Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Lính đảo Thổ Chu

Lính đảo Thổ Chu

Tôi đã từng nghe bài vọng cổ “Em muốn đến Thổ Chu” của Nghệ sĩ ưu tú Trúc Linh, với những lời lẽ da diết: “Cuộc sống ở đây còn nhiều vất vả nhưng lính vẫn vui vẫn ca hát yêu đời. Những đêm trăng lên những đêm thật tuyệt vời. Người lính đảo tuần tra quanh đất đảo không cho kẻ thù nuôi tham vọng cuồng điên”. Tôi thuộc lòng câu ca đó và ước một ngày được ra Thổ Chu để xem người lính đảo có giống như tác giả thể hiện, có khác hơn đơn vị tôi đóng quân ở biên giới, cho dù cùng chung một tỉnh. Đằng đẵng hai mươi năm mới thực hiện được ước mơ của mình!
Thời điểm này biển êm, sóng nhẹ, nhưng càng ra xa thì biển không dịu dàng tí nào, nghe các anh trên tàu Hải quân Vùng 5 nói đang sóng cấp 5, cấp 6. Song, vì tàu lớn nên cảm nhận về sóng biển chưa nhiều. Nếu đi tàu chở hàng của tư nhân hoặc tàu đánh cá thì mới biết thế nào là say sóng mệt hơn… say rượu ra sao. Muốn ra Thổ Chu, từ Rạch Giá đi tàu cao tốc khoảng ba giờ đến Phú Quốc. Ngủ lại đây một đêm chờ sáng hôm sau ngồi tàu mất chừng bảy giờ sẽ tới Thổ Chu. Do đó, nhiều người bảo rằng “đi một biết hai”, nghĩa là đi Thổ Chu sẽ khám phá luôn đảo ngọc Phú Quốc.
Thổ Chu là quần đảo gồm tám đảo, trong đó đảo Thổ Chu lớn nhất với diện tích trên mười ba ki-lô-mét vuông, đơn vị hành chính là xã Thổ Châu. Trên đảo có các đỉnh núi cao, cây cối rậm rạp, nhiều loại gỗ quý. Những người cố cựu ở đây kể rằng, trước kia, đảo Thổ Chu thuộc tỉnh An Xuyên, có khoảng hai trăm hộ gia đình với gần sáu trăm nhân khẩu, đa số là người Kinh. Dân chủ yếu tập trung ở Bãi Dông vào mùa gió nam (tháng 4 đến tháng 8) hoặc chạy sang Bãi Ngự vào mùa gió bắc (tháng 8 đến tháng 3 năm sau), để tránh bão. Cuộc sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản và nương rẫy. Mặc dù bị quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng và kìm kẹp gắt gao nhưng nhân dân vẫn một lòng theo cách mạng, tuy chưa xây dựng được cơ sở để lãnh đạo phong trào đấu tranh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, số ngụy quyền bỏ chạy vào đất liền hoặc theo tàu ra nước ngoài. Song, chỉ mười ngày sau đó, quân Khơ-me đỏ dùng tàu LCM và PCF đưa quân đổ bộ đánh chiếm đảo Thổ Chu. Khi thăm dò biết không có lực lượng của ta, chúng lừa gạt nhân dân là giúp đỡ đánh Mỹ – ngụy nhưng liền sau đó chúng hạ cờ ta xuống và treo cờ chúng lên. Dã man hơn là chúng dồn hơn năm trăm người dân xuống tàu đưa về Campuchia và tàn sát toàn bộ, mặt khác, thủ tiêu bảy người có tinh thần đấu tranh chống lại chúng. Với quyết tâm bằng mọi giá phải bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, từ ngày 23 đến 27-5-1975, các đơn vị Hải quân cùng Tiểu đoàn 410 thuộc Trung đoàn 95 Quân khu 9 đã thực hành một trận chiến đấu đổ bộ, giải phóng quần đảo Thổ Chu.
