Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Chuyện bạn tôi - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Chuyện bạn tôi - Truyện ngắn
của Nguyễn Khương Trung

1. Tết chưa hết nghe mày, đừng giữ cái mặt ấy, xui lắm! Có chuyện gì thì để ra giêng, tôi đẩy ly rượu về phía Nhật – Uống đi.
Nhật vẫn ngồi yên như không nghe thấy, mắt lơ đãng nhìn lọ hoa trên bàn đã bắt đầu tàn.
Hiểu tính nó, tôi không nói nữa. Rót rượu uống một mình – Kể cũng tức, mồng ba tết nó đền nhà tôi với cái cười nhếnh mép thay cho lời chào. Mặt lãnh cảm, không ra buồn cũng chẳng ra vui nhưng, khó coi. Kinh nghiệm bè bạn cho tôi biết nó đang không được yên. Những lúc này mà hỏi nó thì bằng hỏi đầu gối. Tốt nhất là kệ nó.
– Tao về! Nhật nói và đột ngột đứng dậy, bước ra.
– Ừ! Mày về, tôi trả lờ thờ ơ, mắt dõi theo cái dáng mảnh khảnh của nó đang khuất dần sau bụi tầm xuân,
Ly rượu như đắng hơn, tôi dốc cạn. Một cảm giác mơ hồ tràn đến. Điệu nhạc nhẹ bên hang xóm vọng sang, du dương buồn. Thời tiết thật trớ true, tết nhất gì mà lại nắng chang chang thế này? Năm nay sao giời đất giở chứng thế? Vô duyên! Thật không gì vô duyên bằng cái nắng chang chang giữa những ngày nguyên đán. Không được mưa bụi như Bắc Kỳ, thì ít nhất không gian cao nguyên lúc này cũng phải hiu hiu, se lạnh như mọi năm mới phải chứ. Đúng là có sự đánh cắp! Ai đó đã đánh cắp mất khí xuân của đất trời. Đánh cắp mất cái không gian dìu dặt, thiêng liêng rất riêng của những ngày nguyên đán – Tôi bực bội nghĩ. Cả năm bận rộn, được mấy ngày thư thái muốn tận hưởng tiết xuân thì trời lại nóng, lẽ ra, những ngày này cao nguyên phải hoe nắng, với cái rét chỉ đủ lạnh thì thú biết bao. Thời tiết! Thật đúng là thời tiết! Tôi ngao ngán nghĩ về sự thay đổi bất thường của nó, bất giác lại nghĩ tới câu Nhật hay nói “ Đàn bà và thời tiết!” Tôi bật cười. Thằng bạn tôi có cái nhìn về đàn bà cũng thật lạ. Với Nhật, câu ấy nó không nói theo kiểu thuận miệng khơi khơi như người ta, hình như nó nghĩ tâm địa đàn bà như vậy thât; cho nên đến tận bây giờ nó vẫn không chịu yêu ai, rất ngán nga6m3khi nhắc đến chuyện này. Tính nết nhẹ nhàng, chu đáo, phụ nữ nhiều người thích nó. Nó vẫn ân cần quý mến, nhưng yêu thì không. Tôi để ý thấy đã vài em gần như si mê nó, rất chủ động trong tình cảm. Nó thì vẫn nhẹ nhàng tìm cách lảng tránh, cuối cùng rồi cũng thôi. Có lần tôi hỏi chuyện ấy, Nhật bảo : “ Tao coi đó là trò phù phiếm, vô bổ nhất trần đời. Cái mà người đời gọi là tình yêu – Tao là kẻ ngoài cuộc”. Một lần chuyện trò về vấn đề này, mãi… rồi vợ tôi bảo Nhật :
– Anh chưa gặp đúng đối tượng đấy thôi. Em chỉ sợ đến lúc lại bỏ tất cả mà theo người ta ấy.
– Nhật nheo mắt cười, thong thả nói: ”Cô lại nhìn không đúng về anh rồi, với anh, đàn ông và đàn bà không phải là hai nửa của nhau như người ta thường nói. Anh thấy mình thế này là hoàn chỉnh”.
