Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm

"Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm"

Nhắc đến văn hóa Chăm là nhắc đến những biểu tượng đầy màu sắc như tháp Chàm, gốm Bàu Trúc, những điệu múa, tiếng trống paranưng, những đàn cừu đàn dê trên đồng cỏ cháy, những bãi cát rát bỏng nắng gió… Đây là một nền văn hóa lâu đời, đầy vóc dáng và bản sắc, góp phần làm phong phú nền văn hóa đa sắc màu của Việt Nam. Văn nghệ Quân đội có cuộc trò chuyện với nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Kiều Maily, người đã dành trọn tâm huyết cho việc nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm, ngõ hầu giúp bạn đọc hiểu hơn về những đóng góp của chị cũng như những câu chuyện còn khuất lấp phía sau nền văn hóa rực rỡ này.
– Xin chào nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hoá Chăm Kiều Maily! Thật vui khi được trò chuyện với chị ở đây. Chị thấy cách gọi nhà thơ hay nhà nghiên cứu văn hoá sẽ đúng với chị hơn?
+ Tôi nghĩ cứ gọi là nhà thơ thôi, đã là trịnh trọng lắm rồi (cười). Còn về nghiên cứu văn hóa Chăm, đang còn là câu chuyện của tình yêu, đam mê và chiêm nghiệm.
– Nghĩa là ít nhiều với thơ chị đã định danh được mình nhưng với nghiên cứu văn hóa thì còn dang dở, còn phải tiếp tục?
+ Nghĩa là tôi được biết đến qua thơ và tôi đang sinh hoạt thơ. Nghĩa là thơ, đương nhiên cũng còn đang dang dở, nhưng là tiếng nói chủ quan mình viết mình chịu không đúng không sai với người khác. Hi vọng thế. Nghiên cứu văn hóa thì khác, cần bằng chứng, cần phương pháp và lí luận khoa học. Trong khi tôi vẫn là người đi tìm những mảnh vụn, những câu chuyện đẹp của ông bà tổ tiên rồi ghi chép lại kí ức ấy.
– Tôi nhớ như in, trên hành trình đầu tiên của tuổi trẻ, tôi đã đi qua Ninh Thuận trong một nhá nhem, hình ảnh những đàn cừu từ chân đồi xa xa trở về chật kín khoảng sân rộng bên những ngôi nhà lúp xúp ven đường tàu của người Chăm đã mê hoặc tôi ghê gớm. Vẻ đẹp ấy luôn trở đi trở lại trong tôi. Tôi luôn nghĩ mình phải trở lại nơi này. 15 năm trôi qua, kể từ đó đến khi tôi thực sự được đến với Ninh Thuận vào năm ngoái. Tôi đã tìm lại được những hình ảnh trong kí ức xưa, và hơn thế nữa, tôi bị choáng ngợp trong sắc màu văn hoá Chăm. Tìm lại cái đẹp đã qua, như chị nói, là cảm thức mà những người có xu hướng truyền thống luôn mang trong mình. Nhưng con người thì hữu hạn, thời gian thì cứ dày lên, mà truyền thống thì cũng có nghĩa sẽ có sự mai một…
+ Tôi không biết bạn có thực sự tìm lại được vẻ đẹp của 15 năm trước, khi chỉ là người lữ hành thoáng qua, nhưng thật vui vì bạn đã trở lại Ninh Thuận theo cách này.
Hoạt động con người luôn thay đổi theo thời gian, truyền thống xưa và truyền thống đang hình thành. Luôn như thế, có nghĩa là câu chuyện xưa truyền thống xưa lần lần nhường chỗ cho những truyền thống mới theo nhịp sống hiện tại. Vấn đề là thời gian, nhanh hay chậm. Xưa, chậm vừa theo nhịp đồng quê, nay thì quá nhanh theo nhịp của đời sống toàn cầu hóa. Ví dụ: Xưa, phụ nữ Chăm không lập thành nhóm đi cà phê hay nhảy hiện đại như bây giờ. Thay vì bận làm bánh, làm ruộng, buôn bán… Nay thì bánh đi mua ngoài mỗi dịp có lễ hội hay có nghi lễ tôn giáo dẫn đến thực trạng không vui là các bạn thế hệ trẻ không nhớ cách làm các món bánh truyền thống. Trang phục thì cũng như nhiều cộng đồng trên thế giới, bị Tây hóa theo nhịp đẩy của truyền hình, của Internet. Trừ những ngày lễ hội, người ta không còn nhảy múa theo nhịp trống paranưng mà theo nhịp loa kẹo kéo. Nhịp làm việc hiện đại thay đổi theo lịch mới, những sinh hoạt hội hè theo mùa cũng mất dần. Thêm nữa, chế độ mẫu hệ trong khung luật pháp, hành chính phụ hệ cũng có nhiều bất cập.
