Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

Phan và Nguyễn

Phan và Nguyễn

Lời giới thiệu của tác giả: Nguyên tác truyện có tên là "Phan và Nguyễn" nhưng sợ phạm húy nên đã được báo Văn Nghệ số tết Tây (1/2008) biên tập thành "Phan và Chương". Tôi viết truyện này trên nguyên mẫu đời thực một blogger đã bị remove khỏi friendlist chưa lâu. Với tất cả những gì đã biết về blogger này từ thuở sinh viên, tôi dè dặt cho rằng anh ta đang đầu cơ chính trị... Tôi sợ những gào thét "dân chủ, dân quyền, pháp quyền..." của những người như thế.
“Thằng khốn – Mày tới đây làm gì nữa” – Một tay Nguyễn túm cổ áo, một tay vung lên dấm dứ vào mặt Phan. Thoáng chút bối rối rất khó thấy gợn qua mắt Phan, sau đó là nụ cười: “Đánh đi. Tặng thêm tao một vết sẹo ở đuôi mắt trái nữa cho cân xứng. Đấm cho chuẩn vào.”
Nguyễn thở hắt ra rồi đẩy Phan đổ bật vào vách tường. Không cần nhìn, Nguyễn vẫn biết đuôi mắt phải Phan đang giật. Cái sẹo ấy thật sự gần gũi với Nguyễn hơn cả nốt ruồi son trên ngực Lâm, vợ cũ của Nguyễn. Năm thứ hai đại học Luật, chỉ vì lời chọc ghẹo “quá thân mật và suồng sã”, Nguyễn đã nhẩy từ tầng trên xuống tầng dưới chiếc giường sắt ọp ẹp của hai đứa và trấn cho Phan một cùi chõ. Không may Phan va đầu vào song sắt.
Cách đấy nhiều tuần, biết Nguyễn chống chếnh vì vợ ngoại tình, Phan cố kéo Nguyễn đi nhậu “gà móng đỏ”. Hắn luôn miệng quảng cáo ả buôn trôn vừa qua tuổi vị thành niên và rất “ngon lành, sạch sẽ”. Xe honda dừng trước căn phòng trọ nhỏ giữa xóm lao động nhập cư. Trước mắt Phan và Nguyễn là mâm cơm ba khẩu dang dở. Người đàn ông hom hem dù chỉ cỡ bốn mươi vội đứng dậy dọn góc chiếu mời Phan và Nguyễn ngồi. Hai bát cơm vơi gần nửa, cùng rau dưa đạm bạc bị gom lại cất vào trong. Bát còn lại là của bé trai còi xương cỡ hơn mười tuổi. Cậu nhanh tay ém một thìa cơm to, gắp thêm chiếc đầu cá biển bằng ngón chân cái, rồi lủi ra sân như chú chuột nhắt tinh khôn. Giọng thuốc rê cố làm ra vẻ tự nhiên: “Ba qua chú Sáu đây. Hồi chiều chủ nhà thưởng cả nhóm thợ hồ mấy chục mua rượu đế…”.
Cửa đóng, rèm kéo. Để xua đi không khí nặng nề, Phan pha trò: “Bé Hai vô đánh răng nghen. Tụi anh bị bệnh tiểu đường, xong việc cũng phải xài PS ngừa sâu răng đó”. Phan nhường Nguyễn vào trước. Chiếc ri đô trơn tuột phong tỏa tấm nệm xẹp lép đặt cạnh khoang nhà tắm không gắn cửa. Chăn gối cáu bẩn tương phản hoàn toàn với mảnh dra ố trắng hình như vừa được thay. Cô gái gầy gò, mặt non choẹt, ánh mắt vô hồn. Người Nguyễn lạnh toát.
