Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

Đầu xuân đi chợ cùng ba nhà Thơ mới

Đầu xuân đi chợ cùng ba nhà Thơ mới

Làng quê xưa của người Việt không thể thiếu vắng chợ. Không đâu như ở phiên chợ làng, nơi phô ra mọi sản vật một vùng quê, tất bật bán mua, eo sèo rẻ đắt. Chợ cũng lại là nơi phô bày văn hóa trao đổi, tiêu dùng của một cộng đồng người. Ngày xuân rỗi rãi, ta hãy đi chợ cùng Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ và Nguyễn Bính để được sống lại một nét quê xưa cùng một kiểu thơ xưa.
Anh Thơ: Chợ đời thường
Anh Thơ chắc hay đi chợ, yêu chợ, tất bật cùng chợ nên trong “bức tranh quê” bà có hẳn một xê-ri chợ: “họp chợ”, “đông chợ”, “tàn chợ”, “chợ chiều”, “chợ mùa hè”, “chợ ngày thu”, “chợ ngày đông”, “bến đò ngày phiên chợ”… Quen chợ, thuộc chợ, lại là đàn bà nên Anh Thơ để ý đến những cái cụ thể, thậm chí chi li, nên chợ của bà đầy rẫy những chi tiết, đường nét. Những chi tiết, đường nét này hợp thành các bức tranh chợ làng với rất nhiều cung bậc của “mùa nào cảnh ấy”, “thời nào thức ấy”, đủ cả sáng trưa chiều tối, xuân hạ thu đông. Chợ của bà, do vậy, cũng góp mặt đủ mọi hạng người, kiểu người, mua và bán, vui và buồn, được và mất. Vui thì như chị hàng quạt trong ngày hè nóng “Ngồi trước đình không kịp đếm tiền xâu”, buồn thì như “Bọn bán hàng ế ẩm với ruồi bâu”. Dù vui hay buồn, đắt hay ế, thì bà cũng chỉ khách quan ghi nhận vậy, không bày tỏ xúc cảm, hay bình phẩm gì nhiều. Tính bà thế!
Đã là cảnh chợ mùa hè nóng bức thì “Đây, góc quán bà già ngồi rũ nóng/ Kia, cửa lều ông lão quạt khăn tay”. Chợ mùa đông lạnh rét nên “Các cô gái khăn vuông trùm to hó/ Miệng nhai trầu thỉnh thoảng nói ra hơi”. Phiên chợ đông tất phải “ồn lên những tiếng chào mua bán/ Với tiếng người chen chúc gọi vang nhau”, còn “Ở lại chợ nhìn người mua dần lảng/ Bọn ế hàng ngán ngẩm với ruồi bâu”, ấy là khi chợ tàn. Cái bến đò ngày phiên chợ nó mới dân dã và sống động làm sao “Thuyền ghé bến người người chen chúc xuống/ Tiếng chó kêu, lợn hét nổi vang lừng/ Với tiếng người ồn lên trong luống cuống/ Đặt gánh gồng bồ bịch đổ lung tung”.
Như một nghệ sĩ ký họa lão luyện, một người làm phóng sự  ảnh có nghề, Anh Thơ đưa ta vào chợ, chỉ cho ta thấy cái bề bộn, đua chen của chợ quê, với những “đây”, “kia”, “mấy ông lão”, “một mụ già” cùng những lồng gà, lồng vịt, hàng rau, hàng cá, thầy bói, kẻ cắp… Theo chân nữ sĩ, ta có cảm giác như bị cái ồn ã của âm thanh, cái xô bồ của chợ búa hút ngay vào và rợn ngợp trong nó. Bằng một loạt những câu thơ cứ cặp đôi với nhau, đối nhau chan chát, cảnh lui tới, bán mua ở phiên chợ làng bày ra sống động, “thật như đếm”“Mấy ông lão khiêng vào lồng lợn giống/ Mấy bà già quẩy đến gánh bèo non/ Mụ bán cá đặt thúng ngồi chửi đổng/ Chị hàng rau mất chỗ chạy lon ton”.