Mai một nhiều hay ít? Có những người không cho đó là mất mát, có người không cho đó sẽ là những nuối tiếc tương lai. Có những người suy nghĩ ngược lại. “Riêng tôi vẫn âu lo đi tìm” … Biết thế nhưng cũng biết thêm rằng, tuy có những cá biệt, nhưng dưới một cái nhìn nào đó thì cũng không khác lắm giữa thân phận dân Chăm, thân phận người Việt và thân phận con người nói chung.
– Tôi đã may mắn được đến ngôi làng Chăm của chị, ấn tượng đầu tiên là mỗi gia đình người Chăm đều có những cái sân rất rộng và nhà nào cũng có một cây me cổ thụ ở góc sân. Chị đã lí giải rằng, cái sân rộng là để người Chăm làm lễ, còn me là gia vị không thể thiếu trong ẩm thực truyền thống của người Chăm. Khi ấy tôi nghĩ, có lẽ chị đã bắt đầu hành trình tìm lại và nghiên cứu văn hoá Chăm từ những điều gần gũi ấy. Xin hỏi, chị đã bắt đầu công việc này từ khi nào, theo cách nào? Có ai đồng hành cùng chị không?
+ Từ trong kí ức, ngay ở thời còn nhỏ, từ những hình ảnh quen thuộc như bạn thấy. Sau này tình yêu palei (làng) lớn dần rồi kết lại trong cuốn sách đầu tiên Độc đáo ẩm thực Chăm, được thực hiện sau những chuyến đi, ghi chép về văn hóa ẩm thực kéo dài cả chục năm, qua nhiều địa phương, qua nhiều nước. Lúc ấy mình đi trong sự thôi thúc của niềm tin yêu văn hóa dân tộc mình đang rực trào. Đi vì muốn tìm lại mình, tìm những mảnh vụn kí ức của ông bà tổ tiên. Độc hành, nhưng đâu đó luôn có người quý mến đồng hành như ba mẹ dặn dò, cộng đồng gởi gắm, những đàn anh đàn chị đồng tộc theo dõi, khích lệ và hỗ trợ.
Trên con đường dài lang thang thực địa, nhiều nét đẹp chân thành của văn hóa dân tộc, của quê hương càng ngày càng hiện rõ theo con đường được khai mở…
– Vậy hành trình độc hành nhưng nhiều hăm hở ấy đã mang lại cho chị được những điều gì?
+ Mỗi chuyến đi là những bài học quý giá nhất với tôi, cho tôi học được, hiểu được, được yêu, được sống và những suy tư, trăn trở cho chính tôi và cộng đồng của tôi. Tôi thấy toàn là thứ đẹp, cho dù là những kí ức vụn của tổ tiên, và đó là điều giúp tôi càng tò mò tiếp tục đi.
Trong những ngày chập chững tham gia những sự kiện văn hóa của cộng đồng, cũng như đi lang thang để tìm điều gì đó cho chính mình, có nhiều thứ tôi vẫn không nghĩ là tôi có thể. Giữa hai khoảng trống, tập thơ đầu tay cũng mang nhiều tâm tư về dân tộc mình.
Sau đó tôi tiếp tục những cuộc hành trình đi tìm giá trị về cuộc sống của bà con Chăm trong những món ăn truyền thống. Câu chuyện và hương vị, đã cho tôi nhiều cuốn hút đi tuy không biết là sẽ đi đâu. Độc đáo ẩm thực Chăm ra đời với mong muốn lưu giữ một số món ăn truyền thống Chăm chung trong thời đại hòa nhập những món ăn của toàn cầu. Lần tái bản tới sắp hoàn thành sẽ có thêm phần cho câu chuyện riêng từng món ăn.
