Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Nhà thơ Dư Thị Hoàn: Sổ lồng đầy thương tích và hót lên

Nhà thơ Dư Thị Hoàn: Sổ lồng
đầy thương tích và hót lên

Vừa mới bước qua năm đầu của thời kỳ đổi mới, đấy là năm 1987. Dư Thị Hoàn lần đầu xuất hiện. Giới văn chương xôn xao hỏi nhau: Có con bé nào khá quá, lần đầu tiên lên báo Văn Nghệ, mà lại chơi luôn một chùm thơ, những ba bài.
Người ta tấm tắc là có lý do. Thời ấy, bản thảo thơ xếp hàng dài ở các nhà xuất bản. Nhiều năm mới được biên tập được in. Thâm niên làm thơ vài chục năm, danh tiếng đã có trên báo chí, nhưng khi in thì chỉ được in nửa tập. Phải đứng chung với một nhà thơ khác. Kém danh hơn thì phải in chung với vài ba nhà thơ trong một tập. Báo Văn Nghệ như một cửa ải, vui thì bảo như vũ môn, vượt qua được vũ môn ấy thì cá chép hóa rồng. Hầu như các nhà thơ danh tiếng chỉ được in mỗi lần một bài. Đúng một bài. Phải là những Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông… hoặc mấy nhà thơ hàng đầu thời chống Mỹ mới có thể in nổi một chùm ba bài.
Dư Thị Hoàn trong một ngôi chùa ở Udon Thani, Thái Lan năm 2006.
Thế mới bất ngờ khi một cái tên vừa lạ vừa quê vượt rào lên hẳn ba bài. Dư Thị Hoàn. Bước chân chậm, Trong bệnh viện tâm thần, Viên mãn. Bài nào cũng tiết lộ một hoàn cảnh, một tâm trạng. Người đàn bà ở trong bệnh viện tâm thần, được khám chữa chu đáo, uống những viên thuốc đắt tiền, người nhà yên tâm khi thấy chị đã dịu xuống. Tức là chuyện một người điên chứ còn gì. Nhưng mà người điên ấy lại thầm nghĩ như thế này:
Tôi sẽ khỏi bệnh
Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy
Không cần bác sĩ
Không cần những viên thuốc đắt tiền
Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến
Một nhành hoa dại thôi!
Người điên mà nghĩ được như thế, không nói ra lời, thì hóa ra cô ta đang cười tất cả những người ân cần rối rít xung quanh. Một phương thuốc đơn giản nhưng không dễ kiếm. Một cách xử sự dễ hiểu nhưng không phải người thân nào cũng hiểu. Người điên kia không điên một chút nào.
Cả ba bài thơ đều chất chứa những nỗi niềm. Đọc cả ba bài thấy hiện ra một nhân vật tiểu thuyết. Cả chùm thơ như tiểu thuyết. Nhân tiện đến báo Văn Nghệ, tôi hỏi về tác giả. Nhiều người cũng đã đến hỏi. Một nhà thơ làm biên tập oang oang trả lời: Đấy là một con mẹ điên. Ngôn ngữ miệng thì vậy, nhưng giọng điệu và thái độ của anh thì phấn khởi, có chút hãnh diện. Mấy khi sản phẩm biên tập của anh được độc giả quan tâm như thế.
Bắt đầu từ đó, thơ Dư Thị Hoàn thỉnh thoảng lại xuất hiện. Lại gây sốc. Độc giả quen với món mượt mà uyển chuyển trôi chảy không chịu được thơ chị. Quen với cái gọi là hồn hậu dịu dàng nữ tính không chịu được thơ chị. Chị vượt thoát cái lồng quen thuộc người ta ép thơ vào giam cầm thơ trong ấy. Người ta ngại cái sinh vật sổ lồng đầy mình thương tích hót lên một thứ tiếng chẳng giống ai.
