Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Con đường dốc

Con đường dốc

Chương 1
Ông Phán Tùng nhìn vợ một cách chán nản:
– Thôi được, mợ muốn làm gì thì làm. Tôi bảo, mợ không nghe tôi thì thôi…
Bà Phán đưa tay đón miếng trầu ở lưỡi nhả ra, nhìn xem có vừa vôi hay không, rồi thong-thả:
– Tôi đã nói thế, cậu cũng không nghĩ ra thì chết thật. Tôi lễ bái kêu cầu cho cậu, cho chúng nó, tốn kém một tí có làm sao. Rồi Giời Phật lại cởi mở cho mình, đi đâu mà thiệt.
Nói xong, bà nhìn chồng, dò ý. Ông Phán lạnh lùng, đáp gióng một:
– Thì xưa nay mợ lễ bái, tôi có nói gì. Nhưng bây giờ tôi đào đâu ra tiền…
Chép miệng, bà Phán thở dài:
– Cậu khao ở nhà quê mất hơn nghìn bạc, tôi lo cho cậu còn được…
Rồi bà ngừng lại. Ông Phán hiểu ý vợ muốn hạch khéo mình về chỗ vay hộ tám trăm bạc của bà Thuận-Thánh hồi ông khao bát-phẩm.
– À, vô vọng bất thành quan. Việc khao khác…
Vẫn nhẹ-nhàng:
– Cậu bảo khác là khác thế nào?
Nhắc tờ báo lên, rồi lại đặt xuống:
– Khao là mình muốn thành ông nọ bà kia, mới khao. Tự dưng cũng chả ai muốn mất tiền làm gì. Đằng này mợ vô cớ mất bạc nghìn…
Nặng-nề mãi, ông mới tiếp được:
– Rồi lấy đâu mà giả người ta.
Thất ý về chỗ chồng không chịu hiểu sự tiêu tiền vào việc của mình, bà nói xẵng:
– Cứ kể lúc tiêu thì phải tiêu. Việc nào cũng là việc. Lễ-bái mà cậu bảo là vô cố thì rồi những lúc cần đến lại chả kêu cầu vào đâu được đâu!
Ông Phán cười nhạt, gật-gù như người mắc lỡm, nói dỗi:
– Thôi đấy, mợ muốn làm gì thì làm. Thôi được, tôi bằng lòng rồi. Cứ làm văn-tự đi, rồi tôi ký.
Nói xong, ông cựa mình lách ra khỏi ghế:
– Còn ăn hết nhịn, lúc nào không giả được thì hẵng hay.
Bà Phán nở  một nụ cười:
– Cậu cũng hy-sinh (?) cho tôi một tý xem nào.
Rồi bà kể luôn chiến-công của bà hồi ông Phán suýt nữa thì vào «đề-lao» vì sổ sách không được phân-minh:
– Cậu đừng có dè-bỉu mà mất thành đi. Năm cậu ở Ninh-Bình, tôi không kêu cầu cho cậu thì có… Việc tày trời đấy, cũng chỉ kêu Mẫu là Mẫu xá cho ngay. Trên trần có quan lớn, quan bé, dưới âm cũng thế chứ. Cậu xem báo mãi, cậu còn lạ gì?
Hai chữ « xem báo » đây, bà Phán có ý nịnh chồng là người học-thức, nhưng bị ông lấy ám khí của bà vật lại:
– Vì tôi xem báo nên tôi mới không chịu được cái lối lễ-bái … nhẩy múa như con choi choi ấy.
Như người con chí hiếu bị người ta đả-động đến tính xấu của bố ngày kỵ-nhật, bà chồm lên. Nhưng chồm lên cái lối con nhà danh-giáo (?), nghĩa là nói chết cây gẫy cành, nhưng vẫn cố ôn-tồn, mặc dầu sự cố ấy, người ta vẫn thấy nó căng ra ở mặt:
– Đến cậu còn mờ-ám thế không trách được. Xưa nay ai còn lạ gi cái bọn làm báo! Chỉ gà què ăn quẩn. Chế bác hết người này người khác. Họ thì có tha ai. Họ chỉ có tha họ.
Rồi bà vênh mặt lên một cách chế-nhạo:
– Đọc báo lắm chì tổ nhảm nhí, hại tiền. Nuôi cho bọ béo, họ nói láo.
Biết vợ đã đến lúc tam bành lục tặc sắp nổi lên, như người thức thời giữ kín miệng trước một thế-lực không thể đàn áp, ông Phán theo thường lệ rót lui, rút lui để hàng xóm láng giềng khỏi dị-nghị vợ chồng lục-đục:
– Người ta chế-bác cũng có lý. Nhiều bà lễ-bái mải mê quá không tan cửa nát nhà à. Lễ-bái mà kêu cầu được cho tai qua nạn khỏi thì còn nói chuyện gì.
Ông Phán đã không khéo, thành thử muốn lấy lòng vợ cho câu chuyện trở về chỗ êm thấm của nó, lại thành ra vô tình nói móc máy vợ.
Bà Phán đai ngay:
– Cậu bảo làm gì tan cửa nát nhà?
Biết mình nhỡ nhời, ông Phán hoảng. Không phải ông sợ bà, điều ấy tất nhiên rồi. Nhưng ông sợ sự to tiếng của bà.. Vì ông đã rõ máu hoàng-bào của vợ. Nhịn đấy, nhưng nếu nếu lúc đã bùng lên thì này… giời cũng nhỏ. Bà sẽ làm rầm-rĩ lên để đủ cho mấy nhà bên cạnh nghe tiếng. Để hôm sau, vợ ký Tuyên lại nhí-nhảnh hỏi ngọt ông: « Gớm, hai bác làm gì hôm qua to tiếng thế? » Cho nên ông vội dập ngay cái lửa giận của bà, bằng một câu cựu-truyền:
– Thôi vâng, bà phải rồi.
Câu nói ấy không đủ hiệu-lực để ngăn cơn hỏa đang ngùn-ngụt, bà Phàn dằn cái âu trầu, nói như người vu vạ:
– Tôi biết ngay mà, đàn-ông chúa ích-kỷ! Tiêu tiền trăm bạc nghìn cho họ thì được. Mình có xê sẩy một tí là họ tiếc đứt ruột.
Câu ấy, bà muốn ám-chỉ những lúc ma to cỗ nhớn nhà chồng. Ông Phán nghĩ đến cái tang cụ cố đã khiến vợ phải chạy méo mặt lấy mấy trăm bạc để lo-liệu, ông phát tức vì vợ ông đã dám rêu-rao đến người chết. Nhưng tức thì lại càng phải nhịn đi, vì nếu không, ông sẽ phải nghe ở cái miệng hàm-hồ của vợ những lời thiết-thực hơn. Nghĩa là bà Phán sẽ gọi mặt chỉ tên rõ ràng ra, nếu ông không biết đường nhịn đi. Không lúc nào bằng lúc này, câu «dĩ hòa vi qúy» được áp-dụng một cách mau chóng:
– Nào, mợ lại sắp kể con cà con kê bây giờ đấy. Tôi đã bảo mợ muốn làm gì thì làm cơ mà.
Bây giờ thì bà Phán không làm gì nữa. Bà chỉ sinh sự thôi, sinh sự để cho sự khỏi sinh. Nghĩa là bà chấn không cho cái long-mạch lý-sự cùn của ông phụt ra nữa. Cho việc lễ-bái của bà được «tố hảo».
– Cậu còn có cái thói báng-bổ ấy, nhà này có làm sao, cậu đừng có trách tôi, cậu đừng có hạch sẳng!
Bà Phán đã lo xa quá. Thì nào ông Phán đã trách bà bao giờ. Ông chỉ lo làm thế nào cho khỏi bị trách cũng đã mệt rồi còn gì. Ban nãy, trong lúc hứng chí, ông thốt ra một câu « lễ bái gì lại nhẩy như con choi-choi » để bà dồn cho một chập bở vía cũng đã gần quỵ, lại còn dám hạch xách gì. Mớ đóm phơi nắng nỏ đến hơi qua lửa là bắt rồi. Ông Phán chịu đã quen sự điên-tiết của bà, ông đành chịu, ông chỉ còn thoát bằng cái lối xí-xóa:
– Thì tôi đã bảo mợ làm gì thì làm. Tôi bằng lòng rồi cơ mà.
Thấy cái vẻ co quắp của con tôm bị bỏ chảo, bà Phán lại thương chồng. Thương vì bà đã hết giận, vì con hỏa đã thăng, hay vì ông Phán đã chịu lún. Bà liền trở lại trách yêu chồng:
– Cậu là cứ hay… Việc gì tôi cũng phải hỏi qua cậu cho vui cửa vui nhà, cậu đã không biết thế, lại cứ lôi thôi. Người ngoài người ta xì-xào.
Ông Phan như người làm công được chủ phủ-dụ sau một hồi mắng như vũ như bão, nở một nụ cười hoa đại:
– Đã biết người ta hay xì-xào, sao động một tí mợ cứ làm to chuyện?
Lòng tự-ái đã thỏa, bà Phán cười theo cái cười của chồng:
– Khốn nhưng cậu có như người ta!
Rồi chỉ tay sang bên cạnh:
– Con mẹ ký Tuyên là chúa hay dòm giỏ. Hơi một tí, nó đi kháo chuyện thì phải biết!
Và nhìn theo với một đe dọa:
– Cứ để nó đấy, hôm nào trình-đồng xong cho mát-mẻ đã, rồi tôi  cho nó một trận trên đền, cho nó bẽ.
Ông Phán vội xua xua tay:
– Thôi tôi xin mợ, đứng có lôi-thôi, rồi chẳng ra làm sao!  Nó cũng chẳng vừa đâu.
Ông Phán sinh ra để can mọi người đừng có lôi-thôi, nhưng ông không có cái tài đặt lời nói đúng với chỗ của nó. Thành thử mỗi lần ông can bà, lại làm cho bà tức thêm.
– Cậu bảo nó không vừa thì nó làm gì tôi?
Ông Phán nghĩ đến chỗ buột miệng của mình đã làm lạm oai-quyền của bà, cái thứ oai-quyền thấp của những kẻ hơi một tí bé xé ra to. ông vội chữa:
– Làm gì, thì nó làm gì được mình? Nhưng rắc-rối với nó làm gì?
– Ai thèm giây với cái thứ nó. Có cái nó hay điều ong tiếng ve thì hôm nào tôi đốp ngay vào mặt nó trước cụ Đồng cho nó bẽ. Đã rách như con mẹ ăn mày, cũng đòi ngồi hầu. Không biết sỉ cái thân! Quần áo chả có, ngồi giá nào là mượn giá ấy… Tôi mà thế, các vàng cũng chả dám vác mặt đi đến đâu.
Ông Phán vốn biết xưa nay vợ vẫn hợm-hĩnh về chỗ hơn vợ ký Tuyên ở cái tên «Phán». Nên ông thốt nhiên tủm-tỉm:
– Chuyện, người ta thử được như mình xem.
Ông nịnh vợ một câu để phải thẹn thầm. Vì ông biết ông cũng không hơn gì ký Tuyên. Cùng là đôi bạn học lúc nhỏ, ông có hơn là hơn ở chỗ được cụ cố đưa vào thế chân khi cụ cố về hưu. Còn ký Tuyên phải vào làm cho một hãng buôn. Nhưng có điều ông rõ hơn ai hết, lúc còn ở trường, ký Tuyên vẫn ngồi trên ông ba bốn mươi cái đầu nữa. Và hiện nay, ký Tuyên lương cũng chẳng kém gì ông. Có khác chỉ khác ở cái tiếng, miếng thì vị tất ai đã hơn ai. Bà Phán không hiểu ý-nghĩ của ông, tưởng chồng về hùa với mình trong sự khinh-miệt «nhà» kia, bèn hợm-hĩnh:
– Giống ấy, giá nó cũng con ông cháu cha, ăn trên ngồi chốc như mình, dễ nó coi người bằng nửa con mắt.
Ông Phán muốn tắt câu chuyện, phá ngang:
– À, họ kể gì. Chỉ có mình giấy rách giữ lấy lề..
Rồi ông hỏi bắt ngay:
– Nhưng người ta cũng bằng lòng cho giả làm hai mươi tháng đấy chứ?
Bà Phán đáp nhẹ-nhàng như người bắt được của:
– Bác Thái đấy chứ ai? Giả làm bao nhiêu chả được.
Một cái gì u-ám từ đâu đến phớt trên mặt ông Phán. Ông vừa nhổ râu, vừa thủng-thẳng:
– Giả làm bao nhiêu, cũng vẫn phải đủ cho người ta.
Biết chồng lo nợ, bà Phán đáp xí-xóa:
– Nhưng chỗ thân-tình, nó cũng dễ.
Rồi bà tuởng tiền bà ra đồng cũng như những khi còn phong-lưu đóng họ, bà nói một cách rất thản-nhiên:
– Cũng như của để dành. Lễ-bái đi đâu mà thiệt. Không ốm không đau, làm giầu mấy chốc.
Thói quen chinh-phục đã xui bà nói câu ấy. Nó là cái mộc để bà giơ ra, mỗi khi sợ chồng nghĩ đến sự tốn kém, bà sắp ra trình đồng «Không ốm không đau, làm giầu mấy chốc». Chẳng rõ ông Phán có hiểu dụng-ý của bà, đem tiền thuốc men lúc bệnh tật thay vào món tiền kếch sù năm trăm bạc may mươi cái áo, làm hình-nhân thế mạng, sắm hài, sắm bình hương, ống nhổ, để hầu giá ông Hoàng bà Chúa không? Sợ chồng không quán cái lẽ cao siêu ấy, bà cắt nghĩa ngay:
– Kêu cầu cho yên cửa yên nhà, làm ăn nó mới linh-lợi. Ốm đau quặt-quẹo, tiền mất mà lại khốn đến thân. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.
Sau cái việc nghe vợ «diễn-thuyết», ông Phán làm bổn-phận của một người đi làm: ông lên buồng ngủ trưa. Thường lệ này, ông  không thể nào bỏ qua được. Càng không thể bỏ qua, khi đầu óc ông rối beng, tai ù, mắt hoa. Ông lấy tay vỗ vỗ trán, đứng dậy:
– Mợ cứ lo làm văn-tự, rồi tôi ký.
Nhưng bà Phán không phải người nước đến chân mới nhẩy, bà chạy lại tủ, mở cái hộp, lấy tờ giấy ra:
– Đây, Thảo nó viết đấy, cậu xem xem có được không.
Nặng nhọc, ông Phán đỡ tờ giấy ở tay bà, đưa lên mắt. Rồi buông thõng một tiếng:
– Được!
Không để cho cơ-hội trôi đi, bà Phán nắm lấy nó trong câu giục:
– Được thì cậu ký vào, để tôi lại lấy tiền cho xong đi. Đằng nào chả một lần.
Rồi nhác thấy vẻ thẫn-thờ trên mặt chồng, bà làm một cử-chỉ vuốt-ve, lấy tay nhấc cái tóc bám ve áo ông:
– Cậu có vui-vẻ, tôi mới ra đồng, không thời thôi. Việc Thánh không thể miễn-cưỡng được.
Bà Phán nói thế vì bà biết, dử-thính chồng bà cũng không dám trái ý. Quả nhiên, ông Phán gật ngay:
– Ừ, để tôi ký … Nhưng chắc có xong không?
Bà Phán trách chồng một câu khiến kẻ được trách phổng mũi:
– Việc gì tôi thu xếp chả xong, có khó là chỉ cậu làm khó dễ được tôi. Người ngoài,  đời nào…
Và bà nói trên môi:
– Cái gì cũng thế, tôi cứ là phải trình cậu trước, cho nó hợp gia-đạo.
Hai chữ «gia-đạo», bà nói như thằng bé con quay cái máy, không biết vì đâu máy chạy. Bà được nghe câu ấy từ năm bà lên tám, và bắt đầu nhắc nó khi bà bước chân về nhà chồng. Bà nhắc sau những lúc lòng tự-ái được thỏa, nhắc để tỏ ra mình là con nhà danh-giáo. Chỉ vì những chữ «cổ-truyền» ấy, bà Phán đã xếp được chồng ngồi gọn thon lỏn vào một cái khuôn. Và khi nào ông cọ quậy định thoát-ly, thì bà lại nghiến răng kèn-kẹt, nèn bằng một «luân-lý» khác:
– Cậu nói khẽ chứ, không hàng xóm người ta dị-nghị.
Đến thế là việc gì cũng phải xong. Bao nhiêu chênh-lệch đều tiêu-tán cả. Mà nếu ông Phán uất-ức quá, ông cứ việc giải nó bằng một giấc ngủ trưa, với cái chặc lưỡi:
– Chẳng sống mãi ở đời, hơi đâu… Mặc!…
Thảo vừa về đến cửa, ló mặt vào, nàng liền bị mẹ mắng ngay:
– Cô đi đâu ưỡn ẹo, bây giờ mới dẫn xác về?
Thảo chưa kịp đáp, bà Phán đã chỉ lên trên gác:
– Bố cô mà biết thì liệu xác. Đừng có đú-đởn! Nhớn trương lên như con bò cạp, không chịu làm ăn, chỉ đàn đúm!
Thảo nghe đã quen những câu mắng như thế, nàng sà ngay vào chỗ mẹ ngồi:
– Con lên dì chứ đi đâu?
Bà Phán lườm con:
– Này, đừng có trí-trá, lên dì thì dì tống cổ về. Không đời nào dì lại cho mày ngồi hết ngày hết buổi.
Thảo ngớ mặt:
– Ơ, con ở nhà dì xem con Bích làm bánh quế. Mợ không tin, mợ lên hỏi xem.
Bà Phán đặt bút chì xuống mảnh giấy bà kê các món tiêu về việc sắp ra trình đồng:
– Tôi không rỗi hơi như cô, việc gì tôi phải hỏi ai! Cô cứ còn cái thói đi đâu mất ngày mất buổi, rồi tôi bảo cho cô. Rồi bố cô mà biết….
Bà đem chồng ra dạy con là do thói quen của lưỡi, thực ra bà biết thừa, chồng bà cũng chẳng đủ làm cho Thảo sợ. Nàng nhoẻn miệng:
– Thì thôi, lần sau con chả đi đâu nữa.
Nhưng lại minh-oan ngay:
– Tại hôm nọ dì đến chơi, dì bắt lên xem Bích nó làm bánh quế. Dì bảo không tập làm tập ăn, rồi sau này thành ra vô-dụng.
Bà Phán nguýt con, chặc lưỡi:
– Dì mày, ai cũng vô-dụng. Vẽ, bánh mới chả bánh! Đồng bạc một hộp thì ăn chán. Giời nắng này, ngồi gần lửa cho mồ-hôi nó sủng người ra à!
Thảo ngẩng vào tận mặt mẹ để nghe.Thấy mẹ nói thế, nàng cãi ngay:
– Con Bích thế mà nó khéo lắm, mợ ạ. Nó làm còn đẹp hơn ở hiệu. Trông ngon đáo để!
 Bà Phán chề môi:
– Ngồi nặn ra lại chả khéo! Bánh với trái, tao cho làm mọt xương cũng chả bằng người ta. Vài ba thứ bánh như cái ruột mèo, nay giở, mai giở, làm như nhà quan không bằng!
Rồi dấp dấp bút chì lên môi:
– Tao đến chúa ghét cái lối hàng phố dở của dì mày!
– Chả trách cậu cứ bảo mợ xung-khắc với dì.
– Xung-khắc với lại xung-khắc. Một tí tuổi đầu, nói như bà già chín mươi. Hơi một tị, giở đạo-đức. Gớm, người đâu lại có người dềnh- dàng thế.
Rồi nhìn ra ngoài như để lục tìm những cái gì đã qua trong ngày thơ-ấu:
– Chả trách ngày xưa bà cứ bảo trông như bà huyện, hóm như ranh.
Thảo chợt nhớ, vừa rũ mớ tóc vừa hỏi:
– Quên, con không nói với mợ, dì dặn con chiều đem khăn bàn lên để con Bích nó mạng cho.
Bà Phán thở đánh phào, lắc đầu:
– Dì mày đến hay nhiều chuyện, cái khăn bàn nó toạc một tí thì kệ nó, việc gì phải mạng!
Và yên lặng một lát, cái thứ yên lặng để bới lông tìm vết:
– Tao lại còn lạ gì dì mày, ra điều ta có con khéo đây. Hơi một tí là giở tài may vá thêu thùa của «cô Chiêu» ra.
Thảo lúc này đã bị thôi-miên vì những lời ganh-gỏi của mẹ, cũng hùa theo:
– Mợ nói phải đấy. Gớm, dì hay nói lắm! Con Bích hơi một tị là dì nói rạch ruột.  Dì dạy từng li từng tí.
– À, dì mày chỉ được cái nói là giỏi. Chồng chưa quát đã rúm lại như con sâu. Thật tốt đôi, chồng cũng như ông hạng nói thì vỡ nhà người ta ra.
– Thế mà chú ấy chiều con Bích đáo để, mợ ạ. May mặc cho nó luôn.
Bà Phán chề môi:
– May để làm gì, để đút vào tủ khóa lại, lúc đem ra mặc, nát như tương ấy à?
Thảo vội vàng:
– Đúng đấy mợ ạ. Nó thì đi đến đâu mà cũng may.
Nói xong, nàng trầm-ngâm, có lẽ để nghĩ đến sự mình kém Bích, nói như người dỗi:
– Thì may để đấy cũng thế, còn hơn con đi đâu, chả có cái mà đeo.
Bà Phán xồ ngay vào mặt con:
– Cô thì có mo-nang, cô mặc cũng rách. May cho cô hàng trăm cái cũng vừa. Con cái, mặc như cắn vải.
Thảo chép miệng ;
– Mợ bảo con mặc như cắn vải. Thế mợ xem con may những gì nào? Được vài cái «bombay» mỏng như giấy bản, hơi cựa là bương ra.
Bà Phán phát gắt:
– Thôi, câm họng đi, mày thì có áo quan bốn ván. Không biết nhục, lại còn ….Kiếm lấy tiền mà may có được không?
Lần nào cũng thế, hễ con than phiền về nỗi thiếu phấn sáp, giầy dép, bà Phán cũng bảo: «Không kiếm lấy tiền mà may». Câu ấy đã khiến em ruột bà, bà Lan, không bằng lòng, bảo bà: « Chị dạy con đến hay. Nó là con gái lại bảo nó thế, chị cứ lèn vào đầu nó những ý-tưởng ác hại ấy, rồi nó đâm hư đấy».
Thảo cắm-cẳn:
– Con kiếm được tiền, con đã chả phải xin cậu mợ.
– Cô xin cậu cô chứ tôi làm gì có cho cô. Nay mai hưu, rồi khối tiền ra đấy!
Rồi bà níu lấy một «huấn-điều» để che chỗ mè nheo của con:
– Con nhà, không biết thương cha thương mẹ tí nào. Chỉ những cái xa-hoa rởm!  Từ rầy, tôi cấm cô không được đến nhà con Bích đấy. Học làm học ăn chả học, chỉ đua đòi sắm sửa ầm-ĩ cả lên!
Thảo biết chỗ vô-lý của mẹ, nàng không chịu:
– Là con nói chuyện chú may nhiều quần áo cho con Bích, chứ nó làm sao mà mợ cấm con không được đến?
Thói quen không chịu ai bẽ khiến bà Phán vặc luôn:
– Tôi muốn cấm thì tôi cấm, cô có nghe hay không nghe thì bảo?
