Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Bộn bề đời sống công nhân trong tiểu thuyết Hoa xương rồng của nhà văn Nguyễn Trí

Bộn bề đời sống công nhân trong tiểu thuyết
Hoa xương rồng của nhà văn Nguyễn Trí

Nguyễn Trí là một nhà văn khá nổi tiếng với những truyện ngắn, tiểu thuyết viết về đời sống của người lao động thành thị và nông thôn ở vùng Đông Nam Bộ thời kỳ trước và sau đất nước đổi mới. Tiểu thuyết Hoa Xương Rồng (Nxb Hội Nhà văn, 2023) là một thành công mới của Nguyễn Trí.
Tác phẩm đạt giải Nhất “Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Hoa Xương Rồng gồm 7 chương (299 trang) miêu tả đời sống, thân phận của những người công nhân, người lao động ở vùng công nghiệp X. Đọc tác phẩm, người đọc thấy hiện lên hiện thực ngổn ngang, bề bộn của đời sống công nhân thời công nghiệp hoá ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài với bao vấn đề phức tạp của đời sống xã hội và nhân sinh.
Truyện xoay quanh quãng đời lận đận của nhân vật Năm Thao cùng gia đình trong cuộc mưu sinh khó nhọc và hành trình đến với đời sống công nhân, rồi “Lấy lại quyền làm người”. Năm Thao vốn là một võ sĩ đã từng kiếm sống bằng nghề mãi võ, lang thang khắp các vùng quê để kiếm sống rồi làm thợ rừng mỗi năm sống ở rừng đến mười một tháng. Vì tai nạn, Năm Thao phải nằm viện ở thành phố nên gia đình khánh kiệt, phải bán cả ngôi nhà lá ở xóm Sông. Bà Hồng (vợ Thao) phải làm thuê làm mướn cùng mấy đứa con gồng mình bán vé số dạo để trả nợ. Không sống được ở thành phố, Năm Thao đưa vợ con về vùng công nghiệp X. Ở đây Thao làm nghề phụ hồ và dạy võ, bà Hồng làm phụ bếp trong một công ty, cô con gái tên Hương phải nghỉ học đi làm công nhân khi mới 16 tuổi. Năm Thao quen biết và kết giao với Minh, thường gọi là Năm Lựu Đạn, vốn là một công nhân đã từng gắn bó với công ty, hiểu biết tường tận nhiều vấn đề và mặt trái, những tiêu cực trong nội tình công ty. Là người sống cương trực và phóng khoáng, Năm Thao quen biết nhiều người và qua họ để đưa người nhà vào làm công nhân ở công ty, xin được hộ khẩu cho gia đình, làm được nhà và ổn định cuộc sống. Qua hành trình của nhân vật Năm Thao cùng gia đình từ xóm Sông nghèo khó lên khu công nghiệp và các mối quan hệ, người đọc biết được cuộc sống vất vả, bề bộn của công nhân và mặt trái của những công ty có chủ là người nước ngoài.
Không gian nghệ thuật của tác phẩm là vùng đồng bằng miền Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, Công nghiệp hoá, thập niên 80, 90 của thế kỷ trước cho đến nay. Nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài ào ạt vào nước ta để sản xuất, kinh doanh bởi lợi thế về địa lý, thị trường, mặt bằng và nhân công giá rẻ. Quá trình công nghiệp hoá ấy đã góp phần thay đổi diện mạo của những vùng đất vốn ngàn đời nay gắn bó với sản xuất nông nghiệp, với cây lúa cây ngô, đồng thời cũng cuốn theo nó bao rủi may, nổi chìm của số phận con người. Những người nông dân chân lấm tay bùn, những người lao động nghèo từ khắp các vùng quê, phố phường cùng con em của họ với nhiều hoàn cảnh khác nhau đã đến với khu công nghiệp X, trở thành công nhân trong các công ty, xí nghiệp. Một không khí lao động sản xuất rộn ràng, hối hả, tiết tấu đời sống sôi động, đô thị hoá bao trùm, ẩn chứa trong đó là hiện thực ngổn ngang, bề bộn, bất toàn của đời sống, bao vấn đề phức tạp, nhức nhối của xã hội và nhân sinh.