Thấy Nguyễn bước ra Phan lắc đầu: “Gia vị không đủ thơm hả?”. Chẳng buồn trả lời, Nguyễn lẳng lặng lách cửa cái đi bộ đến đầu hẻm. Có vẻ cuộc mây mưa hơi lâu. Khi Phan trờ xe máy đến, Nguyễn đã nôn xong. Hoa mắt, chóng mặt, Nguyễn chống tay vào hàng rào. Hắn như kẻ hoang tưởng, chăm chăm nhìn xuống mương nước thải khám nghiệm tim gan phèo phổi của mình vừa phóng xuất khỏi miệng.
Bạn đọc đừng lý tưởng hóa Nguyễn là người tốt với thông tin ít ỏi ở trên. Nguyễn từng bảo những thứ xấu xa nhất thuộc về con người không hề lạ lẫm với hắn. Do đó hắn không xem chuyện ăn bánh trả tiền dính dáng đến phạm trù đạo đức. Nguyễn biết ở Nhật hay Hà Lan gì đó, mại dâm là ngành nghề có môn bài, có trợ cấp xã hội.
Tuy thế, hình ảnh bẽ bàng kia làm Nguyễn choáng mất mấy tháng, cạch hẳn chợ người, dù hắn đã ly thân vài quý và ly dị sắp xong. Sự cố cũng chưa đủ trầm trọng để chia rẽ tình bằng hữu giữa Nguyễn và Phan. Hay hớm hơn, nó còn tình cờ trở thành dấu mốc ghi nhận hướng lối không song song của hai con người bắt đầu bước vào tuổi nhi lập. Ngay sau đó, chẳng hẹn nhưng Phan và Nguyễn cùng chấm dứt kiếp làm thuê. Họ tích cóp chưa nhiều nhưng tạm đủ vốn liếng và kinh nghiệm để độc lập vào đời, tự trả lương thưởng cho mình.
Phan mạnh mẽ dấn thân cùng thời cuộc. Hắn mở công ty riêng, sẵn sàng đối đầu với mọi thử thách. Lên voi, xuống chó. Bạc mặt vẫn dính lọc lừa. Trắng mắt chưa hết sa chân cạm bẫy. Hú vía, dăm năm sau hắn đã có xe hơi và hơn chục nhân viên dưới quyền. Công ty Luật tuy ọp ẹp, nay đứt hợp đồng, mai chậm lương khất thưởng song Phan luôn lạc quan trào lộng như Kim Thánh Thán: Vận hoạn may nhiều rủi ít, gia đình ghen tuông hạnh phúc, tự hào kiến thức, tư tưởng cả cao, lắm thay thỏa chí.
Nguyễn chọn con đường khác Phan. Hắn mưu sinh bằng công thức riêng: “Không kể cục bộ, chu trình tăng giá bất động sản khởi sinh từ trung tâm và kết thúc ở ngoại vi”. Khi trung tâm đạt cực đại, Nguyễn không run tay dùng nhà mình làm vốn lưu động. Hắn đổi được ít nhất 3 mái tôn ngoại thành, lấy tiền cho thuê trả tiền thuê nhà. Trung tâm đóng băng kết hợp với đô thị hóa lan ra ngoại thành, Nguyễn dồn nửa tiền quay về trung tâm. Sau hai đợt sốt Nguyễn ung dung sở hữu một tòa lầu bề thế gần nội thành và dăm ba cơ sở vùng ven và tỉnh ven. Nguyễn thành ra an nhàn hơn Phan rất nhiều. Hắn tự cho mình quyền độc thân cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đứng bên lề dòng chảy của đời sống quan sát và tìm hiểu quy luật. Hắn cười vào mũi đám nhà báo và các loại chuyên gia cứ thấy nhà đất chuẩn bị cất cánh là cảnh báo ảo này ảo nọ. Nguyễn bảo không có gì thật hơn vì chưa bao giờ giá cả đi xuống. Nói chính xác đấy là quá trình phân hóa xã hội tất yếu…
Thỉnh thoảng Nguyễn và Phan cũng gặp nhau tại một bàn tiệc đông đúc nào đó. Vào thời điểm Nguyễn sở hữu nửa triệu Mỹ kim, còn Phan ít hơn số đó không nhiều, Phan mời Nguyễn ăn trưa. “Dạo này có đọc gì không mày?” – Nguyễn mớm mào câu chuyện nghiêm túc. Hắn cố gắng làm chủ tình thế bên bàn nhậu lổm ngổm bia rượu, chỉ hứa hẹn những câu chuyện phù phiếm, ồn ào và vô bổ. “Nói về tự do, dân chủ, nhân quyền nhé.” – Phan thẳng vào vấn đề. Phan nói nhiều, nói dông dài và hùng hồn hơn Nguyễn. Là tác giả truyện ngắn, là người quan sát cuộc trao đổi sặc mùi cồn nọ, tôi không muốn tốn chữ thuật lời Phan. Bạn đọc chỉ cần nghe Nguyễn thôi, trong ấy chắc chắn có phản chiếu nội dung tràng giang của Phan.
