Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

Vũ trụ đêm trong thơ Anh Hồng: Sự đối thoại với mình và tha nhân của cái tôi bản thể

Vũ trụ đêm trong thơ Anh Hồng: Sự đối thoại
với mình và tha nhân của cái tôi bản thể

Thơ Anh Hồng trong Tôi và đêm và… vì thế, không chỉ là thơ hướng đến cái đẹp của ngữ ngôn và tư tưởng mà còn là thơ hướng đến cái chân, cái thật, cái thiện với những thông điệp đầy tính nhân bản hiện sinh, đúng như nhà thơ tài danh Guillaume Apollinaire của nước Pháp đã xác quyết: “Các nhà thơ chẳng những là con người của sự đẹp. Trước hết họ là con người của sự thật, chừng nào sự thật cho phép thấu đáo những sự chưa từng ai biết, thậm chí sự ngạc nhiên hay sự không ngờ, là một trong những động lực chính của thơ ngày nay.
1. Mở
Suy niệm về ý thức “tự quyết”, một trong những phạm trù cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh về hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ, Rilke (Rainier Maria) (1875-1926), sinh ở Prague (Tiệp Khắc), nhưng ông được coi là một trong những đại thi hào viết bằng tiếng Đức với nhiều kiệt tác, trong đó có những tác phẩm nói về hoạt động sáng tác và thân phận nhà thơ trong thế giới hiện đại đã xác quyết: “Người sáng tác phải là cả một vũ trụ cho chính mình y, tìm thấy tất cả mọi sự ở chính mình y, và ở phần tạo vật mà y gia nhập” R.M. Rilke (1).
Như vậy, trong suy niệm của Rike, hành trình sáng tạo của nghệ sĩ là hành trình khám phá “vũ trụ” của chính mình. Và, viết là một nhu cầu tự thân để “truy vấn” cái tôi bản thể, nhằm “tìm thấy mọi sự ở chính mình”, từ đó “lan tỏa” đến tha nhân, đến đời sống. Không có tiếng gọi “thao thiết”, vang vọng trong tâm cảm mình, người nghệ sĩ không thể sáng tạo, không viết ra được những điều “chân ái” thấm đẫm tình đời, tình người. Đối với hành trình sáng tạo thơ, điều ấy lại càng “nghiệt ngã” hơn bao giờ hết. Bởi, thơ bao giờ cũng là thế giới của nội cảm, của chiều sâu vô thức. Thơ không chấp nhận sự “diễn” trò, sự làm “xiếc” trên những con “chữ” một cách vô hồn, vì điều nầy đi ngược lại với yếu tính của thi ca, là tiếng nói của mộng mị và ảo diệu kết tinh từ những “nỗi đau đớn lòng”, qua những “điều trông thấy” ở “cuộc bể dâu” (Nguyễn Du). Nói như Cao Thế Dung: “Thơ là sự hôn phối và cảm thông linh diệu giữa thực và mơ, giữa người với người và vũ trụ cho nên thi ca gắn liền với hiện hữu và thể hiện qua muôn vẻ” (2). Vũ trụ đêm trong thơ Anh Hồng: Sự đối thoại với chính mình và tha nhân để truy vấn cái tôi bản thể như một dấu chứng của hiện hữu sẽ là một trong những nghiệm số thi ca góp phần giải mã điều suy niệm mà Rilke đã đặt ra trong hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ như một sự chia sẻ để người nghệ sĩ nói chung, trong đó có thi nhân tự nhìn lại hành trình sáng tạo của mình, làm thế nào trả lại cho thi ca giá trị vốn có của nó, là tiếng nói kết tinh từ trong sâu thẳm của thế giới tâm linh. Bởi, nói như Charles – Henri Ford: “Thơ cũng huyền diệu như Trời” (3).Trong niềm ngưỡng vọng và sẻ chia, tiếp cận Thi giới của Vũ Trụ đêm trong thơ Anh Hồng là đi vào khám phá sự đối thoại với chính mình, với tha nhân nhằm nhận diện việc xác lập sự hiện hữu cái tôi bản thể của thi nhân.