Palei Phước Nhơn của tôi, là cuốn địa dư chí về làng mình với mong ước lưu giữ những câu chuyện của làng, về nhân vật, văn hóa, nghi lễ và những kỉ vật kỉ niệm của làng, tất cả khắc họa trong những tấm ảnh cũ mà tôi sưu tầm, ghi chép và điền dã…
Tôi đang ấp ủ để hoàn thành cuốn sách Y phục Chăm, đây là cuốn sách tôi dành rất nhiều tâm huyết, đi và tìm từ nơi nào có bà con Chăm sinh sống, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang đến Chăm Campuchia… Những câu chuyện của kí ức và hình ảnh tư liệu sẽ là điều mà tôi muốn lưu giữ cho các thế hệ con cháu Chăm.
Cả dự án trồng và bảo tồn những cây thuốc nam quý của ông bà tổ tiên đặc biệt là làng Pabblap của tôi, làm tiền đề xây dựng “Làng nghề thuốc nam Chăm” mà tôi đang và đã đi được gần nửa đường.
– Sự đón nhận, cổ vũ của cộng đồng người Chăm đối với công việc của chị như thế nào? Qua những điều chị chia sẻ tôi cảm nhận rất rõ tinh thần Chăm với những gắn kết rất đặc thù.
+ Chưa đến lúc kể ra tên tuổi của nhiều người tâm huyết đã hết sức hoan nghênh, dìu dắt cổ vũ. Qua những dặn dò đầy minh triết dân tộc, bằng tài liệu riêng quý hiếm. Dạy hát dân ca, dạy đánh trống. Kết nối.
Cùng nhau chúng tôi có một thời tuổi trẻ huy hoàng với tạp chí Tagalau, một cuốn sách tạp chí về văn chương văn hóa Chăm. Cùng nhau chúng tôi đã có những ngày tháng sôi nổi tình tự đấu tranh bảo tồn nghĩa trang cổ Ghur Raneh bị xâm lấn…
Cộng đồng Chăm có những nét tiêu biểu của một cộng đồng nhỏ, tự nương tựa nhau tự ràng buộc nhau để sống còn. Trong đó truyền thống mẫu hệ lại giúp trang bị cho phụ nữ Chăm niềm tự tin gánh vác trong công việc.
– Nhắc đến nghĩa trang cổ Ghur Raneh, tôi chưa quên buổi trưa tháng 9 năm ngoái, trong cái nắng nung rát bỏng đặc trưng của Ninh Thuận, bên bờ biển Ninh Chữ nên thơ, chị đã dẫn các nhà văn tham gia trại viết của Văn nghệ Quân đội đến thăm nghĩa trang cổ Ghur Raneh. Khi đó, chị đứng lặng rất lâu, tôi cảm nhận rõ sự thiêng liêng và có phần bí ẩn ở nghĩa trang này. Chị có thể nói kĩ hơn về nơi đây và những gì chị và cộng đồng Chăm hôm nay đã làm để bảo tồn nghĩa trang cổ?
+ Với người Chăm theo tôn giáo Bàni, ghur (nghĩa trang) cổ là dấu vết kí ức của tổ tiên xưa, là một phần rất quan trọng cho tinh thần Chăm, sinh hoạt mẫu hệ Chăm. Người Chăm Bàni không phân biệt nam nữ, độc thân hay có gia đình riêng, khi chết thì chôn theo dòng tộc mẹ. Mộ của người Chăm Bàni không xây kiên cố, mà chỉ đắp phủ cát, sau đó đặt hai hòn đá to lượm từ trên suối để đánh dấu theo hướng bắc – nam. Không ghi tên tuổi. Người Chăm Bàni không chôn trong hòm như người Kinh mà chỉ quấn thi thể bằng tấm vải mỏng. Trong mộ tộc họ được chôn khoảng cách nằm gần nhau. Người Chăm có câu “ndih di da gaup” nghĩa là cùng tộc họ mẹ nằm lên ngực nhau.
Ghur Girai Neh (hay Darak Raneh) là nghĩa trang cổ có niên đại gần 500 năm của người Chăm thuộc tôn giáo tín ngưỡng Bàni, nghĩa trang tọa lạc tại thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Khu vực ghur cổ này vốn được xem là khu đất thiêng mà bà con Chăm thuộc năm làng gồm thôn Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2, Phước Nhơn 3, An Nhơn và Lương Tri đến cúng tế ông bà tổ tiên vào dịp Ramưwan hàng năm.
