Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Những mùa lá đỏ

Những mùa lá đỏ

Phòng làm việc có ba người: Sếp trưởng, sếp phó trưởng và nó – lính sai vặt.  Sếp trưởng khá kiệm lời, gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu vẻ khó tính, thi thoảng đưa tay xoa xoa vầng trán hoi hói tuổi sắp chiều. Sếp phó mắt hí, mũi tròn, ưa kiếm chuyện cà khịa ông sếp trưởng và nó. Tuy nhiên nó “đọc vị” sếp trưởng lại là người dễ tính, dễ chịu hơn là ông sếp phó lúc nào cũng hài hước, bông đùa vậy nhưng là một người trầm và khó tính hơn!
Một cây bàng đứng đằm thắm bên hông văn phòng quanh năm vẽ bóng mát hình tròn. Mùa lá đỏ, bóng mát hình tròn biến thành bóng nắng. “Cây bàng này chừng hơn mười năm”, chị Vân bán nước đã nói vậy. “Hơn mười năm thì chừng bằng một đứa con nít đang tuổi lớn, cũng có thể gọi nó là cây bàng tuổi ẩm ương!”. Hai ông sếp tủm tỉm cười khi lần đầu nghe nó nói: cây bàng tuổi ẩm ương!
Nhiệm vụ mỗi ngày của nó: gõ văn bản, pho to, trèo lên lầu trình sếp tổng ký tá còn kiêm cả việc giải quyết cơn thèm cà phê, rau má, nước mía của hai ông sếp. Ông sếp trưởng tiểu đường tuýp 2, cà phê đen đường kiêng, lâu lâu bị hai đứa cấp dưới cà khịa: “Ê, nhỏ… mình đi ăn chè đi”. “Đi, sếp! Đi ăn chè cho tiểu đường… chết chơi!”. Ông sếp phó mũi tròn, mắt hí thì cà phê là thức uống… kẻ thù! “Đàn ông đàn ang gì mà kỳ, không biết uống cà phê?”, thi thoảng nó cà khịa ông sếp phó. Một bữa tự ái đàn ông nổi lên, ông sếp phó xử sạch ly cà phê xong tim đổ cơn… hấp hối, về cả đêm mở mắt trằn trọc bâng khuâng ngó… trần nhà! Bữa sau “nẹt” nó: “Mai mốt không được cho tui uống cà phê nữa, nghe chưa!”. Thế là từ đó cứ mỗi lần lên cơn khát là: “Ê nhỏ, rau má! Ê nhỏ, nước mía”.
Bữa nọ đang làm việc cơn buồn ngủ bất ngờ ập đến, thay vì ôm bàn phím… ngủ gật, nó nhìn nhìn hai ông sếp kiếm chuyện “ghẹo”:
– Sếp! Thời trai trẻ sếp làm gì?
Ông sếp đang chìm đắm trong đống giấy tờ văn bản bất ngờ bị truy vấn… “thời trai trẻ” thì giật mình, liền đưa tay vuốt vuốt mớ tóc xoăn chẳng bao giờ chịu ngay hàng thẳng lối. Hai từ “trai trẻ” hình như gây cho ông sếp cơn mặc cảm thiệt lớn. Biết bị hớ, nó lật đật đính chính:
– À, không… Ý em hỏi là hồi đó trước khi làm công chức, hai anh làm gì?
– Hồi chiến tranh tui… ngồi trong thúng, má gánh… chạy giặc. Còn nhỏ, biết gì đâu.
– Còn anh, sếp? – Nó quay sang ông sếp tóc xoăn trán hói.
– Tui đi bộ đội, xuất ngũ về đi học… rồi đi làm cán bộ tới giờ – ông sếp thành thật “khai báo”!