Có lần vợ tôi bảo: “Anh Nhật tốt thì tốt thật. Một con người đa cảm, nhẹ nhàng và chu đáo với mọi người, nhất là với phụ nữ, nhưng không nên lấy vợ”.
– Sao lại ngược đời thế?
– Người như anh ấy sẽ rất dễ làm khổ người khác.
– Em thì chỉ được cái…
– Cái gì… rồi anh sẽ thấy em nói là không có sai đâu.
Tôi không cãi nữa, nhưng nghĩ: Có thể vợ tôi nói đúng, về vấn đề này các bà ấy thường sâu sắc hơn đàn ông.
Đang miên man nghĩ về Nhật, vợ tôi từ phòng trong bước ra, hỏi:
– Anh Nhật về rồi hả anh?
– Ừ! Anh ấy cứ thế nào! Chẳng còn biết thế nào mà lần.
– Chẳng thế nào đâu! Anh đừng bận tâm, ông ấy thì tính nết như “thời tiết”.
Tôi tròn mắt – Lại thời tiết! Hết “đàn bà và thời tiết” giờ lại đến “ông Nhật và thời tiết”. Tôi cười thú vị.
– Anh làm gì mà có vẻ thích thú thế? Em nói thế không đúng à? Anh Nhật thoắt vui, thoát buồn, ai mà lường được. Chả là “thời tiết” thì là gì?
– Vì quá nhậy cảm nên anh ấy thế thôi. Tôi nói nhỏ.
– Nhạy cảm gì chả biết, nhưng tính nết thế này thì có “chết người ta” không? Hồi trong năm, anh ấy ngồi chỗ này này, uống trà một mình có vẻ hứng thú lắm, chợt một cánh hồng vừa rụng xuống từ lọ hoa trên bàn, anh ây nhặt lên, nâng niu ngắm. Rồi trầm tư. Em cười, hỏi: Lại sao rồi?
Trầm ngâm một lúc, anh ấy bảo: “nhìn cánh hoa rơi, anh chợt nhận thấy sự khác nhau giữa hoa thật và hoa giả. Thật giả, phải trái bây giờ cứ rối tung lên, lẫn lộn chả còn biết lối nào mà lần. Có lẽ hoa thật và hoa giả chỉ có thể phân biệt bằng cảm xúc. Hoa thật khi tàn thì lả tả rụng cánh, cho ta một chút bâng khuâng, man mác. Hoa giả thì không có điều đó. Tuyệt đối không bao giờ cho ta được chút buồn man mác đó.
– Phức tạp quá! Em nhăn mặt cười.
– Chả có gì là phức tạp, anh ấy nói tiếp: “Anh có cô bạn luôn cắm trong phòng một cành hoa giả rất đẹp, lúc nào cũng tươi. Anh không thích nên có lần bảo: “Sao em không chơi hoa thật?” Cô ấy nói: “ Anh nhìn cành này không đẹp hơn hoa thật à? Lại không tàn”. Cô ấy cười, nói tiếp: “ Chắc anh lại nghĩ nó không có hương chứ gì?Chẳng sao đâu! Người ta chỉ ngắm hoa cắm trong nhà từ xa, mà đã xa thì cái hương kia trở thành vô nghĩa. Anh thấy không, từ xa nhìn vào lọ hoa của em vẫn đẹp, ý nhị nữa ấy chưa! Em muốn nhìn mọi vật từ xa một chút, nếu gần quá, mọi vật đều trần trụi, đáng thương. Như vậy cắm hoa giả vẫn hơn, vẫn có hoa mà đỡ phải bận tâm nhiều về nó”. Lúc đó anh không đồng ý, nhưng cũng không tìm được lời lẽ lý giải về cái không thích của mình nên không nói gì. Hôm nay nhìn cánh hồng lìa từ bông xuống, anh chợt chạnh lòng. Một cảm giác như sự mất mát làm ta trăn trở, chợt buồn.. Phải chăng cảm xúc ấy chính là sự khác nhau về giá trị giữa hoa thật và hoa giả”.