Trước đây, Ghur Girai Neh gồm khoảng một mẫu đất, ở một vị thế rất đẹp. Một bên là biển, một bên là núi với con đường nhựa từ bãi biển Ninh Chữ dẫn đến khu du lịch sinh thái Vĩnh Hy, gần ruộng muối Đầm Vua. Chính con đường này, không hiểu quy hoạch thế nào, đã băng xuyên qua đất ghur cắt đất ghur làm hai mảnh. Năm 2014, trước nguy cơ đất ghur cổ 500 năm bị lấn chiếm, tình trạng lấn chiếm ngày càng cấp tập hơn, thô bạo hơn, tôi và các bô lão bằng tinh thần trách nhiệm với ông bà tổ tiên cùng lên tiếng, kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng để xây dựng hàng rào kiên cố bảo vệ. Việc làm này mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Thứ nhất, mảnh đất tổ tiên được bảo toàn nguyên vẹn. Thứ hai, để bà con người Chăm Bàni an tâm về nơi chốn tôn nghiêm không bị xâm hại, gây ô uế. Và cuối cùng, điều này còn nói lên được chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước, từ đó thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Tiếp đó, vào năm 2015, ghur cổ đã có cổng vào, có tường thành khang trang, hàng trăm dãy đá ghur (đang bị vùi trong cát) được phục hồi. Nơi đây là địa điểm thiêng liêng chẳng những dành cho người Chăm Bàni đến cúng tế trong dịp Ramưwan thôi, mà còn cho cả cộng đồng Chăm hành hương vào thời điểm thuận tiện. Bởi bà con Chăm kiều xa quê không phải ai cũng về đúng mùa chay tịnh được.
Ghur đã có từ thế kỉ 17, thời vua Pô Rôme – vị vua anh minh đã đóng góp cho văn minh nhân loại qua công trình hóa giải một cách sáng tạo giữa Bàlamon và Hồi giáo. Đây là di tích cổ nhất của người Chăm Bàni, góp phần nâng cao bề dày văn hóa cho vùng đất thiêng liêng ấy. Tôi hi vọng rằng một ngày không xa, nghĩa trang cổ gần 500 năm ấy của người Chăm Bàni với những dãy đá hòn độc đáo có một không hai trên thế giới, sẽ được công nhận và được quy chế “di tích quốc gia” bảo vệ gìn giữ. Và di sản quý báu ấy sẽ là một điểm đến quyến rũ cho bao người đi tìm dấu tích văn hóa.
– Chị thường nhắc nhiều về truyền thống mẫu hệ của người Chăm. Tôi cũng nhận ra niềm tự hào về truyền thống ấy trong những câu chuyện chị kể. Phải chăng đây cũng là điều quan trọng làm nên một Kiều Maily đầy nữ tính nhưng cũng rất mạnh mẽ, quyết đoán, độc lập? Chị có thể chia sẻ với bạn đọc Văn nghệ Quân đội về những điều đặc trưng nhất của truyền thống này?
+ Câu hỏi thật thú vị. Bạn và mọi người sẽ có những cảm nhận riêng về tôi, còn tôi cảm thấy mình thật tự hào khi mang dòng máu của người Chăm và đầy đủ những gì thuộc về người Chăm, trong đó có truyền thống mẫu hệ. Dòng tộc mẹ như là “trụ cột” trong mỗi gia đình Chăm.
Trước hết, chế độ mẫu hệ của người Chăm thể hiện rõ hơn cả là theo truyền thống cách bố trí khuôn viên nhà theo kiểu liên gia, tập trung nhiều gia đình thuộc cùng dòng họ gọi là Gaup. Trong một dòng họ có nhiều chi họ gọi là Ciet Prauk. Cho đến khi chết, tinh cốt người mất bên Cham Ahier (Balamon) sẽ được đưa vào Kut là nghĩa trang tộc mẫu; còn bên người Cham Bàni thì đưa vào Ghur. Tất cả đều thuộc về dòng họ mẹ.
