Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2025

Ca từ trong những tình khúc của Trịnh Công Sơn

Ca từ trong những tình khúc
của Trịnh Công Sơn

Với Trịnh Công Sơn, khát vọng tình yêu, khát vọng hòa bình vượt lên trên tất cả những thiên kiến chính trị hẹp hòi. Những khát vọng cháy bỏng ấy khiến cho âm nhạc Trịnh Công Sơn sống mãi với thời gian.
Có người cho rằng Trịnh Công Sơn là một nhà thơ lớn. Nhạc chỉ là “chiếc xe tải” chở thơ anh đến với mọi người. Thực tế rất khó lòng tách bạch giữa thơ và nhạc trong những ca khúc của anh. Nhạc và thơ hoà quyện vào nhau, nương tựa vào nhau tạo nên những nhạc phẩm đã và sẽ làm say mê hàng triệu triệu trái tim qua bao thế hệ. Trong đó phải nói phần ca từ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Một số lượng khá lớn ca từ của Trịnh Công Sơn có thể tách ra trở thành những bài thơ hoàn chỉnh. Đã có người đề cập đến yếu tố siêu thực, sự mới lạ trong cách thể hiện, trong cách dùng từ, đặt câu… Ở đây, tôi chỉ đi sâu tìm hiểu những đặc điểm về nhịp điệu, cách gieo vần và biện pháp tu từ trong phạm vi những ca khúc viết về tình yêu của Trịnh.
Trịnh Công Sơn vừa viết nhạc chống chiến tranh vừa viết nhạc tình yêu để thể hiện khát vọng hoà bình và khát vọng tình cảm của mình. Trong số 600 ca khúc mà anh để lại có hơn 400 ca khúc là nhạc tình. Và nếu tách phần lời nó trở thành những bài thơ tình vào loại hay nhất hiện nay. Ca từ của Trịnh Công Sơn lời đẹp, ý sâu, âm điệu nhẹ nhàng, êm ái. Anh viết lời một cách dễ dàng, tự nhiên “như lấy chữ từ trong túi ra” (cách nói của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát). Tôi cứ tưởng tượng Trịnh Công Sơn viết nhạc không khác gì Nguyễn Bính làm thơ. Đây là những tài năng thiên phú. Những người như thế, phong cách hình thành rất sớm và nó chi phối gần như suốt cả cuộc đời sáng tác của họ. Thực ra, số lượng từ mà Trịnh Công Sơn sử dụng không lớn và có một số  từ được anh dùng đi dùng lại khá nhiều lần như: tay, vai, môi, vạc, non cao, vực sâu, nắng, mưa, sóng, biển, buồn, đau, chim, mây, gầy, đi, về… Các nhà thơ thời nhà Đường (Trung Quốc) cũng như vậy, chỉ với một số lượng từ lặp đi lặp lại mà biến hoá khôn lường. Trịnh Công Sơn có những cách ghép từ rất mới lạ như: tuổi đá buồn, hạ trắng, con tim mù loà, chợt hồn xanh buốt… Kiểu ghép lạ lùng như thế  khá phổ biến trong ca từ Trịnh Công Sơn. Nhưng theo tôi, đó chỉ là một phần rất nhỏ làm nên phong cách của anh. Nét riêng, dễ nhận thấy nhất là nhịp điệu trong các ca từ của Trịnh. Nhịp điệu trong ca từ là yếu tố vô cùng quan trọng làm nên nhạc điệu của ca khúc. Các nhạc sĩ tài năng đều có các kiểu ngắt nhịp riêng phù hợp với  nhịp điệu của cảm xúc. Trịnh Công Sơn cũng có rất nhiều kiểu ngắt nhịp. Ở bài Cát bụi chủ yếu là nhịp 3 – 4: Bao nhiêu năm – làm kiếp con người / Chợt một chiều – tóc trắng như vôi… Tạo nên nét nhạc trầm lắng, suy tư. Bài Tình nhớ ngắt theo nhịp 3 – 2: Một người về – đỉnh cao. Một người về – vực sâu… Tạo nên nét nhạc đứt đoạn như sự chia lìa. Nhưng kiểu ngắt nhịp 2 – 2 – 2 – 2… mới là kiểu ngắt nhịp phổ biến trong ca từ Trịnh Công Sơn. Chính kiểu ngắt nhịp này góp phần làm nên nhạc điệu chủ đạo trong gần một nửa tình khúc của Trịnh. Chẳng hạn như ở bài Biển nhớ: Ngày mai – em đi – đồi núi – nghiêng nghiêng  – đợi chờ / Sỏi đá – trông em – từng giờ / Nghe buồn – nhịp chân – bơ vơ… Ở bài Diễm xưa : Mưa vẫn – mưa bay – trên hàng – lá nhỏ / Buổi chiều – ngồi ngóng – những chuyến – mưa qua... Ở bài Hạ trắng : Gọi nắng – trên vai – em gầy / Đường xa – áo bay… Bài Ở trọ : Con chim – ở đậu – cành tre / Con cá – ở trọ – trong khe – nước nguồn... Cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu của nhạc Trịnh một phần là do kiểu ngắt nhịp khá phổ biến  này.