Ông ấy làm cho em một thôi một hời. Em chỉ còn biết… cười. Đấy – Tính tình kiểu ấy. Vui buồn cứ loang loáng thế thì chẳng phải là thời tiết thì còn là gì.
Một con người đa cảm, nhưng dứt khoát không phải là thời tiết. Tôi nghĩ. Nhật quá nhậy cảm nên vui buồn bất chợt. Thời tiết là sự thay đổi, sự tráo trở bất thường, vô tâm, vô tư. Còn Nhật thì rất chân thành với bạn bè, sống tốt với mọi người. Chính sự quá nhạy cảm, nên cuộc sống của Nhật mới nhọc nhằn làm sao. Bạn bè cùng lứa đã ổn định, nhiều người còn có cả sự nghiệp vẻ vang. Riêng Nhật vẫn long đong. Cuộc đời Nhật như số mệnh đã định sẵn. Nó không vượt qua được. Học giỏi, tính tình sâu sắc, hiểu biết rông… nhưng trân chuyên. Đấy là những nét cơ bản trong con người bạn tôi. Tôi cứ băn khoăn trước sự trái ngược, tính cách ấy, sao cuộc sống cứ mãi nhọc nhằn. Có lần tôi bảo Nhật:
– Sự nghiệp mày dang dở, mày vất vả là do tính nết mày.
Nhật chỉ cười – Khẽ gật đầu. Mà có lẽ đúng vậy. Ngày trước, các kỳ thi nó không vượt qua được đâu phải do kiến thức, đến như tôi còn đỗ được cơ mà. Nó trượt toàn do những điều tôi cho là “vớ vẩn”, “phù phiếm”. Còn nó lại trăn trở, chết sống vì những cái “vớ vẩn”, “phù phiếm” ấy. Hoặc có đỗ, đang học cũng bỏ dở dang. Những lần bỏ này thì do hoàn cảnh đặc biệt của gia đình nó. Đôi khi tôi chợt nghi ngờ: “ Hay Nhật là người không có chí?” Nhưng, có điều tôi thấy nhiều lúc Nhật có những dự định và suy nghĩ luẩn quẩn. Phải chăng những điều này xuất phát từ những búc xúc trong gia đình nó? Vận may của đời người chỉ đến một vài lần, nhưng Nhật thường bỏ lỡ, hoặc do mặc cảm tự ty mà không chịu tận dụng. Bạn bè nhiều người tạo điều kiện, nó cũng chỉ ậm ừ rồi lảng tránh. Nhật cứ dang dở, nhọc nhằn khiến tôi không yên và tiếc cho nó, nhẽ ra, nó đáng có cuộc sống xứng đáng hơn; một chỗ đứng đúng với khả năng của nó để cống hiến cho đời.Vị trí của nó không phải là những cuốc xe ôm trên đường, hoặc một vài sào hồng để hàng ngày nó miệt mài với chiếc sà bất trên tay. Tôi tiếc cho nó lắm!Nhjật có cuộc sống nội tâm nhọc nhằn. Chắc hẳn còn có những điều tôi chưa hiểu và cảm thông với nó. Bố mẹ ly dị.Nhật không chịu sống chung với ai, cũng không chịu nhận sự giúp đỡ của ai, mặc dầu ông bố rất thương và thừa điều kiện lo cho nó. Nhật dựng một căn nhà nhỏ bằng gỗ trong vườn cây ăn trái của mình, tự làm nuôi thân. Nó cứ thong dong một mình một cõi.
2.
Mồng sáu tết, tôi đi làm về đã thấy Nhật ngồi một mình, dáng trầm tư.
– Mày đến lâu chưa?
– Lâu rồi!
– Tôi dựng xe, ngồi đối diện với Nhật – Đầu năn, mày có gì mà có vẻ không được vui?