Truyền thuyết về Bà Chúa xứ Pô Inưgar dựng nên vương quốc Champa cổ đại, gắn kết với sự hình thành và tồn tại của chế độ mẫu hệ Chăm. Trong quá trình lịch sử, những người đàn ông cũng có những lần muốn thay đổi trật tự này. Cũng theo truyền thuyết, Po Klaung Garai vào thế kỉ XII đã nghĩ ra một phương thức thử thách: thi đào mương. Cuối cùng thắng thế lại thuộc về giới nữ – chế độ mẫu hệ được khẳng định trở lại.
Trong gia đình Chăm mẫu hệ xưa và hiện nay, người con trai khi chưa có vợ, phải làm ăn ở chung với cha mẹ, còn khi đi lấy vợ thì về nhà vợ ở, nhưng lại không được chia tài sản do công sức mình đóng góp, trong khi người con gái được hưởng phần này. Khi có gia đình, dù đóng góp công sức của mình để làm ra của cải chung, nhưng vì một lí do bất kì nào mà li dị, hay nếu vợ mất hoặc khi đi lấy vợ khác, người đàn ông không được mang của cải hay con cái theo mà phải để toàn bộ chúng lại cho vợ hay người thừa tự bên vợ. Đàn ông Chăm hay nói với nhau rằng “Lo mà làm ăn không khéo có ngày bị vợ đuổi, chỉ được mang quần xà lỏn và xách cái rựa mà ra đi”.
Người Chăm xưa có câu “Adat drei kamei khik sang”, nghĩa là, phận gái giữ nhà. Người đàn ông có thể vùng vẫy bốn phương trời, có thể lấy người dị tộc, nhưng đàn bà thì ở lại, gắn chặt đời mình trong phạm vi thôn xóm, ít khi (và không có cơ hội) lấy chồng không là đồng tộc của mình. Bám giữ mảnh đất cha ông, phong tục tập quán xưa cũ, phụ nữ chịu đựng và hi sinh là vậy.
Do đó, có thể nói người Chăm khá “thuần huyết thống” theo dòng máu mẹ. Cùng với Chăm, hiện nay chế độ gia đình mẫu hệ vẫn còn tồn tại ở các dân tộc Tây Nguyên, như Êđê, Churu, Raglai,… với các tục lệ ở rể rất đặc trưng.
– Để có được những thành tựu, chị đã phải trải qua những gì? Chắc hẳn là không dễ dàng rồi, nhưng cụ thể thì thật khó hình dung. Chị có thể chia sẻ những kỉ niệm đáng nhớ của mình trong hành trình ấy?
+ Ôi những ngày lang thang thực địa ở Việt Nam, ở Campuchia và sống trọn vẹn với ba lô, xe máy, cá khô, máy tính, máy hình! Những kỉ niệm thoát ra từ khó khăn hàng ngày của “thân gái (nghèo) dặm trường” thì đầy ắp trên mỗi chặng đường mỗi chốn dừng chân. Chạy xe máy trong mưa ở các vùng Chăm Bình Thuận, xe hết xăng túi hết tiền, chỗ sửa xe đâu đó mơ hồ … Y như chuyện ngày xưa đạp xe đi lại từ nhà tới trường 13km giữa mùa gió Phan Rang cấp 10, 11. Xe bay theo gió cát trên đường vắng, vừa gò lưng đạp vừa khóc vừa cầu nguyện thần linh. Kỉ niệm thời đi tìm tiền in sách …
Có những bữa ngủ tạm bợ trong cái chòi bếp của bà con Chăm H’Roi. Có chuyến đến làng Chăm Churu gặp được bà con, các bà, các mẹ vui mừng đón tiếp như một đứa con vừa mới đi xa trở về, rồi gặp gốm Churu gợi nhớ về Bàu Trúc. Những đêm chuyện trò học làm bánh ở Campuchia, giã muối lá rừng với Chăm Churu, học làm cà ri với các bà mẹ Chăm An Giang Hồi giáo đội khăn rằn kiểu màu thổ cẩm …
Bao lần đi trên những đồng cừu tháng ba cỏ cháy, những đồi cát lung linh bốc hơi trong nắng chói, những bãi xương rồng gai nhọn quả đỏ. Tháp và tháp. Lẫn trong màu da nâu sậm, váy dài, áo ống, hàng cây thốt nốt xa xôi tuốt xứ Campuchia…
Lại có những cuộc gặp gỡ làm thay đổi cả cái nhìn, lái hướng ngang đi tìm quá khứ. Như khi lần đầu gặp bà con Chăm Campuchia trong bồi hồi nhận nhau đồng dòng tộc qua áo dài Chăm nguyên bản truyền thống được lưu giữ qua bao trăm năm chạy loạn. Ôm nhau khóc, “bên Panduranga Chăm vẫn còn à”. (Từ đó nảy ra ý định phải tìm hiểu, bảo tồn và trong chừng mực nào đó vinh danh áo dài Chăm như là phần không thể thiếu của bản sắc Chăm).