Thậm chí, ống kính nhà nghề của bà còn “chộp” được những “tiểu cảnh” có một không hai của chợ làng xưa “Đây mấy mụ chổng mông lên khảo gạo/ Kia mấy cô chúm miệng húp canh riêu”; “Chó lè lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng/ Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây”. Những “cái mông”, “cái miệng”  “vĩ đại” của người quê, hòa cùng với những “ngồi thừ”, “thở hồng hộc” của chó và lợn, được Anh Thơ thuận tay đưa vào thơ không một chút đo đắn, ngại ngần. Những chi tiết như vậy có hơi tự nhiên, thô mộc nhưng đó lại là cái mộc mạc, sống động của “cây đời mãi mãi xanh tươi”, chưa qua chỉnh sửa, mông má gì nhiều.
Với tài quan sát sắc sảo, cùng bút pháp nặng về “tả chân” mà các bức tranh chợ, nằm trong tổng thế những bức tranh quê của Anh Thơ có rất nhiều chi tiết đắc địa mà chỉ con mắt của một phụ nữ quen chợ búa như bà mới thu lấy và chưng cất thành thơ. Có thể nói, chợ của Anh Thơ là chợ của ngày thường, đời thường, hay là bảo đó là những “chuyện thường ngày ở chợ”, thì cũng vậy. Đó là nơi gặp gỡ bán mua, trao đổi kiếm sống của những cảnh đời, phận người, nhìn chung là lam lũ và hơi có phần xô bồ, nhếch nhác vì miếng cơm, manh áo. Đúng là đông như chợ, vui như chợ, xô bồ như chợ. Chợ của Anh Thơ rất ít được/bị lí tưởng hóa, dù rằng nó vẫn lãng mạn, nên thơ. Đó là chất thơ của đời thường, ngày thường, “biệt hẳn ra một lối”, như nhận xét khá tinh tường của Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam”.
Tuy nhiên, vì nặng về tả thực, nệ thực, lại quá ham chi tiết, nên dù là sinh động, thì đó cũng chỉ là cái sinh động của những bức tranh chợ của không gian hai chiều, vẫn cho ta cái cảm giác monotone (chìm, đơn sắc) thế nào ấy. Với đều đều một kiểu thơ tám chữ, chia làm ba khổ, tả và kể, những bức tranh chợ của Anh Thơ thừa thãi các đường nét, chi tiết mà thiếu cái dư vang, dư vị. Trong cái ồn ã vốn có của chợ búa, bà lặng lẽ nhìn, nghe và tả, với sự thản nhiên, điềm tĩnh, thậm chí có phần dửng dưng “- À, đó là những người đi bắt cắp/ Họ thản nhiên lại bán lại mua đều” (Đông chợ), “Rồi cứ thế, đò đầy rời khỏi bến/ Bác lái thuyền điềm tĩnh ngắm sương tan” (Bến đò ngày phiên chợ).
Công bằng mà nói, đây đó Anh Thơ vẫn có những những câu thơ hàm súc, thể hiện khá rõ tâm trạng, gửi gắm ít nhiều những vui buồn của người tham dự chợ. Ấy là khi bà tả cái bóng mờ ảo của người thầy bói “Bước gậy lần như những bước chiêm bao”; hoặc cái mông lung của bến đò ngày phiên chợ “Trong sương mù chèo động sóng lung linh”; hay cái tiêu điều của cảnh tàn chợ “Lều quán lại rùng mình trong gió thốc/ Và âm thầm run lạnh dưới mưa sa”; và lạ hơn cả là cảnh bà “chộp” được ở bến đò một ngày mưa “Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ/ Thúng đội đầu như đội cả trời mưa”.
