Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Bức tranh hoa đào

Bức tranh hoa đào

Con biết bác chỉ muốn tuyển nhân viên trông quầy. Nhưng con đoán bác rất cần một quản lý trung cấp. Tuy vậy, con đem đến đây hẳn một đối tác có chút ít vốn với phương châm sòng phẳng, hai bên cùng có lợi.
Bà dược sĩ nhướn mắt kính lão trực diện cô gái. Nếu cách đặt vấn đề thẳng thắn làm bà bối rối, thì sức sống trên khuôn mặt tự tin của cô khiến bà an tâm phần nào.
Khúc mắc mở màn của liên kết giữa bác Mai và Hiền là số thuốc tồn kho, vài phần đã quá hạn sử dụng. Tất nhiên Hiền biết mấy phương án: Lờ đi; Bán tống bán tháo cho lái gian chuyên đánh tráo; Hủy số hết hạn, hạ giá nhóm lân cận… Ở cách xử trí uyển chuyển cuối cùng, Hiền sẵn thiện chí bù lỗ 10% cho “người thiệt”. Tuy nhiên câu trả lời của bác Mai làm Hiền bất ngờ:
- Ta già rồi, cháu lại quá trẻ, tiền chẳng phải tất cả. Cháu hủy thuốc hết hạn đi. Cuối tuần này mình tái khai trương tiệm thuốc bằng một chuyến đi xa, khám bệnh thông thường và cấp thuốc miễn phí cho bà con dân tộc ở Lạc Dương.
- Bác tốt quá.
- Chưa chắc thế đâu. Lứa tụi cháu nên ý thức văn hóa kinh doanh là vừa. Xã hội hiện nay bát nháo quá. Mà ngày xửa ngày xưa chắc cũng vậy nên mới chết câu “buôn gian bán lận”.
- Dạ, đúng thiệt. Bác ra chợ coi, giá nào cũng có và đến 99% là cân sai.
- Bác vừa sửa nhà, dò hết các cửa hàng vật liệu và nhẩm trừ giá gốc thấy họ lãi chẳng là bao. Ai cũng bảo lấy công làm lời. Nhưng cuối cùng chuyến hàng nào, cửa hàng nào cũng thiếu. Nơi mấy tấc cát, chỗ chục viên đá, khi thì trăm viên gạch… mới vỡ vạc “bí quyết” làm ăn của họ.
Có Hiền, nhà thuốc sáng sủa hơn. Vốn của cô góp trong những dược hiệu đang bán chạy. Hiền lấy tận gốc, mối quen ở Sài Gòn nên rất an tâm.
Thì ra chị Linh con gái bác Mai mới lấy chồng xa. Kinh doanh dưới tấm bằng dược sĩ của mẹ nhưng chị quản hết, bác chỉ giúp đứng quầy mỗi khi rãnh rỗi. Chẳng hiểu Linh buôn bán ra sao mà nhiều khách oán thán.
Bác Mai làm việc rất linh động. Bác thường trông mặt người bệnh rồi thỉnh thoảng bớt tiền cho họ. Sợ Hiền không vừa lòng, bác luôn ghi chú kỹ càng trong sổ bán hàng. Hiền gạt đi:
- Bác khách sáo quá. Không lỗ là được rồi mà.
- Phải chi con Linh được như cháu. Bác bị nó nói nặng nhiều lần nhưng chẳng dám giận. Nhà mỗi hai mẹ con, đi ra đi vào không nhìn nhau buồn lắm.
Rảnh tay, Hiền thường mải mê ngắm bức tranh hoa đào rất đẹp của bác Mai treo ở mảng tường màu dịu bên phải. Cây đào trong thế hoành “rồng ôm ngọc quí”, thân chính khẽ lượn cong như muốn chở che một cành nhỏ mọc ra từ chỗ gốc sần sùi gai góc nhất. Chỉ nhành ấy vẫn khép nụ bên nõn lá xanh mướt, còn toàn thể bức tranh bừng sáng ánh hồng, lung linh như tà áo chúa xuân quét qua thời gian.
