Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Ma trong truyện ngắn Nguyễn Hải Yến

Ma trong truyện ngắn
Nguyễn Hải Yến

Tôi biết Nguyễn Hải Yến một cách tình cờ từ truyện ngắn của chị in trên một vài tờ báo, tạp chí văn chương, và chú ý đến cây bút này khi biết chị là đồng hương Hải Dương. Một thời gian dài công tác tại Hội VHNT, tôi thường có thói quen tìm kiếm những cây bút trẻ, những gương mặt văn chương mới của địa phương. Nhưng chưa khi nào tôi đọc Yến. Chưa khi nào tôi biết đến văn Yến. Sau này, khi có trong tay tập truyện ngắn đầu tay của Yến, tập “Quán thủy thần” (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019), đọc đôi dòng giới thiệu ở phần bìa gấp của sách, tôi mới biết Yến viết văn chưa lâu, chỉ từ 2016. 2016 cũng là năm tôi chuyển công tác, rời Hội VHNT.
Yêu văn dẫn đến mến người. Nhưng cũng lâu lâu sau tôi mới gặp Yến ngoài đời thực, trong buổi họp các cây bút văn xuôi của Hội VHNT tỉnh Hải Dương. Tôi đọc văn Yến khi chưa biết gì về Yến, và nung nấu ý định viết bài về truyện ngắn của Yến. Chính bởi vậy, khi quen biết rồi, những câu chuyện giữa chúng tôi cũng toàn chuyện tầm phào không liên quan đến văn chương. Tôi không muốn hỏi gì tác giả về chính những tác phẩm được họ viết ra, bởi lẽ khi tìm hiểu kỹ, biết đâu ngòi bút của mình cũng vô tình bị chi phối. Tôi muốn độc lập trong quá trình thưởng thức văn chương.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đọc “Quán thủy thần” của Yến là những câu chuyện nhà quê, giọng điệu của người kể chuyện quê và những nhân vật nữ đầy ám ảnh. Khi đọc đến tập thứ 2 của Yến, tập “Hoa gạo đáy hồ” thì tôi thêm ám ảnh với những nhân vật ma của Yến. Trong văn Yến, một “thế giới ma” hiện lên sinh động, quyến rũ và cả thân thuộc nữa.
Cần phải khẳng định ngay rằng Yến không định sáng tác những chuyện liêu trai, không định quyến rũ người đọc bằng sự tò mò về thế giới ma quái, tâm linh mặc dù trong nhiều truyện ngắn của Yến, ma là nhân vật chính. Yến viết về đời sống thực, về những chuyện quanh mình, thân thuộc, ngày ngày hàng giờ hiện hữu quanh cô, quanh chúng ta, nhưng lại nhiều sự hiện diện của những nhân vật ma. Dường như với Yến, không có sự cách biệt âm dương. Thế giới âm cũng là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Những “con ma” cũng là một phần của cộng đồng, một phần tất yếu của đời sống con người. Những truyện có nhân vật chính là ma có thể kể đến: Đi giữa trời xanh mây trắng; Phía trước nhà có giàn mơ dại; Dành dành cánh kép (Trong tập “Quán thủy thần”); có những truyện ma chỉ là nhân vật phụ, nhưng lại dẫn dắt cả mạch chính của truyện để từ những nhân vật ma này phát lộ toàn bộ mọi yêu thương, hờn giận, mong chờ… của con người, như các truyện: Cây mẫu đơn hoa trắng; Quán thủy thần (Tập “Quán thủy thần”); Đò chờ, Cửa sông Thiên Đường; Hoa gạo đáy hồ; Bồ kết về đồng (Tập “Hoa gạo đáy hồ”). Có truyện chỉ có một nhân vật ma, như Phía trước nhà có giàn mơ dại ma là “một cô gái. Còn trẻ lắm. Chỉ chừng ngoài hai mươi tuổi (…) ánh mắt trong thăm thẳm nhưng buồn hoang hoải (…) Cô ấy bị tai nạn. Không giấy tờ, không người thân nên nhà chùa mang về cho nương nhờ”. Trong Đi giữa trời xanh mây trắng, ma là một bào thai bé gái không được sinh ra, vì người cha gia trưởng và độc ác không muốn có thêm bất cứ đứa con gái nào sau khi người vợ đã sinh hai cô con gái tội nghiệp… Nhưng có truyện, nhân vật ma đông đúc, tạo thành cả một thế giới, một tập thể, như truyện Hoa gạo đáy hồ. Trong “thế giới ma” ấy, có cả già trẻ, gái trai, lớn bé, đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, mọi gương mặt, hình hài. Họ là những người đã gửi lại nắm xương tàn nơi lòng hồ thủy điện trong công cuộc dựng xây vĩ đại của đất nước. Người còn sống dắt díu nhau di dân, nhường làng mạc, nhường quê cha đất tổ, nhường bờ xôi ruộng mật cho hồ thủy điện. Những người đã khuất nằm lại lòng hồ. Mỗi năm một lần, vào đúng ngày hội làng thuở trước, những hồn ma lại nô nức trẩy hội.
