Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Cây viết

Cây viết

Tôi học lớp nhì với thầy Nguyễn Văn Huệ, một vị thầy hiền đức, được sự kính nể của các bậc phụ huynh trong tỉnh nhà, được sự kính mến của hầu hết các môn đệ. Buổi chiều thầy thay quần áo, xách vợt ra sân chơi quần vợt với mấy thầy dạy chung trường. Hàng đêm thầy đều sang chùa cạnh nhà để tụng niệm. Ở lớp nhì có thêm hai thầy phụ dạy vẽ và thể dục. Thầy giáo Giáo dạy vẽ, thầy Năm Răng dạy thể dục.
Tôi học được ở thầy Giáo cách chuốc viết chì bằng lưỡi lam. Thầy chuốc rất khéo, mũi nhọn lài đều. Tôi không có hoa tay, nên rất ngán môn học nầy. Thầy hiền, dễ tính, tóc thầy dầy phủ xuống trán... Thời đó, chị tôi lựa mua cho cây bút chì hiệu gillbert, loại số không, chì mềm, cán bút tròn màu nâu đen. Loại nầy không có cục gom đằng đuôi. Một loại khác, thân hình lục giác màu vàng, màu xanh, có cục tẩy màu hồng, chì cứng hơn, khó viết...
Lũ nhỏ chúng tôi tay chân lều khều, thường hay làm rớt bút xuống đất. Bút chì rớt nhiều lần, ruột chì gãy khúc bên trong nên cứ phải mua bút mới hoài...
Tôi đi học khá sớm, mới 3 tuổi, ba tôi gửi vào trường Bà Phước học. Thời đó, đầu thập niên 50, Gò Công chưa có trường mẫu giáo. Mọi nhà thường gửi con em vào học trường Bà, để rồi khi đúng tuổi, xin vào học lớp 5 trường công (sau nầy gọi là lớp 1, dân dã còn gọi là lớp chót).
Trường Bà Phước, lúc bấy giờ, hiệu trưởng là một Bà Nhứt người Pháp. Mãi cho tới thập niên 60 trường mới có bảng tên "Trường Thánh Mẫu Tê Rê Sa". Quý bà Sơ dạy ở đây rất hiền từ và tận tụy. Tôi còn quá nhỏ so với các bạn trong lớp.. Phải mấy tháng sau, tôi mới bắt đầu tập đánh vần. Chị Báu, lúc đó khoảng tuổi trăng tròn, chị là con mồ côi, được các sơ nuôi dưỡng từ nhỏ... Chị Báu ngồi trên một cái ghế rời nhỏ, ngồi đối diện với tôi, một quyển vỡ, loại kẻ hàng đôi vừa cho từng con chữ, chị đặt trước mặt tôi, mỗi đầu của dòng đôi có viết từng chữ A, a, B, b, C c... Chị dùng bút chì chỉ vào chữ, chị đọc trước tôi lặp lại... Ðó là cây bút chì đầu tiên trong đời đi học của tôi, suốt hai năm học ở trường nầy tôi chỉ biết cây bút chì mà chưa biết dùng cây bút ngòi chấm mực...
Tôi vào trường công, học tại trường Nhà Ðèn. Ðây là một chi nhánh của trường Nam tiểu học tỉnh lỵ, dạy từ lớp 5 cho tới lớp 3, mỗi cấp lớp chỉ có 2 lớp, bên nữ mỗi cấp lớp chỉ có một lớp... Tôi vào học lớp 5A (Lớp 5B Cô Ba Hiến dạy) với thầy Ba Nguyễn Văn Thắng. Năm tôi học, thầy đã gần tới tuổi hưu... Thầy nổi tiếng dạy giỏi cấp lớp năm.. Thầy rèn học trò tập viết, nên trò nào học xong lớp 5, chữ viết cũng đều rất tương đối...