2. Không phải ngẫu nhiên, nhà thơ Anh Hồng, định danh cho tập thơ của mình với cái tên nghe rất lạ: Tôi & đêm và… Nghĩa là sau Tôi và Đêm là một kết nối không ngừng, dẫn dụ và mở ra cho người đọc một trường liên tưởng đến vô cùng được biểu hiện bằng những dấu chấm lửng qua một không – thời gian tâm tưởng của thế giới nội cảm, trôi trong Vũ trụ đêm luôn ám ảnh thi nhân như một tâm thức hiện sinh. Chính vì thế, bài thơ mở đầu của tập thơ được xem như lời đề từ mang ý nghĩa “tuyên ngôn” về những vấn đề nhân sinh cho cả tập thơ có tên Đêm & Tôi, mà ở đó như đang diễn ra một cuộc đối thoại giữa “Đêm và Thi sĩ”. Cuộc đối thoại đó không đơn thuần là sự trao đổi để cảm thông và chia sẻ mà là cuộc đối thoại mang tính chất truy vấn thật khốc liệt của thi nhân với cái tôi bản thể để khám phá và nhận diện chính mình trong những tháng ngày dấn thân với cuộc sống mà những câu thơ trong thi phẩm Đêm & Tôi là một xác chứng: “Chìm trong đêm/ bồng bềnh muôn ý nghĩ/ ý nghĩ màu trắng – loang lổ trắng/ ý nghĩ màu đỏ – lập lòe đỏ/ ý nghĩ màu đen – ngoằn ngoèo đen…/ những nâu hồng vàng tía… / quất dọc, ngang/ rạch nát đêm …/ Sợi sợi mưa đan chéo/ gió cắt xéo vỡ vụn không trung/ trôi trong đêm/ tôi nhìn tôi câm lặng…/ Thèm một lời chân tình từ Thượng đế/ khát uống môi nồng ấm của Người yêu…/ mong tuổi đời mắc kẽ tay trẻ lại…/ đừng vội chơi vơi chốn thiên hà…/ thăm thẳm đêm…thăm thẳm màu ý nghĩ…/ sợi sợi tơ giăng mắc nẻo đi về/ Tôi một mình khóc tôi …/ như thể/  tôi lẫn vào đêm…/ đêm lẫn vào tôi… (Đêm & Tôi)
A pile of books with white text

Description automatically generatedBìa tập thơ Tôi & đêm và… của Anh Hồng
Bài thơ là một chuổi nối kết liên tục bởi những câu thơ với nhịp đứt gãy ẩn chứa bao sắc màu của đời sống như một bức tranh lập thể đan xen giữa những dấu chấm lửng tạo thành những “khoảng lặng” chất chứa trong đó biết bao vấn đề đặt ra cho cuộc nhân sinh không dễ trả lời. Cuộc đối thoại, vì thế, đã trở thành độc thoại trong sự bất lực của Thi nhân khi đối diện với bóng Đêm, đó cũng là sự đối diện với chính mình, để rồi, giữa hiện hữu thi nhân không còn nhận ra đâu là Tôi và đâu là Đêm: “Tôi một mình khóc tôi …/ như thể/ tôi lẫn vào đêm…/ đêm lẫn vào tôi…”. Bởi vì, “Ở giữa Tôi và Đêm/ là một con quỷ mang hình hài quái lạ/ biến đổi màu lúc đen, đỏ/ lúc trắng, vàng… xanh…/ Tôi không thể nhận ra nơi cuối trời/ vầng trăng nào hiền dịu thiết tha/ Tôi không thể nhận ra nơi cuối đất/ mặt trời nào với ánh sáng đê mê chói lóa…/ Ở giữa Tôi và Đêm/ là một con ma không rõ giới tính/ chập chờn đếm hơi thở của Tôi/ rồi bóp nghẹt giấc mơ/ Tôi bay về miền thăm thẳm/ tìm kiếm chút bình yên…/vô vọng…” (Ở giữa Tôi & Đêm). Và từ cảm thức “vô vọng” này cuộc truy vấn ở hành trình đối thoại với cái tôi bản thể của thi nhân bắt đầu trôi trong một vũ trụ đêm đầy huyễn hoặc mà tất cả trật tự của hiện hữu như đều bị đảo lộn, “quay cuồng” trong một không – thời gian bất định của thân phận lưu đày: “những sợi dây màu trắng, màu đen/ đan chéo, rối tung/ quay cuồng trước mặt/ chỉ có tôi và đêm/ bắt đầu từ đâu để gỡ…?! (Người đàn ông chỉ còn hai con mắt). Bởi, cuộc truy vấn trong hành trình đối thoại với cái tôi bản thể của thi nhân chính là hành trình “tôi đi tìm tôi”, để xác chứng sự hiện hữu của chính mình với tư cách là một nhân vị chứ không phải là một phóng thể: “Không thừa nhận khuôn mặt mình