Đời sống của người lao động tự do như gia đình Năm Thao đã vô cùng bấp bênh, khó khăn cực nhọc. Mẹ con nhà bà Thao đi bán vé số: “lội bộ bắt đầu từ chân cầu Sài Gòn cho đến tận cầu Điện Biên Phủ rồi quanh lại. Tạt vào Xô Viết Nghệ Tĩnh qua cầu Thị Nghèqua đài truyền hình lọt vào Tôn Đức Thắng xuống bạch Đằng… Cả vài mươi cây số đi về chứ không ít”. Một gia đình 5 người không đất cắm dùi, không có hộ khẩu, phải chen chúc trong một phòng trọ hai chục mét vuông. Lo ăn từng bữa đã khó nhọc lại còn lo trả gánh nợ cả cây vàng vì vay tiền chữa bệnh. Tha phương cầu thực bằng lao động chân tay và buôn thúng bán bưng đều phải vay nợ nặng lãi để có vốn tậu cái xe đạp hoặc xe ba bánh làm phương tiện kiếm ăn. Khi trở thành công nhân trong xí nghiệp may mặc, đời sống có ổn định hơn nhưng cũng còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Trong công ty có chủ là người nước ngoài, được điều hành bởi những nhân viên quản lý người Việt tham lam và nhiều thủ đoạn, người công nhân phải lao động vất vả với đồng lương ít ỏi, bị đối xử thô bạo, bị chèn ép, bớt xén đủ đường.
Đời sống của người lao động càng khốn khó, nhọc nhằn hơn bởi những tệ nạn ngang ngược hoành hành trong nội bộ công ty cũng như ngoài xã hội như cờ bạc, ma tuý, trộm cắp và xã hội đen. Hoạt động cờ bạc, số đề, huê hụi, cho vay nặng lãi với lãi mẹ đẻ lãi con, như sợi dây thòng lọng siết chặt đời sống của công nhân và người lao động, nghèo đói lại càng thêm bế tắc, khốn đốn. Tình trạng ăn cắp phổ biến tràn lan trong công ty, từ người công nhân đến quản lý nhỏ to. Công nhân ăn cắp vặt mỗi ngày một ít vật liệu, vật tư từ chiếc kim may, ốc vít, thép, đồng, vv…Các cấp quản lý to nhỏ cũng ăn cắp vật tư, thiết bị với quy mô lớn hơn. Nếu công nhân bỏ ít thanh kim loại vào ăng gô đựng cơm để đưa về thì những kẻ quyền thế lại dùng đến cả ô tô để chở vật liệu ăn cắp ra khỏi công ty. Công ty Viet – Ta – Hung cho đổ rác thải chưa qua xử lý vào lô cao su, xả nước thải đầy chất kim loại nặng độc hại trực tiếp ra sông, thực chất cũng là hành động ăn cắp gian dối. Đây là hành động huỷ diệt môi trường rất nguy hiểm đang diễn ra khá phổ biến hiện nay trong các nhà máy, xí nghiệp, công ty ở nước ta. Đời sống của người lao động còn khốn khổ vì lối làm việc quan liêu, tắc trách của một bộ phận quan chức chính quyền địa phương. Đó là trường hợp gia đình Năm Thao phải khốn đốn, mất Hộ khẩu, không làm được Chứng minh thư, mất quyền làm người vì rời địa phương quá 6 tháng. Đó là thời gian gia đình ông phải bán nhà lấy tiền chữa bệnh, bồng bế nhau xuống Sài Gòn chăm bệnh. Hiện tượng quan chức ngành thuế tham lam, tiêu cực, dồn ép doanh nghiệp đến mức, những người mới khởi nghiệp, những doanh nghiệp nhỏ phải khốn đốn và phá sản, vv…
Tác giả đã dựng lên chân dung sinh động về những thế lực tiêu cực, đen tối được nguỵ trang khéo léo bởi cái vẻ bề ngoài của quyền uy và trách nhiệm. Mười Cường là một tên lưu manh, là một thứ trùm có số má cả ở ngoài xã hội cũng như ở khu công nghiệp. Đã thủ đoạn, Cường còn liều lĩnh và hung bạo như một con sói rừng. Hắn đi ra từ phố đỏ đèn, lấy tiền thu nhập từ chăn dắt gái gú và nhà trọ làm vốn buôn nán chất ma tuý. Từ trong bóng tối, Cường điều hành đàn em, khống chế những người quản lý, thao túng mọi việc, kể cả nhân sự của các xí nghiệp và các công trình, thậm chí khống chế cả đoàn nghiệm thu công trình cũng như nhiều vụ việc ngoài xã hội: “Nấp trong bóng tối, Cường điều hành mảng cấm. Nhưng ngoài ánh sáng, tất cả những thầu xây dựng muốn yên ổn làm ăn phải gặp riêng Cường”.
