Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

Nghĩa tình cù lao tình nghĩa đồng bằng

Nghĩa tình cù lao tình nghĩa đồng bằng

Diện mạo đất và người Cù lao Dung, đất và người Đồng bằng sông Cửu Long gần nửa thế kỷ sau ngày hòa bình, với tất cả những đặc điểm rất riêng ấy là thành công và cũng là thông điệp mà tác giả Diệp Bần Cò gởi đến người đọc, thông qua từng câu chữ trong từng truyện ngắn cũng như xuyên suốt tập truyện Nghĩa tình.
Tác giả Diệp Bần Cò (tên thật Đỗ Ngọc Diệp, sinh năm 1977, giáo viên tiểu học tại thị trấn Cù lao Dung, hội viên Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng)
Tôi biết tác giả Diệp Bần Cò (tên thật Đỗ Ngọc Diệp, sinh năm 1977, giáo viên tiểu học tại thị trấn Cù lao Dung, hội viên Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng) vào đầu thập niên 2010, khi anh giành giải nhì cuộc thi Bút ký khu vực ĐBSCL, rồi được chọn là đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 năm 2011, nay là Phân hội trưởng Văn học thuộc Hội VHNT Sóc Trăng.
Bút danh Diệp Bần Cò là sự gắn kết tên thật với địa danh Bần Cò (những cánh cò và cây bần cũng là chủng loài động, thực vật đặc hữu của vùng đất này) nơi anh sinh ra, lớn lên, gắn bó cuộc đời. Thỉnh thoảng, tác phẩm của anh, phần lớn là bút ký văn học, xuất hiện trên một vài tạp chí Văn nghệ trong khu vực nhưng không đều đặn lắm. Có lẽ, là một nhà giáo sinh sống ở địa bàn cù lao sông nước cách trở đã không tạo ra môi trường thuận lợi để anh tận tâm tận lực theo đuổi chuyện văn chương. Chính vì lẽ đó, mãi đến đầu năm 2024, sắp bước vào tuổi “tri thiên mệnh” và sau hơn 20 năm cầm bút, Diệp Bần Cò mới cho ra mắt tập sách đầu tay – tập truyện ngắn Nghĩa tình (do Nhà xuất bản Đồng Nai cấp phép và Hội VHNT Sóc Trăng hỗ trợ kinh phí).
Nghĩa tình bao gồm 10 truyện ngắn (cùng lời giới thiệu của Hội VHNT Sóc Trăng và lời bạt của Nhà văn Võ Diệu Thanh), với dung lượng khiêm tốn hơn trăm trang in, khổ 14x20cm. Ngay khi nhận được tác phẩm, tôi đã dành trọn buổi chiều đọc liền một mạch, rồi dừng lại nghiền ngẫm từng ý tưởng, tính cách nhân vật, thông điệp gởi gắm cho đến cách cấu trúc, câu chữ ở mỗi tác phẩm mà tác giả thể hiện… và nhận ra sự trưởng thành của một ngòi bút vốn có phần lặng lẽ nơi cuối đất cù lao này.
Điều dễ nhận ra nhất, đa phần trong số 10 truyện ngắn trong Nghĩa tình đều lấy bối cảnh đất và người Cù lao Dung – dãy cù lao nằm cuối nguồn dòng sông Hậu, giữa hai tỉnh Sóc Trăng – Trà Vinh, hướng nhìn ra biển Đông. Một vài truyện mở rộng ra vài địa phương cũng thuộc miền Tây sông nước. Tôi hiểu, sự mở rộng này là có dụng ý, bởi cả Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một cù lao lớn bao gồm nhiều cù lao nhỏ và Cù lao Dung cũng là một đồng bằng nhỏ trong Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn. Đất cù lao là đất đồng bằng, người cù lao là người đồng bằng và Diệp Bần Cò chọn bối cảnh Cù lao Dung mà mình hiểu biết từng chân tơ kẽ tóc để khái quát cả vùng đất – con người Đồng bằng sông Cửu Long trong gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển sau ngày hòa bình.
Mở đầu tập sách, trong truyện Nghĩa tình (cũng là tên tập truyện), anh dùng những ngôn từ, hình ảnh tâm huyết nhất để tả xóm Bần Cò “Rạch Bần Cò quanh co và hẹp. Vậy mà xuồng ghe không ngớt qua lại mỗi khi con nước lớn. Dọc theo con rạch hai bên là hai dãy bờ bao ngăn nước ngoằn ngoèo như hai con rắn đang bò. Nhà ông Sáu Đất nằm ngay cái eo cong nhất của con rạch, tức ngôi nhà nằm thoi loi ngay cái cùi chỏ của dãy bờ. Cửa trước nhà ông quay lên vườn mít, còn cửa sau quay xuống sát mé rạch. (…).
