Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Tổ chức để có những công trình tổng kết hoạt động văn học nghệ thuật 30 năm chiến tranh và cách mạng (1945 -1975)

Tổ chức để có những công trình tổng kết
hoạt động văn học nghệ thuật 30 năm
chiến tranh và cách mạng (1945 -1975)

Sắp tròn 50 năm kết thúc chặng đường 30 năm đầu tiên của chế độ mới (1945-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước Việt Nam ta đã có những trang sử huy hoàng chắc chắn là hàng đầu trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước: Vừa thoát khỏi nô lệ, đã liên tục chiến thắng cuộc xâm lược của hai đế quốc hiện đại mạnh nhất thế giới, thực hiện ước mơ ngàn đời  là giành một nước Độc lập – Thống nhất. Trái với mục tiêu của kẻ thù: Đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, trong chiến tranh, qua chiến tranh, để giành chiến thắng, dân tộc ta đã trưởng thành vượt bậc, để thành một dân tộc hiện đại về nhiều mặt, đặc biệt về tinh thần. Góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang đó có vai trò nổi bật của Văn học – Nghệ thuật, xứng đáng với lời chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Trong thời gian không dài đó, cả một thế hệ phải học cầm vú khí để trực tiếp giết giặc, đã đồng thời sáng tạo ra một nền văn học nghệ thuật hiện đại đông đúc về đội ngũ, giàu có về tác phẩm, có tác động xã hội động viên tinh thần chiến đấu của cả dân tộc, mà chắc chắn trong nghìn năm lịch sử chưa bao giờ có. Thời gian đã cho chúng ta nhìn rõ hơn giá trị kho tàng VHNT được làm ra trong 30 năm chiến tranh và cách mạng. Ánh sáng và hơi ấm của nó còn hiện diện hàng ngày trong cuộc sống đất nước hôm nay.
50 năm đã là khoảng cách thời gian đủ cho chúng ta có cái nhìn khái quát, khách quan và toàn diện về VHNT, từ đó giải đáp nhiều điều còn vướng mắc, rút ra những bài học về lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý các hiện tượng thường xuyên xảy ra trong quá trình tìm tòi sáng tạo. Theo chỗ hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có những công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình có tính chất tổng kết về giai đoạn lịch sử đặc biệt này (Dù khi trong cuộc, chúng ta luôn gọi là Trường kỳ Kháng chiến).
Trong 2 năm còn lại đến cái mốc kỷ niệm lớn, sẽ là rất có ích, nếu lực lượng nhân sự hùng hậu của Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Trung ương làm hạt nhân trung tâm, huy động chuyên gia các Viện nghiên cứu, các trường Đại học và các Hội chuyên ngành VHNT tập trung làm các công trình vừa lịch sử biên niên, vừa đánh giá, tổng kết của từng chuyên ngành, vừa có những công trình chung của cả khối VHNT. Tôi nghĩ công việc này nằm trong tầm tay của các nhà nghiên cứu, lý luận hiện nay. Tư liệu đã có, trình độ lý luận cao, năng lực làm việc sung sức, tầm nhìn bao quát, chỉ cần có bàn tay tổ chức, để huy động và tập họp lực lượng, là các công trình sẽ kịp ra mắt nhân dịp kỷ niệm 80 năm của chế độ mới.
Âm nhạc, văn học, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh, dân gian, và cả kiến trúc… đều là những lĩnh vực có nhiều, rất nhiều nghệ sĩ tiêu biểu, tác phẩm có giá trị, vừa ghi dấu các sự kiện địa – lịch sử, vừa có giá trị nghệ thuật cao.
Nhưng quá trình hình thành lực lượng, phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng mỗi địa phương, mỗi thời kỳ có khác nhau. Ngay nhận thức về vai trò, vị trí của văn nghệ sĩ, tác động của VHNT, cũng là một quá trình, với nhiều thời kỳ khác nhau. Nếu từ bản Đề cương Văn hóa 1943, đến 1950, bóng dáng những luận điểm về văn hóa, văn nghệ của các nhà lý luận cánh tả Pháp khá rõ, thì từ 1951, khi mở cửa biên giới phía Bắc, tư tưởng Văn nghệ Diên An, nêu cao vai trò Công Nông Binh, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, tiếp đó là Phát động quần chúng, đòi giảm tô, giảm tấc, tiến tới Cải cách ruộng đất, Cải tạo tư sản, Hợp tác hóa, chống xét lại,.. liên tục xảy ra các cuộc đấu tranh tư tưởng trong giới văn nghệ. Nhiều vụ phải xử lý hình sự, để lại những dấu ấn khó phai trong cuộc đời và tác phẩm nhiều người có tài năng. Việc phổ biến và khẳng định phương pháp sáng tác hiện thực XHCN, thành tựu tác phẩm đều có nhiều điều đáng bàn. Rất cần một sự đánh giá có tính chất chính thống từ vị trí lịch sử hôm nay.
