Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Tết này con có về không

 

Tết này con có về không?

Một người đàn bà ghé bệnh viện, trao cho anh mảnh giấy đôi, gấp tư, gấp tám. Lúc ấy anh đang ngồi trong phòng khám với người bệnh. Bên ngoài, phòng chờ đợi đông nghẹt bệnh nhân. Tiếng cãi cọ luồn qua tấm vách ngăn mỏng mảnh. Giọng phụ nữ quấn vào nhau.
“Tui cần gặp ổng ngay bây giờ.”
“Chị phải chờ y chang mọi người.”
“Tui hổng đi khám bịnh mắc mớ chi tui phải chờ.”
“Không đi khám bệnh thì đến đây làm chi?”
“Tui cần gặp ổng.”
“Chị chờ đó đi.”
“Tui hổng chờ được. Chờ một hồi hết xe đò, tui đi bộ về thành phố hả?”
Những câu đối đáp qua lại. Hai giọng nói quyện vào nhau. Anh nhận ra giọng cô y tá. Còn giọng của người kia không nghe quen. Anh đứng dậy, khoác ống nghe lên vai, nói nhỏ với bà cụ đang rì rầm khai chứng nhức mỏi “Bác chờ đây một chút nhé,” và bước ra ngoài.
Những con mắt bệnh nhân ngước lên. Những con mắt gắn vào hình ảnh người thầy thuốc trẻ. Khuôn mặt gầy gò. Tóc cắt cao. Khung kính cận màu đen. Chiếc áo khoác trắng còn tươi những nếp gấp. Chiếc quần dài xanh rất học trò. Đôi dép Nhật có một bên chiếc quai màu đen buộc bằng sợi dây thép xám. Cái ống nghe nằm ngoan trên vai như con rắn hiền hậu của một người hát xiệc.
“Bác sĩ ơi, có chị này kiếm nè.” Cô y tá nhanh miệng nói.
Anh nhìn người đàn bà. Hai mươi lăm. Ba mươi. Hay ba mươi lăm. Anh đoán nhanh như thế. Nhưng anh không thể ngừng hẳn ở con số nào. Những mặt người thời đói khát không biểu lộ rõ cái tuổi người ấy đang mang.
Trông thấy anh, người đàn bà nhanh nhẹn bước tới. Một tay xách cái túi vải, tay kia luồn vào túi áo bà ba. Lấy ra một một mảnh giấy gấp vuông vức. “Tui có cái này...”
“Giấy gì thế, b... chị?”
Anh hỏi. Khuôn mặt người đàn bà không cho phép anh đoán tuổi, thành ra đã toan gọi là “bà”, là “bác” anh ngừng ngay lại, và đổi thành “chị.”
Người đàn bà bước tới sát bên anh. Cô y tá cũng bước tới sát cạnh bà ta. Từ hôm về nhận công tác ở nơi này, anh thấy cô y tá lúc nào cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ “ông thày”.
Người đàn bà giúi mảnh giấy vào tay anh, nhỏ giọng, “Bà già của chú nhờ tui đưa giùm.”
Anh ngập ngừng mân mê vuông giấy gấp trong tay. Anh nhìn người đàn bà. Không nhớ nổi đây là người quen hay người lạ. Anh nghe tiếng bệnh nhân xì xào. Tiếng ho khan. Tiếng trẻ con khóc. Tiếng quát mắng. Anh nhớ hôm nay phòng khám đông người. Không làm nhanh thì tới tối chưa chắc đã hết bệnh nhân. Phòng ngoại chẩn mùa cảm cúm không lúc nào vắng con bệnh.
“Cảm ơn chị.” Anh nói vội. Tay nắm chặt vuông giấy như sợ nó biến đi.
Người đàn bà gật đầu, “Hổng có chi” rồi nhanh nhẹn quay lưng. Nhưng trước khi đi cũng không quên ném cho cô y tá cái nhìn bén như lá lúa.
Anh cảm ơn cô y tá, nhét vuông giấy vào túi áo ngực rồi vội vã trở vào phòng khám. Bà cụ đau lưng nhức mỏi đang chờ anh trong đó.