Phan:…
Nguyễn: “Dân chủ là trái ngọt không hạt của xã hội văn minh. Lấy trái ấy chôn xuống đất, bón phân vọng ngoại và tưới bằng nước bọt văng ra từ cái miệng rủa xả thói tật bản địa, mong nó mọc lên một xã hội văn minh là trò hề mị dân rất rẻ tiền nhưng cực kỳ nguy hiểm”.
Phan:…
Nguyễn: “Các cuộc cách mạng không tạo nên bất ổn trường kỳ, không có chém giết, không đổ máu, không trả giá bằng những hy sinh đắt đỏ đến vô lý đã đang và sẽ diễn ra trong những xã hội vừa bước qua ba bậc thang: Dân sinh, dân trí, dân chủ. Tạm gọi là Tân tam dân.”
Phan:…
Nguyễn: “Phan Chu Trinh với Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Tôn Trung Sơn thì chủ trương Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Dân trí cao là đặc điểm của văn minh công nghiệp, văn minh tri thức”.
Phan:…
Nguyễn: “Đời sống của mày hết ý nghĩa, hết nơi dấn thân rồi sao? Tự huyễn với những giá trị ngoại lai, ngộ nhận sứ mệnh cao cả… Mày tưởng mình sẽ rất bảnh trai nếu được diện chiếc áo rộng thùng thình của lão hàng xóm xa nhưng giàu xụ ư?”.
Phan:…
Nguyễn: “Mày còn nhớ cái lần tao chở mày đến Viện điều dưỡng Bưu điện xông hơi không? Trước tấm bảng Xuống xe dắt bộ tao tắt máy. Mày hỏi sao không bon đại. Tao bảo tự do nào chẳng gánh vác trách nhiệm, ở đây là trách nhiệm hạn chế tiếng ồn cho bệnh nhân. Tao nghĩ mày chữa ngượng nên mắng tao đồng bóng. Như thế là tao rất tôn trọng mày. Mày có xứng đáng không?”.
Phan:…
Nguyễn: “Ngôn ngữ của mày đến rất gần chợ cá có khuyến mãi phim hành động Mỹ rồi đấy. Bạo lực thể hiện sự bế tắc…”.
Cả hai đều ngà ngà. Phan lái xe bốn bánh vòng qua xa lộ Đại Hàn để thả Nguyễn xuống một căn nhà nào đấy của hắn ở quận Chín.