Làm nên lực lượng cũng nhiều nguồn; Bộ phận văn nghệ sĩ tiền chiến, đa số đi theo kháng chiến, nhưng một bộ phận đã nửa đường đứt gánh. Chỉ trong 15 năm (1930-1945) một phần đời lưu lạc của nàng Kiều, bộ phận tác giả không nhiều này đã làm nên một thời kỳ sáng láng khẳng định giá trị bước đầu của nền VHNT hiện đại. Nhưng nét đặc biệt là cách mạng chỉ đón nhận con người văn nghệ sĩ, mà không cho họ mang theo hành trang lá sáng tạo tinh thần thuở thanh xuân của họ, trừ vài  tác giả đã là người của cách mạng. Điều đó diễn ra trong suốt 30 năm chiến tranh. Những tác giả xuất sắc nhất, phải sau 10,15 năm, mới tìm được giọng điệu mới, đầy tự tin cho mình (Ánh sáng và Phù sa – Chế Lan Viên, Trời mỗi ngày lại sáng – Huy Cận, Riêng chung  – Xuân Diệu…) Sau đổi mới, một số  tác giả và tác phẩm mới được nhìn nhận lại. Việc đó đã góp phần làm giàu kho tàng văn hóa, trong đó có VHNT. Số đông trưởng thành từ quân đội, từ đội ngũ cán bộ kháng chiến.Mặt bằng văn hóa hầu hết không cao, nhưng nhiều tác phẩm được phổ biến rộng rãi.
Cũng không thể bỏ qua hoạt động văn học nghệ thuật thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở vùng tạm chiếm (Có ta, có địch, và những văn nghệ sĩ tự do), và miền Nam thuộc vùng kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa: Tác giả, tác phẩm, tính chất, cái gì còn lại. (Tham khảo qua tiền bản quyền các nhạc sĩ Bolero hiện nay, có những người hàng năm thu tiền tỷ).
Đã đến lúc mở rộng giới thiệu nghiên cứu những tác giả, tác phẩm của các nhà văn quốc tế viết về Việt Nam (Cả hai phía) trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và nhà văn gốc Việt ở nước ngoài. Lại còn nhiếp ảnh, điện ảnh, ( phim truyện và tài liệu), sân khấu, phim truyền hình, âm nhạc…Số lượng tác giả và tác phẩm khá phong phú, ở nhiều quốc gia.
Tổng kết những thành tựu VHNT có được trong cách mạng và kháng chiến, để thấy vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng rút ra những bài học kinh nghiệm, từ tổ chức lực lượng, sử dụng văn nghệ sĩ và tác phẩm văn nghệ trong chiến tranh và cách mạng. Thành tựu lớn nhất, là dù trong chiến tranh, đời sống vô cùng gian khổ, thiếu thốn, và khó khăn, những văn nghệ sĩ có xuất phát điểm về văn hóa không cao, nhưng họ đã tạo ra được một nền VHNT chính thống, hiện đại đầy khí thế, lạc quan, thể hiện lòng yêu nước, yêu quê hương nồng nàn, niềm tin vào lý tưởng, tự hào về vị thế của công dân một nước Việt Nam mới. Rất nhiều tác giả tự xây tượng đài của mình trong lòng công chúng bằng những tác phẩm còn sống mãi với thời gian. Các giải thưởng cao của nhà nước tặng cho các tác giả và tác phẩm ra đời trong cách mạng và kháng chiến được sự trân trọng của công chúng rộng rãi. Nhiều vấn đề còn có sự đánh giá khác nhau về tác giả, tác phẩm, các sự kiện từng xảy ra trong quá trình đấu tranh để xây dựng nền văn nghệ mới cũng cần có sự luận bàn và đánh giá chính thức, để góp phần xây dựng một nền Văn hóa – Văn nghệ có sức mạnh tinh thần dân tộc mới, tạo được khối đoàn kết, hòa hợp và hòa giải mà chúng ta đang ao ước.
Cuộc kháng chiến 30 năm giải quyết được mấy nỗi lo lớn:
1. Độc lập cho đất nước,
2. Tồn tại cho dân tộc. (Chỉ cần nhớ lại nạn đói 1945, hơn 2 triệu người chết đói, xấp xỉ số người chết trong 30 năm chiến tranh với mật độ bom đạn dữ dội nhất). Từ 25 triệu, nay ta đã có gần 100 triệu, để thấy sức sống của dân tộc mãnh liệt biết chừng nào!
