Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng

Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Nghiên cứu văn học theo thể loại đang là một nhu cầu, một xu thế cấp thiết của giới nghiên cứu văn học hiện nay. Các thể loại của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 cả về số lượng lẫn về chất lượng đã đóng góp xứng đáng vào sự hiện đại hóa của văn học dân tộc.
1.2. Nói đến thể loại của văn học giai đoạn này, truyện ngắn xứng đáng được tôn vinh trong dòng chảy truyện ngắn dân tộc thời hiện đại và là đỉnh cao của tiến trình phát triển thể loại. Thành tựu truyện ngắn Việt Nam giai đoạn này được tạo nên bởi những cây bút tài năng với những phong cách nghệ thuật độc đáo như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao...
1.3. Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939), là một hiện tượng độc đáo, là một nhà văn được nhiều giới đánh giá, bình luận khác nhau, thậm chí cả trái chiều. Xưa nay, các công trình nghiên cứu thường xoáy sâu vào thể loại tiểu thuyết của nhà văn này. Gần đây, Lại Nguyên Ân ra tận nước ngoài dày công sưu tầm và cho công bố nhiều truyện ngắn của Thiên Hư. Tìm hiểu thể loại của một nhà văn cùng thời với Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, … lại được đánh giá bậc thầy của phóng sự, chúng tôi cho là một việc làm cấp thiết và thú vị.
1.4. Thể loại truyện ngắn nói chung và truyện ngắn Vũ Trọng Phụng nói riêng có rất nhiều khía cạnh cần khám phá. Dưới góc nhìn thi pháp thể loại, chúng tôi chọn đề tài: Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, dưới góc nhìn thi pháp thể loại để nghiên cứu.
1.5. Mặt khác, hiện nay các tác gia văn học Việt Nam hiện đại được đưa vào giảng dạy ở chương trình phổ thông rất nhiều. Trong đó có tác giả Vũ Trọng Phụng. Vì thế, đề tài sẽ góp phần giúp nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, một mặt chúng tôi dùng để đối sánh với các tác giả cùng thời, một mặt chúng tôi sẽ có điều kiện thuận lợi khi giảng dạy về những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng.
2. Lịch sử nghiên cứu
2.1. Những vấn đề về lý thuyết truyện ngắn
Theo tầm bao quát tài liệu của chúng tôi, thể loại truyện ngắn đã được rất nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Trong phạm vi của một tiểu luận, chúng tôi tạm thời liệt kê ra một số công trình tiêu biểu:
Nguyễn Hoành Khung, Bùi Hiển, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đức Nam, với công trình Truyện ngắn Việt Nam 1930 -1945, Nxb Giáo dục, 2008, Phương Lựu với Lý luận văn học (tập 2), Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh in năm 2001;  Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam với Lý luận văn học, tập 2, Nxb Giáo dục, 1987; Nhiều tác giả trong công trình Nghệ thuật viết truyện ngắn và ký, Nxb Thanh niên, 2000; Bùi Việt Thắng với Bình luận truyện ngắn, Nxb Văn học, 1999; và Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2000;
Các từ điển, thuật ngữ viết về khái niệm truyện ngắn, có Lại Nguyên Ân với 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004; Vương Trí Nhàn với Sổ tay truyện ngắn, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001; Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi với Từ điển thuật ngữ văn học, trong đó có mục truyện ngắn; Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, 2003, …
Các công trình vừa nêu tập trung đi sâu phân tích khái niệm thể loại, chức năng thể loại, cũng như những đặc trưng của truyện ngắn hiện đại, trong đó có truyện ngắn hiện đại Việt Nam, tức những tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX về sau.
2.2. Những công trình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng
Văn Tâm với Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực, Nxb Kim Đức, Hà Nội, 1957; Nhiều tác giả với nhiều bài viết trong đó có đề cập đến hiện tượng Vũ Trọng Phụng trong phần Nhìn lại một số hiện tượng văn học do Báo Giáo viên Nhân Dân, số đặc biệt từ 27 – 31, phát hành năm 1988; Tạp chí văn học số 2, 1990 có bài của Vương Trí Nhàn với tiêu đề Vũ Trọng Phụng và một lớp người thành thịmột nền văn chương đô thị; Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, 2003, mục tác giả Vũ Trọng Phụng; Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức với Văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nxb Giáo Dục, trong đó có phần Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939), Nxb Giáo dục, 2004; Văn học Việt Nam do Phan Cự Đệ (chủ biên) có phần Truyện ngắn Việt Nam 1930 – 1945 của Hà Văn Đức, Nxb Giáo Dục, 2005; đặc biệt Đinh Trí Dũng với Nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Nxb Khoa học xã hội, 2005; đề cập khá chi tiết “số phận long đong, thăng trầm qua suốt quãng thời gian dài” của Vũ Trọng Phụng.
Có thể nói rằng tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, mà chủ yếu là tiểu thuyết và phóng sự, đã trở thành một hiện tượng “nóng” từ khi tác giả còn sinh thời, cho đến những năm 1957 – 1982, rồi trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ năm 1986 đến nay: khi các học giả có cách nhìn nhận và đánh giá lại một số tác gia văn học, tác phẩm văn học, hiện tượng văn học, … Vũ Trọng Phụng luôn là đề tài được họ cũng như nhiều độc giả chân chính quan tâm, …
2.3. Các công trình về truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng
Như chúng tôi đã nói, truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng mới xuất hiện gần đây bằng những tuyển tập được sưu tầm và công bố. Chính vì thế, những công trình nghiên cứu riêng về truyện ngắn Vũ Trọng Phụng không nhiều.
Ngoài những lời giới thiệu của nhà sưu tầm Lại Nguyên Ân in đầu các tuyển tập truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, đến nay chưa có công trình nghiên cứu hoàn chỉnh về Truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng một cách chuyên sâu và chi tiết.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Thực hiện đề tài Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, dưới góc nhìn thi pháp thể loại, chúng tôi đặt ra ba nhiệm vụ nghiên cứu:
-  Những giới thuyết về thể loại truyện ngắn, truyện ngắn Vũ Trọng Phụng.
- Quan niệm nghệ thuật về con người qua truyện ngắn Vũ Trọng Phụng.
- Thi pháp thể loại và một số biểu hiện của nó qua truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong suốt quá trình nghiên cứu đề tài chúng tôi vận dụng một số phương pháp sau:
Phương pháp cấu trúc - hệ thống;
Phương pháp phân tích - tổng hợp;
Phương pháp thống kê - so sánh.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng của đề tài là Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, dưới góc nhìn thi pháp thể loại
- Đề tài tập trung vào khảo sát, nghiên cứu phương diện thi pháp qua những truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng từ các tác phẩm cụ thể trong:
Vương Trí Nhàn (tuyển chọn), Tuyển tập truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, Nxb Đông Tây, 2001.
Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, Nxb Văn học, 2003.
Lại Nguyên Ân (tuyển chọn), Vũ Trọng Phụng, Chống nạng lên đường, Nxb Hội Nhà văn, 2001.
Lại Nguyên Ân (tuyển chọn), Vũ Trọng Phụng, Vẽ nhọ bôi hề, Nxb Hội Nhà văn, 2003.
6. Đóng góp và cấu trúc của tiểu luận
6.1. Đóng góp mới
Đề tài tiểu luận của chúng tôi là công trình tập trung đi vào nghiên cứu Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, dưới góc nhìn thi pháp thể loại mang tính hệ thống và toàn diện.
6.2. Cấu trúc tiểu luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của tiểu luận tổ chức thành 03 chương:
- Chương 1: Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng (một số giới thuyết)
- Chương 2: Quan niệm nghệ thuật về con người của Vũ Trọng Phụng
- Chương 3: Thi pháp truyện ngắn Vũ Trọng Phụng
Chương 1: TRUYỆN NGẮN VŨ TRỌNG PHỤNG (một số giới thuyết)
1.1. Nguồn gốc của truyện ngắn
Trên cơ sở một số công trình nghiên cứu đã được công bố, chúng tôi tóm lược lại những nét khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của thể loại truyện ngắn.
1.1.1. Truyện ngắn hình thành trong nền văn học châu Âu
Hầu hết ý kiến đều cho rằng truyện ngắn châu Âu hiện đại ra đời vào thời Phục Hưng. Đến thế kỷ XVIII, truyện ngắn lãng mạn hình thành ở Châu Âu. Truyện ngắn đã tạo ra những hình thức tự do: tự do trong kết cấu, chi tiết, đặc biệt là phải đưa các yếu tố trữ tình vào. Thế kỷ XIX, truyện ngắn hiện thực hình thành và phát triển rộng khắp. Sang thế kỷ XX, bên cạnh truyện ngắn cũng như tiểu thuyết từng bước hiện đại (1900 – 1930), từ 1930 được giới lý luận gọi là hậu hiện đại, với nhiều trào lưu: chủ nghĩa hiện thực mới; chủ nghĩa hiện sinh; hậu hiện sinh; chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa hậu siêu thực.
1.1.2. Truyện ngắn hiện đại ở Nga
Truyện ngắn có tính hiện đại ở Nga xuất hiện vào thế kỷ XIX với hai văn hào lớn là Puskin và Gôgôn. Loại hình truyện ngắn Puskin là hiện thực mang màu sắc trữ tình. Loại hình truyện ngắn Gôgôn, bên ngoài những vấn đề xã hội thường mang màu sắc trào phúng.
Truyện ngắn của Sê-khốp thì dồn nén sâu sắc tư tưởng, chuyển tải bằng hình thức giản dị, không cầu kỳ.
1.1.3. Truyện ngắn ở Mỹ
Bậc thầy của hình thức kỳ ảo hoang đường là Hêminguê. Truyện ông mơ hồ trong nhận thức chân lý, thủ pháp hiện đại kết hợp với hình thức kỳ ảo ở Mỹ Latinh.
1.1.4. Ở Trung Quốc và Việt Nam
Ở Trung Quốc, tiểu thuyết bao gồm cả truyện ngắn xuất hiện từ thế kỷ III tCN. Đến thế kỷ VII – IX: xuất hiện truyền kỳ (Đời Đường) với những yếu tố hoang đường kết hợp hài hoà với yếu tố hiện thực. Sang thế kỷ XII – XIII, xuất hiện các thoại bản đời Tống.
Hình thức truyện ngắn của Trung Hoa hiện đại phải đến những năm 20 của thế kỷ XX mới có những thành tựu.
Ở Việt Nam, theo Thanh Lãng thì khái niệm truyện ngắn hiện đại Việt Nam chỉ có từ đầu thế kỷ XX trở đi.
Bùi Việt Thắng cho rằng truyện ngắn có mầm mống từ rất sớm, nó có mầm mống từ văn xuôi trung đại chữ Hán, ông luận giải, có truyện ngắn chữ Hán và truyện ngắn hiện đại trong dòng chảy của lịch sử văn học Việt Nam. Thế kỷ XI, mầm mống truyện ngắn đã xuất hiện với Việt điện u linh. Thế kỷ XV trở đi, truyện viết mang tính nghệ thuật có yếu tố cá nhân và yếu tố thần kỳ trong văn học. Thế kỷ XVII về sau, nó biến đổi dần thành ra tiểu thuyết chương hồi và truyện Nôm.
Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chữ quốc ngữ phổ biến rộng rãi đặc biệt ở Nam Bộ, tác phẩm dịch thuật cũng đi vào miền Nam. Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu sáng tác những truyện mang đề tài tôn giáo, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký viết những truyện gắn với những vấn đề xã hội (hình thức ngắn, đậm chất dân gian: gây cười, ngụ ngôn).
Những năm 1920, xuất hiện truyện ngắn hiện đại (lúc bấy giờ gọi là tiểu thuyết) với dung lượng từ 80 – 100 trang.
Sau đó, hình thức thể loại này chuyển động ra Bắc và thành công với Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, …
Từ đầu những năm 1930, có:
Truyện ngắn lãng mạn của nhóm Tự lực văn đoàn.
Truyện ngắn hiện thực: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, …
Truyện ngắn trữ tình: Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, …
Giai đoạn 1945 – 1975: truyện ngắn sử thi hoá.
Và từ 1986 – nay: truyện ngắn đa dạng, phát triển rực rỡ, với nhiều ý tưởng đổi mới thể loại, bước đầu cũng đạt những thành tựu nhất định,…
1.2. Khái niệm truyện ngắn
Hiện nay nhận diện cũng như sáng tạo về thể loại truyện ngắn là một nỗ lực liên tục cho cả người sáng tác và giới nghiên cứu phê bình. Từ W. Gớt thế kỷ XVII cho đến Sêkhốp, từ Lỗ Tấn đến Môpatxăng, từ Antônốp thế kỷ XIX - XX, đến Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Kiên… Chúng tôi chỉ xin dẫn lại một số ý kiến của họ.
Đối với Pautốpxky thì truyện ngắn phải ngắn gọn là cái bình thường diễn ra như cái không bình thường. Cái không bình thường diễn ra như cái bình thường.
Nguyễn Kiên quan niệm Tôi cho rằng truyện ngắn là một trường hợp, trường hợp đó là một quan hệ (tình huống) những khoảnh khắc trong quan hệ giữa con người và đời sống.
Nguyễn Công Hoan: truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết.
Nguyên Ngọc thì cho rằng: truyện ngắn là một bộ phận của tiểu thuyết nói chung, vì thế  không nên nhất thiết trói buộc truyện ngắn vào những khuôn mẫu gò bó. Truyện ngắn có nhiều vẻ, có truyện viết về cả một đời người, lại có truyện chỉ ghi lại một vài giây phút thoáng qua.
Để có một cái nhìn thống nhất hơn, toàn diện hơn về truyện ngắn, chúng tôi khảo sát một số khái niệm truyện ngắn trong các cuốn: Từ điển thuật ngữ văn học, Từ điển văn học, 150 thuật ngữ văn học... tất cả coi truyện ngắn là một: “Thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ”, và “thường được viết bằng văn xuôi”, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Điểm chung cơ bản đó là sự giới hạn về dung lượng của truyện ngắn và thích hợp với người tiếp nhận “đọc nó liền một mạch không nghỉ...”.
Từ những khái niệm trên, theo chúng tôi, để nhận định truyện ngắn cần dựa vào hai tiêu chí chính là dung lượng và thi pháp. Các yếu tố như cốt truyện, tình huống, kết cấu, lối trần thuật, giọng điệu... được coi là cơ bản khi tìm hiểu thể loại này.
1.1.2. Đặc trưng của truyện ngắn (hiện đại)
1.1.2.1. Hình thức tự sự cỡ nhỏ
Truyện ngắn là một hình thức tự sự cỡ nhỏ, chỉ thể hiện một bước ngoặt, một trường hợp hay một tâm trạng nhân vật. Nói như Henri Benac: “Một lời mời gọi sự suy ngẫm thông minh của độc giả” [8, 612].
Như vậy, truyện ngắn là cách phát hiện nghệ thuật của đời sống theo chiều sâu. Có những bậc thầy về thể loại này đã đem đến cho truyện ngắn một sức chứa của tiểu thuyết. Ở lĩnh vực truyện ngắn thì văn học hiện đại thế giới có nhiều cây bút lừng danh như Bunhin, Môroa, Xvaigơ, Môravia,...
Văn học thế giới đã nói nhiều đến cái chết của tiểu thuyết - cái chết của bi kịch nhưng chưa từng nói đến cái chết của truyện ngắn. Với hình thức tự sự cỡ nhỏ, số trang ít, ít sự kiện, ít nhân vật, phạm vi phản ánh hẹp nhưng tất cả những chi tiết góp phần làm cho câu chuyện đạt đến hiệu quả mong muốn, tác động mạnh mẽ và giá trị thẩm mỹ lớn lao.