Tôi còn nhớ, tôi bắt đầu làm quen với cây bút cán cây, với ngòi viết muổng. Mực thầy pha sẵn đựng trong chai lít. Trên mỗi bàn học, trước mặt học sinh đều có khoét một lỗ tròn đường kính khoảng 3 phân, có một bình mực bằng sứ hình ống, trên miệng có gờ, bình mực lọt vào lỗ, gờ nằm trên mặt bàn... rất vững chắc. Ngòi viết muỗng tương đối dễ viết nhất. Nó êm, không xóc như ngòi viết lá tre, và một loại ngòi nữa mà tôi quên gọi tên là gì. Dĩ nhiên khỏi phải nói, khi bàn tay bắt đầu nắn nót viết từng chữ trên dòng kẻ sẵn... Chưa quen chấm mực, khi thì nhiều quá, mực xuống thành từng cục, vội lấy tay chùi.. quên đi tờ giấy chậm, tay đầy mực, lật đật bôi vào áo... Kịp nhớ lại, bôi vào quần cụt đen, quần vải đen rất dễ chịu với mực.. Rất thương cho màu vải trắng tinh hôm khai trường, mà nay đã hoen... mùi sương gió.. Thỉnh thoảng thầy kiểm soát, thầy khẻ tay bằng cây thước bảng. Thầy khẻ những bàn tay đầy mực, nhiều khi mực vấy lên tới má, xanh đỏ đủ màu...
Lớp ba, lớp tư đều có giờ tập viết. Lúc tập viết, dùng ngòi bút lá tre. Chữ viết rất đẹp vì có nét đậm lợt. Sử dụng không quen ngòi bút nầy rất dễ bị xóc, nhiều khi xóc tới rách giấy.
Cán bút bằng cây chuốc. Hai phần ba thân cán bút sơn màu, khi xanh, khi đỏ, khi vàng. Một phần ba gần ngòi viết thường sơn đen. Viết được đựng trong một họp đưng viết bằng cây, có nắp kéo ra kéo vào,trên nắp có in chữ plumier. Trong họp có một gờ chính giữa chia hộp viết ra làm hai ngăn, gọi là hộp plumier. Hộp viết bằng cây nầy, ngoài chức năng đựng viết, lắm khi còn trở thành?vũ khí? cho mỗi lần tức giận, không kiềm hãm được, phải tốc lên đầu bạn ngồi cạnh bên hay phía trước...
Cho tới tập niên 60, hộp viết bằng cây được thay bằng hộp nhưa, cũng có nắp kéo ra vô, có một chốt tròn nhỏ ở đầu cạnh để giữ nắp hộp, trong có 2 ngăn, thêm một khoảng nhỏ vừa để cục gôm.. Hộp màu xanh đỏ, vàng.. trông rất đẹp nhưng không bền, vì kỷ thuật còn thô sơ, đụng chạm mạnh dễ vỡ. Nhưng không phải trò nào cũng có được họp đựng viết, vì cả hai loại họp nầy đều phải mua. Nhiều trò sử dụng túi vải, do mẹ, chị may cho, bằng loại vải dày, trên miệng túi có dây rút buộc miệng túi lại. Cũng lắm trò dùng dây thun buộc dính ba bốn cây viết lại với nhau. Cặp đi học thường là cặp đệm, mở ra có 2 ngăn hai bên, cha mẹ cẩn thận có may vải viền cạnh cho lâu hư. Một số ít trò nhà khá giả xài cặp da. Cập da bán sẵn trong các tiệm hay sang hơn đặt tiệm da may. Cặp đặt tiệm may xài bền suốt 5 năm thời tiểu học. Cặp da các trò học lớp chót thường có dây quàng qua cổ. Các trò nầy thường là con nhà khá giả. Với học trò gái, cặp xài bền hơn học trò trai, do tánh trửng giỡn, lũ đực tan trường chưa chịu về nhà, còn tụ tập đâu đó đánh đáo, bắn bi, cặp vở quăng bừa xuống gốc cây nào đó.... Thời đó tôi gọi cặp là cạt táp
Cho tới năm học lớp nhất, bắt đầu tập viết ngòi chữ rong. Ðầu mũi ngòi viết, thay vì nhọn, lại được cắt bằng. Thầy giáo Ngọc dạy tập viết. Loại chữ tròn nét to nầy nếu viết khéo, các tựa bài trông rất đẹp. Anh Chị nhà tôi còn chỉ cho tôi dùng ngòi viết ronde để viêt chữ gothique. Tôi mày mò mở quyển tự điển tiếng Pháp của anh tôi, nhìn chữ Gothique mà tập viết theo. Thời đó, học lớp nhất, trò nào có được cây bút máy là bảnh vô cùng. Bút máy cũng có rất nhiều loại... Thời tôi học tiểu học, tôi thấy có viết hiệu calo. Anh tôi có một cây Paker của ai đó tặng. Học trò cơm tụi tôi nếu có được cây bút máy cũng là loại rẻ tiền, hàng? Hồng Kông bên hông Chợ Lớn?.
