Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Những suy ngẫm về phận người

Những suy ngẫm về phận người

Người nghệ sĩ thai nghén, sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đã khó, nhưng có lẽ để suy ngẫm và viết được những trang phê bình văn học còn khó gấp nhiều lần. Nó không chỉ đòi hỏi ở người viết một cảm thức tinh tế, những băn khoăn, trăn trở về phận người, về thế giới mà còn là tư suy sắc bén, tinh nhạy, cộng với vốn tri thức khoa học để đưa ra một góc nhìn vừa sâu sắc, toàn vẹn, đầy lý lẽ và sức thuyết phục nhưng lại có những khám phá riêng mang tính chiều sâu về tác phẩm. Đọc tập sách phê bình “Những phức cảm phận người” của Lê Hương, tôi nhận ra điều đó.
Mười sáu bài viết trong tập sách là những tìm tòi, kiến giải đầy thú vị về thế giới tinh thần, cảm quan nghệ thuật của các tác phẩm văn học đương đại. Thoạt đầu, lướt qua các bài phê bình, tưởng chừng chúng chẳng có mối liên hệ nào, nhưng đọc kĩ, soi xét lại, tôi nhận thấy ẩn giấu đằng sau từng câu chữ, từng bài viết của chị là mạch ngầm của chuỗi các văn bản. Từ “Mùa kết tinh yêu thương” với phát hiện về chủ thể trữ tình Em chất chứa đầy cung bậc cảm xúc đau đớn, xót xa, hờn tủi đến “Bản ngã cô đơn của em” với những tổn thương trong tình yêu hay “Ý thức nữ quyền trong Nếu chỉ còn một ngày để sống” với hình ảnh người phụ nữ luôn khát khao vượt thoát khỏi mọi rào cản, giới hạn của cuộc sống để tìm thấy hạnh phúc của riêng mình. Có thể thấy, việc thấu hiểu và vận dụng kiến thức về nữ quyền luận vào phê bình văn học đã đem lại cái nhìn mới lạ nhưng đầy tinh tế và nhân văn về người phụ nữ.
Trong bài viết về truyện ngắn của Nguyễn Thế Tường (“Khát vọng làm mẹ của người đàn bà hậu chiến”), Lê Hương làm người đọc xúc động và xót xa khi lý giải sắc bén, thấm thía hình ảnh người phụ nữ đợi chờ, mòn mỏi khát khao được làm mẹ, làm vợ nhưng cuối cùng rơi vào bế tắc, tuyệt vọng.  Khi đánh giá, phân tích về tiểu thuyết “Súng nổ bến Thiên Đường” của nhà văn Hữu Phương, hay cảm nhận, giải mã tiểu thuyết “Giữa hai chúng ta” của Sally Rooney, chị đã chỉ ra và phân tích cặn kẽ kiểu người phụ nữ với nỗi cô đơn và những ẩn ức không thể giải toả, những đấu tranh giữa phần con với phần người, phần hồn và phần xác, giữa dục vọng tầm thường và phẩm hạnh thanh cao…
Nhưng có lẽ, dù đưa ra những kiến giải về các tác phẩm ở đề tài gì đi chăng nữa, ta cũng thấy xuyên suốt trong những trang viết của Lê Hương hình ảnh của những chủ thể nặng trĩu nỗi cô đơn. Khi khám phá “Mùa Bạch Diệp” của nữ sĩ Bạch Diệp, Lê Hương đã nhìn thấy “nỗi nghẹn ngào, hờn tủi của em vì mòn mỏi đợi chờ”, “những ẩn ức, cô đơn ngập tràn Em”, còn khi kiến giải “Bản ngã cô đơn của Em”, tác giả thấu cảm với “nỗi cô đơn của con người trong cuộc sống hiện đại”. Chị có phát hiện đầy tinh tế về “nỗi cô đơn đã trở thành “ám khí” trong thơ Hoàng Thuỵ Anh. Trong “Khúc bi ca nhân thế”, Lê Hương đã dẫn dụ người đọc vào một thế giới mê hoặc của câu chữ với những cảm thức về phận người đầy ám ảnh, những mảnh vỡ và sự phân rã, thổn thức đến tận cùng của nỗi cô đơn. Khám phá “Biến thể” của Nguyễn Nho Khiêm, Lê Hương đưa người đọc quay lại nỗi ám ảnh kinh hoàng của dịch bệnh Covid-19 với những từ ngữ trong “Biến thể” rất đắt như “phố không”, “đường trống”, “người ẩn nấp”, “phố vắng”, “quán khép”. Soi xét tập thơ của Nguyễn Quang Hưng (“Mùa biến thái- những thổn thức rung ngân”), chị cũng chỉ ra được chất giọng hoài nghi, bất an bao trùm tập thơ và nỗi hoang mang, trăn trở của chủ thể trữ tình, cũng như giúp người đọc hồi tưởng lại thời điểm cả nhân loại phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh.