Nếu Mười Cường là trùm Ma – phi – a ngoài xã hội ở vùng Khu công nghiệp X, thì Đặng Trần Tuấn là trùm lưu manh trong Công ty Viet – Ta – Hung, là hình ảnh sinh động của quản lý người Việt trong công ty nước ngoài, một kẻ cơ hội, giảo hoạt và bất nhân. Là phó giám đốc xưởng sản xuất nắm quyền hành trong tay, Tuấn không từ một thủ đoạn nào để vun vén quyền lợi cá nhân, đè nén, áp bức người lao động.. Tuấn tìm mọi cách để bảo vệ vị trí của vợ chồng anh ta ở Phòng Hoá nghiệm, kể cả việc làm bẩn thỉu là bỏ thêm màu vào nồi nhuộm của hai sinh viên tập sự, khiến hai người này thất bại ê chề phải tháo lui trong tủi nhục. Tuấn giúp bà Nguyệt vượt qua bốn đối thủ chỉ năm trăm đồng để trúng thầu bếp của công ty để được ăn chia “chứ không hề đơn giản chỉ lại quả” và để mặc cho Nguyệt tha hồ ăn cắp bữa ăn của công nhân. Tuấn trù dập, gây khó dễ, đuổi việc những công nhân dám đấu tranh đòi quyền lợi: “Ghét ai, kỵ giơ ai, Tuấn chỉ cần điều chuyển công nhân đó xuống lò hơi hay làm sạch ông thoát nước…thì người đó sẽ tự động xin thôi việc, chứ không cần thanh lý hợp đồng”, vì thanh lý hợp đồng thì công ty Công ty phải trả tiền mà chủ nước ngoài không muốn mất người, mất tiền như thế. Trường hợp công nhân tên Hùng, vì thẳng thắn phản ánh tình trạng bữa ăn bị bớt xén với uỷ viên công đoàn Trần Văn Tâm, liền bị Tuấn điều từ bên đóng gói xuống lò hơi, bị phạt tiền và cuối cùng là bị đuổi việc. Trường hợp của Nguyễn Văn Minh cũng như vậy, vì dám đấu tranh mà bị dồn ép lên bờ xuống ruộng, hết khổ này đến nạn kia…
Trong nhọc nhằn lam lũ, công nhân và người lao động đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp. Năm Thao từ một người lao động tự do trở thành công nhân trong công ty, là một nhân vật có quá trình vận động của số phận và tính cách, có cá tính sắc nét. Vốn là người xuất thân từ dân phố, con quan, con nhà giàu nhưng vì thời thế phải trở thành giang hồ sơn lâm mãi võ, phiêu bạt khắp vùng sông nước miền Đông, “dọc ngang tầm Lương Sơn Bạc bên Tàu”, đến nơi đâu là biểu diễn võ thuật và bán thuốc “cao đơn hoàn tán”, rồi lên rừng chặt củi đốn than. Ở rừng buồn nên Năm Thao tìm đến rượu, làm bạn với rượu và tai nạn cũng đến với ông vì rượu, bệnh tật giày vò cũng vì rượu. Vợ con phải vất vả đi làm thuê, cái Hương – con gái đầu, phải bỏ học đi làm thuê kiếm tiền cho cha và gia đình, cu Huy phải lang thang bán vé số.