Nhưng người hào hứng chào đón thơ Dư Thị Hoàn lại nhiều hơn. Không khí bắt đầu đổi mới rất thuận cho thơ chị. Những người yêu thơ chị lúc ấy được quyền lên tiếng. Nhiều nhà báo bây giờ, khi ấy là sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, vẫn còn nhớ chị như một ngôi sao trong đêm thơ đổi mới, khi đến giao lưu với sinh viên. May cho chị đã xuất hiện đúng thời. Bây giờ thì thơ ấy không quá lạ. Còn trước và sau đấy khoảng dăm năm, khó.
Quả là những bài thơ như thế này dứt khoát chỉ có thể ra đời trong môi trường thuận lợi của thời đổi mới:
 
Tan vỡ
 
Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ
Bút viết xong không đậy nắp bao giờ
Ôi anh yêu, lơ đãng đến là
Con nai rừng của em…
 
Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh không cài lại khuy áo ngực cho em.
Thật là nữ tính. Cái điều khó nói thẳng được ra với người đời, nhà thơ phải dùng đến phương tiện tinh tế là thơ. Để nhắc nhở. Muộn rồi thì nhắc nhở người khác. Nhắc người con trai bản tính không chu đáo chẳng hạn. Mấy ai tin được rằng chỉ là tính xổng xểnh không đậy nắp bút, không đóng ngăn kéo, lại dẫn đến những tan vỡ tình cảm, đến những tan vỡ khác lớn hơn. Giọng thơ thành thật thẳng thắn này khiến người đọc tin.
Thời kỳ Dư Thị Hoàn xuất hiện nhiều nhất trên báo chí, tôi đang ở Ấn Độ. Thỉnh thoảng gia đình gửi sang cho một tập báo Văn Nghệ. Trong những tờ báo đến muộn có bài thơ Nhà cười của Dư Thị Hoàn:
Tất cả đều biến dạng
Méo mó
Mọi người đều hóa hình
Quái gở
 
Người ta tung tiền vào đây
Cốt để phá lên cười
Cười khoái trá
Cười rũ rượi
Cười quên hết sự đời
 
Còn tôi
Tình nguyện vào đây
Để khóc
Không chỉ cho một mình tôi.
Tôi đã dịch bài thơ này ra tiếng Anh và tiếng Hindi, in trong tạp chí sinh viên của Học viện. Lại còn tự tay vẽ minh họa. Lại còn đọc lên trước cả nghìn thính giả trong Liên hoan Thơ Quốc tế ở thành phố Hyderabad, miền nam Ấn Độ. Tôi gửi cuốn tạp chí sinh viên ấy về nhờ nhà thơ Vân Long tìm chuyển cho tác giả. Lúc đó mới biết Dư Thị Hoàn là vợ một nhà thơ ở Hải Phòng.
Phải đến năm 1995, cái không khí nô nức thơ ca một thời kia hơi lắng, tôi mới gặp Dư Thị Hoàn. Lần đầu tiên. Đại hội Nhà văn Việt Nam tại hội trường Ba Đình. Cảm tưởng như thế nào nhỉ? Nói như một nhà văn, khi gặp Dư Thị Hoàn để phỏng vấn: Mình ngồi chờ một bà Tàu, nhưng người đến lại là một bà Tây. Lúc gặp chị tôi cũng nghĩ như vậy. Nhỏ nhắn, hồi trẻ chắc là be bé xinh xinh. Vui vẻ linh hoạt. Quan trọng là… không điên.
***
Dư Thị Hoàn là người Hoa. Thuần chủng. Ông bà cha mẹ chị là người Hoa. Cả cộng đồng chị sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng là người Hoa. Trong một chuyến đi chơi mà chị tự nhận vai trò hướng dẫn viên, tôi đã đến quê ngoại chị ở Phật Sơn, chỉ cách thành phố Quảng Châu khoảng ba chục cây số. Thành phố nổi danh đồ gốm. Quê hương người hùng Hoàng Phi Hồng. Một cái tổ miếu có chương trình biểu diễn võ thuật làm say mê đến mức về Hà Nội tôi phải mua hết các DVD phim về Hoàng Phi Hồng để xem.