Nghe hai chữ bộ đội, nó như mấy chục năm gặp lại… đồng đội:
– A…! Em biết rồi! Hồi đó em cũng chiến trường Tây Nam nhưng mà… không biên giới! Vậy là… em với sếp một thời từng là đồng chí, đồng đội. À! Mà hồi năm đó em có gặp sếp một lần, sếp nhớ không? Hồi đó đó…
Ông sếp trưởng tóc xoăn nhìn nó nhăn mày nhíu trán như đang làm cuộc tính toán ngày tháng năm sinh:
– Vậy à? Hồi nào ta? Sao tui không nhớ…?
– Hồi năm một ngàn chín trăm tám mươi chín đó. Bữa đó, cả trường em ra đứng dọc hai bên đường vẫy cờ. Bữa đó xe nhà binh chở bộ đội về quá chừng. Bữa đó em thấy sếp đứng trên xe, sếp mặc đồ bộ đội, đội nón cối, đeo ba lô… Bữa đó đó…
Nó bữa đó hồi đó một hồi ông sếp gom đống giấy tờ tém hết qua một bên, đứng lên, ra lệnh:
– Đi ra đây. Em làm tui bị phân tán, nãy giờ không đọc được chữ nào.
Đi ra đây là đi ra chỗ cây bàng tuổi ẩm ương. Ông sếp phó mắt hí kéo ghế nó ngồi. Ông sếp trưởng đi ra xa, bật quẹt đốt thuốc, rả rít một hồi rồi trở vô.
– Rồi, kể tiếp đi. Hồi đó đi chiến trường sao? – ông sếp trưởng nhìn nó vẻ nghi nghi ngờ ngờ, còn ông sếp phó nhìn nó như nhìn một… sinh vật lạ!
Nó được nước bày ra dưới tán cây bàng một đống lịch sử. “Oanh tạc” từ cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp đến 20 năm kháng chiến chống Mỹ. Từ chiến dịch Lê Hồng Phong1950 đến trận càn  Cedar Falls1967, sang trận Mậu Thân năm 1968, đến thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4. Trôi chảy. Không vấp. Nó tường thuật những trận đánh hùng hồn như một anh hùng vừa trở về từ chiến trận. Cuộc chiến nào cũng đẫm máu và đầy rẫy những thương vong.
Hai ông sếp ngồi nghe rất tập trung. Nghe đến đâu ngẩn người ra đến đó. Ông sếp trưởng một chút gật gù, một chút ờ à. Ông sếp phó nhìn nó với ánh nhìn đầy ngưỡng mộ: “Hồi đó chiến tranh ác liệt quá hả, nhỏ!”. Ông sếp trưởng trầm ngâm: “Anh cũng từng tham gia chiến trường nhưng là cuộc chiến biên giới Tây Nam sau ngày đất nước giải phóng. Những nhân chứng lịch sử giai đoạn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đang sắp hết dần. Chúng ta cần phải có trách nhiệm ghi nhớ!”.
Bữa đó, chẳng biết cây bàng tuổi ẩm ương nghe nó chiến đấu, chiến sự với ông cựu bộ đội chiến trường biên giới Tây Nam hấp dẫn cao trào quá hay sao đó mà làm một động tác rung lắc nhẹ, bứt mớ lá vàng, lá đỏ thả quanh chổ nó và hai ông sếp đang ngồi.
Quê nó Sông Bé xưa, Bình Dương nay. Vùng đất một thời chiến tranh đầy đạn bom khói lửa. Mấy bác cựu cán bộ cách mạng quê nó có cái thú khề khà rượu đế, hồi ức chuyện chiến tranh, chiến trường. Thi thoảng nó hay nghe ba nó  “chửi”… “cái đám nhỏ”! “Cái đám nhỏ” nào đó nó cũng không biết. Đại loại là “cái đám nhỏ” sau này sinh ra lớn lên trong hòa bình, sung sướng quá nên không biết gì, không thèm quan tâm lịch sử quê hương, đất nước, hỏi tới cái gì cũng ú a ú ớ… Mấy lần nó nghe cũng nhột! Thấy trong “cái đám nhỏ” hình như cũng có mình, vì gần hòa bình nó mới… chui ra! Mấy trận đánh mà nó “oanh tạc” với hai ông sếp là nó toàn nghe lõm mấy lúc ba nó kể chuyện với mấy cán bộ Tuyên giáo.