trong gương/ tôi đi tìm tôi giữa muôn vàn kẻ khác/ tìm trong khắc khoải/ tìm trong u ơ/ tìm trong mơ/ tìm trong vỡ òa tiềm thức…/ Khuôn mặt tôi/ nhạt nhòa …/ nhạt nhòa gương/ nhạt nhòa ký ức/ nhạt nhòa sương khói mặt sông/ thu xa xôi tận cuối trời…/ Những mảng màu đen –  trắng …vàng…/ chập chờn /  hư ảo/ thật giả quay cuồng/ tôi đi tìm tôi/ dưới vòm trời / chỉ còn ánh sáng chiều/ vừa tắt…/ chỉ còn/ những bông hoa xấu hổ/ vừa khép mi/ cánh mỏng manh/ từ chối/ đêm / ngủ một giấc dài… /Bóng Tôi / đóng dấu vào đêm/ thăm thẳm gương soi/ một dòng sông …/ ảo diệu một con đường…/ Tôi đi tìm Tôi…/ Tôi đi tìm Tôi…/ Tôi đi tìm Tôi… (Tôi đi tìm Tôi). Vì thế, cuộc đối thoại với Đêm đã trở thành cuộc đối/độc thoại với chính mình khi nhận ra hành trình đi “tìm tôi” vẫn trôi giữa dòng đời trong sự bất lực với “từng tuổi đời hóa thạch” “giữa hoang tàn” Và “Tôi/ trôi theo dòng thời gian/ từng tuổi đời hóa thạch/ miền ký ức…/vạt nắng cuối ngày đi hoang/ hóa thạch giữa trời…  (Hóa thạch). Để rồi, thi nhân đặt ra một câu hỏi không dễ trả lời: “Tôi…và Đêm nhìn nhau cau có/ khi nào nhân loại hết cơn mê?” (Ở giữa Tôi và đêm). Bởi, nói như Aimé Césaire: “Thơ là sức chuyển dịch kia, nó nhờ tiếng nói, hình ảnh ảo tưởng, ái tình và hài hước, nó đem tôi đặt vào trung tâm sống động của bản ngã và vũ trụ”(4). Vì vậy, ngoài những bài thơ mang cảm hứng về sự tra vấn của cái tôi bản thể khi đối thoại với Đêm, một điều, không thể không nói đến trong tập thơ Tôi & đêm và… của Anh Hồng, đó là những bài thơ viết về niềm cô đơn bản thể trong cuộc sống và tình yêu. Đây cũng là một bình diện trong cuộc đối thoại giữa cái Tôi bản thể đối với Đêm từ những nghiệm sinh của thi nhân mà ở đó không chỉ có niềm vui mà còn có cả những nỗi buồn, sự trống vắng đến xót xa “găm vào đêm thăm thẳm” và chỉ còn lại: “Vũ trụ miên man… vô thường/ tràn tay rồi…/buồn ở đâu?/vui ở đâu?/ thất vọng ở đâu?/ niềm tin ở đâu?/ và hy vọng?!/ tích tắc từng giây…/ muôn dấu hỏi/ găm vào đêm thăm thẳm /sô-cô-la đắng mình em…/ hoa hồng cũng mình em…/ và tiếng đêm …mình em …” (Sô-cô-la đắng mình em). Và, cùng với nỗi cô đơn trong những đêm dài vô tận, khi tình yêu đã vỗ cánh bay xa, chỉ còn lại em trong mưa gió bão bùng: “Em còn anh nữa đâu…!/ Từng mảnh nhỏ của đêm tan loãng lòng biển khơi/ nhức nhối…/ cơn đau nào xa xót/ ào ạt  vỗ bờ tả tơi…/ hạt kỷ niệm nào rơi rơi…/bào mòn ký ức?/ Em không nhận ra mình trong tấm gương soi…/khi đôi mắt chỉ còn màu bão tố/ đi qua mùa thu/ đi qua mùa đông/ đi qua những tiếng thở dài vọng về từ lòng đất…/ Em còn anh nữa đâu…!/ chỉ nghe xung quanh tiếng gầm gào của gió…/ hơn cả cái chết trong em là sự im lặng phũ phàng (Em còn anh nữa đâu) cùng những khát khao thấm đẫm chất nhân bản hiện sinh trong tình yêu như một nhu cầu tất yếu của cái Tôi bản thể: “Em mệt rồi ôm em chút được không?/ thèm gục đầu vào bờ vai anh thơm mùi lá cỏ/ thèm tiếng dịu dàng và bàn tay che chở/ em mệt rồi ôm em chút được không anh?!” (Bờ vai thơm mùi lá cỏ). Phải chăng, trong tận cùng của cuộc đối thoại giữa Đêm với cái Tôi bản thể, thơ Anh Hồng trong Tôi & đêm và… là một sự xác chứng cho suy niệm của Paul Valéry: “Thơ là cách thử phơi bày hoặc diễn lại bằng tiếng nói phát âm rõ ràng, những sự hoặc sự gì mà những tiếng kêu, những giọt lệ, những cử chỉ vuốt ve yêu dấu, những tiếng thở dài cố biểu lộ một cách huyền mơ”(5).
