Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

Em ở nơi nào

Em ở nơi nào…

Chừng năm sáu người làm chung nơi góc xưởng, cái góc khuất đến có người vừa làm việc vừa hút thuốc trong xưởng cũng chẳng phải sợ bị đuổi việc dù có yêu cầu từ ông chủ xưởng do sợ cháy, ông yêu cầu mọi người ra ngoài hút thuốc chứ đùng hút trong xưởng, nhưng ông bắt được quả tang người vừa chạy máy vừa hút thuốc trong xưởng thì ông yêu cầu người đó ra ngoài hút hết điếu thuốc rồi trở vô làm, ông chẳng đuổi việc ai nên cũng không ai sợ thì tôi sợ một người không hút thuốc có tấm lòng vị tha.
Người coi như đại diện của nhóm công nhân hạng hai nơi góc khuất cũng dễ tính với chính mình làm gương cho anh em, anh ta bày cơm ra ăn tại chỗ làm theo lệnh cái bao tử, cóc thèm lên phòng ăn của xưởng vì cạnh phòng làm việc của ông chủ mà ăn cơm trái giờ cũng lành ít dữ nhiều…
Cái xưởng cấp gia đình nhỏ nhoi, cũ kỹ nhưng đã truyền lại được ba đời. Trên văn phòng ông chủ có treo hình ông nội của ông là ông chủ sáng lập ra xưởng, đến hình cha ông là người thừa kế, đến ông là đời thứ ba tiếp tục điều hành cái xưởng thấp lè tè từ thời Đệ nhị thế chiến nhưng làm ra những cái xẻng đào giao thông hào, hố cá nhân cho quân đội Mỹ là niềm tự hào của một gia đình cha truyền con nối. Cái xưởng giờ đã cũ đến có rắn trên trần nhà chứ chuột đã có quốc tịch từ lâu, những con chuột bản địa, bản xứ già lụ khụ tới đi không nổi, một lần té xuống sàn nhà từ những lỗ thủng trên trần nhà là coi như vĩnh biệt vì không còn sức lực để trở lại giang sơn, quê quán trên ấy…
Một ngày như mọi ngày, tiếng máy giập kim loại cứ đều đặn chạy, cho ra những sản phẩm kim loại nhỏ nhỏ, xinh xinh cho người ta lắp ráp nhiều vật dụng trên đời từ máy móc tới đồ gia dụng. Nhưng đừng thấy xưởng nhỏ, cũ kỹ tồi tàn mà xem thường, nơi đây từng làm ra cái lò xo cho điện thoại Nokia thời còn hai nửa gấp lại, mở ra. Rất khó tin là xưởng được hợp đồng với hãng máy bay Boeing, dù chỉ làm ra tấm lưng bằng kim loại cho cái microway trên máy bay, một tấm kim loại mỏng phía sau cái microway nhưng xài trên máy bay nên không được nhiễu sóng điện từ, nên mắc tiền bằng nguyên cái microway mới ra đời, bán ngoài chợ đồ điện gia dụng khi cái microway còn chưa có đĩa xoay…
Mới đầu nơi đây còn mang hơi hướm Mỹ là Hợp chủng quốc nên có Mỹ đen, Mễ, Việt nam và người Nam Mỹ. Nhưng theo thời gian, những người quốc tịch khác Việt nam bỏ việc đi hãng khác, người xin được qua làm việc khác trong xưởng cho sạch sẽ hơn, nơi làm việc sáng sủa hơn được phần nào, không có chuột rơi, rắn lưọn trên trần nhà phát ớn... Nhìn đi nhìn lại còn toàn Việt nam là ba người cũ và ba người mới vào làm. Tới đây là đủ dân ca ba miền của quê ta vì bắc trung nam có hết. Ông bắc di cư thường não nề khi nghe ông than “giời ơi” và “ối giời ơi…” thì ai cũng ối não với giọng bi thương tới nổi da gà, “Ối…giời… ơ…i…, sao khổ thân tôi thế này!” Khổ hơn việc ông