Năm Tỉnh ủy tổ chức cho đoàn cán bộ Cách mạng lão thành chuyến về nguồn, dọc theo bản đồ đất nước, từ miền Nam ra Đà Nẵng, Huế, Hà Nội lên đến tận cửa khẩu Lạng Sơn. Mấy ông già đi về vui quá chừng: “Đi tới đâu cũng thấy đất nước thay đổi, tươi mới! Chết cũng mãn nguyện. Hồi đó chiến tranh khổ quá mà!”. Nhưng bác Sáu nó thì buồn. Bác Sáu nó là cựu tù Côn Đảo. Sau chuyến ra thăm “địa ngục trần gian” về, ông trầm ngâm với ba nó: “Ra đó lại nhớ những năm tháng bị tù đày”. Bác Sáu nó buồn nhiều tháng liền sau chuyến ra thăm đảo. Ba nó chưa từng đến Côn Đảo.
– Ê! nhỏ? Cuối tuần sếp có công việc đi Sóc Trăng. Ra đảo không?
– Dạ, đi sếp… cho em đi với! – Hai mắt nó sáng rỡ.
Nó đang ấm ức vì “bể” chuyến bay đảo với Vy. Đã tính đi từ giữa năm ngoái nhưng cứ lần lựa mãi đến hết năm, rồi đầu năm. Hứa hẹn xong đã đời, vừa định book vé bay thì nhỏ Vy gọi điện… delay. Lời rủ rê của ông sếp phó thiệt là đúng lúc.
– Để anh gọi điện đặt vé tàu. Ba giờ sáng thứ bảy, anh với sếp đón.
Điện thoại đổ chuông vào lúc 3 giờ kém. Ngoài trời hơi lạnh. Trong xe lạnh hơn. Nó rùng người. Sếp trưởng mặt áo khoác màu tối, không rõ nâu, đen hay xanh đen. Sếp phó áo khoác màu xám nhạt. Hình như cú rùng người của nó chạm tới 2 ông sếp. Sếp phó đưa tay chỉnh cửa máy lạnh, rồi nhấn ga.
– Chết, em quên. Sếp, làm ơn…
Đã chuẩn bị sẵn nhưng không thể để vào ba lô. Cũng may sực nhớ chứ mà đi nửa đường hay ra đến nơi mới nhớ chắc là nó giận… mình ghê lắm! Chuyến đi coi như vô nghĩa. Mà hình như có “ai đó” đã nhắc!
Sếp trưởng nhìn chiếu hậu, đánh lái xe. Đường đêm. Vắng. Quay đầu xe cũng dễ. Nó hơi áy náy vì làm phiền. Cũng chưa xa lắm. Nhưng cái sự quên của nó hình như không làm hai ông sếp khó chịu. Nó trở ra ngay tức khắc. Nó quên một chiếc hộp màu đỏ. Sếp phó nhìn thấy nhưng không hỏi. Nó cũng không nói. Mà cũng không muốn nói. Nó nhẹ nhàng đặt chiếc hộp bên cạnh.
– Em chưa đi tàu cao tốc lần nào. Có bị say sóng không, sếp?
Sếp phó nhìn kính chiếu hậu cười cười:
– Mấy chục năm nằm vùng chống giặc mà đi tàu sợ bị say sóng là sao?
– Anh này…! – nó phì cười!
Nó nhũn người sau những trận sóng nhồi. Một trải nghiệm khá tệ mà cũng sẽ rất khó quên! Bước chân đầu tiên lên đảo nó nghe cảm giác thật yên bình! Đảo đẹp và thanh bình quá! Tinh thần nó nghe phấn chấn trở lại.