A person in a suit smiling

Description automatically generatedNhà LLPB Trần Hoài Anh – tác giả bài viết
3. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du ấn hành 2002, ý nghĩa của biểu tượng Đêm “tượng trưng thời gian cho sự thai nghén, nảy mầm của những mưu đồ bí mật sẽ lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật thành những biểu hiện của sự sống. Đêm chứa đầy tất cả các khả năng tiềm tàng của cuộc đời. Nhưng đi vào đêm là trở về cái chưa xác định trong đó đầy rẫy những ác mộng và quái vật, những ý nghĩa đen tối. Đêm là hình ảnh của cái vô thức, trong giấc ngủ đêm, vô thức được giải phóng. Cũng như bất kỳ biểu tượng nào, đêm biểu thị tính hai mặt, mặt tăm tối, nơi đương lên men mọi chuyển biến, và mặt trù bị cho ban ngày, ở đó lóe ra ánh sáng của sự sống”(6). Hầu như những ý nghĩa về biểu tượng Đêm mà Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã diễn giải đều có thể tìm thấy trong tập thơ Tôi & đêm và… của Anh Hồng, và ở bình diện nào, chúng ta cũng thấy thể hiện trong tập thơ những hệ giá trị nhân văn như một yếu tính chi phối nội dung tư tưởng của hình tượng thơ. Vì thế, không lạ gì trong Tôi & đêm và… ta thấy thi giới đêm đã trở thành một cảm hứng nghệ thuật bao trùm trong suốt hành trình sáng tạo của thi nhân tạo thành một vũ trụ đêm vừa cụ thể, lại vừa trừu tượng, vừa hiện thực, lại vừa siêu thực, được biểu hiện qua những thi ảnh đêm đầy sức ám gợi và giàu tính biểu tượng:“Vũ trụ miên man… vô thường/ (…) muôn dấu hỏi/ găm vào đêm thăm thẳm/ sô-cô-la đắng mình em…/ hoa hồng cũng mình em…/ và tiếng đêm … mình em…” (Sô-cô-la đắng mình em…); Hay “Đường nhỏ nhỏ ngược chiều con dốc/ thời gian hoang hoải …/ trôi và trôi…/  người đàn bà điên cõng màn đêm đặc quánh/ đi và đi…/  quần áo mong manh, xơ tướp…/ gió quất tả tơi…/ mưa đan chéo đập rát lồng ngực mỏng/  đôi mắt nhìn xuyên màn đêm” (Tiếng thét lạc loài…); Và :“Khoảnh khắc yêu/ chỉ còn là men đắng? buông tay nhau rồi… bên em chỉ còn chiếc bóng/ đêm đêm hắt thành vệt đen loang lổ trên tường … (trong Hoàng hôn bụi đỏ?); Rồi “ngày… đêm… triền miên/ những màn bi hài cười ra nước mắt …/ (Thượng đế và trái đất); “Em run rẩy trong giấc mơ hình dáng của anh/ ánh mắt xuyên màn đêm như mũi tên lao về nơi nồng nàn hơi ấm/ khát khao …không có điểm dừng…” (Tận cùng một giấc mơ); “đêm mơ thấy mình ầm ào như bão lũ/ cuốn trôi cánh rừng già và bầy sói đi hoang…/ đêm mơ thấy từng bầy tuổi/  dắt díu nhau chơi trò ú tim sau con giốc không tên/ đêm mơ thấy mùa xưa anh đến/  những bông lục bình trôi ngược dòng sông (Em đan tay dưới sợi sợi thời gian…); “Em còn anh nữa đâu…!/ từng mảnh nhỏ của đêm lắng sâu trong lòng biển…” (Còn anh nữa đâu…); “Trái đất cựa mình nổi giận/ triệu triệu người như những hạt bụi bay bay lẫn vào vũ trụ đêm… (…) / Bầu trời ngày như đêm/ tuyết trắng xóa/ những bông tuyết phủ lên những ngôi nhà không người (Vô thường 2…); “Quái vật tua gai đẫm máu/ hoành hành cái chết, bóng đêm…/ phận người – cọng rác ven đường…/ Ngày khắc khoải trôi trong khoảng trắng/ ngõ hẻm, đêm sâu, tiếng chó lạc nhà tru lên thê thiết…/ cánh chim sẻ cuối ngàn chới với… (Sài Gòn 2021…); “Nếu một ngày nào đó khi em tỉnh dậy/ sau một đêm dài thập thõm trong mộng mị phù du… (Tình yêu như là nguồn cội); “Tóc mây thăm thẳm / quyện đêm huyền nhung…/ vũ trụ anh/ bí ẩn khôn cùng… (Chức Nữ) “Mấy mùa rồi anh xa giấc mơ em?