phải làm là giọng khổ đã ám vào thân ông từ lọt lòng mẹ hay sao mà nghe khổ tận cùng khổ. Thở dài thì ai chả từng thở dài khi bó tay, nhưng không ai thở dài não nùng và đẫm lệ như ông, nghe ông thở dài thì dế cũng khóc, cào cào châu chấu bay lượn chia buồn với chỗ làm của ông trống hoác ra một lỗ vách to tướng do xe xúc ủi xập mà không ai vá lại lỗ thủng cho ông nên gió bấc về, lạnh hơn Hà nội quê ông nhiều. Ông chỉ được mỗi việc giỏi hơn làm là khi nghe rủ nhậu là ông quên hết sự đời, hết ối giời ơi để hào hứng tham gia với hết lòng nhiệt tình. “Ối giời lạnh…” nghe bi ai sầu thảm thì “ối giời ngon, mồi ngon…” nghe muốn bỏ ăn lạt, bỏ theo Phật năm phút để suýt soa theo ông đưa cay miếng phèo heo chấm nước mắm mặn giằm ớt trái, lại kèm miếng dưa chua đưa cay rượu lạt thì ối giời ơi… trên cả tuyệt vời.
Mấy người nam bộ, dân miền tây làm chơi ăn thật đã quen nên tỉnh bơ thế sự nhân tình. Chủ nói ngày mai làm sớm vì cần hàng nhưng tối lỡ nhậu thì hôm sau đi làm trễ hơn bình thường, người không tỉnh nồi thì nghỉ ở nhà luôn cũng không sao vì ông chủ là dân nhậu thứ thiệt nên rất sẵn lòng thông cảm, đích thân ông dậy sớm đến xưởng để khích lệ tinh thần anh em, và ông sẽ đứng máy thay cho người chưa tỉnh rượu bia nên không đi làm. Ông làm cho tôi có cảm tình với người Mỹ, nước Mỹ rất nhiều khi tôi mới qua Mỹ. Tôi chưa hề quên hình ảnh hai anh em ông là Mỹ trắng, là chủ xưởng mà ôm chặt ba thế hệ nhà ông Mỹ đen vừa qua đời. Họ khóc thương ông Mỹ đen như người thân ruột thịt khi tang lễ, anh em ông chủ vô cùng thương tiếc ông Mỹ đen đã làm việc ở xưởng nhà ông từ thời cha ông còn sống…
Tôi có cảm giác mọi người trong xưởng rất thương mến anh em ông chủ hơn sợ chủ đuổi việc, và anh em ông chủ cũng thương mến mọi người như anh em chứ không chủ thợ rạch ròi. Việc đến phải đến, ông chủ mướn người vô chạy máy sỏi đá mà tiếng Anh gọi là “deburr machine” thay cho ông Mỹ đen đã qua đời. Ông này dị tướng nên anh em chờ xem tài của ông vì ông bà mình nói những người dị tướng thường có tài. Nhưng một tuần trôi qua, chỉ có tuần tới tiếp tục chứ không có gì lạ về ông trọ trẹ. Ai cũng biết ông người miền trung nhưng ai hỏi ông là người tỉnh nào ngoài trung thì ông gắt gỏng chứ không trả lời. Ông lên lớp giảng giải cho người miền bắc, người trong nam hiểu ra chính sách chia để trị của thực dân Pháp chứ đất nước Việt nam liền một dải, người dân từ bắc vô nam nói chung một ngôn ngữ là tiếng Việt từ đời cha ông để lại giang sơn gấm vóc nước Việt cho con cháu. Sao người Việt lại nô lệ tự nguyện cho Pháp, đi phân biệt bắc trung nam để chia rẽ chính dân tộc mình…
Tôi nghe mà nể trọng ông là người hiểu biết dù hơi khó nghe giọng ngoài trung của ông, tôi không hiểu vì sao ông cáu gắt khi có người hỏi ông là người tỉnh nào ngoài trung; nếu là người Quảng thì Quảng gì, có gì đâu mà ông cáu gắt với những người trong nam đặt câu hỏi. Ông dường như chỉ chừa mặt ông bắc kỳ là không cáu gắt vì ông cũng nổi da gà khi nghe “ối giời ơi” và tiếng thở dài sâu thẳm hơn hồ Gươm, hồ Hoàn kiếm…