Nỗi cô đơn dường như trở thành một cảm thức ám ảnh trong những trang phê bình của Lê Hương trong “Những phức cảm phận người”. Nhờ cảm quan nghệ thuật tinh nhạy, Lê Hương đã dẫn dụ người đọc vào mê cung của từng câu chữ. Ở đó, những cô đơn, xa xót, đau khổ, bi thương… của phận người hiện lên ám ảnh hơn bao giờ hết. Phải chăng, chính tâm hồn nhạy cảm trước những biến thiên của cuộc đời và lòng người đã giúp Lê Hương thấu sâu những khúc bi ca của nhân thế đến vậy? Lý giải về nỗi cô đơn của những phận người trong từng trang viết của mình, tác giả có sự phân tích rất kín kẽ, thụ cảm tinh tế và vận dụng sâu sắc lý thuyết phân tâm học của Freud. Những yếu tố đó cộng với những cảm nghiệm của bản thân trong chính tâm hồn mình đã giúp “Những phức cảm phận người” như một dòng chảy miên man của xúc cảm, ở đó, con người và cuộc đời hiện lên với đủ mọi phân tầng và biến thể – nó vừa là tâm hồn vừa là cuộc đời hiển hiện trên từng trang viết.
Dù 16 bài viết với một dòng thức cảm về nỗi cô đơn hoang hoải của phận người, nhưng ẩn sâu đằng sau đó, người đọc nhìn thấy rất rõ, Lê Hương đã luôn kiếm tìm những cái tôi đầy nội lực, mãnh mẽ, luôn cố vượt thoát khỏi nỗi cô đơn định mệnh để tìm kiếm một tình yêu đích thực, tìm đến hạnh phúc với khát khao bản thể nhân bản nhất. Ở đó, các kiểu quan niệm nghệ thuật về con người được Lê Hương nhìn, cảm đầy chiều sâu và nhiều sắc cạnh. Đó là khi tác giả khám phá ra kiểu con người chấn thương với đầy nỗi cô đơn, trống rỗng, đầy những âu lo, hoảng sợ trong tiểu thuyết “Giữa hai chúng ta” của Sally Rooney; là kiểu con người tính dục “vừa trong sáng vừa bản năng, vừa hy sinh vừa chiếm đoạt, vừa hoan hỉ vừa khổ hạnh, vừa chân chính vừa trái ngang”  khi khám phá “Súng nổ bến thiên đường” của Hữu Phương; là “Những mảnh ghép rời rạc, nhốn nháo, tối màu của từng phận người” trong tiểu thuyết “Cuộc đời ngoài cửa”  của Nguyễn Danh Lam; là “những thói hư tật xấu của con người” khi khai thác tập truyện ngắn “Thần thức dưới rêu phong” Văn Chinh; là kiểu nhân vật trữ tình mang đầy thổn thức của sự cô đơn trong “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng, trong “Chín nhánh da vàng” của Khét… Trong từng trang viết, với Lê Hương, luôn là sự kiến giải với một nội lực ngôn từ rất mạnh mẽ, sâu sắc, thâm trầm của một người phụ nữ vừa đủ độ chín của sự trải nghiệm.
“Những phức cảm phận người” – Nhan đề của cuốn sách có lẽ đã đủ nói lên những băn khoăn, trở trăn của tác giả về con người và cuộc đời trong từng bài viết. “Phức cảm” phải chăng chính là sự phức hợp, đan cài của vô vàn những cảm xúc phức hợp, phức tạp của con người giữa cõi nhân thế xồ bồ, phồn tạp, đầy biến động và không ngừng thay đổi? Ở đó, nỗi cô đơn, buồn khổ, đớn đau, bi ai, hoan ái… đều hiện rõ trong từng góc nhìn của chị. Để rồi, sau tất cả, “Những phức cảm phận người” của Lê Hương đã trở thành một bông hoa tỏa hương dịu mát và khiêm nhường trong làng phê bình văn chương hiện đại.
1/5/2024
Trần Ngân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơm ngát Linh Giang

Thơm ngát Linh Giang Làng sinh ra nhiều võ tướng, văn nhân và người đẹp, tỏa đi 4 phương, làm rạng danh cho ngôi làng nhỏ có hình thù một ...