Vần cũng là một yếu tố quan trọng của cả thơ lẫn nhạc. Trịnh Công Sơn gieo vần hết sức linh hoạt, sáng tạo. Nhạc Trịnh dễ nhớ, dễ hát một phần cũng do lối gieo vần của tác giả. Cũng như Nguyễn Bính, Trịnh gieo vần một cách hết sức tự nhiên, không hề gò ép. Trịnh Công Sơn có nhiều cách gieo vần, nhưng cách gieo vần được anh sử dụng nhiều nhất, góp phần làm nên nét riêng trong ca từ của anh là cách gieo vần “chân” (các từ hiệp vần  đều nằm cuối câu) và thường liền với nhau từng nhóm ba câu một vần (độc vận). Chẳng hạn như: … đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ/ Sỏi đá trông em từng giờ/ Nghe buồn nhịp chân bơ vơ… Cồn đá rêu phong rủ buồn/ Đèn phố nghe mưa tủi hờn/ Nghe ngoài trời giăng mưa luôn… (Biển nhớ); Gió heo may đã về/ Chiều tím loang vỉa hè/ Và gió hôn tóc thề... (Nhìn những mùa thu đi); Gọi nắng trên vai em gầy/ Đường xa áo bay/ Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say/ Lối em đi về trời không có mây… (Hạ trắng); Màu nắng hay là màu mắt em/ Mùa thu mưa bay cho tay mềm/ Chiều nghiêng nghiêng bóng qua thềm...(Nắng thuỷ tinh);  Biển sóng – biển sóng – đừng xô nhau /  Ta xô – biển lại – sóng về đâu / Sóng bạc đầu – và núi – chìm sâu… (Sóng về đâu). Trịnh Công Sơn gieo vần dễ như “lấy từ trong túi ra”. Theo tôi, đây cũng là  năng khiếu bẩm sinh mà không phải bất cứ nhà thơ nào, nhạc sĩ nào cũng có được.
Một trong những yếu tố làm cho ca từ của Trịnh Công Sơn đẹp, giàu hình ảnh, giàu ý nghĩa gây ấn tượng khó quên đối với người nghe là cách thức sử dụng các biện pháp tu từ. Có người đã tỉ mỉ nhặt ra hàng chục biện pháp tu từ mà Trịnh sử dụng, như: ẩn dụ, nhân hoá, hoán dụ, so sánh, câu hỏi tu từ, điệp từ, điệp ngữ,  phép đối xứng… nhưng biện pháp tu từ nào được Trịnh sử dụng nhiều nhất, làm nên nét riêng trong những ca khúc của Trịnh thì hầu như cho đến nay chưa ai đề cập đến. Nghe và đọc gần bốn trăm tình khúc của Trịnh Công Sơn, tôi nhận thấy biện pháp tu từ mà nhạc sĩ sử dụng nhiều nhất chính là biện pháp so sánh. Biện pháp này chiếm gần một phần ba số biện pháp tu tù được sử dụng trong những tình khúc của Trịnh. Nhạc sĩ có một số so sánh hết sức bất ngờ, gây ấn tượng mạnh. Chỉ có Trịnh mới so sánh: tình yêu như trái phá / con tim mù loà; Tình yêu như vết cháy trên da thịt người; Buồn như giọt máu… Đối tượng được đưa ra so sánh chủ yếu là những hiện tượng thiên nhiên, gần gũi với đời sống hàng ngày. Chẳng hạn như : Tình yêu như biển, biển rộng hai vai / Tình yêu như biển, biển hẹp tay người. Lạc lối... (Lặng lẽ nơi này). Đây là cách so sánh mà không phải ai cũng hiểu. Tình yêu như biển thì quá rõ nhưng vì sao biển rộng hai vai? Điều này làm cho ca từ của Trịnh có những “nét nhoè”, kích thích trí tò mò của người nghe. Nhưng cách so sánh hơi khó hiểu ấy không nhiều. Phần lớn Trịnh Công Sơn chọn cách so sánh mà bất cứ ai cũng hiểu. Chẳng hạn như: Bao nhiêu năm làm kiếp con người / Chợt một chiều tóc trắng như vôi… (Cát bụi); Một người về đỉnh cao / Một người về vực sâu / Để cuộc tình chìm mau / Như bóng chim cuối đèo... (Tình nhớ); Trời còn làm mây, mây trôi lang thang / Sợi tóc em buồn, trôi nhanh, trôi nhanh / như dòng nước hiền… Tuổi buồn như lá / gió mãi cuốn đi / quay tận cuối trời... (Tuổi đá buồn); Cuộc tình lên cao vút / như chim mỏi cánh rồi / như chim xa lìa bầy / như chim xa lìa trời / như chim bỏ đường bay... (Tình sầu). Người bình thường chỉ có