Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

Đằm vải thiều giữa vấn vít dòng Thơm

Đằm vải thiều giữa vấn vít dòng Thơm

Sông Hương! Mà không phải Hương Giang của “dạ thưa xứ Huế”. Ấy là sông Hương giăng mắc chảy giữa đất Thanh Hà thắm phù sa nâu non và đằm vị ngọt ngào của thứ trái cây tiến vua “vải thiều” một thuở ở Hải Dương.
Sông Hương – dòng Thơm cổ tích
Truyền thuyết cái tên “Hương” của dòng sông có tổng chiều dài 21,5km,  chảy qua địa phận 10 xã, thị trấn giữa đất Thanh Hà gần như chia đôi huyện thành hai phần là Đông bắc và Tây nam khá liêu trai:
“Chuyện kể rằng thời trước các vua Trần trị vì, sông Hương có tên là Cam Giang, gọi nôm na là sông Côm. Bia đá ở đình làng Dương Xuân và làng Hởi hai bên bờ sông còn lưu tên cổ ấy. Ba làng Côm bên bờ vẫn nguyên tên như thế tới giờ. Thời ấy, Nhị tổ Pháp Loa, đệ nhị Thiền phái Trúc Lâm, người kế vị vua Trần Nhân Tông đã về lập nên ngôi chùa lớn trên gò đất hoang bên bờ Cam Giang trên đất quê mình. Chùa vừa dựng xong thì bị tên trang chủ cùng thuộc hạ kéo đến hò hét ra lệnh tháo dỡ, đòi lại đất. Thiền sư Pháp Loa ngăn lại rồi chắp tay về tượng Phật, truyền rằng: “Nếu Phật Đường ta bị phá, kẻ tu hành này nguyện sẽ được chết theo”.
Giữa khi đó có một bầy chim sẻ bay qua, tên trang chủ giương cung, một con sẻ trúng tên, rơi xuống. Nhặt con sẻ nhuốm máu đỏ cười ha hả, tên trang chủ trừng trộ, ra điều kiện: “Ta cho ngươi chọn một trong hai con đường. Một là phá bỏ ngôi chùa, hai là nuốt sống con sẻ này trước mắt ta. Bằng không hãy trông đây”. Hắn vung giáo cắm phập xuống mặt đất. Dân chúng xung quanh lây làm kinh hãi. Thiền sư Pháp Loa thấy vậy liền vào chùa mài mực viết bản cam kết vì ngài lựa chọn con đường thứ hai để bảo vệ ngôi chùa trước sự chứng kiến của dân hương.
Tên trang chủ đinh ninh thiền sư không làm được vì xưa nay nhà sư không có bao giờ vướng đến chút hôi tanh. Thấy hắn phẩy tay, bọn thuộc hạ ùa lên định phá chùa. Thiền sư Pháp Loa liền cho con sẻ nhuốm máu vào miệng nuốt. Tất cả đều kinh ngạc. Tên trang chủ thua cuộc liền cùng bọn thuộc hạ chuồn mất. Dân hương cảm khái quỳ xuống lễ sống Pháp Loa. Thiền sư ngồi gõ mõ tụng kinh suốt đêm đó. Khi mặt trời lên, Ngài ra cửa quay mặt ra sông, vươn vai, há miệng, con chim sẻ từ miệng Ngài vụt bay ra, hòa vào đàn đang ríu rít bay lượn trên trời. Tiếp sau, nhà sư lội xuống sông, lột trái phần ruột mình ra, dùng chổi từ cây thanh hao kỳ tẩy. Dòng nước tanh hôi cuộn đi, hương thơm từ ruột Thiền sư tỏa ra ngan ngát khắp vùng và cả dòng sông. Từ đó, dân trong vùng không gọi sông là Cam Giang hay sông Côm nữa mà gọi là sông Hương”. (Theo sách “Chùa Yên Tử về ngài Pháp Loa – Đệ nhị Thiền phái Trúc Lâm).
Truyền thuyết về sông Hương trên đất Thanh Hà thì có nhiều, nhưng tất cả đều khẳng định, sông Hương vốn là phụ lưu của sông Thái Bình, chảy từ sông Lấp qua làng Cập Nhất xuôi xuống sông Văn Úc rồi đổ ra cửa biển phía Hải Phòng. Sông Hương còn được một nhánh khác nối với sông Lai Vu nằm ở phía bắc làng Đại Điền. Văn học dân gian trên đất Thanh Hà còn truyền tụng: “Đầu Mè, đôi Úc, giữa khúc Lục lăng” chính là để nói về sự kết nối của những nhánh sông này. Sự kết nối ấy tạo nên một mạng lưới sông ngòi chằng chịt, như những cánh tay vừa ôm chặt vừa đan nối sông Hương với sông Thái Bình, sông Rạng để cùng bao bọc, bồi đắp, tưới tắm cho đất Thanh Hà, tạo thành một vùng trồng cây ăn quả giàu có và mang phong vị rất riêng của xứ “Con mẹ con cha”.
