Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Trương Anh Quốc và Con kênh ai đào

Trương Anh Quốc
và Con kênh ai đào

Sự vụ con tàu container Ever Given mắc kẹt gây nghẽn kênh đào Suez ở Ai Cập trong mấy ngày qua làm tổn thất lớn về kinh tế thế giới. Để giúp bạn đọc hình dung về kênh đào, đường giao thông thủy huyết mạch, Vanvn xin giới thiệu Con kênh ai đào – Chương 35 tiểu thuyết du ký Sóng nổi tiếng của nhà văn Trương Anh Quốc viết về kênh đào Panama.
Con kênh ai đào
Vắng Mạnh con tàu vẫn không thể dừng, tiếng máy chính huỳnh huỳnh đều đều tàu lướt sóng lao về phía trước. Thiếu một người dường như vắng hẳn, có lẽ do mọi người ngại đi lại gặp nhau. Nếu không có việc gì cần, cơm nước xong ai về phòng nấy đóng cửa không tụ tập trà nước sau bữa cơm chiều như mọi khi.
Sau đận ấy thuyền trưởng Hyeong hay dạo lòng vòng hành lang các tầng nghe ngóng thủy thủ có rủ rỉ rù rì bàn tán gì về chuyện của Tờ-rịnh Mạnh không, biết đâu Tờ-rịnh Mạnh vẫn còn trốn ở đâu đó trên tàu, chui ra bị tóm được hay biết mấy.
Thủy thủ tránh nói về chuyện Mạnh, cứ như ai cũng có lỗi trong việc Mạnh bỏ trốn. Không biết trốn lại Mạnh có được người thân đón hay xui xẻo bị cảnh sát bắt. Nếu bị bắt trục xuất về nước Mạnh sẽ tốn kém không ít, phí đền công ty cho cả người qua thay, quay về đi làm mấy năm cũng không thể trả hết nợ. Việc đã trót rồi, ai cũng thầm mong cho Mạnh gặp nhiều may mắn.
Mọi người an ủi nhau thiếu người cũng đã thiếu rồi, khi tàu đến một cảng nào đó thích hợp công ty sẽ cho người thay. Thiếu một người làm việc, dàn máy thiếu một pít tông, con vịt què bước đi cà nhắc. Không có Mạnh, mấy thủy thủ khác phải gánh thêm phần việc anh. Tàu có sự thay đổi chức danh, một thủy thủ cấp dưới lên thay. Hóa ra một người đi mang lại cơ hội cho vài người khác.
Chuyện Mạnh trốn khỏi tàu dần nguôi ngoai, tàu chuẩn bị vượt dòng kênh đào Panama vui nhộn. Từ Đại Tây Dương tàu vượt kênh đào qua Thái Bình Dương, con đường ngắn nhất nhanh nhất thú vị nhất. Đời người thủy thủ ai cũng mong ước một lần trong đời được qua một trong hai con kênh đào nổi tiếng thế giới Panama.
Qua kênh đào Panama là cả một hành trình dài vượt núi. Các chiếc xe đầu kéo móc cáp kéo tàu bắt đầu vào âu cửa ngăn Gatun. Các vách ngăn được đóng lại, nước từ từ được xả đầy con tàu nâng lên  âu tiếp theo.
Kênh đào Panama xẻ eo lục địa Trung Mỹ nối thông Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Không như kênh đào Suez xuyên qua vùng cát hoang mạc tương đối dễ đào, địa hình kênh đào Panama phần lớn đồi núi đá phức tạp, đào con kênh khó khăn trải qua bao lần dang dở. Sau khi Colombus dong thuyền phát hiện ra châu Mỹ, từ thế kỷ mười lăm nhà vua Charles V Tây Ban Nha đã có tầm nhìn về dải đất hẹp bèn cho đào kênh nối một số hồ trong vùng Isthmus vận chuyển hàng hóa bằng thuyền bè. Sau đó gần ba thế kỷ, năm 1880 công ty đào kênh Pháp De Lesseps đào thêm con kênh này đặt tên Panama nhưng lại bỏ dở sau mười năm thi công do địa hình quá phức tạp chi phí quá tốn kém. Kênh đào một lần nữa lại bị tạm ngưng.
Mãi tới năm 1894, thêm một công ty đào kênh Pháp nữa vào cuộc tiếp tục đào con kênh Panama. Thời đó, nước Pháp đang trên con đường chinh phục thuộc địa, người Pháp thường thi công các công trình vĩ đại. Những tưởng vùng Isthmus rừng rậm đất đai phì nhiêu nào ngờ chỉ phần bề mặt, bên dưới toàn núi đá và đá, có đoạn phải đào cả một hòn núi đá Gailard Cut. Trung Mỹ thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng mùa mưa trút nước thêm muỗi mòng gây sốt vàng dịch bệnh. Người Pháp đã tính toán, khó thể đào sâu thêm con kênh họ cho xây dựng các tàu thuyền vượt địa hình. Đất đá đào ra không thể đổ lên cao ngay tại đó, phải chuyển đi xa tránh sụt lở, trong lúc đào kênh nhiều đường ray trên chính con kênh đào vận chuyển đất đá đi xa bằng các toa tàu lửa. Xây dựng các âu thuyền cho tàu vượt núi, dự án khả thi nhưng cần vốn đầu tư không hề nhỏ. Kênh đào Panama lại bị bỏ dở sau bốn năm cầm cự.