– Tao mang trà ngon đến với mày, có truyện muốn nói đây. Nhật rút trong túi ra một một gói trà bọc trong mảnh báo cũ. Trà Shan-Bạch mao trà, thằng Bắc ở Thiện Phương-Bảo Lộc gửi làm quà tết cho tao. Mày uống rồi sẽ biết, thật quý, cái hương vị của nó thơm cứ tựa như hương của da thịt em nhỏ.
Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy
Tôi cười mà không cãi. Trong đám bạn tôi, Nhật là người sành và quý trà nhất. Ấy vậy mà dịp lễ hội trà trong năm, nó làm tôi chưng hửng, chả còn hiểu ra làm sao. Tối ấy tôi hý hửng đến rủ, nó lại lạnh lùng, bảo: “ Không đi”.
– Ơ hay! Tao tưởng mày…
– Tưởng gì… Tưởng ở Đài Loan! Tao chỉ uống trà theo cách của tao.
– Nghĩa là thế nào?
– Nghĩa là với tao trà chỉ có lễ, có đạo, có kinh chứ không có hội. Vớ vẩn, Đưa nhau đến cái chốn huyên náo, thình thịch ấy mà lại gọi là nơi uống trà.
– Mày phức tạp bỏ mẹ… tao chả hiểu gì sất.
Nhật cười – Chả có gì là phức tạp, nhưng mày cứ thắc mắc thì tao nói ngắn gọn thế này. Với tao, uống trà là để cảm nhận sự tự tại, trong những giây phút thảnh thơi tĩnh lặng; là thời điểm giao bôi giữa tâm hồn người uống trà và chén trà. Vì thế cái đầu tiên cần là một không gian yên tĩnh, thanh sạch. Thôi, mày về mà rủ vợ mày đi cho vui.
Tôi chỉ còn biết cười mà đi một mình.  Cái kiểu uống trà của nó đúng sai thế nào tôi chẳng biết. Mà tôi cũng chả hơi đâu mà nghĩ đến những chuyện “vớ vẩn” như nó. Tôi còn phải lo làm ăn. Nhưng quả thật, tôi “khoái” nó. Nó bảo : “ Trà nhân là những ẩn sĩ”. Nhìn nó ngồi uống trà một mình, đúng là có những nét ưu tư của ẩn sĩ xưa. Tôi thích ngắm nó lúc ấy. Nhật đã từng phát biểu : “Trong muôn vàn của ngon vật lạ ở đời, trà là quý nhất. Nó là biểu tượng của sự thuần khiết, thanh cao. Bọn trọc phú không thưởng thức nổi trà”. Trong phòng Nhật có bộ độc ẩm màu Thế Đức gan gà thật xinh. Có lần nó khoe  với tôi: “Mày biết không, bộ này ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã từng dùng, tao là tri kỷ của cháu gái ông ấy nên được tặng lại – Vô giá đấy”. Nó nói thế, tôi cũng chỉ biết thế nhưng cũng gật đầu tán thưởng. Nhật úp miệng chiếc độc ẩm vào tai tôi, hỏi: “Mày có nghe thấy tiếng o o không? Quý là ở đấy!” Nó pha trà và uống cầu kỳ. Một người trẻ tuổi mà uống trà kiểu nó bây giờ tôi thấy hiếm. Có lúc nó say sưa kể với tôi các loại trà, nào là trà Tâm Vọng, trà Thiết Quan Âm, Trảm mã trà, Bạch mao Hầu… ở mãi dãy Vũ Di Sơn bên Tàu. Nào là cách dùng trà của các bậc vua chúa vương giả xưa… những lúc ấy trông nó say sưa, tâm đắc lắm. Kể ra được nghe nó nói về trà cũng khoái. Nhật tự tay pha trà và rót nước mời tôi.
– Mày nói về trà tao không dám cãi. Nhưng với tính cách mày thì làm văn nghệ sỹ đúng hơn.
– Tao! Văn nghệ văn gừng cái con khỉ. Có chuyện muốn nói với mày đây. Nhật rút trong túi ra một cuốn sổ bìa đã cũ – Đây là nhật ký của mẹ tao ngày trước. Mày xem trước trang này rồi nghe tao hỏi đây. Tao sẽ cho mày mượn đọc sau.