1.1.2.2. Phải có tính tình huống
Tình huống được nảy sinh từ một sự kiện, một mâu thuẫn nhất định. Mâu thuẫn càng quyết liệt, bất ngờ, thì tình huống càng hấp dẫn, cuốn hút. Nói chung, tình huống phát triển cao thành xung đột. Tình huống giúp cho những gì còn nằm trong hình thức chưa phát triển nay bộc lộ và hoạt động tích cực. Vì thế, truyện ngắn cũng như các thể loại tự sự khác, không thể thiếu tình huống. Chỉ trong các tình huống cụ thể các nhân vật mới bộc lộ tính cách, tâm lý hoặc thay đổi tính cách, tâm lý nhằm biểu đạt tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.
Nói tóm lại, khi bước vào một truyện ngắn người đọc cần phải nắm được giá trị của các bình diện nghệ thuật cấu thành cái thực thể sinh động - là truyện ngắn. Nhưng nếu chưa nắm được tình huống thì xem như chưa nắm được chiếc chìa khóa mầu nhiệm để mở vào một thế giới bí ẩn của truyện ngắn.
1.1.2.3. Nhân vật được thể hiện như một lát cắt điển hình
Nhân vật có vai trò hết sức quan trọng trong tác phẩm. Có thể nói nhân vật là xương sống là linh hồn của mỗi tác phẩm, nhân vật cũng là người phát ngôn cho tư tưởng nhà văn, thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả.
Nếu nhiệm vụ của tiểu thuyết là theo dõi, tìm hiểu và mô tả tỉ mỉ sự thăng trầm của số phận thì nhiệm vụ của truyện ngắn là “sử dụng” nó, có nghĩa là vào lúc cần thiết nó hiện lên rõ ràng, tuân thủ các nguyên tắc điển hình hóa. Tác giả truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, một nét tính chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người - nhân vật tâm trạng.
Theo Sêkhốp, nhân vật truyện ngắn phải được hiểu theo nghĩa rộng, có khi là người, có khi là vật. Cho dù là tồn tại dưới dạng nào thì tất cả các nhân vật đều hướng tới con người. Chỗ khác biệt cơ bản nhất của truyện ngắn là nhân vật của tiểu thuyết thường là một thế giới thì nhân vật chính của truyện ngắn chỉ là một mảnh nhỏ của thế giới.
1.1.2.4.  Vai trò quan trọng của chi tiết
Chi tiết là tiểu tiết trong tác phẩm tự sự. Truyện ngắn có thể không có một cốt truyện nhưng không thể không có chi tiết. Chính chi tiết mà không khí, cảnh trí, tình huống, tính cách, hành động, tâm tư nhân vật được bộc lộ đầy đủ. Nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh: “Truyện ngắn có thể có cốt truyện, thậm chí cốt truyện ly kỳ, gây cấn, kể được. Truyện ngắn cũng có thể chẳng có cốt truyện gì cả, không kể được nhưng truyện ngắn không thể nghèo chi tiết. Nó sẽ như nước lã”. Nguyễn Công Hoan cũng nhìn nhận: “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết”.
Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa chân thực còn cần phải đạt tới ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn đối với cuộc sống và con người.
Thông thường ta thấy có hai loại chi tiết tiêu biểu: chi tiết trung tâm đóng vai trò trung tâm thẩm mỹ, nơi nhà văn gửi gắm tư tưởng nghệ thuật; chi tiết phụ trợ có chức năng đẩy câu chuyện vận động, phát triển.
1.2. Vũ Trọng Phụng và những truyện ngắn của ông
Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20 tháng 10 năm 1912, quê ở làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng ông sinh ra, lớn lên và mất tại Hà Nội. Cha ông là Vũ Văn Lân làm thợ điện ở Ga-ra Charles Boillot, mất sớm khi ông mới được 7 tháng tuổi, Vũ Trọng Phụng được mẹ là bà Phạm Thị Khách ở vậy tần tảo nuôi con ăn học. Sau khi học hết tiểu học tại trường Hàng Vôi, Vũ Trọng Phụng phải thôi học để đi làm kiếm sống vào khoảng năm 14 tuổi. Ông có may mắn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới do Toàn quyền Pháp Albert Sarraut đề xướng, miễn phí hoàn toàn trong sáu năm tiểu học, và là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ, đó là nguyên nhân khiến ông luôn thần tượng nền văn hóa Pháp và là lớp nhà văn tích cực truyền bá văn học chữ Quốc ngữ. Sau hai năm làm ở các sở tư như nhà hàng Gôđa, nhà in IDEO (Viễn Đông), ông chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp.
Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã có truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo. Bắt đầu ông viết một số truyện ngắn, nhưng không được chú ý.
Năm 1931, ông viết vở kịch Không một tiếng vang, bắt đầu gây được sự quan tâm của bạn đọc. Năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay Dứt tình đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.
Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ đều đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó, Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong Số đỏ đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày. Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự đầu tay Cạm bẫy người (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tây. Với hai phóng sự đó, Vũ  Đình Chí và Vũ Bằng đã cho ông là một trong hàng vài ba "nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta". Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô; Lục sì đã góp phần tạo nên danh hiệu ông vua phóng sự của đất Bắc cho Vũ Trọng Phụng.
Những tiểu thuyết và phóng sự của ông cũng nhận được nhiều ý kiến phản bác. Từ năm 1936 đến khi Vũ Trọng Phụng qua đời năm 1939, đã nổ ra cuộc tranh luận xung quanh vấn đề "Dâm hay không Dâm" trong các tiểu thuyết, phóng sự của ông.
Cả đời Vũ Trọng Phụng sống trong nghèo khổ. Vì còn bà nội và mẹ già nên dù lao động cật lực, ngòi bút của ông vẫn không đủ nuôi gia đình. Tuy viết về nhiều các tệ nạn, thói ăn chơi nhưng Vũ Trọng Phụng là một người đạo đức và sống rất kham khổ. Vì vậy, mà ông mắc phải bệnh lao phổi. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh ông từng phải thốt lên với Vũ Bằng: "Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này".
Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1939, khi mới 27 tuổi, để lại gia đình còn bà nội, mẹ đẻ, vợ và người con gái chưa đầy 1 tuổi.
Một số truyện ngắn tiêu biểu của ông: Chống nạng lên đường (1930); Một cái chết (1931); Bà lão lòa (1931); Con người điêu trá (1932); Cuộc vui ít có (1933); Chữa bệnh bằng mồm (1934); Sao mày không vỡ, nắp ơi? (1934); Sư cụ triết lý (1935); Bộ răng vàng (1936); Hồ sê líu hồ líu sê sàng (1936); Tết ăn mày (1936); Lỡ lời (1936); Người có quyền (1937); Cái ghen đàn ông (1937); Lòng tự ái (1937); Đi săn khỉ (1937); Máu mê (1937); Tự do (1937); Lấy vợ xấu (1937); Một con chó hay chim chuột (1937); Một đồng bạc (1939); Đời là một cuộc chiến đấu (1939); Ăn mừng (1939); Gương… tống tiền (không rõ năm viết); Từ lý thuyết đến thực hành (1939), v.v…
Chương 2: QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG
2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng
2.1.1. Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người
Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hoá thân thành những nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật đó.
Quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc lý giải cảm thụ các chủ thể sáng tạo.
Từ trước, người ta thường hình dung nhân vật như người có thật ngoài đời, càng giống, càng thành công.
Thực ra khi sáng tạo ra nhân vật nhà văn luôn tạo tác cho nó theo mô hình mà họ đã hình dung về con người và đây mới là phương diện quyết định cho sự nông sâu cũ mới, của tài năng nhà văn trong việc chiếm lĩnh con người, khám phá đời sống
Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người sẽ giúp chúng ta có cách nhìn mới mẽ về chất lượng nghệ thuật nhân vật giúp chúng ta hiểu sâu hơn chỉnh thể nghệ thuật của tác phẩm và cá tính sáng tạo của nhà văn.
Cơ sở xã hội lịch sử văn hoá của quan niệm nghệ thuật về con người
Một là, quan niệm nghệ thuật về con người có vận động trong tiến trình lịch sử. Ý thức về con người của con người là cả một quá trình phát triển. Sự thay đổi tư duy nhận thức về bản chất của con người sẽ kéo theo sự vận động của quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm.
Hai là, quan niệm nghệ thuật về con người cũng là một sản phẩm văn hoá.Vì vậy, dù đa dạng đến đâu quan niệm nghệ thuật về con người vẫn mang dấu ấn của tinh thần thời đại. Nhà văn không thể thoát ly khỏi thời đại của mình khi nhìn về con người.
Ba là, quan niệm nghệ thuật về con người thường xuyên mang dấu ấn của tác giả, của cá tính sáng tạo độc đáo không lặp lại.
Ý nghĩa của quan niệm nghệ thuật về con người.
Thứ nhất, quan niệm nghệ thuật về con người chính là dấu hiệu để nhận ra sự vận động đổi mới của một nền nghệ thuật mới.
Thứ hai, quan niệm nghệ thuật về con người là tiêu chí tối ưu để so sánh tác giả, tác phẩm và các hiện tượng văn học lớn.
Thứ ba, quan niệm nghệ thuật về con người luôn luôn hướng về con người trong chiều sâu của bản chất người. Do đó, đây là tiêu chí nhân văn quan trọng nhất để đánh giá tiêu chí nhà văn của tác phẩm văn học.
2.1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người của Vũ Trọng Phụng qua thế giới nhân vật trong truyện ngắn của ông
Mỗi nhà văn khi sáng tác đều thể hiện quan điểm, cách nhìn về nghệ thuật, về cuộc đời. Thông qua tác phẩm, nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người. Nguyễn Công Hoan, qua tác phẩm thể hiện một cái nhìn rạch ròi nhưng đơn giản về cuộc đời; con người được xây dựng ở hai mặt đối lập: giàu và nghèo (Hai cái bụng; Đồng hào có ma; Kép Tư Bền); Nam Cao luôn yêu thương, trân trọng con người; có quan niệm nghệ thuật về con người toàn diện, phong phú đậm chất nhân văn (Chí Phèo, Đời thừa, Trăng sáng,…). Vũ Trọng Phụng xây dựng một quan niệm đa chiều khá phức tạp về con người, quan niệm có chiều sâu:
Một là, con người  xã hội – giai cấp.
Quan tâm đến “con người xã hội” là đặc điểm chung của văn học hiên thực phê phán. Khrapchenkô khẳng định: “Cá nhân con người, số phận của nó, tất nhiên bao giờ cũng thu hút sự chú ý của các nhà hiện thực phê phán” (M.B.Khrapchenkô, Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học (Lê Sơn – Nguyễn Minh dịch). Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978, tr.358). Vũ Trọng Phụng cũng đã nói rõ cái mục đích mà ngòi bút của ông và các nhà văn hiện thực hướng đến: “Tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa dâm đãng của bọn người có nhiều tiền, kêu ca sự thống khổ của dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, bị cưỡng bức, muốn cho xã hội công bình hơn nữa, đừng có những chuyện ô uế, dâm đãng”. (Lại Nguyên Ân, sưu tầm, biên soạn, Vũ Trọng Phụng – tài năng và sự thật (tái bản), Nxb Văn học, Hà Nội, 1997, tr.218-219).
Trong các truyện ngắn của mình, Vũ Trọng Phụng tỏ ra nhạy cảm với tình trạng bất công diễn ra một cách ngang tai chướng mắt ở khắp nơi. Cảnh “ăn mừng” ở nhà cụ Phán Uyên có “tiếng đàn, tiếng trống, tiếng hát, tiếng phách…”, có cô đầu hầu rượu, có “những bát cỗ mới hâm cho những bàn ở xa”… đối lập với tình cảnh nhà bác đánh giậm, Bà lão loà: “Trước túp lều tranh xiêu vẹo như chỉ còn chờ một trận gió to là đổ ụp xuống, cái sân đầy những bã mía, lá khô, một mâm cơm bát đàn đũa mộc trong để đĩa cá rô kho chuối với đĩa cá đen sít đen sì, cầm trên tay mấy bát cơm ngô vàng ói, bà lão lòa, bác gái và hai đứa bé chỉ còn chờ bác trai rửa mặt rửa chân tay, ngồi vào là cùng cầm đũa. Đàn ruồi vù vù bay lung tung như đánh trận, hết bâu đầy vào mấy nốt mụn chốc trên đầu thằng cu con lại bay xuống đặt mình vào đĩa cá”.
Còn đây, là sự đối lập giữa nghèo và giàu: “Trên cầu lúc ấy không thấy bọn người áo quần lam lũ, gồng gánh qua lại nữa. Cái giờ ấy là cái giờ đuổi bọn người kém phúc này tất tả về nhà, chúi đầu vào bếp vần nồi cơm gạo đỏ bưng lên xới cho một ông bố hay một bà mẹ mù loà hoặc ôm vội lấy đứa con gầy ngẳng, từ sáng chưa trông thấy mặt mẹ, nhét cái vú mướp vào miệng nó mà cất giọng: “à ơi... ”, rủ nhau náu mình dưới những mái tranh lụp xụp cho khỏi làm bẩn mắt bọn tỉnh thành, bọn giàu hay có cái vẻ giàu bấy giờ đã nghênh ngang, lũ lượt, kéo nhau lên hóng mát” - Chống nạng lên đường
Đọc truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, độc giả có thể khái quát từng lớp người, từng hạng người trong xã hội lúc bấy giờ qua các nhân vật trong tác phẩm. Cúc Nương trong Tết ăn mày, Bích Nga trong Con người điêu trá tiêu biểu cho những con người dưới đáy xã hội làm nghề bán thân nuôi miệng; Hai Xuân trong Chống nạng lên đường, Bà lão loà trong truyện ngắn cùng tên tiêu biểu cho lớp người nghèo khổ, bất hạnh; Lê Vân trong Gương … tống tiền, Người Âu hoá trong Từ lí thuyết đến thực hành đại diện cho một lớp người trí thức Tây học tha hoá, biến chất… Sự nhìn nhận con người trên “tinh thần giai cấp” (chữ dùng của Vũ Trọng Phụng trong Vỡ đê) chính là sự nỗ lực khám phá bản chất xã hội của con người trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng.
Hai là, con người hài hước, biếm hoạ.

Biếm hoạ là lối vẽ châm biếm; ở đó, bằng các biện pháp phóng đại, cường điệu một vài nét nổi bật nào đó đối tượng được vẽ thành méo mó, dị dạng để tạo hiệu quả châm biếm. Trong văn xuôi nghệ thuật, người ta có thể dựng chân dung nhân vật theo lối biếm hoạ này. Huyện Hinh trong Đồng hào có ma của Nguyễn Công Hoan là một trong những nhân vật biếm hoạ như thế.
Trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, người đọc có thể bắt gặp những nhân vật như vậy.
Đó là cụ Phán Uyên trong Ăn mừng. Con người đạo mạo, đáng kính trọng thật ra chỉ là vẻ bề ngoài. Chân dung biếm hoạ của nhân vật thể hiện rõ ở cảnh Quan Bố cầm tay cụ thực hành ý thơ trong bài hát mừng “xin dang tay “giật phịch” quả đào tiên”:
Cụ thẹn đỏ cả mặt, sung sướng, đến ứa nước mắt,…. Cụ vội vàng đứng lên chạy tuy không biết định chạy đi đâu, như người muốn đi trốn. Sau cùng, cụ đánh trống lảng bằng cách gọi đầy tớ ra mà mắng:
- Lấy thêm ít dấm tây vào bàn này! Sao mày đốn thế, mày để tao gào rát cả cổ!