Sông Hương, dòng Xanh ngọt lành
Trên mặt đất phù sa mỡ màng của Thanh Hà, đủ các loại cây mà nhiều nhất là vải thiều, đu đủ, ổi na, bưởi đỏ, chuối cùng vô vàn những loài thủy sinh như rươi, cáy, cà ra… càng khẳng định giá trị của mảnh đất mỡ màu trong dòng chảy của sông Hương. Chính sông Hương cùng với vô vàn dòng chảy lớn nhỏ đã đem đến cho Thanh Hà diện tích cấy trồng cùng triều bãi rộng lớn với những đầm hồ, bãi trũng, khu ruộng triều đáng. Xưa, vùng ấy quanh năm chỉ có cỏ lau lác, sú vẹt um tùm thì nay là cả mỏ vàng lộ thiên đang được những đôi tay nông dân thời 4.0 khai thác. Họ lật đất, rửa phèn, thau chua… Họ biến những đầm lấy thành bãi rươi, vụng cáy, thành những dọc ngang vuông vải, quất, đu đủ, chanh… Những bãi sú vẹt râm ran tiếng ếch nhái xưa kia giờ rợp những xanh tươi cho rộn ràng lá hát và còn là cả kho các loài chân đốt, thân giáp, thân mềm có giá trị dinh dưỡng cao như: tôm, cua, cá, cáy, ruốc, rươi… Thanh Hà đã đưa những thơm tho ngọt lành của đất của nước, của sông của đồng quyện với vị mặn của mồ hôi con người thành những sản vật khó phai trong lòng bè bạn nức tiếng gần xa.
Trước bình minh ló rạng cả giờ đồng hồ, người dân Thanh Hà đã ngập mình trong hơi thở bãi bờ. Những rau những trái đã theo xe của bao người nông dân từ Thanh Hà tỏa đi muôn nẻo. Rau muống Thanh Hà, chanh vườn Thanh Hà, ổi Thanh Hà… đến cả trái ớt mà gắn tên Thanh Hà là nơi trồng ra thì mấy bà mấy cô trên phố đi chợ cũng chỉ việc an tâm mà lựa khỏi đắn đo bởi mấy nơi có được vị giòn, đằm mà bát canh luộc rau vẫn trong vắt của rau muống Thanh Hà, cũng không dễ tìm cái vị thơm day dứt đến khó tả của trái quất, trái chanh Thanh Hà bởi sau lớp vỏ mỏng tang như mặt phù sa nâu non sau mỗi lần nước sông Hương lớn ngập bờ bãi rút đi còn để lại trên mặt bãi bồi là vị chua thanh nhẹ. Rồi sả, rươi, cáy, ruốc… Tất tật dường như cứ những chiếc gim níu lòng người không chỉ con dân Thanh Hà mà cả đất Hải Dương, cả xứ Đông cùng thổn thức nhớ giữa miên man mùa nào thức nấy của vùng được bồi lắng từ phù sa của sông Hương xanh ngát.
Sẽ là không đủ nếu nói về sông Hương xanh, dòng chảy Thơm kia mà không tỉ mỉ với trái vải Thanh Hà. Ấy là chúng tôi muốn nói tới vải thiều, thứ vải đã từng là đặc sản tiến vua suốt cả thời phong kiến với bao vương triều hưng – phế. Nhắc đến vải thiều Thanh Hà, ai cũng biết đó là loại trái cây có hương vị rất riêng khi được trồng trên đồng đất Thanh Hà từ những năm 1870 của thế kỷ XVII. Một kỷ niệm khó phai khi tại một bữa tiệc, những người Hải Dương có mặt khi đó phải nghĩ đủ cách để “bảo vệ” thứ trái cây đặc sản ấy của xứ Đông. Khi đó, lúc những trái vải thiều Thanh Hà được bày ra, một người bạn quê tỉnh khác gật gù: “Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang đây. Vải thiều Thanh Hà Hải Dương cũng lấy giống từ Lục Ngạn”. Có lẽ, chưa khi nào “máu đồng bào” lại bừng bừng trong huyết quản những người con Hải Dương đang quây quần quanh bàn tiệc. Nhưng làm thế nào để chứng minh Thanh Hà là gốc của vải thiều? Làm thế nào để chứng minh vải thiều đất Thanh Hà là thứ đặc sản không trái vải nơi nào sánh nổi?