Khi Anh Thơ thoát ra khỏi các chi tiết, để hóa thân, thả hồn vào chợ thì đúng như Hoài Thanh nhận xét “Sau câu thơ ta mơ hồ thấy một cái gì: có lẽ là hồn thi nhân”. Tiếc rằng, những câu thơ “không cốt tả mà cốt gợi”, mang “hồn thi nhân” với nhiều dư vị, dư âm, dư ba như vậy xuất hiện không nhiều. Chẳng những thế, chúng còn như bị khuất lấp bởi cái rậm rạp đến thừa thãi của bộn bề các chi tiết, nhiều chất đời mà ít chất thơ, trong các bức tranh chợ của bà.
Điều băn khoăn của người viết là, trong sê-ri chợ đông đúc của Anh Thơ vẫn thấy thiếu vắng phiên chợ tết. Cũng chẳng rõ vì sao. Bà quên, hay bà thấy thơ chợ tết của người khác đã quá đắc địa rồi nên không dụng bút nữa?
Đoàn Văn Cừ: Chợ Tết
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004)
So với tác giả “Bức tranh quê” thì Đoàn Văn Cừ của “Thôn ca” có ít đi chợ hơn. Thơ ông chỉ có hai lần đặc tả cảnh chợ búa, ấy là “Chợ làng vào xuân” và “Chợ tết”.
Bài “Chợ làng vào xuân” gồm tám câu nặng về tả phục trang ngoại hình “Trai tỉnh ô đen, quần lụa đũi/ Gái quê khuyên bạc, váy tơ sồi” không mấy ấn tượng, có chăng chỉ là hai câu “Chợ vãn đường về cô yếm thắm/ Tay bồng quả bưởi chín vàng tươi”. Trái bưởi vàng tươi đang nhún nhảy trong tay cô gái trẻ trên đường về khiến người đọc không khỏi liên tưởng tới hai trái bưởi đào lấp ló đâu đó sau yếm thắm cũng đung đưa theo, góp cho không khí phiên chợ làng thêm phần xuân sắc. Chỉ ở “Chợ tết” mới đích thực là Đoàn Văn Cừ, làm nên tên tuổi Đoàn Văn Cừ. Chợ tết đã hội đủ bút pháp rất riêng của thi sĩ họ Đoàn, vừa hiện thực vừa lãng mạn, trong đó cái nhìn thấy song hành cùng với cái tưởng thấy.
Không như nữ sĩ họ Vương (Anh Thơ tên thực là Vương Kiều Ân), đi chợ thường xuyên, quen chợ, thuộc chợ, nam sĩ họ Đoàn hình như chỉ chờ, chỉ chọn những dịp xuân tết mới đến chợ để được sống trong cái không khí đặc biệt của cái phiên cuối năm. Đến chợ không để mua bán, mà để ngắm chợ, nghe chợ, nên ông mới thấy được và, quan trọng hơn, nhập tâm được biết bao nhiêu sản vật, sắc màu đầy ngồn ngộn, tươi roi rói nơi chợ.
Cứ như bối cảnh của bài thơ, thì tác giả “Chợ Tết” đã thức dậy rất sớm khi “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh” để được cùng nhịp bước cùng đoàn người đang tưng bừng lũ lượt “kéo hàng trên cỏ biếc”. Thôi thì đủ cả nam phụ lão ấu, con người lẫn con vật, từ những thằng cu áo đỏ chạy lon xon, đến các cụ già chống gậy lom khom, chị yếm thắm, thằng em bé, con lợn, con bò… Con người, cảnh vật như cùng hòa với nhau, cùng tấu lên một cảnh đi chợ tết thật vui tươi, ngộ nghĩnh, đáng yêu, đủ mọi màu sắc và tràn đầy sức sống. Cả đến núi đồi, hạt sương, tia nắng cũng như bừng thức hân hoan phụ họa, cổ vũ cho đoàn người đang nô nức hướng tới chợ, đổ vào chợ.
