Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

Nữ sĩ Anh Thơ - Sông Thương da diết tiếng tu hú

Nữ sĩ Anh Thơ - Sông
Thương da diết tiếng tu hú

Nữ sĩ Anh Thơ sinh năm 1918 tại thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Anh Thơ sáng tác từ sớm. Năm 17 tuổi với tập Bức tranh quê, bà được nhận giải Khuyến khích của Tự Lực văn đoàn. Anh Thơ tham gia Việt Minh từ năm 1945, từng là Bí thư Huyện Hội phụ nữ 4 huyện thời đó: Việt Yên, Lục Ngạn, Bắc Sơn, Hữu Lũng (tỉnh Bắc Giang), Ủy viên Thường vụ Tỉnh hội phụ nữ hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Bà đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Với những đóng góp của mình, nữ sĩ Anh Thơ đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007.Một số tác phẩm của bà: Bức tranh quê (thơ, 1939); Xưa (thơ, in chung, 1942); Răng đen (tiểu thuyết, 1943); Hương xuân (thơ, in chung, 1944); Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ, 1957); Theo cánh chim câu (thơ, 1960); Ðảo ngọc (thơ, 1964); Hoa dứa trắng (thơ, 1967); Quê chồng (thơ, 1979); Lệ sương (thơ, 1995); Hồi ký Anh Thơ (hồi ký, 2002, gồm 3 tập: Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng sông chia cắt)
Thuở ấy cả nước bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ nên hầu hết các tác phẩm văn nghệ tiền chiến bị “lùi lại” tuyến sau, không được phổ biến rộng rãi trong bạn đọc. Ngay cả cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân giới thiệu một thời đại trong thi ca ấy cũng chỉ nằm trong hệ thống sách nghiên cứu tham khảo phạm vi hẹp ở các khoa Ngữ văn của trường đại học Tổng hợp hoặc Sư phạm. Sau này, đọc lại Bức tranh quê của nữ sĩ Anh Thơ tôi mới biết thêm nhiều điều liên quan đến tập thơ.
Nào là chị phải viết vụng bố, nếu lộ ra bị ăn đòn. Nào là tập thơ đầu tay này được giải Khuyến khích của Tự Lực văn đoàn năm 1939 (cùng giải với Hoa niên của nhà thơ Tế Hanh). Nào là tập thơ viết đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông hầu hết gói gọn trong mười hai câu thơ… với những cảnh sắc xung quanh chị mà hồn vía người viết hòa vào hồn cây cỏ, đất trời… Không chỉ nghe thấy, nhìn thấy mà cảm thấy cái hồn sự vật của một tâm hồn khao khát muốn vươn ra, vượt khỏi hoàn cảnh tù túng, ngưng đọng, bế tắc đương thời. Biết bao nét đặc tả khêu gợi sống động trong tĩnh lặng của vùng quê xưa – đặc trưng của cảnh sắc đồng bằng Bắc Bộ – hiện ra ám ảnh tôi:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng – Đò biếng lười nằm mặc bến sông trôi – Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng – Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời… (trích Chiều xuân)
Bây giờ nhớ lại, những kỷ niệm về chị Anh Thơ còn tươi nguyên trong ký ức tôi. Hồi ấy vào năm 1966, Ty Văn hóa Hà Bắc tổ chức trại sáng tác cho các cây bút cộng tác với tạp chí Văn nghệ tỉnh. Trại đóng tại Liên Sơn – Cao Thượng – Tân Yên dưới những vạt dẻ đồi sum suê, nơi Ty Văn hóa sơ tán về đấy. Trại mời các nhà văn nhà thơ công tác ở trung ương có gắn bó với Hà Bắc về chấm bài trong đó có Nguyên Hồng, Kim Lân và Anh Thơ… Do không có điều kiện tham dự trại nhưng khi gặp các bạn viết cùng trang lứa, tôi được nghe đủ chuyện về sự tận tình của các “thầy, cô” góp ý nâng cao “tác phẩm” của cái thuở ban đầu bỡ ngỡ khi mới tập tọng sáng tác. Chị Anh Thơ đọc bài rất cẩn trọng, chi tiết, chị luôn quan tâm đến cái hồn của bài viết.
