Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

Thơ Nguyễn Trác

Thơ Nguyễn Trác

Cho đến nay, Nguyễn Trác đã xuất bản hơn mười tập thơ. Anh giữ nhịp khá đều với sự vận động của thơ ca nói chung. Hiện thực lớn của đất nước qua mỗi giai đoạn phát triển đều để lại trong thơ anh nhiều dấu ấn đặc biệt. Cùng với đó là sự vận động của tâm hồn anh qua nhiều trải nghiệm. Cách viết cũng có nhiều thay đổi nhằm bắt kịp những đổi thay của đời sống. Nhưng trước sau ta vẫn bắt gặp một Nguyễn Trác sâu đằm và đa cảm.
Tôi ngạc nhiên một cách thú vị khi nhận ra sự chững chạc của anh ngay từ những bài thơ đầu tay khi tác giả có mặt ở chiến trường. Tôi nói chững chạc vì so với thơ của cánh lính trẻ những năm đầu chống Mỹ còn nặng về kể, còn anh thì nghiêng về cảm. Ngạc nhiên hơn nữa, đây lại là thơ của một thầy giáo dậy toán. Trong bài thơ “Gửi một người bạn võng” viết năm 1973, có đoạn: “Gió núi về gió núi mênh mông/ Võng rung rinh tôi biết anh thao thức/ Ôi! Đất nước tháng năm đánh giặc/ Mặt trăng lên từ phía những khu rừng.”
“Mặt trăng lên từ phía những khu rừng” viết thế là sâu và gợi. Ưu điểm này càng về sau càng được tác giả phát huy một cách tối đa. Nguyễn Trác thường kết thúc bài thơ bằng những câu thơ có sức gợi như thế. Cũng viết về đề tài chiến tranh nhưng bài “Giải thích” lại lấy bối cảnh khá rộng và thời gian khá dài. Đây là bài thơ của một người nói về thế hệ mình.
“Đó là những đứa trẻ sinh ra/ Những năm 40, 41, 45…/ Đất nước hai triệu người chết đói/Mây đen bay trên thế kỷ dữ dằn// Và chúng tôi lớn lên/ Bên cạnh những xác chết và những người thương tật chiến tranh/ Trong tiếng vang những ngọn sóng lớn/ Mây đen bay trên Tổ Quốc tím bầm// Đó là một thế hệ sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc/ Mười chín đôi mươi trời xanh goá bụa/ Mười chín đôi mươi bàn ghế xuống đường/ Mười chín đôi mươi già như lịch sử.”
Cảm hứng trở nên tung phá, khơi gợi nhiều chiều mà vẫn giữ được sự chân cảm. Cách viết tránh được kể lể, làm tăng tính khái quát, dào dạt nhưng không xô bồ, nồng nhiệt nhưng không rơi vào to tiếng. Ở đây, Nguyễn Trác đã có sự kết hợp rất nhuyễn giữa cảm và nghĩ. Tính triết lý càng về sau càng đậm. Cô đặc lại là ở cách sống. Cách sống trong chiến tranh chuyển sang cách sống trong thời bình. Mở đầu mang tính tự sự khép lại mang tính tuyên ngôn. Tuyên ngôn về tư cách của một thế hệ, đó là sự giải thích về tư cách một thế hệ, cũng là sự ứng xử phù hợp giữa quá khứ và tương lai. Là một thế hệ được tôi rèn qua chiến tranh, họ biết cách xác định trách nhiệm cho bản thân sao cho phù hợp với cuộc sống mới.
“Chúng tôi biết rất rõ rằng/ Cả thái độ chán chường/ Lẫn hoài nghi cuộc sống/ Có lẽ đều không hợp với tương lai/ Không ai có quyền vòi vĩnh gì quá khứ.”