Mực bình pha sẵn của Pháp lúc đó rất đắc. Chai hình lục giác hiệu paker. Mực màu xanh, và xanh đậm.. Dù là viết viết ngòi, với mực nầy, có ướt nước vẫn không phai.. Ngoài Paker,thời đó còn mực bình hiệu Waterman. Mực nầy loảng hơn, rẻ hơn. Hầu như chỉ có học sinh lên trung học mới xài mực bình nầy. Còn cấp tiểu học đa số xài mực viên ngâm nước. Dùng bình Paker đựng mực pha. Có nhiều trò dùng 2 chai penicilin, dùng dây thun ràng 2 chai dính lại, có dây xách cũng bằng thun.. một chai tím một chai đỏ, xách lỏng nhỏng đi học, sơ ý, nút bung ra... bình xanh bình đỏ... chan hòa! Tan giờ học, lũ học sinh mang bình mực vào góc lớp sau tấm bảng đen, cất để đó... Có nền gạch lớp học nào mà không có vết mực nhuộm loang...
Bình mực thường khi cũng trở thành vũ khí. Thầy vừa ra khỏi lớp thì lũ quỷ đã bẻ phấn chọi nhau. Trò ngồi sau chọi trò ngồi trước. Nhiều khi trúng phấn, đau mất khôn, tay cầm bình mực chọi đùa vào thằng bạn tình nghi.. Ôi thôi lạc đạn tùm lum.. mực vung vãi đầy đầu cổ.. Thầy vào lớp lắc đầu hết biết phân giải.. Chưa nói đến nhiều khi trớn bình mực đang bay kịp lúc thầy vừa bước vào.. Áo thầy cũng nhuộm mực như ai! Lúc đó, không khí trong lớp im đến rợn người.. Con ruồi bay cũng nghe tiếng...
Thầy Huệ dạy tôi năm lớp nhì. Vào đầu niên học, thầy pha sẵn một chai lít mực tím, mang vào lớp sớt vào các bình nhỏ cho lũ học trò.. Thầy cô ngày xưa sao mà tận tụy với nghề nghiệp quá,. Thương dạy học trò, coi như con đẻ.. Ngày nào cũng vậy, cuối giờ thầy nhơn ít phút kể chuyện đời xưa.. Ðây là những chuyện hiếu nghĩa của người xưa.. Ôi, những bài học luân lý mà sau hơn 50 năm, tôi vẫn không quên, vẫn rất thường áp dụng..