Ghi cho cụ cái toa thuốc xong, anh nói nhỏ cô y tá chờ anh một chút và chạy ra khu đất trống phía sau bệnh viện. Nắng vắt vẻo trên những ngọn dừa. Gió nhè nhẹ. Anh vội vã moi vuông giấy gấp từ trong túi áo. Tờ giấy được gấp làm đôi, rồi làm tư, rồi làm tám. Tờ giấy vở học trò màu vàng úa có những đường kẻ màu xanh lợt. Anh thấy những con chữ bò ngoằn nghoèo. Nét chữ quá là quen. Gió đẩy nhẹ góc tờ giấy như trêu chọc. Anh hít một hơi dài, như thể dòng chữ đơn giản trên trang giấy học trò vàng ố ấy cần cả một nội lực siêu phàm để có thể đọc hết được.
“Tết này con có về không? Ký tên: Mẹ.”
Tim anh bị ngắt đi một nhịp. Lá thư (hay tin nhắn) của Mẹ anh. Mặt anh chợt lạnh băng như bỗng dưng hóa đá. Anh đứng lặng không biết bao lâu. Rồi anh hít thở trở lại. Và anh thấy da mặt mình mềm lại. Anh cố khoác lên khuôn mặt ấy một nụ cười. Như thể anh đang đứng trước mặt Mẹ. Mẹ dễ thương chi đâu! Anh nghĩ. Đã ghi là: Ký tên mà lại ký thành “Mẹ”!
Chắc con không về được rồi. Anh nói thầm với cơn gió vừa lướt qua như thế. Mới nhận nhiệm sở có vài tuần, người ta chẳng cho về đâu. Anh nói thế. Trong đầu anh cũng nghĩ thế, nhưng có một kẻ nào đó ở một góc tâm tư anh trả lời Mẹ thay cho anh, “Nhưng thế nào con cũng về!”
Thế nào anh cũng về!
Ngày hai mươi chín Tết, anh khăn gói, đón xe ôm ra bến xe đò. Anh bạn làm cùng khoa bảo, Nói là không cho nhưng mình cứ về, vài ngày cuối tuần, rồi xuống lại, chẳng ai thắc mắc. Tụi tôi làm vậy hoài. “Tụi tôi” là những đồng nghiệp lớp trên, ra trường trước anh một, hai năm.
“Nhưng không có công lệnh đi đường thì làm sao mua vé xe?” Anh thắc mắc.
Anh bạn chuyên khoa Nhi Đồng cười híp con mắt, “Cứ nói mình là bác sĩ bệnh viện tỉnh là có vé ngay mà.”
Thế là sáng sớm ngày hai mươi chín Tết, anh đứng chờ từ lúc trời còn tối mịt để mua vé xe về nơi chốn khi xưa là Sài Gòn của anh.
“Ông có giấy đi đường không?” Người đàn bà ở quầy vé hỏi.
Anh ngẩn người ra một giây nhưng tỉnh táo ngay lại. “Tôi về thăm nhà chỉ vài ngày. Tôi là bác sĩ Bệnh Viện Đa Khoa.”
Người đàn bà quầy vé tròn mắt nhìn anh.
“Thiệt hôn, cha nội?”
“Thật mà!”
“Dóc tổ cha nội! Bác sĩ Bệnh Viện Đa Khoa tui biết hỏng chừa một ai. Tui có thấy mặt cha nội hồi nào đâu!”
Lồng ngực anh thắt lại. Anh mới xuống nơi này, người ta không biết mặt là phải. Những con chữ ngoằn ngoèo trong tờ thư của Mẹ hiện rõ trước mặt anh, in lên cả khuôn mặt tròn quay của người đàn bà ở quầy vé. Tết này con có về không? Ký tên: Mẹ.
“Để tôi đưa chị xem giấy tờ.”
Có tiếng phản đối lao xao sau lưng anh. Hành khách người nào cũng nóng lòng, sợ trễ chuyến xe về thành phố. Anh vội vã móc túi, lấy tờ giấy tốt nghiệp. Anh lúng túng mở nó ra, luồn qua cái khung vuông quầy vé.
