Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

Chú Việt Phương

Chú Việt Phương

Trong tác phẩm Những khoảnh khắc sống do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành, Tiến sĩ Lê Kiên Thành có viết rằng: “Chú Vũ Khoan kể: Vợ Việt Phương, cô Tú Lan, tổng kết cuộc đời chồng rất tài tình: người mà anh làm việc lâu nhất là anh Tô, người mà hay hỏi và hay nghe anh nhất là anh Tư Trinh (Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), người thương anh nhất là anh Ba”… Xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Lê Kiên Thành về một trong những nhà thơ lớn và độc đáo của nền thi ca Việt Nam hiện đại với những câu chuyện thú vị…
Nhà thơ Việt Phương (1928 – 2017) tên thật Trần Quang Huy sinh trưởng ở Hà Nội. Tập thơ “Cửa mở” của ông xuất bản vào năm 1970 đã trở thành một hiện tượng văn học, một sự kiện xã hội vào thời điểm đó. Năm 2023, tập thơ “Cửa mở” đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Tôi nghe tên chú đã lâu, biết vài câu thơ rất đặc trưng của chú, vài câu chuyện liên quan đến chú, nhưng mãi sau này khi nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Vietnamnet mời tôi tham gia Tổ tư vấn của báo (lúc ấy rất nổi tiếng bởi trang Tuần Việt Nam) tôi mới có dịp tiếp xúc và nói chuyện nhiều với chú. Chú hiền lành, nhẹ nhàng, khiêm tốn và am tường đến mức ở cạnh chú người bình thường luôn nghĩ mình đang làm chú ngạc nhiên còn người thông minh bỗng thấy sao những điều mình biết thật nhỏ bé. Có lẽ vì những tố chất đặc biệt đó, trong cả những lúc lý tưởng chú theo đuổi là mãnh liệt nhất, trong sáng nhất, chú vẫn nhìn thấy ở đó những gì là ấu trĩ, những gì là khiếm khuyết, là ngây thơ:
“Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa
Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương
Đã chọn đường đi chẳng ai dừng ở giữa
Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường.
Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”
(Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi)
Nói ra những điều đó chú không phê phán, không bôi nhọ mà chỉ cảnh tỉnh chính mình, cảnh tỉnh đồng chí mình và quan trọng hơn hết, chỉ ra rằng chúng ta chẳng việc gì phải sợ những biến dạng của tư tưởng khi chính chúng ta nhìn thấy rõ nó.
Thế nên chú mới dám viết: “… ta mở toang cửa sổ nghe đài địch…” trong khi đó là một điều cấm kỵ. Có lẽ chú là một người cộng sản say sưa, chân tình và hồn nhiên nhất mà tôi được gặp.
Thật không may vì tấm lòng trong sáng được thể hiện một cách dũng cảm đó mà có lúc chú đã bị hiểu sai, bị quy là tư tưởng có vấn đề. Chú Vũ Khoan (nguyên Phó Thủ tướng), chú Đống Ngạc (nguyên Thư ký cho ba tôi – cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) đều kể rất giống nhau câu chuyện dưới đây:
Sau khi tập thơ Cửa mở ra một thời gian, chú bị thôi làm Thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức một cuộc họp để xem xét hình thức kỷ luật. Tới cuộc họp mọi người ngạc nhiên khi thấy thông báo đồng chí Lê Duẩn sẽ dự (thông thường những cuộc họp với nội dung như thế ông không bao giờ tới). Ông phát biểu rất lâu (hơn 2 tiếng) về vấn đề văn hoá, văn nghệ trong thời kỳ hiện tại. Cuối cùng chỉ kết luận: “Chuyện của anh Việt Phương, nếu các anh không để làm cho anh Tô (Phạm Văn Đồng) nữa thì đưa về làm cho tôi nhé!” Thế là hết, chẳng ai phát biểu gì thêm về việc nên kỷ luật thế nào nữa.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng sách “Những khoảnh khắc sống” cho tác giả – Tiến sĩ Lê Kiên Thành và họa sĩ Thành Chương
Khi đọc lại cuốn Cửa mở, tôi thấy có câu chú viết lúc đó, rất phục những tấm lòng của người Nam Bộ đối với lãnh tụ, vô cùng chân tình, vô cùng giản dị: “… các má gọi: thằng Ba vô đây uống nước mầy!” Và tôi hiểu được sự đồng cảm giữa hai con người đó.
Chú Vũ Khoan kể: “Vợ Việt Phương, cô Tú Lan, tổng kết cuộc đời chồng rất tài tình: người mà anh làm việc lâu nhất là anh Tô, người mà hay hỏi và hay nghe anh nhất là anh Tư Trinh (Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), người thương anh nhất là anh Ba.”
Một lần, ngồi cạnh chú trong cuộc toạ đàm nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nghe mọi người phát biểu trên diễn đàn, tôi hơi buồn, quay sang nói với chú: “Để hiểu ba cháu có lẽ vừa phải có trình độ nhưng lại vừa phải có tình cảm, chú ạ!” Ông nhìn sâu vào mắt tôi, siết nhẹ bàn tay đang nắm chặt, nói: “Ba đối với chú là một người cha, cháu ạ!” Và hai dòng nước mắt tuôn trên gò má đã nhiều nếp nhăn của chú.
Sau này, chú và nhiều nhân sỹ nổi tiếng tham gia rất tích cực trong Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Con người đã viết lên những dòng cháy bỏng, tha thiết:
“… Đảng là sức đau tận cùng nỗi đau người nghèo khổ
Sức dâng của nước và sức bừng của lửa
Đảng là chuỗi hy sinh nhận tự buổi đầu
Không hỏi bao giờ giới hạn ở đâu
Đảng là khi trên nền nhà cuối cùng sau trận càn còn cháy dở
Sức mạnh và niềm tin dấy lên từ ba người họp lại thành chi bộ
Đảng là một sáng mùa thu chói loá Ba Đình
Bốn nghìn năm trẻ lại phút hồi sinh…”
thì mãi mãi phải là một trí thức – đảng viên chân chính.
5/2/2024
Lê Kiên Thành
Nguồn: Trích từ sách Những khoảnh khắc sống
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hắn 0000

Hắn 1. Hắn Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như nở ...