Hai mươi mốt tuổi, cô gái Hoa lấy chồng người Việt. Anh giáo Trọng dạy văn chương Việt Nam trong trường người Hoa. Anh ba mươi tuổi. Cao 1,70m nặng có 34 kg, đúng chuẩn một người mẫu chân dài. Đen đủi gầy đét thiếu ăn. Anh đang thời kỳ bị ho lao. Nhưng anh giảng Truyện Kiều thì hút hồn. Mắt anh sáng quắc, tay anh vung lên hạ xuống, khi hùng biện lúc xót xa. Nhờ anh mà cô Oanh Nhi, tên thật của Dư Thị Hoàn, biết có một nền văn chương Việt Nam. Cộng đồng người Hoa của cô không biết gì về văn chương Việt Nam. Anh vô tình dùng Truyện Kiều mà thu phục cô. Hai người yêu nhau. Tổ chức trường nhắc nhở anh lựa chọn giữa phấn đấu trở thành đảng viên và lấy vợ. Anh chọn lấy vợ. Gia đình cô khuyên răn van nài đe dọa. Cô chấp nhận tất cả để theo anh (tôi trêu chị: theo chuẩn mực xã hội ngày ấy thì chị là một “con bé hư”, “bỏ nhà theo giai”). Cặp uyên ương hay đèo nhau bằng chiếc xe đạp cà tàng không gácđờbu, cô phải ngồi trên cái gióng ngang phía trước. Một anh bạn nhà thơ hóm hỉnh miêu tả: quỷ sa tăng đèo chúa hài đồng trên chiếc khung cửi gẫy. Hai vợ chồng dừng ở hiệu chữa xe đạp, ông thợ nhắc anh chồng: Bác bảo cháu nó vào trong nhà, đừng đứng ngoài nắng!
Thời chiến. Hiểm nguy kèm bao nhiêu khó khăn. Anh giáo Trọng đã đổi nghề thành nhà thơ Trịnh Hoài Giang, làm việc ở Hội Văn nghệ thành phố cảng. Oanh Nhi làm nhiều nghề. Công nhân lọc dầu nhà máy cá hộp, thợ tiện nhà máy đóng tàu. Năm 2005, trả lời phỏng vấn một đài phát thanh Mỹ, Dư Thị Hoàn kể khi ấy chị là đội phó đội văn nghệ nhà máy, hay ca hát, múa, cả đóng kịch nữa. Nhóm diễn viên Đoàn Kịch nói Trung ương xuống tận nhà máy mở lớp huấn luyện, chị đã học dựng tiểu phẩm ngay trên nền cát trong xưởng đúc gang. Tập tự vệ, thi bắn đạn thật, ba phát đầu tìm cua, ba phát sau tìm cò, chẳng phát nào trúng bia, chị được nghỉ luôn, chuyển sang dựng tiết mục ca múa nhạc phục vụ công nhân, tự vệ, bộ đội, ở các trận địa đà nổi, ụ pháo ụ súng trong thành phố. Đến bây giờ chị vẫn thích đi guốc cao gót, thói quen tập luyện từ… thời chiến. Tập múa, người thấp, thế là tập đi guốc cao gót đến sưng chân. Mãi thành quen, chị có thể đi guốc cao gót bảy phân gánh nước, leo trèo, nhảy nhót thoải mái. Chị cũng đoạt huy chương vàng Liên hoan Văn nghệ Quần chúng Hải Phòng năm 1965 bằng tiết mục tuồng Tàu Ông già đi hội, một mình chị diễn cả hai vai, ông già cõng cô vợ trẻ trên lưng. Hát múa tiếng Hoa, có người cầm micrô dịch lời. Tiết mục được biểu diễn phục vụ nhiều lần tại quán thủy thủ cảng, hội diễn ngành giao thông vận tải, hội diễn thanh niên xung phong toàn quốc tại nhà hát lớn Hải Phòng.