Sợ mẹ làm to chuyện như những lúc «cà-khịa» với cậu, Thảo liền im. Nhưng mặt nàng phù như người cai thuốc phiện. Bà Phán quăng cái bút chì xuống bàn:
– Được, rồi tôi mách bố cô, xem bố cô có dạy được cô không? Con nhà không có giáo-dục tí nào..
Nếu nhời bà Phán mắng con nó có mồm, nó sẽ lớn tiếng: « Bà không có giáo-dục, con bà làm sao có được?»
Bà Công-Thái đỡ tờ văn-tự của bà Phán với một câu nói lấy lòng:
– Bà chị tính, tôi với bà chị thì cần gì! Nhưng đàn ông, các ông ấy là gớm lắm. Rồi sau này, các ông ấy mè nheo, chúng mình lại khổ.
Rồi bà đặt tờ giấy trên nắp cháp:
– Cứ là yêu nhau ta «rào giậu» cho nhau.
Đến lượt bà Phán nói lấy lòng bạn:
– Thì bà chị tính, bà chị có muốn đâu khe khắt với tôi, nhưng còn ông anh tôi nữa, có phải mình bà chị đâu.
Bà Công-Thái hất hàm một cái, nhìn lên gác, nháy mắt, rồi nói nhỏ vào tai bà Phán:
– Cũng đáo để như lão ấy đằng nhà
Bà Phán cười cầu tài:
– Thì họ là đàn ông! Chị em chúng mình là cứ chịu phép.
Thích ý, bà Công-Thái đưa vào tận tay bà Phán điếu thuốc lá, với một câu lúc đầu rất khẽ, rồi to dần:
– Không chiều ý… là.. tan cửa… nát nhà ngay. Bà chị còn lạ gì. Chứ tôi với bà chị, ta bóc áo tháo cầy gì nhau?
Rồi làm như không để ý, bà ném cái văn-tự xuống…chiếu:
– Chứ giấy má thì làm gì, tôi ăn được à!
Muốn cho bạn đứng dậy mở tủ lấy tiền, bà Phán vươn vai đứng dậy:
– Cụ Đồng đợi ở đằng nhà, thành thử bây giờ mới đến được.
Hiểu ý, bà Công-Thái đứng dậy. Tuy bà không cố ý bắt chẹt bạn, nhưng thói quen nghề «sét-ty» vẫn có những kênh-kiệu tự-nhiên:
-Hay bà chị cứ về, mai tôi cho nó đem lại?
Câu nói ấy có sức hút những cái gì vồn-vã, hể-hả trên mặt bà Phán. Bà thất-sắc.
– Ấy chết, bà chị giúp em ngay mới được. Cần lắm. Cụ Đồng đang ngồi chờ lấy tiền.
Cười hở cả lợi, bà Công-Thái ngặt nghẽo:
– Gớm, bà chị làm gì vội thế? Cứ lật đà lật đật quanh năm.
Bà Phán nói như người đi khất nợ:
– Bà chị tính, việc làm tôi con Mẫu, không cần thế nào được. Hai mươi nhăm này là phải đủ lệ bộ cả.
Bà Công-Thái như cái cối, xoay một vòng lại phía tủ chè:
– Vâng, thì để xin chiều ý bà chị.
Mở cánh cửa tủ, bà lấy chùm chìa khóa rồi trước khi vào nhà trong, còn ngoái lại:
– Chỉ bà chị là sung-sướng, đền này phủ nọ luôn. Tôi chỉ ru rú xó nhà.
Bà Lan đến tìm bà Phán vào một buổi sớm. Bà đến tìm chị chỉ vì hôm qua Thảo đến chơi nói với Bích, con bà, mẹ bắt đội bát nhang. Bà Phán vốn biết tính em không sùng việc lễ-bái, nên chỉ nói qua loa:
– Hai mươi nhăm này tôi ra đồng, dì xuống ăn cỗ.
Bà Phán không mời em xuống lễ, vì bà tránh những sự «cãi lẽ» lôi thôi.  Bởi bà đã được bà Lan «diễn-thuyết» về vấn-đề này nhiều lần rồi, và hơn nữa, bà giận về chỗ hỏi vay em không được, phải nhờ bà Công-Thái để nghe bà này hỏi mát:« Trên bà Lan tôi thiếu gì, bà chị còn thử tôi».
Bà giận em đã nghiệt-ngã với bà đã không cho bà vay. Nhưng bà không dám hé răng trách móc, vì cũng đã nợ em hơn bốn trăm hồi bà ốm thương-hàn.
Bà Lan nhìn chị chăm chăm:
– À, phải, hôm qna cháu Thảo lên chơi, nó cũng nói thế.
Rồi bà giở cái gói bà vừa đem đến:
– Đây, tôi biếu chị cái ống nhổ bạc để chị ngồi hầu cho xinh.
Bà Phán hớn-hở, vừa vì được quà, vừa vì thấy em chẳng những đã không «báng bổ» như mọi khi, lại còn cùng «chia ý-tưởng» với bà. Vừa ngắm nghía cái ống nhổ, bà vừa thân-mật bảo em:
– Dì lại còn cho.
Rồi nói như người tắc-trách:
– Tôi cũng ra cho nó xong, đằng nào cũng phải một lượt. Mẫu đã bắt, tránh cũng không được.
Nối xong, bà giật mình. Vì đã vô-tình kéo em vào một vấn-đề em vẫn phản-đối. Bà lo lắng phải nghe những lời cạnh-khóe. Nhưng không, em bà không nói gì. Nhưng không nói cái thứ không nói ra tiếng, song bằng nét mặt. Một cái nhìn dài ập vào đồng-tử bà:
– Nếu chị tưởng là nên thì cũng nên.
Ngừng một phút, bà Lan tiếp:
– Nhưng còn cháu Thảo thì tôi can chị.
Bà Phán đặt cái ống nhổ xuống, ngước mắt, chờ câu em tiếp.
– Tôi nghĩ cháu nó còn trẻ, Mẫu cũng chưa cần đến nó. Đừng bắt nó đội bát nhang, bát khói gì cả.
Nhăn mặt như những lúc có việc phải sở-cậy em, bà Phán dịu-dàng:
– Ấy, cụ Đồng bảo nó có số thờ, không đội thế nào được. Ai còn muốn mất tiền.
Bà Lan cương-quyết:
– Mất tiền thì chả ngại. Trẻ cho nó bén mảng vào những chỗ ấy, rồi hư thân ra.
Bà Phán rất sợ em, vì bà Lan, khi đã nói thì cứ « tên cái » của việc ra mà gọi:
– Chết, sao dì lại bảo hư thân? Trình diện Mẫu, Mẫu tiếp tài tiếp lộc cho.
Bà Lan đã không muốn dính vào chuyện đồng-cốt của chị, nhưng cái «kiểu» nói của bà Phán khiến bà lại bực mình. Bà phản-đối:
– Nó còn trẻ, làm ăn gì mà bảo Mẫu tiếp tài, tiếp lộc? Có chị bây giờ cần Mẫu thì ra đồng, chứ nó cần gì.
Giá như người khác nói câu ấy, có lẽ bà Phán đã sôi lên vì chạm đến «Mẫu» của bà. Nhưng không, cái oai-quyền đức-hạnh của bà Lan đã cất hết cả những hàm-hồ của bà. Vẫn dịu-dàng, bà giảng-giải:
– Dì không tin, nên không hiểu. Con gái không đội bát nhang hay quặt quẹo và rồi thường bị trắc-trở về nhân-duyên. Tôi lại còn muốn mất tiền làm gì!
– Tôi tưởng chị cứ dạy nó làm việc, tự khắc nó khỏe mạnh. Như con Bích nhà tôi thì quặt-quẹo ở đâu? Ăn không ngồi rồi, không chịu vận-động, lại không ốm đau thì sao?
Rồi chỉ ra sân:
– Con gái, cứ sáng ngày giặt một chậu quần áo, trưa vào phụ với thằng bếp làm cơm, chiều tắm rửa, thay mặc cho các em, thì chả làm sao cả. Ông ba-mươi mà ngồi đâu ngồi đấy rồi cũng gầy mòn đi nữa là người.
Bà Phán thật không hiểu em nói gì. Bà chỉ cho em bà hay «báng bổ», hay lý-sự, nên chèn chế bà. Biết nói thế nào cũng không lại được em – bà vẫn nghĩ thế – nên bà Phán thú cái «lỗi» của mình một cách kiêu-ngạo trong cái cười hòa-giải:
– Thôi, tôi ngu-si, dốt-nát!
Câu ấy là một báo-hiệu cho bà Lan hiểu chị muốn kết-thúc câu chuyện. Nhưng hiểu thì hiểu, bà vẫn chưa thôi:
– Tôi không dám can ngăn được chị ra đồng, nhưng tôi xin chị đừng bắt cháu đội bát nhang, rồi chả ra làm sao! Con trẻ, mình dạy nó cái khác hơn, chị ạ.
Kể ra, bà Phán đã bực lắm, giá có thể «vặc» được, bà đã vặc rồi.  Nhưng trong em có một cái gì oai-nghiêm khiến bà không thể nói xẵng được.
– Chót nhận lời với trên đền rồi, làm thế nào? Dì chả bảo trước.
Cái lối nói khéo ấy, bà Lan đã được nghe rất nhiều lần nên bà phát chán:
– Người ta, lúc nào  làm lại chả được, trước với  sau, ai cấm mình?
 
Em về rồi, bà Phán ngồi phịch xuống ghế. Bà giận uất người về chỗ em bà nói chạm đến việc lễ bái. Vừa lúc ấy, Thảo đi chơi về. Thế là trận mưa những lời chết cây gẫy cành dội vào đầu nàng:
– Mày đi đâu về, con voi giày kia? Đi với giai phải không? Sao không đi chết chìm chết ngập có được không? Vác mặt về làm gì?
Thảo kinh hồn, nàng rụng rời:
– Con làm gì, mợ mắng con?
Sấn-sổ, bà Phán văng vào mặt nàng:
– Làm gì à, làm cái xác mày! Liệu thần hồn!.. Lại nhà con Bích làm gì ngày hôm qua? Lại giặt… cho nó à? Đồ khốn-nạn!
– Dì con bảo lại….
Như tên cướp nghe thấy tên kẻ ăn chặn của mình, bà Phán gầm lên:
– Cả dì mày nữa, cả con Bích nữa, từ giờ tao cấm cửa. Rồi Thánh lại không vật chết cả à!
Vẫn không hiểu cái duyên-cớ nó khiến mẹ thịnh-nộ, Thảo hỏi:
– Con làm gì?
– Mày lên mách con dì mày tao đội bát nhang cho mày, để nó đến đây, nó mè-nheo tao.
Rồi dí tay vào trán con:
– Tao truyền đời báo danh cho mày biết, từ giờ còn cái thói hớt lẻo, tao xé xác mầy ra.
Bà Phán đang thao thao mắng nhiếc con thì thằng xe bà phán Lan chạy vào.
Bà Phán vừa búi tóc, vừa hỏi:
– Mày đi đâu, thằng kia?

– Thưa bà, con lại xin bà cho bà con cái khăn tay, bà con vừa bỏ quên.
Bà Phán nhìn ngược nhìn xuôi, rồi với cái mùi-xoa ở «búp-phê», đưa cho nó.
Thảo nhân lúc mẹ ngớt miệng, lảng vào nhà trong.
Bà Phan lấy khăn ấp-ấp vào mặt, rồi quát:
– Có ra đây tôi nhờ tí không?
Thảo rón rén ra, mặt tím bầm. Bà Phán vất cái khăn đánh thõng xuống chậu;
– Có đi lên Hàng Hài giục người ta đi không? Lúc về tạt vào cụ Đồng, mời cụ ấy lên chơi.
Thảo vâng một tiếng nặng như chì:
– Để chiều, con đi.
Bà Phán quắc mắt:
– Chiều cái gì, nhỡ của người ta!
Thảo nói trong nước mắt:
– Bây giờ nắng, con không đi được.
Bà Phán lườm nàng:
– Nắng cũng không chết!
Rồi bà ném đồng bạc ra sập:
– Không đi ngay, nó làm không kịp, cô đừng có trách tôi.
Và trước khi lên gác, bà còn dặn:
– Bảo nó: hài con mười đôi, hài nhớn mười hai đôi. Phải cho nó «tố hảo» nghe chưa!
Chương 2
Bích trên xe xuống, mang lễ mễ một gói hàng. Thấy nàng, Thảo chạy vội ra:
– Thế nào, có đem đến không? Mợ cô có biết không? Khéo bà ấy biết thì nguy.
Đặt gói hàng trên bàn salon, Bích hỏi:
– Bác đâu?
Thảo nhanh-nhẩu:
– Đã bảo đi lễ ở Bắc-lệ, ba hôm nữa mới về cơ mà.
Bích hất hàm hỏi tiếp:
– Bác giai đâu?
Thảo giơ tay chỉ lên trần:
– Ngơi.
Không hiểu chị nói gì, nàng hỏi lại.
– Ngài ngủ trưa mà lại.
– A!
Rồi Bích với cái quạt.
Nóng ruột, Thảo hỏi luôn:
– Thế nào, mợ cô có biết không? Để bà ấy biết, bà ấy «tế» cho đấy.
Bích tủm tỉm:
– Sao lại tế, mợ em biết rồi.
Thảo giơ hai tay, gắt yêu:
– Con khỉ, lần sau bố dám đến! Cô chỉ được cái nhanh-nhẩu đoảng, thật-thà …
Bích níu tay Thảo xuống:
– Không sợ mà lị, em đã bảo không làm sao cả.
– Thế bà ấy không chửi cho à?
Bích ngạc-nhiên:
– Mợ em ấy à?
– Chứ gì!
– Ô, đời nào. Mợ em coi chị như em ấy chứ lị. Em vừa nói, mợ em bằng lòng ngay. Vả..
Thảo ngắt lời:
– Sao cô lại nói, việc gì lại nói? Tôi đã bảo cô cứ giấu, đừng cho dì biết cơ mà.
– Khổ lắm, việc gì phải giấu. Biết thì làm sao?
– Đã bảo bà ấy chửi cho.
Bích phì cười, vì thấy Thảo bối rối. Nàng vội nói ngay:
– Gớm, đời nào, đời nào mợ em lại thế?
Thảo đập vào đùi Bích:
– Nhưng bà ấy ghét đi chơi lắm.
Bích ngạc-nhiên:
– Ai bảo chị thế?
– Bà ấy lại đây, vẫn mắng Thảo cái tội hay nhí-nhảnh ngoài phố.
Và nhăn mặt tiếp luôn:
– Khổ quá, đã sợ bà ấy thì đi đâu cũng gặp. Phố nào cũng gặp. Bà ấy đi đâu, đi luôn thế mày? Cứ thấy cái xe nhà nào giông giống là Thảo khiếp rồi.
Bích cưới thư-thái:
– À, đi mua đồ làm nhà đấy mà.
– Thảo nào!
Bích mở cái gói lúc nãy, để lụa, dù và phấn lên bàn:
– Đấy!
Thảo ngạc-nhiên:
– Áo đâu?
Bích chỉ đống lụa:
– Đấy!
Thảo cầm giở tung, rũ xuống đất. Bích vội-vàng cúi nâng lên.
– Cái gì thế này?
Bích bí-mật:
– Đố chị biết đấy?
Thảo lắc đầu lia lịa.
Bích vỗ tay chị, cười hóm-hỉnh ;
– Để yên, em nói cho mà nghe. Hôm qua lúc ăn cơm, em hỏi mợ em lấy áo và giầy cho chị mượn. Nghe xong, mợ em quắc mắt…
Thảo rúm người lại:
– Đấy, đã bảo mà lại, bà ấy khó tính lắm. Cô giết tôi! Mai bà ấy đến, tôi phải trốn.
Bích xua tay cho Thảo nhường lời:
– Em đã bảo chị cứ nghe thong-thả. Chưa chi đã cuống lên.
– Khốn nhưng bà ấy ghê lắm!
– Mợ em quắc mắt hỏi em: «Thế con Thảo nó không có giầy đi à? »
Thảo lại chồm lên, lắc đầu một cách thảm hại:
– Khổ quá, cô giết tôi! Rồi đến tai mợ tôi thì thật chết!
Bích lại phải giật tay Thảo xuống:
– Chị chưa nghe ra làm sao, chị đã…. Hỏi rồi, mợ em mắng em: « Chị em gái với nhau, không biết nhau thiếu cái gì thì đốn thật! » Rồi mợ em bắt em phải lên bà Vạn-Tường lấy lụa Hà-đông cho chị. Mợ em bảo em biếu chị cái dù cô giáo ở Sài-gòn vừa ra biếu mợ em. Và mợ em lấy cái hộp phấn mới mua, bảo em đem cho chị.
Thảo trố mắt, nàng không ngờ dì ràng có thể qúy nàng thế. Vì xưa nay, dì nàng vẫn «nghiêm» lắm Nhưng nàng vẫn chưa hết ngạc-nhiên, vì Bích chỉ vào cái phong giấy con:
– Đố chị biết cái gì đây nữa nào?
Thảo nghĩ nghĩ một lúc, lắc đầu chịu.
– Và mợ em bảo em đem cho chị một chục, chị đóng săng-đan trắng.
Thảo hét lên, nàng nhẩy cỡn như đứa trẻ được quà:
– Thế mà Thảo cứ sợ bà ấy biết thì bà ấy « truy ». Thế bà ấy có hỏi nó đi đâu không?
– Em bảo chị đi chơi với chị Ngọc.
– Bà ấy có «diễn-thuyết» không?
Bích không hiểu nghĩa hai chữ «diễn-thuyết » Thảo muốn nói gì, ngước hỏi:
– Chị bảo gì?
Thảo nhắc lại:
– Bà ấy nghe nói đi chơi với con Ngọc, bà ấy có chửi không?
Bích lắc đầu:
– Không… đời nào! Mợ em lại còn bắt phải đem cả mùi-xoa cho chị nữa.
Thảo nhoẻn cười:
– Gớm. Thảo khiếp bà «bô»lắm!
Nhưng Bích nói ngay:
– Có mợ em ghét chị vì chị hay …
Thảo nói ngay:
– Hay đi chơi với chúng nó ở phố chứ gì?
– Không, mợ em ghét chị hay lấy vạt áo lau mặt. Mợ em bảo: «Con gái gì lười như quỷ, không làm được cái mùi-xoa mà dùng ». Nhiều lúc em đi đâu, quên khăn tay là mợ em mắng khổ mắng sở.
Thảo để Bích ngồi đấy, nàng chạy sang trước cửa mượn kiểu áo của Tuyết. Đến nửa giờ đồng-hồ, nàng mới về, vỗ vai Bích để xin lỗi:
– Khổ quá, con ranh con Tuyết thấy nói mình may áo là cứ cuồng lên, níu lại nói chuyện, dứt không ra.
– Chị định may ở đâu?
– Miss Dung, Hàng Khay.
– Xa quá, chị nhỉ. Sao không đưa may gần đây?
Thảo rùn vai, chề môi:
– Đây, họ may thế nào được. Ra cái quái gì, Miss Dung cắt khéo ghê lắm nhé!
– Em tưởng may đâu chả thế?
– Cổ khoét trái tim, «dua». Ở đây có mà cắt ăn. Họ làm, chả bõ hỏng áo.
Bích ngạc-nhiên:
– Chị cắt cổ trái tim à? Trông nó thế nào… ấy chị ạ. Em cho chẳng gì hơn cứ may thường như em, thế mà nền.
Thảo cười rũ, lấy tay che miệng:.
– May như cô thì chỉ ở nhà đun bếp được thôi. Ra ngoài, chúng nó chế cho vỡ óc. « À la mode » mà lại hủ thế thì vừa.
– Nhưng có cái cổ để hở, nó khó coi thế nào…
– Có cô thế, chứ thiên-hạ ai thế. Cô chả đi đến đâu, ru rú ở nhà, cô không biết con Tuyết, con Hồng, con Hoa-Hậu Bảo,  nó mặc những cái áo đến đầm cũng hoảng.
– Chết, thế họ cười cho..
Thảo đập vào đống lụa:
– Đã bảo họ hoảng cơ mà. Chúng nó mặc vào, trông hệt các đào xi-nê. Con Phong may cái «robe de soir» phải biết, tuyệt!
Bích chép miệng:
– Em chả biết gì, chị ạ… Và em cũng không thích. Ăn mặc thế nào xong thì thôi. Cốt sao cho nền-nã là được. Ăn mặc lòe loẹt, trông nó…
Rồi nàng cười, lắc đầu.
Thảo áp vào tận tai em:
– Khốn nhưng rát như cáy… ru rú xó nhà.
 Hai chị em đang nói chuyện thì một bọn những bạn Thảo ập vào:
– Bonsoir Thảo.
– Où ça papa?
– Cụ via có nhà không mầy?
Họ lố-nhố bắt tay nhau. Bích sợ quá, nàng luống-cuống trước những cái giơ tay của bọn họ.
Thảo nhanh miệng, đỡ ngay:
– Em tao đấy, chúng mày ạ. Nó không «à la mode» đâu.
Bích ngạc-nhiên về cách xưng-hô với bạn-hữu của chị. Còn Thảo, nàng gọi thằng bếp ầm nhà. Thằng bếp đi vắng, không lên. Nàng nói tục nó thậm tệ. Bích ngượng quá, nhìn bọn họ len lét. Trái với ý-tưởng của Bích, bọn họ chẳng những đã không cười bạn về chỗ văng nhảm với thằng bếp, lại còn tán-thành bằng những câu:
– Sao bếp nhà mày chậm thế?
– Cứ bạt tai cho dăm bận là nhanh ra phết.
– Thứ chúng nó, đi ở chúa hay trốn việc.
 Bích cháy thịt về những lời nói sỗ-sàng của bọn họ, chạy xuống nhà:
– Để em tìm nó cho.
Thảo cũng xuống theo. Nàng vừa hỏi nhỏ Bích, vừa nhìn bọn bạn trên nhà, bộ sợ hãi họ biết:
– Cô có tiền đấy không? Đưa cho tôi mấy đồng.
– Có đây. Em có ba đồng.
– Được. Thế thì may.
– Chị sợ thiếu tiền đóng săng-đan à? Ở nhà, em còn.
Thảo lắc đầu:
– Không, cần tiền thết họ bây giờ ấy chứ.
Thảo cầm tiền, vừa toan quay ra. Bích níu lại:
– Thôi, em về đây chị ạ.
– Ở đây, về làm gì?
– Em không quen họ, làm sao ấy.
Thảo chỉ vào buồng:
– Cô nghỉ đi một chốc, rồi đợi tôi cùng đi mua săng-đan.
Thực ra, nếu không có chỗ «dùng» Bích thì nàng cũng để cho về rồi. Nhưng nàng chợt nhớ đến giá tiền đôi «bô đờ đanh» của Phong, những mười lăm đồng.. Mà tiền thì nàng không có, nàng phải «lưu» Bích lại, để có thiếu, Bích «cung» cho.
– Thôi, cô đợi tôi một tị, chúng nó về rồi đi.
Bích ngây-thơ gật đầu.
Thảo ló ra ngoài, bọn họ đã reo:
– Mày tiểu-di gì thế?
– Không.
Một tiếng như lệnh vỡ:
– Này cô ả, đừng có bảo đun nước đấy nhé. Các «bà đầm» không dùng đâu.
Một tiếng nữa họa theo:
– Du limonade.