Trung tá Đào Văn Hữu, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 thuộc Trung đoàn 152 Quân khu 9, đưa tôi ra bãi Chiến Thắng – nơi có một tổ làm nhiệm vụ quan sát trên biển. Đây là nơi Phân đội Đặc công nước bí mật, bất ngờ chiếm đảo, dẫn đường cho tàu đưa bộ binh lên đảo đánh quân Pôn-pốt năm 1975. Từ đó, mọi người gọi bãi Chiến Thắng để nhớ về trận đánh năm xưa. Muốn vào đây chúng tôi đậu xe ngoài đường lớn, sau đó đi bộ khoảng năm trăm mét đường dốc đá lởm chởm, dựng đứng. Mệt! Thế nhưng hàng ngày, anh em ở bãi Chiến Thắng thay phiên nhau hai lần đi và về lên Cụm hơn năm cây số để lấy cơm. Còn buổi sáng, anh em tự túc bằng mì gói. Rõ ràng, việc ăn uống của người lính vốn đơn giản thì trong điều kiện khó khăn lại giản đơn hơn. Thậm chí, có chiến sĩ uống ly sữa hoặc cà-fe cho qua bữa, riết rồi cũng quen!
Binh nhất Hứa Phước Sang, quê ở Sóc Trăng, khi được biên chế lên chốt này không khỏi bị ảnh hưởng tâm lý! Trước mặt là biển mênh mông, sau lưng là núi cheo leo, không tivi vì không điện, có cái radio cũ kỹ nhưng bắt được sóng là… hên xui do thời tiết, báo chí thì thỉnh thoảng mới có, đôi khi cả tháng vì biển động, tàu trong đất liền không ra được. Vậy là chỉ mấy anh em ra vào, bao nhiêu chuyện gia đình, bạn bè, hàng xóm và cả những chuyện… không liên quan cũng tâm sự hết, đến nỗi khi “đụng mặt côm cốp” chẳng còn gì nói nữa. Lúc đêm xuống, xung quanh tĩnh lặng ngoại trừ tiếng sóng biển rì rào vỗ vào ghềnh đá, nhìn ngoài khơi xa lấp lánh ánh đèn của ngư dân đánh bắt cá tôm mà không thể không nhớ nhà, nhớ người yêu, nhớ cả những mùa gặt lúa dưới trăng trên cánh đồng quê mình. “Một thời gian thôi rồi cũng quen anh ạ! Với lại, không phải chiến sĩ nào cũng được điều lên chốt mà phải lựa chọn trong số ưu tú nhất. Bởi ở đây xa đơn vị, xa sự quản lý của chỉ huy nên từng cá nhân chiến sĩ phải vững tin, phải tự quản lý mình và đồng đội. Làm được điều này hổng phải dễ nhưng cũng tự hào vì mình đã vượt qua chính mình”, giọng Phước Sang có chút gì đó kiêu hãnh. Cũng đúng thôi, đâu đó mỗi ngày vẫn xảy ra những câu chuyện về sự sa ngã của một vài cá nhân không vượt qua cám dỗ vật chất lẫn ham muốn đời thường để rồi nhận lãnh hậu quả đáng tiếc. Hỏi Chính trị viên Hữu mới biết, những người lính như Hứa Phước Sang, Trịnh Văn Đương…, ngoài phụ cấp như bao chiến sĩ khác thì chỉ được hưởng thêm mười ngàn đồng cho mỗi ngày trực. Số tiền ấy chia đều cho anh em cả chốt. Thế nhưng khi được biên chế lên chốt, chưa một chiến sĩ nào thoái thác nhiệm vụ hoặc rời vị trí quan sát hay chậm báo cáo tình hình theo quy định về trên. Điều này chứng tỏ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào ở nơi đầu sóng ngọn gió, người lính vẫn khắc phục khó khăn, kiên cường bám trụ và phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Chia tay các chiến sĩ bãi Chiến Thắng, chúng tôi đi bộ từ Bãi Ngự men theo bờ biển trên con đường đang thi công lổn ngổn đất đá, dưới cái nắng gay gắt của hòn đảo tiền tiêu. Gió từ ngoài khơi thổi vào từng chặp, mang theo vị mặn của muối trộn lẫn với vị mặn mồ hôi của người lính, có lẽ vì vậy mà quân phục của họ bạc màu nhanh hơn, da cũng sạm hơn. Phải mất gần một giờ, ba lần nghỉ chân tôi mới đến Trung đội Pháo 85. Theo Trung tá Hoàng Văn Chương, Chính trị viên Cụm chiến đấu 3, thì cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ ở đây tương đối hơn bên bãi Chiến Thắng. Hàng ngày, anh em phân công xuống Cụm lấy thức ăn về tổ chức nấu nướng. Thời gian rảnh, anh em trồng rau, chuối, nuôi gà… để cải thiện bữa ăn. Buổi tối có máy phát điện thắp sáng, xem thời sự. Tuy nhiên, với những chiến sĩ ở đây nói riêng và trên đảo nói chung, thì nỗi nhớ nhà do cách trở địa lý, không gian luôn thường trực trong họ ngay từ ngày đầu đặt chân lên đất đảo. Giống như tâm trạng của Binh nhất Trương Minh Nhựt, nhập ngũ đợt 2 năm 2013. Trước đó, Nhựt mở tiệm sửa xe máy tại quê ở huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ), vừa biên chế ra đảo được hơn bốn tháng. Nhựt tâm sự: “Hồi huấn luyện tân binh ở Sư đoàn 330 trên An Giang, thỉnh thoảng gia đình lên thăm. Còn ở đây cách trở tàu thuyền, điều kiện đi lại khó khăn nên em nói mọi người, nhất là bạn gái cứ an tâm, em sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Nói thiệt, lúc mới ra đây cũng chưa thoải mái lắm, nhưng rồi trong thiếu thốn, tình cảm đồng chí đồng đội càng gắn bó thêm, làm cho mình cảm thấy yêu mến chỗ này”.