Mười năm sau tới lượt người Mỹ mua lại toàn bộ con kênh đào dở dang. Người Mỹ thực tế, việc không khả quan nhất định họ không bao giờ nhảy vào. Thêm mười năm ròng rã, kênh Panama dài gần tám mươi kilomet chính thức hoàn thành. Không phải đưa một cây kim chiếc đũa, kênh đào Panama nâng một con tàu cùng lượng hàng hóa cả trăm ngàn tấn lên độ cao hai mươi sáu mét rồi hạ xuống an toàn. Chỉ có sức nước mới thực hiện được việc đó.
Không mang màu sắc huyền bí như Kim Tự Tháp Ai Cập, kênh đào Panama được thực hiện chủ yếu bằng sức người và máy móc. Nhờ đào kênh, máy móc được phát minh vận dụng để thay thế sức người. Theo thống kê khoảng tám trăm ngàn nhà đầu tư phá sản, hơn hai mươi hai ngàn công nhân đã bỏ mạng tại dòng kênh đào.
Tàu qua kênh đào, thủy thủ không phải làm dây tời mũi lái. Mọi việc đã có nhân viên mặc áo xanh lợt có chữ ACP (cơ quan quản lý kênh đào Panama) trên lưng trên vai áo trên nón bảo hộ, người nào người nấy to khỏe bắp tay như phích nước làm việc bất kể nắng mưa.
Bên bờ kênh một bản đồ đất nước Panama hình chữ S giống với bản đồ nước Việt nằm ngang được trồng hoa trang trí trên khoảng cỏ rộng, cờ Panama tứ thân trắng xanh đỏ tung bay ngạo nghễ. Viên hoa tiêu nói:
– Người dân Tổ quốc tôi tự hào về con kênh vĩ đại này. Không có dòng kênh đất nước Panama không được như ngày hôm nay. Kênh như dòng máu chạy trong huyết quản của chúng tôi vậy…
Đúng rồi, không gì cao quý và thiêng liêng bằng Tổ quốc, không tổ chức xã hội nào có thể đứng trên Tổ quốc. Trước sau thời gian đào kênh Panama mấy năm, người Pháp cũng xây dựng ụ đốc chìm Ba Son. Đá ụ đốc cũng được mang từ thành phố cảng Marseille nước Pháp. Trong lòng ụ có một viên đá ngay cửa bị vỡ mất một góc do tàu ra vào va nhằm, sau bao nhiêu lần chắp vá lại bằng xi măng hảo hạng mấy viên đá cũng không thể nào chắc chắn bằng đá nguyên thủy vàng cát cổ kính thô sơ.
Khi tàu đổ dốc khỏi ngăn âu Miraflores ra cửa kênh phía Thái Bình Dương, cầu Americas cao trên trăm mét vắt ngang trên không như chiếc cung dương lên bầu trời, xe trên cầu chạy rì rầm. Nếu không qua kênh đào Panama vòng xuống cực Nam Châu Mỹ để về Australia đường sẽ dài gấp đôi. Thời gian nhiên liệu tốn gấp đôi, không phải một vài giờ mà đến mấy chục ngày. Chưa kể gặp cực nam châu Mỹ sóng gió bất thường nguy hiểm ngàn lần so với tàu qua kênh.
Xuôi phương nam, mùa này ở Australia đang vào hè. Cơn gió nhẹ làm mặt biển gợn lên như cuộn chiếc chăn ướt, đặc quẹo. Thỉnh thoảng bầy cá chuồn bay tứ tán khi tàu chạy qua. Cá thường bay ra xa, bay xa cả mấy trăm mét trên mặt nước. Mấy ngày sóng lặng trời đẹp, thủy thủ ra boong treo chiếc bao cát đánh đấm. Mạnh đi rồi để lại được chiếc bao cát cho anh em đấm cũng đỡ buồn. Nó cùng Tuấn râu lại mặc bộ đồ Taekwondo trắng, thắt đai đen đá bao bình bịch.
Nghe tiếng bình bịch, thuyền trưởng Hyeong ra hành lang ló đầu ngó thử có phải Tờ-rịnh Mạnh không.
31/3/2021
Trương Anh Quốc
Nguồn: Trích tiểu thuyết du ký Sóng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Dạ khúc ven rừng 1. Nỗi cô đơn dần trở thành cô độc, úa chín trên những nhánh ngày vàng vọt. Từng chiều, từng chiều mất hút trong đêm ...