Tôi đón cuốn sổ, lặng lẽ đọc những dòng chữ mà Nhật đã mở sẵn. Những dòng chữ về tấm lòng da diết, nồng hậu của cô gái với người yêu.
Nhật chậm dãi: “Mày đọc hết rồi sẽ thấy, cả sau này khio đã làm vợ rất lâu, mẹ tao vẫn viết về ba tao với tấm lòng như thế. Sao bỗng dưng bà lại bỏ một người đáng kính như ba tao, để theo người đàn ông khác? Ba tao nhân hậu, ông đã làm hết khả năng để gìn giữ gia đình mà không được. Mày biết không, chính điều này đã khiến tao không thể tin vào đàn bà. Mày đã thấy đấy!” Nhật mệt mỏi cúi xuống.
Sự phản bội của người mẹ đã làm Nhật mất lòng tin với đàn bà. Một người tốt tính, đa cảm như Nhật mà tới tận giờ vẫn chưa chịu yêu là vì lẽ đó. Tôi thương Nhật. Bạn tôi đã bị dày vò quá nhiều, vì những lầm lỡ của thế hệ trước. Phải chăng đây cũng là một trong những lẽ, khiến cuộc sống của bạn tôi cứ nhọc nhằn, dang dở.
– Mày nói đi, đàn bà có đáng tin không… có đúng là “thời tiết” không?
– Tao không dám nói gì về ba mẹ mày. Nhưng có điều những suy nghĩ của mày cũng “thái quá”, không thể nói tình cảm tất cả đàn bà trên thế gian này đều như  “thời tiết”, đều không thể tin được. Có lẽ mày bị cú sốc quá lớn nên nghĩ vậy thôi. Ở vào vị trí mày, tao chưa chắc đã hơn gì. Có điều tao khuyên mày cũng nên bình tịnh mà suy nghĩ, nhìn nhận.
– Thế mới khổ! Tao đến với mày chính vì chuyện này đây. Mày biết không, không thể cưỡng lại được, mặc dù tao đã dùng mọi lý lẽ. Nhật mệt mỏi, hạ thấp giọng – Thật khổ! Tao mới bị tiếng sét ái tình đốn ngã. Tao cứ tưởng với tao không bao giờ có chuyện đó – Hóa ra không phải thế! Nàng dịu dàng quá. Chính nét duyên thầm của nàng đã hạ gục tao. Ngừng một lát Nhật nói chậm như thú nhận thất bại.
– Tao vẫn có “gót chân” A Sin. Nàng đã điểm đúng.
Tôi cười tuế tóa – Tưởng gì, thế thì tốt quá chứ sao. Tao mừng cho mày. Mày nên biết cách đây trên một ngàn năm, trong kinh Kô – Ran của đạo Hồi đã dạy: “Các ngươi được sinh ra. Đàn ông để cho đàn bà. Đàn bà để cho đàn ông…” Mày thấy chưa! Thôi nào, đừng làm mình làm mẩy nữa, hãy bình tĩnh vui vẻ mà đón nhận. Đó là ân huệ trời đất ban cho đấy. Nhưng mà… cho tao hỏi, người ở đâu mà “ghê gớm” thế?
Ngọc Hà – Hà Nội – Làng hoa nổi btiếng cả nước. Nàng theo ông bác vào đây để lấy giống hoa ra ngoài đó.
Tôi chợt nhớ đến câu vợ tôi đã nói với Nhật: “ Anh chưa gặp đúng đối tượng đấy thôi. Em chỉ sợ đến lúc đó lại bỏ tất cả mà theo không người ta ấy”.
Có khi vợ tôi nói đúng. Thật là: “Con đường nào rồi cuối cùng cũng về La Mã”. Không sai.
Bảo Lộc, 29/4/2006
Nguyễn Khương Trung
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơm ngát Linh Giang

Thơm ngát Linh Giang Làng sinh ra nhiều võ tướng, văn nhân và người đẹp, tỏa đi 4 phương, làm rạng danh cho ngôi làng nhỏ có hình thù một ...