Tết nay đến sớm, chắc vì suốt năm Hiền có nhiều niềm vui. Thu nhập từ hiệu thuốc kha khá. Số vốn Hiền tích cóp từ ngày đi làm, dồn vào kinh doanh rất hiệu quả. Hiền cũng đã đi được hai phần ba đoạn đường đến tấm bằng dược sĩ đại học tại chức. Tình yêu phải bí mật, nhưng đôi má cô quá ngây thơ, nó cứ ửng đỏ mỗi khi ai hỏi han duyên ái.
- Cháu mua cây đào này bao nhiêu?
- Dạ cháu đặt mấy tháng rồi, cây của nghệ nhân giá cao lắm - Hiền thật thà - Cháu mua tặng hiệu thuốc của chúng ta bác à, hơn hai triệu.
- Thật khó tưởng tượng.
- Xã hội bây giờ bắt đầu ăn ngon, mặc đẹp và chơi công phu mà bác.
Hiền ướm tìm vị trí đặt chậu hoa trên chiếc bàn trà bán nguyệt dưới bức tranh cũ. Khi thân đào dáng trực che gần hết họa tiết sơn dầu, cô thấy thuận mắt nhất. Bất giác Hiền e ngại nhìn qua bác Mai.
- Đẹp! Chỗ đấy chờ nó lâu rồi. Cháu khéo chọn mà cũng khéo ăn nói. Ở đây mọi thứ là của chung, nên phải để bác góp tiền mua đào với cháu. Nhất định là thế nhé.
Rất tự nhiên, bác Mai bước lại ôm chặt Hiền như âu yếm đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Dưới tán đào, họ ngồi bên hai ly trà “An tâm dưỡng phế” bốc khói. Cam thảo và trần bì dậy hương thật ấm áp.
- Bức tranh này, với bác còn hơn cả kỷ niệm nữa. Cái năm ăn độn “bo bo”, hai bác ra bắc thăm quê cũ. Mùa xuân, bà chị gái mua một cành đào rất đẹp. Bác trai xuýt xoa mãi vì hoa rẻ quá, rẻ không ngờ. Ăn chưa no thì đồ chơi nào chẳng rẻ, chẳng là thứ xa xỉ. Bất ngờ, ông ra chợ hoa mua thêm mấy cành nữa, cắm khắp nhà. Tết ông chẳng dám đi đâu, cả lo họ hàng tốn kém theo phong tục mâm cơm chén rượu. Ngồi lì bên giá vẽ tạm, ông vẽ mãi… Ông không đặt tên tranh mà chỉ chú hai câu đối “Điểu ngữ tụng như ý – Hoa hương trình cát tường”. Ông mất vì một căn bệnh không khó chữa lắm, nhưng thiếu biệt dược. Ngày ấy Linh mới hơn mười tuổi. Từ đó trở đi, mỗi khi nhìn bức tranh bác lại nghiệm ra những di ngôn của người quá cố.
Xưa khó khăn quá, có lúc bác phải buôn gian, bán dối. Chắc Linh nó nhiễm thói xấu ấy. Hồi đầu, thứ thuốc quá hạn và sắp hết hạn cháu soạn ra không phải do ế đâu. Linh đã chủ tâm lấy về. Một vốn bốn lời. Chồng nó là nhà buôn thuốc lớn ở Sài Gòn. Bây giờ chúng làm ăn lớn lắm, giàu lắm, nhưng bác không mừng nổi mà chỉ xót xa…
Hiền nghèn nghẹn nơi cổ họng.
- Thôi nói chuyện vui cho ta nghe đi con gái – Bác Mai chuyển đề tài – Tết con dẫn người yêu đến giới thiệu với ta nhé.
Hiền cố giấu nụ cười luống thẹn. Đôi má nàng ửng lên rất nhanh. Từ ngoài đường nhìn vào, có thể khách sẽ tưởng hai người phụ nữ ấy đang khoác những chiếc áo len màu hoa đào, màu nắng xuân tươi mới của cao nguyên Lâm Viên.
Thung lũng Đa thiện - Đà Lạt, 1/2006
Trương Thái Du
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nơi thời gian dừng lại Phần I Bạn đọc nên biết đây là một câu chuyện có thật. Tôi chia truyện thành sáu tiểu đoạn, đánh số từ một trở ...