Được biết, quê của Đoàn Văn Cừ (thôn Đô Đò, làng Nam Quan, huyện Nam Trực, Nam Định), không có chút đồi núi nào, nhưng trong chợ tết thấp thoáng thấy có núi đồi, trang ấp. Thì ra, theo  họa sĩ Đoàn Văn Nguyên – con trai nhà thơ, thì thuở nhỏ Đoàn Văn Cừ đã từng có thời rong ruổi cùng cha mình (cha ông có thời làm phiên dịch cho người Pháp ở Hà Nội) qua các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, nên Chợ tết là sự “tổng hòa” ấn tượng của các phiên chợ trung du và chợ Viềng, chợ Trung Lao, nơi đồng bằng, quê ông.
Cùng trường phái “tả chân”, cũng như Anh Thơ, ông có những quan sát rất tinh, dụng chi tiết rất đắt, chẳng hạn như “Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/ Thùng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà trống mào thâm như cục tiết”. Đó là thứ thơ của thị giác, của người thích “chơi màu”, mà là thứ màu ấm. Có người tỉ mẩn còn đếm được tới hai mươi ba màu trong Chợ tết.
Nhưng khác Anh Thơ, thường điềm nhiên, điềm tĩnh tả và kể, ông như hóa thân vào chợ, vui buồn với cảnh vật cùng con người “Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ/ Để lắng nghe người khách nói bô bô”, hay “Cụ đồ nho đứng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối tết”, hoặc nữa “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”…Đó là chưa kể cảnh cụ Lý, người đại diện cho giới chức sắc trong làng, bị “người chen sấn kéo/ Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra”, khiến cụ  giở cười giở khóc. Nhờ sự phân thân, hóa thân này mà, nhìn chung, ấn tượng từ bức tranh chợ của Đoàn Văn Cừ là khá stereo (ba chiều, đa sắc) dù bút pháp chủ đạo của tác già vẫn nặng về kể và tả.
Chợ tết của Đoàn Văn Cừ dù cũng đầy rẫy chi tiết song vẫn có nét khái quát cần thiết. Nếu như Anh thơ tỉ mẩn phân khúc chợ thành ra nhiều bức tranh nhỏ, căn theo thời khắc sáng chiều trưa tối, hoặc theo các mùa xuân hạ thu đông mà tả, thì Đoàn Văn Cừ khéo léo gộp tất cả cảnh vật, âm thanh, sắc màu vào một một bức tranh để đặc tả chỉ một phiên chợ tết, kéo dài từ sáng sớm đến tận chiều tà, đêm buông. Nếu như anh thơ “chộp” được những cảnh “thật như đếm”, thì Đoàn Văn Cừ cũng “chớp” được những cảnh “thật hơn đếm”. Cái “thật hơn đếm” này chính là những câu thơ được chưng cất bởi tâm hồn tác giả, khi ông không chỉ quan sát ghi nhận mà còn lắng nghe chính lòng mình, được Hoài Thanh khen là “Khép lại một thế giới và mở ra một thế giới: khép lại một thế giới thực, mở một thế giới mộng”.
Cứ như ở “Chợ tết”, khép lại một thế giới là khép lại cái “chợ tưng bừng như thế đến gần đêm”, để mở ra một thế giới ảo của “Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Cả phiên chợ là rực rỡ tưng bừng, là hồn nhiên tươi tắn. Nhưng chỉ với vài ba tiếng chuông chùa thu không văng vẳng, cùng đám lá đa nằm tơi bời quanh quán chợ, tác giả đã khiến lòng ta chùng lại cùng một chút buồn dịu nhẹ. Trong ta bỗng như có chút thoáng Xuân Hương trong buổi tàn cuộc đu xuân thuở nào “Vui xuân mới biết xuân chăng tá/ Cột nhổ đi rồi lỗ bỏ không”! Đúng như cảm nhận vô cùng tinh tế của Hoài Thanh là “Cảnh trước mắt vừa tan thì tình trong lòng cũng vừa nhóm. Mắt ta không thấy gì nứa nhưng lòng ta bỗng thấy bâng khuâng”.
Có mở và có khép, có hợp là có tan, có bình minh thì cũng có hoàng hôn, có tưng bừng thì cũng có xao xác. Cái quy luật bất biến của thiên lý, cũng như của nhân quần, được tác giả diễn tả khéo léo qua một một phiên chợ ngày xuân tết, khiến cho bước chân đã ra khỏi chợ rồi mà lòng ta còn lưu luyến mãi. Ấy là cái tài của thi sĩ họ Đoàn.