Cũng giống như hầu hết các nhà thơ thuộc thế hệ mình, thơ Nguyễn Trác về sau mang nhiều yếu tố thế sự. Trước một cuộc sống còn ngổn ngang, chuyển đổi nhiều giá trị các nhà thơ không giấu nổi những nỗi niềm. Đó là chỗ giống nhau, chỗ khác nhau là thơ Nguyễn Trác nhiều nỗi niềm (và nhiều nỗi niềm là phải) nhưng đó là một nỗi niềm của người trong cuộc, mừng và lo, băn khoăn và tin tưởng.
“Thế giới ảo bên một đời sống thật/Đã khiến lòng ta thấy bất an“ (Liễu biếc)
“Biết bao giờ thế nhân trọn vẹn/Đêm lạnh nhiều đâu phải chỉ vì sương” (Hướng dẫn viên du lịch hàng không).
“Và mỹ phẩm dần dà có nhu cầu lớn hơn sách vở“ (Bản tin truyền hình đêm).
Trước những hiện tượng xuống cấp về bậc thang giá trị, nhà thơ lên tiếng cảnh báo cần thiết cho sự bảo toàn đạo đức xã hội. Chối bỏ hoặc phê phán một chiều đều không thoả đáng. Vấn đề là làm sao đấu tranh để loại bỏ những cái tiêu cực, vun xới những cái tốt đẹp, cuộc đấu tranh này không chia tuyến như trong chiến tranh mà nó diễn ra ngay trong mỗi một con người. Nhà thơ nhận ra điều đó và chỉ cho mọi người tìm thấy sức đề kháng ngay trong bản thân mình.
“Khi thế giới ngày càng phẳng/ Và đời thực dụng hơn/ Anh trở về bên cỏ/ Lắng thầm thì tiếng cỏ xanh non” (Khi nhà cao Hà Nội bão hoà).
Trở về với cỏ là trở về với những gì thanh sạch nhất, là trở về với sự sống lành mạnh trong mỗi một con người. Cuộc sống tươi non nhưng đầy khoẻ khoắn, nó nhân danh hy vọng và tương lai:
“Nhưng có lẽ trái tim anh vẫn thế/ Sách vở như xưa dù biết lỗi thời/ Bên bếp lửa chú gà vừa nở/ Gại gại chiếc mỏ hồng lên vỏ trứng vỡ đôi“ (Không đề).
Nguyễn Trác thường có những câu thơ kết rất ý vị. Anh gợi mở để cho sự sống lên tiếng. Đó là cách nói của các nhà thơ phương Đông, tránh tận ngôn. Nhà thơ dựng lên một hình tượng và để hình tượng lên tiếng, đó chính là sự đa thanh trong biểu cảm.
Thái độ đối với tương lai đúng đắn như thế nào thì thái độ đối với quá khứ cũng cần đúng đắn như thế. Nguyễn Trác có nhiều lần trở lại lịch sử, lần nào cũng đem theo những tâm sự mới. Cách làm mới lại lịch sử là đem đến một cách nhìn mới, xuất phát từ chỗ đứng của hôm nay. “Trên bến Bồ Đề” là một bài thơ dài, nói về tâm trạng của Lê Lợi trước khi vào thành Đông Quan để lên ngôi.
“Mai ta vào thành/ Thuận thiên thừa vận/ Đời ta chưa từng lên điện Kính Thiên/ Bình sinh ngày ngày chỉ ham kinh sử/ Đánh giặc vì không muốn làm tôi tớ/ Chứ không màng phú quý công danh.”
Mặc dù vậy, việc lên ngôi vẫn là một tất yếu khách quan. Lê Lợi lên ngôi là yêu cầu của lịch sử. Còn việc ông ở ngôi thế nào lại là chuyện khác. Nguyễn Trác như tiên liệu trước những rủi ro, khi anh đặt bút viết những câu đầy gửi gắm
“Mặt trời dù chiếu sáng khắp nơi/ Vẫn cứ có người còn trong bóng tối/ Đức Vua ơi người có thấy chúng tôi// Vẫy vùng nhung y nên công đại định/ Nhưng đại định phải là một phép cộng liên tục/ Phải bắt đầu từ dân/ Và đến mỗi người dân.”