Rồi lại một tiếng nữa hét lên:
– Mày bắt chúng tao uống nước chè nóng giời này thì giết chúng tao đấy! Phấn long ra từng mảng bây giờ đấy, ranh con ạ.
Cả bọn cười vỡ nhà,
Một tiếng đề-cử:
-Thôi, tao bảo thế này nầy: Ra Salon de thé Solennel.
Một tiếng nữa chặn ngay:
– Nhưng hỏi nó có tiền không đã… Mày có không, Thảo?
– Có.
Cả bọn lại reo:
– A, thế, được rồi. Ra Salon Solennel xực kem.
– Thôi, tao chịu, giời nắng thế này. Cứ ở đây phá phách không được à. Papa nó đã về đâu.
– Phải đấy, con Tuyết thế mà khá. Tội gì đi đâu. Tổ-chức tạm ở đây cũng được.
Thảo đon-đả:
– Hay tao bảo nó mua nước chanh về đây cho chúng mày?
Phong cài lại bông hoa lụa ở ngực:
– Thôi, xin cô, nước chanh để nó ợ phát tởm lên ấy à. Bảo nó mua năm cốc sữa nước đá.
Hảo đang huýt còi bài Tango chinois, ngừng lại:
– Thằng bếp nó đi vắng, ai mua?
Rồi ưỡn ngực:
– Qui, qui çà?
– Ừ nhỉ. Thế làm thế nào?
Hồng giơ ngón tay như người quyết-định:
– Tao bảo thế này nhé, hãy «xực» cái gì đã, chốc nữa thằng bếp nó về hãy hay.
– Bravo Hồng! Khá đấy. Phải, bún chả con mẹ chửa thì tuyệt. Phải, khá.
Thảo chạy ra gọi hàng bún chả
Họ ăn uống, gào thét như toán phu làm đê.
– Cho tí rau nữa.
– Kìa, giấm đâu?
– Cho tí cà-cuống.
– Ố là là, chậm lắm, nhanh lên chị, bán hàng chậm thế! Đem thêm chả vào đây.
– Cho nhiều rau thơm vào.
– Này, lấy bát khác, bát gì nhờn như cái chảo!
– Này, cho hai chục chả nữa.
– Quạt cho chín, nhưng nhanh lên, sống tôi ném ra đường đấy.
Khi người bán hàng đem bún vào, Phong cầm cái lông dí vào mắt:
– Cho người ta ăn thế này, tù đấy nhé. Nhà quê!
Rồi một tiếng bát rơi xuống gạch:
– Thôi, đi đời rồi. Để nó vào đây, tao tát cho nó mấy cái. Bát nhờn như..
Hồng vừa ngốn một đống rau, vừa can:
– Thôi mày, kệ xác nó. Lấy cái khác.
– Ai cũng «cẩu-thả» như mày, chả trách chúng nó bán cho người ta ăn như cho lợn.  Cứ tát cho nó mấy cái, sau nó chừa.
-Thôi, xin cô. Thằng Hải nó chưa lấy đâu, đừng làm bà huyện vội, để lúc nào có công-đường hãy hách-dịch.
Bảo phì cười, bắn miếng thịt ra mẹt, rồi lại gắp:
– Phải,  không lấy tao cũng cóc cần. Chẳng như đứa nào. Mới nho-nhoe tú-tài đã nhặng lên.
Hồng gắp vội gắp chả:
– Cho chúng mày cãi nhau, tao ở giữa tao cứ chén. Ăn no mới to họng được.
Họ «làm cỏ » xong bữa bún chả, có hàng kem đi qua. Phong bèn bảo Thảo:
– Kem mày, gọi nhanh lên.
Thảo chạy ra gọi kem.
– Cô xơi bao nhiêu?
Phong ngồi vắt chân chữ ngũ, gật hàng kem vào:
– Kem anh có khá không?
– Thưa cô ăn được.
– Ăn được là thế nào, ăn thì thế nào chẳng được. Có sữa không?
– Thưa cô có.
– Có « ma-ny » không?
– Thưa cô có.
Nàng chỉ ngón tay vào mặt anh hàng kem:
– Thật nhé?
– Vâng, thưa cô đúng, không ngon cô giả lại.
Phong đắc-chí, cười tít:
– Được, thế cho năm cốc, mỗi cốc một hào.
Anh hàng kem vừa nhanh chân ra, Phong lại gọi giật:
– Làm cốc cho sạch, không tôi ném cốc đi đấy.
– Vâng.
– A, kem nó ngon, mày ạ.
– Ngon cái con khỉ. Tanh lộn mửa!
– Tanh thì cô đừng ăn. Này, cho một cốc nữa.
– Ngon, bằng thế nào được Vĩnh-Hảo.
– Chuyện! Mày nói thối lắm! Bì hàng bán rong với hiệu kem. Sao mày không bì phấn Tokalon với phấn núm.  Xu một núm có được không?
– Thôi, im đi, cô. Chưa là bà huyện, đừng có lý-sự cùn.
Khi anh hàng kem tính tiền, Bảo quát lên:
– Này, đừng có ăn gian, xẻo tai.
Cả bọn phì cười.
– Không, thưa cô đúng. Tất cả hai đồng hai.
Thảo trỏ vào tận mặt y:
– Tính lại xem nào!

– Tôi cứ biết tôi múc hai mươi hai cốc. Các cô ăn, tôi biết đâu.
Xua tay cho họ im, Thảo hỏi từng người:
– Phong, mày bao nhiêu?
– Tao năm
– Con Tuyết bao nhiêu?
– Tao bốn.
– Con Bảo?
– Mỗ, mỗ… năm.
– Hồng?
– Tao năm.
Thảo tính nhẩm, rồi nàng bảo:
– Phải rồi, chúng mày mười chín, tao ba.
Tên bán kem nhanh-nhẩu:
– Đấy, tôi có dám ăn gian của các cô đâu!
Thảo cong cớn:
– Cũng chả ai để cho mà ăn gian.
Rồi đưa ba đồng:
– Giả lại đi.
– Không có tăm hở mày?
Thảo ngơ-ngác nhìn, rồi bẽ cái nan quạt:
– Thôi, cần gì tăm. Lấy cái này cũng được. Mày nhiễu sự lắm.
Bảo bắt chước mẹ, lên giọng bà cụ:
– Con gái …. nhà… cái tăm chả có…hỏng!
Thảo phì cười, vờ gãi tai:
– Thưa me, con chưa vót được ạ.
Phong, cái máy tiêu-thụ các thực-phẩm có tiếng xưa nay, ra hiệu cho các bạn im. Nàng dõng-dạc bảo Thảo:
– Thôi, mày cho chúng tao ăn no rồi. Cái khoản sữa nước đá, chúng tao tha cho. Nhưng phải biện cho chúng tao hộp kẹo lạc «ma-ny» với ấm chè hạt sen nữa thì thôi.
– Ai đi mua?
– Tao!
Thảo xua tay:
– Thôi, để lại như hôm nọ, để chúng  tao chờ mày hết ngày nhé.
– Không, hôm nay khác. Hôm nọ vì thằng Chinh nó bắt tao lên Quần-Ngựa.
– Thế sao mày không về bảo chúng tao rồi hãy đi có được không?
– Tao quên mất.
– Sáu đứa chờ một mình mày đến phát điên, mày lại bảo mày quên. Thôi, mày xỏ-lá lắm.
Thảo nói xong, đưa hai đồng cho Bảo, để Bảo đi.
Dứt tiếng húp kem xụp xoạp, lại đến tiếng thổi sáo mồm vang nhà. Rồi đến tiếng chân lướt trên gạch. Rồi đến tiếng ngả cây thịt đánh sầm của họ, sau khi nhẩy mỏi chân.
Khi nhìn thấy đồng-hồ chỉ năm giờ, Phong hoảng-hốt như người chắc sẽ nhỡ tầu:
– Thôi, giải-tán đi chúng mày, ông bô nó sắp về rồi.
Bảo sửa lại mái tóc:
– Thế không đợi ăn kẹo lạc, uống chè sen?
Phong như chợt nhớ ra:
– Ừ nhỉ, tao thật đoảng
Ngừng một phút, nàng lại tiếp ngay:
– Nhưng thôi, dềnh dàng mãi, ông bô nó về, trông ông ấy khòm khọm, tao không thích. Đợi bánh về, đem lại nhà tao «phá». Nhà tao thì tha hồ.
Quay bảo Thảo:
– Mầy có theo chúng tao thì theo.
Thảo đang ngắm mình trước chiếc tủ gương, ngoảnh lại, đưa tay lên môi snỵt một cái:
– Tao còn bận.
Phong cười, làm như hiểu ý:
– Mày lại…
Rồi đưa tay lên cố bắt chước Hoàng, nhân-tình Thảo, những lúc nắn nắn cravate, và nháy mắt, hất hàm:
– Chứ gì… Au rendez…
Thảo lắc đầu lia-lịa
– Không, tao bận thật.
Rồi chỉ xuống chân:
– Đi mua săng-đan.
 Phong bĩu môi:
– Gớm, độ này mày được cậu yêu, mày trang-điểm khiếp nhỉ. Khéo không lại…
Và đằng hắng:
– … Thì khổ tao lắm đấy nhé.
Thảo cong mặt:
– Đây ít nhé! Mày tưởng…
 Khi họ đi hết, Bích mới ló đầu ra. Nàng nhìn đồng-hồ, rồi vội-vàng:
– Em phải về, chị ạ!
Thảo đời nào để nàng về, nói ngay:
– Đi với tao một tị ra chỗ Hàng Quạt, tao đóng săng-đan đã mày.
Nhưng chợt nhớ Bích không phải là bọn Phong, Tuyết, Thảo vội xin lỗi về cách xưng-hô:
– Ấy chết, lại cứ quen như nói chuyện với chúng nó…
Từ nãy, Bích ở trong buồng đã nhận thấy sự quá sỗ-sàng các bạn chị. Được dịp, nàng liền ngỏ lòng mình:
– Sao chị lại chơi với các cô ấy?
Thảo chữa ngay trong câu trả lời:
– Các bạn học của Thảo trước đấy mà. Phong, con ông tham Doanh, quen cả chú đấy.
– Ông tham Doanh thỉnh thoảng lại chơi với cậu em ấy à? Trông ông ấy hiền lành thế, sao cô ấy lại thế…
Thảo sợ Bích về nói chuyện với bà Lan, vội cắt nghĩa:
– Chúng nó… thế mà tử-tế đáo để… Chúng nó yêu Thảo nên mới «tự-do» thế. Rặt những bạn học cũ cả đấy ….
Bích đời nào hiểu nổi bọn họ, ngắt lời Thảo:
– Yêu gì lại yêu nhố nhăng thế. Gớm, em cứ thấy nói chuyện, em thẹn chín cả người. Ai lại con gái nói chuyện nhảm-nhí… Chẳng sợ thằng bếp nó khinh cho.
Thảo nghe Bích nói, chỉ cười nhẹ.
– Các cô ấy ăn uống sàm sỡ đến hay. Giá ở nhà em một phút cũng không được.
Rồi nhìn Thảo một cái nhìn trách móc:
– Lúc ấy, em chỉ sợ bác về thì chị chết.
Thảo rún vai:
– Bác cũng chẳng nói gì đâu. Mọi bận bác có nhà, chúng nó vẫn lại đây chơi.
Thảo nói dối, cốt ý để Bích không nhắc lại chuyện với mẹ. Vì nàng rất sợ dì nàng mắng.
– Của đáng tội, mọi khi bác có nhà, chúng nó lại, không phá phách như hôm nay.
Thảo vừa nói, vừa đập đập vội cái «húp» phấn vào cổ, Bích cài khuy áo cho nàng:
– Em không hiểu sao em nghe các cô ấy nói chuyện, em thấy xấu-hổ, hình như chính em đã làm điều gì bất-chính. Chị chơi với họ, sao chị không bảo họ?  Ăn nói như thế, còn ra con người thế nào được. Em tưởng chị cũng không cần thân lắm với họ, mất thì-giờ. Lúc nào chị buồn, chị cứ lên em, hay em đem khung thêu xuống đây làm cho vui. Chơi với họ, nó mất thể-cách đi. Rồi thiên-hạ người ta lại cho là mình không đứng đắn.
Xoa xoa cổ Thảo cho phấn đều, Bích nói như nài-nỉ:
– Mợ em biết chị chơi bời với họ, mợ em lại buồn đấy. Mợ em vẫn mắng em sao không dạy chị làm bánh gừng, bánh quế, và mạng quần áo. Mợ em cứ đổ tại em không quấn quýt chị, nên chị ít đến, Thôi, từ giờ đừng cho họ lại nhà nữa, chị ạ. Các bạn em, chị nào thùy-mị, đoan-trang, em mới dám mời lại nhà. Chị thử tưởng-tượng, những nhà trước cửa họ thấy một bọn các cô si-sô, trâng-tráo, họ sẽ nghĩ ra sao? Em rất sợ miệng tiếng thiên-hạ. Đã đành mình không cần gì ai, mình sống trong sạch là sống cho mình, vì mình, nhưng nếu mình ăn ở bừa bãi thì cũng nên e họ chứ. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa.
Thảo nghe em nói, nàng cười thầm, trong lòng cho em là quê-kệch, nhưng vẫn ậm-ừ cho xuôi chuyện. Nàng đóng cửa tủ đánh sầm:
– Thôi, chúng mình đi đi, rồi Bích còn về nhà cơ mà. Gần sáu giờ rồi.
Bích về nhà, cậu mợ nàng còn chờ cơm.
– Con đi sao lâu thế? Bác về chưa?
Nàng sà vào bên cậu:
– Bác chưa về, con còn đi thửa giầy với chị Thảo.
Ông Lan mỉm cười, nhìn đôi má hây đỏ của con:
– Thế con có đóng một đôi không? Đóng đi, cậu cho tiền.
Bà Lan nói sang:
– Nó có nhiều giầy rồi. Đóng làm gì phí tiền.
Ông Lan âu yếm ném cho vợ một nụ cười:
– Mợ chỉ thế, cho con nó đóng, làm gì mợ cũng bảo phí tiền.
Bà Lan trách yêu chồng:
– Cậu chiều nó, rồi nó quen ăn mặc hoang phí đi đấy. Con gái cần làm hơn cần chơi.
Bích nói với cậu:
– Mợ con bảo phải đấy, con không thích sắm sửa luôn, con có đi đến đâu.
Ông Lan nhấc tờ bảo để ra chỗ khác:
– Cũng cần phải trang-điểm cho nó diễm-dắn chứ. Người ta, khi đã thuần-thục, tha hồ cho ăn mặc. Nhưng nếu chỉ quanh năm ăn mặc cũng không được.
Rồi nói to:
– Cậu cứ muốn cho con tha hồ sắm. Miễn đừng phí của. Con gái phải thế …
Bà Lan hỏi con:
– Lúc con lại, nó có nhà không?
– Có đấy, mợ ạ.
– Cậu nó có nhà không?
– Bác con đi làm.
– Thế con có mách nó nhà phó Mùi ở Tiên-Tsin không? May ở đấy mới mặc được. Họ cắt nền, chứ không cẩu-thả như các chỗ.
– Có đấy ạ.
Bích buộc lòng phải giấu mẹ. Nàng sợ nói Thảo may ở «Mít Dung», mợ nàng gặp sẽ mắng. Vì nàng cũng biết ý mẹ, rất ghét sự rởm-rính.
Đang lúc ăn cơm, bà Lan bảo Bích:
– Còn phải đem khung thêu xuống dạy nó. Và nếu nó không chịu học, về bảo mợ. Con gái nhớn bằng sào bằng gậy, đàn đúm ngoài đường suốt ngày…
Bích nói đỡ cho Thảo:
– Chị con có hay đi đâu!
– Cô biết gì, lúc nào mợ cũng gặp nó ở ngoài đường. Nó trông thấy mợ, đang ba-hoa với một lũ, quắp lại ngay.
Ông Lan đặt bát:
– Ấy, mợ phải thưa với bác mới được. Con gái lông-lao thế, người ta cười cho. Trẻ con trong gia-đình không chịu vào khuôn phép là tại phụ-huynh. Để nó thế, mình cũng có lỗi cơ đấy.
Bà Lan đăm đăm:
– Cho nên tôi đã nói với chị Phán nhiều lần, phải uốn nắn cho nó ra con người. Chị lại cứ bảo giăng đến rằm giăng tròn. Mình vì nghĩ con cháu trong  nhà, phải bảo ban, răn dạy. Nhiều lúc xem ý chị ấy không bằng lòng về chỗ mình hay can-thiệp vào việc nhà chị ấy. Cho nên lắm lúc cũng chán…
Ông Lan ngắt ngay lời vợ:
– Ô hay, sao mợ lại có quyền chán như thế. Bổn-phận mình là em, mình thấy thế nào là phải, mình cứ nói. Cho lúc bấy giờ anh chị không nghe ra, nhưng rồi cũng có khi nghĩ đến. Sao lại gọi là việc riêng với việc tư. Một người trong cái đại-gia-đình của mình hư là mình đau xót chứ lại. Xem như mình chơi với người nào, không nói chơi nữa, chỉ gặp người ta một lần thôi, sau thấy người ta khá, mình cũng mừng cho người ta nữa là….
Thói quen nhường lời cho chồng khiến bà Lan chỉ kính-cẩn nghe. Vẫn cái đà lòng, ông Lan tiếp:
– Mình là em, mình có bổn-phận phải nói điều gì tâm-linh bảo mình nói. Cho dẫu có làm bực mình anh chị cũng phải nói. Đừng có những lối lấy lòng lấy bề của thiên-hạ. Con Thảo nó hư, tất-nhiên mình là người, mình cũng đau xót như con Bích hư. Anh Phán đằng nhà, xem ra ít nói lắm. Mợ có lại chơi, phải bảo thẳng ngay nó mới được. Nếu mình không thương nó hết cái lòng kẻ làm cha mẹ, sau này nó khổ-sở, mình sẽ có một món nợ trên lương-tâm.
Bà Lan từ-tốn:
– Độ này bận làm nhà, thành-thử không năng xuống được.
Ông Lan cương-quyết như những khi tính toán công việc:
– Chẳng có việc gì bận hơn việc coi sóc cách ăn nết ở của con cháu mình. Cái nhà làm xấu một tí không sao, mình sơ ý để vết chàm của đời chàm vào lòng chúng thì hại còn bằng trăm. Mai giở đi, mợ nên thu bớt thì-giờ, đến thăm chị luôn. Nhân thể bảo ban nó một vài điều. Hình như anh Tham Doanh anh ấy cũng phàn-nàn về chúng nó lắm.
Bà Lan đưa bát cơm vừa xới cho chồng:
– À, cô Phong con bác Tham cũng chơi với con Thảo đấy mà.
– Vì thế, hôm nọ anh ấy mới nói chuyện các cô lại nhà nhẩy đầm.
Bà Lan lắc đầu:
– Chết thật, trông thấy chúng nó thế mà anh Tham, chị Phán để vậy được!…
Ông Lan nhìn vợ một cái nhìn đủ để cắt nghĩa hết những bổn-phận kẻ trên:
– Vì thế, mới có những cô lãng-mạn, bỏ cửa bỏ nhà, cờ bạc rông-rài.
Bà Lan hiểu chồng muốn nói gì trong cái nhìn ấy. Cũng bằng một cái nhìn nó trả lời cái nhìn của chồng:
– Cái gì chả tại người nhớn. Chúng nó như cái diều, kéo về phía nào, cao thấp là ở mình là người cầm dây.
Một hôm, bà Lan nghe phong-thanh chị muốn gả Thảo cho con bà Công-Thái, bèn đến. Bà Phán buộc lòng phải bàn-bạc với em. Nhưng bà vẫn không chịu những ý-kiến bà Lan phát-biểu. Tuy thế, bà cũng vẫn làm bộ niềm-nở:
– Nhưng dì nghĩ lại xem, ai lại tiệp-diệp như thế, thiên-hạ họ sẽ chê cười. Và nó cũng giảm cái giá con mình đi. Đã hay thương con ngon của, nhưng cũng phải thách thức cho nó ra môn ra khoai. Rồi giơ cao đánh sẽ, mình sẽ liệu dần.
– Thế thì sao bằng mình cứ liệu phiên-phiến trước đi có được không. Việc nhân-duyên, không nên kèo cò nhiều quá. Mình gả con chứ có bán con đâu.
Bà Phán vỗ vào đùi em, làm một cử-chỉ thân-mật, bà ngồi xích gần bà Lan:
– Đây nhé, dì nghe cho thủng câu chuyện. Tôi thách họ nhiều nhặn gì cho cam. Hai đôi vòng cho cháu và may vá vặt vãnh độ năm trăm này. Ăn uống đằng nhà mình độ năm trăm nữa là một nghìn này. Các khoản ngoại độ hai trăm là nghìn hai này. Mà tôi chỉ bắt họ chồng nghìn rưởi, như thế rồi họ xin cũng vừa cơ mà.
Bà Lan nhặt một miếng giầu ở cơi:
– Việc sắm sửa cho cô dâu, sao chị không để tùy họ cho nó thanh có được không? Lấy đống, làm như khoán trắng, tôi thấy ngượng thế nào.
– Nói như dì sao được. Để tùy họ, thế họ bôi ra đấy, mình cũng nhận à? Nó giảm cái giá nhà mình đi chứ. Tôi đã nhất-quyết, họ không nghe thì thôi.
– Ấy chết, sao lại giảm được giá nhà mình. Cái giá của mình chỉ có mình mới đủ quyền làm giảm đi thôi chứ. Tôi thiết nghĩ trong việc cưới xin, đừng nên nói nhiều về tiền bạc, nghe nó ngượng tai lắm
– Đấy khổ lắm, tôi đã bảo dì mà dúng vào những việc này thì lại rối bét ngay. Tôi đã biết tính dì, cái gì cũng chín bỏ làm mười, nhưng việc cưới xin, nôm tạm thế nào được.
Bà Phán không bao giờ hiểu và làm theo những điều bà Lan mong, cũng như bà Lan không bao giờ có thể quan-niệm việc chung-thân của con trên những con số. Cho nên hai bà không bao giờ gặp nhau trong sự thu xếp việc cửa việc nhà. Bà Phán tuy không bao giờ chịu nghe em, nhưng cũng vẫn phải ầm-ừ. Bà Lan tuy biết chị chỉ hiểu nghĩa cuộc đời theo chỗ thấp kém của nó, nhưng là người yêu gia-đình một cách tha-thiết, bà vẫn nói. Sau sự giàu lòng ấy, bà có một hậu-thuẫn rất đắc-lực: bà giầu cả tiền. Lời giảng giải, bà Lan thấy không hiệu-nghiệm, bà liền đánh về phía tiền:
– Nhưng thách-thức để người ta không lo được thì không nên. Việc là việc quan-hệ một đời con mình, để cho những sự rắc rối về đồng tiền xen vào, rồi sau này con mình nó khó ăn ở.
Bà Phán nhổ quết giầu, vênh mặt:
– Mặc họ chứ, giầu nứt đố đổ vách, không lo được thì thôi. Tôi có gả con cho cu-ly đâu.
– Nhưng nếu họ không chịu đi đủ, chị bảo làm thế nào, nhất-định thôi à?
– Thì thôi, chứ dì bảo khó khăn gì. Không làm dâu nhà họ đã chết à? Con mình nó hư hỏng gì bảo vội. Khối chỗ nói như van cũng còn chưa…
Bà Lan không thể chịu được những lời rất tối-tăm của chị, nhưng vẫn ôn-tồn. Vì bà tin đồng tiền của bà sẽ làm cho chị phải theo.