Tuy nhiên giọng gắt của cụ thật tình lúc ấy cũng không dữ tợn là mấy, vì cụ vẫn còn thấy rõ cái cảm giác diu dàng về một bên ngực cô đào trẻ nó chưa tiêu tan hẳn mà lại còn như đọng quyện lại ở cả năm đầu ngón tay già nua đã mấy chục năm rồi chẳng còn biết gì là mùi xuân.
Con người hài hước, biếm hoạ được Vũ Trọng Phụng tập trung vào đối tượng thầy lang. Đó là thầy lang trong Bệnh lao chữa bằng mồm; lang Tỳ và lang Phế trong Cuộc vui ít có. Vì sợ bị lộ tẩy sự thật tài chữa bệnh lao 10 ngày khỏi hẳn, thầy lang đã bỏ ra 30 chục bạc để “đấm mõm” thằng Cờ; nhưng hôm sau, với “Cặp kính trắng nghiêm trang trên sống mũi, cái hình thù thì lùn tịt, lắt choắt, thầy lang đi lại trong hiệu, nện gót giầy lộp cộp mà thuyết khách một cách oai hùng.
- Các cụ phải biết. Số tiền ấy không to đâu. Mệnh người là trọng. Người làm ra của chứ chẳng phải của làm ra người. Kém một đồng cũng không được. Cứ xin các cụ đúng một trăm. Đó là giá đặc biệt cho đồng bào An Nam ta đấy thôi, chứ người Tây, dưới ba trăm tôi không nhận chữa. Không tin các cụ lại hỏi ngay quan chánh mật thám mà xem! Hôm qua cho gọi tôi mà dưới ba trăm nên tôi không đến chữa cái bệnh lao cho con gái ngài đấy”; Còn hai vị lang Tỳ và lang Phế đã làm cho cuộc vui trở thành Cuộc vui ít có trong mấy chục năm trời. Cả hai thay nhau “vạch áo cho người xem lưng”:
- Anh là thằng khốn nạn nhé. Cả nhà chánh hội Bầu mắc ghẻ ruồi mà anh dám nấu cho nó thuốc timla anh quên rồi à? (Cả nhà chánh hội Bầu kéo nhau ra về)
- Thế còn nhà trưởng Toe thì sao? Nó hôi nách mà chữa mãi bằng lá ô nhĩ trong sáu tháng trời à? (Trưởng Toe đẩy ba người, đỏ mặt chạy)
- Sáu tháng? Thế trong hai năm sao anh không chữa cho tan cái hạch ở háng cô Thoa đi? (Cô Thoa trước khi chạy, kêu to: Đồ khốn nạn!)
- Anh có muốn tôi kể đến cái mụ góa chồng mà ngày nào anh cũng lại đốt ngải cứu ở mông đít không?
- Anh không sợ tôi réo tên con bé mới mười lăm tuổi mắc bệnh đau tức mà anh cứ lấy rượu thuốc để xoa vú nó à? Lang gì? Dê già thì có!...
Ba là, con người tha hoá nhân cách (sự bất nhân trong tính người).
Theo Từ điển Tiếng Việt, “tha hoá”: “1. (con người) biến chất thành xấu đi, 2. Biến thành cái khác đối nghịch lại” (Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), Nxb Đà Nẵng, 1996). Trong hệ thống triết học phương Tây hiện đai, “tha hóa” (tiếng Anh – Alienation) chỉ “mối quan hệ giữa chủ thể và chức năng nào đó của nó, được hình thành do việc phá vỡ sự thống nhất ban đấu của nó khiến cho bản chất của chủ thể trở nên nghèo nàn và dẫn đến sự thay đổi” (Triết học phương Tây hiện đại, Từ điển, Nxb Khoa học xã hội. H. 1996)
Quan tâm đến mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh trong trạng thái đầy biến động của xã hội, Vũ Trọng Phụng đặc biệt quan tâm đến con người “tha hoá” (Alienation). Vấn đề con người “tha hoá” trở thành nỗi ám ảnh, và là mối quan tâm đặc biệt trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng.
Cũng như những con người tha hoá được xây dựng trong tiểu thuyết, con người tha hoá trong truyện ngắn bị Vũ Trọng Phụng “phanh phui” ở tất cả các mặt trong cuộc sống.  Vợ chồng bác đánh giậm trong Bà lão loà, chỉ vì nghèo, sợ phải chia phần cơm đói khổ của mình và của những đứa con, bác đã bỏ người cô (người đã từng cứu giúp bác trong những lúc khốn khó) chết rét trong một đêm mưa gió hãi hùng với lời biện hộ: Ôi già… chả việc gì phải sợ… dễ bà lại không biết lần mò đến một cái quán nào đấy mà ẩn hay sao…? Vì nghèo túng, “nay mai nhà máy loại người” (nguy cơ thất nghiệp) mà người anh Cả của Xuân Chống nạng lên đường sinh chuyện với bố mẹ, buộc bố mẹ nó phải đuổi nó ra khỏi nhà bởi vì nó đã là thằng què, là “của nợ” của gia đình: Anh nó lườm mẹ nó một cách trông rất khả ố rồi lại nằm vật xuống giường, thở dài một cái ra chiều rất chán nản. Sau một lát, anh nó lại sấn sổ nói:
- Này tôi bảo thật, lần này là lần cuối cùng đấy... nếu cái thằng mặt chó ấy nó vác xác về đây thì cả ông cả bà liệu mà bảo nó đi đâu thì đi... biết chưa? Ông bà đã nghe chưa?... tôi chỉ có một bố thôi nhé! Còn những người con trong Bộ răng vàng đã đánh mất lương tri và đạo lý làm người khi cha vừa mất đã không lo việc tang lễ mà lại lao ngay vào cuộc chia tài sản. Không những thế, người con bất hiếu còn cạy mồm người chết để lấy bộ răng vàng! “Để một tay giữ trên đôi mắt người đã qua đời, còn một tay nó bóp lấy hàm, cố vành cho được. Thấy hơi răn rắn, nó liền dùng hết sức, cố vành mồm kẻ chết móc ra được bộ răng vàng”. Ghê gớm hơn, thằng anh, sau khi “hiểu chuyện” miệng thì mắng vợ chồng đứa em “bất hiếu”, tay thì nhanh nhẹn nhặt bộ răng vàng bỏ túi! Và đe, Chú thím đã định lừa tôi như thế, thì bộ răng này, sau khi bán được, mong rằng chú thím đừng nhớ đến chuyện chia. Chân dung con người tha hoá nhân cách trong truyện ngắn Bộ răng vàng đã bị phơi bày. Cái nhìn nghệ thuật của  nhà văn là cái nhìn vào mặt trái cuộc đời, mặt trái con người. Con người bị phơi ra với tất cả sự đê tiện, thấp hèn.
Lê Vân trong Gương… tống tiền vì thất tình, Vân đã bán cuộc đời mình cho “nàng tiên nâu”: một ngày tiết lạnh gió đông, anh đến tìm tôi để phô cái dáng người lừ đừ, nhọc đời của anh, rồi kéo tôi đi hút thuốc phiện. Để rồi “từ một thiếu niên có tương lai tốt đẹp, Vân đã hóa ra kẻ bi xã hội khinh bỉ... ma dại thân tàn”. Không những thế, Vân còn “tinh vi” hơn cả bạn trong cách tống tiền người yêu cũ: đánh vào mặt cảm tình… Ta tống tiền nó nhưng nó vẫn phải thương yêu ta, có thế mới đáng làm việc... Hết tiền sẽ lại có tiền, có tiền bằng cách không phải tống tiền!
Đương thời, Vũ Trọng Phụng được xem là nhà văn “tả chân”. Qua truyện ngắn, ông trình bày con người của mọi thời dưới khía cạnh thật nhất: Đó sự thay lòng đổi dạ của con người trong một môi trường xã hội mà tiền bạc, miếng ăn có thể chi phối tất cả. Sự quan tâm thể hiện con người tha hoá với những biểu hiện khác nhau của nó là bước đào sâu phát hiện của ông so với các nhà văn cùng thời. Vũ Trọng Phụng viết về sự tha hoá của con người trong khi các tác giả khác mới chỉ đề ra những nạn nhân của chế độ, như Loan trong Đoạn tuyệt (Nhất Linh), nạn nhân của chế độ mẹ chồng nàng dâu; chị Dậu trong Tắt đèn (Ngô Tất Tố), nạn nhân của sưu cao thuế thuế nặng, của quan lại dâm ô; Tám Bính trong Bỉ vỏ (Nguyên Hồng), nạn nhân sự phản bội của người tình, sự tàn ác của cha mẹ, sự đoạ đầy của xã hội, v.v...
Vũ Trọng Phụng là nhà văn Việt Nam đầu tiên đã phanh phui “thú tính” nơi con người, kể cả những người được coi là “hiền lành, chân thật” (nhân vật Hai Xuân, Chống nạng lên đường), trong khi những tác giả hiện thực cùng thời mới chỉ phân chia xã hội thành hai lớp tốt và xấu, đề cao cái tốt và hạ bệ cái xấu.
Khi “phanh phui” các nguyên nhân dẫn nhân vật đến tha hoá, Vũ Trọng Phụng cũng thể hiện những giản đơn trong nhận thức của mình. Lê Vân tha hoá vì hoàn cảnh nhưng không có những dằn dặt đau khổ như nhân vật tha hoá trong truyện ngắn của Nam Cao (Đời thừa; Chí Phèo). Vũ Trọng Phụng nhìn thấy nguyên nhân hoàn cảnh, môi trường xã hội, nhưng đồng thời, ông còn gắn sự tha hoá với những “hèn yếu” mang tính bản năng của con người nói chung. Vì vậy, nhân vật của Vũ Trọng Phụng thường dễ dàng bị hoàn cảnh đè bẹp.
Bốn là, con người vô nghĩa lý:
Chiếm phần đông đảo trong thế giới nhân vật truyện ngắn Vũ Trọng Phụng là chân dung con người “vô nghĩa lý”. Đó là những con người “thằng không ra thằng, ông không ra ông” (chữ dùng của Vũ Trọng Phụng). Họ tồn tại như một thứ vô tích sự trên cõi đời, nói như Đinh Trí Dũng “có cũng chẳng sao, không có cũng chẳng sao nhưng rất tiếc con người vô nghĩa lý đó lại có trên cõi đời!”. Quan niệm này của Vũ Trọng Phụng có những mặt gặp gỡ với quan niệm chung của các nhà văn hiện thực phê phán, đồng cũng thể hiện cái nhìn riêng độc đáo của chính ông.
Chân dung con người vô nghĩa lý được Vũ Trọng Phụng mô tả khá ấn tượng trong Người có quyền. Không ai nghĩ con người này là con người vô tích sự Đứng ngắm trước gương, anh ta cài khuy cổ áo, vuốt lại hai tà áo nhăn nheo, đội lại cái khăn lượt cũ cho chữ nhân đúng ở giữa trán. Anh ta nhìn vào gương một lần nữa, thấy mình "không ai chê vào đâu được”, bèn ung dung ra đi…
Thế nhưng khi đọc xong chuyện người đọc bật cười vì sự vô nghĩa lý, vô tích sự của anh ta văn dốt, vũ dát, hai mươi bảy tuổi đầu còn ăn bám vào mẹ, cả ngày đi tìm những gia đình nhàn cư vi bất thiện để gạ đánh cờ không ăn tiền hay là chầu rìa tổ tôm… Trong phố, người hiền lành nhất đời cũng bình phẩm anh là: "Rõ cái anh chàng đến vô vi!”. Còn người độc ác thì lại kêu: "Cái thằng ấy có chó lấy!”. Cả đến chính bà mẹ của anh nữa cũng không bao giờ nghĩ một cách thận trọng đến việc lấy vợ cho anh. Bà chỉ ngong ngóng xem người nào ế chồng, nhiều tuổi hơn anh hoặc là đã góa chồng rồi, thì mới dám mong không bị từ chối. Con người vô nghĩa lý ấy “chim” được một cô nàng và bị “cắm sừng” không chút nghi ngờ. Đến xin quyền làm bố cho đứa “con lai” cũng không có quyền. Xây dựng nhân vật vô nghĩa lý kiểu Người có quyền dường như mặt chính trong cảm nhận của tác giả chính là ý nghĩa tồn tại của con người trên phương diện ý thức, tinh thần, là sự khẳng định bản ngã của nó, sự hiện diện của nó giữa đồng loại. Người có quyền là con người nhợt nhạt về ý thức, là con số không vô nghĩa xét trên ý nghĩa tồn tại của con người. Đó là những con người “đã chết ngay lúc còn đang sống” (cách nói của Nam Cao).
Không rõ ràng như nhân vật Kim trong tiểu thuyết Làm đĩ nhưng Pierre Quyền trong Đời là một cuộc chiến đấu cũng là một định nghĩa sống về con người vô nghĩa lý. Là con một tay trọc phú lừng danh, từng sang Pháp du học nhưng không cần bằng cấp. Trở về Pierre Quyền  khổ sở vì phụng sự cho lý tưởng… hút thuốc phiện Đối với anh đời là đầy rẫy những cái tai biến, đại họa tức là những điếu thứ tám, thứ chín, và điếu chẵn chục, tuy đời cũng có nhiều hứng thú cho anh, như điếu thứ một, hai, thứ ba, vân vân... kể từ số 50 trở đi. Những lúc quay mặt vào tường nằm im lặng, cái xác thịt yên nghỉ ung dung ấy, chính nó đương gói một linh hồn lao đao tan tác vì giông tố, đương gắt gao chiến đấu, chẳng kém cái phương pháp trường kỳ để kháng chiến Nhật của Tàu! Và để khỏi đau đớn Anh Quyền có thể cứu chữa cái khổ ấy bằng cách mời một vài người bạn sẵn lòng hút hộ cái điếu thứ... linh một để làm khởi điểm cho anh khỏi bứt rứt lương tâm mà kéo những điếu sau. Pierre Quyền là một thứ vô nghĩa lý: trụy lạc về cuộc sống, vô nghĩa trong tâm hồn.
Có thể bắt gặp rất nhiều chân dung con người vô nghĩa lý trong các truyện ngắn khác của Vũ Trọng Phụng. Đó là  Phạm Quang trong Lòng tự ái; nhà văn T.L trong Con người điêu trá;  “tôi” trong Đi săn khỉ. Kiểu con người này ta có thể gặp ngay trong văn học dân gian:
Chồng người cỡi ngựa bắn cung
Chồng em thì lấy dây thun bắn ruồi
Hay:
Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo
Mô tả chân dung “vô nghĩa lý” trong một bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, Vũ Trọng Phụng đã đề cập đến một vấn đề có ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc. Phủ nhận con người vô nghĩa lý tức là đã bao hàm trong đó mong muốn con người được sống có nghĩa lý, sống cho ra người. Ngòi bút tả chân của Vũ Trọng Phụng nếu tiếp tục đào sâu vấn đề với một cái nhìn đúng đắn thì chắc chắn sáng tác của ông sẽ có thêm những thành tựu mới. Ông không tin vào con người. Trong Người có quyền, con người vô nghĩa lý ấy cũng có lúc suy tính, phản ứng, nhưng chỉ là sự phản ứng yếu ớt… Ta có thể thấy con người này sẽ không dám làm gì cả:
Ra ngoài, anh lẩm bẩm: "Được, cứ nuôi cho nhớn! Để đấy! Bao giờ ông có tiền ông mới đi kiện, bắt thử máu cho mà xem!”