Nhiều năm trước, chương trình Chuyện lạ Việt Nam trên truyền hình đưa tin nghệ sĩ Đàm Liên là người biểu diễn Ông già đi hội có số lần nhiều nhất và sáng tạo nhất. Dư Thị Hoàn cho rằng Đàm Liên có số lần biểu diễn nhiều tại Việt Nam thì đúng. Còn vở diễn ấy xuất xứ từ Trung Hoa những năm 30 của thế kỷ trước, tên là Ông câm cõng cô què, rất nhiều nghệ sĩ tài ba ở Trung Quốc đã diễn tuồng này ở cả trong nước lẫn nước ngoài, bản gốc còn nhiều tình tiết phong phú hơn, động tác khó và phức tạp hơn. Cô Oanh Nhi (Dư Thị Hoàn) từng đóng cả hai vai cõng nhau leo lên từng bậc thang trên chiếc cầu nhỏ, nhiều pha diễn động tác hụt chân ngã làm cho khán giả thót tim, nhiều lần cả nhà hát đứng lên vỗ tay yêu cầu diễn lại đoạn gay cấn.
Có lần hút chết vì bom. Có lần bị tai nạn lao động. Chị phải nghỉ việc, ra buôn hàng ở chợ Sắt. Từ đồ sắt đồ kim loại, cho đến hoa quả, thuốc tây, vải vóc quần áo. Thiếu đói. Nuôi hai con với một anh chồng tính nghệ. “Tôi chỉ đẻ có hai mà phải dạy những ba”. Nhờ chồng giúp việc nhà, nhoáng một cái đã mất hút. Đi tụ tập thơ phú ngâm vịnh ở đâu đâu. Dặn chồng buổi trưa đến trường đón con về, cho con ăn, thế mà buổi trưa thấy con nhỏ mếu máo ra mách không ai cho ăn, bố thì đã đến cơ quan tiếp khách trung ương mới xuống. Chính chị cũng đang đói đang rét, mặt xám môi thâm, đi chợ chỉ kịp trùm một cái khăn. Chị đã quá rõ cái kiểu tiếp khách công tác kia. Một cơn uất cơn điên đột ngột. Chị nhảy xích lô đến trụ sở Hội Văn nghệ. Y như rằng. Mấy anh em trong cơ quan đang nhậu nhẹt, lạc rang mực khô bia rượu đầy bàn chứ khách khứa nào đâu? Chị lao vào giữa mâm rượu. Đám đàn ông bỏ chạy hết. Ông Trọng chạy vào nhà một ông bạn trong khu tập thể cơ quan, vái bạn cho chỗ nấp: Mày cứu tao, mày cứu tao. Đấy là lúc chị đại náo thiên cung. Tướng hầu lanh tanh lách tách, chị nhảy thách lên vớ cái gì đập cái ấy. Mâm bát, bàn ghế, lọ hoa, khung ảnh… suýt nữa đập nát cả chiếc dương cầm góc nhà. Sau đó là một thời gian đi điều trị tâm thần. Một thời gian trong nhà phải dùng toàn đồ nhựa, không dám dùng đồ dễ vỡ. Hoàn cảnh ấy về sau chị viết lại trong chùm thơ đầu tiên.
Đấy là những tháng ngày cùng quẫn bệnh tật. Nhà cửa tan hoang. Chính là thơ, cái mà chị căm giận nhất, lại đến và cứu vớt chị. Trong cơn tuyệt vọng chị đã ngồi làm thơ. Năng khiếu thơ và tất cả quan niệm về thơ của chị đã chọn thời điểm cay đắng bệnh tật mà bộc phát. Ông nhà thơ một hôm trở về giữa cảnh nhà lạnh, người vợ ốm đau gục đầu ngủ bên bàn viết. Ông tưởng vợ viết đơn ly dị. Ông nhặt những tờ giấy trên mặt bàn, dưới đất. Ông đọc. Rồi ông run lên: Em ơi, đúng rồi, như thế này mới đúng là thơ.
Chị không lấy tên mình làm bút danh. Vương Oanh Nhi là tên cha mẹ đặt. Cái tên không văn, mà giống như nghệ danh của cô ca sĩ cô người mẫu. Hoàn là những chữ cái trong chữ Oanh, xáo trộn trật tự đi một chút. Dư Thị Hoàn là cái Oanh thừa. Người thừa. Nhà phê bình văn học Văn Tâm phải viết: “Thưa nhà thơ Dư Thị Hoàn! Chị không thừa đâu! Chị cần cho đời” (*).