Năm Thao là người lương thiện, ngang tàng, trượng nghĩa, “giữ đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” theo kiểu Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Khi con trai bị bọn lưu manh cướp vé số, bằng mấy thế võ điêu luyện, Năm Thao đã trừng trị đám du côn, cả trùm lưu manh Mạnh Lớn, buộc chúng phải trả lại số tiên trăm tờ vé số. Năm Thao trừng trị tên lưu manh Mười Cường cùng đám tay chân của hắn và cũng nhờ đó mà kết nối mối quan hệ với Mười Cường, xin được việc làm cho con gái và giúp mình trở thành công nhân xây dựng. Năm Thao là người có ý thức tự trọng, đói sạch, rách thơm và biết cảm thông cùng người khốn khó. Dù giỏi võ nhưng ông không dùng sức mạnh đó để ức hiếp kẻ yếu hay kiếm tiền tuỳ tiện. Ông không lập băng nhóm xã hội đen, không bảo kê cho đám lưu manh, trộm cướp, không dính đến tội phạm ma tuý, không vi phạm pháp luật, không làm những việc trái với đạo lý. Ông chỉ dùng ưu thế của mình để để tạo lập những mối quan hệ bạn bè, từ đó kiếm việc làm lương thiện cho bản thân và vợ con. Năm Thao trả lời sự rủ rê của trùm tội phạm Thức Rồng: “đời tao nay đã năm mươi, hư hao có, hư hỏng cũng có luôn nhưng, gì chứ xì ke xì cọc không có tên tao. Bảo kê cho ka – ra – ô – kê thì quá bỉ ổi”. Năm Thao chịu khó học hỏi, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Ông ý thức về nghề xây dựng: “cái nghề này nếu không thành thợ thì bị sai phái như nô lệ suốt kiếp” nên đã cố gắng tập xây tô và học hỏi nhiều về kỹ thuật để trở thành thợ xây thực thụ. Năm Thao yêu thương và có trách nhiệm với vợ con. Ông nặng tình, nặng nghĩa tao khang với bà Thao; khi nghĩ về các con thì dằn vặt về trách nghiệm làm cha của mình, yêu thương các con, luôn lo lắng về công việc và học hành của con cái. Ông chân tình với bạn bè, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè và được mọi người sẻ chia, giúp đỡ. Con trai đi bán vé số bị xe tông gây thương tích phải nhập viện nhưng biết người gây tai nạn là cô gái nghèo khó, ông đã “không trách hay bồi hoàn chi đâu” mà còn an ủi cô ấy.
Nguyễn văn Minh (Minh Lựu Đạn) là một công nhân thông minh, thẳng thắn và là “một tay hoạt ngôn thứ thiệt”. Minh vào Viet – Ta – Hung với tư cách một công nhân thời vụ. Nhờ tài kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn và lao động có năng suất cao, Minh được Chủ tịch Công Đoàn Nguyễn Văn Quân đưa vào làm công nhân chính thức. Minh đã thẳng thắn vạch trần thủ đoạn bớt xén bữa ăn công nhân của bà Huyền – chủ bếp. Ông cũng vạch rõ bản chất lưu manh, gian dối, bất nhân của phó giám đốc Đặng Trần Tuấn và nhiều hiện tượng tiêu cực khác trong công ty, kể cả việc huỷ diệt môi trường của Công ty Viet – Ta – Hung. Biết được hoàn cảnh éo le của Năm Thao, Minh đã cho Năm Thao mượn đất làm nhà ở, khi nào có tiền thì trả. Đúng là tình bạn tri âm, nương tựa vào nhau theo đạo lý “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Nhờ đó mà những người lao động nghèo có thêm niềm vui sống, đồng cam cộng khổ và ý thức vượt lên mình. Với tư chất thông minh, ông Minh đã tham gia cuộc thi tuyên truyền về vai trò của công nhân và tổ chức Công đoàn của Công đoàn huyện đạt giải cao.
Bà Thao là một người phụ nữ cần cù, chịu thương chịu khó và một lòng chung thuỷ, hy sinh vì chồng, vì con. Bà theo Năm Thao từ “cái thuở ăn cám hèm đúng nghĩa đen, trọng ông như núi”, nên khi ông gặp nạn, bà đóng cửa nhà, dẫn hai đứa con lên Sài Gòn lo bệnh cho chồng. Bà bán cả mái nhà che mưa nắng ở xóm Sông được hai chỉ vàng và vay nặng lãi để có tiền thuốc thang cho chồng. Bé Hương (con gái Năm Thao), tám tuổi đã biết nấu cơm, mang quần áo của cả nhà xuống sông giặt giũ, mười bốn tuổi đã biết đi giúp việc kiếm tiền và 16 tuổi đã trở thành công nhân thời vụ trong xí nghiệp may. Bé Hương ngoan hiền, chịu thương chịu khó, yêu thương mẹ cha và trách nhiệm với gia đình. Hương bán vé số, phụ xe bánh mì, theo Ba TRâm phụ đám cưới rồi xuống Long Thành giúp việc cho tiệm vàng Duy Nghĩa. Khi trở thành công nhân trong Công ty may mặc, Hương lao động chăm chỉ và trưởng thành nhanh chóng. Huy cũng là cậu bé chịu thương, chịu khó, mười một tuổi đã phải bỏ học đi bán vé số dạo giữa phố phương xa lạ đầy bất trắc. Dù khó khăn, vất vả, em vẫn khao khát được đi học để tiến bộ.