– Nhỏ định viếng nghĩa trang Hàng Dương lúc nào? Tối hay sáng mai? – sếp phó hỏi nó.
– Em cũng không biết. Nhưng em sẽ tự đến đó một mình!
Thâm tâm nó muốn một mình viếng nghĩa trang thật. Nó sợ hai ông sếp đề nghị đi cùng, kế hoạch sẽ tan nát hết. Không thể được!
– Vậy sáng mai anh và sếp đến đón nhỏ cà phê.
– Dạ! – Nó thở phào.
Vy đã dặn trước. Ngoài đảo, người ta viếng nghĩa trang vào ban đêm vì giờ đó linh thiêng, “cầu gì cũng được, xin gì cũng ứng”. Mới nhớ, lúc ở cảng Trần Đề thấy nhiều người lên tàu với những giỏ hoa trắng…
Trại Phú Hải.
Đoàn người chuyển động theo hướng dẫn viên áo dài với chiếc loa cầm tay xinh xinh. Lần lượt từng căn phòng. Những căn phòng lạnh lẽo. Những bục xi măng lạnh lẽo. Nó tách mình khỏi đám đông. Những cội bàng cổ thụ già nua sần sùi giữa sân đang đỏ rực những tàn lá. Từng chiếc lá bàng lần lượt rời cành…
– Nhỏ không đi cùng đoàn? – Sếp phó xuất hiện sau lưng nó tự lúc nào.
– Dạ, thôi!
– Những chiếc lá giống gì?
– Giống như những lá cờ! Anh nhìn xem. Lá vàng tựa như những ngôi sao, lá đỏ hệt màu cờ Tổ quốc. Một rừng cờ đỏ thắm trên nền trời xanh thẳm…
– Khoảnh khắc đẹp quá! Sao nhỏ không chụp ảnh?
– Dạ, thôi!
Nó thích chụp ảnh, nhưng có những khoảnh khắc nó chỉ muốn neo vào ký ức. Vì tiềm thức là kho chứa, lưu giữ, không sợ lạc mất, đến tận nhiều kiếp.
– Mỗi chiếc lá rụng xuống là một linh hồn bay lên…
– Lá rụng xuống, mầm xanh sẽ nhú lên. Lá từ xanh, ngã vàng, ngã đỏ lại rời cành. Như một vòng luân hồi, linh hồn là bất diệt!
– Tự nhiên thì em nghĩ chúng ta cũng đã từng là những linh hồn, giống như những chiếc lá… Không tự nhiên mà chúng ta gặp nhau, và đang ở đây. Chúng ta đã trở lại… Em, anh và sếp và tất cả mọi người. Hình như có một sự sắp đặt nào đó, em không giải thích được…
– Nhỏ nói đi.
– Để em kể anh nghe chuyện tối qua. Tối qua em đã đến nghĩa trang. Em đến đó một mình. Những bó hương được xé và bỏ dỡ. Em đã nhặt hết trước khi người quản trang nhìn thấy, mang đi. Có một linh hồn đã đưa em đi thắp hương những ngôi mộ. Em cảm giác vậy! Những ngôi mộ khuyết danh, và những khu mộ tập thể, nằm  xa khuất, lạnh lẽo. Khu A, khu B. Có hai người mặc quân phục thắp hương gần chỗ em. Em nhớ vậy! Trời tối, ánh sáng lờ mờ, em không nhìn rõ lắm! Hai người mặc quân phục đó cứ cặm cụi, lặng lẽ, lần lượt từng ngôi mộ. Những ngôi mộ nằm xa khuất, lạnh lẽo khu D. Em nhớ mình đã viếng mộ Nhà yêu nước, Anh hùng liệt sĩ Lê Hồng Phong, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn An Ninh…
– …
– Em nhìn thấy những người mặc quân phục thắp hương trước Đài tưởng niệm. Không mê tín. Không cầu xin. Hai người mặc quân phục đứng gần em. Em nhớ vậy! Lúc đó em mãi “nhìn” những linh hồn ở trên cao. Em “nhìn thấy” những anh linh màu đỏ! Tất cả hòa thành một thể thống nhất! Tối qua rất đông người đến nghĩa trang…
– … !