/ nỗi không anh làm sao quen được?/ và đêm đêm sóng ru bờ da diết / Em – Người Đàn bà – và Nỗi – không –  anh… (Nỗi không anh); “Đêm/ em lê lết bên vệ đường / áo rách tướp, máu khô kết từng mảng trên vai/ (…) …/ Đêm/ vầng trán ngây thơ lằn vết thương hình tia chớp/ (…) Đêm/ thân xác em/ co quắp như dấu hỏi trên vệ cỏ bên đường/ tay em – cánh chim non / rủ xuống/ tả tơi/ linh hồn em bơ vơ…/ chẳng  ai gọi em về…/ Đêm /  trong căn nhà hoang bếp lạnh, tro tàn/ em mơ miếng bánh thừa lót dạ/ (…) Và đêm đêm nối tiếp đêm đêm/ lang thang/ những em bé đó đây/ trên khắp trái đất này/ sống và chết/ mong manh như lá… ( Những em bé trong đêm); “Ađam buồn, Eva khóc / mưa đêm…/ Giật mình…/ vườn địa đàng tắm màu nắng mới/ Ađam và Eva ở đâu (Chiếc lá hình trái tim) “lả tả đêm/ lả tả ngày/ lả tả giận, hờn…/ lả tả buồn, vui…/ lả tả niềm hy vọng…/  (Những câu thơ xô lệch)…
Theo thống kê của chúng tôi, tập thơ Tôi & đêm và…  của Anh Hồng có 27 bài thơ, trong đó đã có 19 bài lấy thi tứ từ “biểu tượng Đêm” chiếm 70,37%, và có 52 từ “Đêm” được thi nhân sử dụng trong các bài thơ. Điều nầy chứng tỏ, Đêm không chỉ là nỗi ám ảnh hiện sinh mà còn là cơ sở mỹ học tạo thành nét riêng của thi pháp thơ Anh Hồng, đó là Thi pháp Đêm. Và, đây là một sự chuyển đổi hệ hình tư duy trong hành trình sáng tạo thơ, một sự khai phá trong vũ trụ thơ Anh Hồng minh chứng cho sự vượt thoát khỏi những “điển phạm” (canon) thi ca của chính mình, để không lặp lại mình, để tìm cho mình một hướng đi mới. Bởi, nói như Apollinaire: “Thơ và sáng tạo chỉ là một sự, chỉ nên gọi là thi sĩ kẻ nào phát minh, kẻ nào sáng tạo trong giới hạn sức người. Nhà thơ là kẻ tìm ra được những hứng thú mới, dẫu hứng thú đó khó chịu đựng. Có thể thành nhà thơ ở mọi lĩnh vực: miễn là thích phiêu lưu và đi khám phá”(7).
4. Quả thật, chỉ có thể: “thành nhà thơ ở mọi lĩnh vực: miễn là thích phiêu lưu và đi khám phá”, điều mà Apollinaire xác quyết đã được minh chứng khá thuyết phục ở con đường thơ của Anh Hồng. Từ tập thơ đầu tay Mùa bánh kiến (Nxb Thanh niên, 2007) đến tập thơ Người đàn bà qua hai mùa tóc (Nxb Hội Nhà văn, 2014) và nay là tập thơ Tôi & Đêm Và… xuất bản trong năm 2023, thơ Anh Hồng đã có những bước chuyển mang tính đột phá trong cả nội dung tư tưởng và hình thức biểu hiện. Điều đó cho thấy một độ chín tư duy và chiều sâu tâm hồn trong thơ Anh Hồng, thể hiện qua việc mở rộng biên độ phản ánh hiện thực, tư tưởng và thi pháp trên nền tảng của một chiều sâu triết mỹ và văn hóa mà rõ nhất là sự dung hợp giữa chủ nghĩa hiện sinh và phân tâm học. Đọc Tôi & đêm và… của Anh Hồng, ta thấy hiện thực phản ánh trong thơ không chỉ là hiện thực cuộc đời mà đó còn là hiện thực của cõi tâm linh, hay nói như Georg Lukács đó là “ảo ảnh của hiện thực”. Thế nên, hình tượng Đêm được sử dụng trong thơ đã trở thành một căn tố thi pháp chuyển tải tư tưởng mang tính thông điệp của thi nhân về những vấn đề trong cõi nhân sinh từ sự truy vấn trong hành trình đi tìm cái tôi bản thể qua cuộc đối thoại với Đêm, đến những vấn đề liên quan đối với thân phận con người như: tình yêu, cái chết, chiến tranh, dịch bệnh, cơm áo, buồn vui, hạnh phúc, khổ đau, cùng những lẽ được mất ở đời… qua