– Không được, không nói liều thế được. Họ không đi đủ thì thôi…
Bà Phán ngắt lời em:
– Chả thôi, dì bảo tôi hám gì?
– Không, tôi nói thôi là thôi thách-thức.
Há hốc mồm, bà Phán trố mắt:
– Thôi thách thức là thế nào?
– Chị cứ thong thả nghe tôi nói, nên hay không rồi chị sẽ tính lại. Tôi bảo họ đưa bao nhiêu cũng nhận, rồi về mình xoay sở định-liệu với nhau. Nến cần, tôi lại không cho cháu được vài trăm à.
Bà Phán lòng như mở cờ, nhưng làm bộ giãy nẩy:
– Thôi mặc, dì cứ mặc họ. Chả gả thì thôi. Dì hơi đâu mất của nhà.
– Ô hay, sao lại bảo mất của! Cháu đi lấy chồng, dì lại không cho được vài trăm à. Thế tôi hỏi chị, con Bích nhà tôi sang năm ra ở riêng, chị sẵn chị có phong-bao cho nó không?
Bà Phán hơi thẹn về câu em hỏi, đáp một cách «bất trung bất viễn»:
– Cái đó lại khác
– Khác thế nào, chị lo nhiều việc, rồi đến quẫn chí.
Rồi bà xòe tay tính:
– Đây chị nghe nhé, cho chị có thiếu thì cũng thiếu đến năm trăm là cùng chứ gì. Chỗ năm trăm ấy, tôi xin gánh.
Bà Phán mừng chết người đi, nhưng vẫn giật giọng:
– Khổ lắm, tôi đã bảo dì hơi đâu chở củi về rừng. Mặc họ, họ muốn có dâu, họ phải xoay.
Cũng chẳng cần phải «bắt bẻ» chị, bà Lan cứ trên con số bà tính:
– Năm trăm ấy là của riêng tôi cho cháu, nó muốn mua bán gì mặc nó. Còn nhà giai thì cứ lo đủ cỗ bàn cheo cưới, thế thôi. Thế có phải trịnh-trọng, bệ-vệ không nào? Có hơn là mặc-cả từng đồng một, rồi đâm ra mất lòng mất bề không?
Bà Phán không nói gì, nhưng sự không nói ấy nó đủ để bà Lan hiểu chị đã xuôi tai. Bà Lan cười một cái cười dài cho nó nhẹ bớt không-khí:
– Chị cứ nghe tôi là mọi việc tốt đẹp cả.
Bà Phán bây giờ mới cất được tiếng:
– Thì dì bảo, xưa nay cái gì tôi chẳng nghe dì, nhưng có cái phiền dì mãi nó không tiện. Dì đã vậy, lại còn chú ấy nữa. Giấm giúi cho cháu, nhỡ đến tai chú ấy, chú ấy… cười cho.
Bà Lan phát bực về chỗ chị không hiểu cái tình không phải của mình mà là của chồng đối với gia-đình chị:
– Chị thật đến hay nghĩ lẩn thẩn! Nhà tôi đang bảo hôm cưới, cho cháu hai trăm để nó đi «trăng mật» với nhau đấy.
Bà Phán không hiểu hai chữ « trăng mật » là cái gì. Bà hỏi lại:
– Dì bảo thế nào?
– Là nhà tôi bảo cho cháu hai trăm nó làm vốn.
– Thế đã đành. Đằng này.. giấm giúi.
– Sao lại phải giấm-giúi, chị xem xưa nay tôi có giấu nhà tôi cái gì? Mà việc gì phải giấu. Có tiền thì cho con, cho cháu chứ vứt đi đâu mà phải…
– Ai cũng được như dì… sợ chú ấy..
– Không, nhà tôi bao giờ lại thế. Thường nhà tôi vẫn bảo rất ghét những cái thói coi nhà vợ không như như nhà mình. Thế ngộ nhà tôi có cháu lấy vợ,  nhà tôi có phải trông nom đến không?
– À, chú ấy là đàn ông trong nhà thì kể gì!
– Không nhà tôi khác, nhà tôi yêu những cái tôi yêu, và tôi quý những cái nhà tôi quý. Nhà tôi không như người ta, chị đã biết rõ đấy chứ. Nhà tôi không bao giờ lại nhỏ nhen thế đâu.
Bà Phán vẫn chưa thôi cái câu: « Ngộ chú ấy…» Bà Lan phải gạt phắt cho xong chuyện.
– Thôi, chị cứ mặc tôi. Cứ giả nhời nhà giai cho xong chuyện.
Thấy vợ về,  ông Lan hỏi ngay:
– Thế nào mợ, xong chưa?
Bà Lan cười:
– Xong rồi, sang tháng thì cưới.
Ông Lan cười, nhìn vợ:
– Mợ thế mà sướng, năm nay có cháu rể, sang năm lại có con rể. Cứ trông chúng nó rin rít với nhau cũng đủ no rồi. Hôm cưới nó xong, cho chúng nó tiền đi chơi mọi nơi.
Bà Lan cười sung-sướng:
– Giời cho thì được, tôi cứ thấy nao-nao thế nào ấy.Tưởng-tượng lúc chúng nó chào mình…
Ông Lan hiểu ý vợ, đón ngay:
– À, lúc ấy đã có tôi, tôi sẽ làm cho tất cả mọi người không ngượng một tí nào…
Bà Lan tủm tỉm:
– Chỗ nào có cậu lại sắp vỡ nhà ra…
Rót một cốc nước lã, ông uống, rồi nói như người say hạnh-phúc:
– Chuyện, đàn ông rộng miệng thì tài.
Bà Lan ném cho ông một nụ cười:
– Còn đàn bà dễ thường…
– À, mợ thì lại khác.. Mợ là đàn bà, nhưng đàn bà cái lối đàn ông.
Rồi sợ vợ không hiểu, ông nói to như những khi đắc-ý:
– Nghĩa là mợ được liệt vào hạng các bà thần.
– Thần ăn hại!
Ông Lan giơ tay:
– Đừng nói nhảm, thần Hạnh-Phúc của gia-đình.
Giá không có thằng bếp dọn bàn, ông đã đặt một cái hôn vào má vợ. Không hôn được bằng môi, ông hôn bằng mắt, con mắt nẩy lửa, đầy yêu-đương của một người lúc nào cũng trẻ như hồi mười tám, hai mươi.
Câu chuyện đượm những ân-ái qua đi, ông Lan mới hỏi:
– Nhưng mợ cũng phải trông nom vào đấy chứ. Để một mình chị, kẻ đứng không có người ngồi…
Bà Lan hiểu ý chồng, nói ngay:
– Có, tôi phải bàn-bạc với chị Phán từng li từng tí một. Chị nhất định cứ gặng bắt nhà trai đi đủ số tiền. Nhưng tôi gạt ngay. Họ muốn đưa bao nhiêu thì đưa, còn thiếu bao nhiêu, mình bù vào. Mặc cả mặc lẽ, nó khó coi lắm…
Ông Lan gật lia lịa:
– Được lắm, mợ thế mà tinh đấy. Tôi rất sợ những sự đánh giá người. Thà mình chịu thiệt một tị, còn hơn nài-nỉ, có phải không mợ?
– Chính thế, tôi cũng nghĩ thế, cho nên tôi bảo chị Phán thôi đừng thách-thức nữa. Thiếu đâu, tôi sẽ bù.
Ông Lan hể hả hỏi vợ:
– Thế chị Phán bảo thế nào?
– Bà ấy chả bảo gì. Chỉ sợ phải phiền mình.
Thở đánh phào một cái, ông Lan giơ hai tay lên giời:
– Để tôi phải bảo anh ấy mới được. Tình chị em trong nhà, cứ làm như người dưng nước lã. Người lớn không yêu quý nhau, trẻ con rồi chúng nó sẽ xa nhau. Tại sao anh chị ấy coi con Bích như con, anh chị ấy lại không muốn mình coi con Thảo như con Bích?
Bà Lan vội đàn-giải:
– Không, anh Phán có biết gì đâu. Là chị ấy nghĩ lẩn thẩn thế.
Ngừng một phút, ông Lan nghiêm sắc:
– Hay tại mợ không hết lòng vào việc vui mừng của nó, nên chị ấy mới nói dỗi chứ gì?
Biết chồng rất quý con cháu trong nhà, bà Lan vội vàng nói ngay:
– Không, là chị ấy nghĩ xa xôi thế.
– Thì cũng tại mình không vồ vập, để chị cảm thấy lỏng lẻo thế nào, mới nghĩ xa xôi. Tôi xin mợ phải hiểu tôi ở những chỗ ấy. Tôi mà thấy chị em, con cháu trong nhà chênh-lệch nhau là tôi khổ lắm.
Bà Lan lấy thuốc ở tủ cho chồng, rồi nói:
– Nhưng bây giờ, chị ấy nghe ra rồi.
Vừa bóc gói thuốc, ông vừa bảo:
– Đằng nhà, xem chừng cũng không dư-dật mấy. Mợ phải đưa ngay tiền để chị Phán thu-xếp trước đi. Đừng để chị phải đi vay mượn ai.
– Phải, tôi đã bảo rồi. Cho nó năm trăm làm vốn. Cưới xin đi vay đi mượn, rồi người nói ra nói vào.
Ông Phán châm thuốc, cắm que diêm cháy dữ dội vào cái gạt tàn.  Ông nói theo luồng khói:
– Sợ thì chẳng sợ ai, nhưng sợ cái lòng mình. Mình ăn ở với chị em có chỗ chênh-lệch thì lòng mình nó cười mình. Mà khi lòng mình đã cười mình thì tiếng cười ấy sẽ làm cho mình phải xấu hổ.
Rồi ông nhắc lại câu châm-ngôn mỗi khi nói đến họ-hàng:
– Mình phải để cho anh em thân-thích phải hỏi là mình không xứng đáng nữa rồi. Cái gì cũng thế, phải đón trước những điều mong muốn của mọi người mới phải. Sao lúc mình cần ai, mình chỉ mong người ta biết sự thắc mắc của mình. Đến lúc người ta có sự lo-lắng, mình lại không biết, hoặc không muốn biết.
Chương 3
Hai năm sau.
Thời-gian nhạt-nhẽo qua trong cái mạch sống nhạt nhẽo của gia-đình Thảo. Long, chồng Thảo, thuộc loại ít sinh-lực, không đem cái vui trẻ nóng hổi làm tươi trẻ cuộc đời của mình và của kẻ nương vào mình. Hai năm, bẩy trăm ngày, đối với một người lấy tháng năm là trò chơi tiêu-khiển, vẫn một không-khí buồn nản trùm bọc, Thảo phát ngấy địa-vị.
Vì không buộc mình vào những bổn-phận cần có của kẻ làm vợ, Thảo không biết làm gì cho khuây khỏa. Ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay, ngày hôm nay lại sắp sửa như ngày mai, Thảo thấy bực dọc. Bực dọc cái thứ bực dọc của những kẻ hèn kém chỉ| biết có ăn, chơi.
Nàng cần phải đổi món, cái đời sống lương-thiện của các bà vợ nội-trợ không phải địa-hạt của nàng Thảo nhớ lời Phong bảo mình: « Sống thế buồn lắm, nó không đem lại gì sán-lạn (?) cho mày cả. Trái lại, nó làm cho tâm-hồn mày cằn-cỗi và trí mòn đi». Nàng tự nhủ «À, ra bạn mình đã nói đúng, lê cái đời chờ chồng về ăn cơm, hỏng, hỏng to! » Đúng, thì hẳn bạn nàng đã nói đúng, nhưng là đúng cho những kẻ không biết sống để làm gì. Cuộc đời tự nó không buồn hay vui, chỉ có người tạo nên cái vui hay cái buồn cho nó thôi.
Thảo không đem nổi về nhà chồng một ý-niệm tốt lành của kẻ làm vợ, lại không có ở trong đầu một thói quen làm việc, đời nàng tất nhiên phải buồn. Mà không buồn thế nào được, khi kẻ làm vợ không thiết tha đến chồng, đến cái tổ ấm cúng là cái mái nhà mình, đến những ngày ở bên cạnh chồng. Không buồn thế nào được, khi kẻ làm vợ dùng cái đời thiêng-liêng của mình vào địa-vị kẻ đi coi nhà thuê. Không buồn thế nào được, một cái đời đàn bà, đi chợ thổi cơm có thằng bếp, giặt giũ có thợ là, sai vặt có con sen, còn rảnh thì chỉ có việc ăn và đi ngủ.
Ăn mãi tất nhiên phải ngấy, ngủ mãi tất nhiên phải chán. Sự ăn ngủ là phúc cho những người đã sống đầy đủ cái ngày hiện-tại. Và là họa cho kẻ đã vô-ích sống cái đời vô-dụng của mình.
Thảo không tìm thấy cái vui trong gia-đình, nàng tìm cái vui ở ngoài đời.
Ngoài đời, đã đến nỗi phải tìm cái vui của đời, thì rồi đời sẽ đưa nàng đến đâu, đến những cái vui gì, nếu không là những cái vui nó kéo kẻ tìm nó xuống cái từng cao nhất của địa-ngục.
Thảo đến tìm Phong vào một buổi sáng. Thấy mặt bạn, Phong đuổi quầy-quậy:
– Gớm, mới mặt thế, trông ra phết bà chửa! Tao đã bảo tao cấm cửa mày cơ mà. Tao không chứa chấp những đứa sợ chồng như cọp cơ mà.
Thảo cười:
– Làm bộ vừa chứ cô, giầu rồi có khác.
Phong vẫn nằm trên giường, quấn cái chăn chiên trắng, trông như một thỏi thịt, vẫy Thảo lại cạnh:
– Sao hôm nay lại đi chơi được?
Rồi làm bộ như đoán đoán:
– Chắc cậu mợ lại có chuyện rồi, phải không?
Thảo đập vào mình Phong:
– Nhảm nào, Lorg về quê ăn giỗ ông nội.
Phong cười sằng sặc:
– Thằng ấy «gia-đình» gớm nhỉ? Sao mầy không về với cậu có được không?
– Về làm gì?
– Cho đũa có đôi.
Thảo thở dài:
– Đũa, đũa cái con khỉ! Về quê trông người ta ăn à! Tao đã về một bận, tao chán chết, cạch đến già.
Rồi hất hàm, có cả một câu hỏi ở trong. Phong hiểu ý, nàng vừa nhắc cái gối, ôm ngang bụng, vừa đáp:
– Tuần-lễ này không đến.
– Sao?
– Nó lọ lắm, tao tẩy rồi
– Sao Hồng nó bảo nó mê mày lắm cơ mà?
Phong quay nằm nghiêng, áp đầu vào đùi Thảo:
– Nhưng nó khẳn lắm. Hay ghen một cách vô-lý. Tao không chịu được.
Rồi nàng bật dậy, lấy tay quào tóc hắt về đằng sau, mặt cong cớn:
– Tao mà nó cũng định «áp-chế» thì nó ngu thật.
Cười một nụ cười kiêu-ngạo, nàng tiếp:
– Nó lại làm cái lối lấy vợ nhà quê, bắt khoan bắt nhặt đủ điều. Một hôm tao tức, tao cho một trận, cu cậu cút mất
Thảo trố mắt:
– Bỏ nhau à?
Phong nói rất tự-nhiên:
– Chẳng bỏ, bố ai kham được những thằng hũ ấy.
Thảo đưa mắt nhìn gian nhà, rồi nhìn bạn:
– Thế còn…
Phong ngắt ngay:
– À, tao cần cái gì, mày. Tao lấy đâu chẳng được tiền. Mày cứ ở đây với tao, chốc nữa chúng nó lại, đánh bất, tổ-tôm, chỉ loáng một cái có hai ba chục bạc hồ ngay.
Và kiêu-hãnh:
– Mày còn lạ gì tao, hái lúc nào ra tiền lúc ấy.
Thảo nhìn bạn, kính phục:
 – Ừ, mày khá thật. Lúc nào cũng đàng-hoàng.
Được thể, Phong nói vống lên:
– Cái nhà này, tao thuê bốn mươi nhăm đồng ấy, cả điện nước hơn sáu chục. Chỉ một ngày tao kiếm thì đủ.
– Mày thế mà sướng. À, thế nào, bà bô khỏi chưa?
Phong vươn vai, ngáp dài:
– Nào tao biết được. Bà ấy có cho về đâu. Tại cái thằng ấy nó đụt. Như người ta, nó nịnh nọt bà ấy một tị thì cũng xuôi đấy.
Phong gọi con sen lấy nước rửa mặt,  và réo ầm lên, bắt pha cà-phê.
– Mày uống cà-phê gì nào? Sữa, hay đặc, hay sữa chocolat?
Thảo bỡ ngỡ:
– Gì cũng được.
Phong quắc mắt:
– Sao bây giờ mày ngớ-ngẩn thế! Uống cái gì mày thích, chứ lại gì cũng được.
Thảo ngượng nghịu:
– Chocolat vậy.
Phong nói truyền xuống dưới nhà:
– Pha một chocolat, một thôi nhé.
– Mày không uống à?
– Có, tao phải uống đặc mới được. Mầy không biết tao vẫn nghiện cà-phê à?
Vừa quấy đường, Thảo vừa hỏi:
– À, thằng Chính lấy vợ rồi phải không?
Phong lấy gói thuốc lá trên «table de nuit»:
– Lâu rồi, từ hồi mấy cơ mà. Thỉnh thoảng có về đây chơi.
Rồi nhìn tờ lịch:
– Hai mươi này lại về đây.
– Nó ở đâu, làm gì?
– Tri-huyện ở Nam-định.
 Thảo như chợt nhớ ra:
– Ừ, nó học luật.
Phong thở một luồng khói,  nói trong cổ họng:
– Thế mà nó chung-tình đáo-để nhớ.
Thảo bĩu môi:
– Chung-tình nó lại bỏ rơi mày.
Phong phát gắt:
– Mày ngu lắm! Cảnh-ngộ bắt nó. Nó còn «ông bô» nghiệt lắm. Trước khi nó lấy con Đoàn, nó viết cho tao sáu trang giấy, kể lể ghê lắm:
Thảo đưa tay lên trán, nghĩ nghĩ:
– Đoàn nào nhỉ?
– Mày không biết, con Đoàn con lão Hàn Phi.
Thảo nhanh nhẩu:
– Chắc giầu lắm?
Phong chề môi:
– Nào có giầu, nhưng ông bô nó bắt ép.
– Thế còn Bảo?
– À, nó sắp đến đây bây giờ đấy. Độ nầy nó «rích» lắm. Được luôn.
Rồi Phong cười hóm-hỉnh:
– Chúng tao đứa nào cũng còn «cô-độc» cả. Chỉ có mày là cút sớm thôi.
Thảo đáp một cách chán nản:
– Cô-độc thế mà lại rảnh thân. Chồng con làm gì cho nó nặng mình.
Phong hóa lên cười:
– À, bây giờ mày cũng biết thế cơ à? Tao tưởng đưa đầu vào tròng sướng chứ.
– Sướng cái chết tiệt. Chán chết. Hết ăn rồi lại nhìn nhau. Tao tưởng lắm lúc buồn đến vỡ bụng.
Phong cười ngặt-nghẽo:
– Thế sao khổ thế, mày không tìm chúng tao.
– Thì bây giờ tìm đây.
Phong phác một cử-chỉ của những kẻ bạt mạng:
– Ở đây, chúng tao lúc nào cũng vui như tót. Không ủ-rũ như cái địa-ngục của nhà mày đâu. Tuần nào cũng xi-nê. Nhẩy luôn.
Rồi như ái-ngại cho Thảo, Phong nhìn bạn chăm chăm:
– Trông mày thế mà gầy hẳn đi đấy. Tao cho cứ ro-ró xó nhà thì rồi đến ho lao mà chết. Phải «hoạt-động» chứ.
Thảo đến chơi cái tổ quỷ ấy được bẩy tháng thì tổ quỷ tan. Phong không có nhân-tình bao, phải dọn nhà về ở với bố mẹ. Trong bẩy tháng giời ròng rã, Thảo thua mất mấy trăm bạc bất, chắn phỗng. Bây giờ, nàng không thể không đánh bạc được nữa rồi. Trước kia, nàng đánh để cầu vui. Giờ khác, nàng đánh để gỡ. Thói quen và công nợ hùa nhau xích vào cổ nàng cái xích của đổ-bác.  Hằng ngày cứ Long đi làm là nàng cũng đi rồi lúc chồng về, nàng cũng về. Nhỡ phải hôm thua cay, nàng về muộn, lại nói thác đi mua cái nọ, cái kia. Hôm thì nàng đem bánh xà-phòng thơm, hôm đem hộp phấn..Nàng nhờ những thứ lặt vặt ấy để bảo-đảm sự về trưa của mình. Long không biết gì, cho mãi đến một hôm, bà Công-Thái, mẹ chàng, sầm-sầm đến bảo vào tận mặt:
– Cậu cứ để con vợ cậu nó bài bạc, rồi tan cửa nát nhà đấy.
Long ngã ngửa, nhưng còn hỏi mẹ:
– Nhà con nó có đánh chác bao giờ đâu? Lúc nào nó chẳng ở nhà.
Bà Công-Thái giận uất người:
– Nó chẳng ở nhà thì bỏ nhà à! Nó đánh ở nhà con mẹ ký Văn chứ ở đâu.  Cậu có vợ đốn đời như thế mà không biết thì chết thật!
Thấy con ngơ-ngác, bà Công-Thái mặt chua như giấm, dằn từng tiếng:
– Nó đi vào những lúc cậu đi làm, nghe chưa? Cậu đi thì nó đi, cậu về nó cũng về. Việc cửa nhà nó phó-thác cho đầy tớ.
Rồi bà thở dài nghiến răng kèn kẹt:
– Thảo nào, tháng nào cũng tiền. Thấy mặt là thấy nhăn nhó. Từ rầy cậu đừng có xin tôi. Tôi không hoài của đâu. Để rồi tôi báo cho nó. Thói phép nhà ai, gái có chồng, bài bạc rông-rài.
Và rít lên:
– Cậu mà không dạy được nó, tôi từ cậu đấy. Cậu đừng có nhìn cái mặt tôi!
Từ đấy, Long để ý rình vợ. Nhưng rình để làm gì, một khi đã không có cái oai-quyền kẻ làm chồng.
Một hôm, chàng xin nghỉ để bắt quả tang vợ. Chàng theo vợ đến tận nhà ký Văn. Khi vợ chàng lên hết các bậc thang, chàng sôi lên. Chàng muốn chạy ập lại, xô theo lên gác, nắm tóc lôi vợ về nhà. Nhưng chỉ bạo-động trong tưởng-tượng, chàng chỉ hậm-hực, lảng vảng ở chân thang. Còn đương dùng dằng, thằng nhỏ ở trên gác xuống. Nó chạy thoăn thoắt trên các bậc một cách vội vã. Chàng níu lấy nó, líu lưỡi hỏi:
– Em có thấy nhà bà mặc áo xanh vừa lên đấy không?
Rõ vô-lý chửa, chính mắt chàng đã trông thấy vợ lên gác, lại còn hỏi nó. Thằng nhỏ gật đầu, chỉ lên nhà:
– Bà phán Long chứ gì, bà ấy vừa đến, tôi đi mua thuốc lá cho bà ấy đây.