Những nhân vật ma trong truyện của Yến đa phần là nữ. Họ ở đủ lứa tuổi. Có bé gái còn chưa được sinh ra (Đi giữa trời xanh mây trắng). Có cô gái trẻ chưa kịp làm cô dâu (Dành dành cánh kép; Hoa gạo đáy hồ); chưa kịp có cho mình những hò hẹn đầu tiên (Phía trước nhà có giàn mơ dại; Cây mẫu đơn hoa trắng), có người mẹ trẻ còn đang ấp ủ con thơ (Quán thủy thần; Cửa sông Thiên Đường)… Họ luôn là những số phận mong manh nhất, đáng thương nhất, trước khi chết đã phải gánh chịu đủ mọi bi kịch của cuộc đời. Nhưng dù có phải chết đi, họ vẫn luôn yêu tha thiết cuộc đời, vẫn nặng lòng với cuộc sống trần gian. Khi còn sống và cả khi đã chết, họ đều là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất, nhân hậu và thánh thiện nhất. Khác với những truyện liêu trai, ma chỉ là ma, ma trong truyện ngắn của Yến cũng có thân phận, có tâm trạng, có biết bao nỗi niềm tâm sự. Họ, dẫu có chết đi rồi cũng vẫn là những con – người – cụ – thể, vẫn là những sinh linh với bao tình cảm, khát vọng, ràng buộc với cuộc sống trần gian. Bào thai bé gái dẫu bị bứt lìa khỏi mẹ thì “linh hồn bé bỏng nương trên vai mẹ, nghe mẹ gọi, theo về”; “Mẹ đã đi tìm con suốt mấy năm rồi, con không xa mẹ được đâu … Con luôn ở bên cạnh mẹ mà. Mẹ ở chỗ nào là con ở đấy. Chỉ tội con bé quá, không che chở được cho mẹ mà thôi” (Đi giữa trời xanh mây trắng). Người chị gái trong truyện “Cây mẫu đơn hoa trắng” dẫu có bị ép chết, làm con ma trinh nữ, thần giữ của cho nhà giàu, thì trước khi chết vẫn cố “nhẩm trong đầu tên thầy u, tên anh … nhắc mình cố nhớ. Nhớ về giếng nước đầu hồi cách hai trăm bước hướng tây, nhớ bậc hè có đống sỏi trắng chơi ô ăn quan chạm vào nhau lách cách”, rồi hóa thân thành cây dành dành hoa trắng, đêm ngày  thủ thỉ cùng em gái. Rồi cả một cộng đồng ma trong Hoa gạo đáy hồ, nhớ ngày hội làng, nô nức về chốn xưa trảy hội. Nhưng trảy hội mùa hoa gạo nở như máu ứa không chỉ có những hồn ma. Có cả những người vợ chờ chồng cả kiếp, mỗi năm chỉ gặp nhau một lần vào ngày âm dương giao hòa trong hội. Có người yêu đợi gặp người yêu… Không phải chỉ ma đi tìm người mà còn cả người đi tìm ma, người đã sống tìm người đã khuất. Là đứa con đi tìm lại mẹ nơi cửa sông Thiên Đường, nghe nói mỗi năm chỉ mở một lần, nơi “có thể gặp người chết rồi ở đấy” (Cửa sông Thiên Đường); là chú Thụ đi tìm lại cô Mẩy, cô y tá người Mông ở trạm phẫu tiền phương trong chiến tranh biên giới phía Bắc đã cùng chú hẹn thề: “Chiến thắng nhớ quay về. Em chờ anh rồi mình đi khắp Hà Giang” (Bồ kết về đồng). Nhưng cô Mẩy đã hy sinh, và chú Thụ dành cả quãng đời còn lại để đi tìm.