Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Hồn phố

Hồn phố

Em quê ở đâu?
- Em không có quê. Từ thời ông bà nội ngoại, gia đình em đã định cư tại Sài Gòn.
Anh không biết nói tiếp điều gì nữa. Chẳng lẽ lại yêu cầu “Em kể về Sài Gòn cho anh nghe nha”. May quá, cô nở nụ cười hồn nhiên giữa khoảng lặng.
Trong ngôn ngữ của nhiều người như anh, quê là nơi chốn thân thương không có nhà lầu. Bao lần anh từng hứng thú với những câu chuyện xã giao về một dòng sông, mái rạ, tán dừa… Bây giờ, để thích nghi, anh cố nhớ đến các hình ảnh mờ nhạt nhất về phố thị trong mình.
- Năm đó anh sáu tuổi thì phải. Đúng rồi, cảnh phim tài liệu: Xe tăng giải phóng nghiến xích xuống mặt nhựa. Nam thanh nữ tú quần tây, áo dài đứng chật hai bên đường vẫy chào bộ đội. Nhà cao ngước nhìn chắc rơi cả mũ.
- Ngày ấy em còn ẵm ngửa. Mọi nguời chen chân ngoài ban công lầu một. Nghe kể vui ơi là vui – Hai lúm đồng tiền của cô khá đều – Căn chung cư xập xệ bên cầu Thị Nghè đã bị đập bỏ. Nếu hướng vào trung tâm, vừa qua cầu, bên tay phải, góc công viên có mấy gốc bằng lăng non là nền nhà cũ của em đấy.
Khởi sự bằng câu hỏi “Em quê ở đâu?” ấy, cô và anh chóng vánh trở thành bè bạn thâm tình. Tiếng cười của cô lúc nào cũng dài hơn mươi phút giải lao dọc hành lang lớp đêm đại học ngoại ngữ tại chức.
Anh chưa bao giờ xấu hổ vì mình là một gã “quê quê”. Anh học trễ, nhà lại nghèo. Lên trung học phổ thông, anh bắt đầu nghe ngóng đám thanh niên li nông thỉnh thoảng lễ tết về làng kể chuyện thiên đường phố xá. Anh cũng mê điện ảnh “mì ăn liền” đang nở rộ, không phải vì hay ho gì, nó chuyển tải nhiều đại cảnh thị thành. Truyền hình chiếu mấy phóng sự báo động nỗi khổ người lao động nhập cư. Chẳng nao núng, anh còn láu cá vun vén được ít kinh nghiệm. Lớp 11, anh bỏ học theo gót một người cùng xóm vào Sài Gòn kiếm tiền bằng nghề phụ hồ.
Ngày anh đi, cha yếu lắm rồi. Ông căn dặn: “Chưa có bằng tú tài cũng kể như thất học. Chúc con chân cứng đá mềm, nghĩ đến cha thì gắng vừa làm vừa học con nhé”.
Mất chín năm anh mới thực hiện xong di huấn của cha. Hiện anh đủ sống với công việc của một nhà thầu xây dựng nhỏ lẻ.
- Em nằm trong nhóm thiểu số người Sài Gòn không giữ hồn quê.
- Càng ngày phố thị càng đậm đà màu “thương nhớ nhà quê”.
- Suốt dòng lịch sử, Việt Nam chưa có thành phố nào ra đời bởi nhu cầu kinh – thương thuần túy hoặc thể hiện đầy đủ chức năng đô thị. Phố Hiến và Hội An là hai trường hợp chết yểu cá biệt, dù nó mang nặng yếu tố ngoại lai.
- Vì lẽ đó, người nhập cư luôn mơ ước sở hữu một quyển sổ hộ khẩu?
- Con đường đi đến công bằng quá gian nan. Trong khi mỏi mòn chờ đợi hồng ân của nhận thức, nên dốc sức thu lượm tinh hoa khoa học kỹ thuật và nhân văn, hoặc nói cách khác là phải tiêu hóa gấp những điều mới mẻ. Dĩ nhiên làng quê cũng có sự học của nó. Chẳng hạn thứ vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc như “Mùng một lưỡi trai – Mùng hai lá lúa..”.
- Thiên hẳn về quan sát, tích lũy chứ ít sáng tạo, đào sâu nghiên cứu ở tầm lí luận. Tiến trình dung nạp quê - phố, tình - lí rất cần thời gian. Đó chính là căn nguyên những bất cập đô thị hiện nay.
- Em hay cằn nhằn về tinh thần thượng tôn pháp luật kém cõi, ví như trong giao thông. Đúng nhưng chưa đủ. Các cách đoạn thời gian bị nô lệ nghiệt ngã trong quá khứ, cũng khiến việc coi thường pháp luật nhà nước trở thành một phần tâm thức Việt.