Từ lớp chót cho tới lớp nhất, chương trình học trong tuần lúc nào cũng có môn tập viết. Một kỷ niệm tôi vẫn còn nhớ...Năm học lớp chót với thầy ba Thắng. Nửa năm học sau tôi ngồi bàn thứ 3 cạnh trò Nguyễn Văn Nhất ngay cửa sổ giữa phòng. Nhất là con trai út của nhà văn, Ðông Y Sĩ Việt Cúc. Trong lớp, tôi và Nhất viết chữ tương đối khá nhất... Trong một ngày có môn tập viết, trò Nhất không mang theo bút mà không dám mượn bút thầy.. Tôi chia viết với Nhất.. mỗi đứa thay phiên viết một hàng, do đó tới giờ Thầy kiểm soát.. Thầy ngạc nhiên sao hai trò nầy hôm nay viết quá chậm.. Thầy rầy hai đứa lười biếng... Hai thằng ngôi im thin thít, không dám khai quên để viết ở nhà... Tôi thi bằng tiểu học, viết chữ bằng bút ngòi chấm mực... Tôi thi vào đệ thất viết bằng cây bút máy Chợ Lớn.
Vào đệ thất, tôi xài bút máy hiệu Visor Pen.. Loại nầy có ống chứa mực khá to. Nắp bằng kim loại xi trắng bong. Ðồng thời với viết mực, lúc đó có bút bi mà người dân quen gọi là viết nguyên tử. Thân cây viết suôn đều có nắp đậy, có hai loại xanh và đỏ. Lúc đó viết nầy chỉ thông dụng trong các nhà buôn, dùng viết sổ sách, thầy cô dùng bút đỏ để chấm bài.. Học sinh dùng viết nháp. So với vật giá thời đó, học trò không phải đứa nào cũng có được cây bút bi. Kỷ thuật lúc đó còn thô sơ. Loại bút nầy khi chảy mực dính áo không cách chi giặt sạch vết mực được. Lên trung học không còn môn tập viết.. Ba tôi thường căn dặn, bài làm nhớ gò chữ viết. Người dùng chữ?Gò? tôi nhớ lại thấy hay vô cùng. Trong chữ?gò? tôi thấy có sự chuyên tâm trong việc viết..?Bài thi con viết chữ đẹp, sạch sẽ, giám khảo dễ có cảm tình hơn.. dễ vu vi cho những khiếm khuyết nhỏ.? Lời từ phụ tôi còn nhớ tới bây giờ...
Tôi thi trung học đệ nhất cấp (1963). Viết bằng cây viết hiệu Visor Pen, mực màu xanh hiệu Paker. Khi lên đệ nhị cấp tôi thấy có xuất hiện một loại bút bi với hình thức tiến bộ và tiện lợi hơn nhiều. Viết có 2 phần, mở ra thay ruột mực được. Có nút bấm ở đầu viết, có kim vắt viết lên túi rất tiện. Bút lỡ có rơi cũng không hư bi.. Cây viết nầy xài bền hơn, vì chỉ thay ruột khi hết mực, giá cả cũng không đắc lắm. Ruột mực có nhiều loại, xanh dương, xanh lá cây, đỏ.. Tuy nhiên, thời trung học, học sinh có dùng cũng chỉ để viết nháp, viết tựa bài... Thầy cô giáo thường sử dụng viết loại nầy... Thời trung học, nhiều trò trong cặp có một họp viết chì màu.. dùng vẽ bản đồ địa lý hay hình vạn vật. Loại bút màu nầy ruột mềm hơn dễ gãy hơn, tuy nhiên không phải trò nào cũng có..
Tôi thi hai bằng tú tài cũng bằng viết mực hiệu Pilot. Ở bậc trung học, học trò ít bị vây mực trên áo quần.. trừ một vài trường hợp cá biệt, trò sau nghịch ý với trò ngồi trước... dùng bút châm vào áo.. Năm tôi học đệ tứ, trò Công Hoàn dùng viết đâm vào bắp vế trò Tường Lâm.. Hoàn bị kỷ luật đuổi học mấy ngày...