Với “Chợ tết”, Đoàn Văn Cừ thuộc số ít các nhà thơ có công đầu trong việc lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của tết Việt. Không phải ngẫu nhiên, cách đây hơn nửa thế kỷ, khi đọc thơ Đoàn Văn Cừ đăng trên báo Ngày nay, đặc biệt là bài “Chợ tết”, Hoài Thanh đã có những lời khen tặng hết mực “Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”, “nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ  trong tâm trí tôi đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng”.
Nguyễn Bính: Chợ tâm tưởng
Nhà thơ Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính; 1918 – 1966)
Nguyễn Bính không có một cái “chợ thơ “cụ thể nào, dù trên bước đường “lăn lóc đã dư mười mấy tỉnh”, hẳn ông đã từng trải nhiều chợ, ví như cái quán chợ mưa gió chơ vơ trên con sông ở Huế khi ông giang hồ một chuyến về ngang xứ này “Hôm qua còn sót hơn đồng bạc/ Hai đứa bàn nhau uống rượu say/ Nón lá áo tơi ra quán chợ/ Trơ vơ trên bến nước sông đầy/ Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả/ Chén ứa men lành, lạnh ngón tay”.
Không có ý dụng công tả chợ, kể chợ như Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, chợ của Nguyễn Bính phần nhiều là “chợ ảo”, nghĩa là chợ họp trong tâm tưởng, đi về trong tâm tưởng. Cả khi ông “ngồi giữa chợ/ Uống say mà gọi thế nhân ơi”, thì cũng chẳng rõ mặt mũi cái chợ ông đang ngồi đó nó ra sao, tẻ vui thế nào. Thì ra đó là “chợ đời”, cũng như “sòng đời”, là những cụm từ gắn liền với bản mệnh của một thi sĩ có máu giang hồ này.
Trước hết là cái chợ của chị em Nhi trong trong “Hoa và rượu”, ở cái thời thanh bình êm ả của “trai hiền bạn với gái đồng trinh”, có “Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ/ Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi”. Bỏ vườn cam, bỏ mái gianh, trên bước đường “gian díu với kinh thành”, “tôi” vẫn thầm xác quyết với lòng mình rằng “Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán/ Hồn vẫn trong mà mộng vẫn trinh”. Rồi ông mường tượng ra cảnh Nhi ngồi bán rượu ở chợ, vây quanh Nhi là những kẻ vì rượu thì ít mà vì cô hàng bán rượu thì nhiều. Đến chợ ngắm nhìn cô, mua được cốc rượu lại được “khuyến mại” bằng một nụ cười của người đẹp, với họ là một diễm phúc vì “Ngày xưa còn bé Nhi còn đẹp/ Huống nữa giờ Nhi đã đến thì/ Tháng tháng, mươi mười lăm buổi chợ/ Cho người thiên hạ phải say Nhi”. Ông không ghen với họ, vì chẳng lẽ lại đi ghen với người trong mộng. Thì ra sắc đẹp của Nhi cũng là một thứ men, men tình, nó còn say hơn men rượu, say triền miên “say cả tư mùa cho khách quen”. Vậy nên trong mộng mị ngày gặp lại ông cứ băn khoăn tự hỏi “Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?/ Bến đò đông vắng? Chợ gần xa?…”.