Người đàn bà liếc nhìn tờ giấy. Con mắt nheo nheo. Những tia nghi hoặc vung vãi trên trang giấy phân công của bộ Y Tế. Rồi người đàn bà đẩy trả tờ giấy qua cái khung hẹp.
“Dẹp đi cha nội. Giấy tờ giả làm sao tui biết được!”
Đám người chờ đợi sau lưng anh nhao nhao hùa theo, “Dẹp đi cha nội ơi! Tránh chỗ cho người ta làm việc, ông ơi!”
Anh quay lại nhìn những mặt người sừng sộ. Và lủi thủi bước đi.
Đêm giao thừa, anh nằm một mình trong căn phòng trống trải. Chiếc chiếu trải trên nền nhà. Anh gối đầu trên chồng sách, nhìn những con nhện đuổi bắt nhau trên khoảng trần nhà lồi lõm. Tiếng pháo lưa thưa trong đêm vắng gợi nhớ cái thời pháo rền vang suốt từ giao thừa cho đến sáng mồng một.
Mồng một Tết, anh lủi thủi ra phố. Đường xá vắng tanh. Anh đi lòng vòng mấy con phố quanh khu bệnh viện tỉnh, tìm một quán cà phê. Đường phố rải đầy xác pháo. Tờ thư chỉ có một câu của Mẹ nằm ngoan trong túi áo ngực. Tết này con có về không? Ký tên: Mẹ. Anh nhớ những chiếc bánh chưng lá dong, lá chuối, biếc xanh. Tết này chắc cũng lại không có thịt, không có đậu để làm nhân bánh. Mấy năm trước đã vậy rồi. Và vắng anh, không biết người con gái (của anh) có lặn lội đạp xe từ một Sài-Gòn-đã-xưa xuống thăm Bố Mẹ anh như những ngày anh còn ở đó?
Vừa sắp sửa quay gót trở về lối cũ, anh bắt gặp một quán ăn bên cạnh nhà lồng chợ có mở cửa và có khách ngồi ăn trong đó. Anh hí hửng bước về phía ấy. Anh chọn chiếc bàn trống ở một góc khuất nẻo trong lòng quán. Ông chủ quán nhìn anh, tay xoa cái bụng tròn dưới lớp áo thun ngả màu vàng, “Cung chúc tân xuân!”
Anh cũng cười và cũng Cung chúc tân xuân lại ông ta.
“Cho tôi... cho tôi...” Anh không biết nên gọi món gì để ăn Tết. Cái Tết xa nhà lần thứ nhất trong đời.
“Có hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Nam Vang, hủ tíu bò kho, bún riêu cua, bún bò, bún thang, phở Bắc, phở tái, phở tái nạm, phở Sa-tế...”
Thằng bé chạy bàn đọc một thôi như cậu học trò trả bài. Giọng nói của thằng bé lẫn vào tiếng nhạc vọng ra từ hai cái loa trên trần nhà.
“Cho một tô phở.” Anh nói vội.
“Phở gì, chú? Phở Bắc, phở tái, phở tái nạm, phở sa tế...”
“Phở tái.”
Tô phở đến thật nhanh. Anh loay hoay với những cọng rau thơm. Giờ này ở thành phố Mẹ đang làm gì nhỉ. Anh nghĩ thầm. Và cô bạn thân của anh có xuống thăm Mẹ như vẫn thường làm những ngày hai đứa còn sóng đôi rong ruổi bao nhiêu là những con đường Sài-Gòn-thuở-trước?
“Con bé thật dễ thương,” Giọng mẹ vang vọng trong đầu anh. “Con bé thật thà như đếm. Nó thủ thỉ với mẹ là nhà mình đạo Chúa, nhà nó đạo Phật nếu hai đứa về với nhau thì cho con cái theo cả hai đạo luôn. Mẹ chưa thấy đứa nào ngây thơ như nó. Tao thương nó quá! Nó đi chùa thắp hương, nó bảo nó cầu cho đất nước thanh bình. Nó cầu cho chuyện hai đứa con sẽ thành.”