Không yêu sao được khi được hoà mình vào không khí trong lành của thiên nhiên gần như hoang sơ của đảo. Đặc biệt là tận hưởng cảm giác của màu xanh mát mắt, dịu ngọt phủ trùm của rừng nguyên sinh, của hàng dừa cao vút quanh chân đảo và của màu biển xanh thẫm hút tầm mắt dưới màu trắng của mây trời. Đó là chưa kể những bãi cát trắng mịn màn dọc dài ven biển hay ngắm những đàn cá nhiều màu sắc lội tung tăng giữa 99 loài san hô tạo thành rừng trong làn nước trong veo. Những thứ đó ở đất liền sao tìm thấy để mong xua tan bao mệt nhọc, vất vả trong ngày!
Trung sĩ Kim Hiệp Hưng, Khẩu đội trưởng Khẩu đội Pháo 85, quê ở Sóc Trăng, bảo rằng ở đâu cũng có vui có buồn chứ không riêng gì đất đảo, quan trọng là do tâm trạng của mỗi người. Khi đứng trước những thứ xa lạ, ta sẽ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, trơ trọi, nhưng đã quen rồi sẽ cảm thấy thân thuộc, nếu xa rồi sẽ nhớ. “Ngày nghỉ, tụi em đi câu mực về cải thiện thêm bữa ăn hoặc lặn xuống biển ngắm san hô. San hô ở đây chỉ cách mé biển chừng hai chục mét, nhiều vô kể nhưng không ai có ý định bẻ đem bán dù giá khá cao. Người dân luôn giữ gìn những gì thiên nhiên ban tặng mang lại cho đảo nét đẹp đặc trưng, quyến rũ. Thỉnh thoảng, tụi em đi tiếp dân đẩy ghe. Những chiếc ghe bị sóng đánh dạt lên bãi phải đẩy xuống hoặc ghe va vào đá hư hỏng phải kéo vào bờ sửa chữa. Vui nhất là những dịp lễ tết, bà con địa phương lên cùng bộ đội gói bánh, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Rồi tổ chức đón tiếp các đoàn ở đất liền ra thăm, tặng quà, chúc mừng. Những câu chuyện cứ kéo dài tràn ngập tiếng cười làm mình cảm thấy đất liền như gần chân đảo”, Hưng nói bằng giọng từng trải, đậm chất lãng mạn trong tiếng sóng vỗ mơn man vào ghềnh đá.
Trước khi đi lên đây, Thượng tá Dương Đức Mười, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152, cho biết mỗi khi tết đến, đơn vị sẽ xuất quỹ tăng gia tặng cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng 300 ngàn đồng/ người, mỗi hạ sĩ quan – chiến sĩ 100 ngàn đồng. Mặt khác, hỗ trợ mỗi cơ quan, đơn vị trực thuộc 500 ngàn đồng để trang trí bàn thờ Tổ quốc. Vị chỉ huy quê ở “Thành phố hoa phượng đỏ” nói thêm: “Vừa rồi, Quân khu 9 đầu tư xây dựng, sửa chữa nhiều hạng mục công trình với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng đã làm thay đổi bộ mặt đơn vị có phần khang trang hơn, vững chắc hơn. Đồng thời, vận chuyển hàng trăm cây xanh ra trồng xung quanh đơn vị. Mới đây còn cấp 10 radio, 5 bộ tăng âm và đầu DVD karaoke 6 số, 10 đầu thu vệ tinh Vinasat, 14 ti vi, hệ thống tăng âm và trang trí khánh tiết hội trường, phòng Hồ Chí Minh… tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt, vui chơi trong những ngày tết đến xuân về. Bấy nhiêu đó với cánh lính trên đảo này là hạnh phúc rồi, chứ anh em bên Hòn Từ còn thiếu thốn đủ thứ!”.