3. Bảo vệ được Văn hóa, nét riêng biệt của mỗi quốc gia và dân tộc, trong đó có ngôn ngữ. Thế kỷ XIX, mấy nhà nghiên cứu của Pháp, khi tiếp xúc tiếng Việt, bên cạnh những nét đặc sắc mà họ tôn trọng, vẫn có nổi lo về sự nghèo nàn của từ vựng, ngữ pháp, và nghĩ không biết vài trăm năm nữa, thứ ngôn ngữ này liệu có còn tồn tại hay không. Trong nỗi tự ti về dân tộc nhược tiểu một thời, có tâm lý không che dấu về ngôn ngữ Việt. Chính cuộc kháng chiến đối đầu với những đế quốc lớn, ta phải chọn đồng minh ở những quốc gia ngoài truyền thống, đã giúp nền văn hóa phát triển vượt bậc. Đặc biệt là về ngôn ngữ. Ngày nay, Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ chính thức của gần 100 triệu người trong nước, mà còn của hơn 5 triệu người Việt ở nước ngoài. Báo Tiền Phong 23.10.2023 đưa tin: Từ năm 1980, mức độ phổ biến tiếng Việt ở Mỹ, một quốc gia đa sắc tộc, ngày càng tăng. 1980: thứ 13. 1990: thứ 9. 2000: thứ 6. 2010: thứ 5. Ở Úc, là thứ 3, sau tiếng Quan thoại và tiếng A Rập. Một số quốc gia đã coi người Việt là một dân tộc thiểu số và đương nhiên ngôn ngữ của họ được tôn trọng. Nơi kết đọng giá trị một ngôn ngữ cao nhất là trong các tác phẩm VHNT. Thế kỷ XVIII, để lại cho chúng ta 3 tuyệt tác Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn (1710? -1745), một bản dịch được coi là của Đoàn Thị Điểm (1705-1748); Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), Truyện Kiều (Nguyễn Du 1765-1820). Khối lượng tác phẩm VHNT trong 30 năm chiến tranh có một gương mặt khác, nhưng thành tựu là đáng tự hào.
Đất nước hòa bình đã gần 50 năm, trong sự phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội, văn học nghệ thuật đã có rất nhiều đổi mới. Đội ngũ những người tài năng đa dạng rất đông, có học vấn cao hơn, điều kiện sáng tác và công bố tác phẩm nhiều thuận lợi, giao lưu quốc tế rộng rãi, tự do tư tưởng và tự do tìm tòi thoáng, rộng, nhưng hình như tìm trong đội ngũ những tác giả có uy tín xã hội cao, những tác phẩm được công chúng rộng rãi biết đến là không dễ. Được biết đến nhiều hơn vẫn là những nghệ sĩ trong ngành giải trí. Văn hóa, văn nghệ không còn giữ được vị trí Soi đường cho Quốc dân đi (Lời Hồ Chủ Tịch).
Trước hiện tình đó, việc nghiên cứu hoạt động VHNT trong 30 năm chiến tranh, không chỉ nhằm tôn vinh xứng đáng những giá trị văn hóa (Về con người và tác phẩm), mà quan trọng và cần thiết là để tìm ra những phương thức lãnh đạo và tổ chức đội ngũ sáng tạo VHNT thích hợp trong bối cảnh xây dựng đất nước thời bình, mở rộng giao lưu quốc tế, ở thời đại khoa học kỹ thuật phát triển vũ bão về nhiều phương diện. Đảng ta đã liên tục có những Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển Văn hóa – Văn nghệ, nhưng việc đưa nội dung các Nghị quyết đó vào cuộc sống vẫn còn là vấn đề (Từ đội ngũ nhân sự lãnh đạo, quản lý, đội ngũ văn nghệ sĩ, làm sao để có những tác phẩm xứng đáng với thời đại vẽ vang của chúng ta …).