Thơ vực Dư Thị Hoàn dậy đúng vào thời đổi mới. Công việc sinh nhai của chị cũng được hồi sinh nhờ thời đổi mới. Chị lao vào làm kinh tế. Đại diện cho những công ty Trung Quốc làm ăn ở thành phố cảng Hải Phòng. Chị lập công ty riêng, buôn bán, mở xưởng làm bao bì thực phẩm và tư vấn du lịch Trung Quốc. Nhiều bạn bè văn chương nhờ theo chị trong những chuyến đi mà hiểu thêm về văn hóa Trung Hoa. Một tay gây dựng cơ đồ. Tạo dựng cơ ngơi cho hai con trai, cho chính mình, đang làm ăn phát đạt thì chính chị dừng lại. Biết đủ là đủ. Không biết đủ thì mấy cũng không vừa. Chị từng học trường viết văn Nguyễn Du. Học được một thời gian rồi xin nghỉ. Người đàn bà lúc nào cũng phải chuyển động. Ngồi yên một chỗ, làm yên một việc không phải là thói quen của chị. Đang làm cái này, thấy cái khác hay hơn. Bỏ. Bỏ ngay. Đi làm cái khác. Nhận lời sang làm đại diện ở cảng vụ Hồng Kông một năm, năm 2004. Đi được mấy tháng đã thấy bỏ về. Tư trang sách vở mấy năm sau vẫn còn gửi ở bên ấy, chưa sang lấy lại. Hẹn gặp bạn bè mười hai giờ trưa trong một quán ăn ở Hà Nội. Tận đến mười hai giờ trưa thì gọi điện: Bỗng nhiên không có hứng nữa, tớ nhảy xe khách về Hải Phòng đây. Người ta hỏi: Bà này làm sao thế nhỉ? Không ai lấy làm lạ. Đi với chị nhiều chuyến du lịch sang Trung Quốc sang Lào, tôi đã quen cái tính của chị, thích đi là đi, thích đổi hướng là đổi hướng. Quen thì không ngạc nhiên. Những phản ứng bất thần, những hành động đột ngột. Có khi không chỉ gây khó xử cho chị mà người thân cũng bị rơi vào thế lúng túng. Ai mà nói được chị? Có nói, chắc chắn nhiều phần quý bà sẽ làm ngược lại. Nhưng chuyện xong rồi thì cũng ngộ. Bản thảo đầy lỗi chính tả. “Ôi, chính tả là tội lỗi của cái người đàn bà Tàu này”. Hành động bất thần. “Ôi, chỉ có hai người trong làng văn biết rõ cái dở của tớ”, một là ông xã, hai là một cậu em đồng nghiệp.
Con người nhỏ bé, nhưng một khi lao vào những cuộc xê dịch thì quả quyết. Mọi năng lượng được huy động tối đa cho một cỗ máy lao đi phăm phăm. Trong công viên giải trí Hoan Lạc Cốc ở Thâm Quyến, chị vấp ngã, trán vập vào gờ tường, máu phun ra. Người ta chở chị đến bệnh viện thành phố cấp cứu. Chúng tôi chắc mẩm đêm ấy phải cắt ngắn chuyến đi, đưa chị ra máy bay về Hà Nội. Không. Chỉ vài giờ sau chị tỉnh lại. Trán được khâu mấy mũi kim, chị lại chuyện trò hỏi han giám đốc trung tâm. Người nhà ở địa phương xui, đòi bồi thường bảo hiểm được khối tiền. Thôi. Giám đốc Hoan Lạc Cốc hóa ra là người Tây An, đồng hương với nhà văn Giả Bình Ao. Chị lại còn hẹn với anh ta lần sau sẽ đi thăm Tây An. Vừa tai nạn xong, tối lại cười nói bình thường như không. Nhắc uống thuốc thì cứ hờ hững. Chết được đã tốt.