cái nhìn đẫm chất hiện sinh nhân bản (Sartre). Vì vậy, cuộc đối thoại của Thi nhân với Đêm, không chỉ khép kín trong hai chủ thể Đêm và Tôi mà nó mở ra với cuộc đời, với tha nhân, với hiện hữu, để mong tìm sự cảm thông và chia sẻ cũng như cảnh báo con người đừng vô cảm, đừng “quay lưng” với “nỗi đau của đồng loại” (K. Mác) nếu không muốn thế giới này trở thành một “trại súc vật”, một “chốn hỗn mang”. Vì vậy, đọc những bài thơ như Ở giữa Tôi và Đêm; Sô-cô-la đắng mình em…; Tiếng thét lạc loài…; Người đàn ông chỉ có hai con mắt; Trong hoàng hôn bụi đỏ?; Thượng đế và trái đất ; Tận cùng một giấc mơ;  Noel; Em đan tay dưới sợi sợi thời gian… ; Còn anh nữa đâu…; Vô thường 2…; Sài Gòn 2021…; Tình yêu như là nguồn cội; Chức Nữ; Nỗi không anh; Những em bé trong đêm; Chiếc lá hình trái tim; Những câu thơ xô lệch… ta sẽ thấu hiểu hơn thông điệp nhân văn sâu sắc mang giá trị hiện sinh nhân bản ẩn chứa trong tập thơ Tôi & đêm và… như một phẩm tính thi ca hiện hữu trong thơ Anh Hồng. Vì nói như Eluard: “Đã đến thời tất cả các nhà thơ có quyền và có bổn phận chủ trương rằng họ hòa mình sâu xa vào đời của các người khác, vào cuộc sống chung”(8). Và, từ suy niệm của Eluard khi ông cho rằng nhà thơ “có quyền và có bổn phận” “hòa mình sâu xa vào đời của các người khác, vào cuộc sống chung”, qui chiếu điều này vào thơ Anh Hồng ở Tôi & đêm và… ta thấy những suy niệm của Eluard đã được thể hiện khá sâu sắc qua những cuộc đời, những phận số mà thi nhân đã từng gặp, từng nghe nói đến, để rồi họ trở thành những nỗi ám ảnh khôn nguôi trong tiềm thức của thi nhân về những bất hạnh khổ đau mà họ đã gánh chịu trong cuộc đời. Đó là hình ảnh “người đàn ông chỉ còn hai con mắt” với lời khấn cầu đớn đau đến xé lòng lặp lại một cách khẩn thiết: "cho tôi được hồi sinh”: mà chỉ cần đọc lên và lắng lòng mình lại, ta đã thấy bao nỗi đau của phận số con người: “Người đàn ông chỉ còn hai con mắt/ nhìn xuyên màn đêm/ hang đá đen ngòm, lạnh buốt/ hai con mắt khẩn cầu…/hai con mắt/ thăm thẳm…/ mảnh trăng vỡ vụn/ từ ba ngàn sáu trăm năm trước/ chìm đáy vực sâu…/cho tôi được hồi sinh…/cho tôi được hồi sinh…/cho tôi được hồi sinh…” (Người đàn ông chỉ còn hai con mắt); Đó là hình ảnh “người đàn bà điên cõng màn đêm đặc quánh” với tiếng gọi  “con ơi! con ơi…!con ơi!…” vang lên trong vô vọng như một “Tiếng thét lạc loài”, nghe đến nao lòng mà khi đọc lên không khỏi làm lòng ta nghẹn đắng : “người đàn bà điên cõng  màn đêm đặc quánh/ đi và đi…/  quần áo mong manh, xơ tướp…/ gió quất tả tơi…/ mưa đan chéo đập rát lồng ngực mỏng/ đôi mắt nhìn xuyên màn đêm/ con đường hun hút…/  câu hát í a ướt sũng, treo ngược cành cây/ tiếng cú đêm hòa điệu tiếng côn trùng…/ rừng đêm nghiêng ngả/ người đàn bà ngửa mặt khóc…/ người đàn bà cúi mặt cười/ “con ơi! con ơi!…”/  chỉ nghe tiếng âm âm u u vọng lại…/ “ con ơi! con ơi!…”/   tiếng thét gọi con dội vào vách đá/  thập thõm bước chân/ con ơi! con ơi…!con ơi!