Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Ở bên ngoài tổ quốc

Ở bên ngoài tổ quốc

Lấy clinker từ một cảng nhỏ gần Osaka Nhật Bản, sau hải trình 10 ngày, tàu chúng tôi đến Kota Kinabalu Malaysia trả hàng. Chồn chân đã lâu, thủy thủ đoàn ai nấy đều háo hức lên bờ thăm thú. Tôi làm lơ trước mọi lời rủ rê. Tôi bắt đầu chẳng thích đi bờ chung với các nhóm, từ phục vụ, chấm dầu, buộc dây đến cả sĩ quan trên tàu. Họ luôn nói dối không chớp mắt. Đến Nhật họ bảo họ là người Singapore. Đến Mã Lai, Thái Lan hay Indonesia họ nhận mình tới từ xứ sở hoa anh đào.
Tôi luôn hãnh diện là một người Việt Nam lạc loài, giữa đám thuyền viên giả Nhật giả Sing làm việc trên con tàu treo cờ Panama, chủ tàu và thuyền trưởng người Nhật. Mấy lần đi bờ cùng tôi họ đã lỗ nặng vì rất nhiều người có thiện cảm hơn với tôi. Chẳng hạn cửa hàng bớt sát giá cho bạn Việt Nam và ra sức xà xẻo Nhật xộp. Thiên hạ hiểu Việt Nam còn ít, do đó các câu chuyện rôm rả và gây chú ý cao. Với các anh Sing, họ à ừ cho qua chuyện, thậm chí nghi ngờ dân Sing sao tiếng Anh quá tệ, lại chẳng biết lấy một phương ngữ phổ biến như Triều Châu, Quảng Đông hay Phúc Kiến. Tôi thuộc thế hệ trẻ mới tốt nghiệp đại học. Ngoài lợi thế tiếng Anh, tôi còn tự học thêm tiếng Nhật tiếng Trung qua vài cẩm nang du lịch, đủ để huyên thuyên chào hỏi, dò đường. Tôi lại đọc được ít Hán tự nhờ ông nội Nho học. Giữa những kẻ đồng hương đồng thuyền sử dụng ngoại ngữ mỏi tay trên đất lạ, tôi nổi lên như một hoa tiêu dẫn lối thông tuệ. Tôi có thể trao đổi mọi vấn đề với rất nhiều người, từ anh công nhân bốc vác Indonesia, đến vị mục sư mắt xanh là tiến sĩ thần học đang truyền giáo cho thổ dân Papua New Guinea.
Hết ca, sau khi mở van khí tắm gió cho sạch bụi clinker, đốc công dỡ hàng Sadiq í ới gọi tôi. Hôm nay anh hẹn tôi du ngoạn Kota Kinabalu, thủ phủ bang Sabah, miền đông bắc đảo Borneo. Tôi quen Sadiq từ chuyến hàng trước đó hai tháng.
Tôi đội nón bảo hiểm nghiêm chỉnh, ngồi sau xe máy Sadiq. Kinabalu đẹp hơn và lớn gấp năm lần Vũng Tàu. Thành phố sạch sẽ, an bình, con người hiền hòa thân thiện. Mật độ xây dựng tổng thể ở đây chỉ khoảng năm mươi phần trăm, còn lại là công viên, vườn cảnh. Cây xanh dịu mát hiện hữu khắp nơi.
Sadiq kể, Kota Kinabalu nghĩa là thành phố (kota) góa phụ (balu – tiếng Malay) Trung Hoa (kina – phương ngữ thổ dân Kadazandusun). Truyền thuyết nói rằng một hoàng tử Trung Hoa đã đến ngọn núi mà thành phố này tựa lưng vào, để tìm viên ngọc quý khổng lồ được chúa rồng canh giữ trên đỉnh núi. Hoàng tử cưới một cô gái bản xứ xinh đẹp làm vợ. Được ngọc rồi, hoàng tử một mình trở về quê hương, để lại trái tim thiếu phụ tan nát.
Thời Anh thuộc Kinabalu có tên Jesselton. Thế chiến thứ hai, Nhật chiếm nơi này và đặt lại tên cũ Api – Api (vốn là tên một làng chài, trước khi bị thực dân Anh xâm lược cuối thế kỷ 19). Năm 1945, khi tấn công quân Nhật, máy bay đồng minh gần như đã san bằng Api – Api. Năm 1963, Jesselton thoát khỏi đêm dài nô lệ, cùng bang Sabah nằm trong liên bang Malaysia. Năm 1968 thành phố chính thức đổi tên thành Kinabalu.
Vài tiếng rãnh rỗi, Sadiq chỉ có thể giúp tôi cưỡi ngựa xem hoa, vòng vèo mấy đại lộ chính như Lintas, Punat Tanah, Tuaran… Điểm cuối của hành trình là vùng phố Tàu Luyang, quán hải sản của một người gốc Hoa, bạn thân Sadiq.