Nhiều chuyến đi trên đường, chị gây sốc bằng những tai nạn hoặc những cơn ốm. Làm mọi người sốc một lát, lát sau chị lại bình thường. Mò đến tận xứ bồ đề đất Phật ở Ấn Độ. Đến tận xứ Phật đản ở Nepal. Hiếm nơi nào yên bình như cái chốn Phật ra đời dưới chân dãy Himalaya này. Người đàn bà xốc vác vào chùa kể cũng có điều bất tiện. Nhưng chị cũng yên ổn được mấy tháng trời. Theo học cả một lớp thiền định trong chùa Thiếu Lâm của người Trung Quốc đặt tại đất Phật. Chị bảo xứ ấy như thiên đường. Giá không phải về thì tốt. Mình không có duyên gửi xác bên sông Hằng!
Sau đó Dư Thị Hoàn tìm được nơi bình yên cho tâm trong một ngôi chùa ở Đồng Nai. Mỗi năm mấy tháng, chị sang Úc chăm sóc cháu nội cho con trai và con dâu chuyên tâm làm việc. Những tháng còn lại, về Việt Nam là chị vào ngôi chùa ở Đồng Nai. Chị đã chịu ngồi và bằng lòng với cái ngồi ấy. Người đàn bà ấy đã có được chốn bình yên, có lẽ.
Một lần mấy nhà văn Việt Nam và nước ngoài cùng đi chuyến xe buýt từ Đồ Sơn về Hải Phòng. Anh lái xe hỏi vóng lại: Chị Nhi ơi, chị còn làm thơ nữa không? Chị cười: Chú mày nhầm, em gái tao làm thơ đấy chứ. Tao đi buôn, thơ phú gì.
Thơ Dư Thị Hoàn ngắn gọn chắt lọc. Những năm gần đây thơ chị càng kiệm lời, mà chị cũng làm thơ ít đi. Chắc phải đi tìm một cái gì mới hơn cho chính mình. Thơ cũng đã chuyển, bớt nệ tứ mà tứ đã tan trong cảm xúc, thấp thoáng mơ hồ. Một số bài gia tăng sự ngẫm ngợi chất thiền.
Nghiệp chướng
Đứa con ta sinh
Đâu hồn đâu phách
Diện mạo như nước chảy
Tính tình tựa gió mây
Ta nhận ra con
Bởi vầng hào quang
ai oán
Một đêm với cõi
Động mùa sao rụng
rơi trăng.
Chị bắt đầu tìm hiểu nhiều thứ, văn hóa Chăm chẳng hạn, không phải vì nó là của độc mà như tìm trong ấy những nỗi niềm của chính mình. Có thể chị sẽ viết những gì đó, kiểu như tiểu luận, nhưng đã có những bài thơ như thế này:
Nơi dĩ vãng
Mặt hồ đen
Không gian chìm xuống đáy
Gió dừng trên quả đồi
Tiếng dế gọi…
Trăng lên
Dường như thế
Và như thế
Thiếu phụ ngồi trong đêm
Cây tháp bên bờ hoang phế
Quả chuông
Đợi quá khứ về…
Những chuyến đi mọi miền hăm hở. Cũng hăm hở khi chị đi tìm cái mới ở các tác giả đương đại Việt Nam. Không hẳn chị đã thích những tìm tòi ấy, không hẳn đã tán đồng, nhưng chị trân trọng. Thường trực một tinh thần cổ vũ để mong có một cái thật là mới. Chị vào miền Trung, vào miền Nam, tiếp xúc với nhiều người yêu văn chương, “rất nhiều người tài, nhưng vẫn vô danh, họ đang tự hủy, tiếc!” Chính chị là người chọn ra mấy chục bài thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh để tôi đọc, nhắn: “Tìm xem tác giả là người thế nào. Con người ấy không tầm thường đâu”. Tìm được địa chỉ, chị lại háo hức đi cùng tôi lần đầu tiên đến xem mặt Nguyễn Thế Hoàng Linh. Là người đi trước, chị khuyên Linh hãy sàng lọc trong nghìn bài thơ để in ra những tập tinh chất, đừng bắt độc giả phải mất công trong cả đống bản thảo ngổn ngang của mình.