… (Tiếng thét lạc loài); Hay hình ảnh một “người đàn bà lui cui khâu lưới bên sông” với bao nỗi lo toan cơm áo giữa cuộc đời trong đêm Noel mà sự hiện hữu của Thiên Chúa trên cao cũng trở thành xa lạ nên khi đọc những câu thơ này, lòng ta không khỏi xa xót: “Noel,/ người đàn bà lui cui khâu lưới bên sông/ bóng lấp lóa đổ dài theo nhịp sóng/ lặng lẽ đếm, đếm từng mũi vá/ đếm khắc khoải, lo âu…/ giấc mơ/  mẻ lưới ngày mai…/ người đàn bà một mình khâu lưới bên sông/ lam lũ nụ cười …/  không biết đến Noel/  không quan tâm mưa nắng…/ không biết ai ai đi lại quanh mình…/ người đàn bà tắm trăng vàng/ vá lưới…/ Noel/  trôi, trôi và trôi/ thời gian, không gian/ hòa lẫn miền miên viễn…/ tôi không biết đám đông nghĩ gì/ tôi không biết người đàn bà vá lưới nghĩ gì/ tôi không biết tôi đang nghĩ gì/ chỉ nghe thấy âm âm” (Noel). Còn đây là hình ảnh “Những em bé trong đêm” đang oằn mình “gánh” những nỗi đớn đau thân xác trong những cuộc chiến tranh đầy phi lý mà cho dù nhân danh bất cứ điều gì cũng là tội ác trước sự mất mát của những đứa trẻ ngây thơ: “Đêm/ em lê lết bên vệ đường/ áo rách tướp, máu khô/ kết từng mảng trên vai/ lời cầu cứu văng vẳng, thăm thẳm hố đen/ vũ trụ bao la nhấp nháy/ nước mắt lã chã rơi…/ giọt giọt/ âm thầm/ thấm sâu/ lòng đất lạnh/ rùng mình/ tê tái…/ Đêm/ vầng trán ngây thơ lằn vết thương hình tia chớp/ tóc cháy sém/ ám mùi khói đạn/ em ngơ ngác giữa ngổn ngang, bề bộn/ đền thiêng ngàn năm đổ nát hoang tàn/ lũ quỷ mang mặt nạ người nhe nanh trắng ởn…/ nhảy múa/ tưng bừng…/ Đêm/ thân xác em/ co quắp như dấu hỏi trên vệ cỏ bên đường/ tay em – cánh chim non/ rủ xuống/ tả tơi/ linh hồn em bơ vơ…/ chẳng  ai gọi em về… (Những em bé trong đêm). Hình ảnh những em bé tội nghiệp hiện lên trong thơ Anh Hồng luôn vò nát trái tim ta mỗi khi nghĩ về sự bất hạnh của những em bé đáng yêu này, khi lẽ ra các em phải được sống ấm êm trong hòa bình, trong tình yêu thương của đồng loại.
Đọc những câu thơ trong Tôi và đêm và… của Anh Hồng viết về thân phận con người khi Thi nhân đối thoại với Đêm cũng là đối thoại với chính mình để truy vấn về cái Tôi bản thể, hay đó cũng chính là sự đối thoại với tha nhân với hiện hữu để tìm ra nghĩa ý của cuộc đời trong một thế giới đầy bất an và bất toàn. Thiết nghĩ, khi con người biết tự truy vấn về cái Tôi bản thể, để tìm ra cái “chân ngã” của mình cũng là lúc ta gặp được tha nhân, gặp được đồng loại trong chiều sâu nhân bản nhất. Và điều đó chỉ đến khi đối diện với Đêm cũng là đối diện với chiếc “bóng” của chính mình. Thơ Anh Hồng, vì thế, không chỉ là thơ của sự nhận biết mà là thơ của sự thức tỉnh, của “đốn ngộ”. Và, với tư cách là người tiếp nhận tôi nghĩ, liệu có nên luận bàn về nghĩa ý của những câu thơ trong các bài thơ của Anh Hồng không, hay để những ngữ ngôn trong những lời thơ tự cất lên tiếng nói, vì, theo Bùi Giáng: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch diễn gì được” (9).
Nhận định của Bùi Giáng có thể, có người cho là “cực đoan” nhưng nhìn từ yếu tính của thơ vẫn có cái lý của nó. Bởi, ngôn ngữ thơ tự nó đã là một giá trị. Thế giới thơ là thế giới của mộng mị, của tâm linh, thấu thị, nên mọi lời diễn giải, luận bàn có khi cũng bất lực. Vì thế, xét ở một bình diện nào đó, việc giải thích và diễn dịch đến tận cùng những câu thơ là việc làm không dễ đạt đến sự viên mãn. Có thể nói, ngữ ngôn thơ Anh Hồng trong tập thơ Tôi & đêm và…  là ngôn ngữ thơ mà mọi sự diễn dịch dường như là một thách thức đối với người tiếp nhận. Bởi, theo Stéphane Mallarme: “Thơ là sự biểu lộ ý nghĩa bi huyền của cuốc sống, bằng tiếng nói của con người thu về nhịp thuần túy nhất” (10).