Tình cô bán rượu còn được nguyễn Bính nhắc lại ở bài “Cho tôi ly nữa”. Theo đó, tại một quán rượu ở một góc chợ nào đó trên bước giang hồ, mà ông ghé vào, vì không nặng túi nên ông sẽ uống theo kiểu “Có được bao nhiêu mua bấy nhiêu”. Trong cuộc độc ẩm đó, cứ mỗi ly nâng lên miệng ông lại gọi hồn một vị tiên tửu, là Đào Tiềm, Nguyễn Tịch, Lý Bạch, về cùng chung chén với ông để ông bày tỏ cái “chí” của mình. Cứ liên tiếp cho tôi ly nữa, thêm ly nữa, đến ly cuối cùng “nhớ cố nhân” thì đã say mềm, vậy mà ông vẫn đoan quyết rằng “Còn nếu tiền tôi không trả đủ/ Lo gì tôi có (cố?) áo mùa xuân”. Trong cơn say, là một thi sĩ lãng mạn, Nguyễn Bính đã kéo cả giời đất vào cuộc, bắt “nàng xuân” phải cởi tấm áo (chắc là xanh điểm hồng) của mình để thi sĩ làm vật thế chấp cho cuộc rượu nhiều ly của ông!
Là con nhà nông xưa quanh năm đầu tắt mặt tối, những thôn nữ chỉ có cơ hội đóng bộ để sánh vai với nhau, khoe với nhau ở những ngày hội làng óng ả, hay ở những phiên chợ quê đông đúc. Nguyễn Bính chỉ chờ có dịp ấy để rình đưa họ vào thơ, lãng mạn hóa họ theo cách riêng của ông. Trong bài thơ “Cuối tháng ba”, sau khi miêu tả cảnh làng quê đang chuyển từ xuân sang hè, trời bắt đầu nắng chang chang, hoa xoan thay cho hoa gạo, vẳng tiếng chim tu hú gọi sen nhô lên khỏi ao đầm để xem bươm bướm rước đèn, cùng những cánh diều lên… ông bỗng xen vào một khổ thơ bốn câu “Đường lên chợ tỉnh xa tăm tắp/ Nắng mới, ôi chao! cát bụi mù/ Các chị trong làng đi bán lụa/ Giắt đầu từng nắm lá hương nhu”.
Hình ảnh các chị đang trên đường đến chợ hiện ra thật đẹp đẽ, duyên dáng, dung dị của con nhà lành “dĩ nông vi bản”. Nó thật khác với cái đẹp mộng mị của em Nhi thuở đến thì được chưng cất, tẩm ướp bởi hoa và rượu. Dưới cái nắng chang chang mù bụi cát họ lại càng lấp lánh cái vẻ đẹp có ít nhiều giọt mồ hôi của người lao động. Hôm qua, họ còn là “em” ngồi bên khung cửi “lòng trẻ còn như cây lụa trằng/ Mẹ già chưa bán chợ làng xa” thì hôm nay họ thành “chị” đi “chợ tỉnh” bán những tấm lụa do chính tay mình dệt ra. Cái mùi thơm tỏa ra từ nắm lá hương nhu giắt đầu này cũng có họ hàng với cái mùi lãng mạn tỏa ra từ “lá sen vương vấn hương sen ngát” của đôi trẻ “học trò trường huyện” năm xưa, chỉ có thiếu vắng lũ bướm ngốc nghếch “tưởng hoa cài mái tóc/ Theo về tận cửa mới tan mơ”.
Nguyễn Bính còn rình đưa gái làng vào thơ trong một khung cảnh không mấy nên thơ, ấy là “Trưa hè một buổi nắng to/ Gió tây nổi, cánh đồng ngô rào rào/ Con đường thấp, con đê cao/ Bọn người đi chợ rẽ vào đồng ngô…”. Đang đi chợ lại rẽ vào đồng ngô để làm gì? Tác giả không cho biết chi tiết, mà không cho biết chi tiết là phải, nó “nhậy cảm” lắm! Dù sao thì qua “Tiếng cười chen tiếng nói to” cùng cái giọng lấp lửng “Dáng chừng trong bọn có cô chưa chồng” cũng đủ để ta đoán ra được phần nào cái lý do vì sao tác giả lại lấp lửng. Những tiếng cười, tiếng nói của đám người đi chợ vang lên giữa cánh đồng ngô đang đóng bắp ở trưa hè nắng to ấy, nhất là của cái “cô chưa chồng”, thật khỏe khoắn và tinh nghịch. Nó là thứ “của hiếm” trong gia tài thơ tình phần lớn là đẫm nước mắt của thi nhân này.