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Tất cả những nhân vật ma của Yến, vì còn yêu, còn gắn bó tha thiết với cuộc đời, với con người ở cõi trần gian, nên đều tha thiết kiếm tìm. Những cuộc kiếm tìm cảm động từ hai cõi. Ma với người dẫu âm dương cách biệt, nhưng tình yêu, sự gắn bó  lại xóa nhòa khoảng cách đó, xô vỡ mọi ranh giới sống chết, âm dương. Nhân vật ma nào cũng xuất hiện trong bối cảnh cuộc tìm kiếm đầy cảm động. Và ở cả hai phía, người còn sống hay người đã khuất, những kiếm tìm, chờ đợi, mong ngóng đều tha thiết như nhau. Cô gái trong Cửa sông Thiên Đường đánh cược tính mạng mình, tìm đến tận cửa sông “nơi linh hồn người chết tụ hội trước khi lên chầu trời. Ta có thể gặp người chết rồi ở đấy (…) vào trong kia duy nhất có một con đường, dân trong vùng gọi là tử địa. Đường ấy mỗi năm chỉ mở một lần, mỗi năm đổi một hướng vì núi không đứng yên bao giờ”. Cô đi tìm mẹ, bởi “em nghe nói ở đây có cửa sông Thiên Đường, có thể gặp người đã chết. Mà mẹ lại theo người làng đi chặt luồng thuê trên này… Nếu mẹ mất rồi em cũng mong một lần được gặp”. Chàng trai dẫn đường cho cô đi đến cửa sông cũng đau đáu chờ một người đã khuất “tìm một người con gái. Bất kể còn sống hay đã chết. Quỳ dưới chân xin cô ấy tha thứ rồi bỏ tất cả, đưa cô ấy lên thuyền xuôi về hạ lưu…”. Cô gái trong “Dành dành cánh kép”, dẫu không còn trên trần gian nữa, vẫn cứ ngày đêm theo mùi hương dẫn lối đi tìm chàng trai của cô, để khi tìm thấy nhau thì “từ giờ anh ở đâu em ở đấy”.
Ma trong văn Yến không chỉ nặng tình nặng nghĩa, quấn quýt, thiết tha với cõi trần gian như không khoảng cách mà còn là những con người rất đẹp, rất tài hoa.Và những nhân vật ma ấy luôn xuất hiện cùng  hoa, cùng hương, là những tinh túy của đất trời. Cô Mẩy trong Bồ kết về đồng gắn với hương bồ kết mùa đầu. Người chị chết trẻ trong Cây mẫu đơn hoa trắng gắn với ‘một miền trăng mênh mang sáng” và “cây mẫu đơn loang màu hoa trắng lẫn vào sương”. Cô gái chết trẻ trong “Dành dành cánh kép” gắn với “cây dành dành cánh kép. Trọn vẹn suốt tháng cuối xuân sang hè bung trắng muốt  một màu hoa. Hương thơm loang dài trên sóng, ru ngủ cả một triền đê lộng gió bốn mùa”. Hồn ma cô gái trong truyện Phía trước nhà có giàn mơ dại gắn với “giàn mơ dại hoa nở từ đầu hè lan sang hết mùa thu… những dây hoa bé bỏng xòe cánh hình chuông như hạt bắp biến màu, lấm tấm những nụ nhỏ như hoa cau trắng – những bông hoa cánh diềm xếp hình công chúa”. Và những hoa, những hương ấy lại vô cùng giản dị, dân dã, gắn bó với cuộc sống thường nhật chốn làng quê như hoa gạo, hoa mơ, hoa dành dành, mẫu đơn, hương trà, hương rượu. Những giản dị, dân dã cất lên thành tinh túy. Màu sắc liêu trai trong truyện ngắn có nhân vật ma của Yến, chủ yếu nằm ở hương, ở hoa vấn vít chứ không phải ở bất cứ chi tiết hoang đường, rùng rợn hay ly kỳ nào. Những hồn ma trong văn Yến đều là cái đẹp thoát xác từ cuộc sống.