thể so sánh “như chim mỏi cánh rồi” là hết, nhưng Trịnh Công Sơn có thể so sánh liên tục  mà lại hết sức dễ dàng như lấy “từ trong túi ra”. Muốn so sánh dễ dàng như vậy phải có óc liên tương phong phú và nhạy bén. Với Trịnh, thiên nhiên là người bạn thân thiết sẵn sàng trở thành chất liệu giúp nhạc sĩ thể hiện ý tưởng, tình cảm của mình. Thiên nhiên không chỉ trở thành đối tượng để so sánh mà  còn biến thành hình ảnh ẩn dụ, nhân hoá trong những tình khúc của Trịnh. Nghe nhạc Trịnh,  ta bắt gặp rất nhiều các hình ảnh: Con chim ở đậu, con cá ở trọ; chợt buồn trong mắt nai; đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ; sỏi đá trông em từng giờ; cồn đá rêu phong rủ buồn; đèn phố nghe mưa tủi hờn; làm sao em biết bia đá không đau; ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau; gọi em cho nắng chết trên sông dài... Thực ra thì Trịnh Công Sơn cũng học cách nói của tiền nhân nhưng anh đã biến thành cách nói riêng của mình mà không ai có thể bắt chước được. Thiên nhiên đã hoà trộn vào hồn, vào máu thịt của Trịnh. Rất nhiều lần nhạc sĩ hoá thân vào gió, mây, trời, biển, sông, núi… như: Trời còn làm mây, mây trôi lang thang; Và gió hôn tóc thề… Trong nhiều ca khúc của Trịnh, người tình cũng được thiên nhiên hoá: màu nắng hay là màu mắt em; đoá hoa hồng vùi quên trên tay; chợt buồn trong mắt nai; tình gần như khói mây; nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa... Tất cả đó làm cho nhạc Trịnh không giống ai: đơn giản mà không đơn điệu, quen thuộc mà vẫn mới lạ, triết lý mà rất tình cảm, bình dị mà vô cùng sâu sắc…
Nói tình khúc của Trịnh Công Sơn, nếu tách ra phần lời trở thành những bài thơ tình hay nhất hiện nay, ngoài cái độc đáo về hình thức còn  gắn liền với những giá trị về nội dung. Khát vọng tình cảm thì ở người nào thời nào mà chẳng có. Tình yêu lứa đôi là nhu cầu không thể thiếu được của con người. Đây là đề tài vĩnh cửu và nguồn cảm hứng vô tận của văn nghệ sĩ trên toàn thế giới, ở mọi thời đại. Nó trở thành tiếng nói chung của toàn nhân loại (cũng như khát vọng hoà bình đâu chỉ bó hẹp trong một dân tộc, một quốc gia hay một giai đoạn lịch sử nào). Những ai đã yêu và nếm trái đắng của tình yêu mà không đồng cảm với những ca từ sau đây của Trịnh Công Sơn: Tình yêu như trái phá con tim mù lòa; Tình yêu như vết cháy trên da thịt người; Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu… (Tình sầu). Nghĩ đến ngày chia tay người mình yêu, ai không thổn thức cùng nhạc sĩ: Ngày mai em đi/ thành phố mắt đêm đèn vàng/ Nửa bóng xuân qua ngập ngừng/ Nghe trời gió lộng mà thương… (Biển nhớ). Ai rơi vào tình thế cô đơn  mà không tìm thấy tâm trạng của mình trong những những câu: Buồn như giọt máu/ Lặng lẽ nơi này/ Trời cao, đất rộng/ Một mình tôi đi/ Đời như vô tận/ Một mình tôi về/ với tôi… Ai khi đã về già mà không có những giây phút giật mình: Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi/ Lá úa trên cao rụng đầy/ Cho trăm năm vào chết một ngày... (Cát bụi).
Với Trịnh Công Sơn, khát vọng tình yêu, khát vọng hòa bình vượt lên trên tất cả những thiên kiến chính trị hẹp hòi. Những khát vọng cháy bỏng ấy khiến cho âm nhạc Trịnh Công Sơn sống mãi với thời gian.
2/4/2021
Mai Văn Hoan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cuộc cờ Ở Lạt ai chẳng biết ông Tư cờ. Tài danh trùm xứ sở đã đành, ông còn nổi tiếng bởi dăm món chơi ngông không giống ai. Nói nào...