Cuối cùng, chính là lão rùa vàng hồ Gươm phát hiện ra tài của dị tướng miền trung là hay hát, hát suốt trong lúc làm việc, hát cả ngày... Lão rùa hỏi tôi có nghe rõ chữ “ở” trong câu hát đi hát lại của lão dị suốt ngày? Tôi lắng tai nghe cho kỹ phát âm từ “ở” trong câu, “em ở nơi nào… có còn mùa xuân không em…” Tôi càng lắng nghe cho kỹ trong tiếng máy giập kim loại chạy ình ịch suốt ngày… tôi càng thấy bốc mùi vì chữ “ở” nghe mùi lắm, không phải mùi mẫn mà mùi hương… cho tới hôm hoàn toàn không cố ý, chỉ là ngẫu hứng với âm nhạc khi ông dị cất tiếng hát quen thuộc và tai nghe chưa hề có vấn đề của tôi thì chính xác là, “em ỉa nơi nào…” Tôi ngẫu hứng xuống xề… “có còn mùi hương không em?”
Mọi người cười tới ngưng làm vì ai cũng ôm bụng cười thì sao làm việc được, vừa lúc ông chủ xách chai rượu đỏ ngon xuống xưởng với một cọc chung nhựa nhỏ, ông rót cho mỗi người một chung thưởng thức rượu ngon ngay trong lúc làm việc là phong cách của ông chủ xưởng nhà. Ông chủ không hiểu chuyện gì mà đám Việt nam cười nghiêng ngả, ông lờ mờ hiểu chuyện không lành khi thấy ông dị cũng ngưng làm, mặt đỏ lên phừng phừng như uống rượu mạnh chứ không phải rượu đỏ, ông dị làm cho tôi một trận tới nơi tới chốn, nào là “chém cha không bằng nhái giọng”. Rồi chuyển qua chụp mũ liếm giày thực dân, bợ đít đế quốc… ông mạt sát tôi tối tăm mặt mũi. Tôi uống chung rượu đỏ của ông chủ cho để bình tĩnh lại khi còn trẻ, dễ bất chấp phải trái mà xử luôn, xử liền, xử đẹp khi bị lăng nhục… Cuối cùng tôi xin lỗi ông tôi đã sai khi nhái giọng là việc không nên làm. Ông không tha thứ cho tôi mới khó xử khi chỉ còn cách ra sân, ra bãi đậu xe để phân phải trái. Đến ông rùa hồ Gươm nổi nóng, “đếch nói phải trái, không xin lỗi xin phải gì nữa, có dám thì ra parking nói chuyện phải trái…” Nhưng tôi vẫn kiên trì xin lỗi những ngày sau đó dù không được tha thứ, bỏ qua…
Cho đến vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2001. Kinh tế suy thoái sau đó, xưởng nhà cô quạnh đơn đặt hàng tới ông chủ tuyên bố đóng cửa xưởng vẫn chăm lo cho công nhân tới hết khả năng của anh em ông, làm nhiều người rơi lệ. Ông chủ gọi tôi lên văn phòng ông và nói chuyện ngoài ý muốn của tôi với ông. Ông viết cho tôi lá thơ giới thiệu đi bất cứ nơi đâu tôi xin việc làm, ông bảo đảm với nơi nhận tôi vô làm việc bằng lời giới thiệu tôi là người công nhân làm việc giỏi, siêng năng và chăm chỉ. Xin gọi cho ông khi muốn nhận tôi vô làm việc ở hãng xưởng nào đó mà tôi xin việc để biết rõ hơn về tôi. Xin hãy giúp ông nhận tôi vô làm việc, ông vô vùng biết ơn.... Và ông sẽ nhận lại tôi là người đầu tiên khi xưởng ông có lại việc làm… thì bố ai ngu dại khờ nhận tôi vô hãng họ như nuôi ong tay áo. Nhưng tấm lòng ông chủ xưởng tôi là điều tôi không quên về nước Mỹ và người Mỹ đích thực.