Bằng sự trải nghiệm đời sống, nhà văn Nguyễn Trí đã thông qua các nhân vật, nhất là nhân vật Năm Lựu Đạn để vạch rõ những vấn đề nhức nhối, bất cập trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài làm ăn ở Việt Nam hiện nay. Trình độ quản lý yếu kém, chỉ chăm lo đến lợi nhuận công ty và lợi ích cá nhân mà ít quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Những mánh lới, những thủ đoạn tinh vi và bẩn thỉu của một số cán bộ quản lý người Việt, tệ nạn trộm cắp, bớt xén nguyên vật liệu từ nhỏ đến lớn của công nhân cũng như cán bộ quản lý. Công nhân chủ yếu xuất thân từ nông dân và lao động tự do, trình độ văn hoá thấp kém nên yếu về trình độ chuyên môn và ý thức công nghiệp, phần lớn họ phải lao động chân tay với những công việc nặng nhọc, bị chèn ép nhưng chưa biết đoàn kết để đấu tranh đòi quyền lợi. Ngòi bút của nhà văn đã lách sâu vào những ngõ ngách của đời sống công nhân, vạch rõ những tiêu cực, hạn chế, yếu kém, bất cập của cán bộ chính quyền cơ sở, của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là những tệ nạn xã hội còn tràn lan. Tác giả không ngại chỉ ra những hạn chế, yếu kém của người công nhân Việt Nam trong giai đoạn đầu Công nghiệp hoá, đồng thời, ông có sự thấu hiểu đời sống và tâm trạng của người công nhân với một niềm cảm thông sâu sắc, niềm tin đầy tính nhân văn vào phẩm chất tốt đẹp của con người. Đúng như nhà văn đã viết: “Xương Rồng là biểu trưng của sự mãnh liệt trong đức tính của con người. Dù có trải qua bao nhiêu khó khăn, thử thách vẫn bền bỉ vượt qua, đâm chồi và nở hoa”. Với bản chất lương thiện, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, sức sống bền bỉ dẻo dai, khả năng thích ứng với hoàn cảnh khó khăn, đối mặt với mọi thử thách của đời sống cùng những tiến bộ xã hội, sự vào cuộc của chính quyền và công đoàn địa phương, đời sống của công nhân và người lao động ngày càng được cải thiện và nâng cao, các tệ nạn xã hội dần bị đẩy lùi.
Tiểu thuyết Hoa Xương Rồng có kết cấu chặt chẽ theo từng chương, mỗi chương có tiêu đề riêng để định hướng người đọc; cốt truyện hấp dẫn với nhiều tình huống độc đáo có sức lôi cuốn. Nhân vật được xây dựng với tính cách khá sinh động, có quá trình diễn biến tâm lý và cá tính sắc nét thể hiện trong những hoàn cảnh cụ thể, đậm chất bình dân và chất Nam Bộ: thẳng thắn, ngang tàng, trượng nghĩa, lời nói giản dị, đời thường bổ bả. Tác giả đã thể hiện một giọng điệu và ngôn ngữ dân dã phóng khoáng pha chút trào tiếu dân gian. Những tri thức uyên thâm về lịch sử, văn hoá, văn học Đông, Tây, kim cổ được thể hiện qua lời kể, lời thoại của các nhân vật một cách hồn nhiên. Nhịp điệu thuật kể dồn dập, khẩn trương, phù hợp với tiết tấu của đời sống hiện đại, phù hợp với hiện thực ngổn ngang, bề bộn của giai đoạn Công nghiệp hóa, Đô thị hóa hiện nay. Đó là thành công của nhà văn Nguyễn Trí về đề tài Công nhân và Công Đoàn đã được ghi nhận, là đóng góp không nhỏ của nhà văn vào đời sống văn học hôm nay.
27/7/2024
Nguyễn Phương Hà
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện Xưa Cầu Cá “Tôi viết lên đây với tất cả chân thành của lòng tôi trao em. Ngày nào đã quen nhau, vì chung hướng đời, mình trót...