Mỗi bàn học thường có 5 trò. Bạn bè trong lớp thường giữ nguyên vị trí từ đệ thất tới đệ tứ và từ đệ tam tới đệ nhị.. Trừ trường họp có vài trò nhổ giò quá nhanh.. phải từ bàn nhất chuyển ra bàn sau.. hay cũng ngồi bàn cũ mà phải di vào sát tường. Tuy chung lớp, chung bàn... nhưng cũng lắm khi, cơm không lành canh không ngọt.. dùng bút kẻ đường phân ranh.. Sơ ý cùi chỏ lấn ranh là dễ bị ngòi bút chích.. Trò bị chích giận lắm, nhưng vì vi phạm biên giới, đành uất ức ngồi im.. Trò bên kia giữ ý, nhưng rồi cũng có phút sơ hở, rút tay về xít xoa.. Tôi và trò Ðào Văn Xuân và Trịnh Ngọc Chung ngồi cạnh bên 4 năm liền thời đệ nhất cấp. Lên đệ tam lớp tôi đặc biệt, có bàn học kiểu mới, loại ghế ngồi rời, mặt bàn bằng chứ không nghiêng, đánh vẹc ni, có dãy bàn 2 trò, hai dãy kia bàn 4 trò.. Tôi và trò Ðặng Văn Ðạt ngồi bàn nhất.. Học chung lớp với phe kẹp tóc, nên mấy chú đực cũng dễ dãi ít có xích mích phân chia ranh giới..
Tôi không nhớ số phận của cây viết Pilot của tôi rồi ra sao.. hình như bỏ quên đâu đó mất tiêu luôn.. Bước vào đại học xài bút Bic bấm.. Lúc bấy giờ có loại bút bấm có ruột tới 4 màu.. xanh lá, xanh dương, đỏ và màu gì nữa tôi quên... Bài học với tựa đề và sau những số la mã được viết bằng màu khác. Trông bài học sáng sủa hơn, và nhờ vậy học mau thuộc hơn.. Tựa bài cũng có thể viết bằng chữ lớn, bằng bút chì màu có hai đầu xanh đỏ..
Lúc bấy giờ, nhìn lại mấy bé học tiểu học, thấy trẻ xài bình mực bằng nhựa, trút ngược đầu xuống, không đổ mực.. khá tiện lợi, đở vây mực lên tập vở áo quần...
Thi cuối năm bậc đại học, tôi xài bút Bic màu xanh, bút bíc viết nhanh hơn bút mực, khỏi phải sợ lem mực...
Vào học làm lính, tôi biết thêm cây bút mở.. thường màu xanh và đỏ, dùng để vẽ lên bản đồ bọc trong bao plastic, hay dùng để chấm tọa độ... Áo dân sự cây bút dược vắt trên miệng túi. Áo chemise không túi thì vắt vào khuy áo ở nút thứ hai. Phe kẹp tóc thỉnh thoảng cũng thấy có cô vắt viết vào nơi hò áo dài. Vào lính, áo trận có may hai túi nhỏ bên hông, vừa đủ vắt hai cây viết. Hai túi áo có nắp cài nút, có chừa một khe nhỏ vừa đủ vắt được cây bút...
Khi tập tễnh biết..'Ðứng ngẩng trông vời áo tiểu thư (Thơ H. Cận) biết tập tểnh viết thư tình.. Nắn nót bằng cây bút bi trên tờ pelure mỏng màu xanh nhạt... Ðơn xin tình yêu, tuy ngắn mà "gò" cả buổi.. Ðọc tới đọc lui bao lần.. mà vẫn chưa dám trao...
Từ lớp chót cho tới khi bước chân rời trường.. từ cây bút ngòi viết muỗng tới cây Pilot nhỏ nhắn xinh xinh.. hay trịnh trọng hơn, cây Pilot nắp vàng.. rồi bút Bic bấm... Phải chăng, bút Bic là đỉnh của Parapol... về sự tiến hóa tiện lợi của cây viết?!
Ngày có được cây bút hiệu Pilot của Nhật, nhân một chuyến đi Sài Gòn, tôi trịnh trọng mang ra khu Lê Lợi, thuê khắc tên vào thân cây bút. Lớn thêm chút, có chút tiền tiện tặn, làm sang, mua một cây bút, thuê khắc tên một loài hoa nào đó.. gửi cho người đẹp làm kỷ niệm..