Bia thống trị Mã Lai là Carlsberg Đan Mạch. Hương vị hải sản bờ đông biển Đông chẳng khác mấy bờ tây như Nha Trang, Mũi Né. Ngày thường quán vắng, ông chủ Yang vui vẻ nhập hội cùng Sadiq và tôi. Yang gốc người Hẹ (Hakkas), đã ba đời sinh sống tại Kinabalu.
Yang trầm tư, trong khi Sadiq rất thông cảm với tình trạng cô đơn của tôi giữa những người đồng bào lúc nào cũng chối bỏ đất mẹ. Yang hỏi Sadiq tổ quốc của anh là bang Sabah hay liên bang Mã Lai. Sadiq trả lời cả hai. Yang cho rằng anh dân tộc Hoa nhưng tổ quốc của anh là Mã Lai chứ không phải Trung Quốc. Chú Yang đã trở về Phúc Kiến, sau sự kiện xung đột chủng tộc Hoa – Mã Lai tại Kuala Lumpur năm 1969 làm hàng trăm người bị giết. Ông sợ vết dầu bạo lực cực đoan loang đến Sabah. Kết quả là ông đã bị Hồng Vệ Binh buộc tội làm gián điệp tư bản và chết đói trong mấy năm cuối cuộc cách mạng văn hóa. May mắn, ở Kinabalu các dân tộc Mã Lai, Hoa, Kadazans, Bajaus luôn sống bình yên bên nhau. Đạo Hồi, đạo Hindu, đạo Phật, đạo Công Giáo, đạo tin lành… luôn tôn trọng nhau.
Xét cho cùng tổ quốc là một khái niệm mang màu sắc chính trị, Yang triết lý. Nhân dân ở đâu cũng là kẻ bị trị. Văn hóa và kinh tế là của nhân dân, chính quyền thì thuộc về tầng lớp ăn trên ngồi trước. Người Hoa ở Mã Lai đóng thuế cho nhà nước Mã Lai. Người Hoa ở Trung Quốc đóng thuế cho nhà nước Trung Quốc.
Sadiq công nhận tư duy của Yang thiết thực, nó thoát khỏi sáo rỗng, và ở chừng mực nào đó, tố cáo sự lắt léo đáng sợ của diễn ngôn sa lông. Sadiq dẫn chứng đạo luật yêu nước ra đời để chống khủng bố tại Mỹ, đã và đang bị các tổ chức nhân quyền lên án là phi dân chủ, xâm phạm nhiều quyền lợi hiến định của công dân. Đạo luật ấy, Sadiq suy luận thành: “Nhân dân Mỹ nếu không theo Bush là không yêu nước”.
Câu chuyện đến đây thì tôi đã ngà ngà say. Tôi ghi nhận các vấn đề cần thêm nhiều trao đổi để sáng tỏ. Tôi bảo nước Malaysia có một anh đốc công và một trú khách chủ quán ăn đứng trên bậc thang dân trí khá cao. Dân tộc tôi, đất nước tôi, tổ quốc tôi ở trong hoàn cảnh địa – chính trị hoàn toàn khác với Mã Lai. Nếu chúng tôi không yêu tổ quốc thì vĩnh viễn chỉ có quận Giao Chỉ, chứ làm sao có nước Việt Nam. Tôi hãnh diện vì điều đó. Tôi coi thường các đồng nghiệp dốt nát của tôi đã sĩ diện hão, chối bỏ hai tiếng Việt Nam thân thương.
Biển đêm. Gió lặng. Con tàu ì ạch trượt trên tấm màn đen phẳng lì, trơn láng, căng cứng. Tháp cần cẩu đằng mũi hướng về chòm sao bắc đẩu. Thuyền trưởng người Nhật bước vào buồng lái lặng lẽ như một con mèo. Ông không có vẻ đi kiểm tra ca trực. Đợi ông tì trán vào khung kiếng nhìn ra ngoài trời một hồi lâu tôi mới lên tiếng:
“Ông nhớ nhà à?”.
“Ừ” – Tiếng trả lời ngường ngượng, nửa muốn giấu kín, nửa muốn chia sẻ tâm trạng.
“Giờ phút này tổ quốc của ông là gia đình, con cái, người thân”.
“Cuối tháng lãnh lương và tiền làm ngoài giờ, tổ quốc của tất cả chúng ta sẽ là Mỹ kim”.
Khơi gợi đôi câu, thế là thuyền trưởng vui lên. Giọng ông hoạt bát, nội dung dí dỏm. Các bạn biết không, đàn ông đi biển chúng tôi nói chuyện rất hay. Những người như thuyền trưởng, ba phần tư cuộc đời đã lênh đênh giữa sóng nước. Họ thu nhặt được cả một kho tàng văn chương truyền miệng để giải trí, xả stress.
