Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

Chế Lan Viên, "Nhân sư" của thi đàn Việt Nam

Chế Lan Viên, "Nhân sư"
của thi đàn Việt Nam

Trong phong trào Thơ mới (1932-1945), giữa một “rừng” thi nhân lãng mạn-cảm tính, thi sĩ có thế giới nghệ thuật thơ triết luận, nhiều suy tưởng lý trí, nhiều trăn trở tinh thần nhất là Chế Lan Viên (1920-1989).
Tên thật của Chế Lan Viên là Phan Ngọc Hoan, nguyên quán ở Quảng Trị, song nơi ông sinh ra và lớn lên là mảnh đất Bình Định. Vùng đất Bình Định vốn là kinh đô xưa của vương quốc Chiêm Thành. Phan Ngọc Hoan chọn một bút danh mang họ của người Chăm (họ Chế) và trong vũ trụ thơ của ông trước năm 1945, xuất hiện dày đặc số phận, địa danh, đặc trưng văn hóa, hình ảnh, sự kiện lịch sử của người Chăm. Chế Lan Viên là một bút danh, song đó cũng là một lựa chọn có tính chất phản kháng trí thức đối với chế độ cũ, trạng huống xã hội, tinh thần trong xã hội Việt Nam nửa thực dân-nửa phong kiến. Thông qua câu chuyện quá khứ, Chế Lan Viên muốn ngầm diễn đạt nỗi buồn chung nước mất nhà tan: Chiêm nương ơi, cười lên đi em hỡi!/ Cho lòng anh quên một phút buồn lo!/ Nhìn chi em chân trời xa vòi vọi/ Nhớ chi em sầu hận nước Chàm ta? (Đêm tàn). Sự nổi loạn, điên cuồng, ma mị, kinh dị trong thế giới thơ Chế Lan Viên giai đoạn Thơ mới (trước năm 1945) do đó cần xem xét như một phản kháng, đấu tranh xã hội qua thơ, bên cạnh xem xét dưới ảnh hưởng của những tư trào thơ ca hiện đại phương Tây như chủ nghĩa tượng trưng hay chủ nghĩa siêu thực.
Xuất hiện “như một niềm kinh dị” (nhận xét của nhà phê bình văn học Hoài Thanh) vào năm 17 tuổi, với tập thơ ám ảnh khủng khiếp “Điêu tàn”, Chế Lan Viên đã sớm cho thấy, mình là người dẫn đường cho Trường thơ Loạn ở Bình Định nói riêng, và sẽ sớm là đại diện đáng kể bậc nhất của phong trào Thơ mới nói chung. Trong tác phẩm “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình đầy quyền uy Hoài Thanh đã dành những lời nhận định ưu ái bậc nhất dành cho một nhà thơ trẻ, báo hiệu một tương lai đầy hứa hẹn trong thi giới: “Cái mạnh mẽ, cái to lớn ấy, những đau thương vô lý mà da diết ấy, cái thế giới lạ lùng và rùng rợn ấy, ai có ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mười lăm mười sáu tuổi. Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở giữa thế kỷ hai mươi, nó sừng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật”.
“Điêu tàn” xứng đáng là một trong những điểm mốc lịch sử, một thành tựu đáng kể bậc nhất của Thơ mới. Ở đấy, chúng ta dễ dàng tìm thấy những đặc trưng mỹ học của Thơ mới-thơ ca lãng mạn, với những đặc trưng phổ biến như cái buồn và cô đơn cá nhân, không lý do, mang tầm vũ trụ. Chế Lan Viên đã sáng tạo ra những thi ảnh đẹp và điển hình bậc nhất lịch sử Thơ mới: Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo (Những sợi tơ lòng); Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/ Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?/ Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau (Xuân). Nhưng, Chế Lan Viên cũng như những người bạn đồng hành trong Trường thơ Loạn (Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan…) đã đi xa hơn chủ nghĩa lãng mạn, để vắt một chân sang chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa tượng trưng. Thơ mới như vậy, là một trào lưu không thuần nhất, mà là sự hợp lưu của nhiều nhánh tư trào thơ phương Tây, trong đó, chủ nghĩa lãng mạn chỉ là dòng chính bên cạnh nhiều dòng phụ lưu khác.