Nhắn nhủ người mà có lẽ là Dư Thị Hoàn tự nhắn nhủ. Chưa tìm ra cái mới hơn thì không chịu trượt tiếp vào cái sẵn có của mình. Loay hoay tìm thơ, chị tạm gối vụ bằng cách viết tiểu thuyết tự truyện Truyền nhân của rồng. Viết sách du ký. Dịch một số tác phẩm đương đại của Trung Quốc, cuốn Người Trung Quốc xấu lậu chẳng hạn. Rất muốn cho tinh thần tự thức tỉnh của người Trung Quốc đến được với độc giả ở ta.
Dư Thị Hoàn định in một tập thơ song ngữ Việt – Anh. Nhà văn Mỹ Wayne Karlin và tôi tuyển dịch cho chị từ lâu. In ở Việt Nam đã, trước khi tìm được nhà xuất bản chịu in thơ ở Mỹ. Đã có một họa sĩ thời thượng chịu cung cấp tranh làm minh họa. Đã có họa sĩ làm bìa sách hàng đầu vẽ bìa cho. Nhưng chị đều chưa ưng. Chưa hứng. Sao người ta vẽ cho cậu thì đẹp, mà vẽ cho chị thì không ra? Công trình đã khởi động, tưởng làm được ngay, thành ra bỏ dở nhiều năm. Giấy phép xuất bản hết hạn. Người không hiểu thì khó chịu. Hiểu thì chỉ buồn cười.
Cái gì làm được thì đã làm rồi. Nhưng biết đâu Dư Thị Hoàn vẫn đang chờ.
***
Mọi sự tưởng như đã an bài thì Dư Thị Hoàn đùng đùng chuyển vào Đà Lạt. Không ở trung tâm thành phố mà vào sâu trong rừng, cách trung tâm hai chục cây số. Gần đến nơi, đi men theo một con suối nhỏ, qua một chiếc cầu nhỏ, trèo lên một cái dốc cao ngợp, qua dăm bảy nếp nhà của người dân tộc.
Lần đầu chị đến, nơi này còn heo hút lắm. Đường lên còn là đường đất, ô tô không lên được, chỉ đi bằng xe ôm, mà phải là người dân tộc quen đường mới có thể đi xe trên đường núi. Chị dựng một nếp nhà bé tí trên đỉnh núi ngồi thiền. Mấy năm sau mới dựng thêm một căn nhà sàn đầy đủ tiện nghi, có tường kính và lò sưởi chống lạnh, rồi mới đưa ông chồng từ Hải Phòng vào. Nói thật: Sống ở đây luôn, rồi cả quả núi mênh mông đấy, hậu sự cũng đã có chỗ nằm.
Bản tính khai phá, vừa ngồi thiền vừa mở mang. Chị đứng ra kêu gọi và tổ chức cải thiện hạ tầng làng bản. Chưa có đường, chị làm đường bê tông cho cái dốc cao ngợp, ô tô lên được. Chưa có điện nước, chị kéo điện kéo nước vào bản. Huy động kinh phí và tập hợp sức dân. Những năm đầu thật là gian nan. Có lần ra thành phố mua dụng cụ và vật liệu, về gần đến nhà thì gặp mưa. Con suối nhỏ hằng ngày hiền hòa, giờ phình to ngập lên cả đường đi. Phải chờ nửa ngày cho nước rút bớt rồi ngồi nhờ xe tải lội nước mà vào. Có lần “lão bà bà” lăn ra ốm, phải gọi điện sang nhà mấy người dân tộc. Hai người chạy lên cõng lão bà bà chạy xuống núi, rồi xe máy kẹp ba, chở bà chạy tuốt về bệnh viện thành phố.
Bây giờ đường đã rộng, xe tắc xi và xe hai cầu vào tận nơi. Chỉ còn một đoạn đường trăm mét nữa bê tông nốt là xong. Khi chị đến, chính quyền xã phân lô cắm đất, người ta cắm cái biển nhỏ ghi tên chị: Vương Oanh Nhi. Hàng xóm vẫn gọi chị là bà Oanh Nhi. Đường xây xong, tên người được phân đất trở thành luôn tên đường. Vương Oanh Nhi. Tôi vào, đùa: Nhà thơ Dư Thị Hoàn phấn đấu suốt đời thì không được đặt thành tên đường, còn Vương Oanh Nhi thì chỉ một bước lên bà.