***
Hòn Từ là một trong số tám hòn đảo lớn của xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), có diện tích tương đương 1km². Đứng trên đồi cao ở trung tâm xã đảo có thể nhìn thấy nhiều đảo lớn nhỏ, chìm nổi trên mặt biển xanh thẳm. Hòn Từ như một bức tường chắn sóng bão mùa gió Nam thổi trực tiếp vào Bãi Dông. Đã đến hẹn rồi nhưng gần một tuần trôi qua, chúng tôi chưa mang lương thực, thực phẩm sang Hòn Từ tiếp tế cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân ở đó. Các anh Trung đoàn 152 nói đang mùa áp thấp nhiệt đới, gió cấp bốn cấp năm nên không thể đi được vì ngược sóng. Anh em tuy rất sốt ruột, song phải chờ!
Tin áp thấp nhiệt đới vẫn chưa suy giảm. Anh em bên Hòn Từ biết tuần trước đã có tàu rời Phú Quốc cập cảng Thổ Chu mang theo một số nhu yếu phẩm nên không thể để họ đợi lâu hơn nữa. Thường khi sóng biển lặng, có thể sử dụng tàu nhỏ của Trung đoàn 152 qua Hòn Từ, giờ thì đành thuê tàu chuyên chở hàng hóa từ Rạch Giá ra đây để sang Hòn Từ. Ông chủ tàu bảo, do biển động nên tàu chưa thể về đất liền nhưng vì chở đồ cho bộ đội bên Hòn Từ nên miễn phí.
Con tàu trên trăm tấn nhổ neo, rời cầu cảng khi những tia nắng đầu ngày vàng óng trải xuống mặt biển xanh biếc. Gió dìu dịu. Sóng lăn tăn. Tôi bảo thời tiết hôm nay đẹp, đi như thế này có gì phải sợ. Anh tài công nheo mắt, miệng mỉm cười mà giọng oang oang lẫn trong tiếng sóng: “Tàu mình chưa ra biển đâu, còn ở đáy hình chữ U. Vượt ra khỏi vách núi này anh sẽ thấy, nước văng lên sàn tàu, tràn cả vào buồng lái. Anh nên bỏ máy móc vô túi đi!”. Như để minh chứng cho lời anh tài công là mũi tàu chồm lên rồi hạ xuống đột ngột hứng trọn một con sóng ập lên sàn tàu. Anh bạn đồng nghiệp trẻ chưa lần nào đi biển, đang đứng tận hưởng niềm sung sướng rạng ngời trước trời biển bao la vội chui tọt vào buồng lái, mặt biến sắc. “Anh có bọc ni lông không?”. Anh tài công cười: “Say sóng không giống say xe. Anh ngồi còn không vững thì tay đâu cầm bọc. Anh lên võng nằm đi, tôi lấy cho anh… cái thau!”. Anh bạn trẻ tròn mắt nhưng không hỏi, leo ngay lên võng.