Dưới ảnh hưởng của E.Poe (1809-1849, Mỹ), C.Baudelaire (1821-1867, Pháp), thế giới thơ “Điêu tàn” dày đặc những hình ảnh ma mị, những hình thức cảm giác ghê rợn: Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn/ Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi. Qua hệ thống hình tượng ma quỷ, yêu tinh, hồn, máu, xương, tủy, đầu sọ… Chế Lan Viên vừa thử bút trong một trường nghệ thuật mới, đột phá hẳn so với hệ quy ước mỹ học của thơ trung đại, nhưng qua đó, cũng thể hiện tính thời sự và thái độ phản kháng trí thức của mình một cách ngầm ẩn trước thực tại xã hội.
Điểm đáng chú ý trong thơ Chế Lan Viên ở giai đoạn này và cả những giai đoạn sau, đó chính là tính triết lý, ý thức riết róng về sáng tạo thi ca, quan niệm thi ca. Chế Lan Viên thuộc về số ít thi sĩ có ý thức về sáng tạo và quan niệm về sáng tạo rõ ràng, có hệ thống. Do đó, những tiểu luận và lời tựa của ông trong suốt sự nghiệp thường có ý nghĩa lý luận-phê bình văn học sâu sắc. Trong khi đa số thi sĩ sáng tạo bằng cảm xúc, bản năng, thì Chế Lan Viên có sự tìm tòi các lý thuyết, quan niệm của các tư trào văn nghệ phương Tây đương đại, từ đó kết tinh nên quan niệm và phong cách cá nhân của riêng mình. Lời tựa của tập “Điêu tàn” xứng đáng là lời tuyên ngôn nghệ thuật cho phái Trường thơ Loạn ở Bình Định: “Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý”…
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, hành trình thơ Chế Lan Viên có sự chuyển đường quyết liệt, dù không dễ dàng. Từ mỹ học Thơ mới sang mỹ học chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của thơ ca cách mạng, đó đồng thời cũng là sự chuyển đổi từ ý thức hệ tác giả, từ trí thức tiểu tư sản yêu nước, sang chiến sĩ cách mạng vô sản trên địa hạt sáng tạo văn chương. Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả/ Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn/ Trái cây rơi vào áo người ngắm quả/ Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?). Ở chặng đường nào, điều đặc biệt ở Chế Lan Viên, ông vẫn luôn là người dẫn đường và là người tiêu biểu bậc nhất. Ở mỹ học thơ ca cách mạng vô sản, có thể nói, phong cách thơ triết lý, đậm tính chất suy tưởng của Chế Lan Viên mới được định hình, thăng hoa. Nếu như trong “Điêu tàn”, Chế Lan Viên chưa thực sự tạo ra dấu ấn cá nhân trong tư duy thơ, nếu đem so với Bích Khê hay Hàn Mặc Tử, thì ở giai đoạn thứ hai của hành trình sáng tạo, Chế Lan Viên đã xác lập một vị trí riêng, độc đáo và độc nhất. Những người bạn đồng hành trong Trường thơ Loạn của ông đa phần dừng lại ở mỹ học lãng mạn, tượng trưng hay siêu thực, còn Chế Lan Viên vẫn tiếp tục “nhận đường” và chuyển đổi mỹ học sang một trào lưu mới. Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng/ Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi/ Tâm hồn anh là của đời một nửa/ Một nửa kia lại cũng của đời (Nghĩ về thơ II).