- Xưa tiền nhân bảo tồn giá trị Việt trong làng xã. Nay không khéo ta lại chết chìm nơi ao tù bảo thủ nông choèn của làng xã không chừng! Sự thật là văn minh nông nghiệp đang chi phối hành xử phố phường. Thật trái khoáy!
Cô là một tiểu thư đô thành điển hình. Xong tấm bằng cử nhân kế toán, cô chọn một công việc mưu sinh nhàn nhã tạm thời. Rảnh cô đi học nấu ăn, cắm hoa. Sáng cô tập thể dục, chơi vũ cầu trong công viên, và dĩ nhiên tối cô đến lớp ngoại ngữ.
Khác hẳn anh, tuổi thơ cô không có cỏ cây, bờ bụi hoặc những góc sân đất nện bắn bi, đánh khăng, nhảy dây, chơi chuyền... Người lớn hay khóa trái cửa khi bắt buộc phải để cô ở nhà một mình. Thậm chí họ còn dập tắt mọi phản ứng yếu ớt của cô, bằng vô số lời hù dọa thường xuyên về trộm, cướp hay những ông kẹ, mẹ mìn gớm giếc.
Thỉnh thoảng gia đình hay kể lại câu chuyện mộng du bàng bạc của cô năm nớ: Nàng tiên nhỏ mặc chiếc đầm xanh nhạt in hoa trắng. Trong giấc ngủ đầy ảo mị, nàng bước qua tám bậc thang gác chông chênh và đến bên vòi nước máy. Nàng cố hứng nước vào hai chai rượu mẫu nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, thứ đồ chơi nàng đang ưa thích. Nàng đã dùng dăm giọt nước hiếm hoi lọt được vào chai để... rửa chân.
- Cỗ máy khoan khổng lồ kia đang khoét bể xử lí nước thải phải không? – Cô hỏi anh.
Họ đang ngồi trong quán cà phê Nhiêu Lộc. Anh dùng một ly đen nguyên chất sóng sánh váng bơ, còn cô luôn chọn cam vắt thật ít đá và đường. Dòng kênh đã được kè chắc chắn, uốn lượn như một con rồng.
- Đây là dự án viện trợ phát triển thì phải. Dăm mùa mưa nữa ta sẽ thoải mái câu cá thư giãn. Còn bây giờ có lẽ bèo, máy lọc sinh học tí hon của tự nhiên cũng chẳng sống nổi.
- Anh sai rồi. Xưa, khi dòng kênh chưa được nạo vét sâu rộng, có hẳn một đoàn quân lao động nhem nhuốc, hằng ngày mưu sinh bằng cách dầm mình trong dòng nước đen ngòm. Họ đãi trùn chỉ, giúp duy trì những bể cá cảnh rực rỡ ánh đèn nê ông màu, giữa rất nhiều phòng khách sang trọng trên phố.
- Anh không ngờ em rành rẽ Sài Gòn đến vậy!
- Ôi, còn rau muống nữa chứ. Trước, nơi đây bạt ngàn rau muống thủy sinh. Không có chỗ cho hoa lục bình đâu. Dạo nọ đi chợ phải tránh những bó rau mơn mởn lạ thường. Rau muống kênh Nhiêu Lộc tốt lắm nhưng chỉ dành cho chăn nuôi, hiếm ai dám ăn.
Mùa gặt cuối thu, anh mời cô về quê chơi. Cánh đồng chiều chỏng chơ gốc rạ. Mấy đống rơm ung tỏa khói lam là đà mặt đất. Như thuở thơ bé, anh dang tay làm cánh đè gió, mắt đắm vào mây trời và chạy thật nhanh, như muốn hóa thân thành một con diều. Anh thuộc nằm lòng những mô đất, bụi cỏ trên bờ ruộng mỏng tang này, nên không hề vấp ngã.
Anh chỉ dừng lại khi biết bóng cô sắp lẫn vào hàng cây cuối thôn. Chụm tay anh gọi tên cô. Thanh âm loang vào không gian, nhưng hình như không cộng hưởng được với tần số thính giác của cô. Vẫy mũ thật nhiều cũng vô ích. Cô đứng như được trồng tạm đầu bờ ruộng, và vẫn phải cố gắng giữ thăng bằng.
- Em không nghe anh gọi sao?
- Em sợ ngã – Cô gượng cười.
- Thằng bé này xưa nghịch lắm – Anh chỉ vào ngực mình - Nhất là mùa gặt, trước mỗi bữa cơm tối mẹ hắn đều phải ra đây ời ợi réo gọi.
- Cảnh vật nào làm chứng cho mối tình đầu của anh?
- Chắc em nghĩ là đống rơm? Gần như đơn phương thôi. Nàng hoa khôi ấy đã xuất giá theo gã đại gia phố biển. Chiếc xe hơi đời mới chở nàng thảng hoặc về làng, luôn là chủ đề có sức khơi gợi và tưởng tượng lớn lao.