Sau cùng, thấy trong túi có hai hào, anh đến một tiệm thuốc phiện để giết cái buồn cũng như số đông những kẻ khổ sở khác. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ có lúc Vũ Trọng Phụng nhìn thấy căn nguyên xã hội đẻ ra những kiểu con người vô nghĩa lý, nhưng cũng có lúc ông lãng quên điều ấy để hướng mũi dùi đã kích vào chính con người. Con người Âu hóa trong truyện ngắn Từ lí thuyết đến thực hành đã bộc lộ rõ bản chất thực của con người mình khi một người bạn “không biết chuyện” trách anh bạc tình, tồi tệ với vợ, dã man, và... đủ tất tả những trạng từ khác nữa. Thì anh nổi giận hỏi lại:
- Mày ngu lắm! Thế khi vợ mày nó cắm sừng vào đầu mày thì liệu mày có còn cứ muốn ăn ở suốt đời với nó không Cái chết của bà lão lòa trong truyện ngắn cùng tên không phải do đói khát mà do chính sự nhẫn tâm của con người. Thằng Hợi (Một cái chết) chết do bế tắc… Khái quát điều này, Vương Trí Nhàn cho rằng ông có “cái nhìn gần như tuyệt vọng với bản chất con người”
Chân dung con người trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng là một chân dung được nhìn từ nhiều mặt. Trong cái nhìn ấy thực ra không phải không có những điểm sáng. Trong tác phẩm của ông, người đọc có thể bắt gặp những gương mặt có nghĩa lý. Đó là con bé Liên trong Bụng trẻ con. Liên đã thả cho thằng ăn cắp chạy bởi Liên biết: Thế ngộ người ấy hôm nay đã phải nhịn đói thì làm thế nào?. Đó là nhân vật Tùng trong Lỡ lời đã biết hy sinh một cách cao thượng để xây đắp hạnh phúc cho người mình yêu. Từ nhân vật này, Vũ Trọng Phụng đã mở rộng ý nghĩa của truyện bằng một kết luận lạc quan: “Mới biết rằng sự đời thường vẫn có nghĩa lý lắm.”… Giải thích cho điều này theo Đinh Trí Dũng, Vũ Trọng Phụng “chịu ảnh hưởng của phong trào Mặt trận dân chủ”.
Tóm lại qua những đặc điểm trên, có thể thấy quan niệm về con người trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng là khá đa diện nhưng cũng rất phức tạp, mâu thuẫn. Suy tư về con người, Vũ Trọng Phụng đã có những nỗ lực không nhỏ nhằm đi sâu khám phá, nhìn nhận con người từ nhiều phương diện: xã hội và cá nhân, bản chất và ý nghĩa tồn tại… Ông có cái nhìn toàn diện về con người nhưng có phần phiến diện bi quan. Có thể nói Vũ Trọng Phụng là nhà văn suốt đời nghiền ngẫm về con người, có quan niệm rõ rệt về con người nhưng theo Đinh Trí Dũng “đấy là một quan niệm hết sức phức tạp, đầy mâu thuẫn, vừa có những khám phá chính xác, vừa có những giản đơn thậm chí sai lầm khi nhìn nhận con người”.
2.2. Nhân vật trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng đông đúc và phức tạp. Từ nhân vật có tên đến những nhân vật không tên, nhân vật là con vật,… Trong phạm vi tiểu luận, chúng tôi xin trình bày khái quát các loại hình nhân vật trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng.
2.2.1. Nhân vật trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng nhìn từ phương diện địa vị xã hội
Có thể khẳng định ngay rằng, nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng thuộc nhiều gia cấp khác nhau, từ những quan lại cụ Phán Uyên, quan bố (Ăn mừng), các quan viên (Tết ăn mày), người nghèo như vợ chồng bác đánh giậm (Bà lão lòa), Hai Xuân (Chống nạng lên đường); trí thức như Lê Vân (Gương tống tiền), người Âu hóa (Từ lý thuyết đến thực hành); nông dân như thằng Cả, thằng Hai (Bộ răng vàng); văn nghệ sĩ như Khôi Kỳ, Tuyết Nương (Hồ sê líu hồ líu sê sàng), T.L (Con người điêu trá), nhà báo Nhất Đông Dương (Sao mày không vỡ, ấm ơi!), nhà Sư Tăng Sương (Sư cụ triết lý), …
Để xây dựng nhân vật, tác giả thường tập trung vào những chi tiết cụ thể. Trong những truyện ngắn của mình, Vũ Trọng Phụng đã chọn những chi tiết cụ thể để vẽ nên những chân dung hết sức ấn tượng về đủ mọi hạng người. Đây là chân dung của lớp người trí thức Tây học:
Anh ta có bộ âu phục rất chải chuốt. Xưa kia, lúc còn cắp sách, anh ta cũng đã có tính làm đỏm như một cô con gái, và mãi cho đến bây giờ, tính ấy cũng không thay đổi, sau một chặng đường mà anh ta đã đi trong mười năm. Cái cổ áo không xộc xệch một ti, đôi mũi giầy không có một hạt bụi, cái ca vát rất hợp thời trang, với cái khuy áo cài vào tử tế, đủ tỏ rằng anh thận trọng y phục lắm. (Lấy vợ xấu)
Và sự thay đổi tính cách của Bích bắt đầu từ sự thay đổi ngoại hình của nhân vật này:
Chi Bích làm cho tôi giật mình... Thật là bất ngờ quá đỗi! Cái áo the nâu của chi, vừa rách lại vừa bạc, trông mới thảm hại làm sao! Đôi guốc mòn gót, quai cao su lốp ôtô lộn ngược mà chi kéo lê sền sệt, cả gót chân thừa ra ngoài, trông mới khổ sở làm sao! Thật là khác hẳn bà ký Bích ngày xưa, bao giờ ra phố cũng áo lụa hoặc áo nhung rất lịch sự. (Một đồng bạc)
Truyện ngắn Gương tống tiền là chân dung của kẻ tha hóa. Sự tha hóa của Lê Vân có nguồn gốc từ “ả phù dung”, từ sự nghiện ngập của Vân. Những lúc đói thuốc, Vân vật vã: Hai mắt Vân lúc đó quắc lên những ánh sáng, long sòng sọc như mắt người điên. Mặt Vân chằng chịt những nét răn đau đớn. Vũ Trọng Phụng đã chọn những nét tiêu biểu trên gương mặt Lê Vân để miêu tả sự thay đổi: đó là khuôn mặt và đôi mắt. Hai mắt Vân “quắc lên”, “long sòng sọc như mắt người điên”, và trên gương mặt lộ rõ sự hành hạ đau đớn của cơn thèm thuốc qua những từ láy “chằng chịt những nét răn đau đớn”. Sự thay đổi ấy báo hiệu sự tha hóa ở con người Vân. Vân chính là đại diện cho lớp người tha hóa, là cái sản phẩm “quái thai” của xã hội thực dân phong kiến Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Trong bối cảnh xã hội ấy, ngoài những con người tha hóa như Lê Vân, Vũ Trọng Phụng còn đề cập đến một lớp người mới, đó là tầng lớp văn nghệ sĩ sống lãng mạn, phóng túng: Thật là những nàng tiên sa cõi thế, răng lóng lánh hơn mặt hoa tai đầm, nước da min hơn cả quần lụa trắng, tóc đen lay láy, có màu mun hơn cả khăn nhung (Hồ sê líu hồ líu sê sàng).
Còn đây là chân dung của người vợ xấu: Vợ anh, thật vậy, là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, đôi gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự. Như vậy mà lại đi ăn mặc tân thời! Răng trắng nữa, trời ạ! Cái áo dài lượt thượt mầu xanh, cái quần nhiễu trắng trai lơ, đôi giầy cao gót có quai kiểu gái nhảy, với mẩu khăn vành dây, ngần ấy thứ lại càng làm lộ cái mỹ miều của sự thô tục, lại càng làm tăng cái choáng lộn của sự kệch cỡm. Ngòi bút miêu tả của Vũ Trọng Phụng đặc biệt khai thác những mặt đối lập trong cùng một chủ thể để làm nổi bật chủ thể ấy. Có câu nói không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết cách làm đẹp! Người vợ xấu này đã phô bày cái xấu của mình ở sự kết hợp giữa Ta và Tây một cách kệch cỡm: Cái áo dài lượt thượt mầu xanh, cái quần nhiễu trắng, đôi giầy cao gót kiểu gái nhảy lại kết hợp với cái với mẩu khăn vành dây! Qua những chi tiết miêu tả ngắn nhưng đắt phù hợp với đặc trưng của thể loại truyện ngắn, Vũ Trọng Phụng đã chỉ rõ cái lố bịch của hạng người tân thời, giàu có học làm sang. Những chân dung này có nhiều trong văn học hiện thực phê phán như Nghị Quế trong Tắt đèn; Nghị Hách trong Giông tố…
Ngoài ra, Vũ Trọng Phụng còn vẽ nên những chân dung đám đông rất thành công. Đó là đám đông của “lớp trên” trong xã hội đang dự tiệc nhà cụ phán Uyên; hoặc đám đông những người nghèo khổ và những người giàu có, thượng lưu đối lập nhau trong truyện ngắn Chống nạng lên đường … những chân dung đám đông này góp phần tạo nên cái đông đúc, phúc tạp cho thế giới nhân vật trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng.
Tóm lại, Vũ Trọng Phụng là nhà văn tả chân đúng nghĩa nhất của hai chữ tả chân: nghĩa là ông chỉ truy lùng sự thực, ông chỉ đi tìm sự thực về con người mà thôi.
Vì vậy, tác phẩm của Vũ đạt tới sự phổ quát: những nhân vật của Vũ có thể tìm thấy trong bất cứ xã hội nào mà tiền bạc làm chủ, xưa cũng như nay, Đông cũng như Tây. Toàn bộ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng nói lên điều đó như một lời tiên tri và vẫn còn đúng đến hôm nay.
2.2.2. Nhân vật trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng nhìn trên góc độ loại hình

Nhân vật là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học cơ bản có những thuộc tính, tính cách như con người. Nhân vật con là nơi thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn trong quá trình sáng tác. Nhân vật gắn liền với chủ đề và cốt truyện của tác phẩm. Nhân vật trong truyện ngắn cũng không nằm ngoài vấn đề trên.
Viết về loại hình nhân vật, Trần Đình Sử nhấn mạnh: Để xác lập loại hình nhân vật người ta chia ra nhân vật chính, phụ, nhân vật chính diện, phản diện. Người ta còn phân biệt nhân “dẹt”, nhân vật “tròn”. Tức là phiến diện, nghèo nàn hay đầy đặn, đa diện (E.M. Forster). Có người phân biệt nhân vật tĩnh, nhân vật động (T.Docherty). Về mặt cấu trúc có người chia ra nhân vật mặt nạ, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng (I. Ghindơbua) (Trần Đình Sử, tuyển tập, Nxb Giáo dục, H. tập 2, trang 60). Nhìn chung, trong việc xác định loại hình nhân vật, có những cách khác nhau để hình dung về chức năng và cấu tạo nhân vật trong hình tượng tự sự của tác phẩm văn học. Điều quan trọng là nó phải chú ý quan niệm nghệ thuật về con người và vai trò sáng tạo tư tưởng của nhà văn trong xây dựng hình tượng nhân vật.
Khảo sát truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, chúng tôi nhận thấy nhà văn đã xây dựng các loại hình nhân vật sau:
Thứ nhất, nhân vật tính cách. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, nhân vật tính cách là: Một kiểu nhân vật phức tạp được miêu tả trong tác phẩm như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật. Trong nhân vật tính cách, cái quan trọng không phải là những đặc điểm, thuộc tính, phẩm chất xã hội, có thể liệt kê, tính điếm theo thứ tự một hai. Linh hồn của nhân vật tính cách thể hiện chủ yếu ở tương giữa các thuộc tính đó với môi trường, tình huống. Nhân vật tính cách, vì thế, thường có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lí, những chuyển hóa, do đó tính cách thường có một quá trình tự phát triển khiến cho nhân vật không đồng nhất giản đơn vào chính nó … Ở đây, yếu tố tâm lý, khí chất có vai trò quan trọng trong cấu trúc nhân vật. Đó là những con người độc đáo, cá biệt, cụ thể. [9, 232 – 233]. Nhân vật tính cách trong truyện ngắn là người luôn có mâu thuẫn bên trong, có những vấn đề phức tạp trong suy nghĩ và hành động. Nhân vật tính cách thường có cá tính, có chiều sâu trong nội tâm hay có những hành động nổi bật, qua đó nhân vật bộc lộ tính cách của mình.
Nhân vật vợ bác đánh giậm trong Bà lão lòa là một con người có tính cách. Ở nhân vật này, người đọc nhận ra những nét tính cách khác nhau: cần cù, lam lũ vất vả, tàn nhẫn… Như bao người nông dân nghèo, sự lam lũ thể hiện rõ ở việc chạy ăn từng bữa Bố nó hôm nay kiếm được bao nhiêu tất cả...? Ấy tôi chỉ được có bốn sóc cua hai xu với một mẹt tôm riu năm xu là bảy đấy thôi Gạo ăn bữa mai hết rồi. chính sự vất vả đó đã làm thay đổi tính cách con người đã từng chịu ơn. Bác trở nên tàn nhẫn - Bà đói à? Bà đói thì dễ tôi no à? Và cơn mưa đến làm bác suy tính nhanh Ba bốn năm nay, bác ta đã nhịn như nhịn cơm sống ấy rồi, quá lắm thì không chiu được. Mặc kệ bà ấy! để bà ấy chết quách đi cho rảnh mắt... và bác ta đã vờ kêu đau bụng để “quên” đi việc dẫn bà cụ loà ở gốc gạo về nhà. Sự nhẫn tâm của vợ chồng bác đánh giậm thể hiện rõ tính cách của nhân vật.
Nhân vật Hai Xuân tập trung thể hiện rõ nhất loại nhân vật tính cách. Những nỗi khổ đau khi mất đôi chân; bế tắc muốn tìm đến cái chết; những giằng xé giữa cuộc sống và cái chết; nỗi uất hận khi nghe những lời tàn nhẫn của anh có lúc biến Xuân thành con người khác mặc dầu chỉ trong suy nghĩ…; sự vô tư yêu đời lúc còn lành lặn; những giằng xé trong cảnh chia tay bố mẹ,… nhân vật Hai Xuân là nhân vật thành công nhất trong số các nhân vật của truyện ngắn Vũ Trọng Phụng.
Hợi trong Một cái chết cũng là một nhân vật có tính cách. Phần giới thiệu của “tôi” đã nói khá rõ về Hợi, mười một tuổi đã phải hai năm trở mẹ; mặt mũi sáng sủa, lễ phép, chăm làm… Một tâm hồn trong sáng đã tìm đến cái chết vì bế tắc trước sự nhẫn tâm của con người. Nỗi khổ tâm của Hợi khi những đứa bạn trong trường đánh (vì bố nó làm nghề làm cai lấy vé chợ); những “giằng xé” trong tâm hồn non tơ đến những biểu hiện giả tạo bên ngoài để che giấu những cảm xúc trong lòng ở đoạn kết đã thể hiện rõ nét tính cách của nhân vật này.
Nhân vật tính cách trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng có những thành công nhưng không nhiều. Thông qua nhân vật, nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người. Qua tính cách nhân vật và sự thay đổi tính cách ấy trong những hoàn cảnh, tình huống phần nào lí giải quan niệm nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng khi xây dựng con người trong tác phẩm. Ông nhìn con người một cách dân chủ. Sự tha hoá của con người là do hoàn cảnh nhưng suy cho cùng là do chính con người. Quan niệm của Vũ Trọng Phụng thể hiện cái mới trong văn học nhưng cũng ít nhiều thể hiện sự hạn chế của ông.