– Em thấy buồn… Bao thế hệ cha ông đã bỏ thân xác ở mảnh đất tù đày này, để đổi lấy cho chúng ta hòa bình, tự do. Hãy để những linh hồn được yên nghỉ… Người quản trang rất mệt mỏi với hoa, quả, xôi, gà, đầy ngập…
– Chúng ta phải làm gì?
– Sự tri ân và lòng biết ơn sẽ giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn! Tối qua em giống như người bị thôi miên… Em nhớ mang máng đã ra khỏi nghĩa trang lúc không giờ. Hình như vậy! Em nhớ vậy! Từng đoàn người vẫn đi vào không ngớt. Em không nhớ đã trở về khách sạn như thế nào. Sóng ầm ào cả đêm…
– Giá mà đất nước chưa từng xảy ra chiến tranh, nơi đây đúng nghĩa là một đảo thiên đường, và chưa từng được ví như… “địa ngục trần gian”, ha nhỏ!?
– Em cũng có suy nghĩ như anh. Nhưng ký ức chẳng thể nào tan biến đi cũng như lịch sử muôn đời không thể thay đổi. Phải mà chưa từng có chiến tranh, khung cảnh này, ngôi trường, sân chơi, cây cao bóng cả, trẻ nít hồn nhiên nô đùa sẽ đẹp biết mấy!
– Mình ra biển đi…
– Em muốn đến chỗ Cầu Tàu chín mười bốn!
– Gần đây. Đảo nhỏ. Mình đi hướng này.
– Mấy giờ thì mình ra tàu, sếp?
– Mười ba giờ. Còn sớm. Nhỏ tắm biển không?
– Dạ, không! Em ra đảo không để tắm biển.
– Biển đảo Việt Nam mình đẹp quá ha, nhỏ!
Trời trong xanh. Biển xanh trong. Gió thanh thanh. Vịnh Côn Sơn buổi sớm thật yên bình! Dọc những con đường quanh đảo toàn những cội bàng cổ thụ. Gió thổi vào từ biển. Lá rời cành bay bay. Con đường ven biển thật thơ mộng, đẹp như tranh vẽ. Nó mê mải nhìn những chiếc lá bàng đỏ bung nhành lượn lờ trong gió cho đến khi chạm đất, rồi cúi nhặt từng chiếc lá chụm lại thành một bó dày.
– Bác Sáu em từng là cựu tù ở đảo này. Ông đã nói với ba em rằng ông không muốn trở lại nơi này sau lần trở lại cách vài năm trước, chuyến đi do Tỉnh ủy tổ chức cho những cựu tù Côn Đảo. Bác Sáu em nhớ những người đồng đội đã hi sinh nằm lại ở đảo. Những chuồng cọp, những trận vôi đổ, những đòn tra tấn… Những hình ảnh, hiện vật gợi lại những ký ức năm tháng tù đày cứ ám ảnh khiến ông không thể an yên những ngày cuối đời…
Anh nhìn bó lá đỏ tươi như màu cờ trong tay nó, nhẹ nhàng:
– Những chiếc lá bàng này vừa trải qua một kiếp sống, đã hoàn thành sứ mệnh…
– Bác Sáu em đã nói rằng mỗi cội bàng ở đảo này là mỗi chứng nhân lịch sử. Rằng, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng bị tù đày đều phải ăn những chiếc lá bàng, thức xanh hiếm hoi duy nhất cứu rỗi trong những bữa cơm tù ôi thiu. Ông chẳng thể nào quên được vị chát “đặc sản” của những chiếc lá bàng thần thánh mà ngoài công dụng chữa lành những vết thương trên thân thể còn là phương thuốc xoa dịu tâm hồn những người chiến sĩ cách mạng yêu nước, mà ông từng nếm trải nơi “địa ngục trần gian” này!