Con cũng đi lễ nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Chúa Cứu Thế; và con cũng cầu nguyện y như thế. Anh thì thầm với Mẹ trong trí tưởng, và cho một mình anh nghe.
Rồi anh cười một mình trước tô phở bốc khói. Cơn đói quậy lên trong bụng. Nhưng anh vẫn loay hoay với những cọng rau thơm bởi hình ảnh Mẹ và giọng nói Mẹ vang vọng trong anh như khúc phim đầy màu sắc. Anh lẩm bẩm, “Mẹ cũng ngây thơ không kém. Thật ra cái hôm hai đứa đi lễ giao thừa ở chùa Vĩnh Nghiêm năm nào, thắp nhang lễ Phật xong, cô bạn của con thì thầm cho con nghe thế này nè: ‘Bây giờ mình chiều bố mẹ cả hai bên đi. Giáng Sinh mình đi lễ Nhà Thờ Đức Bà, Phật Đản mình lễ chùa Vĩnh Nghiêm. Mai mốt về với nhau rồi tính sau, anh há?’”
Và anh cũng đồng ý như thế.
Hai cái loa trên trần nhà bỗng dấy lên cái âm thanh lục huyền cầm réo rắt. Và giọng hát nào rất quen cất lên cái câu tân cổ giao duyên nghe xoắn cả ruột gan ngày mồng một Tết xa nhà. “Chiều nay én liệng trời cao mai đào vàng trên rẫy, nẻo quê hương mù xa diệu viễn, mẹ ơi xuân năm nay chắc con sẽ không về...”
Anh ngẩn người ra như con bệnh mất trí. Bài hát này, thuở còn ở bên Bố Mẹ, bên bầy em, và bên người con gái ấy, lần nào nghe cũng thấy ấm lòng. Còn hôm nay chỉ hơn hai trăm cây số đường liên tỉnh mà xa đến muôn trùng.
Và nước mắt anh bỗng từ đâu tơi tả rụng.
Thằng bé chạy bàn đứng sựng lại nhìn. Và luống cuống thụt lùi. Ra tuốt đàng sau bếp.
Những cọng rau thơm chết đứng ở những đầu ngón tay. Những ngón tay cay sè vị rau quế, rau ngò gai... nên anh không thể đưa lên lau nước mắt, thành ra nước mắt đua nhau rụng xuống mặt chiếc bàn gỗ màu nâu bóng.
Ông bác sĩ bệnh viện Đa Khoa tỉnh nhỏ. Hai mươi bốn tuổi. Xa nhà. Ngồi khóc một mình, trong quán hủ tíu ngày mồng một Tết. Ông khách làm thằng bé hầu bàn luống cuống vấp vào sô nước để nhúng cái khăn rách, lau bàn, làm nước tràn lênh láng trên nền xi măng lở lói.
Rồi anh bỏ xứ mà đi. Bao nhiêu năm tháng trôi qua. Cách sông cách biển nhưng lần nào chuyện trò trên đường dây viễn liên Mẹ cũng hỏi mỗi một câu, “Tết này con có về không?”
Và năm nào anh cũng không có được câu trả lời.
Cô gái năm xưa, giao thừa vẫn lên chùa lễ Phật vái van cho đất nước thanh bình. Còn anh thì đã quên những lối giáo đường từ một năm tháng rất xa.
Rồi Mẹ không hỏi nữa!
Mẹ không hỏi được nữa!
Thế nhưng tờ thư (anh thích gọi đó là tờ thư) còn hoài trong túi áo anh. Và năm nào cũng thế, cứ vào những ngày sắp Tết là anh lại mở trang giấy vàng ố, mềm nhũn ấy, để nghe cái câu quen thuộc năm xưa. Tết này con có về không? Và thì thầm với hàng chữ nguệch ngoạc thân ái ấy cái câu mỏng mềm, “Mẹ ơi, chắc con chẳng về nữa đâu!”.
Hoàng Chính
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vầng trăng lưu lạc

Vầng trăng lưu lạc Chàng bắt gặp đôi mắt ấy một vài lần trên khoảng đường mòn quanh co dẫn lên đồi Tôn Giáo. Cô gái thường thắp nhang trên...