Thứ hai, nhân vật tư tưởng. Nhân vật tư tưởng là loại nhân vật thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội. Nhân vật tư tưởng cũng có thể chứa đựng những phẩm chất tính cách, cá tính và nhân cách. Nhưng cá tính và tính cách không phải là hạt nhân tạo nên cấu trúc của nhân vật tư tưởng. Nhân vật tư tưởng trong văn học cổ và văn học lãng mạn thường mang tính chất tượng trưng, trong văn học hiện thực lại kết hợp mật thiết với yếu tố tính cách và cả loại hình. Trong sáng tác, loại nhân vật này thường dễ rơi vào công thức, trở thành cái loa phát ngôn của tác giả. [9, 233 – 234].
Trong một số truyện ngắn, do không thể nói trực tiếp những điều mình định viết, Vũ Trọng Phụng dùng cách nói bóng gió, mượn nhân vật để phát ngôn cho tư tưởng của mình. Nhân vật tư tưởng của Vũ Trọng Phụng có thể thấy ở một số truyện ngắn như: Chống nạng lên đường; Đi săn khỉ; Một con chó hay chim chuột, …
Xin phân tích ngắn mấy ví dụ, đây là cách dựng chân dung Vện (Một con chó hay chim chuột) Vện ta cũng vẫy đuôi cho luôn luôn ve vẩy, loanh quanh lượn mấy vòng, thè lưỡi rõ dài, ngửi trên một cái, hết sức bầy tỏ "tấm lòng khuyển mã”, ấy chỉ có thế mà các "tiểu thư”: Vàng, Bông, Cún, Mực, cô nào dữ, lắm điều vào bậc nhất, có nanh nhọn bậc nhất, cũng không nỡ cự tuyệt con... người có duyên một cách lạ ấy, cũng cảm ngay. Thật Vện không đến nỗi bi tẽn, bi chửi mắng bao giờ (Một con chó hay chim chuột). Cách miêu tả tài “tán gái” của Vện cũng giống anh chàng Doãn (Lấy vợ xấu) – chàng Don Joun Tây học. Điều đó thể hiện khả năng sáng tạo và cái nhìn độc đáo của Vũ Trọng Phụng về cuộc đời, về nghệ thuật. Mượn hình tượng con vật, chuyện loài vật, Vũ Trọng Phụng hoàn toàn khách quan trong phê phán, châm biếm, tố cáo, cũng như trong trình bày quan điểm nghệ thuật chống xu hướng văn chương lãng mạn trên diễn đàn văn học lúc bấy giờ.
Thằng Xuân (Chống nạng lên đường) đã được nhà văn khéo léo để cho nhân vật phát ngôn thay mình. Nhiều ý kiến cho rằng Vũ Trọng Phụng “thiếu niềm tin vào con người” không phải là không có căn cứ. Có thể ông ảnh hưởng học thuyết của Faut trong quan niệm về con người. Một người đau chân thì làm sao biết cái chân của người khác đau như thế nào. Vì vậy, có thể lí giải hành động anh cả Xuân buộc đuổi nó đi bởi chính anh nó cũng bế tắc trong cuộc sống. Thế nhưng đọc truyện người ta có thể nhận ra bi kịch cuộc đời Xuân không phải bắt đầu từ đó mà chính từ những con người thuộc giai cấp trên, vì vậy giá trị phản ánh, tố cáo của truyện càng mạnh mẽ. Chính “người ta”, người đã cướp đi đôi chân của nó, những người mà Vũ Trọng Phụng đã dám gọi đích danh Những ông đại tư bản, giàu có hàng triệu. Chính chúng trực tiếp đẩy Xuân phải chống nạng lên đường. Câu chuyện kết thúc với cảnh thương tâm, Xuân về nhà lấy gói đồ (gia sản của nó) ra đi trong nỗi đau của thầy u nó. Như chúng tôi vừa phân tích, thằng Xuân vừa phát ngôn bằng lời, vừa phát ngôn bằng hành động thay cho ý tưởng trực tiếp của nhà văn.
Chương 3: THI PHÁP TRUYỆN NGẮN VŨ TRỌNG PHỤNG
3.1. Tình huống trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng
3.1.1. Khái niệm tình huống, các kiểu tình huống
Vấn đề tình huống đã được giới nghiên cứu quan tâm từ rất sớm. Thế kỷ thứ XIX nhà triết học, mỹ học lỗi lạc người Đức Hêghen (1770 - 1831), trong công trình Triết học về Mỹ học đã dành nhiều trang bàn về tình huống trong nghệ thuật.
Các nhà văn Việt Nam quen dùng chữ tình thế hơn là tình huống. Tình huống chính là tạo hành động cho nhân vật của mình. Các nhà văn coi trọng việc lựa chọn tình huống đặc thù cho các nhân vật. Các tình huống truyện không mở ra cái thế thúc đẩy hành động thông thường cho nhân vật phát triển mà nhằm thúc đẩy một hành động khác - hành động tâm lý.
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, khi bàn về nghệ thuật truyện ngắn đã đặc biệt chú ý đến vấn đề tình huống, ông chia tình huống thành các kiểu sau: Loại tình huống lớn; Loại tình huống nhỏ. Còn theo Bùi Việt Thắng có các kiểu tình huống cơ bản sau: Tình huống - kịch; Tình huống tâm trạng; Tình huống - tượng trưng. ..
Tóm lại, tình huống là cái khoảnh khắc cốt yếu”, khi nhân vật đặt trong hoàn cảnh đó, nhất định phải bộc lộ tính cách chủ yếu của mình, tính cách ấy chi phối cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử, đường đi nước bước và cả số phận của cuộc đời mình.
Qua khảo sát từ những truyện ngắn của các tác giả thuộc dòng văn học hiện thực phê pháp như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng,… chúng tôi nhận thấy truyện ngắn hiện thực có ba dạng tình huống cơ bản: Tình huống hành động, Tình huống tâm trạng, Tình huống nhận thức. Riêng ở truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, chúng tôi nhận thấy cũng từ những dạng thức trên, song biểu hiện ở các khía cạnh khác nhau: tình huống hài kịch; tình huống bi kịch và tình huống bi hài kịch.
3.1.2. Tình huống trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng
3.1.2.1. Tình huống hài kịch (gây c­ười)
Hài kịch thiên về phê phán cái xấu, cái lố bịch, cái lỗi thời để tống tiễn nó ra khỏi đời sống xã hội. Nhân vật của tình huống hài kịch thường không có sự tương xứng giữa thực chất bên trong với danh nghĩa bên ngoài của mình nên trở thành lố bịch.
Qua khảo sát của chúng tôi, tình huống “hài kịch” ở truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng xuất hiện khá nhiều. Trong Sư cụ triết lý, tình huống bắt đầu từ nguy cơ nhà chùa quẫn bách đến nơi bởi lẽ ít lâu nay khách thập phương không năng lui tới cửa thiền. Song, điều đó đối với Sư Tăng Sương không phải là vấn đề: đã có chí tu đến thành Phật, ai nỡ đâu quan tâm đến chuyện tiền. Nghĩ  đến chuyện tiền, chẳng còn là từ bi; và ngài triết lý: Trên thế gian cũng như trong vũ trụ, vật nào cũng có một nghĩa, sự nào cũng có một lý...
Tình huống hài càng đẩy lên cao khi Sư Tăng Sương bất chợt bắt gặp sư bác đang ăn thịt chó Chợt thấy sư bác đương lúi húi làm gì vậy?... Sư cụ rón rén đến gần thì, mô Phật! - sư bác đương tu hành để chóng thành sư hổ mang. Cái gói lá sen mới lôi dưới hố lên ấy, bên trong đựng thịt cầy.
Sư không giận, bình tĩnh và khoan hòa, sư cụ chỉ ra lệnh cho sư bác đem tang chứng ấy đến chịu tội trước bệ Phật mà thôi. Ngài khoan hòa đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ tìm đến Và cái triết lý của cụ càng làm cho người đọc thấy cụ gần với cõi trần tục hơn khi cụ vừa giảng triết lý cho sư bác vừa đưa tay “nhót” thịt chó! Để xây dựng tình huống hài kịch trong truyện ngắn này, Vũ Trọng Phụng đã sử dụng những mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của nhân vật. Trước tiên là hành động ra lệnh cho sư bác đem “tang chứng” đến chịu tội trước Đức Phật: Đã sa ngã thì nên tự tìm cách chịu tội để chuộc lỗi. Sư bác ăn năn muốn đem vứt ngay gói này...  thì sư cụ lại giơ tay ngăn. Muốn sư bác hiểu cho ra nghĩa lý mọi sự ở đời!; nhưng lại úp mở, vòng vo; và cao trào của tình huống hài hước nằm ở cuối truyện ngắn khi cụ vừa giảng cái nghĩa lý mọi sự ở đời vừa khoan thai, bình tĩnh thò tay... nhót! Xây dựng tình huống hài kịch, Vũ Trọng Phụng bóc trần bộ mặt thật của bọn sư hổ mang!
Một trong những biểu hiện của tình huống “hài kịch” là sự mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức. Truyện Cuộc vui ít có là vở hài kịch “ít có” khi nhà văn đã xây dựng rất thành công những nhân vật không có sự tương xứng giữa thực chất của bọn lang băm và cái danh nghĩa thầy lang của chúng.
Tình huống hài kịch trong Một con chó hay chim chuột (hay Tình là dây oan) lại có tác dụng thể hiên xu hướng chống văn chương lãng mạn ở ngòi bút của tác giả. (chú thích của Lại Nguyên Ân).
Thông qua tiếng cười, ông đã phơi bày một cách nghiêm khắc những cái lố bịch của cuộc đời, mà cái căn cơ chính là thế lực của đồng tiền. Tuy không cụ thể như trong tiểu thuyết, người đọc có thể thấy cái sức mạnh của đòng tiền chi phối trong các truyện ngắn của ông. Để báo chạy, nhà báo Nhất Đông Dương không ngại thêu dệt, thậm chí bóp méo cả sự việc (Sao mày không vỡ, nắp ơi); người không có quyền làm bố chỉ tại không có tiền (Người có quyền); các ông thầy lang lừa người cũng chỉ vì tiền (Chữa bệnh lao bằng mồm; Cuộc vui ít có). Đồng tiền làm cho con người trở thành những kẻ vô nghĩa lý, tha hóa (Pierre Quyền, con người Âu hóa). Có khi tiếng cười được bật ra từ tình huống mang tính nghịch lý, ngược đời; Đôi khi tình huống hài kịch trong truyện Vũ Trọng Phụng là sự giễu cợt, mỉa mai lối sống lãng mạn rởm, con người trở thành những biếm họa, tha hóa, là nạn nhân của những lối sống lãng mạn ấy. (Cái ghen đàn ông; Lòng tự ái).
3.1.2.2. Tình huống bi kịch
Theo nhóm tác giả của Từ điển thuật ngữ văn học, “Bi kịch phản ánh không phải bằng tự sự mà bằng hành động của nhân vật chính ... diễn ra trong một tình huống cực kỳ căng thẳng mà nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy nghĩ và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng... kết thúc bi thảm của số phận nhân vật bi kịch thường có ý nghĩa thức tỉnh...” [,18-19]. Khảo sát từ thực tế truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, chúng tôi thấy tình huống này không nhiều nhưng có. Cụ thể chúng ta có thể thấy ở Bà lão lòa; Một cái chết; Chống nạng lên đường.
Trong truyện ngắn Bà lão lòa, tình huống bi kịch bắt đầu đối với bà lão khi cơ nghiệp đã bị đứa con nó chơi, nó phá làm cho tan nát cả. Giận con mà cũng thương con, bà khóc đến lòa cả mắt. Người cháu “cắn răng” nuôi bà cô vì trước đó đã nhận sự cưu mang của bà những lúc khó khăn. Bi kịch đời ăn chực nằm chờ càng đẩy lên cao khi cuộc sống nhà bác đánh giậm ngày càng khốn khó. Để sống, mỗi ngày bà phải ăn. Mà bà ăn tức là bà lại ăn phần cơm của thằng cu lớn đấy. Điều này bác cu gái không thể chịu mãi được. “Thời cơ” đã đến. Bỗng trên trời mây kéo đen nghịt tối sầm hẳn lại, rồi nổi một cơn giông. Bác cu gái ngồi ôm con một góc giường cau mày ngẫm nghĩ: thật vậy! Ba bốn năm nay, bác ta đã nhịn như nhịn cơm sống ấy rồi, quá lắm thì không chịu được. Mặc kệ bà ấy! Để bà ấy chết quách đi cho rảnh mắt... !
Và hôm sau lúc đi kiếm ăn, bác đánh giậm kinh hãi gặp xác một người đã bi quạ mổ nát nhừ, xác bà lão lòa bị gió thổi xuống ruộng đêm hôm trước. Qua tình huống bi kịch, Vũ Trọng Phụng đề cập đến sự tha hóa nhân tính trong con người. Vũ Trọng Phụng như muốn vạch rõ...trước vấn đề sinh tồn, con người bộc lộ rõ cái “thú tính”. Tình huống bi kịch góp phần làm nổi bật nhân vật, tính cách nhân vật. Sự tha hóa của nhân vật trong hoàn cảnh thể hiện cái nhìn của nhà văn về cuộc đời, về con người.
Chống nạng lên đường, bi kịch xảy ra với Hai Xuân khi chiếc xe hơi vồ lấy đôi chân của nó. Từ một con người vui vẻ, có ích cho gia đình, Xuân đã trở thành “của nợ” của anh nó. Không thể nuôi cả một gia đình, anh nó đã đuổi nó ra khỏi cái nơi nó được sinh ra. Xây dựng tình huống này Vũ Trọng Phụng chỉ ra bi kịch cuộc đời con người chính do xã hội, do những con người có quyền đã cướp đi đôi chân nó, do nạn thất nghiệp, do nghèo túng..., vì vậy giá trị tố cáo của tác phẩm càng tăng.
Một cái chết, bi kịch ở cuộc đời Hợi là mâu thuẫn và đối lập giữa trái tim nhân hậu, giàu tình thương của một đứa bé mười một, mười hai tuổi với sự phũ phàng, lạnh lùng của người cha và cuộc đời. Một khối óc còn non mà đã thấy cái chân tướng cuộc đời, trong lòng xúc cảm bao mối thương tâm mà chỉ biết phát lộ ra bằng một tiếng thở dài. Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, một nhà văn đích thực, viết về sự tha hoá của con người. Tác phẩm của ông, phát xuất từ xã hội Việt nam dưới thời Pháp thuộc, những năm 1930 - 1940, với tất cả những tệ đoan của thời đó. Từ những truyện ngắn đầu tiên như Một cái chết (1931), Bà lão lòa (1931), ông đã nêu đích danh thủ phạm của những cái chết bi thương, đói khát, là lòng dạ ác độc, không cưu mang nhau, sự nhẫn tâm giữa người với người.
3.1.2.3.Tình huống bi hài kịch
Tình huống “bi hài kịch” chính là sự phối trộn giữa hai yếu tố: bi và hài. Nếu như tình huống “bi hài” trong truyện ngắn lãng mạn thường là cái cười nhẹ nhàng, thi vị, trữ tình, thì cái “bi hài” của truyện ngắn hiện thực phê phán là cái cười chua chát trước thực tại đời sống.
Xã hội Việt Nam những năm 1930 – 1940 “không thiếu những tiếng não nùng, ai oán, nỉ non, tiếng thở dài và cả tiếng khóc”. Trong những truyện ngắn của mình, Vũ Trọng Phụng không chỉ cười cợt, phê phán trước những mặt trái của xã hội mà ông cười cả trong  sự buồn.