Nói là của hiếm song không phải là quá hiếm, Nguyễn Bính còn có một quãng chợ thơ đầy ắp tiếng cười, mà người đến chợ lại là hai “chị bướm”, một chị áo “hồ lơ”, còn chị kia thì “áo điều”. Món hàng hai chị thách nhau mua trên đường đến chợ là loại có một không hai trên thế gian này… mùa xuân. Phiên chợ thơ độc đáo này có tên là “bướm đi chợ”, nguyên văn như sau: “Có hai chị bướm đi chơi chợ/ Chị áo hồ lơ, chị áo điều/ Chị áo hồ lơ thầm hỏi bạn:/ “Mùa xuân mày biết giá bao nhiêu?”/ Chị áo điều nghe, cười ngặt nghẽo:/ “Mùa xuân đắt lắm, cô mình ơi!/ Trăm quan hồ dễ mà mua được!/ Cố áo mà mua, tớ chịu thôi!”. Bài thơ tưởng như là viết để đùa tếu cho vui, ấy vậy mà ngẫm ra thì lại chẳng đùa chút nào. Mùa xuân, nhất là tuổi xuân, là vô giá, chẳng có gì mua được dù có “trăm quan” tiền, đừng để nó trôi đi oan uổng: mùa xuân của đất trời còn có cơ tái hồi, chứ tuổi xuân của đời người một đi là đi mãi…
Chợ làng còn thêm một lần xuất hiện ở bài “Chiều thu”, sau thời Thơ Mới, khi ông rình nghe được “Đường mòn rộn bước chân về chợ/ Vú sữa đầy căng mặt yếm sồi”. Bắt được mùi thơm lá hương nhu từ các chị gái làng trên đường đến chợ bán lụa đã là tài, “nghe” được tiếng (dù chẳng rõ là tiếng gì) của cái “cô chưa chồng” giữa ruộng ngô đã là kỳ diệu. Còn như cảm được đôi vú sữa đang căng cứng giục các chị rảo bước về cho mau, vì có đứa con thơ đang khát sữa đợi mẹ ở nhà, thì là… siêu. Có chân tình, thấu cảm lắm thì thi sĩ mới có thể nắm bắt và đưa vào thơ những chi tiết đơn sơ mộc mạc mà gợi cảm, nhân hậu nhân văn đến thế. Thiết nghĩ, cái nắm lá hương nhu giắt đầu thời nay không thấy nữa, nhưng cái tình mẫu tử của mẹ bỉm sữa trong bước chân vồi vội thì còn lưu truyền mãi trong ký ức Việt.
Nói Nguyễn Bính ngồi giữa chợ, là nói cái đận ông say rượu ngồi réo gọi nhân thế trong bài “Hành phương Nam”. Sở dĩ dám đoan chắc ông say rượu vì “Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu” nên ông mới thấy “Xuân đến khắp trời hoa rượu nở”. Nghĩa là ông đã say đến nỗi hoa cả mắt, không thấy hoa mai hoa đào, mà chỉ thấy “hoa rượu”(không phải là “hoa” và “rượu”), đang bung nở khắp trời xuân đất phương Nam. Bài “hành” này viết năm 1943 ở Đa Kao cho thấy một Nguyễn Bính rất khác: Nguyễn Bính của phẫn chí “Nợ thế trả chưa tròn một món/ Sòng đời thua đến trắng hai tay”; Nguyễn Bính của khinh bạc “Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn/ Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay”; Nguyễn Bính của bất cần đời “Ngày mai có nghĩa gì đâu nhỉ?/ Cốt nhất cười vui trọn tối nay”; Nguyễn Bính của khí tiết “Người ơi buồn lắm mà không khóc/ Mà vẫn cười qua chén rượu đầy”; Nguyễn Bính của trượng phu “Dằn chén hất cao đầu cỏ dạ/ Hát rằng phương Nam ta với người”.