Hai cõi âm dương trong truyện ngắn của Yến hầu như không thể tách rời. Người âm, người dương không chịu chia lìa đôi ngả. Họ vẫn tìm nhau. Vẫn đợi nhau. Kiên tâm và chung thủy. Họ vẫn yêu nhau, dù còn sống hay đã chết. Họ vẫn gặp nhau, dù chỉ mỗi năm đằng đẵng gặp một lần. Họ vẫn giữ lời thề, lời hứa, lời hẹn. Là ma mà vẫn yêu tha thiết cõi trần. Người còn sống vẫn nhớ thương, đợi gặp người đã khuất. Có những cuộc kiếm tìm lay động đến cả cõi âm, như chú Thụ trong truyện “Bồ kết về đồng” quanh năm làm lụng kiếm tiền chỉ để “mỗi năm một lần khăn gói lên đường một chuyến tìm người… Mấy chục năm trời như thế.. Những cuộc thiên di của chú thường bắt đầu từ giữa tháng Mười khi gió trở lạnh kéo trời hanh vật khô và kết thúc khi xóm làng rậm rịch cúng ông Công ông Táo. Cảm động trước tình yêu chung thủy ấy, những hồn ma hàng xứ chết trận cũng dốc công tìm kiếm giúp, để rồi cuối cùng, họ đã tìm được cô Mẩy về cho chú Thụ: “Cô Mẩy hiện ra từ quầng sáng bên thềm, tay che ô, mũ mới, váy áo mới bắt ánh sáng lấp lánh. Cô cười. Đêm lùi lại đằng sau”.
Không chỉ cô Mẩy, nhân vật ma nào của Yến cũng hiển hiện rõ ràng, sinh động và xinh đẹp, cụ thể đến từng chi tiết nhỏ. Hai thế giới âm và dương hòa quện vào nhau, không hề có sự khác biệt nào. Thế giới âm cũng đầy màu sắc, sinh động như thế giới trần gian. Người đã chết với người còn sống vẫn yêu nhau, thân thiết với nhau, là bạn tâm giao, tri kỷ của nhau, tìm gặp nhau để tâm sự vui buồn. Trong những chuyện Yến viết có nhân vật ma, đương nhiên cái chết cũng được nhắc đến, nhưng chỉ nhắc rất nhẹ, thoảng qua. Yến không miêu tả nhiều về cái chết. Nó chỉ như một bước chuyển tất yếu, để con người nhẹ nhàng bước từ phía này cuộc sống sang phía bên kia. Cái chết không đáng sợ trong văn Yến. Thậm chí, cái chết còn như một sự giải thoát cho những đớn đau, bầm dập của kiếp người. Ở cõi trần ngổn ngang còn nhiều độc ác, hận thù, sang đến thế giới của ma là một cõi chỉ có hương hoa thanh sạch với sự nhân ái, bao dung, chung thủy. Cho nên, ngay cả những hồn ma tàn quân chết trận xứ người cũng trở nên đáng yêu, đáng trọng!
Tôi cứ có cảm giác khi Yến viết văn, cụ thể là viết về những nhân vật ma, là khi Yến vừa trải qua một dấu mốc đáng nhớ của cuộc đời. Mà ở dấu mốc ấy, ắt hẳn Yến đã phải đối mặt rất gần với cái chết, buộc phải suy ngẫm về cái chết rất nhiều. Và những trang văn được viết ra từ sự suy ngẫm ấy. Những trang văn được viết ra để Yến rút ruột ký thác tất cả tình yêu với cuộc đời này. Rất có thể, đó chỉ là những võ đoán của tôi. Nhưng từ những trang văn của Yến, từ những nhân vật ma của Yến, thông điệp gửi đến cuộc sống rất rõ ràng: hãy yêu thương nhau khi còn có thể! Tình yêu luôn bất tử! Tình yêu dài lâu hơn sự sống! Và tình yêu có thể kéo gần mọi khoảng cách, xóa bỏ hết mọi hận thù, buồn khổ!
Hà Nội, 31/3/2021
Nguyễn Thị Việt Nga
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Con rồng chữ Xe đò khởi hành. Ăn xong cặp bánh dày dai nhách nhưng chắc chắn sẽ no lâu, tôi loay hoay tìm chỗ vứt hai vuông lá chuối n...