Trong Bộ răng vàng là tình huống “bi hài” của hai cậu quý tử trước cái chết của cha. Việc cha chết không phải là một mất mát đau thương đối với hai người con. Chúng không hề đau khổ, không hề khóc lóc (mà khóc lóc làm gì khi chúng giấu họ hàng về cái chết kia) mà vồ lấy chùm chìa khóa, tính toán và chia... của. Chia xong, thằng em óc lý tài sáng suốt hơn nhớ rằng người chết còn bộ răng vàng. Không chút ngần ngại, nó cạy mồm người chết để lấy “của” làm riêng. Không dừng lại ở đó, tình huống “bi hài kịch” ở  gia đình người chết càng đẩy cao khi người anh “phát giác” việc làm của thằng em. Lời nói và hành động của nó thể hiện mức độ “anh cả” trong gia đình - Chú thím đã định lừa tôi như thế, thì bộ răng này, sau khi tôi bán được, mong rằng chú thím đừng nhớ đến chuyện chia ... So sánh tình huống bi hài này trong tiểu thuyết của ông, người đọc sẽ thấy Số đỏ phản ánh rất sinh động qua những trang miêu tả cảnh cái chết của cụ Cố, chương trình sách giáo khoa hiện hành trích dẫn với tiêu đề Hạnh phúc một tang gia, ...
Sau cùng, thì một cách tự nhiên, nhanh nhẹn nhất đời, nó cúi xuống nhặt bộ răng vàng, bỏ túi. Không đi vào xây dựng những nhân vật bi hài kịch tâm lý như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng lại rất đắt trong việc chọn chi tiết tình huống; ông trình bày sự ti tiện của con người trước áp lực của kim tiền. Tác phẩm của ông đào sâu xuống cái thấp hèn của con người, cái thối nát vô luân trong xã hội. Đọc truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, người đọc không chỉ khái quát hiện thực xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX mà còn suy ngẫm về đạo lý làm người ngày nay.
Ở Người có quyền là tình huống chua chát đầy bi hài của con người vô nghĩa lý – người không có quyền!....
3.2. Kết cấu trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng
3.2.1. Khái niệm kết cấu trong truyện ngắn
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm.
Thuật ngữ kết cấu thể hiện một nội dung rộng rãi và phức tạp hơn bố cục. Tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong nghệ thuật kiến trúc nội dung cụ thể của tác phẩm.
Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có kết cấu nhất định. Kết cấu là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật. Kết cấu đảm bảo các chức năng rất đa dạng: bộc lộ tốt chủ đề và tư tưởng các tác phẩm: triển khai, trình bày hấp dẫn cốt truyện; cấu trúc hợp lý hệ thống tính cách; tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả: tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như một hiện tượng thẩm mỹ. [, 9]
3.2.2. Những kiểu kết cấu trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng
3.2.2.1. Kết cấu hồi tưởng (kết cấu truyện lồng trong truyện)

Kết cấu trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng theo khảo sát của chúng tôi thường là kết cấu hồi tưởng. Theo dòng hồi tưởng, nhà văn đưa người đọc đến những câu chuyện. Đó là những câu chuyện kể về những sự kiện, sự việc xảy ra như những “lát cắt” trong cuộc sống nhưng có ý nghĩa khái quát cao. Kết cấu hồi tưởng có hình thức bắt đầu như  “Nhà văn sĩ T. L. một hôm kể lể với tôi” (Con người điêu trá); “Xưa kia tôi chưa biết "đi săn" là thế nào. Nhưng mà từ thuở nhỏ, tôi vẫn ao ước có một khẩu súng để có thể được đi săn luôn luôn.” (Đi săn khỉ); “Hôm ấy, cụ Bá ông quả quyết mở ví tiền để trả cho anh lái chó cái giấy bạc một đồng. Cụ sung sướng cực điểm vì rằng con Vện mà cụ mới mua đấy, theo ý cụ, là một con chó có... di tướng” (Một con chó hay chim chuột); “Thời xưa, khi loài người chưa đến nỗi phải sống chen chúc nhau trong những căn nhà rộng như hang chuột của cái thế kỷ tiến bộ này, cổ nhân cũng đã có những câu như "trạch lân xử" và "bán anh em xa mua láng giềng gần" để thuyết minh về cái liên lạc hệ trọng giữa những người sống gần gũi nhau, đề phòng những lúc nguy nan, tối lửa tắt đèn, hoạn nạn, dễ cầu cứu nhau. Ngày nay, nhờ nạn nhân mãn, những thuế thổ trạch quá nặng, bọn người ít tiền chúng ta đã không còn biết cái tình liên lạc của "láng giềng”, để mà hiểu rõ cái gì là cái hệ trọng của người "ở chung" đối với ta, lại thân mật hơn ông láng giềng thuở trước. Nói thế rồi, bây giờ tôi mới xin kể một chuyện của tôi đối với một gia đình đã "trạch lân xử” với gia đình nhà tôi. Đọc rồi, độc giả nên sẽ tha thứ cho tôi, vì tôi đã là một kẻ khốn nạn.” (Một đồng bạc); “Buổi chiều hôm ấy, bà chủ vừa gãi đỏ cả hai bàn chân vừa kêu” (Tự do)… Kết cấu hồi tưởng có tác dụng đưa người đọc đến với câu chuyện, sự kiện. “Kết cấu bao hàm một trật tự thông báo nhất định đối với người đọc về việc xảy ra” [Dẫn luận nghiên cứu văn học – Pôxpelop chủ biên; chuyển dẫn từ Bùi Việt Thắng [100, 17]). Để làm cho tác phẩm trở thành một chỉnh thể thẩm mĩ thống nhất và sinh động, nhà văn phải tìm tòi sáng tạo kết cấu cho truyện. Theo kết cấu hồi tưởng, Vũ Trọng Phụng đã đưa người đọc khám phá những “lát cắt” của cuộc đời phong phú, đa dạng. Thông qua những “lát cắt” đó, ông thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người, phê phán những hiện tượng ngược đời, bi hài và cả những chuyện trái luân thường, đạo lý. Vũ Trọng Phụng có khá nhiều truyện được xây dựng theo kết cấu truyện lồng trong truyện. Một cái chết; Cái ghen đàn ông; Một đồng bạc…  là những truyện ngắn có kết cấu hồi tưởng.
Một cái chết mở đầu là câu chuyện lúc Bẩy giờ tốí nơi nhà của nhân vật “tôi”. Một người ăn xin già đẩy cửa vào nhà xin tiền bố thí. “Tôi” bực mình, cau có đuổi lão ăn mày. Đó tưởng chừng là chuyện bình thường. Ấy vậy mà sau câu chuyện bình thường đó là một câu chuyện thương tâm. Cũng vì hành động của cha (thầy Cai), thằng Hợi, đứa bé “hay nghĩ vẩn vơ” đã tìm đến cái chết. Kết cấu hồi tưởng có tác dụng dẫn dắt người đọc đến nội dung tư tưởng của truyện ngắn này. Cái chết của người ăn xin, cái chết của thằng Hợi là do sự nhẫn tâm của con người. Vì thế theo tôi, truyện Vũ Trọng Phụng có tác dụng xoáy vào lòng người, đánh thức lương tri con người trước những vấn đề xã hội, vấn đề đồng loại. Đây có thể là một ý kiến khác biệt với nhiều nhà nghiên cứu, khi hầu hết các nhận định đều cho rằng Vũ Trọng Phụng nhìn con người “chênh vênh bên bờ vực, thiếu niềm tin vào họ”, (chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này ngay ở phần tiếp theo, trong Kết cấu đi thẳng vào giữa truyện của ông). Song chúng tôi muốn khẳng định một cái nhìn toàn diện hơn, không phải lúc nào nhà văn họ Vũ cũng “thiếu niềm tin vào con người”!
Một đồng bạc được xây dựng theo kết cấu hồi tưởng và mang nặng tư tưởng bi quan về con người bây giờ tôi mới xin kể một chuyện của tôi đối với một gia đình đã "trạch lân xử" với gia đình nhà tôi. Đọc rồi, độc giả nên sẽ tha thứ cho tôi, vì tôi đã là một kẻ khốn nạn. Câu chuyện “mang nặng một vết thương tình cảm”. Than ôi, chỉ vì một đồng bạc! Cái đồng bạc nhân đức rất đắc tội ấy! Chi Bích lẩn mặt, chạy trốn, sợ bi đòi tiền.
Một đồng bạc! Chỉ vì nó, mà một người đã có cái can đảm chạy trốn một người, sau khi cả hai người, vào lúc còn như nhau, đã sống bao nhiêu năm trời chung đụng với nhau, rau cháo có nhau, yến tiệc có nhau, thân thiết với nhau hơn ruột thịt, tay chân!
Kết cấu trần thuật hồi tưởng ngôi thứ nhất, nhân vật “tôi” đưa người đọc trở lại cái cảnh “anh, anh, bác, bác” khi “tôi” và anh ký Bích còn ở cái địa vị xã hội “thường thường bậc trung”… Thế rồi chị Bích xuất hiện với bộ dạng nghèo khó. Cái tình cảm kia được thử thách. Tôi thấy phiền quá, vì chị Bích làm cho tôi sợ hãi quá. Những suy tính của “tôi” qua ngòi bút của Vũ Trọng Phụng vạch bày sự ti tiện của con người Bao nhiêu cái gì là ích kỷ, là đê hèn, là chó má, là tàn nhẫn, lúc ấy đều thức dậy cả trong cái tấm lòng khốn nạn của tôi. Cúi đầu xuống, tôi bĩu môi nghĩ về vợ chồng ký Bích: "Sướng lắm thì khổ nhiều!" ấy thế là những sự thù tạc, biếu xén, quà bánh, thết đãi của vợ chồng ký Bích khi xưa đã làm cho tôi thấy là vinh dự, đáng quý hoá, thì bây giờ chỉ khiến tôi thấy đó là kiểu cách, lôi thôi, phiền phức, giả dối, khó chiu, và nhất là tai hại, hầu như là đã khiến cho vợ chồng tôi vì đối đáp lại những cái ấy mà đã có hồi khuynh gia bại sản nữa! Đáng sợ hơn sự ti tiện, đê hèn ấy lại được khoác một tấm áo nhân đức! Giá trị phê phán truyện Vũ Trọng Phụng ghê gớm đến nỗi người đọc truyện của Phụng phải “sợ”. (chữ dùng của Nguyễn Tuân).
Cái ghen đàn ông có kết cấu giống kết cấu truyện ngắn Một cái chết. Câu chuyện giữa Giao Đài và các bạn tạo nền cho câu chuyện của vợ chồng giáo Hiển. Kết cấu đưa người đọc, dẫn dắt người đọc vào câu chuyện tình vừa lãng mạn vừa bi hài của giáo Hiển; đồng thời làm nổi bật cái ghen vô lý và con người vô nghĩa lý của anh giáo.
3.2.2.2. Kết cấu đi thẳng vào giữa truyện
Kết cấu đi thẳng vào giữa truyện là kiểu kết cấu có chiều sâu và chính vì vậy mức độ thể hiện nội dung tư tưởng của nó trong truyện ngắn rất cao. Có thể thấy rõ kết cấu đó ở truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Chống nạng lên đường của Vũ Trọng Phụng cũng thuộc kết cấu như vậy.
Trong các truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, Chống nạng lên đường là một trong những truyện ngắn có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Nó là bức tranh về cuộc sống nghèo khổ, cùng quẫn, bế tắc của người dân nghèo đồng thời lên tiếng tố cáo những kẻ quyền thế, giàu có đã đẩy người dân lương thiện vào cảnh bế tắc ấy. Thông qua bi kịch gia đình Xuân, nhà văn thể hiện lòng cảm thương đối với những con người nghèo khó, bất hạnh.

Mở đầu câu chuyện là cái hoàn cảnh “lo buồn” của Xuân bởi nó đã mất đi đôi chân – nguồn kiếm sống của nó: Mấy hôm nay, thằng Hai Xuân xem ra có ý lo buồn lắm. Phải, ở vào cái cảnh như nó bây giờ, thì đến ai mà chả đâm lo; bảo nó không buồn sao được?, để rồi đưa người đọc trở về thời gian trước kia thằng Xuân còn lành lặn, vui vẻ, yêu đời. Cái nghề xe kéo làm “ngựa người” ngày ngày “dang” chân trên mạt đường rải nhựa khi lửa hạ chang chang, hay bì bõm trên giải đê trơn mỡ đổ khi mưa phùn gió bấc... mà đối với thằng Hai, nó vẫn cho là vui vẻ lắm... bởi nó chẳng phải ăn nhờ ai mà lại còn nuôi được bố được mẹ, đỡ anh nó. Vào những buổi chiều mùa hạ sáo diều vo vo réo rắt hay buổi chiều mùa thu gió vàng hắt hiu, trong những cảnh hoàng hôn của tiết xuân mát mẻ hay của trời đông lạnh lùng; mỗi khi hình thằng Hai tay vòng càng đi trước cái xe, vẽ cái bóng thật dài trên giải đường trắng xoá, thì tận trong làng xa lắc xa lơ cũng có người nghe thấy nó cất giọng ồ ồ, nghêu ngao hát cái bài “xẩm” của nó tuy cụt đầu cụt đuôi thật, nhưng nghe nó cũng hay hay:
Còn trời (mà )còn nước, còn non...
Còn cô (mà ) còn cô bán rượu, ( ý y )anh (a ) còn (thì ) say sưa... (chừ này mình ơi... ý y ỳ ý y tang tình tính tang... ! ! !).
Quãng đời ấy là quãng đời hạnh phúc, “vui… nhất” của Xuân. Bây giờ, nó phải đối diện với cái đói, cái rét, cái chết.... Kết cấu này cho phép nhà văn tạo độ căng của câu chuyện và từ đó mở rộng nhiều bình diện phản ánh, tố cáo. Trở thành thằng què, Hai Xuân cũng đã trở thành “của nợ” của gia đình; và nó phải “chống nạng lên đường” trong buổi sáng tờ mờ sương mù. Lâm vào bi kịch đó có phải do sự lạnh lùng, nhẫn tâm của anh cả Xuân?
3.2.2.3. Kết cấu đối lập
Trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, kiểu kết câu này khá đa dạng. Kết cấu đối lập xuất hiện trong Bà lão loà; Lấy vợ xấu; Từ lí thuyết đến thực hành…  Chúng tôi nhận thấy trong kết cấu đó có những biểu hiện nhỏ hơn.
Thứ nhất, kết cấu đối lập giữa bên ngoài và bên trong.
Kết cấu đối lập giữa bên ngoài và bên trong được xây dựng ở truyện ngắn Từ lí thuyết đến thực hành. Sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của con người Âu hóa đã lý giải cái nhan đề một cách hùng hồn và thuyết phục nhất. Anh ta là một con người Âu hóa. Anh Âu hóa từ ngôn ngữ, lối sống đến quan niệm sống rất Balê. Thế nhưng anh lại giấu mọi người rằng mình thường phải ăn cơm ta, có khi ăn cả rau muống và cà pháo. Anh hô hào, diễn thuyết về nạn mọc sừng và xem rằng ấy là biểu hiện của văn minh.