Long buông tay nó với một tiếng thở dài não-nuột. Chàng thở phì-phì. Chàng nghĩ ra rồi, thảo nào thỉnh thoảng vẫn thấy gói thuốc lá thơm ở nhà. Thì ra vợ chàng nghiện cái thứ khói xa-xỉ ấy. Vợ chàng đã giấu chàng. Trong lúc giận vợ, chàng nghĩ ra thế. Thực tình, ít lâu nay Thảo vẫn hút một cách công-khai trước mặt chồng.
Khi thằng nhỏ cầm gói thuốc lá về, chàng lại níu nó lại. Móc túi lần đồng hào dúi vào tay nó, chàng bảo:
– Em lên bảo bà ấy xuống ngay, tôi đợi.
Thằng nhỏ quen như mọi lúc các bà đến đánh bạc gắt người nhà lại tìm: «Cứ về đi, chốc nữa tao về». Nó buột miệng:
– Ông cứ về, chốc nữa bà ấy về.
Long phát cáu, nhưng sợ nói to trên gác có người nghe tiếng, chỉ quắc mắt:
– Thì mày cứ bảo hộ tao.
Thằng nhỏ gật đầu, nó lại thoăn thoắt gò lưng chạy theo những bực gỗ.
Nhưng khi nó lên được nửa chừng thì va phải một thanh-niên đi xuống, vừa đếm tiền, vừa bước. Long gây ngay trong tưởng-tượng một ác-cảnh: Vợ chàng vừa ngồi cạnh thằng này. Hai người vừa cười nói với nhau. Chàng thấy người nóng ran. Chàng muốn vít ngay cổ gã ấy xuống, đập cho vỡ đầu ra. Nhưng chỉ thoáng một cái, chàng nhận thấy mình vô-lý, mặc dầu vẫn đang tức-bực, cho đến lúc thanh-niên ấy ngả mình đánh phịch trên một chiếc xe OMIC, chàng còn ném theo một cái nhìn căm hờn.
Rồi chàng ngó lên gác, định bụng hễ vợ xuống là nắm gáy lôi tuột về. Nhưng chờ mười lăm phút cũng vẫn không thấy tăm hơi. Sốt tiết, chàng đã toan nhẩy phắt lên, đánh phá lung-tung. Nhưng bao giờ tiếng của xác-thịt cũng mạnh hơn, nó thủ thì bảo chàng: «Phá nhà người ta thì tù!»
Chàng đành thôi, đợi vậy. Hai hàm răng nghiến chặt vào nhau, chàng đi đi lại lại trên hè.
Một chiếc xe đỗ. Hai thiếu-nữ phi-dê tóc bước xuống. Chàng đã toan lại nhờ họ bảo hộ. Nhưng ngượng, nên lại thôi. Chàng hầm-hè trong lòng: «À, ra vợ mình chơi bời với những thứ người này.» Cứ loanh quanh, lẩn quẩn với những ý nghĩ nó làm bỏng giãy da thịt, chàng thấy có một cái gì sụp đổ trong lòng. Một lát sau, thằng nhỏ ban nãy lại xuống. Thấy chàng, nó giật mình đánh thót một cái, rồi cong chân chạy trở lại.
Chỉ một phút, Thảo xuống với một câu hỏi trên bộ mặt giận dỗi:
– Cậu đứng đây làm gì?
Uất đã đưa lên đến cổ họng, nhưng vì ở ngoài phố, nên chàng đành phải nén:
– Đến gọi mợ về chứ làm gì. Mợ đến đây làm gì thì có.
Không đáp, Thảo lặng thinh. Nhưng lặng thinh với một bộ mặt khiêu- khích nó đủ trả lời:
– Đến đánh bạc chứ đến làm gì!
Về đến nhà, Long ném cái mũ xuống bàn, ngồi đánh thình xuống ghế:
– Mợ giỏi thật! A, ra bây giờ tôi mới biết mợ.
Không kém, Thảo hỏi một cách gay gắt:
– Tôi làm gì, cậu bảo biết tôi?
Long sừng sộ:
– Mợ đến đấy làm gì?
Thảo cũng sấn sổ:
– Tôi có việc, tôi đến.
Long trợn mắt:
– Việc gì?
– Chơi họ với người ta, đừng phải đến mua à!
Long cười nhạt:
– Họ gì, họ tổ-tôm, tài-bàn phải không?
Thảo lấp liếm:
– Đứa nào bảo cậu tôi đánh tổ-tôm, tài-bàn?
– Không đánh, mợ đến đấy làm gì?
– Tôi đến mua họ.
Long đập tay xuống bàn:
– Nhưng nhà ấy là nhà chứa thổ đổ hồ. Tôi còn lạ gì con mẹ ký Văn.
Chạm vào lòng tự-ái, Thảo chồm lên:
– Này, cậu đừng có hàm-hồ, người ta nghe tiếng, người ta mắng cho.
Long sấn vào tận mặt vợ:
– Mợ còn già họng có phải không? Ai cho cho phép mợ lại nhà cái con chứa gái ấy.
Thảo cười gằn, nàng áp người lại, thách thức:
– Cậu định giở trò đểu-giả đánh tôi chắc. Này tôi bảo, tôi không phải là người để cậu vũ-phu được  đâu.
Thấy Thảo làm già, Long chùn. Chàng không ngờ vợ chàng lại có thể đối-đáp với chàng như thế.
Tuy làm bộ không sợ, nhưng Thảo cũng không dám đi nữa. Nhà ký Văn hai ba bận cho mời nàng, nàng đều từ chối. Nhưng đến khi nàng chợt nhớ ra chuỗi hạt ngọc-thạch nàng cầm cho mụ Ký chưa chuộc được, thì lòng lại sôi lên.
Hơn một tháng thua luôn, nàng đã nợ các nơi hơn hai trăm nữa. Đôi vòng chạm thì nàng bán từ lâu rồi. Lương mỗi tháng Long đưa cho nàng bẩy chục. Nàng đã phải đóng một bát họ mười lăm đồng, bát họ hai trăm nàng mua. Tiền ấy cũng lăn vào hố cả. Ba mươi ngày ròng rã mới có dăm chục bạc, ăn tiêu vào đâu. Lại nữa, vợ bác thợ giầy ngày nào cũng sang thúc món nợ ba chục đồng.
Không thể rồi, nàng không thể ngồi yên rồi. Thua thì phải gỡ, cái triết-lý các tay cờ bạc chủ-trương nó đến với nàng rất chóng vánh. Nàng phải gỡ mặc cho Long muốn làm gì thì làm. Không gỡ, lấy đâu giả nợ, lấy đâu ăn tiêu từ giờ đến cuối tháng.
Nàng vét voi còn hơn chục bạc, vừa định đi thì có người đến thu họ. Nàng nhã-nhặn bảo con bé:
– Cô về nói với bà, mai tôi cho đem lại.
Con bé chưa chịu đi, nó còn lải-nhải:
– Mợ con bảo thể  nào bà cũng đóng cho. Tháng trước bà đã thiếu...
Sốt ruột, nàng xẳng:
– Cứ về nói với bà mai tôi lại… mà lại.
Nàng vừa ra cửa, toan gọi xe lại thụt vào, lầm bầm:
– Rõ khỉ, gặp gái, chưa biết chừng lại thua đây.
Vừa thấy nàng, mụ ký Văn đã cười nhe hàm răng vàng:
– Me-xừ cấm phải không? Thế nào, hôm nọ về có việc gì không?
Phong đang gọi phỗng, ngừng, nói chõ sang:
– Chị hỏi nó làm gì!
Rồi vênh váo:
– Những cái đứa đi chơi, chồng đến tận cửa tróc bắt về, là đồ bỏ đi rồi. Còn nói với nó làm gì.
Thảo cười gượng:
– Mặc người ta, việc gì đến mình. Nhà có việc cần lại chả gọi.
Phong vừa xếp mấy cây bài vào nhau, vừa nói mát:
– Tao tưởng mày ở nhà thờ nó, không đến đây nữa.
Cả bọn có mặt trong cái lò «sát-sinh» ấy cười rộ lên. Thảo thẹn đỏ mặt:
– Mày chỉ được cái khỏe nói.
Phong đắc-chí, nói với lão Bá-chín ngồi cạnh:
– Ấy, tôi cứ san-sát thế mà nó cũng vẫn chứng nào tật ấy.  Sợ chồng hơn cọp.
Và quay nói với Thảo:
– Tao tưởng cọp mới ăn được thịt người, chồng có ăn được thịt vợ đâu, mà sao mày sợ nó thế.
Mụ ký Văn nói đỡ cho khách hàng, nhân thể nịnh khéo Phong:
– Thôi đi cô, ai được như cô, mỗi người một cảnh…
Đánh hết hội ấy, Phong uể oải vuơn vai, quăng bài:
– Này Thảo, đánh… nhường cho. Về có chút việc đấy. Đánh đi, đánh đi, rồi chốc tao lại. Chiều đi xi-nê.
Rồi vừa rũ áo vừa « cải-chính»:
– À, nhưng mày năm giờ phải về cơ mà.
Thảo sà ngay vào kế chân. Cả Vịnh, con bạc túc-trực của nhà ký Văn, vừa chia bài vừa nói đùa:
– Bà Phán hôm nay hẳn thế nào cũng phát tài. Chân bài đỏ lắm đấy, cô Phong được hơn hai chục.
Và nhìn nàng, cười hóm hỉnh:
– Ông ấy lại đến thì rầy rà.
Không biết làm sao, Thảo lại vội vàng đáp y:
– Không, nhà tôi đi làm.
Ký Văn đưa cho nàng một điếu Cotab:
– Chân bài đỏ lắm đấy. Cô Phong ù chi, lại đè hai nhà thập-thành.
Thảo ghé tai mụ ký, rồi mụ ký gật lấy gật để:
– Được rồi, cứ đánh đi.
Quả-nhiên như lời họ nói, chân bài Thảo ngồi kế đỏ thực.. Nàng ngồi vài giờ đồng-hồ, lúc đứng dậy được hơn bốn chục. Mụ ký Văn xun-xoe:
– Đấy, bảo mà, giá đánh nữa, còn là đỏ.
Thảo cười:
– Không bỏ ù và «chèo đò», còn được hơn nữa.
Cả Vịnh vừa rít hơi thuốc lào, vừa bô bô:
– Ngồi tay trên bà Phán đến khổ, đánh bà ấy không được, chỉ sợ bà ấy giận.
Thảo rún vai:
– Vâng, cảm ơn ông, ông chỉ hơi «đì» một tí thôi.
Cả Vịnh nhăn nhó:
– Gớm, bà chị cứ nói oan cho tôi. Xé cả phỗng để «bón» cho bà chị. bà chị còn không biết lòng cho.
Thảo ban cho y một nụ cười:
– Ấy, hôm nay mới được vài chục. Mấy tháng nay, thua ngót nghìn bạc rồi đấy.
Tức thời ở cái miệng cười giăng hoa của Cả Vịnh thốt ra câu:
– Thua thì gỡ, lo gì.Có thua thì có được.
– Thua lậm cũng hết tiền chứ, lấy gì mà đánh?
Cả Vịnh nịnh một câu nó làm cho Thảo tin ngay:
– Người ta có số cả, số phong-lưu, lúc túng thiên-hạ lạy mà đưa tiền.
Nàng liền nghĩ ngay đến những lúc chạy vài ba đồng bạc đánh chắn còm một cách khó khăn, mà rồi chỉ chớp nhoáng đảo nhoàng, nàng lại kiếm được dăm ba chục, hàng trăm. Cũng như vừa đây, có ngót chục bạc, đến «sào sáo» được ngay vài bốn chục. Số, số số! Nàng gật gù:
– Ông Cả nói phải đấy, số cả. Tốt số hơn bố giầu. Có lúc túng chết chẳng đào đâu ra, rồi tự dưng của lại lù lù đến.
Thảo ra về với một hỉ-hả tràn ngập lòng. Càng hỉ-hả hơn, khi nàng thấy chồng chưa về.
Nàng gọi thằng bếp:
– Mày có mua được cua không?
– Thưa mợ có.
– Làm gì?
– Thưa mợ xào ạ.
Nàng liền đe phủ đầu ;
– Ẩy, cậu khó tính lắm đấy. Mày làm ăn phải cho cẩn-thận.
Thằng bếp lấy làm lạ sao hôm nay chủ nó lại hỏi han như thế. Từ khi nó vào làm đến giờ, năm, sáu tháng nay, bà chủ có ngó ngàng gì đến bếp nước đâu. Thỉnh-thoảng có hỏi nó thì chỉ là để lấy lại một vài đồng đưa tiền chợ trước, để rồi lúc nào có lại bù vào.
Long vừa về, Thảo gọi rít réo thằng bếp:
– Lên cất xe cho cậu đi.
Thằng bếp dắt xe qua ngang mặt, nàng giữ nó lại, dặn:
– Chạy ba chân bốn cẳng sang bên ông giáo, mượn cối xay cà-phê về đây.  Xay tạm một ít pha cậu uống chốc nữa, rồi mai hãy hay.
Rồi vồn-vã hỏi chồng:
– Sao hôm nay cậu về muộn thế?
Long uể-oải:
– Còn tạt qua đằng mợ.
Trông cái vẻ buồn sỉu của chồng, Thảo đoán ngay, chắc mẹ chồng đã «dèm-pha» gì đây. Nàng ướm một lời dò ý:
– Mợ có gửi cao cho tôi không?
Long lắc đầu, đáp thõng:
– Không.
– Mợ quên à?
Cởi áo, tháo cravate, Long buồn rầu:
– Mợ phàn nàn dữ lắm!
Thảo làm bộ ngạc-nhiên:
– Chết, mợ trách gì?
Long vuốt tóc, nghẹn ngào:
– Mợ bảo cứ cờ bạc rông-rài rồi thì đến rạc-rài.
Thảo tím mặt, trách chồng:
– Chắc cậu lại nói lôi thôi tôi với mợ chứ gì?
– Tôi nói gì! Mợ biết hết, chính mợ mách tôi nhà con mẹ ký Văn, tôi mới biết.
Long đã vô-tình kéo mẹ vào con số những kẻ thù của vợ. Thù vì đã dính-dáng vào chủ-nghĩa «đề-kháng đổ-bác» mà nàng là một tín-đồ sùng-tín.
– Tôi đã bảo cậu, tôi không đánh chác gì ở nhà người ta. Cậu không tin thì thôi. Để mợ biết rồi mợ lại đay nghiến.
Rồi nàng rền-rĩ:
– Tôi thật là cái thân tội ở nhà này…
Long ngắt lời vợ:
– Ai làm gì mợ mà mợ bảo mợ là cái thân tội?
Thảo rêu rao:
– Nay người này kêu cờ bạc, mai người kia kêu cờ bạc!
Rồi bằng một giọng rất bạc-ác, nàng nghiến:
– Tiền nong thì có bao nhiêu! Ăn còn chả có, làm gì có tiền đánh bạc.
Long bắt ngọn, không cho câu chuyện chạy về ngã khác:
– Lúc nào mợ đến, mợ hỏi, giả nhời thể nào?
Thảo làm bộ sửng sốt:
– Mợ lại mợ hạch chứ gì!
Và hầm một tiếng như tiếng hú của kẻ bị tra tấn oan:
– Thế này ra người ta rủ nhau người ta đổ riệt cho tôi cái tiếng cờ bạc. Thôi được, tôi sẵn lòng, tha hồ ai muốn hạch gì thì hạch.
Rồi hằn-học:
– Tôi đã muốn cho êm cửa êm nhà, cậu không nghe, thế là cậu cố tình bắt tôi phải…
Bao giờ cũng thế, Long rất muốn vít cổ vợ bắt phải phục-tòng, nhưng cái cổ ấy hơi bật lên, chàng lại vội vàng buông tay ra. Thành thử mỗi khi «cãi vã» nhau xong, chàng chỉ được lợi độc có một thứ: được vợ nhả vào mặt những lời đanh hơn trước.
Long thất-vọng, chàng nhìn theo vợ một cái nhìn kinh-tởm:
– Mợ định làm nặc-nô ở cái nhà này chắc?
Thảo vùng vằng:
– Nhà tôi không có mả…cứ đừng ai trên tôi…
Chương 4
Trận «đấu khẩu» cuối cùng của nàng với bà Công-Thái ngày hôm sau đã đem nàng đến sự tự-do hoàn-toàn. Nàng không còn e-dè như trước nữa. Nàng đã khuất-phục được cả mẹ chồng. Chiến-công của nàng  xây trên sự bù lu bù loa để hàng xóm láng giềng kéo đến xem đông ngòm. Nàng đã vật đổ mẹ chồng trong khi bà Công-Thái định tâm đến sỉ-vả nàng. Bà Công-Thái đã tính sai nước cờ. Bà không ngờ nàng dâu bà nó sinh yêu tác quái mau chóng thế. Không làm gì nổi dâu, bà đâm ra cáu với con. Long ở giữa chết chẹt. Bị mẹ mắng cho mất mặt, vẫn không làm gì hơn được. Vì chàng đã biết vợ chàng ghê lắm rồi, nó đã thành một kẻ lăng-loàn «chính-thức» rồi. Bây giờ chàng không còn một chút hi-vọng nhỏ nào về vợ nữa. Trước kia, chàng cũng tưởng Thảo chỉ dám cãi với mình, chứ chàng có ngờ đâu cái «mẫu-quyền » chàng cứu-viện đến cũng sụp nốt. Chàng rùng mình nghĩ lại lúc Thảo xắn quần, giẫm chân bành bạch, xổ tóc, chạy ra đường kêu ầm lên.
Còn Thảo, nàng chẳng hối-hận gì cả. Nàng có tiếc là tiếc sự nàng cờ bạc xóm láng đều biết, để nàng khó vay mượn, thế thôi.
Mấy hôm liền, buổi trưa nàng cũng chẳng về ăn  cơm nữa. Nàng ở lì nhà ký Văn. Phong, ngọn giáo của nàng, đã phải khen bạn:
– A, độ này mày cừ đấy. Tao biết mà! Cứ làm cho họ trắng mắt ra là họ cạch. Ấy thế rồi về sau mình tử-tế, họ mới sợ mình.
Mụ ký Văn cũng hùa theo Phong, nhung nói một cách xa xôi hơn:
– Ừ, lạ thật, đàn ông họ cô đầu nhà hát không sao. Chúng mình có tiêu-khiển vài ba ván bài, họ đã bắt ne, bặt nẹt ngay.
Phong đanh đá, làm như chính mình đang bị chồng «quản-thúc»:
– Cũng tùy đấy, có cắn hột cơm không vỡ mới để cho họ ne nẹt.
Cứ những lời khốn-nạn như thế đơm vào tai Thảo, khiến nàng càng tin-tưởng ở cái sự khốn-nạn của mình. Đã là vật hy-sinh cho những sự đểu-giả của Phong, của mụ ký, nàng là nạn-nhân của một tụi bè bạn mất dạy.
Bao giờ cũng thế, và ở đâu cũng thế, những lý-thuyết dù sai lạc đến thế nào, cũng có kẻ thực-hành. Lời tiên-tri của Phong quả nhiên đúng, đúng cho những hạng cam tâm sống một đời súc vật. Long mon men làm lành với vợ. Mấy hôm đầu, thấy Thảo không về ăn cơm trưa, chàng đã định sẽ bỏ. Nhưng bỏ thế nào được, một khi mình đã không cai-trị nổi một con vợ hư, để nó «nhập cửu thành yêu». Thất vọng đưa Long đến liều-lĩnh. Chàng đi hát, đi hút, nằm lăn lóc các tiệm, cũng không về nhà. Nhưng cái chí trai của chàng chỉ bằng hạt vừng, nên sau nửa tháng chơi bời, định cho nó đã vỡ thì vỡ nhân thể, chàng thấy buồn, rồi đâm nhớ nhà, rồi đâm nghĩ đến vợ. Cuối cùng, chàng dựng câu «vợ hư dạy dần» để làm cái cầu lại bò về.
Thấy mặt chồng, Thảo khởi thế công ngay:
– Cậu còn về đây làm gì?
Long không trả lời.
– Tôi tưởng cậu không nên để chân vào cái nhà này nữa.
– Mợ nói dở lắm, có nhà, tôi không về, về đâu?
Cái ngòi phục-tòng đã ló. Thảo biết, nhưng theo lời Phong, nàng triệt ngay:
– Cậu nên nhớ, nếu cậu ở thì tôi đi đấy nhé. Đã không tử-tế với nhau, nhìn nhau xấu-hổ lắm.
Long xốc xốc cổ áo:
– Được, mợ ở hay đi là tùy mợ. Tôi có nhà, tôi cứ ở.
Thảo cong cớn ;
– Chả tùy tôi, ai bắt được tôi? Phải, cậu có nhà cậu ở. Nhưng cậu nên nhớ, từ rầy công việc trong nhà này, tôi không biết một tí gì đâu nhớ.
– Được, tùy mợ…
Long nói câu ấy với sự nghẹn-ngào của lòng. Thảo biết thép đã mỏng, nhưng vẫn «bồi» thêm những nhát búa rất nặng:
– Tôi với cậu từ nay không còn tình nghĩa gì nữa. Tôi lấy chồng chứ không phải đi chịu tội chết. Cậu đã không coi tôi ra gì, tôi cũng không cần phải quỵ-lụy ai.
Rồi bổ vào giữa nhĩ của chàng một câu nữa:
– Từ nay, ai có thân người ấy lo.
Câu ấy gọi dậy trong chàng những lo lắng:
– Có lẽ Thảo xin ly-dị chắc.
Cơn bão-táp của gia-đình đã qua, phút thanh-thản đến. Như một bà chúa truyền lệnh cho tên mọi rợ, Thảo bảo chồng:
– Từ rầy cậu nên biết điều, đừng làm cho tôi phải bực. Tôi có máu điên, khi ai áp-bức tôi là tôi khùng ngay.
– Thì cũng tại mợ…
Chàng toan nói «tại mợ cờ bạc», nhưng nghĩ ngay đến những chuyện «xích-mích» trước liền «phanh» ngay. Rồi chàng tự cho là may, vì chưa thốt ra tiếng ấy.
Thảo nghiêm sắc mặt:
– Tôi làm gì, tại tôi?
– Tại mợ không chịu nghe tôi.
– Tôi đã bảo tôi có máu điên, bất cứ ai sỉ-vả tôi, tôi cũng phát khùng cơ mà.
– Nhưng tôi tưởng mợ cũng nên nể mẹ tôi.
Thảo đặt cái khăn xuống bàn, lau kẽ tay:
– À, tôi nể mợ, nhưng mợ có nể tôi không mới được chứ. Mợ cậy là mẹ chồng, chôn sống tôi cũng được à?
Rồi nàng thu hẹp câu chuyện:
– Đàn bà lấy chồng, ai không muốn trên thuận dưới hòa, nhưng cốt nhất phải hiểu bụng nhau. Tôi đã bảo cậu, tôi không cờ bạc đâu. Mà cho dẫu thỉnh-thoảng có đánh giải buồn dăm ba ván tổ-tôm với các bà ấy, cũng không phải việc quan-hệ gì. Cậu đừng có làm ra to chuyện. Như thế thì một đời, nhà cũng không có lấy một tiếng cãi nhau.
Và bổ đạo-nghĩa:
– Vợ chồng cứ nay ì-èo, mai ì-èo, các ông các bà ấy, hàng xóm láng giềng người ta nói cho.