5. Thay lời kết
Không phải ngẫu nhiên khi xác lập hệ giá trị mang tính cách mạng của thi ca, Aimé Césaire cho rằng: “Nhà thơ là một kẻ rất già nua và rất mới mẻ, rất phức tạp và rất giản dị, ở quảng biên thùy đã từng qua lại, giữa mộng và thực, sáng và tối, ẩn và hiện; trong cơn đảo lộn bất thần ở nội tâm, y tìm kiếm và nhận được một thứ ám hiệu, tiếng mật ước để hiểu ngầm mà giao ứng, và đi tới mãnh liệt” (11).
Phải chăng “tiếng mật ước để hiểu ngầm mà giao ứng, và đi tới mãnh liệt” mà Aimé Césaire đã xác quyết, không chỉ là điều riêng có ở thi nhân mà là một hằng số thể hiện phẩm tính của người nghệ sĩ trong hành trình lao động và sáng tạo. Nghĩa là, người nghệ sĩ phải luôn tự khám phá để làm mới mình trên hành trình sáng tạo cái đẹp của nghệ thuật. Đối với thơ phẩm tính này lại vô cùng quan thiết.  Nhận thức và ý thức  được điều này, cho nên trong hành trình sáng tạo thi ca của mình, rõ nhất là ở tập thơ Tôi và đêm và…, Anh Hồng đã rất cố gắng tự đổi mới mình, không chỉ trong thi pháp mà trong cả chiều sâu văn hóa và tư tưởng nên đã tạo cho vũ trụ thơ của mình một dấu ấn độc đáo, đó là sự hình thành ý nghĩa biểu tượng của “Thi giới đêm” mà ở đó, cuộc đối thoại giữa Thi nhân và Đêm không chỉ là sự đối thoại của cái Tôi bản thể, không khép lại trong cái Tôi của riêng mình mà mở ra, hướng đến Tha nhân với bao phận đời bất hạnh mà mỗi phận đời là một cuộc tra vấn đối với cái Tôi bản thể của Thi nhân về ý nghĩa của hiện hữu. Sự tra vấn đó không chỉ là sự cảm thông, chia sẻ đơn thuần mà còn đặt ra những câu hỏi mang tính đối thoại để thức nhận con người về tâm cảm và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng trước những khổ đau của đồng loại. Thơ Anh Hồng trong Tôi và đêm và… vì thế, không chỉ là thơ hướng đến cái đẹp của ngữ ngôn và tư tưởng mà còn là thơ hướng đến cái chân, cái thật, cái thiện với những thông điệp đầy tính nhân bản hiện sinh, đúng như nhà thơ tài danh Guillaume Apollinaire của nước Pháp đã xác quyết: “Các nhà thơ chẳng những là con người của sự đẹp. Trước hết họ là con người của sự thật, chừng nào sự thật cho phép thấu đáo những sự chưa từng ai biết, thậm chí sự ngạc nhiên hay sự không ngờ, là một trong những động lực chính của thơ ngày nay. Và đối với những kẻ xứng đáng được hứng thú, ai dám bảo rằng hễ mới thì không đẹp”(12); Còn Max Jacob thì cho rằng: “Cả thế giới trong một con người, đó là nhà thơ hiện đại”(13). Vũ trụ đêm trong thơ Anh Hồng: Sự đối thoại với mình và tha nhân của cái tôi bản thể đã phần nào cho thấy phẩm tính của “nhà thơ hiện đại” hiện hữu trong Tôi & đêm và… mà khi đọc thơ ta sẽ tìm thấy niềm tin về sự hướng thiện vì cảm nhận trong diễn ngôn thơ những thanh âm đồng vọng đầy tính nhân văn, một phẩm chất hằng cửu của thi ca mọi thời đại, khi con người được sống đúng nghĩa với hai tiếng: Con người…
Chú thích:
(1). Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.42
(2). Cao thế Dung, Thi ca và thi nhân, Nxb. Quần chúng, Sài Gòn, 1969, tr.7
(3). Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.27
(4). Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.28
(5). Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.2
(6). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du ấn hành 2002, của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant do Phạm Vĩnh Cư – Chủ biên, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phòng Nguyễn Văn Vỹ (dịch) (tái bản lần 2), tr.298
(7). Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.44
(8). Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr. 80
(9). Bùi Giáng, Thi ca và tư tưởng, Nxb Ca dao 1969, Sài Gòn, tr. 133
(10). Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.24
(11). Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.48
(12). Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr.45
(13). Đoàn Thêm, (trích dịch) Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế, 1962, tr. 41.
1/3/2024
Trần Hoài Anh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Vầng Trăng Lưu Lạc Chàng bắt gặp đôi mắt ấy một vài lần trên khoảng đường mòn quanh co dẫn lên đồi Tôn Giáo. Cô gái thường thắp nhang ...