Tóm lại, anh Tây nốt ở mặt linh hồn; thế nhưng khi vợ anh ta cắm một đôi sừng hươu trên đầu anh ta thì anh đã để sự đời kể như kết thúc. Anh bỏ vợ, tìm đến bàn đèn, thuốc phiện và nổi giận chính đáng - Mày ngu lắm! Thế khi vợ mày nó cắm sừng vào đầu mày thì liệu mày có còn cứ muốn ăn ở suốt đời với nó không? Sự mâu thuẫn đối lập như là một phương tiện thể hiện nội dung: phê phán xã hội văn minh rởm, những con người văn minh rởm – sản phẩm của xã hội kim tiền mà ở đó nhân phẩm con người khó mà giữ cho trong sạch. Không những thế, truyện còn có ý nghĩa trong việc giữ gìn đạo đức, truyền thống dân tộc.
Thứ hai, kiểu kết cấu đối lập lấy cốt truyện làm chính.
Kiểu kết cấu lấy cốt truyện làm chính cũng là kiểu kết cấu thường thấy trong tác phẩm văn học hiện thực. Trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, kiểu kết cấu này xuất hiện trong  truyện ngắn Bà lão loà. Sự đối lập giữa ngày xưa và ngày nay làm nổi bật rõ hoàn cảnh ăn chực nằm chờ cực thân của bà lão cũng như sự thay đổi của vợ chồng bác đánh giậm đối với người mình đã từng chịu ơn. Mới 20 năm trước, bà còn là người có của; cũng từng bao phen cứu giúp người trong cảnh khốn khó (trong đó có vợ chồng bác đánh giậm). Vậy mà bây giờ, mỗi ngày thất thểu một lưng cơm,  muốn xin ít nữa bà đã bị bác gái quát vào mặt; nhớ chuyện xưa, tủi phận mình, bà lão sụt sùi hậm hực khóc không ra tiếng thì cũng bị xỉa xói. Xây dựng truyện theo kết cấu đối lập, Vũ Trọng Phụng giúp người đọc cảm nhận sự phũ phàng của tình đời; vạch trần sự đổi thay, tha hoá của con người trước  hoàn cảnh; phản ánh hiện thực cuộc sống  của người dân trước Cách mạng. Giá trị của truyện ngắn càng thể hiện rõ ở sự đối lập nơi nhà bác đánh giậm và ngoài trời mưa gió nơi gốc gạo ở bờ đê. Và buổi sáng hôm sau, cảnh trời trong, chim hót, tiếng người đi chợ… bác đánh giậm từ xa thấy đàn quạ xào xạc liệng quanh đám mạ dưới chân đê; tưởng gặp một mẻ ngon nhưng khi đến nơi, bác kinh hãi phát hiện ra cái xác bà lão đêm hôm qua bị gió thổi xuống ruộng đã bị quạ mổ nát nhừ.
Tóm lại, có thể khái quát về kết cấu trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng như sau:
Một là, xây dựng kết cấu phù hợp với việc thể hiện nội dung, tư tưởng chủ đề của truyện.
Hai là, với tài năng quan sát cuộc sống và phản ánh vào trong tác phẩm. truyện ngắn Vũ Trọng Phụng góp phần làm phong phú nền văn học dân tộc ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
3.3. Giọng điệu và ngôn ngữ trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng
3.3.1. Giọng điệu
Giọng điệu nghệ thuật với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ, một yếu tố có vai trò hết sức quan trọng trong việc cấu thành phong cách nhà văn là vấn đề đã được nhận ra từ lâu kể cả trong văn học Phương Tây và văn học phương Đông. Nhiều bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra và chứng minh vai trò quan trọng của giọng điệu (tone) hay “văn khí”, “hơi văn”, “giọng văn” (cách gọi quen thuộc ở Trung Quốc và Việt Nam) không chỉ trong sáng tác mà cả trong nghiên cứu, tiếp cận tác phẩm văn học và phong cách cá nhân nhà văn.
Nhắc đến phong cách có nghĩa là chúng ta thừa nhận mỗi nhà văn có một giọng điệu riêng, đồng thời cũng từ đó ta khẳng định một thể loại được nhiều nhà văn chọn thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm thì cũng sẽ có giọng điệu chung - giọng điệu thể loại.
Thứ nhất, đọc truyện ngắn Vũ Trọng Phụng ta nhận ra giọng văn châm biếm bằng lối xen vào những lời nhận xét, bình luận hài hước, những lối nói ngược, giễu nhại thâm thuý. Xin nêu một số ví dụ minh họa:
Đọc những chữ chúc mừng rất văn chương bằng dạ đen trên nền đỏ, cụ mới khám phá ra rằng: chao ôi thì ra mình xưa nay vẫn có nhiều đức tính mà chính mình không biết, để mà sướng như một kẻ chết được lắm câu đối khóc có thể được thỏa cái vong hồn... Thật là linh đình, và vui vẻ. Thật là vinh dự cho tổ tiên. (Ăn mừng); hoặc Đến bây giờ thì ông cụ quả thật chết rồi, nhẹ nợ!...(Bộ răng vàng). Giọng điệu này ta còn gặp trong tiểu thuyết của ông: Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu… ! (Số đỏ).
Hay như:
Bao giờ tôi lại quên được những lời thông thường rất thi vi mà anh "nói ngọng” sau khi quệt ngón tay trỏ vào má con bé, đại khái những:
- Cháu gái tôi, ồ là, tôi "êu” nó lắm cơ! à, cháu tôi cười rồi! Bác "êu” cái má bánh "đúng”  này này! Bác "êu” cái miệng bé bé này này! Bác "êu” cái cằm quả táo này này! Bé ơi, bé êu êu quí quí của bác ơi!...
A hà cười! Thích quá, thích quá!
Rồi anh ký Bích hôn hít con bé mãi không thôi, làm nó cứ cười toe toét, và làm cho tôi cảm thấy cả cái hạnh phúc của một thằng đã là "bố trẻ con” mà con gái lại trông hay hay, mẫm mụi, nghĩa là tóm lại theo một câu nói riêng thì là "trông cứ như con chó Cún.” (Một đồng bạc)
Giọng điệu châm biếm, hài hước, giễu nhại của Vũ Trọng Phụng có tác dụng vạch trần những cái lố lăng trong xã hội đương thời, sự đồi bại, xuống cấp của đạo đức… Điều ấy không chỉ có giá trị  châm biếm, đả kích trước những hiện tượng xã hội lúc bấy giờ mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục đối với con người. Nguyễn Đăng Mạnh trong Vũ Trọng Phụng tài năng và sự thật, Nxb Văn học. H. 1997 đã nói: “Đọc Nam Cao  người ta bắt buộc phải suy nghĩ băn khoăn không  dứt ra được. Đọc  Vũ Trọng Phụng,  người ta muốn hành động”.
Thứ hai, một nét giọng khác của truyện ngắn Vũ Trọng Phụng là giọng suồng sả, trần trụi, soi mói những mặt trái xã hội. Với thái độ không kiêng dè, Vũ Trọng Phụng sử dụng giọng điệu ấy trong trần thuật. Chúng ta hãy nghe đây, lời đối thoại của các nhân vật trong Tết ăn mày:
- Ngày xưa quan viên tìm cô đầu.
- Bây giờ cô đầu hạ mình quá với quan viên.
- Cô đầu không thành cô đầu, quan viên không thành quan viên.
- Nói tóm lại thì quan viên cũng chó mà cô đầu cũng chó!
Cúc Nương nói thế thì một người hỏi đùa:
- Chó ở những lúc ngủ với nhau ấy à?
Tiếng cười rầm một hồi. Rồi Cúc Nương nói:
- Chán bỏ mẹ! Thời buổi này cái gì cũng hỏng! Tết nhất lắm chỉ như đồ ăn mày!
Cũng là giọng điệu suồng sả những biểu hiện khác, đầy “màu sắc” soi mói, đay nghiến:
Hỡi cô gái giang hồ! Đây là ngày tết. Ngày hôm nay là ngày thiên hạ tưng bừng đón chào xuân mới. Trước ban thờ khói trầm nghi ngút, đèn nến sáng trưng, cô gái ngồi với tráp giầu, sửa soạn chè nước tiếp khách và sẵn sàng đỏ mặt lên nhận những câu chúc đắt chồng, vào dịp xuân sang.
Cô gái giang hồ có biết những cái dĩ vãng tốt đẹp ấy chăng? Hay cô mê mệt vào cuộc truy hoan để chờ khi thấy mặt ta thì lại làm cho ta bồi hồi và giật mình bằng những câu như: "Nay mai anh xuống hát cho một chầu tất niên để em kiếm cái tết nhé!”  (Tết ăn mày)
3.3.2. Ngôn ngữ
Ngôn ngữ trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng vừa hiện đại vừa gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đó là một thứ ngôn ngữ không cần màu mè tô điểm, nó muốn bóc trần tất cả mọi sự thật dưới ánh sáng của chân lý.
3.3.2.1. Ngôn ngữ trần thuật, miêu tả chân dung.
Nhìn chung, khi nghiên cứu đặc trưng ngôn ngữ truyện ngắn, người ta phải quan tâm đến mối quan hệ giữa tiếng nói của nhà văn, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Người kể chuyện thường mạo danh tác giả, và giọng điệu thái độ của tác giả thường ẩn kín phía sau ngôn ngữ của người kể chuyện. Những năm gần đây, các nhà lí luận thường sử dụng khái niệm người trần thuật. Khái niệm này mang tính phân biệt rõ nét hơn. Trong tác phẩm, mọi sự biểu hiện , miêu tả, đều từ tác giả mà ra, song để tạo nên hình tượng nghệ thuật, tác giả thường tạo ra những kẻ môi giới đứng ra kể chuyện, quan sát, miêu tả. Có thể gặp trong tác phẩm người trần thuật (thường kể theo ngôi thứ nhất) và người kể chuyện (thường kể ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”). Tuy nhiên trong nhiều tác phẩm, người trần thuật xuất hiện ở ngôi thứ nhất. Trường hợp ấy, giữa người kể chuyện và người trần thuật có sự hòa lẫn vào nhau
Trong lời trần thuật, chúng tôi nhận thấy điểm nổi bật của Vũ Trọng Phụng là “biệt tài ký hoạ chân dung” dựng nên những bức “hí hoạ” độc đáo, đầy ấn tượng. Để dựng nên những bức hí họa ấy, ông đã sử dụng vốn ngôn ngữ quốc ngữ đầu thế kỷ vừa hiện đại vừa gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đây là  đoạn miêu tả chân dung kẻ lắm tiền nhiều của, chỉ thoáng qua nhưng lại gây ấn tượng mạnh nhờ lớp từ ngữ so sánh và lớp từ láy giàu hình tượng: Theo sau cặp trai gái xinh đẹp ấy, một ông béo phục phà phục phịch, hai bên má chảy xệ xuống như má lợn xề, hình như trời sinh ra chỉ để nhai toàn những của ngon vật lạ nên cái bụng nghênh ngang trên bộ giò chữ bát chẳng đủ sức khiêng ông, bắt cái đầu và cái ngực phải dồn cả lại đằng sau. Ông bày bụng ra một cách vênh váo, bệ vệ đi trước. Những từ láy phục phà phục phịch kết hợp với từ ngữ so sánh, nói quá như má lợn xề, bày bụng ra một cách vênh váo,… làm người đọc có thể liên tưởng đến chân dung huyện Hinh trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan.
Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng còn có những đoạn miêu tả cảnh khá đặc sắc. Đây là đoạn tả khung cảnh nơi bày bộ bàn đèn nhà Pierre Quyền:
Đèn thì là đèn pha lê trong vắt như nước lọc. Tẩu thì là tẩu "sái tách”, nghĩa là khi ta kéo xong một mồi thuốc, nằm lơ mơ vừa được một phút, thì tự nhiên nghe thấy một tiếng "tách” rất bí mật, rất hữu tình: đó là sái trong tẩu đã rời ra tự nhiên,…. Giọc thì là thứ giọc trúc tối cổ, bóng hơn sơn quang dầu, tay mó vào, dầu có mồ hôi, không phải lau cũng không thấy ướt. Kéo khêu bấc thì không phải là thứ kéo có bán tại các hiệu tạp hoá, nhưng là thứ kéo đặc biệt dùng để cắt ruột người của những ông đốc tờ chuyên nghề mổ xẻ, mua ở hiệu thuốc tây. Còn những cái lặt vặt khác như lọ đựng rượu, vịt dầu, lọ đựng kéo, gác tiêm, cũng toàn bằng pha lê cả. Và nổi hơn hết, cầu kỳ hơn cả, là một cái bàn tính nhỏ, khung bạc, chốt ngà mà con triện là những viên ngọc tròn, đỏ và xanh. Cái bàn tính ấy, Pierre Quyền dùng để đo lường sức tiêu thụ thuốc, cái lượng của khói đã lùa vào phổi... Một loạt những từ ngữ miêu tả trong sáng giàu tính nghệ thuật mà cũng rất riêng được Vũ Trọng Phụng sử dụng để nói lên cái “tài chơi” của con giai trọc phú “đèn pha lê trong vắt như nước lọc”, “Giọc thì là thứ giọc trúc tối cổ, bóng hơn sơn quang dầu”,  “Và nổi hơn hết, cầu kỳ hơn cả, là một cái bàn tính nhỏ, khung bạc, chốt ngà mà con triện là những viên ngọc tròn, đỏ và xanh.”
3.3.2.2. Ngôn ngữ đối thoại.
Ngôn ngữ đối thoại có ưu thế trong việc tạo nên những chân dung biếm họa về con người, xã hội; vạch trần những thói xấu xa, đê tiện của những hạng người bất lương trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng. Cũng như trong tiểu thuyết, phóng sự, truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng ngôn ngữ đối thoại luôn chiếm ưu thế so với độc thoại nôi tâm. Từ lí thuyết đến thực hành, Ăn mừng, Cuộc vui ít có, Chữa bênh bằng mồm,…hầu như chỉ toàn lời đối thoại. Lời thoại của nhân vật được cá tính hóa cao độ, thể hiện dấu ấn địa vị xã hội, nghề nghiệp và tính cách nhân vật.
Ngôn ngữ đối thoại có vai trò bộc lộ tính cách. Qua lời đối thoại của Lê Vân (Gương… tống tiền) với bạn, người đọc nhận ra sự tha hoá cùng cực của con người này: “Vân cười sằng sặc khoan thai kéo điếu thuốc lào rồi mới cắt nghĩa cho bạn nghe:
- Anh không tinh chút nào. Cách tống tiền của anh chỉ tổ để nó oán. Đằng này, tôi tống tiền mà nên ơn nên nghĩa, mà nó phải yêu thương kia…  Tôi mới đánh vào mặt cảm tình. Những lúc đọc thư, vứt thư vào lửa chỉ là đóng kịch cả. Thế cho nên có tiền ngay đấy, đấy anh xem… Ngôn ngữ, giọng điệu của Vân đã bóc trần sự tha hóa nhân cách của anh ta. Anh ta không khác con  sói đội lốt người trong Cô bé quàng khăn đỏ.
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng  còn sử dụng những thủ pháp nghệ thuật để tạo thêm sự sinh động cho các màn đối thoại như
Đối thoại trong đó các nhân vật thường lặp lại những từ, những mệnh đề, thành ngữ, khẩu ngữ quen thuộc:
- Thì việc gì anh phải khoe giỏi? Đám ma nhà chi hai Vòm lăn đường mẹ mới ngày hôm kia ... Anh bốc thuốc tài hơn tôi thật chứ lại ! ...
- A! a!... Nhưng bà cụ mẹ chi ta thọ đã ngoài sáu mươi rồi. Anh muốn đổ tại tôi ư? Thôi , sao anh không nhắc đến chuyện con đĩ Chắt anh bốc có hai thang mà lăn ra chết?
- Hai thang? Hai thang? Đứa nào ngoa ngôn thì giời đánh nhé? Ai bảo nó sốt lại đi ăn chuối tiêu vào !...