Khởi đi từ tập “Gửi các anh” (1954) và đạt đến đỉnh cao trong tập “Ánh sáng và phù sa” (1960), Chế Lan Viên đã đi trọn vẹn một cuộc hành trình thay đổi nhận thức cả trong thi ca lẫn thực tiễn hoạt động và tư tưởng chính trị. Ý thức hệ vô sản giờ đây là tư tưởng mới, quy định sự chuyển đổi của giọng điệu, thi pháp thơ, phong cách tác giả, tình cảm chủ đạo, hệ thống hình ảnh và cả nhân sinh quan, thế giới quan. Chế Lan Viên như thế, đã “lầm lũi vượt qua sa mạc siêu hình đi từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”. Tôi viết cho ai? Cho cả mọi người/ Nhưng, rất gần, cho những đứa em tôi/… Cho ai cũ thơ tôi làm ướt áo/ Nay họ về sưởi nắng thơ tôi (Nghĩ về thơ I). Tính triết lý, chiêm nghiệm trong thơ Chế Lan Viên được kết tinh điển hình nhất trong bài thơ nổi tiếng “Tiếng hát con tàu”: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa/ Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa/ Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, thi sĩ quay về với đời sống thường nhật với nhịp sống hòa bình, riêng tư. Do đó, lúc này âm hưởng sử thi hoành tráng trong thơ Chế Lan Viên được thay bằng giọng suy tưởng, trầm tư, dưới cảm quan của góc nhìn đời tư thế sự. Nhà thơ vẫn duy trì phong cách triết lý, chiêm nghiệm của mình trong những tập thơ quả ngọt cuối mùa như “Hoa trên đá”, “Ta gửi cho mình” và đặc biệt là bộ ba “Di cảo thơ”. “Giọng cao bao nhiêu năm, giờ anh hát giọng trầm/ Tiếng hát lẫn với im lìm của đất/ Vườn lặng im mà thơm mùi mít mật/ Còn hơn anh rồ giọng hát vang ngân” (Giọng trầm). Dù vui hay buồn, dù lạc quan hay bi quan, đó cũng đều là những cung bậc tình cảm chân thật, đời thường và tất yếu mà mọi con người đều phải trải qua, khi đi trọn vẹn một hành trình sinh-lão-bệnh-tử. Chế Lan Viên vẫn luôn xứng đáng là nhà thơ trí tuệ, triết luận tiêu biểu nhất của thi ca Việt Nam thế kỷ 20. Chế Lan Viên, với tôi, nhà nhân sư của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Nhân sư có nguồn gốc từ trong thần thoại Ai Cập. Người dân sông Nile đã xây dựng những bức tượng nhân sư khổng lồ để làm vị thần cai quản cho các kim tự tháp (lăng mộ của các Pharaoh), canh gác những ngôi đền thiêng, hay nắm cửa ngõ vào những thành phố. Nhân sư là vị thần có hình dạng kỳ lạ, có thân sư tử và đầu người, có thể có thêm cánh chim ưng. Nhân sư là biểu tượng của trí tuệ, những hiểu biết lý tính uyên nguyên của tự nhiên. Chế Lan Viên trong sự nghiệp thi ca vắt dài hơn nửa thế kỷ (54 năm), đã viết những vần thơ trí tuệ, triết lý. Dấu ấn và vị thế của ông để lại đối với Thơ mới, thơ ca kháng chiến và thơ ca Việt Nam sau năm 1975 là luôn ở vị trí tiên phong, là tiêu biểu bậc nhất. Một thi sĩ đã luôn quên mình vì nghệ thuật, vì nhân dân, và vì sáng tạo như câu thơ nổi tiếng trong bài “Nhật ký một người chữa bệnh”: Tôi đâu dám tủi buồn quên nhiệm vụ/ Mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình.
Nhà thơ Chế Lan Viên, tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20-10-1920, nguyên quán tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông từng giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.
Chế Lan Viên là tác giả của hơn 30 tác phẩm gồm thơ, văn xuôi, tiểu luận phê bình văn học. Tiêu biểu như: Các tập thơ: “Điêu tàn” (1937), “Gửi các anh” (1954), “Ánh sáng và phù sa” (1960), “Hoa ngày thường – Chim báo bão” (1967), “Những bài thơ đánh giặc” (1972), “Đối thoại mới” (1973), “Hoa trước lăng Người” (1976), “Di cảo thơ” (3 tập, 1992, 1993, 1995)…; các tập văn xuôi: “Vàng sao” (1942), “Những ngày nổi giận” (1966)…; các tập tiểu luận phê bình văn học: “Nói chuyện thơ văn” (1960), “Vào nghề” (1962), “Suy nghĩ và bình luận” (1971), “Bay theo đường bay dân tộc đang bay” (1976), “Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân” (1981)…
Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (1996) với cụm tác phẩm: “Ánh sáng và phù sa”, “Hoa ngày thường – Chim báo bão”, “Những bài thơ đánh giặc”, “Đối thoại mới”, “Hoa trước lăng Người”.
8/5/2022
Phan Tuấn Anh
Nguồn: QĐND/VANVN
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...