Thời trong quân đội, có lần đơn vị tôi biệt phái cho khối tù binh vụ, công tác tại trại tù binh Phú Quốc, cây bút lại được các bàn tay khéo léo của các anh tù binh, khắc hoa, vẽ phượng, rồng rắn, với tên người bằng những nét chữ thật bay bướm. Cây viếc Bic không đáng bao tiền, nhưng có thêm hoa lá cành, tặng cho bất cứ ai, cũng đều được hân hoan đón nhận
Thời mạt vận tới.. tôi đi trình diện ở tù có mang theo cây bút bi và một cây bút chì...
Viết tự khai mấy lần, dù mỗi lần tự khai tôi chỉ viết chưa tới 2 trang giấy học trò. Trong tù có hai nỗi khổ lớn..thứ nhất tự khai, thứ hai đổi nhóm...
Hàng tháng đều viết tự khai.. Có nhiều người viết mỗi lần cả trăm trang... (Bởi tin tưởng khai thành thật được thả sớm) viết thế nào chúng cũng kết luận:
- Nói chung có nhiều anh em thành khẩn. Ða phần các anh chưa thành thật khai báo.. Tất cả mang về viết lạị..!
Trăm lần như một.. Tôi 7 năm lính mà khai chưa hết hai trang giấy học trò.. Lần sau cùng, tôi viết tự khai tại trại tù Hà Tây. Bộ nội vụ từ Hà Nội vào trại Hà Tây, làm việc (hỏi cung) với sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị.. Những tên Công An nầy còn rất trẻ, tốt nghiệp đại học Công An mới ra trường, vào đây thực tập... Chúng ăn nói có lễ độ, có kiến thức.. Mỗi sĩ quan tù được hỏi cung suốt tuần. Mỗi ngày hai buổi sang & chiều, có cho uống trà, hút thuốc. Việc hỏi cung có vẽ cởi mở, nhưng mình phải biết phận mình, cá nằm trên thớt, tôi còn nhớ người công an trẻ, biết tôi là cựu sinh viên văn Khoa, đã hỏi tôi:
- Anh nghĩ gì về các nhà văn trong Tự Lực Văn Ðoàn...
Một câu hỏi quá dễ đối với tôi mà bỗng nhiên trở thành khó. Tôi trả lời:
- Cán bộ cho tôi xin miễn trả lời câu nầy...
Người Công An nầy nhìn tôi cười cởi mở:
- Câu nầy tôi chỉ hỏi riêng với anh, nếu anh thấy không tiện trả lời cũng chẳng sao.
Lần nầy cũng như những lần trước, tôi viết thuộc lòng như bản cũ.. Cán bộ công an trả đi trả lại mấy lần. Sau cùng tôi phải vẽ thêm nguyên một trang sơ đồ doanh trại đóng quân tại số 1 bis Phan Ðình Phùng Sài Gòn...Việc gì rồi cũng xong...
Ghét thì ghét chứ làm gì được nhau.. Ðám tù trẻ tụi tôi vẫn thường nói:?Dám nhốt, ta dám ở, dám thả ta dám về?.. Năm nầy đã gần 7 năm tù rồi. Lúc đó tôi còn độc thân đâu có tiếc chi mạng cùi...