Những cơn gió nam thổi tới tấp, sóng biển đánh vào mũi tàu từng đợt, con tàu gần như… dậm chân tại chỗ. Còn nhớ cách đây mười năm, tôi cũng có từng ấy thời gian công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, thỉnh thoảng có ra một vài đảo công tác nhưng đây là lần đầu tiên tôi vượt sóng lớn như thế này. Tuy có chút lo lắng nhưng vẫn muốn đi. Thượng tá Vũ Văn Trung, Chính ủy Trung đoàn 152 Quân khu 9, bảo rằng các bạn trẻ bây giờ rất tuyệt vời, không chỉ có kiến thức về mọi mặt mà còn có tinh thần tiến lên phía trước như cha ông ngày xưa. Cho dù biết là khó khăn và vất vả đó, gian khổ và thiếu thốn đó nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận. Đi không chỉ khám phá những điều mới mẻ của thế giới xung quanh mà còn tự vượt lên chính mình. Lời anh Trung làm tôi cảm thấy tự hào dù mình đã bước vào tuổi bốn mươi, nghĩa là gấp đôi tuổi trẻ như chúng ta thường nghĩ. Anh Trung kể: “Hồi tôi thi vào trường sĩ quan, mang theo ước mơ của mình sẽ được ra đảo phục vụ, nhưng mãi đến bây giờ, sau gần hai mươi năm gắn bó với Sư đoàn 8 Quân khu 9, mới thực hiện được. Ngồi lên tàu ra đảo tôi rất bồi hồi, buồn vui lẫn lộn. Buồn là vì chia tay đơn vị cũ, còn vui là được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ ra đảo công tác. Khi tàu cập cảng Thổ Chu, thấy anh em ra đón tôi càng xúc động! Rồi đi vòng quanh đảo tôi thật sự ngỡ ngàng trước nét đẹp của bãi biển hoang sơ với những hàng dừa cao vút soi mình xuống mặt biển xanh thẳm và nhiều đảo lớn nhỏ, chìm nổi. Tất cả người dân nước Việt luôn hướng về biển đảo với tình cảm thân thương và sự quan tâm chu đáo, nhất là dịp tết, các đoàn từ đất liền mang hơi ấm ra đảo để tiếp thêm niềm tin và nghị lực bảo vệ biển đảo cho người lính chúng tôi”. Hỏi thăm anh về gia đình ở quê hương Thanh Hóa, thoáng chút ưu tư, anh Trung nói: “Tính ra cũng mười mấy năm tôi ăn tết xa nhà. Ngày tết không về được nhưng tôi đã làm “công tác tư tưởng” cho vợ con nên quen rồi”. Nói vậy, nhưng trong sâu thẳm, tôi hiểu được nỗi niềm của người lính đảo đã có “thâm niên” xa nhà trong mỗi dịp mừng năm mới.
Khoảng cách từ Thổ Chu qua Hòn Từ chừng ba hải lý, chúng tôi phải mất gần ba giờ cưỡi sóng, nhưng cũng không vào được đảo. Tàu phải buông neo ngoài xa, sau đó dùng xuồng máy đuôi tôm lần lượt vào đảo. Chiếc xuồng nhỏ chòng chành, chao nghiêng ngỡ tưởng lật úp giữa những con sóng biển. Lên bờ, chúng tôi phải leo dốc một đoạn nữa mới đến doanh trại của đơn vị. Thượng úy Nguyễn Huy Cường, quê Bình Đại (Bến Tre), sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 được điều ra đảo công tác. Trước đây, anh ở Cụm Chiến đấu 2 bên Thổ Chu, ba năm nay anh được điều sang đây làm trung đội trưởng. Anh kể, cuộc sống ở đây có quá nhiều cái “không” so với ở Thổ Chu chứ chưa dám so với đất liền, trong đó cái quan trọng nhất chính là không thông tin. Cả đảo chỉ có một chỗ duy nhất bắt được sóng điện thoại di động, nhưng cứ chập chờn, gián đoạn, khi cần thiết lắm mới chạy lên đỉnh gọi cho ai đó để báo tin. Vài lần anh Cường bị người yêu ở quê giận hờn vì “không thương em sao mới nói mấy câu đã cúp máy?!”. Mỗi buổi tối, đơn vị chạy máy phát điện xem thời sự, còn báo chí thì một tuần mới nhận được theo chiếc xuồng qua chợ xã đảo Thổ Chu mua lương thực, thực phẩm. Những khi biển động dài ngày, xuồng nhỏ không đi được thì nhờ các tàu đánh cá chở giúp. “Các tàu này cũng thường xuyên neo đậu ngoài khơi, ngư dân bơi vào đảo chơi thể thao với chiến sĩ nên coi nhau như anh em. Thỉnh thoảng, họ cũng ghé cho cá và xin nước ngọt. Vào ngày nghỉ, các chiến sĩ đi câu mực về cải thiện thêm”, anh Cường kể.
