tày. Ông sợ bị mai một trong dòng chảy thời cuộc và áp đặt tư duy thiếu căn bản. “Nhiều giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, chứ không riêng người Tày đã bị tan loãng đi”, nhà thơ Y Phương trầm buồn. Ông bảo, ta hay nói xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nhưng chẳng biết thế nào là “đậm” thế nào là “nhạt”. Dẫu là trong căn hộ ông ở Hà Nội, nhưng “không gian Tày” không mất đi, ông và gia đình luôn biết gìn giữ, nâng niu như một giá trị bất biến.
Hồi ấy
Ở làng tôi
Có người đi lính về
Quên hết tiếng Tày
(Tiếng mẹ đẻ)
Cổ nhân có dạy: “Chém cha không bằng pha giọng”, vậy mà quên tiếng mẹ đẻ thì rõ ràng không nỗi đau nào bằng. Chính vì thế mà bi kịch xảy ra, người mẹ thắt cổ. Chỉ đến lúc ấy “Người lính vật vã khóc/ Gọi “mé ơi”/ Đúng giọng người làng tôi”; và điều bất ngờ đã xảy ra “Bà mẹ khẽ mỉm cười/ Rồi từ từ khép mắt” (Tiếng mẹ đẻ).
Phải nói là ám ảnh. Đọc Y Phương, thấy ông đằm sâu truyền thống vừa khoáng đạt thời đại. Y Phương đã đưa tâm hồn vào thơ Tày, ông tư duy theo cách của người Tày với thi pháp thơ hiện đại, vừa làm giàu bản sắc dân tộc, vừa mang hơi thở của hiện thực. “Anh sắp in một trường ca song ngữ Tày – Việt”, tôi được nhà thơ báo tin vui.
Sau khi đi Cao Bằng về tôi đến thăm gia đình nhà thơ Y Phương, kể cho ông nghe những câu chuyện “gom nhặt” dọc đường ngay trên chính quê hương ông. Tôi cám ơn những người quý mến, trong đó có ông đã đưa tôi đến Cao Bằng.
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng nhà thơ Y Phương mấy năm nay miệt mài với lớp học chữ Hán. Chắc nhiều người sẽ thắc mắc về điều này? “Anh học để để còn dịch những cuốn sách Nho Tày mà bố anh để lại. Ngày xưa cụ nhà anh nổi tiếng là có cả một “bồ chữ”, nhà thơ Y Phương trải lòng. Ông học để bảo tồn các giá trị văn hóa Tày từ trong thư tịch. Không chỉ của bố ông để lại mà chắc chắn nhà thơ Y Phương còn muốn sưu tầm thêm, để gìn giữ.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng nhận xét về nhà thơ Y Phương “Nhẩn nha sống, nhẩn nha thơ”. Nhà thơ Y Phương là vậy, ông sống nhẹ nhõm, thanh thản, an nhiên giữa cuộc đời. Tình người trong thơ Y Phương, như chính con người ông: mộc mạc, chân chất mà vẫn lãng mạn, bay bổng. “Cuộc đời hóa thân thành đứa trẻ thơ ba tháng dưới mắt nhà thơ dân tộc Tày này sao lại ngộ nghĩnh, lại cảm động và chân tình làm vậy”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng rất ngộ nghĩnh khi nói về Y Phương.
“Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn/ Sống trên đá (đừng chê đá gập ghềnh)/ Sống trong thung (đừng chê thung nghèo đói)” (Nói với con). Y Phương là người nuôi dưỡng giá trị sống và luôn khắc khoải bởi những giá trị ấy.
19/12/2019
Ngô Đức Hành
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...