Cây bút Bic mang theo hết mực... Cũng giống như người lính, bắn viên đạn sau cùng rồi xuôi tay chờ trói.. Từ đó trở lại viết ngòi... Thời gian viết tự khai ở trại Huyện Tây, tôi rất rảnh vì chỉ viết có 2 trang.. Tối tôi thường đi bách bộ xem dân tình. Nhìn ra hội trường thấy nhiều anh cậm cụi viết... Mắt mơ màng nhìn xa xăm như nhớ, như tiếc cái gì đã mất, mà biết rất khó tìm lại.. Khói thuốc nhả mịt mù, giấy chồng giấy.. chẳng khác nào sinh viên làm đề tài trình luận án tiến sĩ không bằng.. Ra tới đất Bắc, cũng cây viết ngòi mà xài giấy xã hội chủ nghĩa, loại giấy
tập đen thui còn vương rơm rạ.. Viết hơi nhanh là bị xóc, mực lem luốt như thời ấu thơ... Bởi viết chậm nên trông người viết như đang gò gẫm của thuở mới vào trường.. Những lá thư gửi lén về nhà, nhà tôi còn cất giữ. Bây giờ tôi vẫn còn mang theo, dù nét mực có hơi nhạt nhòa theo năm tháng thời gian... Nhìn lại nét chữ trong các bức thư, chính tay tôi viết.. cả một thời tủi nhục như hiện rõ ra trước mắt...
Những cây bút chì còn sót lại sau 7,8 năm tù có cây dài độ một phân, phải đút vào ống thuốc không, mới cầm viết được.. Thì ra thiên đường Cộng Sản là như thế đó!
Lúc ở tù về, có rất nhiều cựu tù sống bằng nghề bơm mực, bơm ga họp quẹt.. Tây Mỹ trông thấy lắc đầu, ngán ngẩm cho thiên đường CS...! Từ mực viên ngâm nước chuyển tới mực pha sẵn trong bình.. tới bỏ luôn bình mực.. lại trở về thời đồ đá.. Cám ơn Cộng Sản miền Bắc đã làm cho dân Nam sáng mắt.
Ngày qua tới vùng đất tự do.. mới thấy rõ văn minh xứ người.. Bút bi bày bán ê hề.. tiền nào của nấy, đủ giá cả.. loại bình thường giá rẻ rề.... cũng có loại hàng trăm đô la...
Tôi ngồi đây, viết lại những điều nhớ của những ngày còn đi học, cây bút rất cận kề với con người, học thức hay buôn bán cũng đều phải cần có cây bút... dù chữ nghĩa không nhiều cũng phải biết ký tên.. trao đổi mua bán..đều phải có giấy tờ khế ước...? Bút sa gà chết?... Có những chữ ký thật là quan trong.. Chữ ký của vị chánh án ký bản án tử hình... Chữ ký xú danh của cấp lãnh đạo dâng đảo Hoàng Sa cho Chu Ân Lai... Không biết lúc đó Phạm Văn Ðồng, thủ tướng lâu năm nhất thế giới, dùng cây bút hiệu gì để ký tên trên văn bản bán đất đó?
Có một lần tôi cầm bút ký tên mà lòng tôi xa xót, lòng nặng trĩu lo âu.. là lần tại phòng hành chánh bệnh viện Nguyễn Văn Học. Lúc đó tôi mới ra tù, Mẹ tôi bệnh nặng, bứu ruột già, tôi ký tên bằng lòng cho bác sĩ mỗ ruột mẹ tôi. Có điều chi bất trắc gia đình không khiếu nại.. Tôi ký mà lòng thầm van vái, Phật Trời phù hộ cho gia đình tôi được tai qua nạn khỏi.
Một chữ ký mà tôi nhớ mãi, ký tên mà lòng tôi phơi phới hân hoan.. đó là lần ký tên kết thúc hồ sơ đi Mỹ theo diện HO. Tôi ký tên bằng cây bút bi, cây bút tôi có được trong một lần nhận quà từ nước Mỹ.
Ngồi trước bàn phiếm gỏ từng chữ bằng hai ngón tay.. tôi thấy thương cây bút vô cùng.. Ngày nào cây bút được chủ tâng tiu, vắt theo túi, đựng trong họp có lót nhung, bây giờ viết chi cũng bằng bàn phiếm.. cây bút chỉ còn dùng để ký tên...
Viết tại kỳ đà động... mùa lễ tạ ơn.
Thủy Lan Vy
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những h...