Trên đảo Hòn Từ, trước đây có nuôi gà nhưng bị thú rừng ăn mất, giờ chỉ nuôi heo. Hiện nay, đơn vị có bảy con heo đẻ, một con heo đực để phối giống và trên hai chục chú heo con. Binh nhất Đào Phước Thắng (quê TP Cần Thơ) nói vui: “Khi tụi em huấn luyện thì đàn heo đi chơi, đến giờ cơm mới lần lượt kéo về. Bọn nó có thời gian nên biết hết đồi dốc, hang hốc khắp đảo, còn tụi em thì chưa!”. Đất đai cằn cỗi nhưng anh em vẫn tận dụng trồng củ quả trên giàn để tránh heo… ăn trước, bảo đảm tự cung tự cấp 90% vào mùa mưa. Mùa nắng thì nước ngọt rất khan hiếm, chủ yếu dành cho sinh hoạt. Chiến sĩ Thắng cầm miếng dưa hấu do đoàn mang ra, vừa cười vừa nói rất thích thú mà làm mọi người muốn rơi nước mắt: “Thèm nhưng mấy tháng rồi mới ăn được món này”. Đi vòng quanh đảo, chúng tôi thấy ở đây cơ man nào là dừa. Dừa cứ vươn cao, thẳng đứng ven bờ đảo cát trắng xóa mà soi mình xuống biển xanh. Đây là nguồn thu lớn của đơn vị. Hàng tháng có người bên Thổ Chu sang mua mỗi trái 5.000 đồng, trung bình bán được từ 500.000 – 700.000 đồng/tháng. Vườn điều của đơn vị hiện nay đã già nên ít cho trái, năm nay chỉ thu được hơn ba tạ, chở vào Phú Quốc bán 8.000 đồng/kg.
Những ngày đầu, các chiến sĩ mới biên chế ra Hòn Từ, nói không buồn là… nói dóc. Như trường hợp binh nhất Nguyễn Xuân Đoàn (quê TP Cần Thơ). Sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin và làm thiết kế đồ họa cho một công ty tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh được hai năm thì có lệnh gọi nhập ngũ. “Ngày đó, em không nghĩ rằng mình sẽ ra đảo, nhưng rồi cuộc sống thiếu thốn đã gắn kết anh em với nhau càng trở nên thân thuộc. Vừa rồi em có đề đạt nguyện vọng chuyển quân nhân chuyên nghiệp phục vụ lâu dài trong quân đội”, Đoàn chia sẻ. Rồi Đoàn giới thiệu trung sĩ Nguyễn Văn Thức, Khẩu đội trưởng súng máy phòng không 12 ly 7 – người được xem là “linh hồn” trong mọi hoạt động phong trào của đơn vị, bởi chất tếu táo, hay pha trò của người con quê vọng cổ Bạc Liêu. “Thời gian mới ra đảo, lúc em ngồi gác nhìn trời biển bao la, vắng lặng trong đêm, chỉ thấy thấp thoáng khơi xa nhấp nháy ánh đèn của ngư dân, nghe tiếng gió và sóng vỗ vào ghềnh đá mà nhớ nhà da diết, nhớ đồng đội từng học tập, rèn luyện ở thao trường Chi Lăng – Thức nói mà như ca bản nam xuân – Nhưng rồi em nghĩ tới nhiệm vụ nên buồn hoài cũng… chán, phải kiếm cái gì đó làm cho cuộc sống vui tươi hơn. Vậy là em để ý mọi chuyện xung quanh, nắm bắt tin tức rồi “biến chuyển” nó thành câu chuyện của đồng đội, kể cho anh em nghe chơi. Bây giờ mọi người hay nói em… nhiều chuyện, nếu em xếp nhì thì không có ai đứng nhất cả! Cũng là do mấy anh ở Đài Truyền hình Việt Nam ra đây phỏng vấn em rồi khen vậy thôi, chứ em thấy có gì đâu. Miễn sao mỗi ngày cứ… cười là ngon!”.
Có lẽ, với suy nghĩ và cách nói hài hước của Thức đã góp phần làm cho cuộc sống người lính trên đảo Hòn Từ bớt tẻ nhạt, cô đơn hơn. Bởi đây là một đơn vị độc lập, đóng quân cách trở, xa sự lãnh đạo, chỉ huy của cấp trên nên mọi việc lớn nhỏ phải tự giải quyết, nhất là trong quan hệ cấp trên – cấp dưới, giữa đồng chí đồng đội với nhau. Có đôi lúc anh em bất hòa, trung đội trưởng Cường rất bực nhưng phải làm chủ cảm xúc, chế ngự sự tức giận. Cũng may là từ lúc Cường qua đây, đơn vị anh chưa hề xảy ra sự việc đáng tiếc nào. Đó cũng một phần nhờ các chiến sĩ thông suốt nhiệm vụ, giữ vững đoàn kết, biết yêu thương và chia sẻ trong điều kiện thiếu thốn hay hoàn cảnh khắc nghiệt, vẫn kiên cường bám trụ và chưa một ai rời vị trí chiến đấu!