– Thật xúc động! Chỉ có những trải nghiệm và tình cảm chân thành gắn bó với cộng đồng mới có thể đem lại những câu chuyện, những gặp gỡ thiêng liêng mà gần gũi đến vậy. Chị khiến tôi mong muốn được hiểu biết thêm về áo dài Chăm nguyên bản truyền thống. Áo dài truyền thống Chăm có gì đặc biệt và khác áo dài hiện nay như thế nào?
+ Trong suốt chiều dài lịch sử chạy loạn của Champa , người Chăm đã di cư qua khắp Đông Nam Á nhưng áo dài Chăm vẫn luôn theo họ như là phần quan trọng nhất của kí ức cộng đồng. Trong hành trình đi tìm mảnh ghép của tổ tiên, tôi mang theo kí ức của người Chăm đang sống tại Việt Nam để đi tìm đến Chăm sống tại Campuchia. Qua tấm áo dài chúng tôi đã nhận ra nhau, là Champa vẫn còn, “áo dài Chăm vẫn còn đó” là lời thốt trào cảm xúc ở Campuchia của một cụ bà ngoài 80 tuổi với tôi. Ở Campuchia họ vẫn giữ nguyên áo dài như ngày chạy loạn mang theo từ mấy trăm năm, không biến tấu như áo dài hiện đại của người Chăm ở Việt Nam. Họ xem áo dài như là di sản tâm linh, mang hồn của cố đô Champa xưa của họ, gần như một “biểu tượng” để nhận ra nhau là Chăm.
Áo dài Chăm có nhiều tên gọi, tùy theo làng: Aw Kamei Cam, hay Aw dhai, Aw sè, Aw tah… So với áo dài Chăm cổ áo lá trầu còn dùng ở Campuchia, áo dài Chăm ở Việt Nam hiện nay có ba kiểu tiêu biểu: Aw dwa baung, Aw bak kwang, Aw dha baung.
Điểm khác với áo dài Việt là, áo truyền thống của người phụ nữ Chăm là áo dài không xẻ tà, mặc chui đầu mà họ gọi là Aw lwak. Áo có ba lỗ: một lỗ chui đầu và hai ống tay. Ngày nay, những người phụ nữ lớn tuổi vẫn đang mặc áo vá quàng này để lao động sản xuất trên đồng ruộng, nương rẫy hoặc công việc ở nhà. Nhưng mỗi cái áo luôn có hai màu (đen, đỏ, xanh, trắng hoặc tím vàng…). Áo chỉ là những tấm vải thô, trơn không có trang trí hoa văn. Cổ áo dài Chăm thường có kiểu cổ lá trầu, người Chăm gọi là kuai hala, cổ tim hay cổ tròn, mặc với váy ống rộng dài.
Áo dài Chăm là một biểu tượng truyền thống, là linh hồn cốt túy của dân tộc, sắc thái nổi bật nhất của bản sắc dân tộc Chăm cận và hiện đại. Đặc biệt là sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Chăm – Kinh. Qua quá trình giao thoa tiếp biến văn hóa không tránh khỏi biến đổi tùy theo từng hoàn cảnh trong lịch sử, những nền tảng ban đầu, những nét đặc trưng như loại áo dài bít tà, cổ lá trầu, cổ trái tim vẫn luôn được lưu giữ cho đến nay.
– Những tìm hiểu, nghiên cứu của chị quả thực rất có giá trị với cộng đồng Chăm nói riêng và những người đam mê tìm hiểu về văn hoá Chăm nói chung. Chị từng bày tỏ khát khao có được một bảo tàng văn hoá Chăm của riêng mình. Chị đã thực hiện điều đó chưa? Không gian văn hoá Chăm của chị hiện nay ở Hội An đang hoạt động và tạo được nhiều ấn tượng, nhưng dường như chị mong muốn nhiều hơn thế?