Long nhất nhất đều gật cả. Chàng không gật bằng đầu, nhưng gật bằng mắt. Trông đôi con mắt chàng lúc ấy như mắt một con thú rát đòn bị gậy tầy đập, mất cả linh lợi. Thảo biết mình đã có một tên nô-lệ. Sự im lặng, nhiều khi là lời thú tội rất đắc-lực. Long im, chàng không dám hé răng. Chàng sợ vô tình thốt ra điều gì làm thất ý Thảo, nàng lại đùng đùng lên thì chết. Trong trường hợp «nguy-hiểm» này, chàng thực-hành đúng câu «Thủ khẩu vi bình»
Biết rõ ràng Long đã hàng-phục, Thảo ban cho chồng một đuôi con mắt kèm theo nụ cười xòe.
Được ân-xá, Long sướng lắm, mặt chàng tươi hẳn. Chàng nhã nhặn bảo vợ chờ chàng đi cúp đầu, rồi về cùng ăn cơm nhân thể.
Từ ngày nắm được cái quyền tha hồ «xuất-ngoại» thì túi tiền cứ cạn dần. Thảo nợ nhiều quá, nên đất vay hầu như kiệt. Trước nàng vay một vài chục dễ lắm, hỏi đâu cũng được. Giờ có khi chỉ vài đồng bạc, nháo lên cả buổi cũng không xong. Vòng, hoa, nhẫn, nàng bán cả rồi. Dĩ chí đến cái áo manteau, cái áo nhung mùa rét, nàng cũng cầm Vạn-Bảo nốt.
Nàng ngồi tính nhẩm, nguyên cái số lãi hàng tháng nàng đã phải giả mất hai chục rồi. Lại đóng họ, lại tiền nhà, lại một trăm thứ nữa. Chết, nếu nàng không tìm cách làm thế nào kiếm được một hai trăm bạc, trang-trải đỡ những chỗ lặt vặt, thì rồi họ kéo đến như rươi, nàng sẽ ngượng với Long. Tính mãi cũng không ra. Đầu nàng có biết bao nhiên tên các chỗ quen thuộc, nàng đều «phúc» lại một loạt. Chỗ nào có thể vay mượn được, nàng đã vướng cả rồi. Tình-thế nguy cấp quá. Đã có lúc, nàng toan thú thật với chồng, nhờ chồng xoay hộ. Nhưng không thể. Nàng không thể hạ mình thế được, mặc dầu nàng vẫn ngồi đánh bạc với những tên láu lỉnh chỉ đáng làm đầy tớ chồng nàng. Gia-dĩ nàng nghĩ, mình phải đáo-để già tay lắm mới đè được Long. Bây giờ nhờ Long giải-cứu hộ vấn-đề nguy-khốn tức là chịu lụy rồi. Đã lụy, «quyền-hành» hẳn phải tụt.
Không được, cái «chương-trình» ấy không thể thi-hành được. Nàng nghĩ đến cách khác.
Nghĩ mãi cũng chẳng ra. Đồng tiền có phải thứ gì dễ kiếm đâu.
Đang miên-man đem tưởng-tượng đi phiêu-lưu các ngách đi tìm tiền, thì mụ ký Văn đến với một cái tin rất quan-trọng, nhưng chỉ quan-trọng cho những kẻ lai-vãng nhà mụ:
– Thứ bẩy này có canh rất to lắm đấy nhé. Bọn lái tơ Hà-Đông ra, cậu Cả Vịnh rủ họ lại đằng tôi. Lái tơ họ đánh to lắm. Ăn thua nhau năm ba trăm.
Thảo lấy gói thuốc lá, rút một điếu mời mụ ký:
– Cuối tháng, tiền đâu? Độ này thua nhiều quá, chị ạ. Nợ bạc nghìn cả rồi đấy.
Mụ ký cười tự-nhiên:
– Tôi đã bảo mợ, đánh cái tổ-tôm tài-bàn là đánh giải-trí, ăn thua là bao nhiêu. Định gỡ gạc thì phải tìm canh to mà gỡ. Cả Vịnh tháng trước mất cả nhà đất…
Rồi chỉ ra ngoài đường:
– Cái trại ở Bạch-Mai đấy.Thế mà nó đi Đồng-Mỏ có đâu vài chuyến, gỡ ngay hơn bốn nghìn. Lại chuộc cửa,  chuộc nhà, mua xe pháo rầm lên. Giời cho thì mấy nỗi. Cứ «có chí thời nên».
Thảo ngẫm-nghĩ, rồi hưởng-ứng ngay:
– Phải, chị nói cũng có lẽ, đánh cò con thua đau, được một vài chục làm gì.
Mụ ký làm bộ sành sỏi:
– Ấy, ốm lâu tốn thuốc, thà có trăm bạc cứ lăn vào đặt dăm tiếng. Phải số giầu sang là có dăm ba trăm ngay. Hết thì thôi. Ăn một bữa thì no, giữ bo bo ăn hai bữa thì ngót, đằng nào cũng thế. Cứ nay mươi đồng, mai mươi đồng, rồi cũng đi tây cả.
Nói xong, mụ chạy lại nhắc cái thermos.
– Ấy, để tôi bảo nó pha đã.
Đặt bình nước, mụ ký lại cất nhời:
– Nào, thứ bẩy có lại được không?
Thảo ngần ngừ:
– Thứ bẩy là mai rồi, giết ai ra tiền?
Mụ ký chặc lưỡi:
– Tìm thì nó khắc ra chứ.
Thảo chép miệng:
– Tìm ở đâu?
Ngừng một phút, nàng hỏi:
– Hay cô đưa tôi vài chục, chiều ba mươi giả ngay này. Lần này nhất định không lươn khươn.
Uể oải, mụ ký vươn vai:
– Có đâu, cô Phong lấy một trăm chưa trả. Tháng này cũng thua tợn.
Thảo pha nước xong, vừa đưa chén cho mụ ký, vừa bảo:
– À, hay hộ tôi cái này vậy nhé?
– Gì thế?
Thảo ngượng nghịu:
– Có… cái manteau và cái áo nhung, xem ai lấy để giúp tôi lấy năm chục.
Rồi vội vàng tiếp luôn:
– Đến mùa rét, may một loạt mới nhân thể.
Mụ ký nghĩ một lát, hết nhấc chén lại đặt xuống:
– Mùa nực bán những của ấy khó gớm!
– Khó gì, đứa nào nó có tiền, nó mua ngay đấy mà. Của tôi trước nguyên cái áo nhung đã hơn bẩy chục rồi. Mới may năm ngoái. Còn cái manteau thì phải biết, len thượng-hạng, may ở Miss Dung đấy.
Chậm-rãi, mụ ký đáp gióng một:
– Vẫn biết thế, của mình hằng trăm, nhưng thiên-hạ có mua, chúng nó lại giả như bèo.
Thảo vỗ tay mụ:
– Hay chị cầm cho tôi, đầu tháng tôi chuộc.
Mụ ký giãy nảy.
– Nỡm lắm, có tiền thì người ta đưa, việc gì phải chó thế.
 Rồi chợt nhớ đến chuỗi hạt ngọc-thạch cầm cho nàng, mụ vội nói ngay:
– Chuyến trước chuỗi ngọc; tôi bảo cô đem về, cô cứ để vạ nhà tôi thì có.
Thảo thừa hiểu sự «quay quắt» của mụ, nhưng cũng làm thinh.
Nhẩn nha mãi, đến lúc gần chia tay, mụ mới hỏi phớt lại:
– Nhưng còn mới không?
Thảo vồ ngay:
– Mới! Đã bảo mới may, mặc có mươi bận.
Làm bộ nghĩ nghĩ một lát, mụ chặc một cái, rồi giơ tay:
– Cứ đưa đây tôi, may ra biết đâu.
Thảo lại kéo mụ ngồi xuống, vừa cười gượng, vừa nói nhỏ:
– Có ở nhà đếch đâu?
Mụ ký ngạc-nhiên:
– Áo không để nhà, để đâu?
Thảo nheo mắt ;
– Cầm ở Vạn-Bảo. Thôi, tôi cứ đưa vé, rồi chị cho nó chuộc hộ tôi. Cầm chỉ có bẩy đồng thôi mà.
Mụ ký nguây nguẩy:
– Chịu thôi, ai đi được. Đến đấy, nhỡ gặp người quen thì chết.
Thảo quay ngoắt đi:
– Khéo chửa, đi chuộc đồ chứ ăn cắp đâu mà chết với sống. Gặp người quen ở nhà Vạn-Bảo thì cùng cảnh kiết cả, ai lại còn hoài hơi cười ai
– Đã đành thế, nhưng nhiêu khê nhỉ!
– Thế người ta mới nhờ mình.
Rút cục, mụ văng tục một câu, rồi bằng lòng nhận giúp Thảo. Nhưng trước khi cầm vé, còn  đà đận:
– Ngộ không được năm chục có để không?
Thảo nhăn nhó:
– Năm chục cũng là rẻ rồi.
Mụ ký chau mày:
– Đã đành, nhưng nó không giả đến thì làm thế nào?
Nghĩ một lát, Thảo chặc lưỡi:
– Hơn bốn chục, bốn mươi nhăm đồng cũng được.
Thảo lại nhà ký Văn, lúc ấy mới có một mình Cả Vịnh đang nằm xem báo. Thấy nàng đến, y ngồi nhỏm dậy:
– Bà Phán đây rồi. Gớm, lại muộn thế…
Nàng không thấy mụ ký, hỏi Vịnh:
– Chị Văn đâu, hở ông?
Y chỉ xuống nhà dưới:
– Bà ấy vừa ra đâu ngoài kia. Về bây giờ đấy mà.
Thảo để cái dù vào cạnh bàn:
– Thế nào, bọn lái tơ đâu, sao họ chưa đến?
Cả Vịnh hất tay, chìa chiếc đồng hồ vàng, nheo mắt ngắm:
– Mới có hai giờ. Họ hẹn ba giờ kia mà.
 Thảo với chiếc âu đồng lấy một miếng giầu:
– Họ đánh to lắm, phải không ông?
Y chẩu môi, trố đôi mắt cá vàng:
– À, còn phải nói. Sát phạt hàng năm ba trăm. Chuyến trước, tôi được hơn bốn trăm.
– À, nghe chị Văn nói ông được bốn năm nghìn ở Đồng-Mỏ có phải không?
Y trả lời nhũn nhặn:
– Vâng, trên ấy chơi được cái thỏa thuê, tự-do hơn. Bà chưa đến đấy lần nào ạ?
– Chưa, tôi thì đi thế nào được.
Y tủm tỉm:
– Hôm nào có xe, tôi mời bà ký và và bà lên đánh nhỏ chơi. Rồi lại về ngay
Thảo cười:
– Tôi có đánh sóc dĩa bao giờ đâu!
– Sóc dĩa, đánh dễ, lại hay đãi tay mới. Có hai mặt chẳn lẻ, đánh đâu thì đánh.
– Sao người ta bảo nước nôi, khó lắm cơ mà?
Cái bộ-dạng cờ bạc chuyên môn của y ló ra trong câu cắt nghĩa:
– Nó là đỏ đen cả. Người ta cứ bảo có nước như ba bay, cập lệch, sao không theo nó mà đánh. Tôi cho số mình được cầm tiền, tự khắc ông thần tài ông ấy run rủi cho mình linh tay, cứ đổ mặt nào, mình đánh mặt ấy.
Rồi y khoa tay:
– Ngay như tháng trước, thế này tôi mới biết là theo vận cả. Tôi đánh một tiếng ba trăm. Lúc sắp đặt xuống lẻ, tự nhiên có bàn tay người nào chọc vào sau lưng. Y như là bảo mình đừng đánh. Tôi ngờ hay nó chưa sóc, mà người ta mách mình, vì tiếng trước sấp hai. Thế là chẳng nghĩ ngợi, tôi đặt xuống chẵn. Bà có biết thế nào không?…Mở ra, ngửa tư!  Tôi được tiếng ấy ba trăm, và đỡ thua ba trăm trước, thế là sáu. Một cái chọc tay, sáu trăm bạc. Bà bảo, chả thần tài cho mình của là gì.
– Thế ngộ có ai người ta mách ông thì sao?
Y vỗ đùi bành bạch:
– Thế này mới lại chết, cái chòm Mán và khách đứng chung quanh tôi đều đánh lẻ, thua cả. Thế, tất nhiên không có ai chứ. Tôi để ý ngay lúc bấy giờ, xem có ai gần tôi được không. Chả thấy mống nào. Vả lại cái trước sấp hai cơ mà. Lúc sau trở lại sấp bốn.
Rồi y vênh váo:
– Cứ may hơn khôn, trăm anh cờ bạc sắc nước đều xơ như xơ mướp cả. Xem thế đã biết, sánh cũng chẳng ăn ai.
– Đánh sóc dĩa, họ có gian được không, ông?
Y cười khà:
– Bà tính, đã gọi cờ gian bạc lận, chỗ nào có đánh bạc là có bịp.
Ngây thơ, Thảo giật mình:
– Chết, thế ngộ chốc nữa đánh bất, họ bịp mình thì làm thế nào?
Y lại được dịp giơ cái mặt bịp, cái giọng bịp của y để chửi về bịp:
– Đời nào, những người này tử-tế cả. Đánh đen đỏ thế thôi. Vả lại ai bịp được tôi. Tôi tha bịp họ là phúc.
– Sao tôi thấy người ta bảo đánh bất hay bị bịp lắm?
– À, không biết thì họ tha gì mình.
– Chốc nữa đánh, ông thấy khác ý, ông bảo tôi nhé.
Y cười cái cười rất tiểu-nhân.
– Bà cẩn thận quá, đời nào tôi lại để ai lừa bà.
Nói xong, y nhìn Thảo một cái nhìn nó làm cho nàng phát ngượng.
Canh bất hôm ấy, Thảo đen quá. Hơn ba chục mụ ký Văn đưa nàng, nàng đánh thua hết. Nàng lại lấy của Cả Vịnh ba lượt, mỗi lượt mười đồng, cũng nhẵn cả.
Lúc tan cuộc, Cả Vịnh được trăm ba, mà nàng thì thua hơn sáu chục, mụ ký Văn thua mười mấy đồng.
Thảo run cầm cập ở trong lòng, nàng nói không ra hơi:
– Đen quá, ông Cả ạ. Cứ hai quân nhị là y quân thứ ba thất. Có chết người không. Từ lúc ngồi, lúc nào tôi cũng giữ chân thua, chả bao giờ nhích lên được.
Mụ ký Văn thờ thẫn:
– Gớm, cái lão rỗ nhằng rỗ nhịt nó đỏ ghê quá. Sát luôn sáu cái. Lão ấy được đến sáu bẩy trăm. Chỉ cái thằng loắt choắt là thua đau. Dễ nó mất đến ba trăm.
Rồi mụ thở dài:
– Giá cho mình được thế nhỉ!
Cả Vịnh xen vào một câu lố bịch:
– Tôi là giời thì tôi cho chị được ngay.
Y vừa nói vừa cười rất khả-ố.
Mụ ký Văn hỏi móc y, mặc dầu mụ biết y được hơn trăm:
– Cậu Cả được hay thua?
Y đáp thẳng thắn:
– Được hơn trăm.
Mụ ký nửa nạc nửa mở:
– Thế thì cho chị chục bạc. Chị độ này kiết lắm.
Y không ngần ngừ, rút cái ví dầy cộp lấy hai tờ giấy năm đồng:
– Đây, biếu chị chục bạc. Thế là chị hòa chứ gì?
Mụ ký hớn hở:
– Hòa cái chết tiệt, thua cả bồ.
Thấy bộ-dạng băn-khoăn của Thảo, y lại hỏi:
– Bà Phán hôm nay chắc đen lắm?
Thảo cười gượng:
– Đen quá, vay ông ba lần mà cũng không gỡ được.
Y đón ngay:
– Vay với mượn gì! Hôm nay bà chị đen, bà chị lấy của tôi ; mai tôi đen, tôi lấy của bà chị. Chỗ quen biết….
Rồi y hẹn Thảo:
– Chiều mai, bà chị cứ lại chơi. Thế nào họ cũng đánh một canh nữa. Tôi sẽ xin phép xuất vốn để bà chị chơi to một canh xem nào. Được thua một vài trăm nó bõ.
Mụ ký Văn cười hóm hỉnh:
– Phải đấy, mai mợ lại đây, chị em mình bắt cậu ấy mở hàng, đánh canh nữa xem sao?
Không lần nào như lần này, Thảo thua, nhưng nàng không thấy sợ. Và trái lại, còn khấp khởi mừng. Vì nàng nghĩ đến canh bạc ngày mai. Đêm ấy, nàng khấn thầm thần tài, xin giúp nàng một chuyến. Vả nàng định bụng hễ phất thì đánh to, đánh thật to để kiếm dăm ba trăm. Tiền của người, được mình ăn, thua người chịu, tội gì không đánh.
Hôm sau, Thảo mò đến, Cả Vịnh đón nàng với một câu hỏi suồng sã khác mọi ngày:
– Sao bây giờ mới đến? Bây giờ «me-xừ» mới thả phải không?
Thảo thẹn, nàng ấp úng:
– Cũng vẫn sớm hơn mọi người.
Cả Vịnh mở hộp thuốc lá thơm, rút một điếu mời nàng:

– «Tê Cát Ma Nhom» đây, bà xơi đi cho nó khoan khoái, chốc nữa đánh cho nó linh-lợi. Hôm nay thể nào bà cũng được, tôi xuất vốn thì trăm lần không sai một.
Rồi y cười Thúc-sinh:
– Hôm nay bà chị được, thế nào cũng phải cho em và chị Văn đi ăn chả cá đấy nhé.
Thảo cười, nàng khẽ trả lời:
– Vâng. Chỉ sợ lại như hôm qua thôi.
Y tủm tỉm:
– Không, sao lại như hôm qua được. Hôm qua là có một mình bà một chân thì bà không vững. Hôm nay có hơi hướm của tôi vào, chắc phải đỏ ngay. Bà đừng lo.
Trước khi họp, Cả Vịnh đưa kín cho Thảo tờ giấy một trăm với câu dặn nhỏ:
– Đỏ, bà cứ đặt to vào.  Đừng ngại, chỗ tôi với bà…
Đánh được nửa tiếng đồng hồ, Thảo được ngót trăm bạc. Nàng đã mừng thầm. Tuy bụng định bốc vác, nhưng máu đàn bà không ăn thua to được, nên nàng vẫn đặt một hai chục một.
Cả Vịnh nóng muốn cho Thảo được, giục:
– Bà Phán đặt to vào nào…
Rồi đưa mắt bảo nàng cứ đánh thật sự. Thảo đặt tiếng ấy năm chục. Lên bài, trương sát cả làng, duy dam có mình nàng.
Cả Vịnh vỗ tay:
– Xem nào, cái này phải đánh một trăm, bà Phán ạ.
Thấy Thảo ngần-ngừ, Cả Vịnh nhăn nhó:
– Kìa… tôi bảo…
Thảo như cái máy, cầm tờ giấy một trăm đặt cửa. Nàng hồi-hộp đợi chia bài, hồi-hộp đợi kết-quả cái tiếng bạc to nhất của đời nàng. Khi ba quân bài đã lên tay, lòng nàng bàng-hoàng. Quân «ông cụ» đỏ chóe hiện ra trước. Nàng lo lắng khi khẽ hé lướt đến quân thứ hai. Tam vân. Thế là bốn. Còn quân cuối cùng… Ôi, chỉ có một cái vạch xem một tí đầu quân bài mà là cả một thế-giới bên trong náo động. Cái chờ đợi một con số ghi trên mảnh bìa để kết-liễu số phận tờ giấy một trăm. Nó mới dài dằng dặc, sâu thăm thẳm làm sao! Thoạt nhìn thấy con ngũ vân, nàng run lẩy bẩy. Chín, chín ông cụ, nghĩa là không sợ thua nữa rồi. Nghĩa là ba quân bài họp nhau lại sắp tróc nã một tờ giấy trăm nữa về cho nàng… Một cái gì bừng bừng như lửa đang ngùn ngụt ở ngực. Một chất gì buồn buồn chạy khắp cơ-thể. Nàng thở một hơi thở từ ruột gan, rồi đặt bài xuống.
Lão già rỗ mặt cầm trương xem bài người đầu cánh:
– Ba này.
Rồi lão ta vơ đống bạc đặt ở cửa.
– Tám này.
Lão lại vơ.
– Bẩy này.
– Năm này.
Đến nàng là cuối cùng.
– Chín này.
Lão ta cũng lại vơ nốt. Mồ-hôi từ ở một ngóc ngách nào tự dưng toát. Mắt nàng mờ đi. Nàng nhìn Vịnh với hết cả những chua xót của kẻ thua tiếng bạc lớn.
Bỗng Vịnh hét lên:
– Chín cụ của bà ấy, sao lại vơ?
Cả làng đổ dồn vào tay lão ta. Lão ta vừa cời cời bài nàng, vừa lầm bầm:
– Chi chi chứ ông cụ đâu?
Cả Vịnh nhắc cái bót thuốc lá dài bằng hai mươi phân tây gí vào quân ông cụ:
– Chi chi đây à?
Lão ta nhắc quân bài lên xem, rồi ung dung lấy hai tờ giấy một trăm giả Thảo. Như kẻ phải án chém, trước giờ hành-hình nửa giờ được ân xá, nàng cuống quýt:
– Giá không có ông Cả tôi cũng chẳng biết đâu!
Mà nàng không biết thật. Làng thì ngoài Vịnh và nàng, còn là bọn họ cả. Tất nhiên họ sẽ lấp đi cho nhau.
Vịnh vênh-váo tự-đắc:

– Trông trương vơ chín ông cụ, mình đoán trương mười. Nhưng lúc xòe, chỉ cỏ chín lục sừng.
Lão trương nói nhũn-nhặn:
– Trông nhầm đấy, tưởng con chi chi.
Biết ông lão ngay thật, Vịnh cũng nói ngay:
– Phải, nhầm chứ, tôi biết. Không sao…
Lúc trương sắp chia bài, cả Vịnh đập vào đùi Thảo:
– Đặt hai trăm vào, còn được không.
Rồi hỏi trương:
– Hai trăm, ông ăn không?
Ông lão bình-tĩnh gật đầu.
Thảo đưa mắt cho Cả Vịnh để tỏ sự không bằng lòng:
– Thôi, đặt một trăm như cái trước.
Cả Vịnh lại nũng nàng bằng một câu nũng-nịu sau cái nhăn mặt:
– Kìa.. tôi bảo.. cứ đặt..đang đỏ.
Cả làng lào xào:
– Thì ông đã bảo, bà cứ đặt.
Rồi một người nói:
– Hai ông bà, mỗi người một máu.
Cả Vịnh nhăn nhó:
– Ấy, cứ đánh cái lối còn ăn hết nhịn… như tôi thế mà hay…
Thảo lặng thinh, lại như bị thôi-miên bởi đống bạc để ngổn-ngang trước mặt lão cầm trương, nàng nghe Vịnh, đặt cả hai trăm.
Cái anh kính trắng ngồi tay trên nàng vừa thông điếu vừa nói:
– Nào, thử xem tiếng này, ông ấy bảo có đúng không nào!
Thần tài, sau mấy tháng ròng rã đã đày ải Thảo, bây giờ trở lại cứu nàng. Thảo vừa định lên bài… nhú quân nọ ló quân kia, Cả Vịnh nghếch cái « bót» chổng lên trần, đập vào tay nàng:
– Thôi, đánh to, đừng lên bài thế. Cứ lật ngửa phăng như tôi…
Y nói xong, cầm bài của nàng xòe ra, rồi quật xuống sập:
– Này, mù tịt này.

Rồi ba quân bài nằm tênh hênh, y hô lên:
– À, Mười tứ sừng!