Tôi mơ màng nghĩ về những người lính Hòn Từ, về tình cảm anh em như một gia đình dẫu còn đó bao khó khăn, thiếu thốn, thử thách tinh thần và sức khỏe người lính, thì anh bạn “bắn” cho tôi một tin nóng hổi: “Trung đoàn 152 vừa bắt được cướp biển!”. Tôi vội bấm máy điện thoại, Chính uỷ Vũ Văn Trung xác nhận: “Đúng rồi. Chiến công đầu thuộc về Binh nhất Trần Hoàng Tuấn, chiến sĩ ở Cụm chiến đấu 1. Sau sự việc này, Tuấn được đơn vị và Quân khu khen thưởng, đồng thời thăng quân hàm vượt cấp từ binh nhất lên trung sĩ. Mặt khác, Tuấn được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng khen tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”, là một trong 20 gương mặt tiêu biểu toàn quân được Bộ Công an tuyên dương trong “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hiện đơn vị đang hoàn tất thủ tục đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 cho Tuấn”.
Tôi tìm hiểu thông tin thấy trên Báo Quân khu 9 có bài viết về Binh nhất Trần Hoàng Tuấn, xin trích một đoạn: “Ngày 11-6, tàu Orkim Harmony trọng tải 7.300 tấn, chở 6 ngàn tấn xăng không pha chì xuất phát từ Singapore đến cảng Johor của Malaysia. Khi tàu cách cảng khoảng 30 hải lý thì bị cướp biển khống chế, lúc này trên tàu có 22 thuyền viên và giá trị hàng hoá tương đương 5,6 triệu USD. Sau khi cướp tàu Harmony, bọn cướp biển đã rời tàu, tẩu thoát bằng xuồng cứu sinh được cố tình sơn đen che đi biển số gốc, thay đổi số hiệu và số IMO (số đăng ký hàng hải quốc tế) để dễ dàng trốn thoát. Tới ngày 13-6, các cơ quan chức năng Việt Nam nhận được thông báo từ Trung tâm Điều phối cứu nạn hàng hải và thực thi pháp luật trên biển Malaysia, và đã triển khai các lực lượng phối hợp truy lùng toán cướp biển. Lúc 6 giờ 15 phút ngày 19-6, Binh nhất Trần Hoàng Tuấn đang thực hiện nhiệm vụ trực quan sát tại vọng Bãi Nhất (đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Kiên Giang) thì phát hiện một chiếc xuồng cứu sinh không có số hiệu chạy vào đảo, Tuấn nhanh chóng báo cáo về chỉ huy đơn vị. Đến 6 giờ 30 phút, xuồng cập bờ, tám tên cướp vũ trang quốc tịch Indonesia giả dạng ngư dân gặp nạn có ý định tìm đường trốn trên đảo, Tuấn đã ra lệnh yêu cầu các đối tượng dừng lại. Ngay sau đó đồng đội cũng có mặt, lập tức khống chế, bàn giao cho các cơ quan chức năng”.
Những ngày sống với người lính đảo Thổ Chu, chúng tôi cảm thấy ấm áp như một gia đình, dẫu còn đó những thiếu thốn, cách trở nhưng đã bị khỏa lấp bởi niềm tin tưởng, lạc quan, yêu đời của tuổi trẻ thời đại mới là dám dấn thân, sẵn sàng cống hiến, thậm chí nếu phải hy sinh vì hai tiếng thiêng liêng: Tổ quốc! Tôi lại nhớ câu ca:“Cuộc sống ở đây còn nhiều vất vả nhưng lính vẫn vui vẫn ca hát yêu đời. Những đêm trăng lên những đêm thật tuyệt vời. Người lính đảo tuần tra quanh đất đảo không cho kẻ thù nuôi tham vọng cuồng điên”.
5/4/2021
Hồ Kiên Giang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Con rồng chữ Xe đò khởi hành. Ăn xong cặp bánh dày dai nhách nhưng chắc chắn sẽ no lâu, tôi loay hoay tìm chỗ vứt hai vuông lá chuối n...