Mỗi ngày ông lấy tiếng xuồng, ghe chèo, bơi lùm cùm và tiếng máy xăng, máy dầu chạy tạch tạch, tành tành qua lại con rạch này để làm vui”. Tôi đảm bảo, bất kỳ người dân miền Tây sông nước nào đọc qua, gấp trang sách, rồi nhắm mắt lại cũng thấy con rạch Bần Cò tận Cù lao Dung này như chảy qua chính làng xóm quê hương mà mình gắn bó thời thơ trẻ. Rồi những địa danh Bến Bạ, Xóm Củi… qua trang viết của Diệp Bần Cò như cũng quẫy mình rời khỏi đất Cù Lao Dung, lãng đãng đó đây, mà cả 13 tỉnh, thành phố miền Tây, nơi nào cũng có.
Diệp Bần Cò có góc nhìn khá độc đáo về người Cù lao Dung, người Đồng bằng sông Cửu Long là con người “nghĩa tình” như chính tên tập sách. Nhân vật của anh phần lớn chỉ là “lát cắt ngang” của một tính cách, một số phận chớ anh không đi sâu vào khai thác, trình bày yếu tố cội nguồn. Dẫu vậy, mỗi nhân vật đều để lại trong lòng người đọc một tính cách nổi trội. Đó là sự kiên cường, anh dũng trong đấu tranh giải phóng dân tộc (ông Sáu Đất, ông bà Tám Bột… trong Nghĩa tình), tình yêu quê hương, lòng tự hào xứ sở (ông Sáu Đất, ông bà Tám Bột trong Nghĩa tình, ông Hai Củi, ông Tư Đàn kìm trong Xóm Củi), sự đôn hậu, chan hòa, chia sẻ cùng chòm xóm láng giềng (Ông Sáu Đất trong Nghĩa tình, Sư bà Huệ Tâm trong Tình lỡ…), lòng trung trinh tiết liệt (Thủy Liễu trong Mỗi mùa bông bần nở), tính năng động sáng tạo trong lao động sản xuất (ông Tư Cá linh trong truyện ngắn cùng tên), vượt lên hoàn cảnh khó khăn của chính bản thân, gia đình mình (Dũng trong Gã)…
Xuyên suốt các tác phẩm của mình, Diệp Bần Cò gởi đến người đọc thông điệp khá rõ ràng là đất cù lao (mở rộng ra là đất Đồng bằng) là vùng đất lành, con người sinh ra ở đây luôn gắn bó với thửa ruộng, mảnh vườn, con sông, bến nước. Họ không chỉ chan hòa, san sẻ với người cố cựu mà còn sẵn sàng dung nạp, cưu mang, không hề phân biệt trong đối xử đối với những người từ nơi khác tìm đến (ông Sáu Đất trong Nghĩa tình, ông bà Hai Nước tương trong Xóm Củi). Trong quá trình phát triển, vì chuyện áo cơm, có người phải rời cù lao tìm phương sinh sống (Phước trong Nghĩa tình, Tuấn trong Trò chuyện trước giao thừa), thậm chí ra nước ngoài định cư (ông bà Hai Củi trong Xóm Củi) nhưng lúc nào cũng canh cánh bên lòng nỗi hoài vọng quê cha đất tổ và nhất định quay về nơi chôn nhau cắt rún mỗi khi có dịp.
Diện mạo đất và người Cù lao Dung, đất và người Đồng bằng sông Cửu Long gần nửa thế kỷ sau ngày hòa bình, với tất cả những đặc điểm rất riêng ấy là thành công và cũng là thông điệp mà tác giả Diệp Bần Cò gởi đến người đọc, thông qua từng câu chữ trong từng truyện ngắn cũng như xuyên suốt tập truyện Nghĩa tình. Chỉ điều này thôi, Nghĩa tình xứng đáng có một vị trí trong tủ sách và Diệp Bần Cò đường hoàng sánh vai cùng anh em bè bạn trong ngôi nhà văn chương miền Tây Nam bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi trội, tập truyện ngắn Nghĩa tình, theo nhận xét chủ quan của tôi còn bộc lộ một số hạn chế, mong được thẳng thắn trao đổi cùng tác giả và bạn đọc:
– Xuyên suốt tập truyện, tác giả luôn trung thành với vai trò “người kể chuyện” mà chưa chú ý “dựng truyện”, tức kiến tạo một không gian nghệ thuật để các nhân vật tự sống, tự hành động và tự bộc lộ tính cách của mình. Hơn nữa, lối kể chuyện của anh là tuyến tính theo trình tự thời gian, cái gì trước kể trước cái gì sau kể sau nên truyện thiếu kịch tính, thiếu điểm nhấn và không gây được bất ngờ, hấp dẫn người đọc. Có lẽ đây là thói quen của người chuyển ngòi bút từ thể loại bút ký sang truyện ngắn. Chúng ta hình dung, thay vì chỉ là “người soát vé” đưa người đọc vào đúng ghế ngồi rồi rút lui để họ tự mình xem toàn bộ vở kịch diễn ra trên sân khấu, thì tác giả lại gánh vác vai trò người đi xem trước rồi về kể lại cho người đọc nghe. Anh kể có hay mấy cũng chẳng thể nào bằng họ tự xem, tự khám phá, tự tư duy, tự rút ra thông điệp theo cảm nhận, suy luận chủ quan của từng người.