Tôi về ăn tiền thất nghiệp trong vận rủi có may đến liền, ông bạn lôi tôi đi làm nhà hàng thành ra có hai đầu lương, muốn nghèo cũng khó nhưng bất an với chuyện ông dị vì mình đã có lỗi nhưng không được tha thứ, bỏ qua. Tôi mang án treo không có ngày mãn án cho tới hôm nay, đã là ngày ông rùa hồ Gươm gọi cho tôi báo tin ông dị đã qua đời, có thể thì đi dự tang lễ ông ấy là lời xin lỗi cuối cùng, không bỏ qua thì làm gì nhau khi ông cất tiếng hát, “em ở nơi nào…” thì mọi người cùng vô điệp khúc, “có còn mùi hương không em…” Tôi chỉ có lỗi đã nghĩ ra điệp khúc ấy! Người bắc gốc gác của tôi mà tôi mới hiểu ra một đặc tính của người bắc là ông rùa…
Gặp nhau không ngờ ở nhà quàn vì ông rùa đã lên cụ. Ông dị vẫn đăm đăm nhìn tôi dù chỉ còn là di ảnh. Vợ ông đặc biệt quan hoài đến tôi với ông cụ rùa khi biết ra là bạn làm chung với ông dị đã mấy chục năm không gặp nhưng hay tin qua báo đài địa phương vẫn đi viếng tang lễ ông dị với hết tình xưa nghĩa cũ… Bà quả phụ mới toanh dành thời gian cho tôi với ông cụ rùa hơi nhiều khi tâm sự với chúng tôi về ông dị. Cha ông là người Quảng trị miền xuôi, nhưng là người buôn muối lên mạn núi và buôn thổ sản rừng về xuôi bán lại. Ông nội tụi nhỏ phải lòng và cưới làm vợ một cô sơn cước người dân tộc, sinh ra ông dị đi ngược lên núi là quê ngoại mà về xuôi với biển là quê nội. Tới chiến tranh ngày càng khốc liệt thì cha ông đưa gia đình về Đà nẵng để sinh sống, tốt hơn cho việc kinh doanh của ông nội đám nhỏ ở Quảng trị quê ông từ biển lên núi Trường sơn. Thế là ông dị nhập nhằng tiếng Quảng trị miền xuôi miền núi, tiếng Quảng nam ở Đà nẵng khi ông khôn lớn…
Điều tôi không bị trầy da mà đau như đổ ruột khi nghe vợ ông dị kể, ông đi lính Việt nam Cộng hoà chứ không theo Việt cộng. Đóng quân nhiều nơi thì có nơi ông có người yêu, và khi trở lại thăm thì người yêu ông đã chết trong bom đạn chiến tranh… nên ông tuy sau đó lập gia đình với bà nhưng thành thật tỏ lòng nên bà thông cảm ông hay hát chỉ một câu… “Em ở nơi nào… có còn mùa xuân không em…!”
Tôi nghe bà kể, nước mắt tôi trào ra không cầm lại được, là lời xin lỗi chân thành với vong linh ông dị. Xin ông tha thứ cho tôi…
Phan
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chỉ chừng đó thôi

Chỉ chừng đó thôi Tôi đang chờ một lời hỏi thăm, chỉ vài dòng rất ngắn ngủi của ông bởi vì giữa tôi và ông chỉ là một sự quen biết thật nh...