Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

"Lời của gió" - Lời của nước mắt, nụ cười

"Lời của gió" - Lời
của nước mắt, nụ cười

Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Trần Thế Tuyển và thế hệ của mình, cả trước đó, sinh ra và lớn lên khi chưa kịp nhìn thấy giảng đường đại học đã phải ôm cây súng lặn lội trong bom đạn vượt Trường Sơn vô miền Nam đánh Mỹ, vừa đánh giặc, vừa tập làm báo, làm thơ khi có thể, may mắn đi tới tận Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, và không dám nghĩ có thể cùng quân và dân ta đi đến trận thắng lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.
Phải có một vốn sống dày dặn với nhiều đau thương, mất mát, những trận đánh ác liệt, những cơn sốt rét rừng dữ dằn, những trận địch càn tàn khốc…Trần Thế Tuyển mới có cho mình một vốn liếng báo chí và văn chương đáng tự hào. Về văn chương, đến nay, anh có 17 cuốn sách gồm các thể loại thơ, trường ca, truyện ngắn, truyện ký…Riêng thơ, là các tập “Dấu chân của Mẹ”, “Ngực Đá”, “Câu hỏi đời người”, “Dấu ấn” và các trường ca “Phía sau mặt trời”, “Gió thổi miền ký ức”, “Mẹ”, “Quốc giỗ”…
Trường ca mới “Lời của gió” của Trần Thế Tuyển mang đậm tính sử thi, hào hùng, bi hùng, bay bổng, đằm sâu với chiều kích thời gian và không gian rộng lớn. Ở chương 5, chương cuối trường ca, anh viết “Ngọn gió lang thang bến Nhà Rồng/ Nhân chứng “Người ra đi tìm đường cứu nước”/ Phượng vẫn đỏ như lời hẹn ước/ Ra đi và trở về…”. Hình tượng gió trong trường ca “Lời của gió” thổi dọc đất nước, xuyên suốt bài thơ “từ núi rừng Tây Ninh..”, “từ những cánh đồng/ Hướng Tây Nam, trận Cầu Voi máu lửa”, “Gió từ Vàm Cỏ Đông”, “Gió trong Dinh Độc Lập”, “Gió nơi miền biên ải”, “Gió và sóng lừng Thủ Thiêm”, “Gió từ Bến Nhà Rồng”. Trần Thế Tuyển nói những điều lớn lao về đất nước, về con người, về chiến tranh, về mất mát, đau thương, về chiến thắng, về niềm kiêu hãnh… bằng những hình ảnh, những chi tiết thật giản dị, xúc động và đầy mỹ cảm “Gió theo những binh đoàn từ núi rừng Tây Nguyên/ Hướng Tây Bắc tràn vào Thành phố/ Những Đồng Dù, Lái Thiêu … còn đó/ Khói bom chưa tan, chim én đã bay về”…hay “Có bà mẹ Sài Gòn đi tìm con/ Thằng Bảy, thằng Ba, con Năm, con Sáu…/ Hòa bình rồi, ở nơi đâu các con yêu dấu/ Về nhà đi, má nấu canh chua”… Nhà thơ khắc họa Ngày đại thắng 30/4/1975 thật riêng, thật gợi “Chính ủy Bùi Văn Tùng không thể nào quên/ Những người lính lấy máu mình nhuốm thân hình đất nước/ Những Thiềng, những Khơi, những Hoàng Thọ Mạc…/ Những “cánh đồng chó ngáp” máu và xương…/ Trưa nay Đài phát thanh, bên mình đanh thép/ Chấp nhận lời Tuyên bố đầu hàng”. Ngọn gió chiến chinh mà dân tộc, mà Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh phải hứng chịu, phải vượt qua đâu chỉ dừng lại ở đó. Hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đến gần ngay sau đó do sự phản bội đớn hèn và dã tâm bành trướng, bá quyền của láng giềng “Chưa trọn vui sau ngày toàn thắng/ Kẻ thù phía Tây Nam lửa biên ải đau thương/ Những Lò Gò, Xóm Giữa, Tân Biên/ Những Ba Chúc, Tịnh Biên, Hồng Ngự…” và “Tiếng súng đã vang…”/ Ngày mười bảy tháng hai năm ấy/ Một dải biên cương máu đỏ Kỳ Cùng…”. Chiến tranh với kẻ thù xâm lược lắng xuống, nhưng đất nước nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng lại phải đương đầu với giặc nội xâm. Đó là “Gió và sóng lừng Thủ Thiêm” (Chương IV).
Từ vùng đất anh hùng “Thủ Thiêm như mũi tàu rẽ sóng/Căn cứ xưa, nơi xuất phát bao trận đánh/ Khách sạn Ca Ra Ven, tòa Đại sứ, Đài Phát thanh…/ Những chiến sĩ biệt động Thành: Chín Nghĩa, Tư Tăng…/ Những Nguyễn Văn Thương, Thu Trang, Đoàn Ánh Tuyết…/ Từ Thủ Thiêm, bất thần xuất kích/ Nổ tung căn cứ quân thù…”. Vậy mà khi đi vào cơ chế thị trường, mở cửa và hội nhập, vùng đất ấy cũng bị những “viên đạn bọc đường”, những mũi dao từ bóng tối xuyên vào cơ thể “Gió tạo sóng lừng dưới đáy sông/ Sóng không ai nhìn thấy, hư không/ Mà lật tàu như bàn tay trở/ Dự án Thủ Thiêm như món nợ/Ước mơ xanh hóa hệ luỵ trầm kha…”. Nhưng, như hàng ngàn, hàng trăm năm đã đi qua, đất nước này, Thành phố này luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió “Gió từ bến Nhà Rồng/ Kể chuyện những thăng trầm/ Con đường đi lên đâu chỉ là thảm đỏ/ Mà chông gai, thách thức khó lường/ Gió nổi lên từ bến cảng Nhà Rồng/ Cho hạm tàu Thành phố/ Vì cả nước, cùng cả nước… cánh buồm no gió/ Ra khơi, đầy ắp những niềm vui”.
Đọc “Lời của gió”, ta nghe tiếng dịu dàng, lắng sâu, cả tiếng ầm ào, cháy bỏng của “con sóng dưới lòng sâu/con sóng trên mặt nước” (Thơ Xuân Quỳnh). Hình tượng thơ thật đẹp, đôi khi dữ dội, nhưng đằng sau câu chữ, hình ảnh, hình tượng ấy là tấm lòng thao thiết, đau đáu yêu thương của nhà thơ; trách nhiệm của một công dân gương mẫu, nhiều trăn trở, nhiều trắc ẩn. Với trường ca này, Trần Thế Tuyển đã có một món quà thật ý nghĩa dâng đất nước, cho thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu nhân kỷ niệm tròn 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển; Thành phố Hồ Chí Minh như con tàu vượt thác ghềnh, đón ngọn gió đổi mới thuận nhân, thuận thiên để ra khơi “Gió từ bến cảng Nhà Rồng thổi bùng lên/ Thành phố mang tên Người/ Năm mươi năm ngời sáng”.
Chú thích:
(*) PGS TS, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. 
Hà Nội, 30/6/2024
Nguyễn Thế Kỷ
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...