Mấy năm trước, tôi vào chơi, chị khoát tay chỉ ra cả triền núi mênh mông: Mảnh đất kia là dành cho cậu đấy, vào dựng lấy cái nhà mà ngồi viết. Chị còn bảo bệnh tật gì vào đây cũng khỏi hết, chỉ hít ngửi cái không khí trong lành của núi rừng mà người ốm khỏe lên. Người bạn tôi ở Đà Lạt thì xui tôi nên nhận đất ngay, nơi đắc địa đấy. Anh ta bảo mười năm trước, khi chị Hoàn đến chỗ này thì nó chưa là gì, nhưng bây giờ và sắp tới thì nó cực kỳ có giá. Đúng thật, chỉ mới vài năm qua mà đã thấy có người từ Vũng Tàu lên mua đất dựng nhà làm hàng xóm. Thêm mấy người nữa ở Sài Gòn lên, cũng đang xây nhà.
Sau vài năm, tôi lại vào Đà Lạt chơi, chị Hoàn lại nhắc chuyện vào mà dựng lấy một căn nhà sàn như nhà của chị. Chị bảo phải quyết đi. Tôi chỉ cười, không ra nhận cũng không ra chối. Rằng hay thì thật là hay…
Mười năm trước việc chị Hoàn bắt đầu vào thiền trong rừng sâu Đà Lạt được ông chồng chị kể thành chuyện tiếu lâm. Nhưng ông ốm nặng, tiên liệu chỉ còn được một năm, chị Hoàn kéo ông từ đường phố Hải Phòng vào rừng Đà Lạt, thế mà sau mấy năm đã khỏe ra. Giờ thì ông lão hơn tám mươi đã tin lắm, ông còn theo học một lớp thiền trong ngôi chùa cách thành phố bốn mươi cây số.
Chuyện đời đã thế, lại còn chuyện văn. Trước tết 2022, bỗng nhiên chị báo cho tôi rằng chị sẽ in tập thơ song ngữ Việt – Anh, Luồng sáng ở kẽ chữ chân câu (The Light Between). Bản thảo bỏ không in trong ngăn kéo gần hai chục năm, giờ lại lôi ra. Nửa tháng nữa chị sang New York thăm gia đình, chị muốn có tập thơ đem tặng họ hàng bạn bè.
Việc gì cũng đùng đùng quyết ngay làm ngay. Chỉ có nửa tháng để in một quyển sách. Lại còn lôi ra một bản nháp dàn trang lem nhem, định in luôn. May mà tôi còn lưu được một bản dàn trang khá hơn một tí. Chỉ có một ngày rưỡi cho tôi đọc lướt qua bản dàn trang. Cùng lúc chỉ có hai ngày cho họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa. Cũng chẳng kịp lấy giấy phép in mà phải làm theo kiểu tự in vài trăm bản cho tủ sách gia đình. Một người bạn của chị vội đưa vào nhà in thủ công không chuyên ở Sài Gòn. Mọi người và mọi sự cứ ào ào cuốn đi theo cái quyết định của chị.
Chị Hoàn ôm cuốn sách sang Mỹ, tặng cho anh chị em và các cháu của chị. Chị gửi cả cho mấy đứa cháu nội không biết tiếng Việt đang sống ở Úc. Đây là thơ của bà nhé. Cái bà nhà thơ Dư Thị Hoàn của tập sách này chính là Vương Oanh Nhi, bà nội của các cháu đấy.
Chú thích:
(*) Bạn đã đọc chưa thơ Dư Thị Hoàn?, Văn Tâm, 1989.
15/7/2006
Hồ Anh Thái
Nguồn: Rút từ tập chân dung Họ trở thành nhân vật của tôi, NXB Trẻ tái bản quý I-2024
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn Nguyễn Minh Châu: Tên thực ứng với đời thực? Trái ngược với cái tên Minh Châu “đẹp như mộng”, thuở mới lọt lòng, nhà văn tài năn...