Anh nhìn nó rồi nhìn ra phía Cầu Tàu:
– Quê mình cũng có những cây cầu chứng nhân lịch sử: cầu Ông Cộ, cầu Đò, cầu Quan. Anh từng nghe ba anh kể rằng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội đã bị chặt đầu, xỏ xâu như kiểu người ta xâu những con ếch, rồi bị đẩy xuống dòng sông. Dòng sông Thị Tính một thời máu nhuốm đỏ…
Khả năng đọc vị người đối diện của nó khá chính xác. Ông sếp phó thường ngày hay bông đùa, vui tính là người rất tình cảm và sâu sắc. Nó ngước mắt nhìn lên những tàng cây thưa lá. Vài chiếc lá bàng đỏ lại bung nhành, lượn lờ theo gió về phía biển.
– Anh này! Dọc dài đất nước từ Nam ra Bắc nơi nào cũng là quê hương, chiếc cầu nào cũng là chiếc cầu quê hương. Giống như em và anh đang ở đây, chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả những hương hồn Anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi mảnh đảo Côn Sơn này được hồi qui, trở lại một kiếp sống mới, nhẹ nhàng hơn…
Tàu cập cảng Trần Đề. Còn khá sớm. Chuyến về nó đỡ say sóng, không bị nhũn người như chuyến ra. Người giữ xe đã mang xe đến, chờ sẳn ngoài bãi.
– Em muốn ghé Cần Thơ chơi hay về luôn? – Sếp phó hỏi nó.
– Em muốn về luôn – nó nói lúc mở cửa xe đặt chiếc hộp màu đỏ vào ghế.
Ông sếp trường ngồi ôm vô lăng nhưng không đề máy. Sếp phó quay xuống nhìn chiếc hộp màu đỏ rồi nhìn nó như muốn nói gì đó nhưng lại thôi. Hai ông sếp vẻ tần ngần như còn chuyện gì đó. Không khí có vẻ ngột ngạt. Nó nhìn lên kính chiếu hậu, bắt gặp ngay ánh nhìn của anh, như đang chờ sẳn, như biết nó sẽ nhìn vào đó. Nó vội quay đi tức khắc. Sự im lặng của hai ông sếp làm ruột gan nó nôn nao, cồn cào. Đột nhiên sếp phó lên tiếng:
– Tối qua nhỏ đâu có đến nghĩa trang một mình…
Lồng ngực nó bỗng nổi cơn thình thình.
– Tối qua anh và sếp nhìn thấy em đến nghĩa trang cùng với… ba!
Anh xuống xe, mở cửa sau nâng chiếc hộp màu đỏ, rồi bỏ chiếc ba lô cạnh bên nó. Chiếc khóa kéo hở một khoảng lộ ra màu vải quân phục…
Nó giật mình! Hóa ra đêm qua hai người mặc quân phục cặm cụi thắp hương những ngôi mộ xa khuất cạnh bên nó…
Chiếc hộp màu đỏ đã được đặt lên phía trước. Bên trong chiếc hộp là bức ảnh chân dung ba nó – Ngày còn sống ông từng muốn được một lần ra thăm đảo Côn Sơn.
– Nhỏ này…
Nó nhìn lên. Trên tay sếp phó là những chiếc lá bàng đỏ thắm mà nó đã nhặt trên đảo, lúc rời tàu nó đã để quên.
– Chúng ta lại có thêm ký ức đẹp về những mùa lá đỏ, ha nhỏ…!
30/4/2024
Lê Ngọc Hạnh 
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơm ngát Linh Giang

Thơm ngát Linh Giang Làng sinh ra nhiều võ tướng, văn nhân và người đẹp, tỏa đi 4 phương, làm rạng danh cho ngôi làng nhỏ có hình thù một ...