Tắc đường. Đình công. Phan nhói lòng. Lơi chân ga, hắn chạy chầm chậm qua cổng một nhà máy liên doanh gia công. Là một ông chủ nho nhỏ, từng học kinh tế chính trị Marx – Angel, Phan thông thuộc khái niệm giá trị thặng dư, hắn thừa hiểu nguyên nhân cuộc đình công kia xưa như trái đất. Nhưng lần nào đọc báo thấy đình công hoặc vô tình một cuộc đình công nổ ra chắn đường đi làm, Phan đều hiếu kỳ tự hỏi bản chất thật của hiện tượng ấy là gì. Một lần Phan đã tự phong mình là Nhà báo tự do, trực tiếp tìm hiểu vấn đề và đưa lên blog. Vẫn là lương thấp, tăng ca triền miên, chế độ kỷ luật lao động khắc nghiệt, đời sống và sinh hoạt tù túng, tạm bợ, thiếu thốn, chỗ ở tồi tàn, công đoàn bảo vệ quyền lợi của công nhân bị vô hiệu hóa.v.v.. và.v.v.. Có điều Phan sơ sót hay cố tránh né: trên cương vị tư bản tại công ty mình, hắn đã áp dụng văn hóa kinh doanh chưa? Hắn thấy thoải mái khi trả tháng lương mười ba cho người lao động, hay từng lách luật và thu nhỏ nó lại thành chiếc phong bì lì xì hai ba trăm ngàn. Lý do hết sức khách quan và vô cảm: luật thuế loại khoản chi này trong hạch toán giá thành sản phẩm – dịch vụ.
Còn Nguyễn, hắn nhìn đám đông màu xanh trước kính xe trong tâm trạng hoang mang. Kí ức bày ra thật trơ trẽn: không xa lắm đâu, chỉ năm năm về trước hắn và Phan đã bao lần lùng sục vào các quán cà phê đèm mờ xung quanh vài khu công nghiệp. Yêu cầu được nhắc đi nhắc lại với hết chủ chứa này đến chủ chứa nọ: “hàng” phải đúng chất công nhân mới đổ nợ, sạch sẽ, hiếm vi trùng hoa liễu! Nguyễn, thậm chí đã thực hành lời truyền giáo của một kẻ đi trước: “Tán công nhân để chơi bời thì bề ngoài phải bình dân, kị mang giày tây bóng loáng, đừng bỏ áo trong quần. Bảnh bao quá các em sợ, sẽ trốn như trốn Sở Khanh”.
Khuya. Giã men, Phan viết blog: Mặt trái của toàn cầu hóa tại xứ sở này là những cuộc đình công, hay đơn giản là hệ quả của phát triển nội tại? Các học giả đoạt giải Nobel kinh tế từng khuyên những quốc gia đang phát triển hạn chế xuất khẩu nguyên liệu, hạn chế nhập thành phẩm. Nhà máy gia công chẳng xuất thành phẩm đó ư? Sự nham hiểm là: Thành phẩm tẩm đẫm mồ hôi rẻ mạt từ thế giới thứ ba sẽ được đóng gói bán lẻ tại các nước G8, dưới thương hiệu xuyên lục địa có cầu chứng. Chưa kể tỉ lệ phí gia công trong giá thành luôn bị nén ép bởi các khâu độc quyền của kinh tế tri thức như tạo mẫu, tạo dáng, thiết kế…
Rút tơ lòng xong, Phan sướng quá móc di động gọi Nguyễn. Hắn nóng ruột muốn khoe lý luận rất nét của mình. Nhìn màn hình điện thoại nhấp nháy, Nguyễn phân vân có nên tiếp chuyện Phan không, có nên tiếp tục giao bôi đầy mâu thuẫn gần hai mươi năm nay không.
“Gì vậy? Vợ tra xét hôm nay đi với ai hả?” – Nguyễn hỏi Phan.
“Đọc blog tao nhé. Nhớ hồi đáp cho xôm tụ”.
Nguyễn tiêng tiếc cho mình vì vẫn phải xem Phan là một trong những người bạn thân. Chục năm nữa thôi, họ sẽ đóng bộ làm những phụ huynh gương mẫu đến dự đám cưới con cái của nhau rồi. Sau đó là gì nhỉ… Tuổi già nhàn cư cũng cần vài kẻ bằng vai phải lứa để hoài niệm thanh xuân với ít chi tiết hài hước bị bỏ quên nhất. Sau nữa là những đám tang. Cuộc đời chẳng dài lắm đâu.
Thảo Điền, 7/11/2007
Trương Thái Du
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...