Cả bọn reo.
Cả Vịnh vênh mặt:
– Xem có «găng» không nào, hay dở nó ở đấy, việc gì phải úp mở.
Nàng nhận tiền trương dam, xếp đống tiền vào trong cái giỏ xinh xinh trước mặt, rồi cầm trương. Sợ làng đánh to, nàng giao hẹn:
– Tôi ăn nhỏ thôi.
Cả làng nhao nhao:
– Bà đánh tiếng hai trăm, tiếng một trăm, làng ăn. Bây giờ đến luợt bà cầm trương, bà lại giao bẹn ăn nhỏ.
– Thế các ông đặt nhiều, tôi dam một cái hốt tiền à?
– Chuyện, đánh bạc, lên xuống là thường chứ lị.
Một anh pha trò độc địa:
– Người ta đã bảo «giầu đầu hôm, khó sớm mai ».
Rồi cười khanh khách. Y đắc ý vì chỗ làm cho trương «xúi quẩy ».
Cả Vịnh quắc mắt, lườm y:
– Chú nầy mới kỳ, ăn với nói…
Quay bảo Thảo, nhưng lần này như người ra lệnh:
– Cứ ăn, làng trông tiền trương mà đặt. Để đến lượt tôi trương hãy hay, cứ nằm cả người ra đấy cũng cân.
Thảo nhìn làng đặt tiền, kẻ một trăm, kẻ bẩy tám chục, kẻ năm ba chục. Nàng tính nhẩm nếu mù tịt một cái như lão vừa rồi phải dam hai ba trăm, hai cái thì hết tiền. Nàng thốt nhiên thấy hoảng, ngực đập ran.
Cả Vịnh giục:
– Chia đi, rồi tôi trông cho.
Cả làng lên bài, ba quân của nàng theo lệnh Vịnh, vẫn cứ để nguyên. Vịnh tính từng cửa:
– Tam.
– Thất.
– Lục.
– Ngũ.
– Tịt.
Rồi bảo:
– Bát thì cứ việc sát. Lật, xem nào!
Thảo lật ngửa bài. Cả Vịnh nhanh như chớp, reo:
– Cửa thất sừng! Sát! sát!
Thảo quào tay nhặt tiền, mặt bừng bừng.
Cả Vịnh chỉ vào má nàng:
– Má hồng thế kia, chả trách đỏ được.
Rồi nhìn một cái nhìn của con mèo lúc «chầu hẫu».
Canh bất «bất-hủ» đã giải-cứu tình-thế cho nàng. Sê-sỉnh lúc tan cuộc, nàng đếm ngay trước mặt Vịnh.
– Sáu trăm ba.
Mụ ký Văn hoa lên:
– Đỏ quá, mợ sát một chệp nữa, làng hết tiền.
Cả Vịnh đập vào vai mụ ký:
– Cái thằng già ấy nó không phải ra tầu Sài-gòn thì còn được.
Thảo xếp xếp chỗ tiền, cười ngượng nghịu, đưa Vịnh:
– Đây, đánh hộ ông. Bây giờ mặc… giao giả.
Y ngớ mặt, hạ giọng:
 – Ơ hay chửa, tôi biết đâu. Bà định gieo vạ cho tôi chắc.
Mụ ký Văn đỡ khéo:
– Mợ nó ra điều tiền của cậu xuất ra thì giả cậu đấy.
Y mắng yêu mụ ký:
– Cả chị nữa, lại sắp bênh bà em. Bà ấy được, bà ấy ăn. Tôi biết đấy là đâu.
Thảo trả giá câu ấy bằng một nụ cười duyên:
– Thế ngộ tôi đánh thua tiền của ông?
Y cười vang lên:
– Thì tôi lạy bà, xin bà cứ lấy đánh nữa.
Nói đoạn, y sịu mặt, trách cái trách vòi vĩnh:
– Bà thật không rõ lòng tôi tí nào.Đã là chỗ bạn bè, bà cứ hay nệ. Chả lo một ngày kia tôi lại quấy quả bà…
Thảo cười cầu tài:
– Vâng, thế xin ông. Nhưng giả lại ông trăm bạc hôm nay và ba chục hôm qua.
Y giãy nảy:
– Kìa… sao bà lại thế?
Thảo dỗi ngay, đưa giả cái gói tiền:
– Ông không lấy, tôi giả cả ông đấy.
Y vội vàng:
– Vâng, thế bà cứ đưa. Bao nhiêu tôi cũng nhận. Lộc thánh.
Thảo đếm đủ trăm ba giả y. Y cầm tiền giơ lên, bô bô:
– Lại giữ hộ bà đây, lúc nào  bà cần sẽ gửi bà.
Sáng sớm hôm sau, lúc Thảo còn ngủ, Phong đã mò đến. Nàng xông vào buồng, bô bô:
– Gớm chết, ngủ gì mà khiếp thế, bây giờ còn ườn xác!
Thảo choàng dậy, vừa dụi mắt vừa gắt:
– Mày làm gì to mồm thế, giật cả mình
Phong chau mày:
– Gớm, hôm nay mày khó tính nhỉ.
Thảo vội cười:
– Khó, khó cái con khỉ. Đang ngon giấc.
Phong nói mát:
– Hôm qua được bạc, chắc cậu mợ đếm tiền lủng củng cả đêm chứ gì?
– Gớm, mày làm như được mấy vạn.
Phong nhìn một cách hạch hỏi:
– Không được mấy vạn, dễ mày thua chắc.
 Rồi làm ra bộ bí-mật:
– Này, cái mỏ đấy, cứ đào đi.
Thảo ngạc-nhiên:
– Mỏ nào?
Phong quay ngoắt:
– Chúa vờ, tao lại ghét mặt.
–???
– Mỏ Cả Vịnh  chứ còn mỏ nào. Cái thằng trông khả-ố, nhưng lòng dạ nó khá lắm.
Thảo làm bộ thản-nhiên:
– À, thường…
Bí-mật, Phong nói nhỏ:
– Cứ kệ nó. Nó đã thế, mày cứ «siết».
Thảo mặt chua hẳn:
– Mày nói như tao… ấy lắm.
Phong béo má nàng:
– Này, đừng có lấy lượt che mắt thánh. Tao thì biết tỏng ra.
Thảo làm như bực tức:
– Lại con mẹ ký Văn nó bảo mày chứ gì?
Phong cười tít, chỉ vào mắt:
– Con mẹ này này. Nhác một cái là tao biết. Nó muốn làm «thịt» mày đấy nhé.
Rồi nhẩy lên:
– Thì mày còn đợi gì không thịt nó. Thằng ấy tháng trước được bốn năm nghìn ở sòng Đồng-Mỏ cơ đấy.
– Thế à?
– Lại con vờ, thế nào cậu mợ chả tiểu-di với nhau rồi.
Thảo bắt ngang câu chuyện:
– Mày ăn sáng chưa?
– Chưa
– Tao bảo nó đi mua xíu-mại nhớ?
– Ừ, tao cũng thấy đói. Mua cho tao hộp « Craven» nhân thể.
Thảo chỉ về phía tủ:
– Đây nhà có, tao mua chiều hôm qua.
– Ừ thế tốt, mày cho tao một điếu, tao đốt chơi đã.
Điểm-tâm xong, Phong hỏi Thảo:
– Mày được hôm qua sáu bẩy trăm phải không?
Thảo nheo mắt:
– Làm chó gì. Có hơn bốn trăm.
– Sao con mẹ ký nó bảo hơn sáu trăm?
– Thế không giả lại nó trăm bạc nó xuất vốn à?
Vỗ đánh đét vào đùi bạn, Phong vênh mặt:
– Mày ngu như con lợn, sao mày lại giả nó, sợ không có người tiêu à?
– Chuyện, nó cho mình vay.
Phong chỉ vào ngực:
– Tao ấy à, xin cậu, đừng có hòng. Bắc thang lên hỏi ông giời..
– Ơ hay! Con nầy ăn với nói. Nó cho tao vay chứ tao nhân-tình nhân bánh gì nó, mày bảo…
 Phong cau mặt, lắc đầu lia lịa:
– Khổ lắm, mày cứ hay có cái thói lý-sự. Việc nó có phát là phát từ trong lòng, nó có dính đâu ở lưỡi. Nó không chim mày mà nó lại lạy mày để đưa tiền. Mày không bí-bơ với nó, mày lại cầm tiền của nó.
Thảo đỏ mặt, cãi:
– Tao thề… tao có gì… tao chết. Trông nó thô-bỉ như con khỉ… mày bảo.
Phong cười nhạt:
– Này cô, cô đừng nói thế với tôi nhé. Chính tôi đã bị những vố như thế rồi đấy. Ấy, nhiều đứa chỉ đáng là thằng bếp nhà mình, lúc mình cần, mình cũng phải lụy cả.
Thảo vênh mặt:
– Tao ít lắm nhé! Đời nào…
Phong lạnh mặt:
– Ừ, thôi mày trinh-bạch, kệ xác mày. Nói lại cứ chối đây đẩy.
– Lọ lắm, tao không có thế, mày bảo tao nhận à?
Phong tức mình, dồn Thảo:
– Thế mày có biết nó định lơn mày không?
Thảo cười đỡ đòn:
– Có…
– À, thế chứ lị, tưởng bảo không, tao phục.
Thảo gỡ:
– Nhưng, kệ thây nó, mình cứ lờ đi…rồi nó cũng chán.
– Cái ấy đã hẳn, cái con lợn ỷ ấy, bố ai tiêu được.
– Trông nó nhăn nhở, lắm lúc phát ghét.
Phong, ý hẳn lúc ấy nghĩ đến những quá-khứ «tình-ái» của mình. Nàng so sánh:
– Ấy, những thằng «cà tàng» như thế lại ăn được của nó. Những thằng tốt mã khác, thì đừng có hòng. Chỉ có nước bọt.
Và tiếp:
– Mày có giao-thiệp nhiều, mày mới hiểu. Đời, những thằng tốt mã chỉ được cái tán láo. Ngay nó có đấy, mình hỏi nó cũng chối. Có thằng đang nói như rồng như phượng, trưng đủ thứ,tao muốn tẩy, chỉ việc hỏi vay trăm bạc. Thế là lần sau, cu cậu cút mất, không dám dàn mặt mình nữa, vì hẹn không có, sượng mặt.
Rồi thân-mật:
– Nó thế mà khá đấy, chơi được đấy.
Thảo đưa cho Phong năm chục:
– Tao còn, tao không đưa cho mày, tao chết.
Phong nguây nguẩy:
– Mới tối hôm qua, bốn năm trăm bạc.
Thảo giơ ngón tay tính.
– Mày bảo, tao thua từ trước đến nay hàng nghìn. Vay lung tung, nợ đìa ra. Bây giờ không giả người ta à. Mày không biết, nợ nhục lắm…
Phong cười nhạt:
– Tao mà mày bảo không biết mùi nợ thì ai biết.
– À, đấy, thế mày đã hiểu, tối hôm qua tao vội vàng giả các món. May quá, không có vài trăm bạc, tao đến chết. Thật phúc nhà mình, con mẹ Tài Nhung mà không giả nó, nó nói thì vắt máu ra.
Phong làm bộ từng-trải:
– Đã thấm gì mày, tao có lúc bị đòi nợ dữ quá, tao muốn giá nó lấy thịt trừ, tao cứ xẻo một miếng giả cho xong chuyện.
Thảo lắc đầu một cách mệt mỏi:
– Chết thật, ngót tháng giời nay, tao lo điên lên. Từ con mẹ hàng bún chả nó đến nó đòi, cũng không có giả nó.
– Sao không bắt chồng mày nó về làm tiền bà cụ?
– Kìa, mày quên à, tao đã cãi nhau tay đôi với bà ấy rồi. Bà ấy trù khiếp lắm, đời nào còn rời ra.
– Ấy thế mà cứ tống vào cạnh sườn nó, bắt nó chạy rồi cũng ra cả.
Thảo chép miệng:
– Tao chả thèm. Cứ đưa đủ lương thôi.
Phong kiêu-ngạo:
– Lương thì mua tép cũng không đủ. Trông vào lương, lấy cám mà ăn.
Như được gãi vào chỗ ngứa, Thảo giải sự «uất-ức» của mình:
– Đúng đấy, chỉ chúng mình mới biết thương nhau. Họ cứ tưởng năm bẩy chục to lắm. Nhiều lúc, tao đã phải tính từng đồng xu cho nó, để nó khỏi nghi ngờ mình cờ bạc thua tháy.
– Nó bắt mày tính à?…
Thảo hạ giọng:
– Không, tao tính để gí vào mắt nó, cho nó mở ra, cho nó biết tiền nó đưa tao không thừa lấy một xu nhỏ, nó đừng có nói cái chuyện cờ bạc rông-rài nữa.
Phong gật liên-tiếp:
– Phải, cứ ngang bằng sổ ngay, cho nó hết hống-hách.
Loài người là giống tối-tăm, không bao giờ chịu nhận sự thực. Sự tối tăm ấy sẽ đưa họ xa cái đời trong sạch, đẹp đẽ.
Thảo chỉ cốt cho chồng thấy chỗ chi tiêu không đủ, để tỏ rằng còn tiền đâu mà đánh bạc. Nàng bênh-vực mình bằng những chứng-cớ rất vô-lý. Nếu nàng chỉ tự hỏi: «Mình có kiếm ra tiền không?» hay: « Nếu Long không đưa lương… » thì nàng sẽ thấy nguyên-hình cái sự «đảm đang» của mình. Cũng như hằng hà sa số các bà vợ phá hại chồng khác, đi đâu cũng rêu rao không cần nhờ chồng, nhưng từ cái cặp tóc đến đôi săng-đan, rặt trích ở tiền lương ra cả. Họ lại không hiểu khi nói thế là họ đã tự nhận cái phần vô phúc. Phương-chi vợ chồng mà đã đến phải giơ cái mũi nhọn tự-ái ăn mày ấy ra thì còn đâu cái nghĩa của đời người. Nếu có sống với nhau chỉ là vì họ đã không gặp cơ-hội để bỏ nhau. Hoặc vì là con thú đã quen quá với mùi thịt tanh, nên cạnh cái xác chết mà vẫn ngủ được như thường.
Bích vừa ở xe xuống, gặp Thảo và Phong đi ra. Trông thấy nàng, Thảo chạy vội lại:
– Cô làm gì,  bao lâu không thấy mặt?
Vừa giả tiền xe, Bích vừa đáp:
– Em lại hàng chục lần, có thấy chị ở nhà đâu. Chị cứ hay đi đâu ấy mà…
Thảo quay bảo nhỏ Phong:
– Mày cứ lại trước, tao đến sau. Em tao lại chơi, tao phải ở nhà với nó một tị.
Phong gọi nàng ra một chỗ:
– Mày «tẩy» nó đi có được không? Chuyện gẫu với nó, chán chết.
– Thôi, chờ tao ở đấy, tao lại ngay mà. Tiếp nó một tí, nó ngoan lắm!
– Mày, ai cũng ngoan. Phải cương-quyết. Để nó ám, mất thì giờ vô ích. Tao, những đứa nào định chuyện suông với tao, đừng hòng. Tao « phờ-lếch » thẳng.
Thảo dỗ bạn:
– Chịu khó đợi tao một tí thôi.
Phong dỗi:
– Nhưng cô liệu phiên-phiến, để tôi đợi lâu, đừng có trách.
Rồi chỉ một cái xe:
– Xu!
Cái tiếng đầm nàng gọi xe làm mọi người đi đường quay lại nhìn. Nhẩy lên, ngồi vắt chân chữ ngũ, nàng quay bảo Thảo:
– Tao đợi đấy nhé! Attention!
Thảo ngượng với Bích, nói đỡ:
– Gớm, cái con, cứ như ngựa vía.
 Dắt tay em vào nhà, Thảo niềm nở :
– Trung vẫn mạnh khỏe chứ?
Bích đặt gói hàng xuống bàn:
– Vâng, cảm ơn chị, Trung vẫn như thường.
– Vẫn đi làm à?
Bích hỏi lại:
– Kìa, chị không biết nhà em xin nghỉ rồi à?
Ngạc-nhiên, Thảo hỏi ngay:
– Chết, sao lại nghỉ?
– Vào học trường thuốc.
 Lắc đầu, Thảo rún vai:
– Chăm nhỉ, đi làm dễ thường được một năm. Thế vào chưa?
– Mấy tháng nay rồi. Và chúng em cũng dọn về đằng mợ em cả rồi.
– Lại về mợ? Ở gác trong à?
– Vâng, cậu em bảo đi học phải về nhà, có sẵn người phục-dịch hơn.
Thảo cười:
– Thôi, chú còn phải nói. Chiều rể đã có tiếng.
Rồi thân-mật:
– Trung nó khá không?
Bích thẹn:
– Phải chăng.
Thảo gí tay vào má em:
– Thôi đi cô, sao bảo ngoan nết lắm cơ mà.
Rồi lại tiếp luôn:
– Nhưng trông nghiêm, chứ không lắt tắt như Long.
Sợ chị lại nói xấu chồng như mọi khi, Bích lảng chuyện:
– Hôm qua, bác đến chơi mợ em.
– Mợ tôi có nói gì không?
– Bác phàn nàn độ nầy chị hay đi đánh bạc…
Thảo làm như người bị nghi oan, đớ mặt:
– Thế Bích tính Thảo có khổ không? Tự-nhiên chồng con buộc cho tiếng xấu. Rồi đến tai bố mẹ, đến tai dì.  Chết tôi thật!
Bích ngờ ngợ:
– Thế chị không chơi à?
Thấy cần phải tấn-công để Bích tin, may ra nàng cải-chính hộ với mẹ:
– Bích còn lạ gì, sự ăn tiêu trong nhà tốn, lương lậu không đủ. Thảo phải tháo vát, chơi họ chơi hàng, vay mượn, thành phải đi đây đi đó. Long không rõ, tưởng cờ bạc rông-rài. Thực ra mình đã chết cả ruột… lo việc cửa việc nhà không xong. Lấy đâu mà chơi…
Cái đòn «tình-cảm» ấy đập trúng vào lòng Bích, nàng ái-ngại cho chị:
– Lại túng thế cơ à?
Thảo làm bộ nhăn nhó:
– Bích bảo làm gì chẳng túng. Thảo có như Bích, được cậu mợ giúp đỡ đâu. Trăm thứ tiền trông cả vào dăm chục bạc lương, làm gì đủ.
Từ nhỏ, Bích chưa từng thấy ai than vãn về sự nghèo nàn bao giờ, nàng nghe Thảo với hết cả bàng-hoàng:
– Chết chửa, thế mà em không biết. Thảo nào em lại bận nào chị cũng đi vắng
Nhưng lại trách:
– Sao chị không bảo em, bảo mợ em? Mợ em vẫn kêu chị không hay lại chơi và vẫn hỏi em về chị… Em vẫn phải nói gặp chị…. luôn…
– Ấy những lúc Bích đến, Thảo vắng nhà là đi vay mượn đấy.
Sự dối-trá của Thảo khiến Bích bồng lên. Nàng nhìn chị, an-ủi:
– Thôi không cần, để em đưa cho chị tiêu. Tiền của em, em không dùng gì đến đâu.
– Thế Trung?
– Nhà em thì lại không bao giờ tiêu nữa. Em có hai trăm bạc, em để từ năm ngoái đến giờ vẫn mới tinh. Để em đưa chị dùng.
 Thảo vội xua xua tay:
– Thôi, Bích để mà tiêu, Thảo chịu đã quen rồi. Công nợ, người ta hỏi han, rồi nó cũng rạn rạn đi.
– Em đã bảo em không tiêu đến…
– Rồi nhỡ Trung biết…
– Kìa, chị hay chửa. Trung biết thì biết, làm sao. Em đưa cho chị chứ tiêu phí đâu. Với lại đời nào em để nhà em biết.
– Sợ lúc Trung hỏi.
— Trung có biết em có tiền đâu.
– Bích giấu khéo thế à?
– Không, sao lại phải giấu.  Em để trong «sắc» ấy, chứ giấu làm gì.
– Để trong «sắc» mà Trung không biết à?
– Nhà em thì còn biết gì. Suốt ngày đọc sách. Buông sách lại xem em rua khăn mặt. Không thì lại lấy nến nặn chó, nặn mèo cho em.
– Chú ấy biết nặn cơ?
Bích tủm tỉm:
– Tinh đáo để đấy, hôm nọ nặn con mèo cho em giống như hệt. Lại bắt em để trên tủ, bảo để nó bắt chuột, khỏi cắn quần áo… Được rồi, để chiều, em đem lại cho chị.
Thảo không từ chối, xưa nay những sự Bích đưa tiền cho Dồng đã thành quen rồi. Hồi nàng thua dữ, nàng cũng vẫn thỉnh thoảng hỏi Bích.
Như chợt nhớ ra điều gì cần nói, Bích à lên một tiếng, rồi níu Thảo:
– Em nghe bác nói chị cãi nhau với bà Công-Thái, phải không?
– Phải, tại bà ấy ra điều ta đây là mẹ chồng, đến hạch hỏi lôi thôi.
– Chết, em xin chị. Sao chị lại thế?
– Bích không biết, bà ấy gớm lắm. Không làm cho một trận đáo-để, không kiềng mặt.
Rồi nói cái giọng tự-phụ của những kẻ mất dậy:
– Từ độ ấy, cạch, không dám bén mảng đến nữa.
Bích rầu rầu:
– Em biết ngay mà, chị chơi bời với những người hư, thành thử tiêm-nhiễm những cái không hay. Ai lại đối già đối giảm với  mẹ chồng, còn ra cái thể thống gì nữa. Mình là con, mình phải giữ đạo con.
Thảo cười khẩy:
– Nào bà ấy có để cho mình giữ. Bà ấy làm như mẹ mình.
– Ơ hay! Thế chả là mẹ mình là gì?
– Vẫn thế, nhưng con giun xéo lắm cũng quằn. Bà ấy lại ra điều ta đây, bắt khoan bắt nhặt…
– Sao lại gọi là bắt khoan bắt nhặt? Mình lầm lỗi, cha mẹ bảo thì phải nghe. Nghe ấm cho thân mình..
– Mỗi người một cảnh, Bích không có mặt lúc bấy giờ, không biết. Bà ấy sấn sổ, định đánh Thảo cơ mà!
– Đánh cũng được chứ làm sao?
– Chịu, Thảo không quen bị áp-chế. Cái gì cũng vừa phải thì thôi. Già néo thì đứt dây…
Biết chị đã quen sống một cách thấp kém, Bích ôn-tồn:
– Chị nên nghĩ lại, Tưởng-tượng một khi mình đã hỗn-hào với mẹ chồng, lúc mình trông thấy chồng, nó sẽ ra làm sao? Hàng ngày ở với nhau, sớm tối ra vào đụng chạm nhau, ăn ở không ra gì, cứ trông thấy nhau cũng đã đủ chết người rồi. Chị nên nghe em, lại lạy xin lỗi bà Công-Thái đi. Nếu không, gia-đình chị chẳng bao giờ vui vẻ đâu. Tất nhiên anh Long phải khổ, phải đau lòng, vì giữa mẹ với vợ có điều không hay. Để cho chồng khổ sở vì mình là có tội, chị ạ. Chị cứ nghe em, đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại. Em tin bà Công-Thái sẽ thứ lỗi cho chị…
Thảo chẳng những không cảm-động, còn đanh mặt, cong cớn:
– Người ta cơ, Thảo xin lỗi ngay. Bà ấy, cứ chém ngay đầu Thảo, Thảo cũng không đời nào chịu xin lỗi. Thảo có lỗi gì nào? Bà ấy không nể Thảo, Thảo việc gì phải nể bà ấy…
– Mẹ không bao giờ có lỗi với con. Mà cho có, con cũng không được phép nghĩ đến. Chị nên vì anh Long, vì hạnh-phúc gia-đình của một đời mình, nghe em.