Thấy không khí cởi mở, tôi xin ông nhận xét về thuyền bộ Việt Nam đánh thuê lần này. Ông khen nhiều hơn chê. Đại khái là cần cù, siêng năng, mau nắm bắt công việc nhưng kỷ luật còn kém và thiếu đoàn kết. Tôi kể ông nghe cái vụ giả Nhật, giả Sing. Ông cười vang. Ông bảo họ thiếu tự tin, mà càng thiếu tự tin thì càng thoái nhược. Tự tin như tôi ông cũng chẳng thích. Ông bảo con người tương lai là vô tổ quốc, rồi thế giới sẽ không còn biên giới địa lý, những khối văn hóa phải tương tác hòa bình nhiều chiều.
“Cậu tưởng tất cả người Nhật đều tôn vinh các chiến sĩ cảm tử đâm máy bay vào tàu chiến Mỹ trong thế chiến thứ hai là anh hùng dân tộc ư? Lầm chết. Họ không yêu tổ quốc như cái cách của phần lớn người Nhật là yêu lao động. Họ yêu chế độ quân phiệt. Họ trung thành với biểu tượng hình thức trong lịch sử Nhật Bản là hoàng gia. Họ bị các nhà chính trị nhào nặn, nhồi sọ, áp đặt những khái niệm lệch pha thảm hại thành chân lý. Làm gì có khái niệm tổ quốc chính xác và bất biến trong một cộng đồng”.
“Nước Nhật may mắn vì suốt lịch sử của mình rất ít bị xâm lược. Xáo trộn xã hội là quá trình các tập đoàn thống trị đổi chỗ cho nhau. Hiếm tài nguyên nên lao động đã tạo nên bộ mặt phồn vinh. Thuyền trưởng có từng nghe câu thành ngữ ‘đất lành chim đậu’ không?”.
“Chính đất lành sẽ thoái hóa con người, khiến họ trở nên nhu nhược, yếu hèn và phụ thuộc hẳn vào thiên nhiên. Những mảnh đất cằn cỗi, nơi dân chúng phải vượt qua nhiều trở ngại để sinh tồn, mới nhanh chóng tiến đến mô hình xã hội dân chủ vì dân, công bằng, văn minh, giàu mạnh. Ví dụ cụ thể: Nhật và các nước Bắc Âu. Hãy xem hàng năm chúng tôi đối mặt bao nhiêu thử thách, từ bão tố, động đất, đến cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Kết quả là chúng tôi ngày càng mạnh mẽ hơn. Đó là điều một mảnh đất lành không thể đem lại cho con người”.
Bốn giờ kém mười lăm. Thủy thủ cùng trực với tôi đã xuống gõ cửa phòng thuyền phó nhất và một cậu thủy thủ khác để chuẩn bị giao ca. Tàu đang lướt qua eo Luzon nối liền biển Đông nhơ nhỡ và Thái Bình Dương bao la bất tận. Chúng tôi chở gỗ quý khai thác từ những cánh rừng nguyên sinh tại thế giới thứ ba đến cảng Himeji, cách Kobe không xa.
Mấy ngày vừa rồi bản tin hàng hải dự đoán sắp có bão từ. Những vết đen của vầng thái dương sẽ dịch chuyển, co lại hay phình ra. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến từ trường trái đất. La bàn con quay vẫn ổn định nhưng la bàn thường để tham chiếu thì không tin được nữa. Trách nhiệm của tôi là phải bàn giao vị trí chính xác của con tàu trên biển cho ca sau. Sai một ly, đi một dặm. Không cẩn thận tàu chệch hướng, cái tổ quốc có thời hạn tôi đang làm lính đánh thuê này sẽ đối diện nguy cơ đâm phải đá ngầm, buông neo dưới thủy cung.
Tôi chưa buồn ngủ. Có lẽ tôi sẽ ra cánh gà bên phải buồng lái ngồi chơi, chờ ngắm mặt trời lên. Bình minh trên biển dịu dàng lắm. Không cần kính bảo vệ mắt, tôi vẫn quan sát được những vết đen hoạt động theo chu kỳ hàng trăm năm. Chẳng rõ điểm mù thị trường có ảnh hưởng đến hình ảnh trung thực của sự kiện thiên nhiên kỳ thú này không.
Tôi từng quả quyết nhóm người giả Nhật, giả Sing xung quanh mình có những vết đen, những điểm mù trong nhận thức. Không hiểu sao lúc này tôi lại phân vân. Có không những điểm mù, những vết đen, những khuôn sáo, những ngộ nhận và cạm bẫy của diễn ngôn tồn tại trong tôi?.
Thảo Điền, 2008
Trương Thái Du
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...