Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

Nhà thơ Trinh Đường say… thơ

Nhà thơ Trinh Đường say… thơ

Tôi chưa thấy nhà thơ nào khen đồng nghiệp của mình, kể cả những đồng nghiệp còn ít tuổi hơn mình rất nhiều, mà say mê, mà thành tâm, mà đao to búa lớn như Trinh Đường.
Sinh thời, nhà thơ quê gốc Quảng Nam này, nói như một quảng cáo, là “ăn thơ, ngủ thơ, thở cũng… thơ” luôn. Dáng đi luôn tất bật, vội vã mà không rõ mình vội vã vì cái gì, Trinh Đường luôn thuyết phục chúng ta bằng chính những bước đi của ông, rằng đời thật ngắn ngủi, và hãy làm cái gì đó cho thơ, mà phải làm nhanh lên, kẻo không kịp.
Những năm cuối đời, Trinh Đường ấp ủ một công trình vĩ đại và hoành tráng có tên gọi “Thơ Việt Nam thế kỷ hai mươi”. Ông vào Nam ra Bắc ghé miền Trung, tới đâu cũng quảng bá cho “công trình thế kỷ” này, và kêu gọi mọi người hưởng ứng bằng cách gửi thơ cho ông. Trinh Đường tốn rất nhiều tiền để mua tem và phong bì, rồi đều đặn gửi tới tất cả các nhà thơ trong nước mà ông biết, con số có thể lên hàng ngàn, để… xin thơ cho tuyển tập Thơ Việt vĩ đại này. Riêng tôi, không dưới mười lần nhận được thư mời gửi bài của Trinh Đường, nhưng do vừa lười vừa không nghĩ nhà thơ đàn anh này thực hiện được “siêu dự án”, nên cứ chần chừ không gửi. Mỗi lần gặp tôi, Trinh Đường luôn thúc giục gửi bài với giọng Quảng Nam hơi đanh lại vì… cáu: “Cậu thì lúc nào cũng đùa. Đây không phải chuyện đùa đâu! Tuyển tập thơ này sẽ là tuyển tập xưa nay chưa từng có, gồm những bài thơ kinh thiên động địa. Mình rất phục thơ cậu, nhưng cậu phải gửi bài, đừng để mình phải chờ!”.
Cũng xin nói, “danh sách” những nhà thơ Việt đương đại mà Trinh Đường thán phục có thể lên cả trăm. Nhiều lúc, ông đọc một vài câu thơ của ai đó cho tôi nghe rồi reo lên: “Thiên tài! Thiên tài!”. Tôi nghe cũng thấy hay hay, nhưng gọi thơ ấy là “thiên tài” e hơi quá… dễ tính, nhưng tôi gật gù tán đồng với ông mà tịnh không dám nói gì. Vì nói lại, là Trinh Đường giận! Mà tôi không muốn một nhà thơ có tâm hồn trong trẻo dường ấy, thơ ngây dường ấy, hồn nhiên dường ấy phải giận hờn vì bất cứ lý do nào.
Nhưng ông vẫn thích ca ngợi thơ người khác hơn là tự khen thơ mình. Đó cũng là phẩm chất mà tôi quá hiếm thấy ở các nhà thơ Việt Nam. Vì thế, khi còn làm trưởng ban biên tập thơ Báo Văn Nghệ, Trinh Đường đã là “bà đỡ mát tay” cho rất nhiều bài thơ, rất nhiều nhà thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước. Tôi hạnh phúc vì được ông “phát hiện” khi chỉ mới in được bài thơ thứ 2 trên báo, và là bài thơ đầu tiên trên Báo Văn Nghệ mà ông trực tiếp biên tập. Khi đó tôi mới là sinh viên tập làm thơ, được Trinh Đường khen một câu mà sướng tới hơn… 40 năm. “ Đừng dè sẻn lời khen với người khác” có lẽ là điều lớn nhất tôi học ở Trinh Đường – nhà thơ mà tôi yêu quý và kính phục.Trinh Đường sống trong đời mà cứ như đi trong mơ. Gặp ông thì câu đầu đã nói về thơ, câu thứ 2 thứ 3… lại tiếp tục nói về thơ. Ông là một “thi sĩ toàn tòng” hiếm thấy trên đời này, chứ không riêng ở Việt Nam. Mỗi khi sáng tác bài thơ nào mà “kiếm” được một chữ hay, xuất thần, Trinh Đường có thể đi khoe cả tháng và sướng hàng năm.
7/5/2022
Thanh Thảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...