Cả bàn tiệc lặng đi. Tôi mở máy điện thoại, cho bạn xem ảnh chụp bức trướng “Nhân dân các dân tộc Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm, ông tổ vải thiều” đang được người cháu đời thứ 5 của cụ Cơm trưng bày tại nhà lưu niệm bên gốc vải tổ trên đất Thúy Lâm xã Thanh Sơn huyện Thanh Hà. “Ơ, thế ra, vải thiều Lục Ngạn có nguồn gốc từ Thanh Hà”. Những đôi mắt chưa hết ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết ngọn nguồn của giống trái cây quý ấy. Chưa hết, nhón một trái vải trên tay, tôi nhẩn nha cầm núm cuống vải kéo nhẹ. Lớp vỏ ngoài bật ra, tôi nhẩn nha tách lớp vỏ ngoài sần sùi để lộ lớp áo lụa mỏng tang bọc ngoài cùi vải. Lại nhẹ nhàng lột lớp áo lụa, lớp cùi màu trắng ngà lộ dần. Mặt ngoài cùi vải khô roong chứ không nhoen nước ướt cả kẽ tay. Tách miếng cùi vải thả vào miệng, vị ngọt đằm lan ra, ngấm vào chân răng, trôi xuống họng. Dư vị cuối là vị thơm dịu mà thấm chứ không phải cái vị chát cuối của vải thiều trồng nơi xứ khác. Thưởng thức vải giữa những lời giải thích ấy thêm một lần khiến bạn bè, nhất là người bạn chót “có nhời” vải thiều Thanh Hà nguồn gốc từ Lục Ngạn có phần “ngại ngần”.
Thực ra, vải thiều trồng trên đất Thanh Hà từ trái vải đến hương vị có cái “duyên” rất riêng của đất có sự pha trộn vị mặn đằm của phù sa bởi mấy ai biết Thanh Hà từ thời Trần trở về trước là đất Bàng Hà; thời thuộc Minh là huyện Bình Hà trong châu Nam Sách, phủ Lạng Giang. Đầu thời Hậu Lê là huyện Bình Hà phủ Nam Sách; đến thời Lê Hiến Tông chia làm hai huyện Bình Hà và Tân Minh (nay là huyện Tiên Lãng). Huyện Bình Hà mới giữ tên gọi này đến thời nhà Mạc. Khoảng đời Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) vì kiêng huý Mạc Bình, ông nội Mạc Đăng Dung nên đổi thành Thanh Hà. Trừ giai đoạn Thanh Hà sáp nhập với huyện Nam Sách để thành huyện Nam Thanh thì tên gọi Thanh Hà giữ nguyên từ thời nhà Mạc tới nay. Trải qua những biến động lịch sử, đơn vị hành chính và địa giới Thanh Hà có thay đổi nhưng mỡ màu của phù sa từ sông Hương, Thái Bình, sông Rạng bồi đắp nên vùng đất này thì chưa khi nào vơi cạn và vị ngọt ngào của cây trái Thanh Hà, sự tảo tần của đôi tay cùng trí sáng tạo của nông dân Thanh Hà thì thời nào cũng đặm đà như lời bác học Lê Quý Đôn từng mô tả về trái vải thiều: “Mã ngoài tự như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn vào thấy thơm, tưởng chừng như thứ rượu tiên trên trời”.
Sông Hương vẫn chảy. Dòng chảy của hương thơm, cây xanh, trái ngọt trĩu cành vẫn ngày đêm chuyên chở bóng cây, bóng người cùng hương vị lan xa. Vải che bóng sân nhà. Vải soi bóng xuống dòng Hương. Vải trong sân cơ quan, nơi lớp học… Và du lịch sinh thái, du lịch “vườn” ở Thanh Hà phát triển. Du khách khắp nơi tìm đến Thanh Hà để chèo thuyền dọc dòng Hương ngắm vải, thăm vườn vải ở Thúy Lâm, thăm cây vải tổ ở Thanh Sơn, trồng khoảng năm 1870 là cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam để nghe tu hú, chào mào, chích chòe râm ran giữa những tán cây, để thưởng thức hương vị rất riêng của loại trái cây “Dẫu vỏ ngoài chẳng xấu, vẫn xù xì thô ráp giữa lòng tay”, mà đậm duyên như người đàn bà quanh năm tất bật với vải, với vườn, với tấm khăn che kín gương mặt nhưng ánh mắt cười vẫn níu buộc đầy quyến rũ.
Vị ngọt của vải thiều, của muôn loài cây trái khác trên đất Thanh Hà sẽ lan xa bởi giờ đây, Thanh Hà không còn là vùng “đảo”. Cùng với dòng Hương, những cây Hợp Thanh, cầu Gùa nối Thanh Hà với những miền quê khác đã và sẽ mang đến cho vùng đất này những diện mạo cùng no ấm mới.
Sông Hương vẫn trôi, vẫn ấp ôm vùng đất thanh bình giữa vòng tay của những dòng sông.
23/2/2024
Trương Thị Thương Huyền
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Vầng Trăng Lưu Lạc Chàng bắt gặp đôi mắt ấy một vài lần trên khoảng đường mòn quanh co dẫn lên đồi Tôn Giáo. Cô gái thường thắp nhang ...