Phải nhận ra, thành quả sáng tạo VHNT trong 30 năm chiến tranh và cách mạng gắn với bối cảnh xã hội rất đặc biệt. Nhà nước kiểu mới mà Cách mạng tháng 8.1945, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là  Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời đã thức tỉnh tinh thần dân tộc, tạo một niềm hưng phấn lớn lao cho toàn dân. Hai cuộc kháng chiến để bảo vệ độc lập cũng là bảo vệ chế độ là lý tưởng chung của cả dân tộc. Nên khối đoàn kết toàn dân rất chặt chẽ. Những thành tựu bước đầu của chế độ mới về tổ chức một xã hội không có bóc lột, ý thức về sự bình đẳng, y tế, giáo dục được chăm lo cho toàn dân, ngoài mặt trận, những chiến thắng liên tiếp của bộ đội Cụ Hồ, tiền tuyến cũng như hậu phương xuất hiện những nhân vật anh hùng kiểu mới,….tạo niềm tin, hy vọng là cơ sở xã hội thực tế để văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm mang đậm khí thế chiến đấu, tinh thần lạc quan. Và đến lượt các tác phẩm đó đi vào đời sống lại có sức gắn kết cộng đồng. Chưa bao giờ trong lịch sử âm nhạc lại xuất hiện nhiều bài hát đồng ca như những năm kháng chiến thể hiện rất rõ Đảng, quân và toàn dân một ý chí. Âm nhạc là thể hiện rõ nhất tinh thần một thời đại. Chỉ riêng những bài hát đã vẽ nên chân thực, tỉ mỉ, cụ thể những bước đi của quân dân cả nước qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại. Viết lịch sử giai đoạn này bằng các tác phẩm âm nhạc là điều hoàn toàn hiện thực. Đúng như lời thơ Chính Hữu: “Lòng vui rung câu hát / của chúng ta làm ca  ngợi chúng ta”
Chỉ nêu một nhận xét nhỏ như thế, để thấy, ngày nay tình hình đã đổi khác rất nhiều. Rất hiếm khi có một nơi nào hát đồng ca trong hội họp. Có chăng vẫn là những bài ngày xưa. Giờ hình như không còn nhạc sĩ nào sáng tác loại bài hát cho đám đông hay tập thể cùng hát. Có chăng là các tốp ca. Bởi vì hầu hết các cơ sở kinh tế, cảnh quan trên rừng, dưới biển, các cung đường, khu du lịch đều có chủ. Những tác phẩm nhắc đến các địa danh đó, không khéo đều được coi là do các đơn vị kinh tế đặt hàng nhằm PR dưới nhiều hình thức.
Sự chuyển dịch mô hình kinh tế, tôn trọng tư hữu, tự do cá nhân, phân tầng trong xã hội, cũng như y tế, giáo dục từ phúc lợi xã hội một thời lý tưởng, nay trong kinh tế thị trường, biến thành một kênh kinh doanh siêu lợi nhuận, văn hóa văn nghệ cũng ngã nghiêng trong tìm phương thức tồn tại. Dân số 100 triệu là một thị trường lý tưởng cho hoạt động và tiêu thụ sản phẩm văn hóa, chưa nói đến xuất khẩu. Nhưng nếu như sự đồng nhất là ưu thế của công chúng trong chiến tranh, thì hòa bình, đã mang lại cho mọi người dân điều kiện để phát triển những khả năng riêng của mỗi người. Chính sự khác biệt này của từng cá nhân, từng nhóm người, từng vùng miền, từng dân tộc, làm nên sự giàu có của đất nước. Mỗi ngành nghệ thuật, mỗi tác giả, mỗi sản phẩm văn hóa phải tìm đến công chúng thích hợp của mình. Văn hóa đại chúng, văn hóa giải trí có một bộ phận tiếp cận được công chúng đang phát triển (Xin nhắc lại, nhiều người có nguồn thu hàng tỉ, năm, đã có mấy nghệ sĩ bị truy thu tiền trốn thuế hàng mấy tỉ ). Nhưng văn hóa tinh hoa, cái phần làm nên bản sắc mỗi quốc gia, trong đó có VHNT có vẻ chưa tìm được con đường cho tương lai. Đảng nhiều lần khẳng định, văn hóa còn là dân tộc còn. Đường lối đã có, nhưng đội ngũ thực hiện xem ra còn chưa đủ trí lực. Có lẽ đã đến lúc cần tìm những phương thức tổ chức mới phù hợp hơn với sự phát triển toàn diện của đất nước, trong thời đại kỹ thuật số, toàn cầu hóa, để có thể tổ chức , đặc biệt là lớp trẻ, sáng tạo những sản phẩm, tác phẩm mang được bản sắc dân tộc, phù hợp với xu hướng thời đại, tạo dựng được một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam. Dự án lớn mới đây Bộ Văn hóa đưa ra đang được dư luận bàn thảo là một thực tế cần được tiếp tục suy nghĩ.
Trước con đường còn nhiều lựa chọn đó, tôi nghĩ, giành một chút tâm sức nhìn lại hoạt động VHNT nước nhà trong 30 năm chến tranh và cách mạng là một việc làm cần thiết và có ích.
1/5/2024
Ngô Thảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơm ngát Linh Giang

Thơm ngát Linh Giang Làng sinh ra nhiều võ tướng, văn nhân và người đẹp, tỏa đi 4 phương, làm rạng danh cho ngôi làng nhỏ có hình thù một ...