- Người ta chẳng thèm nhớ ai là bệnh nhân bị hội chứng suy giảm miễn dịch đầu tiên?
- Em thấy quê anh ra sao?
- Du lịch có hướng dẫn viên bản xứ, tất nhiên quá thú vị rồi.
Đêm. Đường làng tranh tối tranh sáng. Bản hòa ca nỉ non của côn trùng làm cô não nuột thốt lên: “Buồn chết được!”. Như thể lấy tiếng hát át nỗi niềm, cô nghêu ngao: “Em còn nhớ hay em đã quên. Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng… Phố bỗng là dòng sông uốn quanh…”.
- Em nhớ phố nhanh thế? “Triết học” Trịnh Công Sơn phải chăng là đặc sản phố?
- Chưa hề nhé – Cô lắc đầu - Tiệc đứng “Khẩn hoang nam bộ” hoặc các “Làng nướng, làng luộc” chén chú li anh bù khú, may ra có thể xem xét.
- Em sẽ trở lại nơi này?
- Làm kinh tế trang trại ư?
- Người nhà quê chân chất, họ tỏ tình bằng lời cầu hôn.
- Họ không dám sống thử? - Nét mặt cô đầy vẻ nghịch ngợm – Anh và em là một đôi đẹp đấy nhưng bình lặng lắm. Từng tuổi này em vẫn chưa biết rung động là thế nào. Hơn nữa, không chung miền ký ức sẽ rất nhàm chán, hay mâu thuẫn lẻ tẻ và thường vô tình xúc phạm nhau. Chúng ta đã, đang và mãi chỉ là hai người bạn kể chuyện lạ cho nhau nghe.
- Thành đô hôm nay chẳng mang ký ức phố ra hồn, vì những xáo trộn bể dâu, vì nó nhỏ nhoi giữa một nền văn minh nông nghiệp lâu đời. Nhưng ai dám nói nó không năng nỗ đi tắt, đón đầu?
- Truyện của Vũ Trọng Phụng so sánh với phở dễ hơn so sánh với bún.
- Tồn tại cái gọi là “mẫu số thị dân”?
- Một lần em nghe lỏm các quí ông bình phẩm vợ thành, vợ tỉnh, vợ phố, vợ quê... Kết luận của họ cực kì võ đoán bởi sự đồng hóa nền tảng.
Anh không đánh đu sự vô vọng đã lường trước. Nửa mái nhà là món quà giá trị nhất, anh sẵn sàng trao tặng cho người bạn khác giới tuyệt vời này. Tấm chân tình đồng vọng mãi những hôm mai, dù từ nay họ chỉ chung một mảnh trời thành phố.
- Thi thoảng đi khỏi Sài Gòn đôi ba bữa, anh rất nhớ, nhưng thú thực nỗi nhớ quá mơ hồ.
- Anh biết mỗi lần qua cầu Thị Nghè em thấy gì không?
- Con sông nhỏ trong xanh trước khi có nhà ổ chuột?
- Nhà ổ chuột nhiều tuổi hơn em.
- Chịu thôi!
- Em không thể quên mùi bùn thối hắt lên buổi trưa nắng to, nước ròng… Rác rến của chợ Thị Nghè cả trăm năm, chắc dồn lắng hết xuống đó. Sợ nhỉ? Làm sao thi vị như hương cốm được?
- Em sắp làm thơ rác?
- Em có thể yêu rác nhưng luôn xem thường kẻ tự cho mình là rác, hãnh diện khoác khuôn mặt rác.
- Họ chỉ là những nạn nhân đáng thương. Họ mong không quá khó để nhận ra chính mình, giữa hàng triệu người ngược xuôi trên các con đường chật hẹp mỗi ngày.
- Hãy tỏ ra văn hóa hơn mấy tấc, bằng cách cố nuốt những ngẫu hứng rối rắm, nghe tên đã ù tai: “Nghệ thuật xắp đặt ngôn ngữ” hay “Siêu ngữ cảnh – siêu văn bản”…
Tuần sau cô và anh nhận bằng tốt nghiệp. Anh dự định nâng cấp cơ sở làm ăn của mình thành công ty trách nhiệm hữu hạn, hòng tiếp cận các nhà thầu chính người nước ngoài. Cô đã làm đơn xin việc gửi đến vài văn phòng tráng lệ, chót vót trên những cao ốc. Đương nhiên con cháu họ sẽ sẻ chia cùng một hồn phố. Chỉ có điều, chẳng ai dám bảo đảm chúng lại tâm sự với nhau bằng tiếng mẹ đẻ rặt ròng, và không mượn thơ rác gạ gẫm chăn gối hoặc tỏ tình.
Thung lũng Đa Thiện - Đà Lạt, 4/2006
Trương Thái Du
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  TỰ THOẠI TRONG ĐÊM Tôi đau đớn rạch vào thời gian gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Tôi từ biệt một phần quí báu của của tuổi trẻ. Tô...