Có lẽ hơn ai hết chị hiểu sự khổ ải nhọc nhằn của nghiệp văn. Với ai tôi không rõ lắm nhưng với các cây bút Hà Bắc trưởng thành từ phong trào sáng tác lúc bấy giờ – trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhiều đều có chị nâng dắt, dìu đỡ: Anh Vũ, Trần Ninh Hồ, Trần Anh Trang, Nguyễn Thanh Kim…
Có lẽ bài thơ “nhập lòng” mà tôi biết được của nữ sĩ Anh Thơ chính là bài Tiếng chim tu hú. Tôi đã từng nghe chị tâm sự: “Lần ấy về thăm quê, khi đến vườn vải (gần Yên Dũng), chợt nghe tiếng chim tu hú da diết kêu, tôi bỗng nhớ lại những năm tuổi trẻ của mình. Ngày đó, có người con trai chưa kịp đến hỏi thì mình đã đi kháng chiến. Mình chỉ buồn mà thương người cha. Nỗi lo lắng cho đứa con yêu quá lứa nhỡ thì của ông thật chân thực. Lúc gặp ông ở vùng đồi Yên Thế, giữa mùa vải ông chỉ nhắc con gái “má hồng có thì”. Để yên lòng cha mình, an ủi ông, mình khổ mình già, nhưng còn bao em gái khác bị giặc bắt, đến ngày kháng chiến thành công sẽ hạnh phúc, vui tươi. Con có thiệt thòi nhưng bao cô gái khác sẽ hạnh phúc”. Rồi chị khe khẽ đọc:
Nắng hè đỏ hoa gạo – Nước sông Thương trôi nhanh – Trên đường quê bước rảo – Gió Nam giỡn lá cành/ Bỗng tiếng chim tu hú – Đưa từ vườn vải xa – Quả bắt đầu chín lự – Ngọt như nỗi nhớ nhà… (trích Tiếng chim tu hú) – Bắc Giang, 1954
Bẵng đi một thời gian dài tôi mới gặp lại chị Anh Thơ trên quê hương Bắc Giang mà chị gắn bó nhiều năm; khi in tập hồi ký văn học Từ bến sông Thương, chị nhắc đến với rất nhiều kỷ niệm và coi đó như khởi nghiệp văn chương của mình. Thời gian này để ghi nhận một đời văn nghiệp của chị Anh Thơ với thơ ca và chị là người hoạt động Cách mạng từ những ngày trứng nước, UBND tỉnh Hà Bắc tổ chức cuộc tọa đàm nữ sỹ Anh Thơ với bạn đọc, và giao cho hội văn nghệ tỉnh tổ chức tại phòng khách của tòa soạn báo Hà Bắc (nơi tôi công tác).
Duyên dáng trong tà áo dài trắng, chị Anh Thơ xúc động kể lại những năm tháng chị hoạt động công tác phụ vận ở huyện Yên Dũng, thăm trận địa pháo phòng không bảo vệ cầu Bắc Giang, thăm bạn bè cũ ở xóm Thùng Đấu, thị xã Bắc Giang thân thương thuở nào. Gặp lại tôi, chị vẫn ân cần thăm hỏi tôi như ngày nào, như một người chị đi xa về nhớ đến đứa em.
Có lẽ lần gặp cuối cùng của tôi với chị Anh Thơ trước khi chị mất khiến tôi nhớ mãi, day dứt mãi… Tôi đang biên tập bài ở tòa soạn báo Sức khỏe và đời sống thì nhận được điện chị Anh Thơ ốm bệnh. Tôi và vợ chồng nhà thơ Phạm Hồ Thu – Trần Quốc Thực đến thăm chị ở ngõ Văn Chương – nơi suốt ngày vọng lại tiếng còi tàu từ phía ga Hà Nội. Đi dọc cầu thang lên tới tầng 3 chúng tôi vào phòng chị. Trên bàn chị lúc nào cũng có hoa tươi. Do tuổi cao sức yếu nên chị cho thuê một cháu gái đến chăm nom, nấu cơm, giặt giũ.
Sau khi anh Dinh – người chồng chị hết mực yêu thương mất, chị quyết định từ miền Nam trở ra Hà Nội. Cẩm Thơ theo chồng định cư tại Pháp thỉnh thoảng có thư về thăm chị… Chị vẫn đọc đều thơ tôi và các tác giả quê Kinh Bắc trên tuần báo Văn nghệ. Chị nhắc lại kỷ niệm về các bạn thơ trẻ Hà Bắc, chẳng sót một ai. Chị mong có những sáng tác mới gửi chị, để chị được đọc, được chia sẻ cùng chúng tôi.
Chị Anh Thơ vẫn như ngày nào, vẫn hào hứng nhiệt thành, tâm sự như chưa hề biết tuổi già ùa đến với mình. Tiễn chúng tôi ra đầu cầu thang, chị Anh Thơ còn dặn: “Nếu rỗi đến với chị, có sáng tác thơ mới nữa thì càng hay”. Chị bao giờ cũng chí tình, nồng hậu mà thật thấu đáo. Tôi nhìn chị mà ứa nước mắt…
19/11/2019
Nguyễn Thanh Kim
Nguồn: PNTĐ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...