Trước khi ra về, Bích còn ân-cần:
– Mình có thờ mẹ chồng, giời mới để chồng mình thương mình.
Đưa Bích ra xong, Thảo vội vàng gọi xe, lại nhà mụ ký. Vừa thấy mặt bạn,  Phong đã như vũ như bão, văng tục ầm nhà:
– Từ rầy đừng có hẹn tao, nghe chưa! Làm ngồi đợi hết nước hết cái. Mày xem mày thế có phải không?
Thảo đấu dịu:
– Tại nó ngồi mãi.
– Thì tống cổ nó ra chứ. Nhà mình tiếp ai, lâu chóng là ở mình.
– Nó là em…
– Là giời, việc của mình, mình phải lo. Cứ cái thói dềnh dàng. Mày mà đi làm, chủ nó đuổi một năm trăm lần. Người gì cứ sì sì, ngồi đâu chẩy nước ra. Tao cho những đứa chậm chạp như mày, rồi chết đói.
Thảo cười đỡ đòn:
– Gớm, mày làm như đi buôn đi bán, tao làm mày nhỡ tầu không bằng.
Lại điên tiết, Phong gầm lên:
– Mày cứ cái lối cãi chầy cãi cối. Cứ gì buôn bán, làm gì chẳng có giờ giấc. Hẹn ai thì phải cho đúng…
Muốn cho tắt câu chuyện, Thảo nhận lỗi cho xong đi:
– Ừ, thì tao xin lỗi mày.
Phong dịu, còn mắng yêu:
– Đồ mặt mẹt… nhà quê! Nghĩ đến là muốn vạc mặt.
Mụ ký Văn đưa dĩa mía cho Phong:
– Thôi, gớm, cái cô này cũng lắm điều lắm. Mợ ấy đến rồi thì thôi có được không.
– Đến, đến mãi bây giờ lại còn chửa đến thì có tôi lại tôi phá nhà.
Thảo phì cười, nói với mụ ký:
– Nó dữ lắm, hơi một tí là mồm oang-oang lên.
Rồi hỏi Phong:
– Thế bây giờ làm gì nào?
Phong nguôi hẳn, đưa khẩu mía cho Thảo:
– Lại còn làm gì,  đánh mấy ván tài-bàn, rồi đủ chân, đánh tổ-tôm.
Đoạn hất hàm hỏi mụ ký:
– Không ai đến à?
Mụ ký nhả miếng giầu, đáp:
– Cả Vịnh vừa ở đây, lão chủ thợ may dưới nhà lại ra đi uống nước.
Phong nhìn Thảo, cười mát:
– Hỏi những người khác cơ chứ. Cả Vịnh, hôm nào nó chẳng ở đây. Có mợ mà lại.
Mụ ký híp mắt, ưỡn ẹo:
– Có duyên kẻ đón người đưa, không duyên chưa dễ ai chờ ai mong… Chuyện, yêu nhau lại chả quấn quýt nhau.
Thảo nạt nộ:
– Này thôi, xin các bà đừng nhảm.
Phong châm chọc thêm một câu:
– Nhảm à… Không tiên năng tự thú với tao, tao thì xẻo tai. Ông chỉ gửi cho cái thư nặc danh, cậu lại đóng bè trôi sông sớm.
Độ này, Thảo lại thua dữ. Món tiền Bích giúp nàng, tiền được hôm đánh bất, nàng đều nướng cả. Nàng thua cay quá, có cái nhẫn mua lại rút ra bán mất rồi.. Con nợ lại bắt đầu thằng thúc. Hàng ngày, nàng cứ phải lẩn đi, để khỏi phải khất, khỏi phải nói khó, nói khăn. Mới có mồng năm tây, trong nhà nàng đã không còn lấy một xu nhỏ. Hôm đầu tháng, nàng cầm tiền, Phong rủ đi đánh chắn ở một nhà chị em, nàng thua tiệt cả. Tiền nhà không có giả, chủ nhà cho người lại đòi, Long đã gắt:.
– Sao mợ không đưa giả cho xong đi?
Nàng chỉ đáp lửng:
– Chưa có, giả nợ hết rồi!
Long im ngay. Chàng biết nói thêm, chỉ tổ khiến vợ gây sự. Rồi lại rầm cửa rầm nhà. Sự cầu mong yên thấm bề ngoài đã khiến trong lòng chàng rão nát.
Thảo, tuy miệng nói cứng, nhưng lo điên lên. Cái khoản tiền chợ tối cần hàng ngày, không thể không có được. Làm thế nào, có thể ngồi yên được đâu. Nàng lại nghĩ cách xoay. Nhưng lần này chật đất rồi. Cái nghề đi vay mãi, như người gậm xương, nó phải hết chỗ nạc.
Nàng mặc áo lại nhà ký Văn để hòng xem có đánh chác gì, rồi liệu. Không còn lấy một hào chỉ để đi xe, nàng thất thểu ngoài phố. Vừa đến đầu Hàng Bồ, có một tiếng gọi giật giọng:
– Thảo!
Nàng quay lại, thấy bà Lan -dì nàng. Bà Lan vội xuống xe:
– May quá, gặp chị, chị giúp dì việc này nhé! Mợ chị hỏi dì trăm bạc, nhưng dì có bà khách cần phải tiếp, không thể đem xuống được. Từ đấy xuống phố Huế, vừa đi vừa về ngót giờ đồng hồ. Nhân tiện, chị giúp dì có được không?
Thảo nhanh nhẩu:
– Vâng, dì để cháu đem xuống cho mợ cháu
Bà Lan đưa cái giấy một trăm cho Thảo, rồi bảo:
– Đi nắng thế, chả đem dù diếc gì cả. Gọi xe mà đi. Dì có tiền lẻ đây này.
Thảo vội vàng:
– Thôi, dì cứ về đi kẻo bà khách đợi, con có đây rồi.
Khi xe bà Lan rẽ về một phố, Thảo liền rảo cẳng đến nhà..mụ ký.
Một bọn đang quây quần nhau rút bất. Cả Vịnh thấy nàng đến, nói ngay:
– Gớm, đợi mãi, thiếu tay đánh to, ngồi buồn rưng rức.
Vì y là con bạc sộp, lọc lõi, lại có cái vẻ «du côn», nên y nói gì cũng không ai bẻ. Thảo cười nhẹ:
– Thì các ông cứ đánh đi nào. Ngộ tôi  không đến…
Mụ ký Văn nói xa xôi:
– Không đến thì tôi tương-tư đấy..
Thảo sà vào ngồi cạnh mụ ký:
– Được, thua?
Mụ ký gạt đống tiền:
– Được hơn chục, mới đánh..
Rồi hỏi luôn:
-Thay trương, vào một chân nhé?
Thảo lắc đầu.
Cả Vịnh nói mát:
– Bà ấy còn phải về hầu cơm chứ…
Mụ ký nháy Thảo, có ý nói Vịnh:
– Gớm lắm, chả vừa đâu.
Vịnh quay ra đằng sau, gạt tàn thuốc vào cạnh sập:
– Bà Phán độ này nghén chắc. Trông thờ thẫn.
Mụ ký Văn trả lời thay:
– Nghén tài bàn… Ngồi đánh mãi mỏi lưng, nên trông thế.
Đến lúc trương mới lên, mụ ký cứ bắt Thảo ngồi vào. Mụ trông ở chỗ Thảo chơi, tất nhiên Cả Vịnh lại bỏ tiền và ngộ nhỡ mình thua, còn có thể vay Thảo được. Thấy Thảo ngần ngừ, Cả Vịnh tưởng nàng không có tiền, ngầm ném một cái nhìn nó nói « Cứ đánh đi, tiền đây! » Thảo chặc lưỡi một cái, né người:
– Ừ, tôi cũng vào một chân.
Nàng ném cái giấy một trăm xuống:
– Năm đồng đã, xem ra sao.
Mụ ký thấy nàng có tiền, tươi tỉnh.
– À, ngồi cạnh nhà giàu, may đỏ lây.
Đánh độ một giờ đồng hồ, nàng đã được hơn hai trăm. Nàng toan thôi mấy lần, đứng dậy, đem tiền xuống giả mẹ. Nhưng hễ cứ định thôi lại thua. Thua, nàng lại tiếc tiền. Tật chung của những kẻ đánh bạc là thế. Xưa có anh tiêu lạm tiền két nghìn bạc. Chủ sắp khám sổ đến nơi, anh ta mới cuống quýt, xoay đâu cũng không ra. Anh ta cầm chắc tù đến nơi. Không ngờ một canh bạc khiến anh ta được. Nhưng chết một nỗi lại được những nghìn hai. Mừng thầm thoát tù tội, anh ta cất mười cái giấy một trăm vào túi áo trên, chỉ để hai trăm ngoài, định đánh lấy năm trăm thì thôi. Ai ngờ thần sóc dĩa muốn dạy anh ta không nên quấy quả ngài, bèn giáng cho một búa. Chỗ nghìn bạc ở túi trên lại phải từ-tạ anh mà đi. «Thổ lai hoàn thổ». Rút cục bị tù hai năm vì thụt két. Sự cám-dỗ của đồng tiền trong chiếu bạc mạnh thế, Thảo làm sao đứng dậy nổi. Mười cái nàng cầm trương, phải dam tiền. Vừa hết tiền thì tan cuộc. Mồ hôi sôi lên trên da thịt nàng. Chết rồi, thà phải tiền của mình cho cam. Lúc ấy nàng mới thấy lo sợ. Chiều hôm nay, mẹ nàng biết, sẽ đến nhà nàng. Dì nàng nữa, bà dì xưa nay nàng sợ khiếp vía. Rồi Long biết chuyện thì nàng chết. Nàng đặt trong đầu các mưu mẹo để chống-chế. Nhưng chính nàng lại thấy những lời chống-chế của mình vô-lý. Làm thế nào  bây giờ? Mặt mũi nàng tối sầm. Mụ ký Văn hỏi, nàng cũng không nghe tiếng.
Thấy nàng lo lắng ra mặt, Cả Vịnh hỏi:
– Bà Phán thua thế mà thất sắc đi. Cần gì, mai lại gỡ.
Mai, mai thế nào được. Cái móc sắt chốc nữa treo nàng lên đã treo ở trước mặt rồi. Nàng không thất sắc làm sao được.
Nhưng vẫn gượng gạo:
– Không, rức đầu đấy chứ.
Cả Vịnh hiểu cái cớ rức đầu của nàng, sống sượng:
– Thế bà Phán có muốn khỏi rức đầu không nào?
Một ánh lửa của hi-vọng lọt vào óc nàng. Nàng vớ ngay lấy cái cọc, nhưng vẫn dè chừng:
– Tôi rức đầu thật đấy… Không biết sao hôm nay đen thế.
Cả Vịnh nghếch mặt:
– Đen thì gỡ, lo gì! Khổ lắm, bà chị cứ yên tâm. Một canh như hôm nọ thì đâu còn có đó ngay chứ gì.
Nàng đã toan nói ngay với y rằng cần trăm bạc để bù vào chỗ thua. Nhưng hễ cứ định ngỏ, thì nàng lại thấy có cái gì vướng ở cổ, không tài nào thốt ra được. Nhưng Cả Vịnh hiểu cái thắc-mắc của nàng. Y rủ ngay:
– À, nầy bà Phán, hay ta rủ chị Văn vào La-Khê đánh canh sóc dĩa. May ra biết đâu.
Bóng của đồng tiền lại thướt tha hiện ra.
Nàng muốn chết đi, nhưng còn làm bộ ngại:
– Vào tận La-khê cơ à?
Cũng như nàng, mụ ký vơ vào ngay:
– La-khê ở trong Hà-đông, đi một tí chứ bao nhiêu.
Thảo nói với mụ ký, nhưng là để bảo Cả Vịnh:
– Mình có tiền đâu mà vào tận La-khê.
Cả Vịnh đón ngay:
– Được, các bà cứ hay lo xa. Đâu có đó. Cứ đi…
Mụ ký hưởng-ứng ngay:
– Ừ, thế ta theo cậu Cả vào trong ấy đi. Phải đấy, phất canh sóc dĩa xem sao.
Thảo làm bộ lưỡng-lự:
– Nhưng đi bây giờ… bao giờ về được?
Mụ ký:
– Ối chào, «si-lô» chạy veo một cái là đến nơi.
– Thế lúc về?
Cả Vịnh xốc cổ áo:
– Về đã có xe của sòng.
Mười giờ đêm, nàng mới ở nhà mẹ về.. Long vẫn ngồi xem báo ở bàn. Thấy vợ, chàng lạnh-lùng, không hỏi han. Thảo biết chồng giận, nói lấy lòng:
– Cậu chưa đi ngủ cơ à?
– Chưa
Một cái gì chua xót chẩy trong mạch máu. Nàng trông Long, rồi thở dài:
– Tôi phải đưa tiền xuống dưới mợ hộ dì, thành-thử bây giờ mới về…
Long cũng vẫn không nói.  Chàng chỉ cúi xuống tờ báo.
Hối-hận làm cho Thảo nhận thấy sự khổ-sở của chồng. Nàng dịu dàng:
– Bà ấy nhờ, chả nhẽ không đi. Mà hễ gặp mợ, lại chuyện cửa chuyện nhà; dứt không ra..
Thực ra, ở La-khê về, nàng chỉ lại mẹ đưa tiền, rồi vội vàng về ngay.
Long mân-mê tờ báo; thở dài:
– Mợ không ăn cơm thì báo trước, đợi mãi.
Thảo hốt hoảng:
– Thế cậu chưa ăn à?
Sau khi Long lắc đầu, Thảo đứng ngẩn ra. Lòng nàng thấy hiện cả lên những hình quái-đản lúc ở một căn nhà hẻo-lánh ban nãy. Cái tiếng cười khanh khách của Cả Vịnh như tiếng két của cái cưa đang siết qua những khớp xương nàng. Nàng nhìn chồng, nhìn cái mặt vô tội của chồng, rồi bỗng một tiếng thét lên ở trong lòng: «Đồ khốn nạn! ». Tiếng rủa-sả của thiên-lương sau khi xác thịt đã bị nhơ nhuốc. Đồ vật trong nhà lúc ấy như quét sơn đen, tối cái tối ghê rợn của địa-ngục, quay cuồng, như sắp văng vào đầu nàng.Nàng lủi thủi vào bếp. Trông mâm cơm để trên «gác-măng-dê », nàng thấy hết cả những tội lỗi nàng phạm. Nàng vội múc một chậu nước, ấp khăn vào mặt, cho nó nhẹ bớt lòng đi.
Lúc nàng quay ra, Long đã mở cửa đứng ở ngoài hiên, nhìn các ngôi sao. Cái hành-động nhàn-nhã ấy chứng tỏ sự chán nản đến cùng cực của chàng.
Thảo thở rốc, nàng nhìn chồng, muốn òa lên khóc. Nhưng lại vội trấn-tĩnh ngay, nàng tự nhủ: «Khéo không Long nghi thì thật chết!»
– Cậu vào xơi cơm, tôi bảo nó hâm các món ăn rồi.
Mãi Long mới đáp:
– Thôi, khuya rồi…
Giá cái dấu chàm của tội ác chưa áp vào thân nàng như mọi lúc, nàng đã giây cà ra giây muống, gây sự ngay. Nhưng không, tội ác đã yểm bùa trên lưỡi nàng. Nàng không dám vùng vằng, chỉ nói như van lơn:
– Thế bảo nó đi mua gì để cậu ăn vậy nhé?
Long xưa nay có được vợ nói những tiếng dịu dàng như thế đâu. Chàng ngờ bà Phán đã mắng Thảo ban nãy, nên nàng đổi tính. Vốn chỉ là kẻ cần bình yên ở trong đời, Long không mong gì hơn. Chàng quay lại đáp vợ:
– Thôi, để đi ăn hiệu.
Thảo nghe nói phải ra phố, sợ lắm. Nàng sợ cái tịch-mịch của đêm khuya sẽ khuấy động lòng:
– Để bảo nó mua về cũng được, cậu ạ.
Đêm hôm ấy, ác-mộng khiến nàng hai ba lần giật mình. Hễ nàng chợp mắt, lại có một bàn tay móng nhọn và dài quào vào da thịt. Rồi nàng không thể nào ngủ được. Phút trằn-trọc này, nàng mới thấy thương Long, nàng mới thấy lời Bích đúng. Hối-hận kéo giùm cái màng đen tối nó vẫn bọc hồn nàng.
Sáng hôm sau, nàng dậy rất sớm. Từ khi lấy chồng, có lẽ sáng nay nàng dậy sớm là lần đầu.. Nàng thân-hành xuống đun nước và sai thằng bếp đi mua trứng gà về đập vào cháo.
Khi Long sắp đi làm, nàng bưng bát cháo lên, khói ngun ngút:
– Cậu ăn cháo đã rồi hãy đi, đập trứng rồi đấy.
Long húp những thìa cháo mát rượi cửa đời mình.
Lúc sắp đi, Long tươi tỉnh:
– Lúc về, tôi tạt vào Majestic lấy sẵn hai vé, mợ nhé! Horizons perdus hay lắm, mợ ạ.
Long vừa đi khỏi thì Bích đến:
– Chị!
– Bích đấy à!
Rồi nàng thở dài:
– Hôm nay ở đây chơi với Thảo nhé. Buồn lắm!
– Vâng, em định lại chơi với chị, đến chốc nữa về. Nhưng thôi cũng được, để em dặn thằng xe về bảo mợ em
Nàng gọi thằng xe:
– Mày về đi, nói với bà: tao ở chơi, chiều tao mới về.
Thảo vào bảo bếp đi chợ mua thức ăn rồi hỏi Bích:
– Bích ăn được tỏi chứ?
– Được, chị ạ.
– Để Thảo bảo nó làm nem ăn.
Rồi nàng kéo em ngồi xuống ghế:
– Không biết hôm nay tại sao nhớ Bích quá. Cũng toan lên chơi.
– Em cũng thế, em cũng thấy nao nao từ sáng.
Bỗng Thảo nói như khóc:
– Bích ạ, hôm nọ Bích về rồi, Thảo mới nghĩ ra. Bích nói phải đấy, hôm nào bà ấy đến, Thảo phải xin lỗi mới được. Không thì trong lòng nó làm sao ấy.
Bích nở một nụ cười sung sướng, ôm chầm lấy chị:
– Phải, chị cứ nghe em, có thế em mới yên tâm. Đấy rồi chị xem, mình có lỗi với ai, mình xin lỗi người ta, lòng mình sẽ nhẹ đi.
Thảo bâng khuâng:
– Thật ra, Thảo cũng khí quá. Giá bà ấy nó một vài câu, mình nhịn đi thì không đến nỗi mẹ con giận nhau.
Rồi thở dài:
– Lúc người ta tối tăm chẳng kể. Ai chả có khi lầm lỗi, phải không Bích? Nhưng không biết bà ấy có quên đi cho mình không?
– Em đã bảo chị cứ giữ hết đạo con, tự khắc thấu đến lòng mẹ.
 Ngừng một phút:
– Nhưng em nghĩ chị phải đến tận nơi mới phải. Đợi thì bao giờ bà Công-Thái đến.
Thảo gượng-gạo:
– Thảo sợ lắm, lại nhỡ bà ấy đuổi ra thì làm thế nào?
– Đuổi cũng không cần. Mình là con, đánh cửa trước luồn cửa sau. Cha mẹ đời nào bỏ được con cái. Chị cứ lạy xin, bà ấy sẽ nguôi ngay.
Thảo ngoan ngoãn nghe Bích như tín-đồ nghe thuyết kinh.
– Em tin lòng thành của mình sẽ thấu đến lòng các cụ.
Thảo vừa chẻ  rau muống, vừa ân-cần bảo em:
– Từ nay giở đi, Bích lại chơi luôn nhé. Thảo không chơi bời la cà nữa đâu. Từ giờ, ngoài Bích ra, Thảo không chơi với ai nữa. Bè bạn xấu chỉ tổ hư thân, chẳng ích gì.
Bích âu yếm ngẩng nhìn chị:
– Thế thì em bằng lòng lắm. Em sẽ đem vải lại đây may áo… và may cả cho chị nữa…
– May áo làm gì?
Bích cười một nụ cười say:
– Cho con… chúng mình chứ.
Thảo ngừng tay, hỏi em:
– Thế nghén rồi à?
– Không, nhưng đằng nào chả …
Rồi vội ngừng:
– Em may được một chục cái áo xinh xinh rồi cơ. Em lại đan cả mũ tầu bay nữa…
Thảo sung sướng cái sung sướng của em:
– Rồi Bích dạy Thảo đan nhé! Ngồi không buồn lắm.
Lại bốc lòng, Bích nói một hơi:
– Có buồn không thôi đâu. Nó còn đẻ ra lắm chứng nữa. Trăm người ăn dưng ngồi rồi đều hư cả. Mợ em vẫn bảo: «Nhàn cư vi bất thiện » Ngày trước giá chị nghe em, thêu thùa có phải không có thì giờ chơi bời với họ nữa không. Em cũng thích bạn lắm. Nhưng bạn với các cô vẫn lại đây với chị thì em chịu. Bạn bè là để giúp cho nhau những điều đức hạnh cơ chứ. Giao-du với người lông-lao rồi mình cũng bắt chước họ.
Như bị thôi-miên bởi cái hơi bốc ở tiếng nói của em, Thảo thần người. Nàng đáp chậm-rãi:
– Thôi, từ rày khép cửa phòng thu….
Bích ngồi xích lại gần Thảo:
– Cứ ở nhà một độ, rồi nó quen đi. Em sẽ lại đây hằng ngày với chị. Rồi em sẽ đem khuôn lại dạy chị làm các thứ bánh, vài tháng chị sẽ thạo ngay. Tưởng-tượng thỉnh thoảng rỗi, làm một vài thứ cho anh ấy, xem nhà cửa có vui-vẻ không nào!
Thảo cười:
– Thì vẫn thế, nhà không vui là tự mình.
– Để hôm nào em bảo Trung lại đây chơi với anh Long. Anh em trong nhà, hàng mấy tháng không gặp nhau, nó sơ tình đi,
– Ừ, mời Trung lại chơi.
– Mợ em vẫn bảo chị lười lắm. Hai ba tháng không thấy mặt. Cậu em cũng khen anh Long hiền lành.
Thảo xốc xốc rổ rau:
– Giá mọi hôm ai cho Thảo tiền Thảo chịu, không ngồi tỉ-mỉ được thế này.
– Mọi hôm chị còn đi «giao-thiệp », thì-giờ đâu ngồi nhà. Em thấy bác đến phàn nàn về chị, em khổ lắm. Có hôm, bác khóc với mợ em, rồi mợ em cũng khóc. Bác than thở việc cửa việc nhà, nhưng hay nói nhiều về chị. Mợ em cũng buồn lắm.
Thảo vùng đáp:
– Mai Bích lại đây đưa Thảo xuống mợ Thảo nhé, rồi lên dì nhé!
Rồi bâng khuâng:
– Thảo sẽ cố ăn ở lại, không đàn đúm nữa, để mợ Thảo và dì khỏi thắc mắc.
Lê Văn Trương
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...