+ Bảo tàng văn hóa Chăm của riêng mình đang còn là mơ ước ấp ủ. Tôi mơ ước sẽ xây dựng bảo tàng nho nhỏ giữa làng Chăm của mình với hai chủ đề chính, một về những đặc trưng và nét đẹp mang hơi thở sống của cộng đồng xưa của ông bà tổ tiên và hai là về thuốc nam Chăm và câu chuyện những người Digan Chăm đổ mồ hôi chu du chữa bệnh bán thuốc trên khắp các nẻo đường Đông Dương.
Có những truyền thống cần giữ lại để sống đẹp, lại có những truyền thống cần giữ lại chỉ cho kí ức cộng đồng mai sau. Không được sống vui sống đẹp thì không “tự nguyện lưu truyền” được.
Với tôi, sống là được mặc áo dài lên tháp, là nao ghur, là nhảy múa với trống paranưng với kèn saranai, là cùng nhau hàn huyên gói bánh đội cái ciet đi cúng cho ông bà tổ tiên…
Về không gian văn hóa Chăm của tôi ở Hội An, chỉ là một không gian nhỏ, tôi muốn tạo sự ấm cúng, gần gũi đủ cho tôi tỏa năng lượng qua câu chuyện kể về tình yêu về cái đẹp của văn hóa dân tộc mình. Nếu có mong muốn thì tôi chỉ mong có một không gian trưng bày đầy đủ hơn nữa những hiện vật về văn hóa Chăm, nhưng cũng tùy duyên thôi, ai biết được trong tương lai…
– Tôi rất hứng thú với hình ảnh những người Chăm đi chữa bệnh bán thuốc trên khắp các nẻo đường Đông Dương mà chị nói, hình ảnh ấy vừa quen thuộc, lại vừa như huyền thoại, thực sự mang lại nhiều cảm hứng. Nhân đây chị có thể nói rõ hơn về đặc tính phiêu lưu của người Chăm?
+ Chăm là dân tộc phiêu lưu, họ phiêu lưu ngay từ khi thành lập vương quốc vào thế kỉ thứ II sau Công nguyên.
Trong kí ức của người dân Chăm là những cuộc ra đi… Nay vẫn thế, dù sống định cư ổn định, nhưng tính chất Digan ấy vẫn cứ chảy trong đời sống người Chăm.
Nếu không có những cuộc ra đi, thì người Chăm sẽ không làm nên nền kinh tế thị trường hàng đầu Đông Nam Á thời xưa ấy, họ đã làm nhiều cuộc thiên di buôn bán truyền đời từ ông bà. Những cuộc đi, xuyên đại dương, vượt lục địa để buôn bán, và buôn toàn mặt hàng “hiếm và độc” như trầm hương, tơ lụa, hương liệu, thổ cẩm …
Hình ảnh người dân tộc quấn xà rông hay mặc váy trên những chuyến xe đò dọc ngang, xuôi ngược khắp từ Bắc – Trung – Nam, hoặc ngồi chồm hổm các chợ vỉa hè với giỏ xách đầy vải vóc hay thuốc nam dân tộc, đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong mắt mọi miền.
Chăm Ninh Thuận đặc biệt người Chăm làng Phước Nhơn, An Nhơn,… với cái “ciêt agha harơk lên vai ra đi từ rất sớm…” đã in dấu chân của họ không trừ bất cứ vùng miền nào trên đất nước hình chữ S này. Cả những nơi hẻo lánh nhất, có khi sang cả vùng nước lân cận như Thái Lan, Campuchia, Lào, hay đảo Hải Nam.
Bao nhiêu trăm năm đi qua, những cuộc ra đi ấy vẫn không đổi. Tới đây, bất giác tôi nhớ lại thời ở xa thẳm của lịch sử dân tộc, người Chăm làm những cuộc ra đi, từ rất sớm, và cho tận đến ngày hôm nay.
– Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị và ý nghĩa này.
24/7/2024
Nguyễn Thị Kim Nhung
Nguồn: VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện Xưa Cầu Cá “Tôi viết lên đây với tất cả chân thành của lòng tôi trao em. Ngày nào đã quen nhau, vì chung hướng đời, mình trót...