Tại cái “chợ rượu” có một không hai trong đời thơ thi sĩ giang hồ này, ngoài “ta” với “ngươi” còn góp mặt của những trang hảo hán, hiệp sĩ, cuồng sĩ vang bóng một thời từ đất Tàu xưa“Hỡi ơi Nhiếp Chính mà băm mặt/ Giữa chợ ai người khóc nhận thây”; “Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén/ Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?”. Giọng thơ như gằn lại đầy khẩu khí của một tráng sĩ sinh bất phùng thời “Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây”, nhưng “Ta đi nhưng biết về đâu chứ?/ Đã đẩy phong yên lộng bốn trời/ Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/ Uống say mà gọi thế nhân ơi!”. Không cảm thấy lạc lõng cô độc giữa chợ đời huyên náo, thì làm gì mà nhà thơ phải lên giọng réo gọi “thế nhân ơi” như vậy?
Cái giọng thơ bi phẫn này chỉ xuất hiện một lần ở cuối đời thơ lãng mạn của Nguyễn Bính, khi thời cuộc đã bị dồn nén đến mức tất yếu thay đổi sẽ diễn ra theo quy luật “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Và, thực tế thì cách mạng đã nổ ra và Nguyễn Bính đã vào bưng biền theo kháng chiến, mở ra một hướng thơ khác, cùng một giọng thơ khác.
Chợ xưa, chợ nay
Như vậy, bằng cảm quan, giọng điệu riêng, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính “tam vị nhất thể” đã trình làng những cái “chợ thơ” của mỗi người. Cho dù không hẳn “mười phân vẹn mười”, song nếu “tam kiếm hợp bích” cũng đủ cho ta hình dung ra nét văn hóa của chợ làng xưa. Nó bình dị, dân dã, thân quen và cũng rất Việt Nam, nó chẳng có họ hàng gì với “hội chợ phù hoa” của một tiểu thuyết gia xứ trời Tây.
Ngày nay, thiển nghĩ, những chợ làng truyền thống đang và sẽ ngày một co cụm, nhòa nhạt trước những siêu thị – nét văn hóa đặc trưng của thị dân nơi đô thị – đang mọc lên khắp nơi với những cái tên chưa mấy quen tai, như BigC, Vinmart, Happymart… Tâm thế người đến siêu thị bằng xe hai bánh, bốn bánh, đầu mũ phớt, tất nhiên, sẽ rất khác với tâm thế của các cô thôn nữ chân đất, đầu đội thúng đến chợ làng xưa. Nó lại càng khác với tâm thế của người đi “chợ mạng” (vào mạng nháy “chuột” để săn hàng khuyến mại ở các phiên “chợ ảo”) cùng với “tiền điện tử”. Các cụ nhà ta từ lâu đã bảo rồi, mà xem ra chỉ có đúng, là “người ở trong ngôi nhà ngói suy nghĩ khác với người ở túp lều tranh”.
Tuy khác vậy, thiết nghĩ, cái chợ làng truyền thống của các thi nhân thời Thơ Mới sẽ vẫn được người đời nay đón nhận, trân quý, thậm chí còn được xem là “quý vô ngần”. Càng lùi xa, những phiên chợ thơ xưa càng có giá. Bởi, theo như các tác giả của “Thi Nhân việt Nam” thì vì nó “gợi được cái hồn xưa của đất nước”. Cái hồn xưa này làm nên ký ức Việt, một mảng của văn hóa Việt. Tuy nó có hơi “bánh đa, bánh đúc”, song lại là “nơi bền lâu là nơi lắng sâu”, mà nếu thiếu nó, mất nó, thì “ta về đâu… ta về đâu?” như một giai điệu luyến láy nhấn gửi của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương trong ca khúc có cái tên hơi xưa cũ là… “về quê”.
3/3/2024
Phạm Công Trứ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Vầng Trăng Lưu Lạc Chàng bắt gặp đôi mắt ấy một vài lần trên khoảng đường mòn quanh co dẫn lên đồi Tôn Giáo. Cô gái thường thắp nhang ...