Hai thang à? Thế anh chỉ bán có một gói thuốc đau bụng mà thang nhiêu Toét suýt bỏ mạng thì sao? Thế mà cũng đòi là lang? Lang thế mấy lúc mà tù mọt gông! Lang băm ấy à!
- Lang băm? Có lẽ! ... nhưng không làm đọa thai người ta nào thì thôi!
- À! Anh này to gan nhỉ? Nói nốt đi, nói nốt đi xem nào?
- Chứ lại sợ à? Sẽ nói tại tòa sứ cho mà xem...
- Này không phải dọa... Quan tỉnh sẽ trói anh lại có ngày. Dễ không có người đau mắt nhờ anh đánh mộng rồi nổ con ngươi ra đấy ư?
- Số nó mù thì ai biết làm thế nào? Anh có muốn tôi nói rõ tên thằng bé sài suyễn mà anh cứ bốc mãi thuốc chữa dạ dày không?
- Anh là thằng khốn nạn nhé. Cả nhà chánh hội Bầu mắc ghẻ ruồi mà anh dám nấu cho nó thuốc timla anh quên rồi à?
Đoạn văn sau đây, tần số xuất hiện thành ngữ, khẩu ngữ khá dày đặc:
Bác trai, người mảnh khảnh, đen như củ súng, trán răn, má hóp, mắt kèm nhèm, mặc cái áo vải vá đã đến năm mười miếng mụn, đóng khố, vừa ngồi xổm xuống đất cầm lấy bát cơm, vợ đã vội hỏi:
- Bố nó hôm nay kiếm được bao nhiêu tất cả...? Ấy tôi chỉ được có bốn sóc cua hai xu với một mẹt tôm riu năm xu là bảy đấy thôi Gạo ăn bữa mai hết rồi…
- Hôm nay được thêm mẻ lươn thì, ác quá, gặp đứa nào cũng trả rẻ, lang thang khắp chỗ, mãi đến chiều chẳng thấy ma nào hỏi lại phải bán tống bán tháo đi ... cả ếch cả cá cũng chỉ được ngót hai hào.
Vợ nhìn chồng thở dài rồi lại nhìn đến niêu cơm. Thằng cu lớn xới một bát nhường cho em, còn mình thì cầm cái đũa cả, gắp những hột còn dính lại Bà lão lòa, ăn hết một lưng, tay lẩy bẩy chìa bát ra toan xin ít nữa, chưa kịp nói, bác gái đã quát:
- Hết rồi …! Còn đâu nữa mà chìa mãi bát ra ... Đến tôi đây quần quật suốt ngày, đã ốm cả xác mà cũng chỉ được có ba lưng thôi đấy. . Bà không phải làm gì, ngồi nhà ăn ít cũng được.
Bà lão giật mình, đớ người ra một lúc rồi đứng lên đi vào trong nhà, ngồi xuống bậu cửa, lấy cái tăm gài trên mái tóc xuống xỉa răng. (Bà lão loà)
Đối thoại qua những tranh luận, cãi vã, sát phạt lẫn nhau:
- Tôi xin uống ba chén rượu ông phạt! Nhưng nếu sang năm cụ Phán tôi lại khao thượng thọ nữa, thì ông sẽ đáp tôi ra sao? Và có lẽ ông chưa nghe kỹ bài hát!
Ông kia gân cổ lên, hùng hồn chẳng kém:
- Tôi cho ông phạt trước tôi ba chén nữa, sau khi ông uống ba chén mà các cụ phạt ông!
Nhiều người lên tiếng xôn xao, không chiu nhận trách nhiệm về ba chén rượu phạt ấy, ông kia lại nói:
- Sao tôi lại chưa nghe kỹ! Ông chả có câu: "Cất chén chúc mừng người trên thọ tịch” là gì! Vậy ông thử đọc tất cả câu đối đây xem có ai mừng thọ tịch không?
Có một người cãi hộ:
- Nhưng mà thọ tịch ở đây là ý phụ không phải ý chính!
Tham Châu vỗ vai ông kia, khẽ gắt:
- Thôi đi, tôi van ông nữa, ông đừng gây sự thế! Ông say lắm rồi! Và ông uống ít chứ!
- Thưa chú, tôi chưa say, và trước mặt công chúng thế này, xin chú đừng mắng tôi! Chú còn là đàn em biết chưa! (Ăn mừng)
Đối thoại trong đó một nhân vật nhại giọng của một nhân vật khác:
Đêm qua, bản báo phóng viên nằm mê, mê thấy bác lính lệ xõa tóc đến kêu rằng:
-Lạy ngài, ngài là bậc văn sĩ Nhất Đông Dương đáng là nhà báo giỏi nhất. Không phải con tự tử, chính con đã bi bức tử, chính con đã chết oan ! Xin ngài vì nước vì dân xin quan trên tống giam cái nắp ấm…
Nó đã phạm tội không vỡ.
Cái nắp không vỡ đã bức tử con. Vậy ngài làm ơn xin quan trên lôi nắp ra tòa, phạt nắp khổ sai chung thân hay biệt xứ !
Nói xong, oan hồn biến đi thì bản báo phóng viên tỉnh dậy.
Vậy có tin sau cùng này để đáp lại một mảnh hồn oan. Các độc giả thử so sánh xem: ngoài Nhất Đông Dương, báo nào có tin lạ thế? (Sao mày không vỡ, nắp ơi!)
Lớp từ Hán Việt được Vũ Trọng Phụng phần lớn sử dụng không phải với mục đích tao nhã, ngợi ca, mà luôn đặt ở sự mỉa mai, chát chúa, ngay trong lời đối thọa:
Chợt chồng em lại nói:
- Thí dụ như em chẳng hạn... năm nay em đã 24 tuổi rồi. Vậy mà ái tình đến với người thiếu nữ rất sớm. "Nữ thập tam nam thập lục" thật đúng như lời cổ nhân. Tạo hóa đã an bài ra thế, không một người con gái nào lại vượt qua được cái công lệ ấy. Vậy thì vào tuổi dậy thì, người ta phải mơ mộng, phải khao khát lòng yêu, phải để ý đến đàn ông. Anh nói chuyện đây là dựa vào khoa học chứ không nói hồ đồ, vu vơ gì. Đã thế thì không thể nào em lại không hề để ý đến một người đàn ông nào, trước khi là vợ anh, trong cái thời hạn từ mười tám đến hai mươi tư tuổi. Vì rằng không phải ở đời này chỉ có một anh là người đàn ông đáng yêu thôi, có phải thế không? (Cái ghen của đàn ông)
Theo chúng tôi nguyên nhân chính để Vũ Trọng Phụng sử dụng và thành công với lớp từ Hán Việt vừa nêu là giọng điệu châm biếm, giễu nhại, bởi các phương thức tổ chức ngôn ngữ trần thuật, đối thoại, … quy định. Điều ấy, lại phụ thuộc và quan điểm thẩm mỹ, nhân sinh quan của ông về con người, cuộc sống, xã hội, …
3.3.2.3. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm
Là nhà văn tài hoa, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam, Vũ Trọng Phụng có những cách tân, thể nghiệm táo bạo nhằm “đột nhập” vào thế giới nội tâm con người. Đây là đoạn độc thoại của bác cu gái trong truyện ngắn Bà lão lòa:
Bỗng trên trời mây kéo đen nghịt tối sầm hẳn lại, rồi nổi một cơn giông. Bác đánh giậm chạy vội ra sân vơ quần áo đem vào nhà, giục thằng cu lớn mau mau chạy ra để dắt bà về kẻo mưa to gió lớn (...)
(…) Rồi hiện ra lần lượt trong trí bác những ngày trở trời trái gió, những ngày lửa hạ chang chang, ruộng khô đồng nứt, kiếm chẳng ra tiền, hai đứa bé bò nheo bò nhóc, một niêu cơm ngô chia khắp cả nhà, bụng mẹ đã chẳng được no, còn lấy đâu ra sữa nuôi con... Mà bà lão lòa kia thì, ngày kiếm được một vài xu cũng như ngày không kiếm được đồng nào, chẳng nhịn được bao giờ, cứ đến bữa là ngồi vào mâm, chìa bát ra cho thằng cu sới Không, không! Không thể thế được... ! Bà lão ấy chỉ là một bà cô ... mà lại là cô họ một người chồng, có lẽ nào báo hại mãi nhau ...?  Trong đoạn văn, về hình thức là lời miêu tả tâm lý của người trần thuật, nhưng ngữ điệu, cảm xúc thì đã chuyển sang giọng của nhân vật. Ban đầu giọng người trần thuật là chủ yếu: “Bỗng trên trời mây kéo đen nghịt tối sầm hẳn lại, rồi nổi một cơn giông. Bác đánh giậm chạy vội ra sân vơ quần áo đem vào nhà, giục thằng cu lớn mau mau chạy ra để dắt bà về kẻo mưa to gió lớn”, nhưng sau đó người trần thuật ẩn đi để cho bác cu gái tự nói bằng giọng của mình: “Nghe câu ấy, bác gái ngồi ôm con một góc giường cau mày ngẫm nghĩ: thật vậy! Ba bốn năm nay, bác ta đã nhịn như nhịn cơm sống ấy rồi, quá lắm thì không chiu được. Mặc kệ bà ấy! để bà ấy chết quách đi cho rảnh mắt... ! ” Rồi dần dần, giọng người trần thuật lại hé ra: “Rồi hiện ra lần lượt trong trí bác những ngày trở trời trái gió, những ngày lửa hạ chang chang, ruộng khô đồng nứt, kiếm chẳng ra tiền, hai đứa bé bò nheo bò nhóc, một niêu cơm ngô chia khắp cả nhà, bụng mẹ đã chẳng được no, còn lấy đâu ra sữa nuôi con...” như để tạo nền cho giọng nhân vật quyết liệt hơn trước khi dứt tình với bà cô họ: “Không, không! Không thể thế được... ! Bà lão ấy chỉ là một bà cô ... mà lại là cô họ một người chồng, có lẽ nào báo hại mãi nhau ...? ”
Đoạn độc thoại nội tâm có tác dụng thể hiện rõ những suy tính cạn tình của vợ bác đánh giậm. Đây là thứ ngôn ngữ độc thoại hiện đại – ngôn ngữ đa thanh. Ngôn ngữ đa thanh có tác dụng tích cực trong việc khám phá nội tâm nhân vật, giải thích sự thay đổi của nhân vật cũng như khắc họa nhân vật. Nhân vật này là chân dung của những con người ti tiện, cạn tình nghĩa.
Tất cả những điều vừa phân tích chúng tôi khẳng định, chỉ riêng cấp độ ngôn ngữ, truyện ngắn Vũ Trọng Phụng có những đóng góp đáng kể cho sự hiện đại hóa của văn học quốc ngữ Việt Nam nói chung và thể loại truyện ngắn nói riêng.
KẾT LUẬN
1. Nhận xét về truyện ngắn Vũ Trọng Phụng
1.1. Ở quan niệm nghệ thuật về con người, đôi lúc nhà văn họ Vũ chông chênh bên bờ vực giữa niềm tin về sự thánh thiện của con người đồng thời ở đó cũng không ít lần nhà văn bi quan, nặng về lý thuyết của chủ nghĩa hiện sinh khi nhìn nhận, miêu tả và đánh giá nhân vật của mình.
1.2. Về mặt thể loại, truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng đã có những thành công và nó đã góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hoá văn học nói chung và sự phát triển của thể loại truyện ngắn nói riêng trong nền văn học dân tộc. Vì thế, khi nghiên cứu, đánh giá, nhận định về “hiện tượng văn học” Vũ Trọng Phụng không nên bỏ qua thể loại này của nhà văn.
1.3. Có thể do hạn chế về tư liệu (truyện ngắn Vũ Trọng Phụng mới được sưu tầm và công bố rộng rãi từ thế kỷ XXI) nên chưa có nhiều lắm những công trình xứng tầm về nó. Và có lẽ, cũng chính vì thế, đa phần độc giả chưa có điều kiện để đánh giá, nhìn nhận một cách đầy đủ, chính về thể loại truyện ngắn của một nhà văn mà tên tuổi và vị thế của ông đã vang danh với hai thể loại tiểu thuyết và phóng sự.
2. Kết luận
2.1. Thể loại văn học là phạm trù có vai trò quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu văn học. Nghiên cứu văn học theo hướng loại hình - thể loại đang là một hướng nghiên cứu đầy triển vọng. Trong nghiên cứu văn học và lý luận văn học, loại công trình nghiên cứu theo hướng này kể cả trên hai phương diện lý luận và thực tiễn khảo cứu nhìn chung còn ít ỏi và thiếu tính hệ thống, đặc biệt là truyện ngắn Vũ Trọng Phụng. Đây là vấn đề có nhiều ý nghĩa khoa học sâu sắc, song chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận và nghiên cứu nó.
2.2. Có thể nói tất cả các thể loại văn học, mỗi tác gia văn học đều có quyền bình đẳng trong nhận thức và phản ánh mọi hiện tượng đời sống. Tuy nhiên, trước nay, khi nó đến Vũ Trọng Phụng người ta thường nói đến tiểu thuyết và phóng sự, mảng truyện ngắn rất ít, thậm chí không được nhắc tới.
2.3. Nghiên cứu truyện ngắn Vũ Trọng Phụng chúng tôi làm công việc khảo sát, tổng hợp phân tích một cách hệ thống thể loại này dưới góc nhìn thi pháp học. Góp phần khẳng định chân dung của Vũ Trọng Phụng trên văn đàn Việt Nam hiện đại qua những truyện ngắn của nhà văn này.
2.4. Như đã nói, bước đầu nghiên cứu đề tài khoa học, vấn đề mà chúng tôi tìm hiểu tuy bản thân đã rất cố gắng nhưng mới chỉ là bước đầu. Nhưng đây là vấn đề thú vị, nhiều ý nghĩa, đòi hỏi công sức của nhiều nhà nghiên cứu. Chúng tôi hy vọng tiếp tục đề tài này, góp phần nghiên cứu nó ở một cấp độ cao hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân (tuyển chọn, 2001), Vũ Trọng Phụng, Chống nạng lên đường, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
2. Lại Nguyên Ân (tuyển chọn, 2003), Vũ Trọng Phụng, Vẽ nhọ bôi hề, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
3. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
4. Đinh Trí Dũng (2005), Nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng, Hà Văn Đức (1970), Văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
6. Phan Cự Đệ (1982), Nhà văn Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Phan Cự Đệ (chủ biên, 2005), Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Những vấn đề lịch sử và lý luận, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8. Phan Cự Đệ (2007), Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
9. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
10. Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên, 2003), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.
11. Nguyễn Thái Hoà (2003), Từ điển tu từ - phong cách - thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
12. Vương Trí Nhàn (tuyển chọn, 2001), Tuyển tập truyện ngắn Vũ Trọng Phụng,  Nxb Đông Tây, Hà Nội.
13. Trần Đình Sử (tổng chủ biên, 2007), Ngữ văn 11 (Bộ nâng cao) tập 1, Nxb Giáo dục Hà Nội.
14. Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam (1987), Lý luận văn học (tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
15. Trần Đình Sử, Nguyễn Thanh Tú (2001), Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
16. Trần Đình Sử (2002), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
17. Trần Đình Sử (2005), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
18. Trần Đình Sử (tổng chủ biên, 2007), Ngữ văn 11, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
19. Trần Đình Sử (tổng chủ biên, 2007), Ngữ văn 11 (sách giáo viên), tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
20. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
21. Nguyễn Như Ý (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
23/2/2010
Bùi Túy Phượng
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật Thơ Đường là kh...