– Một vài truyện (Nghĩa tình, Mỗi mùa bông bần nở, Xóm Cùi, Những con diều giấy…) có kết cấu chưa thật chặt chẽ, sự phát triển của câu chuyện theo định hướng chủ quan của tác giả, thiếu tính logic trong diễn biến tâm lý nhân vật. Vì vậy, đôi lúc tác giả phải mượn những tình tiết ngẫu nhiên để ngoặt sự phát triển nội dung câu chuyện, gây hụt hẫng trong quá trình tiếp nhận của người đọc. Đành rằng, trong thực tế cuộc sống, không ít sự ngẫu nhiên chi phối cả số phận con người nhưng trong tác phẩm văn học, tác giả cần kiến giải mọi sự ngẫu nhiên chẳng qua là kết quả tất nhiên của quá trình phát triển tính cách, hành vi nhân vật. Nếu không, tác phẩm rất dễ rơi vào tự nhiên chủ nghĩa hoặc gượng gạo, tính thuyết phục không cao.
– Tác giả cần chú ý hơn đặc trưng ngôn ngữ thoại của từng tuyến nhân vật, từng nhân vật cho phù hợp. Khi đọc những tác phẩm văn học kinh điển (và qua thực tế cuộc sống chung quanh cũng vậy), chúng ta đều biết, đặc trưng ngôn ngữ thoại (ngữ điệu, từ vựng, cấu trúc câu…) phản ánh giới tính, vùng miền, dân tộc, tầng lớp,  nghề nghiệp… và (cùng với suy nghĩ, hành vi) là biểu hiện tập trung nhất tính cách nhân vật. Bà mẹ Khmer, chú cán bộ gốc Nam Trung bộ, ông lão nông dân cù lao, anh phụ hồ Sài Gòn, ông thầy giáo làng quê… sẽ có những đặc trưng ngôn ngữ khác nhau cần được tác giả nghiên cứu kỹ, sử dụng đúng. Thật không hợp lý khi các nhân vật có chung một cách nói (tất nhiên, cách nói của tác giả), càng không hợp lý hơn khi anh chàng bán vé số lý giải vai trò cá nhân người lao động trong xu thế phát triển đô thị như anh cán bộ tuyên giáo nhà nghề.
– Trong truyện ngắn Mỗi mùa bông bần nở, xuất hiện tuyến nhân vật là một gia đình người Khmer Nam bộ. Văn hóa dân tộc là vấn đề khá tế nhị, nhạy cảm mà tác giả cần thận trọng, nghiên cứu tường tận hơn. Chúng ta đều biết, khác với tộc Việt, người Khmer Nam bộ trong văn hóa truyền thống không ảnh hưởng gì từ Khổng giáo nên chuyện giao tiếp, quan hệ nam nữ không quá câu nệ khuôn phép (người Khmer có điệu dân gian múa tập thể nam nữ, người Việt thì không). Người Khmer tuyệt đại đa số là những phật tử thuần thành, thấm nhuần tư tưởng hiếu sinh của Đức Phật (mùa sa mưa, người Khmer xưa hạn chế việc đánh bắt, giết và ăn các chủng loài thủy sản đang ôm trứng). Do vậy, chi tiết bậc cha mẹ Khmer (hiểu là người khmer truyền thống) đuổi con gái đang mang thai ra khỏi nhà và buộc con mình phá bỏ bào thai vì chưa biết rõ cha cháu bé là ai khá xa lạ với văn hóa và cách ứng xử truyền thống của người Khmer Nam bộ.
– Thỉnh thoảng đây đó, tác giả còn vướng những sơ suất không đáng có, kiểu như “cứ chiều chiều ra trước hàng ba nhà nhìn những đám bông mười giờ tim tím” (Lòng mẹ, có mười giờ nào nở bông buổi chiều?) hay “tốt nghiệp lớp mười hai” (Những chiếc diều giấy, tốt nghiệp bậc học chớ sao tốt nghiệp lớp học?) hoặc những lỗi chính tả còn rải rác đó đây trên các trang sách có thể làm giảm độ tin cậy nơi người đọc.
Tôi tin những hạn chế, sơ suất này là thường thấy ở những tập sách đầu tay mà tác giả luôn ở trạng thái “thừa nhiệt tình, thiếu kinh nghiệm” và không làm giảm giá trị của tác phẩm. Thiết nghĩ, Hội VHNT địa phương ngoài việc hỗ trợ kinh phí xuất bản cũng cần hỗ trợ các tác giả trẻ ở khâu biên tập, chăm chút trang in… để quyển sách tới tay bạn đọc hay, đẹp và sạch hơn.
26/2/2024
Trần Dũng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Vầng Trăng Lưu Lạc Chàng bắt gặp đôi mắt ấy một vài lần trên khoảng đường mòn quanh co dẫn lên đồi Tôn Giáo. Cô gái thường thắp nhang ...