Nhìn thấy dân, nhắc đến dân trong buổi lên ngôi của hoàng đế là một cách nhìn sâu sắc chứng tỏ sự già dặn của một bản lĩnh thơ. Cũng vậy, trong bài thơ “ Một khúc ca cho Mỵ Châu”, tác giả có cách nhìn riêng về tấn bi kịch lịch sử. Tác giả không giống các nhà sử học phê phán một chiều sự lầm lạc của Mỵ Châu dẫn đến cái chết oan nghiệt của nàng. Ngược lại, tác giả để Mỵ Châu nhìn thấy sự lầm lạc của mình như một sự ngộ nhận của lịch sử
“Thiếp chết đi lòng còn ngơ ngác hỏi/ Chàng là ai/ Một người tình thuỷ chung/ Một người tình gian dối// Hay chàng là con rối/ Bước mù loà trên dây.”
Tất nhiên, đau đớn quá phải cất lên câu hỏi. Nhưng người ngơ ngác duy nhất trong tấn kịch được sắp sẵn này là Mỵ Châu, còn Trọng Thuỷ thì nó biết rất rõ nó là ai và phải làm gì ? Sự ngơ ngác của Mỵ Châu không làm giảm tội cho nàng mà càng thấy sự thâm độc và bỉ ổi của kẻ thù lợi dụng tình yêu trinh bạch và ngây thơ của nàng ? Trong tấn bi kịch này, tác giả có cái nhìn sâu hơn khi cho rằng, kẻ mắc tội với xã tắc không phải duy nhất có nàng, mà còn là sự ngây thơ của Vua cha. Tác giả có lý khi hạ bút
“Sao An Dương Vương giết con mà không giết/ Sự ngây thơ của chính mình?”
Câu hỏi đau đớn của lịch sử. Riêng chỗ này thì nhà thơ khác với các nhà sử học. Một cách nhìn riêng như thế làm cho thơ của Nguyễn Trác có chiều sâu của sự chiêm nghiệm. Trong bài “ Lưu dân” tác giả lại có cách nhìn bổ sung cho việc mở cõi. Huỳnh Văn Nghệ rất nổi tiếng với hai câu thơ “ Từ thuở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Nguyễn Trác viết tiếp
“Nhưng nếu chỉ mang gươm làm sao thành Đất nước/ Thành lý ngựa ô, đờn ca tài tử/ Thành bánh tét, khăn rằn/ Thành ruộng đồng thẳng cánh cò bay.”
Trong chiều sâu của sự cảm nhận, thơ Nguyễn Trác thường lấy cảm hứng ở những sự việc bình thường. Việc bình thường nhưng cảm xúc thì khác thường. Đó là nhờ ở khả năng phát hiện. Chính nhờ ở khả năng phát hiện mà thế giới trở nên luôn luôn mới. Thế giới được mới hoá vì tâm hồn nhà thơ luôn khắc khoải không yên. Đọc thơ Nguyễn Trác thấy rất rõ điều đó. Câu thơ rất giản dị nhưng ta thấy tâm hồn anh chấn động
“Đã bao lần anh đứng trú mưa/ Mà quên cây đang ướt“ (Lặng lẽ thiên nhiên)
“Tiếng đàn tính dẫn mùa xuân ra suối/ Rượu Tày thơm bếp lửa lứa đôi” (Đêm nghe hát Then ở Quỳnh Sơn)
“Anh vẽ một tiếng gọi/ Luôn vang trong lòng mình”– (Mùa lá rụng)
Đó là những câu thơ không dễ viết nếu đời sống nội tâm không mạnh, đúng như tác giả đã tâm sự
“Cái vô tận của thế giới/ Được thay thế bằng cái vô tận của tâm hồn“ (Rồi bụi tre trong vườn bị chặt)
Như vậy thì, muốn đổi mới thơ trước hết phải đổi mới tâm hồn. Nhà thơ phải luôn luôn chống lại những cái cằn cỗi, ốm yếu từ trong bản thân mình. Đó phải chăng là tâm lý tự thoả mãn, tâm hồn nguội lạnh, không còn khát vọng nữa. Đó không chỉ là căn bệnh giết chết cảm xúc mà còn làm thui chột tài năng. Chống lại căn bệnh đó là chấp nhận một trận chiến ở ngay trong lòng mình.
“Trong cái thời điện thoại ở bên/ Vợ con ở bên không còn ly biệt/ Cuộc đời hình như tới đích rồi/ Những tủ bàn che khuất hết buồn vui”–(Trong cái thời thừa công cụ để in)
Báo động về cuộc sống trưởng giả trong đời cũng chính là báo động về một sức ì trong thơ. Nguyễn Trác rất có ý thức giữ gìn sự ấm nóng của tâm hồn. Anh viết về “ Mẹ” rất cảm động
“Ở biên mầu trắng thành quen thuộc/ Trắng của lau và mây trắng trên cao/ Về quê thăm mẹ vừa qua ngõ/ Giật mình tóc mẹ trắng khi nao” (Lau trắng)
Không có thứ kĩ thuật nào thay thế được cái tình thật của nhà thơ. Và sự tìm tòi, cách tân trước hết là từ ngay trong tâm hồn mình. Sẵn cái tình ấy, anh toả ra đời sống, thì tự nhiên cuộc sống trở nên giầu có và hấp dẫn lạ thường. Nguyễn Trác có bài thơ “ Gió vẫn trên đường” viết về chị lao công quét rác và anh thương binh rất cảm động
“Tiếng chổi tre vẫn quét trên đường/ Tiếng gậy tre vẫn gõ trên đường/ Và tôi nghe gió vẫn trên đường/ Thổi không đầu không cuối.” 
Đúng! Nhà thơ muốn ca ngợi vẻ đẹp vĩnh cửu của những người biết hy sinh và dám hy sinh vì người khác. Đó là chân giá trị. Và đó cũng là thước đo phẩm giá một con người. Từ những con người bình dị ấy toả ra một thứ ánh sáng của sự lương thiện có sức soi dẫn và an ủi con ngừoi. Cái mới ở đây không phải từ cảnh từ người mà từ tình cảm của nhà thơ. Cái gì chạm được vào trái tim thì nó luôn luôn mới. Với một quan niệm như vậy, tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần bài thơ “ Em giữa vườn cây” tác giả viết năm 1983 nhân chuyến đi thực tế ở nông trường cao su Đồng Nai. Nói đây là một bài thơ về lao động sản xuất cũng được, mà bảo đây là bài thơ tình chắc cũng không ai phản đối. Bài thơ cho tôi thấy sự sung mãn của nông trường, nhưng cái thực sự làm tôi xúc động đó là tình cảm của tác giả. Nhờ có cái tình ấy mà cảnh vật lung linh lên tất cả. Bài thơ viết rất nhuyễn. Bên cạnh sự tươi tốt của các hình tượng là sự đan quyện của thứ âm điệu có sức ám ảnh rất lạ. Khổ nào cũng hay .Đây là bài thơ rất tiêu biểu cho cách cảm của Nguyễn Trác.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Nguyễn Trác đã đi qua nhiều chặng đường thơ. Mỗi chặng đường là một sự ghi dấu những tìm tòi, sáng tạo của anh. Hồn hậu và say đắm, luôn luôn tự làm mới mình để đem đến chiều sâu cho thi cảm, đó là cống hiến của Nguyễn Trác vào nền thơ chung của chúng ta. Với một người luôn luôn “mang nặng nỗi buồn trẻ thơ” như Nguyễn Trác, thì thế giới luôn là một thế giới mở đem đến sự bồi đắp không ngừng. Nhất định bạn đọc còn được đón nhận nhiều thi phẩm mới của anh khi hồn thơ đang đi vào độ chín.
1/3/2024
Hữu Thỉnh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Vầng Trăng Lưu Lạc Chàng bắt gặp đôi mắt ấy một vài lần trên khoảng đường mòn quanh co dẫn lên đồi Tôn Giáo. Cô gái thường thắp nhang ...